ĐẶC ĐIỂM CHẤT LƯỢNG VÀ TIỀM NĂNG ĐÁ ỐP LÁT GABBRO-ĐIORIT VÙNG NÚI MỘT, NINH THUẬN

LƯƠNG QUANG KHANG

Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội

Tóm tắt: Ninh Thuận là một trong số các tỉnh Nam Trung Bộ có tiềm năng to lớn về các loại đá magma có thể làm đá ốp lát. Các loại đá sử dụng làm đá ốp lát có nhiều màu sắc khác nhau như: đá gabbro-điorit màu xám đen, xanh đen ở vùng Núi Một, đá granit màu trắng ở vùng Núi Gió và đá granit màu phớt xanh đến xanh trứng sáo ở vùng Từ Thiện. Kết quả nghiên cứu đã xác định các thành tạo magma xâm nhập gabbro-điorit vùng Núi Một thuộc pha 1 của phức hệ Định Quán, có màu xám đen, xanh đen, có tính tô điểm đẹp, có độ bền cơ học và độ thu hồi đá khối cao, đủ tiêu chuẩn để sản xuất đá ốp lát và hiện đang được thị trường trong và ngoài nước rất ưa chuộng.

Ninh Thuận là tỉnh có tiềm năng to lớn về đá ốp lát có nguồn gốc magma. Việc điều tra thăm dò, đánh giá chất lượng và tiềm năng tài nguyên trữ lượng của chúng nói chung, và đá ốp lát gabbro-điorit ở vùng Núi Một nói riêng, đóng vai trò quan trọng trong quy hoạch khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên đá ốp lát, nhằm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Thuận và các vùng lân cận.

I. ĐẶC ĐIỂM ĐỊA CHẤT 

Tham gia vào cấu trúc địa chất vùng Núi Một chủ yếu là các thành tạo magma xâm nhập thuộc phức hệ Định Quán. Các đá của phức hệ Định Quán được chia làm 2 pha xâm nhập chính và pha đá mạch có thành phần thạch học như sau [2]:

- Pha 1 (GbDi-GbDia/K1 đq1): Các đá xâm nhập thuộc pha 1 chiếm gần 1/2 diện tích vùng, bao gồm toàn bộ địa hình nổi cao của Núi Một và kéo dài về phía bắc. Thành phần thạch học gồm chủ yếu là đá gabbro-điorit, ít hơn có các đá gabbro amphibol và monzonit.

Đá gabbro-điorit phân bố khá rộng rãi, chiếm toàn bộ diện tích trung tâm khu vực và thuộc phần địa hình nổi cao. Đá có thành phần khá đồng nhất, chủ yếu là đá gabbro-điorit hạt vừa không đều, màu xám đen, phớt lục, đen lục đốm đen. Phần trên mặt, đá bị nứt vỡ tạo các khối tảng kích cỡ từ nhỏ đến 0,5 m3, đôi chỗ tạo các khối tảng rắn chắc tới một vài m3. Chúng có độ rắn chắc cao, thường bị phong hoá theo kiểu bóc vỏ dạng cầu. Đá gabbro-điorit có cấu tạo khối, kiến trúc hạt nửa tự hình. Thành phần khoáng vật gồm (%): plagioclas = 50-70; amphibol = 10-18; felspat kali = 3-8; biotit = 8-12; pyroxen = 3-8, cá biệt có mẫu 17-20; thạch anh từ rất ít đến 2. Ngoài ra, còn có ít apatit hoặc quặng.

- Pha 2 (Di-GDi/K1 đq2): Các đá pha 2 lộ ra ở phía đông, đông nam với diện tích khá lớn, chiếm hơn 1/2 diện tích vùng. Thành phần thạch học chủ yếu gồm điorit, granođiorit biotit-hornblenđ và ít hơn có điorit thạch anh.

- Pha đá mạch (Sp-Dia/K1 đq): Các thành tạo của pha đá mạch xuyên cắt rất hạn chế trong đá gabbro-điorit hạt vừa không đều, màu xám đen. Chúng là các mạch spessartit và điabas porphyrit.

Trong các loại đá nêu trên, gabbro-điorit của pha 1 có đủ tiêu chuẩn để sản xuất đá ốp lát. Tài liệu thăm dò, cũng như tài liệu khai thác, cho thấy tại vùng Núi Một quá trình phong hoá xảy ra không mạnh mẽ. Theo chiều từ trên xuống dưới, trong phạm vi phân bố đá gabbro-điorit, có thể chia ra các tầng đá có mức độ phong hoá khác nhau như sau [1]:

- Trên cùng là tầng đất phủ, gồm sét, cát chứa dăm sạn màu nâu vàng, chứa ít khối đá tảng lăn màu đen, xanh đen, kích thước khoảng 0,2-0,5 m3, ít khối có kích thước 1 m3. Chiều dày tầng phủ thay đổi từ 0,2 (LK.1) đến 1,4 m (LK.6).

- Tiếp đến là tầng đá gabbro-điorit bán phong hoá màu xanh xám. Tầng đá này có chiều dày thay đổi từ 1,5 (LK.2) đến 4 m (LK.4).

- Dưới cùng là tầng đá gốc, gồm chủ yếu là đá gabbro-điorit màu xám đen, xanh đen, rắn chắc, hạt nhỏ đến vừa, cấu tạo khối, ít bị nứt nẻ.

Trong phạm vi vùng Núi Một ít có các biểu hiện của hoạt động kiến tạo, không có đứt gãy nào cắt qua, các đá magma xâm nhập chủ yếu bị phân cắt bởi các hệ thống khe nứt có phương khác nhau. Kết quả đo đạc và xử lý tài liệu khe nứt tại các bãi lộ đá gốc cho thấy, trong khu mỏ tồn tại 3 hệ thống khe nứt chính là: 120-135° Ð 75-80°; 235-250° Ð 65-85° và 310-355° Ð 65-85°. Các hệ thống khe nứt này có ảnh hưởng nhất định tới độ nguyên khối của đá và dọc theo các khe nứt, đá thường bị phong hoá.

II. ĐẶC ĐIỂM CHẤT LƯỢNG ĐÁ ỐP LÁT GABBRO-ĐIORIT [1]

1. Đặc điểm thạch học

 Kết quả phân tích mẫu lát mỏng cho thấy đá gabbro-điorit có màu xám sẫm, xám đen, xanh đen, hạt nhỏ đến vừa, rắn chắc, cấu tạo khối, kiến trúc hạt nửa tự hình đến hạt tự hình. Thành phần khoáng vật gồm (%): plagioclas = 50-70; amphibol = 10-18; felspat kali = 3-8; biotit = 8-12; pyroxen = 3-8, cá biệt có mẫu 17-20; thạch anh từ rất ít đến 2%; ngoài ra, trong mẫu có thể gặp ít apatit hoặc quặng.

2. Đặc điểm thạch hoá

Kết quả phân tích hoá silicat xác định hàm lượng các oxit tạo đá như sau (%): hàm lượng SO3 dao động từ 0,0 đến 0,80, trung bình 0,12; SiO2 =  49,30-63,0, trung bình 52,85; Al2O3 = 15,17-16,49, trung bình 16,06; TiO2 = 0,54-1,01, trung bình 0,90; Fe2O3 = 1,55-3,88, trung bình 3,18; FeO = 4,31-7,05, trung bình 5,92; MnO = 0,06-0,32, trung bình 0,17; MgO = 1,95-6,73, trung bình 4,96; CaO = 3,27-9,41, trung bình 7,13; Na2O = 2,3-2,90, trung bình 2,60; K2O = 1,45-3,56, trung bình 2,62; P2O5 = 0,12-0,35, trung bình 0,23; H2O- = 0,0-0,08, trung bình 0,02; MKN = 0,19-1,88, trung bình 0,64.

Như vậy, hàm lượng các thành phần có hại ảnh hưởng tới chất lượng của đá ốp lát nhỏ hơn chỉ tiêu cho phép nhiều lần. Hàm lượng các oxit tạo đá đặc trưng chuyển tiếp từ bazơ đến axit, tạo nên loại đá chuyển tiếp gabbro-điorit có xu thế thiên về nhóm đá granitoiđ.

3. Tính năng phóng xạ

Kết quả xác định tham số xạ cho thấy gabbro-điorit vùng Núi Một có cường độ bức xạ gamma dao động 54-84 xung/phút và hoạt tính phóng xạ thay đổi 12-14 ppm (cho phép là 50 ppm). Với kết quả như vậy, có thể khẳng định gabbro-điorit vùng Núi Một có hoạt tính phóng xạ thấp, nên việc khai thác chúng làm nguyên liệu ốp lát sẽ không ảnh hưởng đến môi trường và sức khoẻ người sử dụng.

4. Đặc tính cơ lý

Kết quả đánh giá chất lượng đá ốp lát vùng Núi Một theo các chỉ tiêu cơ lý đá được tổng hợp trong Bảng 1.

Bảng 1. Bảng tổng hợp kết quả phân tích các chỉ tiêu cơ lý gabbro-điorit vùng Núi Một

TT

Các chỉ tiêu cơ lý

Đơn vị tính

Từ

Đến

Trung bình

1

Dung trọng tự nhiên (gk)

g/cm3

2,722

2,850

2,785

2

Tỷ trọng (g0)

g/cm3

2,830

2,920

2,860

3

Độ rỗng (n)

%

1,47

3,82

2,50

4

Độ hút nước (whn)

%

0,04

0,12

0,08

5

Cường độ kháng nén khô (snk)

kg/cm2

1247

2000

1388

6

Cường độ kháng nén bão hoà (snb)

kg/cm2

1040

1450

1269

7

Hệ số hoá mềm (Ky)

-

0,68

0,95

0,92

 

Các kết quả ở Bảng 1 cho thấy tính chất cơ lý của đá gabbro-điorit vùng Núi Một hoàn toàn đáp ứng các tiêu chuẩn quy định để sản xuất đá ốp lát.

5. Đặc tính mỹ thuật

Đá ốp lát gabbro-điorit vùng Núi Một có màu sắc phổ biến là màu xám đen, xanh đen. Màu sắc của đá tương đối đồng nhất trong phạm vi từng khối đá và loại đá có màu xám đen, xanh đen hiện đang được khách hàng trong và ngoài nước rất ưa chuộng. Về độ hạt của đá cũng tương đối ổn định, chủ yếu là hạt nhỏ đến hạt vừa.

Tuỳ thuộc vào đặc điểm thành phần, cấu tạo, kiến trúc, đá có các dạng vân hoa với nhiều màu sắc sặc sỡ khác nhau. Đá có thành phần khoáng vật mang màu sắc tương phản, kích thước độ hạt không đều, kiến trúc hạt nửa tự hình. Các tinh thể plagioclas, felspat kali, amphibol, pyroxen, biotit và thạch anh kết hợp hài hoà tạo nên kiểu vân hoa dạng đốm hạt vừa tương đối đều, có tính tô điểm đẹp. Độ bóng của đá đạt 88-96 %.

Các kết quả nghiên cứu về đặc tính mỹ thuật của đá cho thấy các sản phẩm đá ốp lát chế tác từ đá gabbro-điorit vùng Núi Một có độ bóng cao, thuộc nhóm đá có tính tô điểm từ vừa đến cao.

6. Độ nguyên khối của đá

Độ thu hồi khối của đá gabbro-điorit Núi Một theo tài liệu đo khe nứt ở các bãi lộ đá gốc và các lỗ khoan thăm dò được tổng hợp ở Bảng 2.

Bảng 2. Bảng tổng hợp kết quả tính độ thu hồi khối tại các bãi lộ trên mặt
và trong các công trình khoan thăm dò

Các kết quả tính toán ở Bảng 2 cho thấy độ thu hồi đá khối có kích cỡ ³ 0,4 m3 tại các bãi lộ trên mặt và các lỗ khoan trung bình là 46,73 %. Độ thu hồi đá khối có kích cỡ ³ 1,0 m3 trở lên chiếm trung bình là 32,69 %.

Kết quả khai thác tại moong khai thác thử đã tách được 31 khối đá có thể tích khối dao động từ 0,5 đến 10,05 m3. Tổng khối lượng đá khối các kích cỡ khai thác được đạt tiêu chuẩn đá ốp lát là 76,31 m3. Khối lượng đá khối và độ thu hồi khối theo từng kích cỡ được tổng hợp ở Bảng 3.

Bảng 3. Bảng tổng hợp kết quả tính độ thu hồi đá khối
theo các kích cỡ tại moong khai thác thử

Tổng thể tích moong khai thác (m3 )

Khối lượng đá khối đã khai thác có kích cỡ ³0,4 m3  (m3)

Độ thu hồi đá khối theo các kích cỡ (%)

³0,4 - 1,0

³1,0 -  2,5

³2,5 - 5,0

³5,0 - 8,0

³ 8,0

Tổng

264,60

76,31

2,51

6,45

10,16

5,92

3,80

28,84

 

Toàn bộ khối lượng đá khối sau khi khai thác được sơ chế đảm bảo đạt tiêu chuẩn và đưa vào gia công thành đá ốp lát thương phẩm, xẻ thành đá tấm có chiều dày 0,02 m. Tổng diện tích đá tấm sau khi xẻ và gia công được 2482,4 m3, trong đó có 2029,6 m3 đạt tiêu chuẩn đá thương phẩm, chiếm 81,76 %.

Tóm lại, đá ốp lát gabbro-điorit vùng Núi Một là loại đá ốp lát có chất lượng tốt. Thực tế đá khối và đá ốp lát trong vùng đã cung cấp cho các công trình kiến trúc đô thị ở thành phố Biên Hoà, thành phố Hồ Chí Minh và xuất khẩu. Sản phẩm đá ốp lát gabbro-điorit vùng Núi Một hiện đang được thị trường trong và ngoài nước rất ưa chuộng.

III. TIỀM NĂNG TÀI NGUYÊN, TRỮ LƯỢNG ĐÁ ỐP LÁT GABBRO-ĐIORIT [1]

Kết quả của công tác thăm dò đá ốp lát gabbro-điorit vùng Núi Một đã giúp đánh giá được tài nguyên, trữ lượng đá khối theo từng kích cỡ như sau:

Bảng 4. Bảng tổng hợp kết quả tính trữ lượng đá khối theo từng kích cỡ

Cấp trữ lượng, tài nguyên

Trữ lượng, tài nguyên đá nguyên khai (m3)

Tỷ lệ thu hồi đá khối cỡ ³0,4 m3

(%)

Trữ lượng, tài nguyên đá khối  cỡ 0,4 m3 (m3)

Trữ lượng, tài nguyên đá khối theo từng kích cỡ (m3 )

 

³0,4-1,0

³1,0-2,5

³2,5-5,0

³5,0-8,0

³8,0

122

1.102.506

28,84

317.962

27.672

71.111

112.014

65.269

41.896

333

2.148.931

28,84

619.752

53.938

138.606

218.331

127.217

81.660

122+333

3.251.437

 

937.714

81.610

209.717

330.345

192.486

123.556

 

Các số liệu trình bày ở Bảng 4 cho thấy trong vùng Núi Một, tổng trữ lượng, tài nguyên đá gabbro-điorit gốc có độ nguyên khối đạt tiêu chuẩn làm đá ốp lát, trang trí hoặc xuất khẩu (tính độ nguyên khối ³0,4m3) ở cấp 122 + 333 đạt 937.714 m3, trong đó trữ lượng cấp 122 là 317.962 m3 và tài nguyên cấp 333 là 619.752 m3.

IV. KẾT LUẬN

Kết quả nghiên cứu đã giúp xác định các thành tạo magma xâm nhập gabbro-điorit vùng Núi Một thuộc pha 1 của phức hệ Định Quán. Đá có màu xám đen, xanh đen, tính tô điểm đẹp, có độ bền cơ học và độ thu hồi đá khối cao, đủ tiêu chuẩn để sản xuất đá ốp lát và phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tổng tài nguyên, trữ lượng đá gabbro-điorit vùng Núi Một đạt tiêu chuẩn làm đá ốp lát có độ nguyên khối ³ 0,4 m3 ở cấp 122+333 là 937.714 m3, trong đó trữ lượng cấp 122 là 317.962 m3.

VĂN LIỆU

1. Lương Quang Khang (Chủ biên), 2008. Báo cáo Kết quả chuyển đổi cấp trữ lượng và cấp tài nguyên đá ốp lát gabbro-điorit vùng Núi Một, xã Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận. Lưu trữ Trung tâm Thông tin Lưu trữ Địa chất, Cục ĐC&KS VN. Hà Nội.

2. Nguyễn Đức Thắng (Chủ biên), 1999. Địa chất và khoáng sản nhóm tờ Đà Lạt. Thuyết minh kèm theo Bản đồ ĐC và KS nhóm tờ Đà Lạt tỷ lệ 1:200.000. Cục ĐC và KS Việt Nam, Hà Nội.