BẢO TÀNG ĐỊA CHẤT: THỰC TRẠNG VÀ PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN

LA THẾ PHÚC

Bảo tàng Địa chất, 6, Phạm Ngũ Lão, Hà Nội.

Tóm tắt: Bảo tàng Địa chất ở Hà Nội được xây dựng từ năm 1914. Theo chiều dài lịch sử, Bảo tàng Địa chất ngày càng lớn mạnh, vị thế đã được nâng cao. Từ chỗ chỉ là một nhà bảo tàng có quy mô tổ chức là đơn vị cấp phòng, thì từ năm 1991 đến nay đã trở thành một đơn vị độc lập, có đủ cơ cấu tổ chức, tư cách pháp nhân và hiện tại đã được xếp hạng là Bảo tàng hạng I, cấp Bảo tàng quốc gia. Từ chỗ chỉ có chức năng nhiệm vụ là tiếp nhận, lưu giữ và trưng bày mẫu vật địa chất phục vụ số ít công chúng, đến nay chức năng nhiệm vụ và phạm vi hoạt động của Bảo tàng Địa chất đã được mở rộng. Nhiều mảng đề tài nghiên cứu đã, đang và sẽ được tổ chức thực hiện, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và yêu cầu của công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xứng đáng với tiềm năng vốn có và vị thế của Bảo tàng chuyên ngành đầu hệ. Bài viết dưới đây xin giới thiệu về thực trạng và quy hoạch phát triển của Bảo tàng Địa chất Hà Nội.


LỜI NÓI ĐẦU

Bảo tàng Địa chất (BTĐC) là một bảo tàng chuyên ngành khoa học tự nhiên có vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản lưu trữ, trưng bày và truyền bá các tri thức về địa chất và khoáng sản Việt Nam cũng như lịch sử tiến hóa của chúng. Cho đến nay, BTĐC là bảo tàng cấp ngành duy nhất của ngành Địa chất Việt Nam, nơi lưu giữ và trưng bày các mẫu vật địa chất, các tài liệu, ấn phẩm địa chất quốc gia; nơi giao lưu khoa học - kinh tế địa chất và là nơi tổ chức triển khai các hoạt động bảo tàng về địa chất. Giống như ngành Địa chất, BTĐC có tính đặc thù. Đó là bảo tàng chuyên ngành về khoa học trái đất, mang tính nghiên cứu cơ bản mà sự đầu tư phát triển không nhằm mang lại lợi nhuận kinh tế trực tiếp trước mắt (không vì lợi nhuận trực tiếp). Vì thế, sự phát triển của nó, ngoài việc phụ thuộc vào sự phát triển của kinh tế xã hội, còn lệ thuộc trực tiếp vào nhận thức xã hội. Theo chiều dài lịch sử phát triển của đất nước, BTĐC tuy có những bước thăng trầm, nhưng cũng đang trên đà phát triển như một tất yếu khách quan, đã, đang và sẽ phát huy tiềm năng, vai trò, vị thế của mình, đóng góp tích cực cho việc nghiên cứu, tuyên truyền giáo dục bảo tồn, sử dụng hợp lý, khai thác phát huy giá trị to lớn của các di sản địa chất, di sản thiên nhiên, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Được sự đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ngày 05/5/2006, Bộ trưởng Văn hoá - Thông tin đã ký quyết định xếp hạng I, Bảo tàng cấp quốc gia cho BTĐC [2]. Đây là một sự kiện trọng đại ghi nhận tầm quan trọng và bước trưởng thành, đồng thời cũng là bước ngoặt thúc đẩy sự phát triển của BTĐC trong thời kỳ mới.

I. SƠ LƯỢC LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN CỦA BTĐC

BTĐC được xây dựng từ năm 1914, rất sớm ở nước ta. Trải qua bao nhiêu biến cố của lịch sử, BTĐC luôn được duy trì và phát triển. Giống như các đơn vị Bảo tàng khác, sự hình thành và phát triển của BTĐC gắn liền với lịch sử của đất nước và được chia thành 3 giai đoạn: giai đoạn trước năm 1954, giai đoạn 1954-1975 và giai đoạn từ năm 1975 đến nay .

1. Giai đoạn trước năm 1954

Sau khi xâm lược nước ta, nhận thức rõ vai trò và sự cần thiết của công tác BTĐC, người Pháp đã xây dựng một toà nhà làm BTĐC vào năm 1914 (Hình 1), nằm trong khuôn viên của Sở Địa chất Đông Dương, tại phía sau Nhà hát lớn Hà Nội (số 6, phố Phạm Ngũ Lão, Hà Nội ngày nay). Đây là nhà Bảo tàng được xây dựng sớm nhất trong số các Bảo tàng hiện có ở Việt Nam. Theo công trình của Blondel F. [1], sau 14 năm hình thành và phát triển, đến năm 1928, công tác sưu tập mẫu vật trên lãnh thổ Việt Nam cũng như 3 nước Đông Dương do các nhà địa chất Pháp thực hiện đã đạt được khối lượng đáng kể, khoảng 5000 mẫu, bao gồm các loại mẫu: đá, khoáng vật, quặng, hoá thạch và các mẫu khảo cổ. Công tác trưng bày đã được Lantenois H. và Mansuy H. thiết kế với nội dung trưng bày thành 4 gian theo các chủ đề: 1- Khoáng vật, 2- Thạch học, 3- Cổ sinh vật, 4- Khảo cổ (sọ người và công cụ) [1]. Đây là BTĐC duy nhất của Việt Nam dưới thời thuộc Pháp, có nhiệm vụ chủ yếu là tiếp nhận, lưu giữ và trưng bày mẫu vật địa chất để phục vụ số ít “công chúng”. Số nhân lực phục vụ tại BTĐC ở giai đoạn này không được công bố.


Hình 1: Nhà Bảo tàng Địa chất xây dựng năm 1914 [1]


2. Giai đoạn năm 1954 đến 1975 

Sau khi hiệp định Genève được ký kết (năm 1954), nước ta tạm thời bị phân chia thành 2 miền Nam và Bắc, người Pháp đã chuyển đại bộ phận mẫu vật có giá trị nghiên cứu vào miền Nam, riêng những mẫu to và cồng kềnh bị bỏ lại [3] và lập nên ở Sài Gòn một BTĐC thuộc Sở Địa chất Quốc gia. Ở miền Bắc, số mẫu vật còn lại tại Hà Nội phần lớn bị thất lạc hồ sơ, đã tạo ra khó khăn không nhỏ cho công tác chuyên môn của BTĐC sau này.

Trong giai đoạn này, về mặt tổ chức, BTĐC thuộc Sở Địa chất và Cục Khai khoáng của Bộ Công thương từ năm 1955 đến năm 1956; thuộc Cục Địa chất của Bộ Công nghiệp từ năm 1957 đến năm 1959, thuộc Tổng cục Địa chất của Chính phủ từ năm 1960 đến năm 1975. Về mặt chuyên môn nghiệp vụ, hoạt động của BTĐC trong giai đoạn này gặp rất nhiều khó khăn do hoàn cảnh chiến tranh để lại, nhưng việc sưu tầm và thu thập mẫu vật luôn được chú ý tiến hành và phát triển. Đặc biệt là từ năm 1960, nhận rõ được vai trò quan trọng và nhu cầu phát triển của BTĐC, Tổng cục Địa chất đã mời chuyên gia Liên Xô là TS. Varfolomeev P.N., giám đốc BTĐC Liên bang đặt ở Leningrađ sang khảo sát và cố vấn cho Tổng cục về phát triển BTĐC. Với sự hợp tác giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô, công tác điều tra địa chất nói chung, và công tác BTĐC nói riêng, đã được triển khai mạnh mẽ. Các phương án đo vẽ địa chất được tiến hành rộng rãi, kèm theo đó là công tác sưu tầm mẫu vật cho BTĐC của các phương án được quan tâm thực hiện. Công tác trưng bày được khôi phục lại, cơ cấu trưng bày được thiết kế theo 2 chủ đề lớn là: địa chất khu vực và địa chất khoáng sản. Cơ cấu tổ chức của BTĐC ở giai đoạn này chỉ là đơn vị cấp phòng của cơ quan Tổng cục với số nhân lực hạn hẹp, dao động từ 3 đến 5 người với nhiệm vụ tiếp nhận, trưng bày mẫu và trông coi nhà trưng bày.

3. Giai đoạn từ năm 1975 đến nay

Đây là giai đoạn cả nước tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội. Theo hoàn cảnh lịch sử kinh tế - xã hội, giai đoạn này được chia thành 2 thời kỳ: thời kỳ trước đổi mới (1975-1985) và thời kỳ đổi mới (từ năm 1986 đến nay).

Thời kỳ trước đổi mới (1975-1985): Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, cả nước khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh giữ nước vĩ đại và bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cơ sở một nền kinh tế nông nghiệp nghèo nàn và lạc hậu. BTĐC là một đơn vị cấp phòng thuộc Viện Bảo tàng - Lưu trữ Địa chất. Công tác sưu tầm mẫu vật được tiến hành nhờ thi công các công trình điều tra cơ bản về địa chất - khoáng sản ở các tỷ lệ trung bình và lớn trên phạm vi toàn quốc. Qua đó, BTĐC đã tiếp nhận được thêm một khối lượng lớn mẫu vật với nhiều bộ sưu tập có giá trị thuộc địa tầng, cổ sinh, magma và khoáng sản các loại. Công tác trưng bày được tiến hành bổ sung theo 2 chủ đề lớn đã nêu trên. Có thể nói ở thời kỳ này, các hoạt động của BTĐC vẫn mang tính thụ động, chủ yếu vẫn là tiếp nhận, lưu giữ và trưng bày mẫu vật. 

Thời kỳ đổi mới (từ năm 1986 đến nay): Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (12/1986) đã hoạch định đường lối - chính sách Đổi mới; đây là bước ngoặt trong sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Đổi mới trước hết được bắt đầu từ kinh tế. Về mặt kinh tế, mọi đầu tư cho hoạt động điều tra cơ bản trong ngành Địa chất nói chung, và hoạt động của BTĐC nói riêng, không nhằm mục đích mang lại lợi nhuận kinh tế trực tiếp và trước mắt, mà là phục vụ lâu dài, phi lợi nhuận; BTĐC vừa là "chủ thể" vừa là “đối tượng” của ngành Địa chất và về góc độ văn hoá thì BTĐC là một thiết chế văn hoá. Nếu nền kinh tế chưa phát triển thì công tác BTĐC chưa thể có được sự quan tâm chú ý của cộng đồng, chưa thể nhận được sự đầu tư đúng mức cho phát triển. Đầu tư cho hoạt động phát triển kinh tế lúc này của xã hội chỉ thường tập trung vào các ngành nghề mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp cho xã hội - đó là thực tế khách quan. Khi nền kinh tế xã hội phát triển, nhận thức và nhu cầu của nhân dân tăng cao thì công tác bảo tàng mới được quan tâm đúng mức và phát triển. Vì lẽ đó mà ngành Địa chất nói chung, và BTĐC nói riêng, “bắt nhịp đổi mới” chậm hơn các ngành nghề khác. Kể từ năm 1991 đến nay, BTĐC mới thực sự được củng cố, đổi mới và phát triển. Đã có nhiều hội nghị khoa học ở các cấp được tổ chức liên quan đến việc xác định chức năng nhiệm vụ và định hướng chiến lược phát triển Bảo tàng của ngành Địa chất nói chung, và BTĐC nói riêng, nhờ đó chức năng nhiệm vụ đã được mở rộng và BTĐC ngày nay đang trên đà phát triển.

II. HIỆN TRẠNG VÀ VỊ TRÍ CỦA BTĐC TRONG HỆ THỐNG BẢO TÀNG VIỆT NAM

1. Hiện trạng của BTĐC

Có thể thấy sự phát triển của BTĐC được thể hiện rõ nét qua đầu tư nguồn lực, cơ sở hạ tầng và cơ cấu tổ chức. Từ chỗ chỉ là một đơn vị cấp phòng (trước năm 1991), đến nay đã là một đơn vị độc lập có đầy đủ tư cách pháp nhân và cơ cấu tổ chức. Từ chỗ chỉ là một toà nhà trưng bày 1 tầng (trước năm 1996) có diện tích khoảng 400 m2 (Hình 1), đến nay toà nhà trưng bày đó đã được cải tạo nâng cấp thành toà nhà ba tầng có diện tích 1200 m2 (Hình 2). Nguồn nhân lực cũng được gia tăng cả về số lượng và chất lượng: từ chỗ chỉ có 3-5 người đã tăng dần lên 10-14 người khi còn là đơn vị cấp phòng; và tăng lên đến 27 người khi tách ra thành đơn vị độc lập. Hiện nay, cơ cấu tổ chức của BTĐC gồm: Ban giám đốc; Bộ phận giúp việc Ban giám đốc là phòng Quản lý Tổng hợp và 3 phòng chuyên môn: phòng Khoa học - Thông tin, phòng Sưu tập và phòng Trưng bày; trong tương lai cơ cấu tổ chức của BTĐC có thể còn được mở rộng hơn để đáp ứng nhu cầu phát triển, hội nhập. Tổng số nhân lực hiện có là 24 người, trong đó 19 người có trình độ từ đại học trở lên (gồm: 2 tiến sĩ, 1 nghiên cứu sinh, 1 thạc sĩ, 2 học viên cao học, 13 kỹ sư và cử nhân) thuộc các lĩnh vực: địa chất, bảo tàng, lịch sử và quản lý hành chính. Tỷ lệ đội ngũ cán bộ khoa học của BTĐC vào loại cao so với các cơ quan khác trong ngành Địa chất. Cùng với sự tăng lên của nguồn nhân lực, các trang thiết bị hiện đại phục vụ cho mọi hoạt động của BTĐC cũng không ngừng được đầu tư phát triển. Trước năm 1991, BTĐC có nhiệm vụ chủ yếu là sưu tầm, lưu giữ và trưng bày mẫu vật, thì nay chức năng đã được mở rộng là: nghiên cứu, thu thập, lưu giữ và trưng bày, giới thiệu mẫu vật cùng vật phẩm minh hoạ, và kèm theo các chức năng nêu trên là 16 nhiệm vụ cụ thể (theo quyết định số 519/2003/QĐ-BTNMT ngày 22/4/2003 của Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường).


 

Hình 2. Nhà Bảo tàng Địa chất xây dựng năm 1997
trên cơ sở ngôi nhà xây năm 1914 (tầng 1 giữ nguyên kiến trúc cũ)


Trong công tác nghiên cứu khoa học, tính từ năm 1991 đến nay, BTĐC đã hoàn thành 7 đề án nghiên cứu khoa học, công bố 35 công trình nghiên cứu khoa học, đã phối hợp với các cơ quan trong ngành thực hiện và công bố trên 50 công trình khoa học khác...[4], trong đó, đáng chú ý có đề án "Nghiên cứu các khu bảo tồn địa chất ở Việt Nam" do PGS.TSKH Trịnh Dánh làm chủ nhiệm (2004), rất có ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Đề án đã mô tả chi tiết 20 địa điểm di sản địa chất và đề nghị xếp hạng theo quy định của Luật Di sản Văn hoá, trong đó có 2 điểm đề nghị xếp hạng Di sản cấp Quốc gia đặc biệt, 18 điểm đề nghị xếp hạng Di sản cấp Quốc gia. Đề án đưa ra những kiến nghị cụ thể về việc tiếp tục nghiên cứu, phân hạng cho các điểm di sản, tiến tới triển khai xây dựng các khu bảo tồn địa chất; trước mắt đề nghị xây dựng thí điểm 2 điểm có điều kiện khả thi nhất về bảo tồn địa chất ở Ghềnh đá đĩa Tuy An (Phú Yên) và ở Bình Sơn (Quảng Ngãi). Đề án cũng đề nghị đưa các khu bảo tồn quốc gia, các công viên địa chất, các bảo tàng ngoài trời vào chương trình giáo dục cộng đồng và phát triển du lịch bền vững.

Công tác thu thập, lưu giữ và trưng bày mẫu vật cho thấy khối lượng mẫu vật ở BTĐC ngày càng tăng theo thời gian. Dưới thời thuộc Pháp, BTĐC chỉ có khoảng 5000-7000 mẫu vật các loại, có khi giảm xuống chỉ còn khoảng 2000 mẫu do bị di chuyển vào miền Nam (năm 1954), đến nay lượng mẫu vật tại BTĐC là trên 300 bộ sưu tập với khoảng 30.000 mẫu vật các loại, bao gồm các mẫu đá, khoáng vật, khoáng sản kim loại, phi kim, quý hiếm (vàng, đá quý), dầu khí và cổ sinh vật. Trong số này có trên 30 sưu tập hiện vật quý hiếm, kể cả một số sưu tập được các nhà địa chất Pháp sưu tầm trong thời gian Đông Dương thuộc Pháp như: xương đùi Khủng long, các hoá thạch cá ở Lào… (một số mẫu quý này đã từng bị di chuyển vào miền Nam từ năm 1954, đến năm 1997 đã được đưa ra lưu giữ và trưng bày tại BTĐC). Bên cạnh các mẫu vật của Việt Nam, BTĐC còn lưu giữ một số sưu tập (là quà tặng) của nước ngoài như: các nước thuộc Liên Xô (cũ), Tiệp Khắc (cũ), Ấn Độ, Thái Lan, Lào, v.v...[4]. Tuy có khối lượng mẫu vật lớn như nêu trên tại BTĐC nhưng chúng vẫn chưa đủ để phản ảnh hết tính đa dạng và độc đáo của cấu trúc địa chất - khoáng sản Việt Nam, chưa có tư liệu hiện vật để phản ánh lịch sử phát triển của ngành Địa chất và chân dung các nhà địa chất Việt Nam. Vì vậy, BTĐC rất cần được mở các đề tài, dự án về sưu tầm mẫu vật để tiếp tục bổ sung kho mẫu của Bảo tàng.

Trong công tác trưng bày, hệ thống trưng bày thường trực của BTĐC được thể hiện ở toà nhà ba tầng có tổng diện tích 1200 m2 và một phần không gian ngoài trời ở trước Bảo tàng. Phần trưng bày được bố trí theo các chủ đề và nội dung sau:

Ngoài sân: trưng bày một số mẫu đá, hoá thạch và quặng có kích thước lớn để tạo cảnh quan địa chất đặc trưng của Bảo tàng.

Tầng 1: chủ đề Lịch sử địa chất Việt Nam và hành tinh của chúng ta với 5 nội dung:

- Trái đất và hệ mặt trời.

- Tiến hoá địa chất lãnh thổ Việt Nam (thạch quyển và sinh quyển).

- Các quá trình địa chất cơ bản (vũ trụ, địa động lực, magma, trầm tích, biến chất, phong hoá).

- Tiềm năng khoáng sản Việt Nam.

- Địa chất Việt Nam với địa chất quốc tế.

Tầng 2: chủ đề Địa chất và khoáng sản Việt Nam, trình bày 4 nội dung:

- Địa chất khu vực (Đông Bắc Bộ, Tây Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Nam Bộ).

- Khoáng sản Việt Nam (kim loại, không kim loại, đá quý và nửa quý, nhiên liệu, phóng xạ, đất hiếm, nước khoáng, nước nóng và các nguồn địa nhiệt).

- Địa chất - khoáng sản biển Đông và thềm lục địa Việt Nam.

- Trưng bày các loại bản đồ địa chất và khoáng sản. Tầng này vừa là nơi trưng bầy, tham quan vừa là nơi nghiên cứu.

Tầng 3: Các sưu tập chuyên đề (cổ sinh vật, khoáng vật, đá, quặng, các ấn phẩm địa chất). Tầng này vừa là nơi trưng bầy, tham quan vừa là nơi nghiên cứu.

Cho đến nay, BTĐC đã tiếp và hướng dẫn tham quan cho công dân của 50 nước trên thế giới. Tuy vậy, hệ thống trưng bày nêu trên của BTĐC còn mang nặng tính truyền thống, đáp ứng công tác học tập - nghiên cứu khoa học, nhưng chưa thật hấp dẫn du khách, chưa phát huy được hiệu quả của công tác tuyên truyền giáo dục về địa chất học Việt Nam. Vì thế, công tác trưng bày cần phải được nghiên cứu đổi mới, và tiếp theo là tăng cường công tác tiếp thị, tuyên truyền. Trước mắt, BTĐC đang nghiên cứu đổi mới hệ thống trưng bày và tra cứu mẫu dựa vào đề tài nghiên cứu khoa học - công nghệ cấp Bộ “Ứng dụng công nghệ thông tin để hiện đại hoá công tác trưng bày BTĐC” (2006-2007).

2. Vị trí của BTĐC trong hệ thống bảo tàng Việt Nam

Theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ [7, 8], BTĐC nằm trong hệ thống Bảo tàng Thiên nhiên Chuyên ngành thuộc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (Sơ đồ 1). BTĐC là Bảo tàng chuyên ngành cấp quốc gia về lĩnh vực địa chất. Theo quy hoạch, dưới các Bảo tàng quốc gia có thể thành lập các Bảo tàng chi nhánh. Các BTĐC chi nhánh là các bảo tàng nằm trong khối các Viện địa chất, các trường đại học và trung học chuyên nghiệp, các Liên đoàn Địa chất, ...


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Sơ đồ 1. Vị trí Bảo tàng Địa chất  và các chi nhánh trong hệ thống BT Thiên nhiên Việt Nam


III. PHƯƠNG HƯỚNG VÀ CÁC DỰ ÁN PHÁT TRIỂN BTĐC TRONG THỜI GIAN TỚI

 Để xứng đáng với tiềm năng và vị thế của BTĐC, đáp ứng nhu cầu mở cửa hội nhập quốc tế, hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của BTĐC cần phải đổi mới, mở rộng và phát triển. Các hoạt động của BTĐC không còn chỉ giới hạn ở trong “phòng” mà còn vươn ra ngoài không gian địa chất trong phạm vi toàn quốc (gồm cả lãnh thổ và lãnh hải), đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu bảo tồn di sản địa chất, di sản thiên nhiên, bảo tàng ngoài trời hướng tới thành lập các khu công viên địa chất, phát triển dịch vụ du lịch địa chất, du lịch sinh thái bảo vệ môi trường.... Trong nghiên cứu khoa học, BTĐC tập trung vào các mảng đề tài, dự án chủ yếu sau:

1. Mảng dự án sưu tầm, thành lập các bộ sưu tập mẫu chuẩn về địa chất - khoáng sản

Nói đến bảo tàng là nói đến hiện vật, số lượng và chất lượng của hệ thống hiện vật được sưu tầm, lưu giữ và trưng bày ở Bảo tàng. Hiện vật ở đây bao gồm: hệ thống các tư liệu - mẫu vật về địa chất - khoáng sản, về lịch sử phát triển của ngành Địa chất, về hoạt động của các nhà địa chất tìm kiếm tài nguyên làm giàu cho đất nước.... Vì thế, đây là mảng dự án lớn, mang tính trụ cột của BTĐC, dự kiến được mở kế tiếp nhau, bao gồm các dự án thực thi cho từng khu vực (cấu trúc), hay từng vùng (lãnh thổ hoặc lãnh hải) cụ thể của Việt Nam. Lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam có cấu trúc địa chất rất phức tạp, đa dạng và độc đáo. Hệ thống mẫu vật tại BTĐC tuy đã có nhiều, nhưng chưa đủ để phản ánh hết tính chất đa dạng và độc đáo của cấu trúc địa chất, khoáng sản Việt Nam (ví dụ như: địa chất và khoáng sản thềm lục địa Việt Nam, cấu trúc khối nhô Kon Tum, cấu trúc địa chất dầu khí Việt Nam ....). Bên cạnh đó, BTĐC còn thiếu hẳn mảng tư liệu - mẫu vật phản ánh lịch sử phát triển của ngành Địa chất - một ngành đáng được tôn vinh, cũng như các trang thiết bị thông dụng cho khảo sát thực địa của các nhà địa chất - những kỷ vật đáng được trân trọng lưu giữ để tuyên truyền giáo dục thế hệ mai sau.

2. Mảng dự án hợp tác nghiên cứu

Mục tiêu của mảng này là mở rộng quan hệ hợp tác với các cơ quan ngoài (cả trong nước và nước ngoài), lợi dụng và phát huy nguồn "ngoại lực" để sưu tầm mẫu vật, nghiên cứu và bảo tồn di sản địa chất, phục vụ công tác bảo tàng, coi nhiệm vụ của BTĐC là một phần việc kết hợp kèm theo (mở rộng hay "làm thêm") trong các dự án liên quan tới khảo sát thực địa để nâng cao hiệu quả kinh tế - khoa học cho các dự án của ngành địa chất, cũng như các dự án nghiên cứu về các khu bảo tồn thiên nhiên ở các Bộ ngành khác sẽ thực hiện trong thời gian tới. Đây là mảng đề tài đòi hỏi phải có mối quan hệ rộng rãi, sự hợp tác chặt chẽ đa phương, đa ngành. Ví dụ như các dạng đề tài nghiên cứu sau:

- Nghiên cứu tổng hợp các di sản địa chất ở các đảo, quần đảo, trên thềm lục địa Việt Nam.

- Nghiên cứu di sản địa chất trong các phương án đo vẽ địa chất (điều tra cơ bản) của ngành Địa chất, hay trong các dự án nghiên cứu bảo tồn thiên nhiên.

- Đánh giá tiềm năng tài nguyên địa chất đặc trưng của các vùng có cấu trúc địa chất đặc thù, phục vụ việc xây dựng các BTĐC ngoài trời.

- Nghiên cứu di sản địa chất, di sản thiên nhiên trong quần thể các khu di sản văn hoá, bảo tàng lịch sử…

3. Mảng đề tài Công viên địa chất (Geopark)

Di sản địa chất, di sản thiên nhiên là tài sản vô giá do thiên nhiên ban tặng cho nhân loại. Đó là loại tài nguyên thiên nhiên không tái tạo được, cần được đặc biệt chú ý để bảo tồn. Biện pháp hữu hiệu nhất là khoanh vùng di sản địa chất, di sản thiên nhiên và xây dựng các công viên địa chất. Mảng đề tài này ở các nước trong khu vực và trên thế giới được phát triển rất mạnh từ cuối thế kỷ 20. Ở nước ta, hiện nay mới bắt đầu khởi sự trên cơ sở kế thừa kết quả nghiên cứu của đề án “Nghiên cứu các khu bảo tồn địa chất ở Việt Nam” do BTĐC thực hiện (2004) và các phương án điều tra, đo vẽ bản đồ địa chất hiện đang và sẽ thực hiện trong thời gian tới.

4. Mảng đề tài Địa chất du lịch (Geotourism)

Nghiên cứu di sản địa chất trong các khu du lịch để xây dựng và tổ chức bảo vệ bảo tồn các di sản địa chất, di sản thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái trong các khu du lịch Việt Nam là hết sức cần thiết. Việc khai thác các khu di tích, các khu di sản thiên nhiên thành các khu du lịch đã và đang được phát triển rộng khắp trên đất nước ta; nhưng tại những khu du lịch này hầu như chưa có nội dung về địa chất, hay nói cách khác là chưa có “hồn” địa chất, vấn đề di sản địa chất chưa được nghiên cứu để bảo vệ. Vì thế dẫn đến 2 thiếu sót lớn: một là chưa khai thác hết giá trị tiềm năng của tài nguyên địa chất để thu hút du khách; hai là chưa tuyên truyền và nâng cao được ý thức của cộng đồng trong việc bảo vệ di sản địa chất, di sản thiên nhiên. Các đề tài thuộc mảng này sẽ góp phần hạn chế những khiếm khuyết đó.

5. Mảng đề tài tin học

Đây là mảng đề tài “Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác BTĐC” để tiến tới hiện đại hoá BTĐC, tiện lợi trong công tác nghiên cứu, lưu trữ, tra cứu và thu hút du khách. Hầu hết các công tác của BTĐC như: quản lý - lưu trữ hiện vật, trưng bày hiện vật, thông tin tuyên truyền..., cho đến việc thể hiện các quá trình địa chất nội sinh, ngoại sinh (hoạt động núi lửa, quá trình phong hoá, hoạt động của sông, biển...), lịch sử tiến hoá của thế giới sinh vật... một cách sinh động, tạo “ấn tượng” trong trưng bày để thu hút du khách, cũng như việc chuyển tải “ngôn ngữ” chuyên môn hiện vật địa chất thành “ngôn ngữ nghệ thuật” ... đều cần được tin học hoá.

6. Mảng đề tài dịch vụ

Đây là mảng đề tài “Nghiên cứu, tiếp thị, chế tạo các bộ mẫu chuẩn” để phục vụ học sinh phổ thông, sinh viên các trường đại học hoặc các cơ quan trong và ngoài ngành Địa chất có nhu cầu. Hiện nay, học sinh sinh viên của nhiều trường học, đặc biệt là các trường phổ thông, học sinh thường phải học chay, không có mẫu vật minh hoạ, không gắn liền việc học với hành; vì thế hiệu quả môn học không cao, thiếu thực tiễn, không khích lệ được lòng ham mê môn khoa học Trái đất, không tuyên truyền được tình yêu thiên nhiên và ý thức bảo vệ môi trường. Mặt khác, các bộ mẫu chuẩn là tư liệu hết sức cần thiết và quý giá đối với các cơ quan cũng như các cá nhân làm công việc liên quan tới địa chất.

Ngoài ra, BTĐC sẽ tích cực tham gia đề xuất và thực hiện các chương trình nghiên cứu thuộc Bộ Văn hoá - Thông tin như: nghiên cứu bảo quản các hiện vật trong hệ thống Bảo tàng Việt Nam, nghiên cứu và triển khai các mô hình trưng bày triển lãm ngoài trời, triển lãm lưu động để đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục cộng đồng (đặc biệt ưu tiên đối tượng là học sinh, sinh viên - chủ nhân tương lai của đất nước), nghiên cứu xây dựng các bảo tàng ảo... cũng như các lớp tập huấn, nghiên cứu triển khai về chuyên môn nghiệp vụ bảo tàng...

KẾT LUẬN

Vị thế của BTĐC đã được xác lập là Bảo tàng chuyên ngành hàng đầu về địa chất, Bảo tàng cấp quốc gia. Các khiếm khuyết của BTĐC cần sớm được khắc phục. Sự tồn tại và phát triển của BTĐC là tất yếu khách quan phù hợp với quy luật phát triển của đất nước, các hướng đề tài nghiên cứu là thiết thực và khả thi. Để thực hiện tốt các chức năng nhiệm vụ cũng như các mảng đề tài nghiên cứu nêu trên, BTĐC cần phải nỗ lực phấn đấu hơn nhiều, hoàn thiện mình về mọi mặt và cần được đầu tư cải tạo nâng cấp. BTĐC rất mong muốn có được sự quan tâm hơn nữa của các cấp lãnh đạo và các Bộ ngành liên quan trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, mở rộng và hoàn thiện cơ cấu tổ chức, đầu tư kinh phí cho các đề tài nghiên cứu khoa học... . BTĐC luôn luôn mong muốn có được sự hợp tác chặt chẽ của các đơn vị Bảo tàng, các tổ chức kinh tế - xã hội - khoa học trong và ngoài nước, các cơ quan trong và ngoài ngành Địa chất trong mọi lĩnh vực: nghiên cứu khoa học, dịch vụ sản xuất, phục vụ cộng đồng... . BTĐC cố gắng luôn là cơ sở tin cậy cho mọi sự hợp tác, là thiết chế văn hoá ngày càng đáp ứng nhu cầu của công chúng và là điểm đến của du khách.

Bài viết đã nhận được sự đóng góp ý kiến quý báu của GS.TSKH Đặng Vũ Khúc, KS Nguyễn Việt Hưng - Giám đốc Bảo tàng Địa chất; nhân đây tác giả xin bày tỏ lòng cảm ơn chân thành.

VĂN LIỆU

1. Blondel F., 1928. Le musée du Service Géologique de I’Indochine. Cah. Soc. Géogr. Hanoi, 14: 16p., Hà Nội.

2. Bộ Văn hoá - Thông tin, 2006. Quyết định về việc xếp hạng Bảo tàng Địa chất Việt Nam thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Công báo, 17, Hà Nội.

3. Fontaine H., 1973. Le musée du Service Géologique de la République du Vietnam. Bull. Soc. Et. Indoch., XLVIII/4. Sài Gòn.

4. La Thế Phúc (Chủ biên), 2004. Báo cáo Xếp hạng Bảo tàng Địa chất. Lưu trữ Bảo tàng Địa chất, Hà Nội.

5. La Thế Phúc, 2006. Bảo tàng Địa chất Hà Nội được xếp hạng là Bảo tàng hạng I. TC Địa chất, A/294: 89-90, Hà Nội.

6. Nguyễn Mai Lương, 2001. Bảo tàng Địa chất Hà Nội. TC Địa chất, A/262: 27-31, Hà Nội.

7. Thủ tướng Chính phủ, 2005. Quyết định về việc phê duyệt “Quy hoạch tổng thể hệ thống Bảo tàng Việt Nam đến năm 2020”. Công báo, 3+4, Hà Nội.

8. Thủ tướng Chính phủ, 2006. Quyết định về việc phê duyệt “Quy hoạch tổng thể hệ thống Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đến năm 2020”. Công báo, 36+37, Hà Nội.

9. Trịnh Văn Hồng, 2004. Báo cáo Công tác bảo tàng địa chất miền Nam. Lưu trữ  Địa chất. Hà Nội.