BỨC XẠ TỰ NHIÊN VỚI SỨC KHOẺ CON NGƯỜI TRÊN THẾ GIỚI VÀ TẠI MỘT SỐ ĐÔ THỊ VIỆT NAM

LA THANH LONG1, NGUYỄN NGỌC CHÂN2,
NGUYỄN BÁ NGẠN3, NGUYỄN QUAN MIÊN4

1Liên đoàn Vật lý Địa chất; 1,2,3Hội Địa vật lý Việt Nam; 4Viện Khảo cổ học Việt Nam

Tóm tắt: Cho đến nay, vấn đề bức xạ liều cao đã được nghiên cứu đầy đủ về nhiều mặt, từ giới hạn liều tối đa cho phép, các giá trị ngưỡng gây tác hại cho đến các biện pháp phòng ngừa khi tiếp xúc với nó. Để bảo vệ sức khoẻ và tính mạng cho người làm việc có tiếp xúc phóng xạ (các chất phóng xạ hoặc các bức xạ ion hoá), ở mỗi quốc gia đều có sách tra cứu, hướng dẫn việc thực hiện các quy định nói trên hoặc ở mức cao hơn là các quy phạm kỹ thuật vệ sinh - an toàn phóng xạ phù hợp với trình độ phát triển khoa học kỹ thuật, kinh tế - xã hội và lợi ích kinh tế - chính trị của mỗi nước. Tuy nhiên đối với bức xạ liều thấp vẫn còn là vấn đề đang được các nhà khoa học tranh luận.

Trên thực tế cho đến nay chưa có một công trình nào điều tra đầy đủ để có thể tách phần tác hại do chiếu xạ liều thấp gây ra. Vì lẽ đó mỗi khi cơ thể mắc bệnh có trường hợp dẫn đến chết người như: bệnh máu trắng, ung thư phổi, ung thư gan, ... khó ai có thể phát biểu cụ thể về các nguyên nhân gây bệnh, mà chỉ nói chung chung là phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau của môi trường sống, trong đó có phần tác động của bức xạ liều thấp (bức xạ tự nhiên và bức xạ nhân tạo). Điều này thể hiện tính phức tạp về nhiều mặt trong lĩnh vực bức xạ môi trường. Làm thế nào để phân biệt cho được phần tác động của bức xạ liều thấp gây ra, mà phần chủ yếu của bức xạ liều thấp là bức xạ tự nhiên. Do vậy, chúng ta không thể không quan tâm đặc biệt tới những ảnh hưởng tiêu cực của bức xạ tự nhiên đến sức khoẻ và tính mạng con người.

Tuy nhiên, việc nghiên cứu tác hại của bức xạ môi trường đến sức khoẻ con người ở nước ta còn ít được chú ý, ngay cả đối với một số vấn đề bức xúc như: phông bức xạ tự nhiên môi trường, giá trị liều tối thiểu có ý nghĩa, ảnh hưởng tiêu cực của bức xạ liều thấp. Trong khuôn khổ bài này các tác giả đề cập đến 4 nội dung cần quan tâm, đó là: bản chất của bức xạ tự nhiên môi trường; tác động của bức xạ ion đối với cơ thể con người; một số biểu hiện bệnh lý của cơ thể khi chịu tác động bức xạ và một số công trình nghiên cứu điều tra phông bức xạ tự nhiên môi trường nhằm bảo vệ sức khoẻ cộng đồng trên thế giới và trong nước.


I. BẢN CHẤT CỦA BỨC XẠ TỰ NHIÊN MÔI TRƯỜNG

Nói đến bức xạ môi trường là nói đến các bức xạ ion hoá (bức xạ liều thấp), bao gồm toàn bộ các dạng bức xạ khác nhau; từ các bức xạ tồn tại trong tự nhiên thuộc môi trường sống của con người và các bức xạ (kể cả mảnh, các hạt phân hạch) do hoạt động của con người tạo ra (gọi là bức xạ nhân tạo).

Bức xạ tự nhiên bao gồm: bức xạ vũ trụ, bức xạ từ các nguyên tố phóng xạ tự nhiên chứa trong đất đá của bề mặt Trái đất, các nuclid phóng xạ có trong nước (gồm nước mặt, nước dưới đất, nước biển ...), các nuclid phóng xạ có trong lớp khí quyển gần bề mặt Trái đất (gồm bụi phóng xạ và các đồng vị phóng xạ dạng khí, chủ yếu là radon).

Thế giới chúng ta đang sống có chứa nhiều chất phóng xạ, điều này đã xảy ra ngay từ khi hình thành Trái đất. Có trên 60 nguyên tố phóng xạ được tìm thấy trong tự nhiên, nguồn gốc của các nguyên tố phóng xạ này có thể phân thành 3 loại chính: 1. Các nguyên tố phóng xạ có từ khi hình thành Trái đất, còn gọi là nguyên tố phóng xạ nguyên thuỷ; 2. Các nguyên tố phóng xạ hình thành do tương tác của các tia vũ trụ với vật chất của Trái đất; 3. Các nguyên tố phóng xạ do con người tạo ra.

Các nguyên tố phóng xạ thuộc hai loại đầu được gọi là nguyên tố phóng xạ tự nhiên, còn các nguyên tố thuộc loại thứ ba được gọi là nguyên tố phóng xạ nhân tạo. Các nguyên tố phóng xạ khi phân rã tạo nên năng lượng dư thừa dưới dạng các sóng điện từ và các dòng phân tử; năng lượng đó được gọi là bức xạ. Cùng với bức xạ vũ trụ đến từ không gian, bức xạ do nguồn gốc của các nguyên tố phóng xạ tự nhiên sẽ tạo nên phông bức xạ tự nhiên. Các nguyên tố phóng xạ có đời sống dài có trong thiên nhiên thường ở dạng chất bẩn trong nhiên liệu hoá thạch. Trong lòng đất, các chất như vậy không làm ai bị chiếu xạ, nhưng khi bị đốt cháy và thoát vào khí quyển rồi sau đó khuếch tán vào đất làm tăng dần phông bức xạ.

 Nguyên nhân chung nhất của sự tăng phông bức xạ là radon, một chất khí sinh ra khi radi phân rã. Các chất phóng xạ khác được tạo thành trong quá trình phân rã tồn tại tại chỗ trong lòng đất. Nhưng radon thì bay lên khỏi mặt đất, nếu nó lan toả rộng và hoà tan đi thì không gây ra nguy hại gì, nhưng nếu một ngôi nhà xây dựng tại nơi có radon bay lên từ trong lòng đất thì radon có thể tập trung trong nhà đó, gây ra sự nguy hại về sức khoẻ cho người ở đó. So với lượng phóng xạ tự nhiên thì lượng phóng xạ do con người tạo ra là rất nhỏ. Tuy nhiên, một phần lượng phóng xạ này đã phát tán vào môi trường của thế giới chúng ta. Vì vậy chúng ta có thể phát hiện thấy các nguyên tố phóng xạ tự nhiên và nhân tạo có mặt ở khắp mọi nơi trong môi trường sống như đất, nước và không khí.

 Tất cả các nguyên tố phóng xạ có trong tự nhiên gây ra cho con người một liều chiếu bức xạ nhất định. Các nguyên tố phóng xạ phát ra các bức xạ ion hoá và nếu chúng ở bên ngoài cơ thể của con người sẽ gây ra một liều chiếu ngoài; các nguyên tố phóng xạ cũng có thể xâm nhập vào trong cơ thể của con người qua đường hô hấp và tiêu hoá gây nên một liều chiếu trong. Đóng góp lớn nhất vào liều chiếu, phải kể đến khí radon và các con cháu của nó. Năm 2000, Ủy ban Khoa học về bức xạ nguyên tử Liên Hiệp Quốc - UNSCEAR (United Nations Scientific Committee on the Effects of Atomic Radiation) đã thống kê và cho thấy đóng góp của radon vào liều chiếu bức xạ cho con người  gây bởi các bức xạ tự nhiên lên tới 50%. Chính vì thế radon có thể được xem như là một nguồn phóng xạ tự nhiên ảnh hưởng lớn nhất đến sức khoẻ con người.

Bức xạ nhân tạo bao gồm: các bức xạ ion hoá, các đồng vị phóng xạ, các nguồn phóng xạ dùng trong y tế, công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, kỹ thuật quốc phòng, các bức xạ ion, các mảnh, các hạt phân hạch gây ra bởi các vụ thử vũ khí hạt nhân, sự cố hạt nhân ...

II. TÁC ĐỘNG CỦA BỨC XẠ ĐỐI VỚI CƠ THỂ CON NGƯỜI

Bản chất sự tác động của bức xạ bất kỳ lên vật chất nói chung và cơ thể con người nói riêng là quá trình ion hoá. Các dạng bức xạ khác nhau có khả năng ion hóa khác nhau, được đặc trưng bằng tỷ lệ ion hay còn gọi là mật độ ion. Đó là số cặp ion được tạo ra trên một đơn vị đường đi của nó. Kết quả thực nghiệm cho thấy mật độ ion hoá của bức xạ alpha (a) rất lớn, bức xạ beta (b) nhỏ hơn rất nhiều so với bức xạ a. Mật độ ion hoá trung bình của bức xạ b trong không khí chỉ đến hàng chục cặp ion trên 1 cm chuyển động. Khả năng ion hoá của tia gamma (g) lại càng nhỏ hơn, chỉ bằng vài cặp ion trên 1 cm chuyển động trong không khí.

Ảnh hưởng có hại của các bức xạ lên cơ thể con người là quá trình tác động của các bức xạ đó lên các tổ chức của cơ thể. Khi bị bức xạ xuyên qua các tổ chức cơ thể thì bị yếu đi do các bức xạ này nhường năng lượng cho môi trường để kích thích và ion hoá các nguyên tử và phân tử trong các tổ chức cơ thể đó. Chúng ta biết rằng trong cơ thể người lượng nước chiếm 70-75%, nên khi các bức xạ xuyên qua cơ thể nó sẽ phân ly thành: H2O ® OH- + H+

Kết quả của phản ứng này tạo ra các peroxithydro và gốc hydroxit. Các hợp chất có peroxit đó là các chất oxy hoá mạnh điển hình. Như vậy sự có mặt của H2O trong các tổ chức của cơ thể sẽ có tác dụng làm thay đổi cấu trúc phân tử albumin. Các bức xạ có thể làm cho nhiều men sống quan trọng, nhiều tuyến trong cơ thể và các tế bào bị huỷ hoại. Tuy nhiên, tác động có hại của bức xạ lên cơ thể người còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như: vị trí tác động, liều lượng tác động, trạng thái của cơ thể, ... Qua thực nghiệm và trên thực tế, người ta đã đưa ra những nhận xét về các yếu tố tác động có hại của bức xạ lên cơ thể người như sau:

1. Mức độ tác hại của bức xạ chiếu ngoài lên cơ thể người và sự xâm nhập của các chất phóng xạ vào bên trong cơ thể

Đối với nguồn phóng xạ bên ngoài cơ thể, thì tác động có hại phụ thuộc vào khả năng đâm xuyên của nó. Rõ ràng là bức xạ g có khả năng đâm xuyên rất lớn, hiệu suất gây hại lớn. Các bức xạ ab có khả năng đâm xuyên yếu, không khí và màn da có thể chắn chúng lại hoàn toàn nên thực tế ít gây hại. Ngược lại đối với các chất phóng xạ có trong khí quyển, nước uống, thức ăn và đồ dùng sinh hoạt xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp, tiêu hoá và các vết thương thì tác hại của bức xạ có khả năng đâm xuyên yếu lại gây tác hại rất lớn.

Mặt khác các chất phóng xạ khi xâm nhập vào cơ thể con người lại tiếp tục tác động cho đến khi chúng phân rã hết và vì thế đồng vị nào càng có chu kỳ bán rã lớn thì tác hại càng lâu dài. Một thực tế đáng quan tâm là khi hít thở phải bụi hay khi phóng xạ thì tác hại lớn hơn nhiều so với sự xâm nhập các bức xạ đó qua đường tiêu hoá vì lẽ hệ thống hô hấp có diện tích tiếp xúc với chất phóng xạ lớn hơn và chất phóng xạ được hấp thụ nhanh hơn so với các bộ phận khác của hệ thống tiêu hoá.

2. Tác hại của bức xạ ion phụ thuộc vào suất liều của chúng

Người ta quan sát thấy cùng một liều lượng bức xạ như nhau, nhưng nếu chiếu với suất liều càng thấp (thời gian chiếu càng dài) thì tác hại càng ít. Ví dụ khi chiếu với suất liều bằng 600 R có màn chắn các tia mềm để chữa bệnh thì sẽ gây bỏng ngay, song nếu chia ra mỗi ngày chỉ chiếu 200 R thì da chỉ bị bỏng khi nhận liều lượng đến 1500-2000 R. Quan sát chi tiết sẽ nhận thấy sự tổn thương của ngày hôm trước vẫn còn tồn tại và làm tăng thêm tác hại sang ngày hôm sau. Từ đó có kết luận: tác hại do các bức xạ ion gây ra có tính dồn góp (tích luỹ). Trong cuộc sống hàng ngày, cơ thể con người tuy chỉ nhận một liều lượng bức xạ nhỏ (bức xạ liều thấp), song ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác ..., quá trình tác động đó kéo dài, làm cho liều lượng bức xạ tích luỹ trở nên rất lớn đến mức gây tác hại rõ rệt. Vì vậy người ta đã quy định suốt cả đời người chỉ được phép nhận một liều lượng bức xạ không quá 200 rem.

3. Mức độ tác hại phụ thuộc vào vị trí của cơ thể bị tác động bức xạ

Thực nghiệm cho thấy, mức độ chịu đựng của từng bộ phận cơ thể con người rất khác nhau khi bị tác động với liều lượng bức xạ như nhau. Một số bộ phận của cơ thể chịu được một liều lượng bức xạ rất lớn, thậm chí lớn hơn toàn bộ cơ thể. Ví như các khối u nhỏ trên người có thể chịu đựng một liều lượng tới 10.000 R và cũng có thể chịu được 400 R trên một diện tích 400 cm2. Song thực tế, nếu chiếu lên toàn bộ cơ thể người một lúc 400 R thì người sẽ mắc bệnh và nếu chiếu với liều lượng 600 R thì sẽ gây tử vong. Vì lẽ đó mà người ta đã định ra trên cơ thể những bộ xung yếu, đó là các bộ phần mà khi chịu tác động  của bức xạ ion hay chất phóng xạ chúng bị tổn thương nặng hơn các bộ phận khác.

4. Khả năng chịu tác động bức xạ ion của cơ thể phụ thuộc vào lứa tuổi của con người

Các kết quả điều tra cho thấy tuổi trẻ chịu tác động của bức xạ ion kém hơn người cao tuổi. Vì vậy trong vệ sinh an toàn phóng xạ có quy định người dưới 18 tuổi không được tiếp xúc với các chất phóng xạ (không được nhận vào làm việc ở các cơ quan chuyên môn có tiếp xúc phóng xạ); lứa tuổi dưới 30 không được nhận một liều lớn hơn 50 R (đối với công nhân viên chức làm việc có tiếp xúc phóng xạ). Nguyên do là lứa tuổi càng trẻ thì bộ máy sinh dục càng nhạy cảm với tác hại của bức xạ ion.

5. Khả năng gây tác hại của bức xạ và các đồng vị phóng xạ phụ thuộc vào tính năng của chúng

Như trên đã nêu, các dạng bức xạ khác nhau có khả năng đâm xuyên và ion hoá khác nhau, đương nhiên là gây tác hại khác nhau đối với cơ thể con người. Mặt khác, cùng một dạng bức xạ, nhưng có mức năng lượng khác nhau thì mức độ gây hại cũng khác nhau. Ngoài ra, đồng vị phóng xạ nào có chu kỳ bán rã càng dài thì tác hại càng lớn và càng lâu khi xâm nhập vào cơ thể. Ví như đồng vị natri-24 (Na24) phát ra bức xạ b, có năng lượng lớn tới 1,4 MeV và lượng tử g có năng lượng tới 2,8 MeV, song khi xâm nhập vào cơ thể gây ra tác hại không lớn, bởi lẽ chu kỳ bán rã của Na24 chỉ có 14,8 giờ. Trong khi đó calci-45 (Ca45) phát ra bức xạ b có năng lượng rất nhỏ, chỉ đến 0,25 MeV, nhưng có chu kỳ bán rã đến 180 ngày, nên khi xâm nhập vào cơ thể nó gây tác hại rất lớn.

 Hàng năm trung bình mỗi người chúng ta nhận một liều bức xạ tự nhiên khoảng 2 mSv. Theo các nghiên cứu của tổ chức ICRP, mức liều này có thể gây ra 80 trường hợp tử vong do ung thư trong số 1.000.000 trường hợp (Công bố 60 của ICRP, 1990). Mức tử vong gây ra bởi bức xạ tăng tỷ lệ với mức liều chiếu bức xạ. Mặc dù radon đóng góp tới 50% vào liều chiếu bức xạ đối với con người, song nếu chúng ta có biện pháp phòng chống thích hợp, có thể giảm đáng kể lượng liều chiếu này.

 Những hiệu ứng bất lợi về sức khoẻ gây bởi radon là do các hạt alpha được phát ra từ radon và các con cháu của nó. Các hạt alpha này sẽ phá huỷ các tế bào cơ thể con người mỗi khi nó được phát ra từ bên trong cơ thể của chúng ta (trường hợp chúng ta hít thở, ăn uống phải thành phần radon). Mối nguy hiểm chính bị chiếu một liều radon cao là khả năng mắc phải bệnh ung thư phổi. Theo đánh giá dịch tễ học nếu chúng ta sống trong môi trường có nồng độ radon 20 Bq/m3 thì có khả năng 3 trong số 1000 người sẽ mắc phải căn bệnh ung thư phổi do radon gây ra. Và xác suất này tăng gấp 10 lần nếu kết hợp với việc hút thuốc lá .

 Đóng góp lớn nhất vào liều chiếu radon là nồng độ radon trong nhà ở (chiếm 95%). Ngoài radon, liều bức xạ gây ra bởi các thành phần thuộc họ urani, thori, và nguyên tố 40K có thể thay đổi mạnh theo các vị trí địa lý khác nhau, loại vật liệu xây dựng, kiểu kiến trúc nhà, ... mức liều chiếu này có thể được kiểm tra bằng các thiết bị đo liều bức xạ xách tay, hoặc các liều kế bức xạ môi trường. Việc đo nồng độ radon trong nhà và ngoài trời có thể thực hiện bằng hai phương pháp: phổ biến nhất là đo tức thời bằng các thiết bị đo chủ động, và đo tích luỹ bằng các thiết bị đo thụ động.

III. CÁC BIỂU HIỆN BỆNH LÝ CỦA CƠ THỂ KHI CHỊU TÁC ĐỘNG CỦA CÁC BỨC XẠ

Khi con người bị tác động bởi các bức xạ ion ở mức thấp, thì việc gây tác hại không thể nhận biết ngay được, vì khả năng chịu đựng của cơ thể rất lớn, nên phải sau một thời gian chứng bệnh mới biểu hiện. Nhưng nếu chiếu lên cơ thể một liều lượng quá lớn so với giới hạn tối đa cho phép thì chỉ sau 7 đến 10 ngày, bệnh trạng đã xuất hiện rõ. Và như vậy, nếu như không tuân thủ các nguyên tắc vệ sinh về liều lượng quy định, thì tùy theo bộ phận của cơ thể sẽ xuất hiện các triệu chứng bệnh sau:

1. Da bị khô, có thể bị bóc, các móng tay bị khô, gãy và sinh ra các khối u;

2. Máu có thể bị biến đổi thành phần, nguy hiểm là bệnh máu trắng rất khó chữa và khó phát hiện sớm;

3. Mắt dễ viêm;

4. Bộ máy sinh dục có thể bị mất khả năng hoạt động hoặc đẻ ra quái thai, có thể di truyền đến các thế hệ sau;

5. Cơ thể con người chịu tác động bức xạ ion liều thấp (nhỏ hơn giới hạn liều cho phép) với thời gian lâu dài thì mức độ ảnh hưởng có hại phụ thuộc vào nhiều mặt như: điều kiện chiếu, phương thức chiếu, vị trí tác động và trạng thái cơ thể.

Diễn biến của cơ thể do ảnh hưởng có hại trong quá trình tác động của bức xạ thường là: đầu tiên biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu dai dẳng, ăn không ngon, hay buồn ngủ, giảm trí nhớ, ... lúc này máu có thể có sự thay đổi nhưng rất ít, đến mức qua xét nghiệm cũng không phát hiện được. Điều đặc biệt là các bệnh trạng nói trên không cố định, không biểu hiện rõ rệt và mạnh mẽ mà có lúc lại mất đi, trong một thời gian dài khả năng lao động vẫn bình thường.

Sang giai đoạn sau, các triệu chứng trên biểu hiện nặng hơn, có khi rất khó chịu. Khả năng lao động giảm đến mức làm việc nhẹ cũng thấy mệt mỏi. Lúc này các triệu chứng về máu thay đổi rõ rệt, áp huyết hạ thấp và nhịp đập của tim tăng lên, xuất hiện đau ở bên trái ngực. Các biểu hiện bệnh lý ở các tuyến nội tiết, các cơ quan tiêu hoá, sinh dục, đôi khi chảy máu chân răng.

Đến giai đoạn cuối, bệnh trở lên trầm trọng, người bệnh luôn phải nằm nghỉ. Lúc này các vi trùng trong máu được kích thích phát triển và phát huy tác hại. Máu thay đổi nhiều, các dạng trao đổi dinh dưỡng bị phá huỷ. Xuất hiện các biến đổi thần kinh như lãnh đạm, hờ hững với xung quanh, hay nóng tính. Bệnh nhân có thể chết ở giai đoạn này, song cũng không ít trường hợp kéo dài rất nhiều năm mà bệnh vẫn không tăng lên.

Nguy hiểm nhất đối với những người thường xuyên tiếp xúc với các bức xạ ion là dê phát sinh các khối u ác tính. Các khối u này thường xuất hiện ở những bộ phận cơ thể chịu chiếu xạ nhiều nhất hay những bộ phận nhạy cảm với bức xạ nhất như máu, bộ máy sinh dục. Còn khi hít thở phải radon, thoron và các sản phẩm phân rã của chúng, thường phát sinh các khối u ở phổi. Trường hợp các chất phóng xạ rơi vào cơ thể sẽ gây khối u ở nơi nào tập trung nhiều nhất. Bởi vậy để tránh các bệnh do bức xạ ion gây ra đối với những người làm việc thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với chất phóng xạ, cần tuân thủ nghiêm chỉnh các nguyên tắc vệ sinh về liều lượng, quy phạm an toàn phóng xạ. Điều trước tiên là phải hiểu biết một cách đầy đủ những nguyên tắc chống ảnh hưởng bức xạ và kiểm tra liều lượng nhiễm bẩn phóng xạ để sớm có biện pháp khắc phục.

IV. MỘT SỐ CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU PHÔNG BỨC XẠ TỰ NHIÊN MÔI TRƯỜNG NHẰM BẢO VỆ SỨC KHOẺ CỘNG ĐỒNG TRÊN THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM

Ảnh hưởng của bức xạ tự nhiên đối với sức khoẻ con người giữ vai trò rất lớn không thể bỏ qua được. Việc biết và kiểm soát ảnh hưởng của nó đến chất lượng cuộc sống là cần thiết. Ở các nước có nền kinh tế phát triển như Hoa Kỳ, Liên Xô (cũ), Anh, ... đã nghiên cứu xác định phông bức xạ tự nhiên, cũng như xác định tổng liều chiếu hàng năm đã được tiến hành từ những năm 80 của thập kỷ 20. Năm 1981, Hoa Kỳ [6] đã công bố tài liệu đánh giá tổng liều chiếu hàng năm của phông bức xạ tự nhiên lên cơ thể con người trên toàn quốc (Bảng 1).


Bảng 1. Tổng liều chiếu hàng năm của phông bức xạ tự nhiên ở Hoa Kỳ [6]

Nguồn bức xạ

Suất liều chiếu (mSv/người)

- Bức xạ tia vũ trụ

0,45

- Bức xạ trên mặt đất

 

   + Chiếu ngoài

0,6

   + Chiếu trong

0,25

Tổng cộng

1,30

 


Năm 1987, Hoa Kỳ đã công bố tài liệu điều tra chi tiết về việc đánh giá liều chiếu hiệu dụng trung bình hàng năm của phông bức xạ tự nhiên nên các thành viên của cộng đồng trên toàn liên bang (Bảng 2).


Bảng 2. Liều chiếu hiệu dụng trung bình năm của phông bức xạ tự nhiên ở Hoa Kỳ

Nguồn bức xạ

Liều hiệu dụng trung bình hàng năm

mSv

mrem

- Hít thở (radon và các sản phẩm phân rã)

2000

200

- Các nuclid phóng xạ lắng đọng bên trong cơ thể (40K, 210Po)

390

 

39

 

- Bức xạ trên mặt đất

280

28

- Bức xạ vũ trụ

270

27

- Bức xạ trong khí quyển (14C)

10

1

Tổng cộng

3000 = 3 mSv

300

 


Năm 1987, Liên Xô (cũ) [5] đã công bố tài liệu giá trị suất liều hiệu dụng tương đương hàng năm từ các nguồn bức xạ tự nhiên tại các vùng có phông bình thường (Bảng 3).


Bảng 3. Giá trị suất liều hiệu dụng tương đương hàng năm
từ các nguồn bức xạ tự nhiên ở Liên Xô (cũ) [5]

Nguồn bức xạ

Liều hiệu dụng tương đương năm (mSv)

Tổng liều

* Bức xạ vũ trụ

 

 

 

- Thành phần ion hoá

0,280

 

0,280

- Thành phần điện tử

0,021

 

0,021

* Các nuclid vũ trụ

 

0,015

0,015

* Các nuclid phóng xạ tự nhiên:

 

 

 

                40K

0,120

0,180

0,300

                87Rb

 

0,006

0,006

* Dãy Uran

0,09

 

1,037

                238U ® 234U

 

0,010 238U®234U

 

                230Th® 226Ra

 

0,007 230Th

 

                222Rn®214Po

 

0,800 222Rn®224Ra

 

                210Pb®210Po

 

0,130 210Pb®210Po

 

* Dãy thori

0,14

 

0,326

                232Th; 228Ra®224Ra

 

0,003 232Th

 

                220Rn®208Tl

 

0,013 228Ra®224Ra

0,170 220Rn®208Tl

 

Tổng cộng

0,651

1,334

1,985

 


Năm 1988, Uỷ ban Năng lượng Quốc tế (IAEA) [2] đã công bố suất liều hiệu dụng trung bình hàng năm cho toàn thế giới từ các nguồn bức xạ tự nhiên (Bảng 4).


Bảng 4. Suất liều hiệu dụng trung bình hàng năm cho toàn thế giới
từ các nguồn bức xạ tự nhiên [2]

Nguồn bức xạ

Chiếu ngoài (mSv)

Chiếu trong  (mSv)

Tổng liều chiếu (mSv)

+ Các tia vũ trụ

0,410

 

0,41

+ Các nuclít phóng xạ trong vũ trụ

 

0,015

0,015

+ Các nguồn tự nhiên

 

 

 

                40K

0,150

0,18

0,330

            Dãy 238U

0,100

1,239

1,339

            Dãy 232Th

0,160

0,176

0,336

Tổng cộng

0,820

1,616

2,436

 


Từ năm 1993, các nước Bắc Âu gồm Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Ireland và Thụy Điển [9] đã công bố kết quả điều tra suất liều hiệu dụng của phông bức xạ tự nhiên trung bình hàng năm lên cộng đồng (Bảng 5).


Bảng 5. Kết quả điều tra suất liều hiệu dụng của phông bức xạ tự nhiên trung bình hàng năm lên cộng đồng ở một số nước Bắc Âu [9].

Loại nguồn

Phần Lan

Thụy Điển

Đan Mạch

Na Uy

Ireland

- Bức xạ gamma từ đất, vật liệu xây dựng (mSv)

0,5

 

0,5

 

0,3

 

0,5

 

0,2

 

- Hàm lượng radon trong nhà và nơi làm việc (mSv)

2,0

 

1,9

 

1,0

 

1,7

 

0,2

 

- Các nguyên tố phóng xạ trong cơ thể (mSv)

0,3

 

0,3

 

0,30

 

0,35

 

0,3

 

- Bức xạ vũ trụ (mSv)

0,3

0,3

0,3

0,3

0,3

Tổng cộng (mSv)

3,1

3,0

1,9

2,85

1,0

 


Năm 2005, Uỷ ban Châu Âu đã công bố suất liều hiệu dụng trung bình hàng năm trên toàn thế giới (tài liệu điều tra năm 2000) do bức xạ tự nhiên và bức xạ nhân tạo gây ra (Bảng 6).


Bảng 6. Suất liều hiệu dụng trung bình hàng năm trên toàn thế giới do bức xạ tự nhiên và bức xạ nhân tạo gây ra  (tài liệu điều tra năm 2000).

Nguồn bức xạ

Suất liều (mSv)

%

Phông tự nhiên (tổng tất cả các loại nguồn)

2,4

46,07

Hít thở (chủ yếu radon)

1,2

23,04

Các tia gamma mặt đất

0,5

9,60

Các tia vũ trụ

0,4

7,68

Tiêu hoá

0,3

5,76

Chẩn đoán y học

0,4

7,68

Thử hạt nhân trong khí quyển

0,005

0,10

Biến cố Chernobyl

0,002

0,04

Nhà máy điện nguyên tử

0,002

0,04

Tổng suất liều/năm

5,209

100

 


Song song với các phương pháp xác định liều chiếu ngoài gây ra bởi bức xạ gamma, các phương pháp đo radon được triển khai bằng các thiết bị đo chủ động và đo tích luỹ bằng các thiết bị đo thụ động. Các kết quả đo radon đã góp phần vào việc xác định liều chiếu trong qua đường hô hấp.


Bảng 7. Kết quả đo radon trong không khí và trong nhà ở một số đô thị Việt Nam [7]

TT

Đô thị

Radon ngoài không khí (Bq/m3)

Radon trong nhà (Bq/m3)

Số điểm

Ghi chú

1

Hà Nội

98

1 vị trí vượt mức 148 Bq/m3

2

Đà Nẵng - Hội An

121

2 vị trí

3

Điện Biên

59

2 vị trí vượt mức 148 Bq/m3

4

Huế

68

2 vị trí vượt mức 148 Bq/m3

5

Đồng Hới

39

3 vị trí vượt mức 148Bq/m3

6

Vinh

50

 

7

Sầm Sơn-Thanh Hoá

60

3 vị trí vượt mức 148 Bq/m3

8

Cao Bằng

90

 

9

Thái Nguyên

20

 

10

Hà Giang

82

 

11

Sơn La

50

 

12

Hà Đông

24

 

 


98

 
Trên bảng trình bày kết quả đo nồng độ Rn trong nhà và ngoài trời của 12 đô thị. Tổng số điểm khảo sát là 761 điểm, nồng độ radon trong không khí dao động từ 1,0 đến 37,9 Bq/m3 (trừ các vị trí gần dị thường phóng xạ), nồng độ radon trong nhà ở dao động từ 5 đến 406 Bq/m3, trong đó có 13 ngôi là có mức nồng độ Rn vượt quá mức giới hạn là 148 Bq/m3. Đó là loại nhà có kiểu kiến trúc không thông thoáng, xây dựng bằng vật liệu đá granit, chọn nhà xây dựng trên nền địa chất có cường độ phóng xạ cao, như trên nền đá magma, trên các dị thường sa khoáng ven biển: ilmenit, titan, …, trên các đứt gãy kiến tạo, hoặc vật liệu xây dựng nhà như gạch, ngói đốt bằng những loại than có hoạt độ phóng xạ cao, ….

Cùng với sự phát triển của công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, nhưng đồng thời cũng dẫn đến những tác động tiêu cực, làm suy giảm môi trường, gây tác hại đến sự sông của con người. Để đảm bảo cho sự phát triển bền vững, nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến việc bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, về bức xạ môi trường thì còn nhiều vấn đề tồn tại; Bởi vì để phát triển công nghiệp, tất yếu phải tăng cường công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản. Muốn đạt được chỉ tiêu điện năng phải phát triển công nghiệp điện nguyên tử. Trong y học, để hiện đại hoá việc chẩn đoán, điều trị bệnh, cần phát triển mạnh mẽ ngành y học phóng xạ...

Như vậy điều cần thiết và cấp bách của chúng ta là phải điều tra, đánh giá phông bức xạ tự nhiên môi trường; với mục tiêu:

1. Đánh giá phông bức xạ tự nhiên, xác định giá trị tổng liều tương đương trung bình năm của bức xạ tự nhiên lên cộng đồng dân cư;

2. Đánh giá phông bức xạ nhân tạo, xác định liều tương đương trung bình năm của y học phóng xạ cũng như bức xạ trong công nghiệp, nông nghiệp, quốc phòng.

Kết quả của việc điều tra bức xạ môi trường có ý nghĩa:

1. Kiểm soát ô nhiễm môi trường về mặt bức xạ nhằm đưa ra các biện pháp xử lý kịp thời;

2. Làm cơ sở khoa học cho việc phát triển kinh tế, y học phóng xạ, công nghiệp điện nguyên tử, quy hoạch sử dụng đất, thương mại và du lịch, v.v..

Ngày nay sự nghiệp bảo vệ môi trường nhằm hạn chế tác động làm suy giảm môi trường, trong đó có bức xạ môi trường, là sự nghiệp chung của mọi quốc gia, mọi dân tộc. Ở Việt Nam, việc điều tra bức xạ môi trường có ý nghĩa lớn lao không chỉ trong lĩnh vực bảo vệ sức khoẻ, nâng cao chất lượng sống của nhân dân, mà còn có tác dụng mạnh mẽ trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

VĂN LIỆU

1. Academic Press, 1997. Environmental radioactivity: From natural, industrial and military sources. San Diego-London-Boston-New Work-Sydney-Tokyo-Toronto.

2. IAEA, Division of Public information, 1988. Facts about low-level radiation. IAEA.

3. IAEA, 2000. Environmental Radiation. IAEA.

4. IAEA, 2003. Guidelines for radioelement mapping using gamma ray spectrometry data. IAEA.

5. Kozlov V.F., 1987. Spravotchnik po radiatsionoi bezopasnosti. Energoatomizdat, Moskva.

6. National Bureau of standards, 1981. Radon transport through and exhalation from building materials. U.S. Dept of Commerce, New York.

7. Nguyễn Hào Quang, 2000.  Phóng xạ môi trường đối với sức khoẻ con người. Cục Kiểm soát  và An toàn Bức xạ Hạt nhân, Hà Nội.

8. Phan Văn Duyệt, 1986. An toàn vệ sinh phóng xạ. Nxb Y học, Hà Nội.

9. Radiation Protection Authorities in Denmark, Finland, Iceland, Norway and Sweden, 2000. Naturally occurring radioactivity in the nordic countries recommendations.

10. Solan L.S. Londer, W.V. Shouban, 1960. An investigation of natural environmental radiation.