VĂN BẢN PHÁP LUẬT MỚI
CƠ QUAN BAN NGÀNH
LIÊN KẾT WEBSITE
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Đang Online :
85
Tổng lượt :
7179718
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo: Xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu thống nhất về địa chất, khoáng sản trên phạm vi cả nước là một trong những nhiệm vụ trọng tâm

 KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀNH ĐỊA CHẤT KHOÁNG SẢN VIỆT NAM, PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI CHỈ ĐẠO: XÂY DỰNG HỆ THỐNG THÔNG TIN DỮ LIỆU THỐNG NHẤT VỀ ĐỊA CHẤT, KHOÁNG SẢN TRÊN PHẠM VI CẢ NƯỚC LÀ MỘT TRONG NHỮNG NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

(Chinhphu.vn) - Ngày 29/9, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất do Chủ tịch nước ký tặng.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành địa chất-khoáng sản. Ảnh: VGP/Nguyên Linh

Tới dự và trao Huân chương cho Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải biểu dương những thành tựu, kết quả hoạt động âm thầm nhưng có ý nghĩa hết sức to lớn, đầy tự hào của các thế hệ trong ngành địa chất-khoáng sản.

“Ngành đã thu được nhiều thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực, từ nghiên cứu cơ bản về khoa học trái đất; điều tra, đánh giá và thăm dò, khai thác khoáng sản, cho đến điều tra địa chất môi trường, địa chất tai biến. Người làm công tác địa chất-khoáng sản Việt Nam có quyền tự hào về những cống hiến của mình đã tạo tiền đề cho sự ra đời và phát triển của rất nhiều ngành công nghiệp ở Việt Nam trong 70 năm qua, từ ngành luyện kim, hoá chất, cho đến dầu khí và nhiều ngành khác, góp phần to lớn cho sự nghiệp CNH đất nước”, Phó Thủ tướng đánh giá.

Phó Thủ tướng mong muốn, phát huy kết quả đạt được và truyền thống tốt đẹp trong suốt 70 năm qua, toàn ngành tiếp tục quán triệt để thực hiện tốt hơn nữa các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị về Định hướng chiến lược về khoáng sản và phát triển ngành công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Trong đó, tập trung vào nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống các chính sách, quy phạm pháp luật, đẩy mạnh công tác lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỉ lệ 1:50.000 trên đất liền; điều tra, đánh giá khoáng sản, nhất là các khoáng sản ẩn sâu; điều tra địa chất, khoáng sản biển tỉ lệ 1:500.000; xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu thống nhất về địa chất, khoáng sản trên phạm vi cả nước.

Đặc biệt, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản, xây dựng ngành địa chất ngày càng lớn mạnh về năng lực đội ngũ cán bộ điều tra, thăm dò địa chất, khoáng sản; đồng thời, tăng cường năng lực và đổi mới thiết bị, công nghệ tiên tiến, đáp ứng các yêu cầu về độ sâu điều tra, đánh giá và độ chính xác trong phân tích mẫu địa chất, khoáng sản, tăng cường và đa dạng hóa nguồn kinh phí thực hiện công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản.

Theo Quyết định số 718/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 2/10 hằng năm được chọn là Ngày truyền thống ngành địa chất Việt Nam.

Sau 70 năm hình thành và phát triển, ngành địa chất-khoáng sản đã có những bước trưởng thành, thu được nhiều kết quả tích cực.

Đến nay công tác điều tra địa chất đã được triển khai có tính hệ thống, đồng bộ. Hệ thống các bản đồ địa chất, khoáng sản, địa chất thủy văn, địa chất môi trường và nhiều các bản đồ chuyên đề khác đã góp phần quan trọng cho việc định hướng quy hoạch phát triển các vùng lãnh thổ, là cơ sở khoa học để phát hiện mới các loại khoáng sản, các vùng mỏ mới, đồng thời đã bổ sung nhiều tài liệu địa chất vào kho tàng khoa học địa chất thế giới và Việt Nam.

Một số công trình, cụm công trình, mà điển hình là cụm công trình Bản đồ địa chất và Bản đồ khoáng sản Việt Nam tỉ lệ 1:500.000 đã được Đảng, Nhà nước đánh giá cao và trao tặng các phần thưởng cao quý như Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước trao tặng
 Huân chương Lao động hạng Nhất cho Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.
 Ảnh: VGP/Nguyên Linh

Các kết quả nghiên cứu địa chất cũng đã góp phần tích cực phục vụ xây dựng các dự án quan trọng quốc gia như nhà máy thuỷ điện Sơn La, nhà máy điện nguyên tử…

Công tác điều tra và thăm dò khoáng sản đã ghi nhận hơn 60 loại khoáng sản và hơn 5.000 mỏ, điểm khoáng sản có quy mô; một phần trong số đó đã được thăm dò và từng bước đưa vào khai thác. Đặc biệt là những kết quả điều tra, đánh giá trong những năm gần đây về khoáng sản titan-zircon, bauxit, than, urani... đã góp phần quan trọng giúp Chính phủ đề ra các phương án, chiến lược để hoạch định khai thác và sử dụng nguồn khoáng sản một cách kinh tế, lâu dài và hiệu quả phục vụ phát triển nền kinh tế.

Công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản luôn được triển khai chặt chẽ và có hiệu quả. Đã ban hành Pháp lệnh về tài nguyên khoáng sản năm 1989, Luật Khoáng sản năm 1996, Luật sửa đổi bổ sung Luật Khoáng sản năm 2005.

Đặc biệt, Luật Khoáng sản năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã thể chế hoá được các quan điểm, chính sách mới của Đảng và Nhà nước nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững ngành công nghiệp khai khoáng. Năng lực của các cơ quan quản lý Nhà nước về khoáng sản từ Trung ương đến địa phương từng bước được nâng cao nhằm đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. 

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong quá trình xây dựng và phát triển, ngành địa chất-khoáng sản đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, đặc biệt là năm 2010 được tặng Huân chương Sao Vàng - giải thưởng cao quý nhất của Đảng và Nhà nước ta.

Nhiều cán bộ địa chất đã anh dũng hy sinh, được Nhà nước truy tặng danh hiệu Liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang.


Nguồn: baochinhphu.vn/Nguyên Linh

Xem toàn văn bài phát biểu của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại đây




Cán bộ Trung tâm Thông tin Lưu trữ địa chất tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm ngành
Địa chất Khoáng sản Việt Nam

Các tin khác