ĐÁNH GIÁ ĐẶC ĐIỂM PHÂN BỐ KHOÁNG SẢN ĐỘC HẠI MIỀN TÂY BẮC BỘ PHỤC VỤ VIỆC PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI BỀN VỮNG

NGUYỄN PHƯƠNG1, NGUYỄN QUANG HƯNG2, TRỊNH ĐÌNH HUẤN2

1Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội,
2Liên đoàn Địa chất Xạ-Hiếm, Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội

Tóm tắt: Bài báo này giới thiệu kết quả nghiên cứu đặc điểm phân bố khoáng sản độc hại ở miền Tây Bắc Bộ và mức độ ảnh hưởng của chúng đến môi trường. Các kết quả đó như sau:

     - Xác lập hệ phương pháp nghiên cứu khoáng sản độc hại và khoáng sản có chứa nguyên tố độc hại ở miền Tây Bắc Bộ;

     - Xác định được đặc điểm phân bố khoáng sản độc hại và khoáng sản có chứa yếu tố độc hại ở Tây Bắc Bộ;

     - Đề xuất các nguyên tắc khoanh định diện tích chứa khoáng sản độc hại trong vùng nghiên cứu;

     - Khoanh định được các vùng khoáng sản độc hại ở Tây Bắc Bộ;

     - Khoanh định được các vùng ô nhiễm khoáng sản độc hại bậc I và II ở Tây Bắc Bộ;

     - Đề xuất các biện pháp khắc phục và giảm thiểu ảnh hưởng của khoáng sản độc hại và nguyên tố độc hại đến môi trường.

I. TỔNG QUAN VỀ KHOÁNG SẢN ĐỘC HẠI VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

1. Một số khái niệm cơ bản sử dụng trong bài báo

- Khoáng sản độc hại là những khoáng sản có chứa các nguyên tố tạo quặng, các biểu hiện khoáng hóa hoặc tập hợp các nguyên tố đi kèm có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe con người và môi trường sống.

- Môi trường chứa khoáng sản độc hại là một phần môi trường của loài người có chứa các nguyên tố có ảnh hưởng tới sức khỏe của con người.

- Diện tích chứa khoáng sản độc hại là diện tích trong đó tồn tại các nguyên tố hoặc tập hợp các nguyên tố dưới dạng khí, lỏng, rắn có ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp tới môi trường sống trong vùng.

2. Căn cứ để xác định khoáng sản độc hại

Căn cứ để xác định khoáng sản độc hại được dựa vào các tiêu chuẩn và văn bản pháp quy của chính phủ sau đây:

- Các tiêu chuẩn để đánh giá khoáng sản độc hại được dựa vào các tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN): TCVN 5942-1995, TCVN 5944-1995, TCVN 5937-1995, TCVN 7209-2002… và các tiêu chuẩn của thế giới, như của IAEA, WHO và FAO.

- Điều 14 của Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ cũng quy định các loại khoáng sản đặc biệt và độc hại.

Từ các tiêu chuẩn và văn bản pháp quy kể trên, các khoáng sản độc hại được xác định là: Cu, Pb, Zn, As, Cd, Be, Cr, F, Hg, Mn, Mo, Se, U, Th, TR2O3, Sb và asbest.

Ảnh hưởng đến quá trình di chuyển của khoáng sản độc hại gồm có: đặc điểm địa chất, đặc điểm địa hình - địa mạo, đặc điểm dòng chảy, khí hậu, quá trình khai thác, vận chuyển quặng và vị trí bãi thải.

3. Các phương pháp nghiên cứu

Để giải quyết nhiệm vụ nghiên cứu, tập thể tác giả đã áp dụng tổ hợp phương pháp nghiên cứu khoáng sản độc hại ở Tây Bắc Bộ theo [9, 12] và sử dụng các phương pháp sau:

- Lộ trình địa chất môi trường;

- Thu thập, phân tích tổng hợp tài liệu về khoáng sản trong khu vực;

- Phân tích đặc điểm địa mạo - cảnh quan;

- Áp dụng phương pháp tiệm cận có hệ thống;

- Áp dụng các phương pháp toán địa chất để xử lý tài liệu địa chất, địa vật lý và địa chất môi trường;

- Áp dụng phương pháp chuyên gia kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn của các tác giả và đồng nghiệp để xử lý tài liệu địa chất - môi trường, tài liệu địa chất khoáng sản, làm cơ sở khoanh định diện tích phân bố khoáng sản độc hại và phân vùng nguyên tố độc hại dựa theo TCVN.

- Sử dụng phần mềm chuyên dụng với sự trợ giúp của máy tính để thành lập các loại bản đồ, sơ đồ chuyên đề phục vụ mục tiêu nghiên cứu.

II. ĐẶC ĐIỂM PHÂN BỐ KHOÁNG SẢN ĐỘC HẠI TRONG VÙNG NGHIÊN CỨU

Vùng nghiên cứu bao gồm các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu có diện tích 39.085,50 km2, được giới hạn bởi toạ độ địa lý:

Từ 20o33’58” đến 22o50’46” vĩ độ B

Từ 102o10’28” đến 105o01’32” kinh độ Đ

1. Khái quát đặc điểm địa chất - khoáng sản miền Tây Bắc Bộ

- Địa tầng: Tham gia vào cấu trúc địa chất Tây Bắc Bộ có các thành tạo biến chất, trầm tích lục nguyên - phun trào, các trầm tích lục nguyên, lục nguyên - carbonat có tuổi từ Proterozoi đến Đệ tứ, từ loạt Sông Hồng (PR sh), hệ tầng Suối Chiềng (PP sc) đến hệ tầng Hang Mon (N hm) và trầm tích Đệ tứ (Q).

- Thành tạo magma: Tham gia vào các thành tạo magma trong khu vực Tây Bắc Bộ có các phức hệ có tuổi từ Proterozoi đến Kainozoi, như các phức hệ Po Sen (γ2 ps) tuổi Neoproterozoi, đến các phức hệ Yê Yên Sun (γ51 ys) và Pu Sam Cáp (ε5151 pc) tuổi Paleogen.

Ngoài ra còn có các khối và các đai mạch xâm nhập chưa rõ tuổi: đá siêu mafic (δ); đá granit porphyr, granosyenit porphyr (γτ); đá gabbro, điabas, điorit porphyr, điabas porphyr (νμ) và đá bazan Kainozoi (βN2 - Q1).

- Kiến tạo: ở Tây Bắc Bộ, các đứt gãy chủ yếu phát triển theo phương TB-ĐN, ĐB-TN, á kinh tuyến và một số đứt gãy nhỏ phát triển theo phương á vĩ tuyến. Kèm theo các hệ thống đứt gãy này là các khe nứt, uốn nếp làm phức tạp hoá các cấu trúc trong vùng nghiên cứu.

- Khoáng sản: miền Tây Bắc Bộ có cấu trúc địa chất khác nhau, mỗi cấu trúc, điều kiện địa chất tạo nên những loại khoáng sản đặc trưng với quy mô lớn, nhỏ khác nhau với trên 300 tụ khoáng và mỏ, điểm quặng đã được phát hiện.

2. Đặc điểm phân bố và phân vùng khoáng sản độc hại miền Tây Bắc Bộ

a. Nguyên tắc phân chia các nhóm khoáng sản độc hại

Miền Tây Bắc Bộ có cấu trúc địa chất phức tạp, mỗi cấu trúc lại có lịch sử hình thành và phát triển riêng biệt, được đặc trưng bằng nhiều loại khoáng sản nhất định. Các nguyên tố gây độc hại cũng liên quan tới quá trình tạo quặng, các kiểu quặng, kiểu mỏ nhất định.

Qua kết quả thu thập tài liệu địa chất và khoáng sản ở Tây Bắc Bộ, đối sánh với khái niệm về khoáng sản độc hại (theo Điều 14 của Nghị định 160/2005NĐ-CP) thì ở Tây Bắc Bộ có các khoáng sản độc hại: urani, thori, đất hiếm, mangan, đồng, chì-kẽm, vàng chứa nguyên tố độc hại, molybđen, antimon, apatit, asbest, pyrit, lưu huỳnh [12, 13].

Dựa vào ảnh hưởng của các loại khoáng sản độc hại đến sức khoẻ con người, chúng tôi tiến hành phân chia các khoáng sản độc hại ra hai nhóm sau:

- Khoáng sản độc hại nhóm I: Nhóm khoáng sản độc hại ảnh hưởng đến con người, nhưng không gây ra biến chứng ngay tức thì, mà ảnh hưởng lâu dài trong nhiều năm từ đời này đến đời khác, như sự biến đổi gien, di truyền gây ra các bệnh dị dạng, ngớ ngẩn, thần kinh…, gồm các khoáng vật urani, thori, đất hiếm;

- Khoáng sản độc hại nhóm II: Nhóm khoáng sản độc hại gây ra những tác động ngay tức thì, như ngộ độc, rối loạn quá trình trao đổi chất,… gồm các khoáng vật: mangan, chì-kẽm, đồng, quặng vàng chứa các nguyên tố độc hại, molybđen, antimon, apatit, asbest, pyrit, lưu huỳnh.

b. Đặc điểm phân bố khoáng sản độc hại ở Tây Bắc Bộ

Dựa vào đặc điểm phân bố và nguyên tắc phân chia các nhóm khoáng sản độc hại đề cập bên trên, miền Tây Bắc Bộ có các nhóm khoáng sản độc hại sau:

- Khoáng sản độc hại nhóm I, bao gồm các loại sau:

+ Đất hiếm: gặp ở Lai Châu, Lào Cai và Sơn La. Thành phần khoáng vật: bastnaesit, partzit, zinkenit, lantanit, strontianit, nariakit, britolit, monazit, xenotim; khoáng vật thứ yếu: uranpyrochlor, autunit, baryt, apatit, calcit, magnetit, pyrit, sphalerit, chalcopyrit, galenit, fluorit.

Hàm lượng (%): ΣTR2O3 = 0,50-30; U3O8 = 0,005 - 0,073; ThO2 = 0,012 - 0,157; Nb2O5 = 0,006 - 0,392; Y2O3 = 0,01 - 0,03; BaSO4 = 1,74 - 80; Pb = 0,363 - 3,24; Zn = 0,059 – 1,025; Ag = 34 - 130 g/t, Ta2O5 = 0,001 - 0,003; CaF2 =  5-85.

+ Urani-thori: phát hiện được ở tỉnh Sơn La. Thành phần khoáng vật: nasturan, autunit, torbernit, monitenit, pyrit - thuộc thành hệ monitđat-urani. Cường độ phóng xạ từ vài trăm đến vài nghìn μR/h.

Hàm lượng (%): U3O8 = 0,018; ΣTR2O3 = 0-0,27.

- Khoáng sản độc hại nhóm II, bao gồm các loại sau:

+ Đồng: phân bố ở Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên. Thành phần khoáng vật: đồng tự sinh, pyrit, chalcopyrit, pyrrotin, malachit, azurit, chalcosin, tetraheđrit, vàng, bạc, bornit và arsenopyrit.

Hàm lượng (%): Cu = 0,1 - 25,6; Ni = 0,0023 - 0,184; Au = 0,4 - 52 g/t; Ti = 0,18 - 1,12; Co = 0,3 - 1,0 g/t; Pb = 0,02 - 0,334; Zn = 0,05 - 0,308; ThO2 = 0,006; Se = 0,046; Te = 0,005.

+ Chì-kẽm: tập trung chủ yếu ở Lai Châu và Điện Biên. Khoáng vật quặng: galenit, sphalerit.

Hàm lượng (%): Pb+Zn = 6,34 - 78,62; Au = 1-3 g/t; Ag = 120-348 g/t; Cu = 1,38-7,63; CaF2 = 1,69; U3O8 = 0,021; ΣTR2O3 = 0,01.

+ Vàng: phân bố khá phổ biến ở các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu. Thành phần khoáng vật: vàng tự sinh, bornit, malachit, covelin, pyrit, galenit, sphalerit, chalcopyrit, rutil, limonit.

Hàm lượng (%): Au = 0,4 - 59,6 g/t; S = 22,1; Cu = 0,0025 - 0,0118; Pb = 0,0012 - 0,0169; Zn = 0,0009 - 0,0014; As = 0,0323 - 0,7; Sb = 0,001 - 0,0026.

+ Molybđen: phân bố ở các tỉnh Lai Châu và Lào Cai. Thành phần khoáng vật: molybđenit, pyrit, chalcopyrit, galen, bismuth, hematit, magnetit, wolframit, finorit, ilmenit, pyrrotin, rutil.

Hàm lượng (%): Mo = 0,001 - 2,98; Bi = 0,05 - 1,148; Cu =  0,006 - 0,028; Au =  0,2 g/t; TR2O3 = 0,05 - 1,36; Ag = 0,0001 g/t; Sn = 0,02 - 0,1; P = 0,094; As = 0,001; S = 0,96; Pb = 0,01; Zn = 0,005.

+ Antimon: phát hiện được ở Điện Biên và Lào Cai với hàm lượng (%): Sb = 0,025-15,6; Au = 0,3 g/t; As = 0,008-0,052; Ag <10 g/t.

+ Pyrit: phát hiện được ở tỉnh Điện Biên với hàm lượng (%): S = 0,58 - 39,58; As = 0,05; P = 0,07; Au = 0,66 g/t; Ag <10 g/t.

+  Thuỷ ngân: phát hiện được điểm quặng ở tỉnh Điện Biên. Thành phần khoáng vật: cinnabar, vàng, arsenopyrit.

Hàm lượng: Hg = 0,0001-0,116 %.

+ Mangan: phát hiện được ở hai tỉnh Lào Cai và Sơn La, với hàm lượng (%): Mn = 6 - 42,92; SFe = 2,22; P = 0,17; S = 0,17.

+ Asbest: chỉ mới phát hiện được ở Sơn La, thân quặng có chiều dài vài chục đến vài trăm mét, chiều dày 1-1,5 m.

+ Apatit: phân bố ở tỉnh Lào Cai với các khoáng vật: apatit, tremolit, limonit, pyrit, pyrrotin, chalcopyrit, vàng, thạch anh, mica, sericit, carbonat, than.

Hàm lượng (%): P2O5 = 8,03-41,76; Cu = 0,01-11,58; Fe = 1,6-56,55; MgO = 1,83 - 6,08; Al2O3 = 1,19 - 11,5; Y = 0,01 - 0,05; Yb = 0,01; Sn = 0,001 - 0,005; Ba = 0,02; Ti = 0,01 - 0,05; Pb = 0,001; Cr = 0,01; Zn = 0,002.

III. KHOANH VÙNG KHOÁNG SẢN ĐỘC HẠI Ở TÂY BẮC BỘ VÀ BIỆN PHÁP GIẢM THIỂU ẢNH HƯỞNG CỦA CHÚNG ĐẾN MÔI TRƯỜNG

1. Các tiêu chuẩn chính được áp dụng để phân vùng phân bố khoáng sản độc hại ở Tây Bắc Bộ

Cơ sở phân vùng phân bố khoáng sản độc hại được xây dựng để xác định mức độ ảnh hưởng của các nguyên tố độc hại đến môi trường sống. Hiện nay, nước ta chưa có hệ thống tiêu chuẩn giới hạn hàm lượng các nguyên tố độc hại đầy đủ và cụ thể của từng môi trường đất, nước, không khí, thực vật. Do vậy, chúng tôi sử dụng những tiêu chuẩn đã ban hành, kết hợp một số tiêu chuẩn tham khảo của các nước trên thế giới [1-8, 10, 11].

- Đối với nước: Sử dụng tiêu chuẩn TCVN 5942-1995 cho nước mặt, TCVN 5944-1995 cho nước dưới đất.

- Đối với không khí: Sử dụng tiêu chuẩn TCVN 5938-1995 (giới hạn cho phép của các nguyên tố độc hại trong không khí) và TCVN 5937-1995 (giá trị giới hạn các thông số cơ bản trong không khí).

- Đối với đất: Sử dụng tiêu chuẩn TCVN 7209-2002 (giới hạn tối đa cho phép hàm lượng của các nguyên tố độc hại trong đất).

- Đối với mẫu thực vật: Sử dụng tiêu chuẩn của WHO, FAO và tham khảo  tiêu chuẩn của Trung Quốc

- Một số định mức an toàn phóng xạ: Liều chiếu hiệu dụng hàng năm bằng tổng liều chiếu hiệu dụng bên ngoài được tích luỹ trong một năm và liều chiếu hiệu dụng bên trong được dự đoán do sự xâm nhập vào cơ thể của các hạt nhân phóng xạ trong khoảng thời gian đó. Thời gian tổng cộng để xác định liều chiếu hiệu dụng dự đoán được quy định bằng 50 năm đối với các nhân viên chuyên môn và 70 năm đối với dân chúng (Bảng 1).

Bảng 1. Bảng thống kê liều bức xạ của Việt Nam và thế giới

Đối tượng

Liều bức xạ giới hạn (mSv/năm)

Pháp

Nga (1996)

IAEA (1996)

Việt Nam (1998)

A

20

20

20

20

B

4,5

5

-

-

C

3

1

1

1

Các tiêu chuẩn cụ thể sử dụng để phân vùng khoáng sản độc hại ở Tây Bắc Bộ:

- Tiêu chuẩn chính (TCVN): Liều chiếu bức xạ hàng năm đối với nhân viên bức xạ (đối tượng A) trung bình là 20 mSv/năm, trong 5 năm liên tiếp không có năm nào lớn hơn 50 mSv/năm; đối với nhân dân (đối tượng C) là 1 mSv/năm, trong 5 năm liên tiếp, nhưng không năm nào lớn hơn 5 mSv/năm; các giới hạn này bao gồm cả liều chiếu xạ trong và liều chiếu xạ ngoài, không kể phông tự nhiên.

- Các tiêu chuẩn thứ cấp: Nồng độ giới hạn là nồng độ cao nhất của chất phóng xạ trong một đơn vị thể tích nước ăn hoặc không khí thở đối với các đối tượng để cho mức xâm nhập hàng năm của chất phóng xạ vào cơ thể không vượt qua giới hạn quy định, cụ thể như sau:

+ Tổng hoạt độ phóng xạ a trong nước sinh hoạt < 0,1 Bq/l

+ Tổng hoạt độ phóng xạ b trong nước sinh hoạt < 1,0 Bq/l

+ Nồng độ tổng cộng (Rn + 4,6xTn) trong không khí nơi nhà ở nhỏ hơn 100 Bq/m3.

+ Suất liều bức xạ gamma trong nhà nhỏ hơn 0,3 mSv/h.

Bảng 2. Hoạt độ phóng xạ giới hạn trong không khí, nước và thực phẩm

Nguyên tố

Xâm nhập theo đường tiêu hoá

Xâm nhập theo đường hô hấp

TCVN

Tiêu chuẩn của  IAEA

Tiêu chuẩn của  IAEA

Hoạt độ cho phép

(Bq/kg)

Hệ số liều E

(Sv/Bq)

Giới hạn năm

(Bq/năm)

Hoạt độ cho phép

(Bq/kg)

Hệ số
liều E

(Sv/Bq)

Giới hạn năm

(Bq/năm)

Hoạt độ thể tích cho phép

(Bq/m3)

K40

9,25x10+3

6,2x10-9

1,6x10+5

2,0x10+2

2,1x10 -9

4,8x10+5

6,5x10+1

Ra226

19,9x10-1

2,8x10-7

3,6x10+3

4,5x10

1,6x10-5

6,3x10+1

8,6x10-3

Th232

7,40x10-1

2,3x10-7

4,3x10+3

5,4x10

4,2x10-5

2,4x10+1

3,3x10-3

U238

2,17x10+1

4,4x10-8

6,0x10+2

7,3x10-1

4,9x10-7

2,0x10+3

2,8x10-1

Khi đồng thời có mặt trong nước uống, thực phẩm tất cả các hạt nhân phóng xạ thì điều kiện tổng phải thoả mãn:   

trong đó: + Ai là hoạt độ riêng của các hạt nhân phóng xạ trong mẫu

   + Ai gh là hoạt độ giới hạn của các hạt nhân phóng xạ.

2. Nguyên tắc khoanh định diện tích chứa khoáng sản độc hại

Để tiến hành khoanh định các diện tích có chứa khoáng sản độc hại, các tác giả dựa vào những căn cứ cơ bản sau:

 - Các chỉ tiêu (TCVN) về môi trường đang được sử dụng ở Việt Nam và một số nước trên thế giới như môi trường đất, nước, không khí, thực vật [1, 2, 4, 6-8].

- Các kết quả điều tra về địa chất và khoáng sản, sự phân bố các tụ khoáng và điểm quặng, đặc điểm khoáng hóa và các vành phân tán địa hóa thứ sinh các nguyên tố độc hại.

- Kết quả điều tra về môi trường ở các tỉnh trong thời gian qua của Cục Môi trường, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam…, cũng như của các sở Tài nguyên và Môi trường, kết hợp với tài liệu nghiên cứu của đề án, đề tài về hiện trạng môi trường phóng xạ trong vùng nghiên cứu [9, 12].

- Dựa vào yếu tố địa hình, địa mạo trong vùng có chứa các nguyên tố độc hại, vì đặc điểm của chúng là phát tán từ nơi có địa hình cao xuống nơi có địa hình thấp, từ suối nhánh vào suối chính …

- Căn cứ vào hình thức phát tán của khoáng sản độc hại khi bị phá huỷ dưới dạng ion và vỡ vụn. Khi bị phá huỷ, các khoáng vật, nguyên tố bị phá huỷ luôn có xu hướng di chuyển theo dạng hình nón (phễu) xuống phía dưới; từ cơ sở này, ta có thể khoanh định được diện tích ô nhiễm trong thời điểm hiện tại và dự báo vùng sẽ bị ô nhiễm trong tương lai gần.

3. Kết quả khoanh định các vùng phân bố khoáng sản độc hại và khoáng sản chứa yếu tố độc hại ở Tây Bắc Bộ

Kết quả khoanh định diện tích của từng khoáng sản độc hại ở miền Tây Bắc Bộ (các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên) như sau:

- Khoáng sản độc hại nhóm I: Khoanh định được 8 diện tích, gồm: Mường Hum, Sin Quyền, Nậm Xe - Thèn Thầu, Thèn Sin, Đông Pao, Suối Lạt, suối Háng A - suối Háng Trò A, Đá Mài.

Tổng diện tích phân bố khoáng sản độc hại nhóm I là 373,3 km2, trong đó có 98 km2 là diện tích không an toàn phóng xạ. Diện tích này hết sức nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến môi trường, cần đặc biệt quan tâm và có các biện pháp khắc phục, giảm thiểu ô nhiễm đến môi trường sinh thái và sức khỏe con người.

- Khoáng sản độc hại nhóm II: Đã khoanh định được 43 diện tích, gồm: Lũng Pô - Sin Quyền, Mường Hum, Ô Quy Hồ, Tà Phời, Phú Nhuận - Võ Lao - Tam Đỉnh, Suối Thầu, Gia Khâu, Cao Sơn - Cốc Râm, Bản Mế, Minh Lương, Si Phay, Mu Lung Thang, Hồng Thu, Nguyễn Trãi, Thèn Sin, Đông Pao, Nậm Ngã, Mường Tè, Nậm He - Huổi Hấy, Nậm Dôn - Cáng Tỷ, Nà Tòng, Nà Pheo - Púng Giắt, Nà Tấu, Thanh Hưng, Tà Lềnh -Thẩm My, Mường Luân, Cốc Phát, Thuận Châu, Bản Biên, Bản Đứa, Bản Cẳm, Chim Thượng, Bản Phúc, Deo Chan, Nà Pa, Tả Xùa, Làng Mòn, Đá Đỏ - Suối Bau, Suối Cù, Phai Làng, Núi Ông, Bản Cải, Quy Hướng.

Diện tích phát tán các nguyên tố độc hại nhóm II là 1640 km2, trong đó có một số diện tích khá đông dân cư sinh sống hay có mỏ đã ngừng khai thác, nhưng chưa đóng cửa mỏ theo đúng quy định nên gây ra sự phát tán dễ dàng các nguyên tố phóng xạ ra môi trường, hoặc các điểm vàng có chứa nguyên tố độc hại, phần lớn do khi khai thác thường dùng thuỷ ngân để tách vàng, nên một lượng lớn thủy ngân đã phát tán vào đất, nước và không khí, gây ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến môi trường. Do vậy, cần phải có sự kiểm soát chặt chẽ các diện tích này.

Kết quả nghiên cứu để xác định diện tích ô nhiễm khoáng sản độc hại với mức độ khác nhau cụ thể như sau (Hình 1):

Hình 1. Sơ đồ phân vùng ô nhiễm khoáng vật độc hại ở Tây Bắc Bộ.

- Diện tích ô nhiễm khoáng sản độc hại bậc II: gồm các diện tích không an toàn phóng xạ và diện tích phát tán nguyên tố độc hại, mà ở đó có chứa cả hai nhóm khoáng sản độc hại. Theo tiêu chuẩn, vùng Tây Bắc Bộ có 6 diện tích ô nhiễm khoáng sản độc hại bậc II (169,23 km2) là Mường Hum, Thèn Sin, Nậm Xe - Si Phay, Đông Pao, Sin Quyền, suối Háng A - suối Háng Trò A.

Những diện tích này cần được điều tra chi tiết ở tỷ lệ lớn, cần phải cắm các mốc cảnh báo về ô nhiễm chất độc hại và có giải pháp giảm thiểu tác động của chất độc hại đến sức khỏe con người.

- Diện tích ô nhiễm khoáng sản độc hại bậc I: là các diện tích còn lại đã được khoanh định không thuộc diện tích ô nhiễm bậc II gồm 45 khu với tổng diện tích là 1751,94km2 gồm Lũng Pô - Sin Quyền, Mường Hum, Ô Quy Hồ, Tà Phời, Phú Nhuận - Võ Lao - Tam Đỉnh, Suối Thầu, Gia Khâu, Cao Sơn - Cốc Râm, Bản Mế, Minh Lương, Si Phay, Ma Lung Thang, Hồng Thu, Nguyễn Trãi, Thèn Sin, Đông Pao, Nậm Ngã, Mường Tè, Nậm He - Huổi Hấy, Nậm Dôn - Cán Tỷ, Nà Tòng, Nà Pheo - Púng Giắt, Nà Tấu, Thanh Hưng, Tà Lềnh - Thẩm My, Mường Luân, Cốc Phát, Thuận Châu, Bản Biên, Bản Đứa, Bản Cẳm, Chim Thượng, Bản Phúc, Deo Chan, Na Pa, Tả Xùa, Làng Mòn, Đá Đỏ - Suối Bau, Suối Cù, Phai Làng, Núi Ông, Bản Cải, Quy Hướng, Suối Lạt, Đá Mài.

4. Biện pháp khắc phục và giảm thiểu ảnh hưởng của khoáng vật và nguyên tố độc hại đến môi trường

Trên cơ sở phân tích đặc điểm phân bố, mức độ gây ô nhiễm và ảnh hưởng của khoáng vật độc hại đến sự phát triển kinh tế - xã hội ở Tây Bắc Bộ, chúng tôi đưa ra một số biện pháp giải quyết sau:

a. Giải pháp trước mắt:

- Trong những diện tích ô nhiễm bậc II, cần di rời các hộ gia đình sinh sống trong vùng này đến những vị trí an toàn hơn.

- Trong những diện tích chứa khoáng sản độc hại, cần có các giải pháp đối với đời sống nhân dân, như những vị trí bị nhiễm arsen cần phải dùng hệ thống lọc giàn cho nước sinh hoạt, để cho arsen gặp không khí sẽ kết tủa, làm giảm hàm lượng arsen trong nước, … Trong các diện tích này, các cấp có thẩm quyền cần ngăn chặn việc trồng cây lương thực và chuyển đổi chúng thành rừng phòng hộ …

- Trong những diện tích ô nhiễm bậc II, cần có các giải pháp về xã hội, như chính quyền và các cấp cần tổ chức khám sức khỏe thường kỳ cho nhân dân, để từ đó xác định mức độ bệnh tật của nhân dân trong vùng, xác định đúng và kịp thời mức độ ô nhiễm và có các biện pháp xử lý thích hợp.

b. Giải pháp lâu dài:

- Về quản lý Nhà nước: Cần kiện toàn và xây dựng một bộ luật chi tiết về bảo vệ môi trường nói chung, và khoáng vật độc hại nói riêng, để từ đó các cấp chính quyền có thể áp dụng và giảm thiểu ô nhiễm của khoáng vật độc hại đến môi trường.

- Trong các vùng ô nhiễm khoáng sản độc hại, đề nghị các Bộ, ban, ngành liên quan và địa phương không cấp mới đất cho các hộ gia đình và không xây dựng các khu công nhiệp, các công trình công cộng.

c. Đối với các địa phương:

- Tại các mỏ chưa khai thác, chính quyền địa phương nên quản lý chặt chẽ và bố trí trồng rừng phủ kín nhằm bảo vệ lớp đất phủ không bị xói mòn, sạt lở, để giảm thiểu tối đa sự phát tán các khoáng vật độc hại ra môi trường xung quanh.

- Đối với các mỏ đang khai thác, chính quyền địa phương cần cử cán bộ có chuyên môn phụ trách, giám sát thường xuyên, để xác định mức độ thất thoát của chất độc hại ra môi trường.

- Đối với các mỏ chuẩn bị đóng cửa, chính quyền địa phương cần phối hợp với các cơ quan chức năng xem xét phương án đã phê duyệt về khôi phục và hoàn trả môi trường.

- Chính quyền địa phương cần tích cực giao đất, giao rừng và vận động các hộ gia đình chăm sóc, trồng rừng tại các diện tích chứa khoáng vật độc hại để giảm thiểu sự phát tán chất độc hại vào môi trường.

- Chính quyền địa phương cần giáo dục và tuyên truyền cho nhân dân sinh sống trong vùng biết tác hại của khoáng vật độc hại đến môi trường và sức khỏe con người để từ đó mọi người dân có thể chủ động tránh và giảm thiểu tác động của chúng đến sức khỏe.

- Chính quyền địa phương cần phổ biến các chính sách, pháp luật của Nhà nước về khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường, không ngừng nâng cao trình độ dân trí, để từ đó đưa  ra các vấn đề về giáo dục môi trường chung, và vấn đề chất độc hại nói riêng.

IV. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Kết quả nghiên cứu cho phép rút ra môt số kết luận sau:

1. Trên cơ sở thu thập, tổng hợp các tài liệu và khảo sát thực địa ở Tây Bắc Bộ, tiến hành xử lý, phân tích và so sánh với các bộ tiêu chuẩn của Việt Nam và thế giới, đã khoanh định được các diện tích chứa khoáng sản độc hại nhóm I và nhóm II, đặc biệt, đã khoanh định được diện tích không an toàn phóng xạ với suất liều tương đương từ 3,5 đến 7,0 mSv/năm. Tổng hoạt độ alpha, beta, hàm lượng các nguyên tố độc hại đều vượt chỉ tiêu cho phép nhiều lần.

2. Trên cơ sở phân tích đặc điểm phân bố và kết quả khoanh định diện tích phân bố khoáng sản độc hại, xác định diện tích ô nhiễm khoáng sản độc hại nhóm I và II, đã khoanh định được các diện tích bị ô nhiễm khoáng sản độc hại bậc I và bậc II.

3. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu (diện tích ô nhiễm khoáng sản độc hại bậc I và II, giải pháp giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường), đề nghị các cấp có thẩm quyền phối hợp với các chính quyền địa phương tiến hành đánh giá chi tiết, xây dựng các biện pháp khắc phục cụ thể.

4. Các diện tích ô nhiễm khoáng sản bậc I và II cần được đánh giá chi tiết kịp thời để có cơ sở cho việc xây dựng biện pháp giảm thiểu ô nhiễm và phòng ngừa chi tiết.

VĂN LIỆU

1. Ban An toàn bức xạ và hạt nhân, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, 1998. Văn bản quy phạm pháp luật về an toàn và kiểm soát bức xạ. Hà Nội.  

2. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, 1996. Tiêu chuẩn Việt Nam về môi trường. Hà Nội.  

3. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, 2002. Chất lượng đất - giới hạn tối đa cho phép của kim loại nặng trong đất: tiêu chuẩn Việt Nam. Hà Nội.  

4. Cộng hòa Liên bang Nga, 1996.  Các tiêu chuẩn an toàn phóng xạ (NRB-96). Moskva.

5. Hồ Vương Bính, 1989. Tiêu chuẩn yêu cầu kỹ thuật của công tác điều tra địa chất đô thị. Viện ĐC và KS Bắc Kinh, Trung Quốc.

6. IAEA-TECDOC-566, 1990. The use of gamma ray data to define the natural radiation environment. IAEA, Vienna.

7. IAEA - Safety standards, 1996. International basic safety standards for protection against ionizing radiation and for the safety of radiation sources. IAEA, Vienna.

8. IAEA-TECDOC-1244, 2001. Impact of new environment and safety regulations on uranium exploration, mining, milling and management of its waste. IAEA, Vienna.

9. Nguyễn Phương và nnk., 2002. Lựa chọn phương pháp đánh giá hiện trạng môi trường trong các mỏ xạ-hiếm vùng Tây Bắc Việt Nam. Tuyển tập BC HNKH trường ĐH M-ĐC lần 15, tr. 345-350. Hà Nội.

10. Phan Văn Duyệt, 1986. An toàn vệ sinh phóng xạ. Nxb Y học, Hà Nội.

11. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, 2003. Tiêu chuẩn Việt Nam về nước cấp sinh hoạt - Yêu cầu chất lượng (TCVN 5502:2003). Bộ KH và CN, Hà Nội.

12. Trần Bình Trọng, Trịnh Đình Huấn, Nguyễn Phương, 2007. Điều tra hiện trạng môi trường phóng xạ trên các tụ khoáng Đông Pao, Thèn Sin - Tam Đường (Lai Châu), Mường Hum (Lào Cai), Yên Phú (Yên Bái), Thanh Sơn (Phú Thọ), An Điềm, Ngọc Kinh - Sườn Giữa (Quảng Nam). TC Địa chất, A/298 : 41-47. Hà Nội.

13. Trịnh Đình Huấn, Nguyễn Phương, Trần Bình Trọng, 2007. Đánh giá ảnh hưởng môi trường phóng xạ trên mỏ đất hiếm - phóng xạ Yên Phú, Yên Bái. Tuyển tập BC HNKH lần 17, 2 : 265-273. Hà Nội.