LỄ
KỶ NIỆM 30 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
CỦA LIÊN ĐOÀN TRẮC ĐỊA ĐỊA HÌNH
PHAN ĐỨC HIẾU
Liên
đoàn Trắc địa địa hình, 80 Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội
Ngày 24/7/2008, tại trụ
sở Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Liên đoàn Trắc địa Địa hình đã tổ chức
lễ Kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Liên đoàn. Tới dự lễ Kỷ niệm có Thứ trưởng Bộ
Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng
sản Việt Nam Nguyễn Thành Vạn, đại diện các đơn vị của Cục Địa chất và Khoáng
sản Việt Nam, đại diện các cơ quan đối tác khách hàng, các trường đại học
liên quan, đại diện một số công ty và các báo, tạp chí thuộc Bộ Tài nguyên và
Môi trường, đại diện các thế hệ CBCNV của Liên đoàn đã nghỉ hưu. Trong buổi lễ
long trọng này Thứ trưởng Nguyễn Văn Đức đã trao tặng huân chương lao
động hạng nhì cho ông Huỳnh Quang Tư nguyên Liên đoàn trưởng Liên đoàn
giai đoạn 1978-1997, trao tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Liên đoàn
và cho Liên đoàn trưởng Phan Đức Hiếu.
Ảnh. Thứ
trưởng Nguyễn Văn Đức trao tặng bằng
khen của Thủ tướng Chính phủ
cho Liên đoàn và cho Liên đoàn trưởng Phan Đức Hiếu
Liên đoàn Trắc địa địa hình được thành lập ngày 15/7/1978
theo quyết định số 256 QĐ/TC của Tổng cục Địa chất, gần đây được Bộ Tài nguyên
và Môi trường quy định lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức
theo quyết định số 514/2003/QĐ-BTNMT ngày 22/4/2003. Hạt nhân chính để hình
thành Liên đoàn là Đoàn 56, đơn vị chuyên ngành trắc địa bản đồ đầu tiên của
Tổng cục Địa chất.
Nhiệm vụ chính của Liên đoàn Trắc địa Địa hình là xây
dựng lưới khống chế mặt phẳng, độ cao, đo vẽ thành lập bản đồ địa hình các loại
tỷ lệ, phục vụ công tác điều tra nghiên cứu địa chất và tìm kiếm đánh giá
khoáng sản trên đất liền và biển trong phạm vi cả nước.
Kết quả hoạt động chủ yếu của Liên đoàn trong 30 năm qua
được thể hiện trên các mặt sau:
1.
Phục vụ khảo sát địa chất và điều tra khoáng sản
Từ khi thành lập đến nay Liên đoàn đã đo vẽ, thành lập,
cung cấp cho các Liên đoàn Địa chất hàng vạn km2 bản đồ địa hình,
đáp ứng được yêu cầu của công tác khảo sát địa chất và điều tra khoáng sản trên
đất liền và trên biển trong phạm vi cả nước.
-
Thành lập lưới khống chế mặt phẳng, độ cao và đo vẽ thành lập hàng vạn km2
bản đồ địa hình tỷ lệ 1/10.000 và 1/25.000 của hàng trăm phương án, đề án khảo
sát địa chất, tìm kiếm, đánh giá và quy hoạch tổng thể tiềm năng của các loại
khoáng sản như: than Quảng Ninh, sắt Thái Nguyên, Hà Tĩnh, mangan Trùng Khánh
(Cao Bằng), titan dọc bờ biển miền Trung, bauxit Lâm Đồng, Đắc Nông (Đắc Lắc),
đất hiếm Quảng Nam, thiếc Quỳ Hợp (Nghệ An),
Đà Lạt (Lâm Đồng), chì-kẽm Bắc Cạn, ...
- Đo vẽ thành lập bản đồ địa hình tỷ lệ 1/10.000 và
1/25.000 của 55 thị xã và thành phố thuộc các tỉnh trong cả nước với diện tích
hàng chục ngàn km2, phục vụ khảo sát địa chất môi trường và quy hoạch
phát triển các đô thị.
- Từ năm 1992 đến nay, phối hợp với Liên đoàn Địa chất
Biển, Liên đoàn Vật lý Địa chất thực hiện công tác định vị, dẫn đường các tuyến
địa vật lý, xác định tọa độ, độ sâu các điểm lấy mẫu và thành lập bản đồ độ sâu
đáy biển (0-30 m nước) dọc theo bờ biển từ Móng Cái đến Cà Mau với diện tích
hơn 120.000 km2, phục vụ công tác khảo sát địa chất và điều tra
khoáng sản biển Việt Nam.
2.
Phục vụ khảo sát, đánh giá và thăm dò khoáng sản
Liên
đoàn đã đóng góp công sức trong việc lập các tờ bản đồ địa hình, đo đạc xác
định chính xác các điểm quặng, điểm công trình địa chất, làm cơ sở cho nhà địa
chất nhận biết vị trí, hình thù và trữ lượng của những thân quặng, vùng mỏ.
Hàng ngàn km2 bản đồ địa hình tỷ lệ 1/5000, 1/2000 và 1/1000 đã được
thành lập, hàng vạn km tuyến đã được chuyển từ bản đồ ra thực địa và ngược lại,
hàng vạn điểm công trình như hào, giếng, lỗ khoan… đã được xác định chính xác
tọa độ, độ cao phục vụ cho đánh giá thăm dò hàng trăm vùng mỏ trên cả nước.
Đến
nay nhiều vùng mỏ đã được khai thác, cung cấp khoáng sản, nguyên vật liệu cho
các nhà máy hoạt động như: mỏ vàng Bồng Miêu, Phước Thành (Quảng Nam), mỏ đồng
Sin Quyền (Lào Cai), sắt Thái Nguyên, Hà Tĩnh, nickel Bản Phúc (Sơn La,
chì-kẽm ở Chợ Đồn (Bắc Cạn), thiếc ở Lâm Đồng và Quỳ Hợp (Nghệ An), bauxit ở
Đăk Nông, Lâm Đồng, các mỏ đá vôi, đất sét phục vụ cho ngành công nghiệp xi
măng ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung, …
3.
Phục vụ các ngành kinh tế quốc dân khác
Từ năm 1986 đến nay, Liên đoàn đã hợp tác thực hiện hàng
trăm hợp đồng đo đạc thành lập bản đồ địa hình, bản đồ địa chính các loại tỷ lệ
cho các đơn vị kinh tế thuộc các bộ, ngành trung ương và địa phương. Những năm
đầu (1986-1993), các hoạt động này chỉ mang tính dịch vụ, tạo thêm việc làm,
thu nhập cho công nhân viên chức, tỷ trọng trong doanh thu hàng năm chỉ đạt
trên dưới 30 %. Từ năm 1993 đến nay, Liên đoàn đã chủ động hội nhập kinh tế thị
trường, chuyển dần hoạt động dịch vụ thành hoạt động sản xuất kinh doanh chính
của Liên đoàn, trong 15 năm qua đã thực hiện các dạng dịch vụ đo đạc bản đồ chủ
yếu sau đây:
- Đo vẽ thành lập bản đồ địa chính tỷ lệ 1/500, 1/1000 và
1/2000, bản đồ địa chính đất lâm nghiệp tỷ lệ 1/10.000 thuộc các dự án cấp bách
của Chính phủ và lập hồ sơ địa chính cho hàng chục tỉnh, thành trong cả nước
(Lạng Sơn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu, Nghệ
An, Quảng Ngãi, Tp Hồ Chí Minh, Gia Lai, Kon Tum, …). Khối lượng thực hiện hơn
500.000 ha, cấp hàng chục vạn giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Đo vẽ bản đồ địa hình, bản đồ địa chính phục vụ giải
phóng mặt bằng và thi công các tuyến quốc lộ như: Ql. 14c, Ql. 279, Ql. 4d, Ql.
37, Ql. 3, ...
- Đo vẽ bản đồ địa hình phục vụ thăm dò, thiết kế khai
thác mỏ và quy hoạch xây dựng nhà máy đồng Sin Quyền (Lào Cai, nickel Bản Phúc
(Sơn La), bauxit (Lâm Đồng, Đăk Nông), wolfram Đại Từ (Thái Nguyên), ...
- Thành lập bản đồ địa hình 1:1000 và 1:2000 các vùng núi
đá vôi phục vụ xây dựng các Nhà máy xi măng Ching Phong (Hải Phòng), Bút Sơn
(Nam Hà), Tam Điệp (Ninh Bình), ...
- Số hóa hồ sơ địa giới hành chính cho 6 tỉnh Phú Thọ,
Vĩnh Phúc, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu.
- Đo vẽ thành lập bản đồ địa hình tỷ lệ 1/10.000 và
1/2000 phục vụ cho gần 40 đề án khả thi và tiền khả thi xây dựng nhà máy thủy
điện ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên như: Cổ Bi, Bản Uôn, Nặm Na, Sê San 4,
Plei Krông, An Khê, Srê Pôk 3 và Srê Pôk 4, Buôn Tua Sáp, Buôn Cốp, Sông Giang,
Ea Krông Năng, Hồi Xuân, ...
4.
Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới thiết bị
Đây là lĩnh vực được lãnh đạo Liên đoàn đặc biệt quan
tâm, từ nghiên cứu thử nghiệm đến mở lớp đào tạo, hướng dẫn ứng dụng vào sản
xuất. Từ năm 1995 đến nay, bình quân một năm có 6-8 người theo học đại học và
trên đại học hệ tại chức, có 10 đến 15 người được đào tạo tại Liên đoàn để nâng
cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tiếp thu công nghệ mới vào quản lý và sản
xuất. Đến nay Liên đoàn đã có đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật - nghiệp
vụ và công nhân sức khỏe tốt, trình độ chuyên môn và tay nghề cao, luôn đáp ứng
được yêu cầu của sản xuất.
Thiết bị và công nghệ trắc địa bản đồ hiện nay của Liên
đoàn đã cơ bản đáp ứng được mọi yêu cầu của công tác trắc địa bản đồ, phục vụ
ngành Địa chất và các ngành khác, gồm có:
- Công nghệ GPS định vị vệ tinh được trang bị, ứng dụng
vào sản xuất ở Liên đoàn từ năm 1993, đến nay đã được sử dụng rộng rãi trong
thành lập lưới khống chế mặt phẳng trên đất liền và hải đảo, định vị dẫn đường
và xác định tọa độ các điểm độ sâu, lấy mẫu trên biển, phục vụ công tác điều
tra địa chất biển và thành lập bản đồ địa hình đáy biển.
- Công nghệ đo độ sâu địa hình đáy biển gồm đồng bộ máy
GPS với máy đo sâu.
- Công nghệ đo vẽ bản đồ địa hình bằng ảnh máy bay trên
máy đo vẽ toàn năng và công nghệ đo vẽ ảnh số trên các trạm Photomod,
Intergraph.
- Công nghệ đo vẽ bản đồ số với thiết bị đồng bộ máy toàn
đạc điện tử, máy vi tính, máy in.
- Công nghệ số hoá và chế in bản đồ.
Đây là sự cố gắng, tiến bộ vượt bậc của Liên đoàn, không
chỉ góp phần tăng năng suất lao động lên nhiều lần so với trước năm 1995, chất
lượng sản phẩm tốt hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn, mà còn nâng cao uy tín, sức
cạnh tranh của Liên đoàn trong cơ chế thị trường. 100 % các sản phẩm trắc địa
bản đồ hiện nay đã được thực hiện theo công nghệ số.
5.
Kết quả sản xuất kinh doanh
Là một đơn vị sự nghiệp kinh tế hoạt động trong ngành Địa
chất, những năm đầu mới thành lập Liên đoàn chỉ thực hiện nhiệm vụ kế hoạch cấp
trên giao, và đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, chủ động đề xuất
ứng dụng thiết bị, công nghệ tiên tiến vào sản xuất trắc địa bản đồ. Từ năm
1986, bước sang thời kỳ đổi mới, cả nước tập trung toàn lực vào sự nghiệp phát
triển kinh tế để xây dựng và bảo vệ tổ quốc, cán bộ CNVC trong Liên đoàn đã
thực hiện đường lối Đổi mới của đảng, đổi mới tổ chức và cơ chế quản lý, đổi
mới thiết bị công nghệ, tích cực tìm kiếm việc làm, mở rộng đối tượng phục vụ
đến các đơn vị kinh tế, các ngành kinh tế và các địa phương có nhu cầu đo vẽ
thành lập bản đồ địa hình, bản đồ địa chính, bản đồ phục vụ thiết kế, bản đồ
quy hoạch...
Kết quả của những năm đổi mới đã làm thay đổi cả về số
lượng và chất lượng trong sản xuất - kinh doanh của Liên đoàn. Giá trị sản
lượng trong 10 năm qua tăng gần 4 lần, năm 2007 đạt gần 30 tỷ đồng, tăng trưởng
kinh tế hàng năm trên 15 %. Thu nhập bình quân của cán bộ CNVC từ năm 2005 đến
nay đều đạt trên 4 triệu đồng/người/tháng. Kinh doanh luôn có lãi, thực hiện
đúng và đầy đủ nghĩa vụ nộp ngân sách theo quy định của pháp luật. Cơ sở vật
chất của Liên đoàn và các đơn vị trực thuộc đều được đầu tư cải tạo. Máy đo đạc
và thiết bị công nghệ được đầu tư đổi mới toàn diện theo hướng đồng bộ và hiện đại,
vừa giải phóng sức lao động, vừa nâng cao năng lực sản xuất - kinh doanh của
Liên đoàn, đáp ứng ngày một tốt hơn các yêu cầu của ngành Địa chất và của xã
hội, đủ năng lực để cạnh tranh trong lĩnh vực đo đạc - bản đồ trong cơ chế thị
trường. Từ năm 2002, Liên đoàn đã chuyển thành đơn vị sự nghiệp kinh tế tự cân
đối thu chi, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật theo Nghị định 10 và
Nghị định 43 của Chính phủ.
6.
Những phần thưởng cao quý
Với những thành tích xuất sắc và toàn diện đã đạt được
trong 30 năm hoạt động, Liên đoàn Trắc địa địa hình và các thế hệ cán bộ CNVC
của Liên đoàn đã được Đảng, Nhà nước, các bộ ngành trung ương và địa phương
tặng nhiều phần thưởng cao quý:
- Liên đoàn được tặng: 1 Huân chương Lao động hạng hai, 2
Huân chương Lao động hạng ba; nhiều bằng khen và cờ thi đua của Chính phủ, của
Bộ Công nghiệp và Bộ Tài nguyên và Môi trường, của các tỉnh và các bộ khác.
- Các đơn vị thuộc Liên đoàn được tặng: 1 Huân chương Lao
động hạng ba và nhiều bằng khen cấp bộ.
- Các thế hệ cán bộ CNVC của Liên đoàn được nhận nhiều
bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của các bộ, ngành và Tổng liên đoàn Lao động
Việt Nam: gần 150 người được tặng
thưởng huân, huy chương Chống Mỹ cứu
nước; hơn 160 người được tặng thưởng Huy hiệu Vì sự nghiệp địa chất Việt Nam,
Vì sự nghiệp công nghiệp Việt Nam, Vì sự nghiệp tài nguyên và môi trường.
Kỷ niệm 30 năm ngày thành lập, cán bộ CNVC trong Liên
đoàn quyết tâm giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp, không ngừng nâng cao
trình độ khoa học công nghệ, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tiếp tục hoàn thiện
tổ chức và cơ chế quản lý, năng động và thích ứng hơn nữa với cơ chế thị
trường, tăng cường đổi mới thiết bị công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất -
kinh doanh của Liên đoàn, đóng góp nhiều hơn nữa vào thành tích chung và sự
phát triển của ngành Địa chất, ngành Đo đạc bản đồ, Bộ Tài nguyên và Môi trường
và các đơn vị đối tác hôm nay và mai sau.