NGHIÊN CỨU NHIỄM MẶN NƯỚC DƯỚI ĐẤT TRONG TRẦM TÍCH ĐỆ TỨ
VÙNG CỬA SÔNG VEN BIỂN TỈNH NAM ĐỊNH BẰNG PHƯƠNG PHÁP TRƯỜNG CHUYỂN
HOÀNG VĂN HOAN1, PHẠM QUÝ NHÂN2, FLEMMING LARSEN3,
ANDERS V. CHRISTIANSEN3, KIỀU DUY THÔNG1, TRẦN VŨ LONG1
1Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội
2Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước, 93/95, Vũ Xuân Thiều, Sài Đồng,
Long Biên, Hà Nội, 3Cục Địa chất Đan Mạch (GEUS), 1350 Copenhagen K, Denmark.
Tóm tắt: Việc sử dụng phương pháp trường chuyển (transient electromagnetic - TEM), kết hợp phân tầng địa chất thủy văn và kết quả phân tích thành phần hóa học nước dưới đất đã làm sáng tỏ sự phân bố mặn - nhạt của nước dưới đất trong các tầng chứa nước trầm tích Đệ tứ vùng cửa sông ven biển (Giao Thủy, Xuân Trường, Trực Ninh và Hải Hậu) tỉnh Nam Định. Trong khuôn khổ bài báo này, các tác giả xin giới thiệu kết quả và khả năng áp dụng phương pháp trường chuyển trong việc xác định hiện trạng nhiễm mặn các tầng chứa nước nói riêng và đới bão hòa nước nói chung. Với 61 điểm đo TEM, bằng cách sử dụng các phần mềm SITEM / SEMDI với mô hình luận giải ba, bốn và năm lớp. Các kết quả phân tích thành phần hóa học của nước dưới đất đóng vai trò là tham số hồi quy và kiểm chứng trong việc xác định ranh giới mặn - nhạt. Kết quả của nghiên cứu đã xác định tiềm năng các tầng chứa nước trầm tích Đệ tứ, đặc biệt là phạm vi phân bố mặn nhạt của tầng chứa nước Pleistocen hệ tầng Hà Nội trong vùng nghiên cứu.