VĂN BẢN PHÁP LUẬT MỚI
CƠ QUAN BAN NGÀNH
LIÊN KẾT WEBSITE
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Đang Online :
194
Tổng lượt :
6466333
Số hóa các tài liệu địa chất

Số hóa các tài liệu địa chất

Viện Thông tin Tư liệu Địa chất thuộc Tổng cục Địa chất* là cơ quan lưu trữ tài liệu địa chất do các ngành và các địa phương tiến hành công tác điều tra địa chất trên toàn bộ lãnh thổ nước ta. Các tài liệu này có từ đầu thế kỷ XX (từ thời Sở Địa chất Đông Dương) và đặc biệt là sau năm 1954 ở miền Bắc và sau năm 1975 ở miền Nam. Nhiều tài liệu bị hư hại qua thời gian, đã đặt ra vấn đề làm thế nào để lưu giữ lâu dài tài liệu địa chất, loại tài liệu phải lưu giữ gần như vĩnh cửu. Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam xin chia sẻ kỷ niệm sâu sắc của PGS.TS Trần Minh Thế về một thành công trong ứng dụng khoa học kỹ thuật.


Vào cuối những năm 80 và đầu những năm 90 của thế kỷ XX, chúng tôi - những cán bộ Viện Thông tin Tư liệu Địa chất đã nghiên cứu vấn đề số hóa tài liệu địa chất ở Liên Xô và Tiệp Khắc. Các nước này dùng phương pháp lưu giữ bằng vi phim, vi phiếu (chụp ảnh thu nhỏ để lưu, rồi dùng các thiết bị phóng to để đọc). Liên xô còn dùng phương pháp lưu giữ trên băng từ và xử lý trên các hệ máy tính lớn. Việt Nam không có điều kiện thực hiện phương pháp này, hơn nữa nó cũng rất cồng kềnh, tốn kém và ít hiệu quả. Bấy giờ, máy vi tính bắt đầu phát triển, chúng tôi chọn sử dụng các thiết bị vi tính để giải quyết vấn đề này.

Nhân một lần anh Nguyễn Đức Khải - chuyên viên công tác ở Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng (ngày nay là Văn phòng Chính phủ) tới Viện Thông tin Tư liệu Địa chất làm việc, tôi có trình bày ý tưởng trên, sau đó anh Khải báo cáo với anh Trần Đức Lương - Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (anh Lương là một nhà địa chất nên rất quan tâm đến tài liệu địa chất). Anh Lương chỉ thị cho Văn phòng ra một thông báo về vấn đề số hóa tài liệu địa chất. Với sự chấp thuận của Bộ Công nhiệp nặng và Tổng cục Địa chất, đề án “Hoàn thiện và nâng cấp Kho Lưu trữ Địa chất” (thực chất là số hóa các tài liệu địa chất) được phê duyệt và triển khai, chi phí dự toán khoảng 13 tỷ đồng. Chúng tôi giải thích rằng để có được kho tài liệu chắc phải tiêu tốn tới 2 tỷ đô la Mỹ, nay số hóa chỉ hết hơn 1 triệu đô la (theo giá hối đoái lúc đó), chưa đến một phần nghìn thì không có gì là lớn.

 

PGS.TS Trần Minh Thế, 2018

Khi tiến hành thực hiện đề án, việc khó nhất là số hóa các bản đồ địa chất, bởi chưa có các phần mềm chuyên dụng cho công việc này. Bản đồ địa chất là loại bản đồ chuyên đề, các chi tiết của nó rất phức tạp và lại phải chuẩn hóa theo các quy chuẩn quốc tế, ví dụ màu sắc phải tô màu theo bảng thang màu địa tầng quốc tế, các ký hiệu nham thạch, các yếu tố địa chất, đặc biệt là tuổi các tầng địa chất phải theo quy chuẩn quốc tế mà thư viện của các chương trình vẽ bản đồ không đáp ứng được. Thế rồi, một nhóm cán bộ kỹ thuật đứng đầu là TS Trần Minh và các kỹ sư Chu Thị Bích Huệ, Lê Tuấn Anh, Mai Công Nguyên, Phan Văn Giang… đã tìm tòi nghiên cứu sử dụng phần mềm số hóa bản đồ của Intergraph để số hóa bản đồ nền địa hình và viết các chương trình ứng dụng trên các phần mềm đồ họa, lập ra bộ công cụ thể hiện các yếu tố địa chất. Từ đó, chúng tôi xây dựng thành quy trình công nghệ số hóa các bản đồ địa chất để giải quyết vấn đề đã nêu. Có thể nói, Viện Thông tin Tư liệu Địa chất là một trong những đơn vị đầu tiên ở Việt Nam đưa công nghệ số vào việc số hóa bản đồ nói chung và bản đồ địa chất nói riêng.Chúng tôi đã sử dụng công nghệ này để số hóa các bản đồ địa chất tỷ lệ 1:1.000.000, 1:500.000, 1:200.000 và 1:50.000 trên toàn bộ lãnh thổ nước ta. Đây là các bộ bản đồ chuẩn quốc gia.

Tài liệu của mỗi báo cáo địa chất gồm hàng trăm tới hàng nghìn trang đánh máy được đóng thành nhiều tập và hàng trăm tới hàng nghìn bản vẽ được xếp thành nhiều hộp rất cồng kềnh, nhưng sau khi số hóa mỗi báo cáo chỉ ghi trên một hoặc hai đĩa CD rất thuận lợi cho việc quản lý dữ liệu, dễ dàng sao chép nên có thể lưu giữ lâu dài. Đến nay, bộ số liệu số hóa tài liệu địa chất đã lên tới hàng nghìn đĩa CD, bao gồm toàn bộ các báo cáo (trên 4500 báo cáo) có trong Kho Lưu trữ Địa chất (hiện là Phòng Lưu trữ Địa chất thuộc Trung tâm Thông tin Lưu trữ và Tạp chí Địa chất ). Chúng được lưu một cách có hệ thống trên các thiết bị lưu trữ chuyên dụng có dung lượng xem như vô hạn và được chuẩn hóa theo các quy chuẩn của Việt Nam và quốc tế. Ngày nay các dữ liệu tổng quát được giới thiệu trên trang Website của Trung tâm: http://www.idm.gov.vn/1PNPIT/vi-VN/Thong-Tin/Gioi-Thieu.aspx. Bạn đọc có thể tra cứu các tài liệu chi tiết (đầy đủ) trên mạng INTRANET (mạng nội bộ). Bên cạnh việc tiếp xúc với các tài liệu giấy khi có nhu cầu, bạn đọc còn được phục vụ bằng các dữ liệu số hóa, rất thuận tiện.

 

Một góc kho tài liệu tại Trung tâm Thông tin Lưu trữ và Tạp chí Địa chất

(Nguồn: Internet)

Giờ đây, việc số hóa trong ngành địa chất được phổ biến tới tận cơ sở. Có thể nói đó là một thành tựu ứng dụng khoa học công nghệ, góp phần từng bước hiện đạị hóa ngành địa chất Việt Nam. Có được thành công trên là do ngay từ đầu chúng tôi đã chọn hướng đi đúng, phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt là có đội ngũ cán bộ trẻ giàu năng lực, đầy nhiệt huyết. Sau này, hầu hết cán bộ trong số ấy đã chuyển công tác sang các cơ quan khác, người còn lại là chị Chu Thị Bích Huệ, nay cũng sắp đến tuổi nghỉ hưu. Chị Huệ công tác trong ngành địa chất ngay sau khi tốt nghiệp trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Chị đã gắn bó suốt đời với ngành địa chất, với công việc số hóa tài liệu địa chất. Những người như vậy đáng được nhìn nhận một cách trân trọng. 

Con người là vốn quý song chỉ thực sự phát huy tác dụng nếu được sử dụng đúng, còn không chỉ là vốn tiềm năng và sẽ bị mai một.

 

PGS.TS Trần Minh Thế

Nguyên Viện trưởng Viện Thông tin Tư liệu Địa chất
(Nay là Trung tâm Thông tin Lưu trữ và Tạp chí địa chất)
Nguồn: Trung tâm Di sản các Nhà Khoa học Việt Nam

Các tin khác