MỘT SỐ KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU CÁC ĐẶC TRƯNG DỊ THƯỜNG PHÂN CỰC KÍCH THÍCH DÒNG
XOAY CHIỀU TRÊN CÁC ĐỚI VÀ THÂN QUẶNG ĐỒNG Ở VÙNG TÀ PHỜI, LÀO CAI
TĂNG ĐÌNH NAM1, ĐOÀN THẾ HÙNG2
1Viện Khoa học Địa chất và Khoáng
sản, Thanh Xuân, Hà Nội
2Bộ Tài Nguyên và Môi Trường,
Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội
Trong khuôn khổ bài báo này, chúng tôi xin
giới thiệu một số kết quả nghiên cứu các đặc trưng dị thường phân cực kích thích
dòng xoay chiều trên các đới và thân quặng đồng ở vùng Tà Phời, Lào Cai.
I. MỞ ĐẦU
Phương pháp
phân cực kích thích (PCKT) dòng xoay chiều với máy phát T3 và đầu thu V5 do Canada
chế tạo với 17 tần số, từ 0,125 Hz đến 8192 Hz là một trong các công nghệ địa
vật lý mới được nhập vào Việt Nam. Phương pháp này có ưu điểm vượt trội so với
phương pháp PCKT dòng một chiều là ngoài tham số điện trở suất và hệ số phân
cực, phương pháp PCKT dòng xoay chiều còn cung cấp thêm các thông tin về giá
trị pha và hệ số kim loại cũng như các đặc trưng phổ phân cực trong các dải tần
số khác nhau. Chính vì những ưu điểm đó khi luận giải địa chất các tài liệu địa
vật lý có độ tin cậy cao hơn, trong một số trường hợp thuận lợi có thể phân
biệt bản chất địa chất của các đối tượng gây ra dị thường và phân biệt các dị
thường phản ánh các đối tượng gây phân cực khác nhau.
Qua kết quả
bước đầu nghiên cứu thử nghiệm phương pháp phân cực kích thích dòng xoay chiều tại
một số vùng quặng đồng Tà Phời, Lào Cai, quặng chì-kẽm ở Ba Xứ, Tuyên Quang và
Nà Tùm, Bắc Cạn trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ “Nghiên
cứu xác lập các đặc trưng dị thường phân cực kích thích dòng xoay chiều trên
các đới và thân quặng sulfur đa kim phục vụ công tác điều tra đánh giá khoáng
sản sulfur đa kim ở Việt Nam” chúng tôi đã xác lập
được các đặc trưng chủ yếu của dị thường PCKT dòng xoay chiều trên các đới và
thân quặng Pb-Zn và Cu ở 3 vùng thử nghiệm; xây dựng quy trình công nghệ đo và phân tích tài liệu
PCKT dòng xoay chiều phục vụ việc đánh giá việc thăm dò quặng sulfur đa kim
(chì-kẽm, đồng) ở Việt Nam.
II. SƠ LƯỢC ĐẶC ĐIỂM ĐỊA CHẤT - KHOÁNG SẢN VÙNG TÀ PHỜI, LÀO CAI
Vùng quặng đồng Tà Phời là vùng có triển vọng hiện đã được Liên đoàn Intergeo thực hiện đề án “Đánh
giá triển vọng quặng đồng và các khoáng sản khác khu vực Tà Phời, thị xã Cam
Đường, tỉnh Lào Cai". Dưới đây là những nét cơ bản về địa chất khu vực vùng
nghiên cứu.
Địa tầng: Trong diện tích vùng điều tra phát triển chủ yếu
các đá trầm tích biến chất thuộc tập 2 hệ tầng Sin Quyền, đá hoa đolomit hệ tầng
Đá Đinh, các đá trầm tích lục nguyên thuộc tập 1 hệ tầng Cam Đường.
Magma: Các đá magma xâm nhập phát triển trong vùng chủ
yếu là granit thuộc pha 2 và pha 3 phức hệ Po Sen và các đá điorit, lamprophyr
của các thành tạo xâm nhập chưa rõ tuổi. Thành phần của chúng gồm: điorit,
điorit biotit hornblenđ, điorit thạch anh và các đá mạch điorit aplit, lamprophyr.
Quặng đồng có quan hệ chặt chẽ với các thể đá magma xâm nhập này.
Kiến tạo: Các đá biến chất của hệ tầng Sin Quyền bị vò uốn
mạnh mẽ, tạo thành các nếp uốn lồi, lõm có kích thước khác nhau với trục kéo
dài theo phương TB-ĐN. Quặng hóa đồng thường phân bố trong đá điorit bị biến
đổi và các đá biến chất trao đổi nằm ở nhân của các nếp lồi.
Khoáng
sản: Trong diện tích tìm kiếm, các đối tượng khoáng
hóa sulfur và quặng Cu, Au, nằm trong các đới biến đổi của đá điorit hạt nhỏ
đến vừa, điorit có chứa thạch anh, điorit sáng màu, plagiogneis biotit, đá biến
chất trao đổi plagioclas-tremolit, đá phiến thạch anh - felspat - biotit, đá phiến
thạch anh - biotit có graphit. Quặng có cấu tạo xâm tán, mạch, mạch xâm tán;
khoáng vật quặng chủ yếu là pyrit, chalcopyrit, cubanit, ít pyrrotin, thứ sinh
có malachit, covellin. Đá chứa quặng chủ yếu là đá biến chất trao đổi actinolit,
đá phiến thạch anh - biotit bị sừng hóa, điorit hornblenđ hạt nhỏ. Các thân
quặng có dạng mạch, mạch tách nhánh, thấu kính; ranh giới giữa quặng và đá vây
quanh không rõ ràng, chủ yếu phân bố ở phần vòm cấu trúc lồi. Đây là đới xung
yếu, tạo điều kiện cho dung dịch mang quặng đi lên và tích tụ. Sơ đồ địa chất
khoáng sản được thể hiện trên trên Hình 1.
III. ĐẶC ĐIỂM PHỔ PHÂN CỰC KÍCH THÍCH DÒNG XOAY CHIỀU CỦA ĐÁ VÀ QUẶNG Ở VÙNG TÀ PHỜI.
Lần đầu tiên ở Việt Nam các đặc trưng phổ phân cực
của các mẫu đá và quặng đồng, chì kẽm và vàng ở một số vùng mỏ được nghiên cứu
trên máy Sip-Fuch Version 02-06-2000 với dải tần số từ 1,4 MHz đến 12 KHz tại
Viện Địa vật lý trường Đại học Kỹ thuật Claustha, Cộng hòa Liên bang Đức. Ở vùng
Tà Phời, chúng tôi đã tiến hành lấy 57 mẫu đá và quặng đồng để gửi đo tham số mật độ, độ từ cảm
và phổ PCKT dòng xoay chiều. Đặc điểm phổ phân cực của một số loại đá chủ yếu ở
vùng Tà Phời như sau:
1. Đá phiến
thạch anh - biotit có graphit:
đại diện là mẫu TP1a, có đặc trưng phổ phân cực được thể hiện trên Hình 2, giá trị
điện trở suất dao động từ 125,9 Ωm ở tần số 0,09 Hz giảm đến 100 Ωm ở tần số
11,18 Hz. Giá trị pha tăng dần từ 111,4 mrad ở tần số 0,09 Hz lên tới 166 mrad
ở tần số 11,18 Hz; hiệu ứng PFE cũng tăng dần từ 9,8% ở cặp tần số (0,09 - 0,7)
Hz lên đến 13,6% ở cặp tần số (1,4 - 11,18) Hz; hệ số kim loại M cũng tăng dần
từ 84,309 simens/m ở cặp tần số (0,09 - 0,7) Hz lên 135,608 simens/s ở cặp tần
số (1,4 - 11,18) Hz.
2. Đá
plagiogneis biotit có graphit:
đại diện là mẫu TP9a, đặc trưng phổ phân cực được thể hiện trên Hình 3, giá trị
điện trở suất ở tần số 0,09 Hz là 117,1 Ωm giảm đến 100,3 Ωm ở tần số 11,18 Hz.
Giá trị pha phân cực tăng dần từ 54,6 mrad ở tần số 0,18 Hz đến 60,8 mrad ở tần
số 2,92 Hz rồi lại giảm tới 56,9 mrad ở tần số 11,18 Hz; giá trị hiệu ứng PFE tăng
dần từ 6,7% ở cặp tần số (0,09 - 0,73) Hz đến 8,6% ở cặp tần số (1,4 - 11,18)
Hz. Hệ số kim loại M cũng tăng dần từ 60,483 simems/m ở cặp tần số (0,09 -
0,73) Hz đến 86,056 simens/m ở tần số (1,4 - 11,18) Hz.
Hình
1. Sơ đồ địa chất và khoáng sản vùng xã Tà
Phời, huyện Cam Đường, Lào Cai
(theo tài liệu của Bùi Xuân Ánh, 2006).
3. Đá plagiogneis
biotit chứa quặng Cu: đại diện
là TP7b, đặc trưng phổ phân cực được thể hiện trên Hình 3, tham số điện trở ở
tần số 0,09 Hz đạt giá trị 200,1 Ωm và giảm đến 168 Ωm ở tần số 11,18 Hz; giá
trị pha phân cực cũng giảm dần theo chiều tăng của tần số. Ở tần số 0,18 Hz đạt
giá trị 98,6 mrad và chỉ còn 64,7 mrad ở tần số 11,18 Hz; giá trị PFE gần như
không thay đổi theo chiều tăng của tần số và có giá trị 10,5 simens/m ở cặp tần
số (0,09 - 1,46) Hz và 10,6 simens/m ở cặp tấn số (0,73 - 11,18) Hz.
4. Đá
điorit: thuộc loại
này có mẫu TP4b, đặc trưng phổ phân cực của mẫu thể hiện ở Hình 4, có điện trở
suất lớn và giảm từ 2554 Ωm ở tần số 0,09 Hz xuống 2499,6 Ωm ở tần số 11,18 Hz.
Pha phân cực nhỏ và thay đổi ít trong phạm vi 6,9 - 7,1 mrad, đạt hết ở tần số
1,46 Hz thì pha phân cực chỉ còn 6,0 mrad; giá trị hiệu ứng phân cực tần số nhỏ
và gần như không thay đổi từ 1,3% ở cặp tần số (0,09 - 1,46) Hz và 1,2% ở tần
số (0,73 - 11,18) Hz.
5. Đá điorit
bị biến đổi chứa quặng Cu:
đại diện là TP4d, đặc trưng phổ phân cực thể hiện Hình 4, tham số điện trở suất
giảm dần từ 28,5 Ωm ở tần số 0,09 Hz xuống 24,3 Ωm ở tần số 11,18 Hz; giá trị pha
phân cực cũng giảm dần từ 135,8 mrad ở tần số 0,18 Hz xuống còn 108,1 mrad ở
tần số 11,18 Hz; giá trị hiệu ứng phân cực tần số PFE lại tăng dần từ 7,5% ở cặp
tần số (0,09 - 1,46) Hz đến 11,6% ở cặp tần số (0,73 - 11,18) Hz.
Các mẫu quặng
ở Tà Phời có đặc trưng phổ phân cực tương tự như mẫu quặng đồng Sin Quyền, Bản
Phúc và Ba Vì và được thể hiện trên Hình 5.
Từ các kết
quả trình bày trên ta thấy:
- Các đá chứa
quặng Cu có giá trị pha phân cực và hiệu ứng phân cực tỷ lệ nghịch với tần số,
có nghĩa là các giá trị này giảm dần theo chiều tăng của tần số từ thấp đến
cao.
- Các đá chứa
graphit thì giá trị hiệu ứng phân cực tần số tỷ lệ thuận với tần số; có giá trị
pha tỷ lệ nghịch với tần số trong khoảng từ 11,7 đến 750 Hz và tỷ lệ thuận với
tần số trong khoảng từ 0,014 đến 1,46 Hz.
- Các đá có
sulfur chứa vàng có giá trị hiệu ứng phân cực tần số tỷ lệ nghịch với tần số; có
giá trị pha phân cực tỷ lệ nghịch với tần số trong khoảng 0,73 - 93,75 Hz và tỷ
lệ thuận với tần số trong khoảng 0,0057 - 0,09 Hz.
Dựa vào các
đặc trưng phổ PCKT dòng xoay chiều chẳng những có thể phát hiện được quặng đồng,
quặng sulfur chứa vàng và graphit, mà còn có thể phân biệt được giữa chúng với
nhau. Đó là ưu điểm chủ yếu của phương pháp PCKT dòng xoay chiều so với phương
pháp này khi dùng dòng một chiều
IV. ĐẶC TRƯNG TRƯNG DỊ THƯỜNG PHÂN CỰC KÍCH THÍCH DÒNG XOAY CHIỀU TRÊN CÁC ĐỚI VÀ THÂN QUẶNG ĐỒNG Ở VÙNG TÀ PHỜI
Để nghiên cứu
xác lập các đặc trưng dị thường phân cực kích thích dòng xoay chiều trên các
đới và thân quặng sulfur đồng vùng Tà Phời, chúng tôi đã đo sâu phân cực dòng
xoay chiều trên 7 tuyến. Công tác đo sâu được tiến hành theo mô hình 2D bằng hệ
thiết bị Wenner-Schlumbeger cho tất cả các tuyến.
Để xác định
tần số thu phát, chúng tôi đã đo phổ phân cực trên các vết lộ đá và quặng với các
tần số từ 2-3 đến 213.
Kết quả cho thấy, tại các vết lộ có quặng đồng thì giá trị điện trở suất
nhỏ, giá trị pha lớn và giá trị pha tỷ lệ nghịch với tần số trong dải tần số từ
8 đến 0,125 Hz; đối với các đá thì có đặc trưng ngược lại; đá phiến có graphit
có giá trị pha lớn và tỷ lệ thuận với tần số trong khoảng từ 1 đến 0,125 Hz.
Cho nên để nghiên cứu được sâu đồng thời phát hiện được các dị thường pha cực
đại, chúng tôi đã chọn các tần số 2; 1; 0,5 và 0,125 Hz để đo cho tất cả các
tuyến trên diện tích nghiên cứu.
Số liệu đo được
xử lý phân tích định lượng theo mô hình 2D bằng các phần mềm RES2DINV và RESIX
IP2DI.
Các kết quả
nghiên cứu thử nghiệm trên các tuyến cụ thể như sau:
1. Tuyến T3: Kết quả phân tích định lượng tài liệu đo sâu phân
cực xoay chiều với các giá trị pha ở các tần số 1; 0,5 và 0,125 Hz, được thể
hiện trên hình 6 a, b, c; kết quả cho thấy:
- Mô hình điện trở suất: Các mô hình giá trị điện trở suất có giá trị điện trở
từ vài đến trên 4000 Wm, được chia thành 2 đới khá rõ rệt: từ cọc -5
của tuyến về đến cuối cánh âm có giá trị điện trở suất chủ yếu là nhỏ hơn 10 Wm, liên quan với đá phiến có chứa graphit; phần còn
lại có giá trị điện trở suất chủ yếu lớn hơn 100 Wm, liên quan với điorit bị biến đổi và chứa quặng
Cu.
Hình 6a. Kết
quả phân tích định lượng tài liệu đo sâu tuyến T3 - giá trị pha ở tần số 1 Hz.
Hình 6b. Kết
quả phân tích định lượng tài liệu đo sâu tuyến T3, giá trị pha ở tần số 0,5 Hz
Hình 6c. Kết
quả phân tích định lượng tài liệu đo sâu tuyến T3,
giá trị pha ở tần số 0,125 Hz
-
Mô hình giá trị pha: Mặt cắt mô hình giá
trị pha ứng với tần số 0,125 Hz đã xác định đới dị thường được khống chế từ cọc
-5 đến cọc 30, tồn tại đến độ sâu trên 100 m, với giá trị điện trở suất từ 50
đến 1000 Wm; giá trị pha lớn hơn 35 mrad, liên quan với các
thân quặng số 4, 5, 6, 7 và 8, đã được khống chế ở trên mặt bằng công trình hào,
vết lộ và dưới sâu bằng công trình khoan LK.12 tại cọc 9, LK.13 tại cọc 0 và
LK.15 tại cọc 15. Kết quả khoan của cả 3 lỗ khoan trên đều gặp quặng hóa, trong
đó lỗ
khoan 13 gặp quặng từ 39 đến 52 m, lỗ khoan 12 gặp quặng từ 102 m đến 110 m, với
hàm lượng các mẫu đều đạt trên 1% (cột địa tầng lỗ khoan được thể hiện trên
Hình 7).
Các
vị trí dị thường mà lỗ khoan gặp quặng có đặc trưng dị thường ở tần số 0,125 Hz
là cực đại, còn ở tần số 1 Hz là cực tiểu (giá trị pha tỷ lệ nghịch với tần số),
đặc biệt vị trí thân quặng mà lỗ khoan 12 đã gặp chỉ được phản ánh trên dị thường
của giá trị pha ở tần số 0,125 Hz.
Theo
tài liệu địa chất thì từ cọc -6 đến cọc 25 tồn tại 5 thân quặng (số 4 đến 8) dạng
vỉa cắm về hướng tây. Theo tài liệu địa vật lý thì quặng ở đây có hình thù phức
tạp, không tách ra các thân quặng riêng biệt, có thể thân quặng 5 lỗ khoan 13
đã gặp và thân quặng 6 lỗ khoan 12 đã gặp là cùng một thân quặng kéo dài liên
tục.
2. Tuyến 5: Kết
quả phân tích định lượng tài liệu đo sâu phân cực trên tuyến 5 với các giá trị:
góc lệch pha ở tần số 1 Hz và 0,125 Hz được thể hiện trên các Hình 8a, b; kết quả
cho thấy:
-
Mô hình điện trở suất: Các mô hình giá trị điện trở suất phân tích ở các tần
số khác nhau giống như nhau và có giá trị điện trở suất thay đổi từ vài đến
trên 1000 Wm, được chia thành 2 đới khá rõ rệt: từ cọc 0 của
tuyến về đến cuối cánh âm có giá trị điện trở suất rất thấp, chủ yếu là nhỏ hơn
10 Wm, liên quan với đá phiến có chứa graphit; phần còn
lại có giá trị điện trở suất cao hơn, chủ yếu lớn hơn 100 Wm, liên quan với đá điorit bị biến đổi và chứa quặng
đồng.
-
Mô hình giá trị pha: Mặt cắt mô hình giá
trị pha ở tần số 0,125 Hz đã xác định được 2 đới dị thường chính liên quan với
quặng đồng:
- Đới dị thường số 1 được khống
chế từ cọc -3 đến cọc 15 và tồn tại đến độ sâu gần 100 m, với giá trị điện trở
suất từ 100 đến 500 Wm; giá trị hệ số phân cực lớn hơn 7%, giá trị pha lớn hơn 35 mrad, liên
quan với thân quặng số 6 và 7. Lỗ khoan 16 (cọc 8 của tuyến) đã gặp quặng từ 25
đến 72 m. Đới dị thường này hoàn toàn không có biểu hiện dị thường ở tần số 1
Hz;
- Đới dị thường số 2 được khống
chế từ cọc 17 đến cọc 40, tồn tại đến độ sâu trên 50 m, với giá trị điện trở
suất từ 100 đến 500 Wm; giá trị pha lớn hơn 35 mrad. Đới dị thường này liên quan với thân
quặng số 8.
3. Tuyến
2:
Kết quả phân tích định lượng
tài liệu đo sâu phân cực với giá trị góc pha ở tần số 0,125 Hz được thể hiện
trên Hình 9; đã xác định được 2 đới dị thường chính liên quan với quặng đồng:
- Đới dị thường số 1 được khống chế từ cọc
-10 đến cọc 13 tồn tại đến độ sâu gần 100 m, với giá trị điện trở suất từ 50
đến 500 Wm; giá trị pha lớn hơn 35 mrad. Đới dị thường này liên quan với các thân
quặng số 4, 5 và 6. Kết quả khoan tại cọc 8, lỗ khoan 5 đã gặp quặng từ 13 m đến
98 m; cọc 3, lỗ khoan 6 gặp quặng từ 23 m đến 130,5 m; lỗ khoan 7 tại cọc -3
của tuyến gặp quặng từ 10,8 m đến 53,5 m.
- Đới dị thường số 2
được khống chế từ cọc 15 đến cọc 37 và quan sát được sự tồn tại đến độ sâu gần 100
m, với giá trị điện trở suất từ 50 đến 500 Wm; giá
trị pha lớn hơn 35 mrad. Đới dị thường này liên quan với các thân quặng số 7 và
8.
Kết quả nghiên cứu trên các
tuyến T1, T4 và T6 cho thấy các đặc trưng dị thường PCKT dòng xoay chiều trên
các tuyến giống nhau.
Hình 7. Cột địa tầng lỗ khoan 12 - Tuyến T3
Hình 8b. Kết
quả phân tích định lượng tài liệu đo tuyến T5,
giá trị pha ở tần số 0,125 Hz
V. KẾT LUẬN
Kết quả nghiên cứu thử nghiệm phương pháp PCKT
dòng xoay chiều trên các tuyến ở vùng Tà Phời đạt hiệu quả cao, kết quả khoan trên
các dị thường của các tuyến đều gặp quặng. Các đới và thân quặng Cu có các đặc
trưng dị thương phân cực dòng xoay chiều như sau:
1. Các đá chứa
quặng Cu có đặc trưng phổ phân cực khác với đá phiến chứa graphít và đá không
chứa quặng. Quặng Cu có giá trị điện trở suất thấp; giá trị pha, hiệu ứng phân
cực tần số và hệ số kim loại lớn; giá trị pha và hiệu ứng phân cực tần số tỷ lệ
nghịch với tần số.
2. Quặng Cu
được phản ánh trên trên đới dị thường có giá trị phân cực và giá trị pha cao, giá
trị điện trở suất trung bình, giá trị hệ số kim loại trung bình và hiệu giá trị
pha ở tần số 0,125 Hz và 1 Hz có giá trị dương.
3. Các đới
đá phiến có khoáng hóa sulfur và chứa graphit được được phản ánh trên dị thường, giá trị điện trở suất
nhỏ, giá trị phân cực và pha lớn, giá trị hệ số kim loại lớn, hiệu giá trị pha
ở tần số 0,125 Hz và 1 Hz có giá trị âm.
4. Kết quả nghiên
cứu thử nghiệm các phương pháp địa vật lý để tìm kiếm quặng đồng ở vùng Tà Phời
đã khống chế được diện phân bố của thân quặng ở trên mặt cũng như theo chiều sâu.
Quặng ở đây biến đổi rất phức tạp theo diện cũng như theo chiều sâu. Việc
khoanh nối thân quặng trên mặt là khó khăn. Các thân quặng có hình dạng phức
tạp có thể không phải là dạng vỉa.
Hình 9. Kết
quả phân tích định
lượng tài liệu
đo tuyến
T2, giá trị pha ở
tần số
0,125 Hz
VĂN LIỆU
1. Hallof
Philip G., 1974. The IP
phase measurement and inductive coupling. Geophysics, 39/5.
2. Pelton W.H., H. Ward, P.G. Hallof, W.R.
Sill, P.H. Nelton, 1978. Mineral discrimination and
removal of inductive coupling with multifrequency IP. Geophysics, 43/3
: 588-609.
3. Pelton W.H., W.R. Sill, B.D. Smith, 1983. Interpretation of complex resistivity and dielectric data.
Geophysics, 29/4.
4. Tăng
Đình Nam (Chủ biên), 2001.
Báo cáo Nghiên cứu, xác lập tổ hợp các phương pháp địa vật lý hợp lý và xây dựng
quy trình công nghệ để tìm kiếm quặng chì-kẽm ở Việt Nam. Lưu trữ Bộ KH&CN, Hà Nội.
5. Tăng
Đình Nam (Chủ biên), 2003.
Báo cáo Nghiên
cứu thử nghiệm các phương pháp với thiết bị, công nghệ và kỹ thuật mới của địa vật
lý có khả năng phát hiện các thân quặng ẩn sâu. Lưu trữ Bộ KH&CN, Hà
Nội.
6. Tăng
Đình Nam (Chủ biên), 2004.
Báo cáo Các đặc trưng phổ phân cực kích thích của đá và quặng ở điểm quặng đồng,
vàng Tà Phời, Cam Đường, Lào Cai. Lưu trữ
Bộ KH&CN, Hà Nội.
7. Tăng
Đình Nam và nnk, 2005. Một số kết
quả nghiên cứu áp dụng phương pháp đo sâu phân cực kích thích dòng xoay chiều
trong nghiên cứu điều tra khoáng sản ở Việt Nam. Tuyển tập báo cáo Hội nghị KHKT Địa vật lý VN lần thứ 4. Hà Nội.
8. Tăng
Đình Nam, A. Weller, 2005.
Một số kết quả nghiên cứu đặc trưng thạch học vật lý của đá và quặng trên một số
vùng mỏ đồng, vàng và chì kẽm ở Việt Nam.
Tuyển tập báo cáo Hội nghị KHKT Địa vật lý VN lần thứ 4. Hà Nội.
9. Vanhala H. and Peltoniemi M., 1992. Spectral IP studies of Finnish ore prospects. Geophysics, 57/12 :
1545-1556.
10. Weller A., 1996. Mesurements of spectral induced polarization for environmental purposes. Environment Geology, 27:
329-334.