KIỂU ĐỊA HÌNH “HOA VĂN” TẠI BÁN ĐẢO BARTON, ĐẢO KING GEORGE, NAM CỰC
DOÃN ĐÌNH LÂM
Viện Địa chất-Viện KH&CN Việt Nam, 84, Chùa Láng, Đống Đa, Hà Nội
Tóm tắt: Địa hình “hoa văn” là một kiểu địa hình đặc biệt, liên quan đến băng giá vĩnh cửu (permafrost) và quá trình luân phiên đóng băng - tan băng. Kiểu địa hình này tương đối phổ biến tại các khu vực vĩ độ cao (từ 600-700 trở lên). Nét đặc biệt của kiểu địa hình này là có hình dạng vòng tròn (đường kính 0,5-1,0 m) với các mảnh đá kích thước lớn bao xung quanh rìa và các mảnh đá với kích thước nhỏ phân bố ở trung tâm, tạo nên bức tranh rất đa dạng và hấp dẫn. Kiểu địa hình đặc biệt này hình thành do hiện tượng căng phồng của băng và quá trình đóng băng - tan băng xảy ra kế tiếp nhau. Bài báo giới thiệu đặc điểm hình thái và quá trình hình thành hai kiểu địa hình “hoa văn”cơ bản ở bán đảo Barton, đảo King George, Nam Cực: kiểu địa hình đa giác và kiểu địa hình vòng tròn, nhằm mang đến cho người đọc một bức tranh kỳ thú của thiên nhiên tại vùng Nam Cực.