ỨNG DỤNG KỸ THUẬT VÀ CÔNG NGHỆ MỚI TRONG CÔNG
TÁC ĐỊA VẬT LÝ CỦA LIÊN ĐOÀN VẬT LÝ ĐỊA CHẤT
NGUYỄN VĂN BÚT, NGUYỄN DUY TIÊU, TRƯƠNG CÔNG
ÁNH
Liên đoàn Vật lý Địa
chất, Km 9, Thanh Xuân, Hà Nội
Tóm tắt: Liên đoàn Vật lý
Địa chất là đơn vị chuyên ngành về lĩnh vực địa vật lý, là nơi tập trung các
loại máy móc thiết bị và đội ngũ cán bộ KHKT địa vật lý của ngành Địa chất.
Trong nhiều năm qua, Liên đoàn đã ứng dụng có hiệu quả các phương pháp địa vật
lý trong nhiều lĩnh vực khác nhau: điều tra địa chất cơ bản, tìm kiếm thăm dò
khoáng sản, nghiên cứu địa chất công trình, điều tra tai biến địa chất, nghiên
cứu địa chất môi trường, tìm kiếm nước dưới đất,…Các phương pháp này đã giúp
phát hiện nhiều tụ khoáng mới có giá trị công nghiệp. Công tác xử lý, phân
tích, tổng hợp, luận giải địa chất và biểu diễn tài liệu địa vật lý được thực
hiện bằng các phần mềm chuyên dụng, tiếp cận được trình độ công nghệ tiên tiến
thế giới.
I. GIỚI THIỆU CHUNG
Công tác địa vật lý đã được tiến hành ở Liên đoàn
Vật lý Địa chất từ những năm 60 của thế kỷ XX. Từ đó đến nay, việc áp dụng các
phương pháp địa vật lý không ngừng phát triển, đóng góp tích cực vào việc điều
tra cơ bản địa chất, tìm kiếm phát hiện khoáng sản, khảo sát địa chất công
trình, địa chất thuỷ văn, điều tra tai biến địa chất... Từ việc nghiên cứu cấu
trúc, khoanh định các thành tạo địa chất phục vụ lập bản đồ địa chất ở các tỷ
lệ khác nhau đến việc tìm kiếm phát hiện khoáng sản và các lĩnh vực khảo sát
địa chất khác đều có sự đóng góp quan trọng của công tác địa vật lý. Nhiều mỏ
mới đã được phát hiện từ kết quả đo vẽ địa vật lý, như mỏ sắt Thạch Khê, sắt Nà
Rụa, fluorit Xuân Lãnh, urani Khe Hoa - Khe Cao, urani Ta Bhinh, vàng Trảng
Sim, vàng Sơn Hoà v.v..., và gần đây nhất là phát hiện mới các mỏ magnesit Kon
Queng (Gia Lai), sắt Boong Quang (Cao Bằng), quặng vàng có hàm lượng cao ở tây
Huế…
Nhiều phương pháp địa vật lý mới đã được áp dụng
trong nhiều lĩnh vực điều tra địa chất khác nhau: điều tra địa chất, tìm kiếm,
phát hiện khoáng sản, nghiên cứu địa chất thuỷ văn, khảo sát địa chất công
trình, điều tra tai biến địa chất và các lĩnh vực khác.
Liên đoàn Vật lý Địa chất là nơi tập trung các loại
máy móc thiết bị địa vật lý hiện đại nhất của ngành Địa chất. Các loại máy đặc
chủng đều có ở Liên đoàn như: tổ hợp máy địa vật lý từ - phổ gamma hàng không,
tổ hợp máy địa vật lý biển nông, máy đo trọng lực, máy địa chấn đa kênh, máy
phóng xạ đường bộ, máy phổ gamma, máy đo rađon, máy đo hơi thủy ngân, máy từ
proton, máy thăm dò điện… Trong số đó, có những loại máy hiện đại đã được sử
dụng hiệu quả ở trong nước và nước ngoài như: máy thăm dò điện SYSCAL-R2
(Pháp), máy địa chấn đa kênh MARK-6 (Thụy Điển), máy đo rađon RDA-200 (Canađa),
máy thăm dò điện từ TEM57-MK2 (Canađa)…Năm 2005, Liên đoàn Vật lý Địa chất được
trang bị thêm bộ máy địa chấn GEODE (Mỹ), máy gây sóng địa chấn (kiểu rung)
loại VIBSIST-50 (Canađa) và máy rađar xuyên đất RAMAC/GPR (Thuỵ Điển), góp phần
nâng cao năng lực giải quyết các nhiệm vụ địa chất của Liên đoàn.
Công tác xử lý, phân tích, tổng hợp, luận giải địa
chất, biểu diễn tài liệu địa vật lý được thực hiện bằng các phần mềm chuyên
dụng hiện đại như: Coscad2D.8.0, Coscad.3D, ER.Mapper 5,5, MicroStation,
MapInfo, SURFER 8.0. TEMIX (phân tích tài liệu điện từ), Seislmager/2D (xử lý
tài liệu địa chấn khúc xạ), SIPQR (xử lý tài liệu địa chấn khúc xạ),
WinseisLite (xử lý tài liệu địa chấn phản xạ), GroundVision (thu thập, xử lý
tài liệu rađar xuyên đất), Easy 3D (xử lý 3D tài liệu rađar xuyên đất)… tương
đương trình độ công nghệ tiên tiến thế giới.
II. ỨNG DỤNG KỸ THUẬT, CÔNG
NGHỆ MỚI TRONG CÔNG TÁC ĐỊA VẬT LÝ
Hoạt động nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới
trong công tác địa vật lý đã được Liên đoàn Vật lý Địa chất hết sức coi trọng
và đi theo các hướng chính sau:
- Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về thiết bị,
công nghệ mới thu thập số liệu thực địa.
- Nghiên cứu tổ hợp các phương pháp đo vẽ địa vật lý
hợp lý cho các đối tượng điều tra tìm kiếm, phát hiện khoáng sản, nghiên cứu
địa chất công trình, địa chất thuỷ văn, tai biến địa chất… trong môi trường địa
chất khác nhau.
- Nghiên cứu các phương pháp xử lý, phân tích, liên
kết và biểu diễn tài liệu địa vật lý để nâng cao hiệu quả địa chất, kinh tế.
- Chế tạo thử nghiệm các thiết bị địa vật lý.
- Nghiên cứu ứng dụng các phương pháp địa vật lý
trong các lĩnh vực khác.
Trong những năm gần đây, công nghệ GPS được ứng dụng
cho công tác xác định vị trí (toạ độ) và độ cao các điểm đo trọng lực thay cho
hệ thống xác định độ cao bằng vi áp kế với bộ máy GPS4600LS. Đây là một bước
tiến mới có tính đột phá đối với công tác đo vẽ trọng lực. Do việc sử dụng công
nghệ GPS, toạ độ của các điểm trọng lực đảm bảo độ chính xác cao rất nhiều lần
so với cách định điểm và đồ giải toạ độ trên bản đồ địa hình như cách làm trước
đây. Độ cao các điểm trọng lực cũng được xác định chính xác hơn so với đo vi áp
kế…
Ngoài việc ứng dụng công nghệ GPS cho công tác bay
đo địa vật lý, đo vẽ trọng lực, công nghệ GPS còn được sử dụng trong công tác
lộ trình địa chất, đo địa vật lý theo hành trình, xác định toạ độ, độ cao mạng
lưới đo vẽ địa vật lý.
Như trên đã nói, công tác phân tích tài liệu địa vật
lý gần đây được thực hiện bằng các phần mềm chuyên dụng hiện đại, tương đương
trình độ công nghệ tiên tiến thế giới. Thông thường, công tác này được tiến
hành theo các bước:
1- Phân tích định tính theo diện, theo tuyến bằng
các phép biển đổi trường (các phép lọc phổ năng lượng, lọc entropy, lọc tần số,
nâng, hạ trường…) nhằm xác định một cách tổng quan quang cảnh địa vật lý - địa
chất chung của vùng khảo sát. Kết quả của giai đoạn này là xác định các hệ
thống phá huỷ của đứt gãy, khoanh định các khối magma xâm nhập, đặc biệt là các
khối xâm nhập ẩn, khoanh định các khối đất đá có trường địa vật lý khác nhau…,
từ đó thành lập các sơ đồ cấu trúc địa chất, sơ đồ địa chất theo tài liệu địa
vật lý.
2- Phân tích định lượng và bán định lượng (mô hình
hoá vật thể 1 chiều, 2 chiều, 3 chiều…) các dị thường địa vật lý nhằm xác định
các thông số của đứt gãy, các khối magma ẩn và đặc biệt là xác định hình dạng,
chiều sâu, thế nằm của các thân khoáng.
3- Nhận dạng đối tượng khoáng sản: căn cứ vào các
dấu hiệu sinh khoáng (điểm, mỏ quặng…), các đặc trưng dị thường địa vật lý của
thân khoáng và những tài liệu khác để lựa chọn mẫu nhận dạng. Việc lựa chọn mẫu
nhận dạng tốt đảm bảo tính đúng đắn của kết quả nhận dạng, từ đó thành lập sơ
đồ phân vùng triển vọng khoáng sản cho diện tích khảo sát.
Trong quá trình xử lý, phân tích tài liệu địa vật
lý, tài liệu địa chất, khoáng sản là những thông tin tiên nghiệm có ý nghĩa đặc
biệt quan trọng. Việc kết hợp quá trình xử lý tài liệu địa vật lý với kiến thức
địa chất của các chuyên gia địa chất đảm bảo cho kết quả cuối cùng tốt nhất.
III. MỘT SỐ KẾT QUẢ CỦA
VIỆC ỨNG DỤNG KỸ THUẬT VÀ CÔNG NGHỆ MỚI TRONG ĐO VẼ ĐỊA VẬT LÝ
1. Nghiên cứu địa chất khu vực
Kết quả xử
lý, phân tích tổng hợp nâng cao tài liệu bay đo từ phổ gamma và trọng lực trong
những năm qua cho thấy:
- Công tác địa vật lý đã giúp nghiên cứu các đứt
gãy, phân chia các đới cấu trúc một cách khách quan, có tính toán định lượng.
Nhiều đứt gãy sâu theo tài liệu ĐVL đã được theo dõi chính xác, liên tục và xác
định được các yếu tố thế nằm của chúng: độ sâu phát triển, hướng cắm, góc dốc
biên độ dịch chuyển đứng và theo dõi liên kết từ nông đến sâu.
- Việc phân chia các thành tạo địa chất theo quan
sát bình thường rất khó, nhưng bằng tài liệu ĐVL đã phân chia được một cách tin
cậy.
Việc phân vùng cấu trúc xem xét được đầy đủ các yếu
tố, đặc điểm trường từ trên mặt và dưới sâu, phản ảnh không chỉ cấu trúc địa
chất sâu, mà có chú ý đến các thành tạo trên mặt.
Công tác bay
đo từ phổ gamma, ngoài việc phát hiện một số khoáng sản là đối tượng
trực tiếp như magnetit, ilmenit, titanomagnetit, urani và một số quặng giàu các
nguyên tố phóng xạ... còn có thể tìm kiếm, phát hiện gián tiếp các khoáng sản
nội sinh, đặc biệt các khoáng sản liên quan đến các quá trình biến đổi thứ
sinh.
Cùng với việc giải quyết
các vấn đề về điều tra địa chất cơ bản và tìm kiếm khoáng sản, tài liệu bay đo
còn được sử dụng có hiệu quả trong công tác nghiên cứu địa chất môi trường, tìm
kiếm nước dưới đất ... cũng như nhiều lĩnh vực khoa học, kinh tế khác có liên
quan.
2. Điều tra khoáng sản
Công tác bay đo từ phổ gamma đã giúp khoanh định
được nhiều vùng có triển vọng khoáng sản khác nhau. Đây là cơ sở cho việc lựa
chọn các dị thường để tiến hành đo vẽ địa vật lý mặt đất trong lĩnh vực điều
tra khoáng sản, nghiên cứu địa chất công trình, địa chất thuỷ văn, tai biến địa
chất… Trong số các vùng này, ngoài một số vùng phù hợp hoặc gần phù hợp với các
diện tích đã được điều tra khoáng sản và vùng mỏ đã biết, còn xác định được
nhiều vùng mới cần nghiên cứu tiếp.
Trong số các diện tích có triển vọng khoáng sản được
xác định theo tài liệu địa vật lý máy bay, đã xác định được nhiều khu vực có
triển vọng khoáng sản trong số các diện tích đã được tiến hành kiểm tra sơ bộ
hoặc kiểm tra chi tiết bằng các phương pháp địa vật lý mặt đất.
Nổi bật nhất trong công tác địa vật lý điều tra
khoáng sản ở Liên đoàn Vật lý Địa chất trong mấy năm qua là đã phát hiện được 2
mỏ có trữ lượng công nghiệp sau đây:
- Mỏ quặng sắt magnetit có nguồn gốc skarn ở Boong Quang, tỉnh Cao Bằng. Đây là vùng đã được điều tra địa chất, tìm kiếm
khoáng sản ở tỷ lệ 1:50.000, nhưng đã không phát hiện được mỏ. Chỉ khi tiến
hành đo vẽ địa vật lý mới phát hiện được (Hình 1). Tổ hợp các phương pháp địa
vật lý sử dụng gồm: đo từ, đo sâu điện phân cực kích thích, đo trường chuyển,
đo trọng lực, khai đào và khoan sâu.
Đã phát hiện được khá nhiều cụm dị thường từ có
cường độ cao và lựa chọn 5 cụm dị thường để kiểm tra chi tiết. Kết quả phân
tích tài liệu địa vật lý được kiểm tra bằng công tác khai đào và khoan đã xác
định các cụm dị thường được chọn để kiểm tra đều liên quan đến 2 loại hình
khoáng sản: Fe và Cu-Ni.
Các cụm dị thường ở Phan Thanh, Bó Giới, Suối Củn
liên quan đến quặng hoá Cu-Ni. Còn cụm dị thường Lũng Phầy và Boong Quang liên
quan đến quặng sắt magnetit.
Tại Boong Quang đã tiến hành khai đào và khoan sâu.
Quặng sắt magnetit có nguồn gốc skarn phân bố trong đới tiếp xúc giữa đá granit
phức hệ Núi Điệng với đá vôi bị hoa hoá của hệ tầng Bắc Sơn. Tài nguyên dự báo
cấp P1+P2 được đánh giá gần 3 triệu tấn.
- Mỏ
magnesit Kon Queng, tỉnh Gia Lai. Mỏ được phát hiện trên cơ sở
kiểm tra chi tiết dị thường địa vật lý hàng không (Hình 2). Quặng được đánh giá
bằng công tác đo vẽ địa chất tìm kiếm khoáng sản, đo vẽ địa vật lý và các công
trình khai đào, khoan máy trên diện tích khoảng 1 km2 tỷ lệ 1:2.000.
Quặng magnesit nằm trong cấu trúc uốn nếp Kon Queng chủ yếu là quặng giàu. Thân
quặng có dạng lớp, giả vỉa phân bố trong đá phiến sét, đá phiến sét sericit
chứa các lớp đolomit.
Trữ lượng và
tài nguyên dự báo cấp C2+P1 đạt 2 triệu tấn, trong đó cấp
C2 đạt 0,8 triệu tấn.
Hình 1. Tài liệu
địa vật lý về mỏ sắt Boong Quang
3 . Công tác địa vật lý trong nghiên cứu địa chất thuỷ văn
Trong những năm qua, Liên đoàn Vật lý Địa chất đã áp
dụng có hiệu quả cao công tác địa vật lý trong điều tra địa chất thuỷ văn.
Công tác địa vật lý đã giúp xác định các nguồn nước
dưới đất cho các huyện miền núi thuộc các tỉnh khan hiếm nước (Cao Bằng, Hòa
Bình, Hưng Yên…) và trên các hải đảo (Quan Lạn, Cái Lân, Cô Tô, Cát Bà …)
Việc tiến hành đo địa vật lý để tìm kiếm nước dưới
đất đã đạt nhiều thành quả đáng khích lệ ở nhiều vùng đã tìm thấy nước dưới đất
trong các đới đứt gãy, trong đá gốc, trong các hang động karst ngầm, phân định
các tầng nước ngọt trong vùng bị nhiễm mặn...
Ở Trùng Khánh, Cao
Bằng, năm 2002-2003, đã thực hiện 11 lỗ khoan tìm kiếm nước dưới đất,
trong đó 9 lỗ khoan có lưu lượng đạt yêu cầu.
Năm 2005 và 2006, Liên đoàn Vật lý Địa chất đã tiến
hành tìm kiếm nước dưới đất cho một số xã trọng điểm thuộc các huyện Hạ Lang,
Nguyên Bình. Dựa vào tài liệu địa vật lý, đã khoan 5 lỗ khoan địa chất thuỷ
văn, trong đó 4 lỗ khoan có lưu lượng nước đạt từ 0,5 đến 5 l/s. Một lỗ khoan
đang thi công.
Ngoài việc tìm kiếm nước dưới đất theo kế hoạch được
Cục giao, Liên đoàn cũng đã tiến hành tìm kiếm nước dưới đất (đạt lưu lượng từ
0,5 đến 3 l/s) cho một số địa phương thuộc các đảo khan hiếm nước sinh hoạt như
Cô Tô, Quan Lạn, Ngọc Vừng, Trà Bản.
Hình 2. Tài liệu địa vật lý về mỏ magnesit Kon Queng
4. Điều tra địa chất môi trường
Từ năm 2001
đến nay, Liên đoàn Vật lý Địa chất đã tiến hành điều tra địa vật lý môi trường
trên các đảo ở vịnh Bắc Bộ, các đô thị ở miền Bắc và ven biển Nam Trung Bộ,
đồng thời đã thành lập bản đồ cường độ phóng xạ lãnh thổ Việt Nam tỷ lệ
1/500.000.
Ngoài các phương pháp địa vật lý thông thường (điện,
từ…), đã sử dụng các phương pháp đo hơi thuỷ ngân, đo gamma, đo rađon, tổng hoạt
độ alpha, lấy và phân tích U, Th, K trong mẫu đất đá, phân tích Ra, U, Th, K
trong các mẫu nước.
Bằng tổ hợp các phương pháp địa vật lý, đã xác định
các vùng bị nhiễm mặn, vùng có điện trở suất cao cần quan tâm đến việc lắp đặt
hệ thống tiếp đất, chống sét. Các phương pháp phóng xạ môi trường đã xác định
được tổng liều tương đương bức xạ hàng năm, hàm lượng các nucliđ phóng xạ trong
các nguồn nước và nồng độ rađon trong không khí, trong các loại nhà khác nhau
của các khu dân cư.
Kết quả điều tra phóng xạ môi trường ở một số vùng
thuộc các tỉnh từ Khánh Hoà đến Ninh Thuận, Bình Thuận đã phát hiện được một số
vùng dị thường xạ cao như: Xuân Ngọc, xã Vĩnh Phương, TP Nha Trang và Cam Phúc
Nam, Cam Ranh. Cả hai dị thường này đều liên quan đến đá granit, có cường độ
gamma từ 20 đến 40 µR/h. Dị thường Phan Rí Cửa, Mũi Né liên quan đến sa khoáng
ilmenit, có cường độ gamma từ 30 đến 70 µR/h.
5. Điều tra tai biến địa chất
Trong các năm
qua, Liên đoàn Vật lý Địa chất đã sử dụng tổ hợp các phương pháp địa vật lý như
điện một chiều, địa chấn khúc xạ, đo rađon, hơi thuỷ ngân phục vụ các đề án:
Điều tra tai biến địa chất Tây Nguyên, Tây Bắc Bộ, Nam Trung Bộ. Đồng thời,
Liên đoàn cũng chủ trì thực hiện đề tài KHCN cấp Bộ “Nghiên cứu xác lập tổ hợp
các phương pháp địa vật lý trong điều tra tai biến địa chất”.
Kết quả thực
hiện 3 đề án tai biến địa chất đã chỉ ra nhiều vùng sụt đất, nứt đất, phun tro
núi lửa ở Gia Lai, Kon Tum và Đắk Lắk, các đứt gãy hoạt động ở vùng Tây Bắc Bộ
như đứt gãy Tủa Chùa - Tuần Giáo, đứt gãy Điện Biên - Lai Châu. Với các tài
liệu khảo sát, đã xác định được các đứt gãy này đang hoạt động với mức độ mạnh
và rất mạnh.
Các tài liệu
khảo sát trong đề án “Tai biến địa chất ven biển Nam Trung Bộ” cho kết quả ban
đầu là các đứt gãy Nha Trang, Cam Ranh, Hàm Tân - Thuận Hải cũng đang trong
giai đoạn hoạt động, mức độ từ trung bình đến mạnh.
Đầu năm 2006,
Liên đoàn Vật lý Địa chất đã phối hợp với Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ tiến
hành nghiên cứu hiện trạng, nguyên nhân và dự báo các vùng sụt đất ở Cam Lộ,
Đông Hà (Quảng Trị). Đây có thể được coi là thành công lớn của công tác địa vật
lý trong điều tra tai biến địa chất. Bằng các phương pháp điện trở và rađar
xuyên đất, đã xác định được chính xác các vị trí và diện tích có nguy cơ sụt
đất, sạt lở đất.
6. Nghiên cứu khoa học công nghệ
Hoạt động
nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới trong lĩnh vực địa vật lý đã được Liên
đoàn Vật lý Địa chất hết sức coi trọng và tiến hành theo các hướng chính sau:
- Nghiên cứu
ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về máy móc, công nghệ thu thập, liên kết và biểu diễn
tài liệu địa vật lý. Công nghệ này đã giúp cho việc xây dựng các bản đồ trường
địa vật lý được hoàn thành ngay sau khi kết thúc mùa thực địa.
- Nghiên cứu
tổ hợp các phương pháp đo vẽ địa vật lý hợp lý cho các đối tượng điều tra (tìm
kiếm, phát hiện khoáng sản, nghiên cứu địa chất công trình, địa chất thuỷ văn,
tai biến địa chất…) trong môi trường địa chất khác nhau.
- Nghiên cứu
các phương pháp xử lý, phân tích tài liệu địa vật lý để nâng cao hiệu quả địa
chất, kinh tế. Một trong những thành công đáng kể của lĩnh vực này là đã nghiên
cứu sử dụng có hiệu quả các phần mềm hiện đại của nước ngoài trong xử lý, phân
tích và biểu diễn tài liệu địa vật lý như: COSCAD 8.0, COSCAD3D Idrisi,
MicroStation, MapInfo; ER.EMAPER 5.5; bộ chương trình trường thế; các chương
trình phân tích định lượng 2D, 3D cho tài liệu từ, trọng lực, điện; các phần
mềm dẫn đường cho máy GPS hàng không…
- Chế tạo thử
nghiệm các thiết bị địa vật lý.
- Nghiên cứu
ứng dụng các phương pháp địa vật lý trong các lĩnh vực khác.
Đi theo hướng
trên, trong những năm qua, công tác nghiên cứu ở Liên đoàn Vật lý Địa chất đã
đạt được những thành công đáng kể, chẳng hạn như áp dụng phương pháp điện từ
bằng bộ máy TEM57-MK2 trong tìm kiếm quặng sắt, quặng sulfur, tìm kiếm nước
dưới đất; phương pháp đo hơi thuỷ ngân trong tổ hợp phương pháp khảo sát, tìm
kiếm; áp dụng công nghệ ghi số trong thu thập số liệu thực địa; áp dụng hệ
thống định vị trong việc xác định toạ độ, độ cao điểm đo địa vật lý; tổ hợp đo
địa vật lý ngoài trời để tìm kiếm quặng sắt, Cu-Ni, chì-kẽm, đa kim…, tổ hợp
phương pháp xử lý, phân tích tài liệu từ phổ, trọng lực để nghiên cứu địa chất
cơ bản, điều tra khoáng sản…; nghiên cứu áp dụng thành công các phương pháp
phân tích định lượng theo mô hình 2D, 3D tài liệu từ, trọng lực, các phương
pháp xử lý mới trong địa chấn, điện, điện từ…
Từ năm 2001
đến nay, Liên đoàn Vật lý Địa chất đã thực hiện 4 đề tài KHCN trong các lĩnh
vực: điều tra đánh giá và đề xuất hướng phát triển công nghệ ĐVL trong Bộ
TN&MT, tự động hoá quá trình xử lý, biểu diễn, lưu trữ tài liệu ĐVL, nghiên
cứu áp dụng phương pháp mới, chế tạo từng phần máy ĐVL….
Các đề tài này
đã đạt được những thành công đáng ghi nhận, trong đó nổi bật nhất là bước đầu
đã nghiên cứu chế tạo thành công nguồn phát sóng âm kiểu boomer và sparker
trong đo vẽ địa chấn phân giải cao trên biển, ao hồ, sông, lạch…(Hình 3). Bước
đầu nghiên cứu chế tạo bộ thu tín hiệu địa chấn và bộ tích năng lượng (nguồn
cung cấp năng lượng cho đầu phát sóng âm boomer và sparker). Hiện nay, Liên
đoàn dự kiến nghiên cứu chế tạo thử tổ hợp máy địa chấn phân giải cao để khảo
sát địa chất trên đất liền và trên các vùng bị ngập nước (biển nông, sông, hồ…).
Hình 3. Đầu phát sóng
địa chấn sparker và boomer do Liên đoàn VLĐC chế tạo
IV. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN
CÔNG TÁC ĐỊA VẬT LÝ TRONG THỜI GIAN TỚI
Với đội ngũ kỹ
thuật có nhiều kinh nghiệm và những trang, thiết bị địa vật lý hiện có, hướng
đầu tư phát triển công tác địa vật lý sắp tới ở Liên đoàn Vật lý Địa chất tập
trung chủ yếu vào các lĩnh vực sau:
- Điều tra,
đánh giá khoáng sản dưới sâu.
- Tìm kiếm
nước dưới đất ở những vùng đặc biệt khó khăn.
- Điều tra địa
chất môi trường, tai biến địa chất, địa chất công trình.
- Nghiên cứu
ứng dụng các công nghệ mới trong thu thập số liệu thực địa, xử lý, luận giải
địa chất tài liệu địa vật lý.
- Nghiên cứu
thử nghiệm chế tạo từng phần, tiến tới chế tạo trọn bộ máy địa vật lý.
KẾT LUẬN
Trong những năm qua, việc ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới trong công tác
địa vật lý ở Liên đoàn Vật lý Địa chất đã đạt được nhiều kết quả cụ thể (phát hiện các mỏ, điểm
quặng mới, phát hiện các nguồn nước ở các khu vực miền núi, hải đảo đặc biệt
khó khăn về nguồn nước…), khai thác,
nghiên cứu sử dụng có hiệu quả các thiết bị địa vật lý hiện đại, công nghệ xử
lý, phân tích, luận giải địa chất, đáp ứng trình độ tương tương trong khu vực
và trên thế giới. Với đội ngũ kỹ thuật chuyên sâu, có nhiều kinh nghiệm trong
công tác địa vật lý và thiết bị hiện đại, Liên đoàn hoàn toàn có đủ năng lực
giải quyết tốt các nhiệm vụ mà quá trình phát triển kinh tế của đất nước đặt
ra.
Bước vào giai đoạn phát triển mới, Liên đoàn
Vật lý Địa chất tiếp tục khẳng định vai trò về địa vật lý trong Cục Địa chất và
Khoáng sản Việt Nam. Bằng việc tăng cường nâng cao năng lực trong mọi hoạt động
chuyên ngành địa vật lý, Liên đoàn chắc chắn sẽ có những đóng góp xứng đáng
trong nhiệm vụ điều tra địa chất, khoáng sản và các lĩnh vực khác trong công
cuộc hiện đại hoá, công nghiệp hoá của đất nước.