VĂN BẢN PHÁP LUẬT MỚI
CƠ QUAN BAN NGÀNH
LIÊN KẾT WEBSITE
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Đang Online :
85
Tổng lượt :
6484416
Tiến tới sự bền vững năng lượng

TIẾN TỚI SỰ BỀN VỮNG NĂNG LƯỢNG

Phỏng vấn trực tiếp GS.TS Widjajono Partowidagdo, 
Ủy viên Hội đồng Năng lượng Quốc gia (DEN) Indonesia

 


Tháng 12/2011, GS.TS Widjajono Partowidagdo, Thứ trưởng Bộ Năng lượng và Khoáng sản Indonesia đã cùng với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Nguyễn Minh Quang làm Đồng Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng các nước ASEAN về Khoáng sản lần thứ 3 (AMMin 3) tại Hà Nội. Chỉ qua lần tiếp xúc ngắn ngủi trong thời gian Hội nghị, nhiều người đã thấy ở ông toát lên sự gần gũi, giản dị, khiêm nhường, nhưng cũng không che dấu đi sự uyên bác. Bất ngờ và đau buồn khi nghe tin ông đột ngột tử nạn trong chuyến leo núi ngày 21/4/2012. Tìm hiểu về ông qua các phương tiện thông tin đại chúng ở Indonesia, phát hiện ra rằng ông là một nhân vật có uy tín và ảnh hưởng lớn trong xã hội và nền kinh tế của Indonesia. Tình cờ đọc được nội dung của một cuộc phỏng vấn dưới đây thấy tâm đắc và giá trị nên chúng tôi giới thiệu để bạn đọc tham khảo.

Cuộc phỏng vấn đặc biệt với GS W. Partowidagdo được tiến hành vào ngày 12/5/2009 sau khi ông chia sẻ quan điểm của ông tại chương trình hàng tháng của TDG (Technical Discussion Group) của Phân hội Java, Hiệp hội các nhà Công nghệ dầu khí (SPE Java Section). Cuộc nói chuyện của ông đề cập đến tầm nhìn năng lượng hiện nay, trong đó thế giới ngày nay tiêu thụ 230 MMBOEPD, trong đó dầu khí cung ứng 60%, than cung ứng 20% và hạt nhân, hydro, gió và mặt trời cung ứng 20% còn lại.

 

 

Hình 1. Đồng Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng các nước ASEAN về Khoáng sản lần thứ 3 tại Hà Nội (AMMin 3): Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Nguyễn Minh Quang (ở giữa, Thứ trưởng Bộ Năng lượng và Khoáng sản Indonesia Widjajono Partowidagdo (bên phải) và Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Nguyễn Văn Thuấn (bên trái).

Đến năm 2020, nhu cầu năng lượng toàn thế giới có thể tăng đến 285 MMBOEPD với 80% của sự tăng trưởng thuộc các nước đang phát triển. Đây là một nhiệm vụ khó khăn cho các nhà chức trách, các công ty và các nhà chuyên môn về dầu khí.

Cuộc nói chuyện của ông đề cập đến nội dung bền vững kinh tế công nghệ của Nghị định Tổng thống Indonesia tháng 5/2006 đặt mục tiêu đóng góp 17% năng lượng tái tạo vào tổng thể năng lượng Indonesia tới năm 2025, trong khi đóng góp của khí tự nhiên được ấn định tăng từ 27% đến 31% và than từ 14% đến 33%. Nghị định này dường như bỏ qua những giới hạn về sự phổ biến và khan hiếm năng lượng không tái tạo của chúng ta.

Hình 2. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Nguyễn Linh Ngọc hội đàm với Thứ trưởng Bộ Năng lượng và Khoáng sản Indonesia Widjajono Partowidagdo.

 

Trong cuộc phỏng vấn giản dị này có mặt các lãnh đạo của Ban Chấp hành Phân hội SPE Java gồm ông Deden Supriytman (Chủ tịch), Prijo Hutomo (Lãnh đạo TDG), Yani Siskartika (Ủy viên BCH), Dian N. Cahyono (Ủy viên BCH), Megawaty (quan chức của Hiệp hội). Deden Supriyatman (DS) bắt đầu cuộc phỏng vấn như sau:

DS: Thưa GS Widjajono, xin cám ơn vì đã dành thời gian, SPE đánh giá cao bài trình bày của ông về Năng lượng bền vững trong Chương trình TDG của chúng tôi. Đó là một chương trình được mến mộ của SPE Java. Đầu tiên, ông có thể cho chúng tôi biết nguyên nhân vì sao ông theo đuổi ngành học công nghệ dầu khí tại Đại học Công nghệ Bandung (ITB)?

GS W. Partowidagdo (WP): Lúc đầu, tôi dự định xin học công nghệ hóa học và dược học, bởi vì tôi yêu thích hóa học. Tuy nhiên, sau khi đọc cuốn sách Hướng dẫn sinh viên, do Ban Sinh viên của ITB xuất bản, tôi đã lựa chọn công nghệ dầu khí và công nghệ hóa học....

DS: Nói chung, những mấu chốt nào theo ông là cần thiết để cải thiện phúc lợi ở đất nước chúng ta?

WP: Theo sự hiểu biết của tôi, có bốn vấn đề mấu chốt có thể giúp nâng cao phúc lợi của đất nước ta. Đầu tiên là các quan chức chính phủ trong sạch và chuyên nghiệp. Thứ hai là các nhà khoa học hàn lâm nói lên sự thật trên cơ sở hiểu biết của họ. Thứ ba là những người giàu có giúp đỡ các công dân nghèo khó nước mình. Thứ tư là người dân nói chung cần phải kiên nhẫn, làm việc và học tập chăm chỉ và cố gắng trở nên độc lập. Các vấn đề này phải được tích hợp với sự điều phối hợp lý, đầy năng lượng và hợp tác. Hơn nữa, một đất nước mạnh là một đất nước biết rút ra các bài học từ những sai lầm của lãnh đạo và nhân dân nước mình cũng như lãnh đạo vào nhân dân các nước khác. Chúng ta đang học tập để trở nên tốt hơn. Hiện tại, nếu chúng ta biết thay đổi thói quen và nhớ về những sai lầm trong quá khứ, chúng ta sẽ phát triển bền vững.

DS: Ông có thể chia sẻ ý kiến của mình về vai trò của các hội nghề nghiệp?

WP: Vai trò quan trọng nhất của các hội nghề nghiệp là phục vụ các đối tượng hữu quan chính, các thành viên của mình trên phương diện kỹ thuật và phi kỹ thuật, phục vụ các nhà chức trách trong việc cải thiện nền công nghiệp bằng cách đề xuất các giải pháp thực tiễn nhất, chẳng hạn như là giảm thiểu sự quan liêu.

DS: Ông có thể đưa ra một ví dụ đơn giản về việc triển khai sự bền vững năng lượng?

WP: Tôi sử dụng xe buýt và hệ thống giao thông công cộng nhiều hơn là sử dụng xe hơi riêng. Một mặt nó tiết kiệm năng lượng để dành cho giao thông công cộng. Tôi tin rằng nếu mọi người đều nhận thức được vấn đề này thì đất nước ta sẽ tiết kiệm được rất nhiều năng lượng. Các xe cá nhân tiêu thụ rất nhiều năng lượng được trợ giá. Mặt khác, cần luôn luôn khuyến khích sử dụng các năng lượng thay thế và tái sinh, chẳng hạn như địa nhiệt và khí methan từ các mỏ than (CBM). Tăng cường nguồn thu của chính phủ lên than (bằng cách tăng lệ phí cạn kiệt tài nguyên) để trang trải cho chi phí chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng, liên quan đến khai thác than và ô nhiễm dưỡng khí. Cái giá của mưa axit và thảm họa biến đổi khí hậu ở Sumatra và Java có thể khuyến khích đầu tư vào các nguồn năng lượng bền vững, tái sinh và sạch như là địa nhiệt, nhiên liệu sinh học, microhydro, gió và mặt trời.

DS: Thế giới đang trải qua cuộc khủng hoảng tài chính mà nó cũng ảnh hưởng đến đất nước ta. Ông là một nhà kinh tế dầu khí, mà các nhà kinh tế lỗi lạc khác thường liên hệ với Adam Smith. Ông bình luận như thế nào về lý thuyết của ông ấy về nền kinh tế thị trường?

WP: Lý thuyết của Adam Smith là đúng, cho người ta thấy phải chú trọng cân đối cả trách nhiệm bản thân (self-restraint) với quyền lợi bản thân (self-interest). Hiện nay, rất nhiều nước chỉ quan tâm đến tư lợi mà không quan tâm đến trách nhiệm của mình, dẫn đến sự mất cân bằng và các cuộc khủng hoảng kinh tế. Sự quan tâm quyền lợi bản thân có nghĩa là ý muốn đạt được kết quả tối đa cho mình, còn để đạt kết quả tối ưu chúng ta cần phải tính đến trách nhiệm. Trách nhiệm là sự chia sẻ cái chúng ta đạt được với người khác. Nếu chúng ta muốn Chúa yêu thương chúng ta, chúng ta phải yêu thương những thứ mà Chúa tạo ra. Kinh doanh bền vững không phải là tối đa hóa lợi nhuận, mà là tối đa hóa giá trị cho tất cả các bên hữu quan: cá nhân, xã hội và môi trường.

DS: Chúng ta có thể làm gì để cải thiện đời sống khoa học và nền giáo dục của đất nước.

WP: Hãy thu thập thêm nhiều nguồn kinh phí để hỗ trợ hợp lý cho nền giáo dục của nhân dân chúng ta. Nền Phục hưng Meiji ở Nhật Bản là sự phục hưng về giáo dục. Họ đã thay thế hệ thống giáo dục “để nhớ” của Nhật Bản bằng hệ thống giáo dục “để hiểu” của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, sau khi xã hội Nhật Bản chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của lối sống Hoa Kỳ như đã thấy trong “Người Samurai cuối cùng”, người Samurai đã phản kháng. Sau khi những người Samurai bị giết vì quân đội Kaisar được hậu thuẫn bởi vũ khí hiện đại Hoa Kỳ, người Kaisar đã hối tiếc và nói: “Chúng ta theo đuổi hiện đại hóa, nhưng chúng ta không được quên chúng ta là ai và đến từ đâu”. Nguời Nhật đã chấp nhận đời sống khoa học và hàn lâm phương Tây đồng thời bảo tồn các truyền thống và văn hóa của mình. Nước Nhật Bản đã tiến bộ trong khi vẫn duy trì truyền thống của riêng mình. Chúng ta có thể làm tương tự như vậy ở Indonesia.

DS: Nói về phí hạn chế cạn kiệt tài nguyên từ dầu khí, chúng ta có thể phân bổ nguồn tài chính này cho những đâu?

WP: Chúng ta có thể phân bổ các nguồn này cho: 1/ Thu hút các nhà đầu tư bằng việc cung cấp thông tin tốt hơn về thăm dò dầu khí, địa nhiệt và khí methan trong mỏ than; 2/ Phát triển năng lực quốc gia (các công ty, giáo dục và nghiên cứu) trong cả năng lượng tái tạo và không tái tạo; 3/ Phát triển hạ tầng để hỗ trợ phát triển năng lượng; 4/ Trợ giá cho giao thông vận tải công cộng; 5/ Giáo dục người dân sử dụng năng lượng hiệu quả. Chúng ta biết rằng người dân nên sử dụng giao thông công cộng để tối thiểu hóa tiêu thụ năng lượng và ô nhiễm.

DS: SPE có thể làm gì để hỗ trợ công việc của Hội đồng Năng lượng Quốc gia?

WP: Đóng góp cho Hội đồng Năng lượng Quốc gia hoặc Chính phủ các nghiên cứu cụ thể, các bài học kinh nghiệm với các đề xuất thực tiễn nhất. SPE cũng có thể hỗ trợ các nhà nghiên cứu để đạt được các kiến thức thực tiễn cần thiết để đóng góp tốt hơn cho phúc lợi công cộng và sự bền vững năng lượng.

DS: Chúng ta tăng sản lượng dầu mỏ ở nước ta như thế nào?

WP: 1/ Chính phủ phải tăng cường chất lượng của môi trường đầu tư bằng cách tối thiểu hóa sự tham nhũng, tăng cường phối hợp giữa hành pháp và lập pháp, giữa chính quyền trung ương và địa phương, giữa các bộ ngành và tăng cường chất lượng các qui định và thủ tục hành chính. 2/ BPMIGAS phải đơn giản hóa thủ tục hành chính. Sẽ tốt hơn bằng cách tuyển dụng các nhân viên cũ của các công ty KKKS, những người có kinh nghiệm trong kinh doanh dầu mỏ quốc tế và bằng cách có được các đại diện trong các công ty KKKS. Chất lượng giao tiếp giữa Ban lãnh đạo MIGAS, BPMIGAS, KKKS cần được cải thiện. Cơ quan P3M (giám sát tăng sản lượng) cần tiếp cận Chính phủ và KKKS để xác định các vấn đề và cùng giải quyết chúng.

Các chữ viết tắt:

- DEN - Dewan Energi Nasional - Hội đồng Năng lượng Quốc gia

- SPE - Society of Petroleum Engineers - Hiệp hội Các nhà công nghệ dầu khí

- MIGAS – Minyak Dan Gas Bumi - Cơ quan quản lý các hoạt động dầu khí

- BPMIGAS - Badan Pelaksana Kegiatan UsahaHulu Minyak Dan Gas Bumi - Cơ quan điều hành thăm dò và khai thác dầu khí Indonesia

- KKKS - Kontraktor Kontrak Kerja Sama - Các nhà thầu trong hợp đồng hợp tác

- P3M - Pusat Pengkajian dan Pengembangan Media - Giám sát tăng sản lượng

- MMBOEPD - Million of Barels of Oil Equivalent Per Day - Triệu thùng dầu tương đương trên ngày.

 

 TRẦN HỒNG HẢI

Sưu tầm và dịch từhttp://widjajonopartowidagdo.blogspot.com/2011/08/toward-energy-sustainability.html

 

Người biên tập: GS.TS Trần Văn Trị.

Các tin khác