NGUY HIỂM SÓNG THẦN ĐỐI VỚI BỜ BIỂN VÀ HẢI ĐẢO CỦA VIỆT NAM
MAI XUÂN BÁCH1, CAO ĐÌNH TRỌNG1, VŨ TRỌNG TẤN2
1 Viện Vật lý Địa cầu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam,
18 Hoàng Quốc Việt, Q. Cầu Giấy, Hà Nội;
2Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam, 200 Lý Chính Thắng, Q.3, Tp. Hồ Chí Minh
Tóm tắt: Một quốc gia có hàng nghìn kilômét bờ biển như Việt Nam thì việc nghiên cứu, đánh giá dự báo nguy hiểm sóng thần là rất cần thiết. Chương trình mô phỏng lan truyền sóng thần trong môi trường nước nông, được phát triên trên cơ sở hàm Green, đã chuyển giao cho phía Việt Nam trong chương trình hợp tác khoa học giữa Việt Nam - Italy giai đoạn 2006-2008 để áp dụng tính mô phỏng lan truyền sóng thần cho Biển Đông Việt Nam. Các chương trình mô phỏng lan truyền và đánh giá nguy hiểm sóng thần đã được áp dụng cho Việt Nam trước đây, là các chương trình đang được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Những chương trình này được phát triển từ phương trình Bernoulli chủ yếu được áp dụng cho các vùng biển nước sâu. Trên cơ sở các nguồn tài liệu địa chất, địa vật lý phân tích kết hợp với tài liệu nghiên cứu về động đất và trường ứng suất Coulomb, các tác giả đưa ra 16 đứt gãy sinh chấn trong khu vực nghiên cứu. Động đất Mmax dự báo có thể xảy ra trong khu vực từ 7,0-8,85 độ Richter, lớn nhất là 8,85 tại đới hút chìm Manila. Với động đất lớn hơn 7,0 có thể gây nguy hiểm sóng thần đối với bờ biển và hải đảo Việt Nam; Nếu động đất, sóng thần xảy ra trên đứt gãy Sông Hồng, Sông Lô, Bắc Hoàng Sa, kinh tuyến 110o và Thuận Hải - Minh Hải gây ra sóng thần cao từ 2-5 m cho một số địa phương ven biển; Nếu động đất với M = 8,85 xảy ra tại Manila có thể gây ra sóng thần cao 5-6 m tại khu vực Quảng Ngãi và sóng thần cao 6-7 m ở các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.