NGHIÊN CỨU SỰ PHÂN HÓA VÙNG ĐẤT TỰ NHIÊN
HUYỆN PHÚ LỘC, TỈNH THỪA THIÊN - HUẾ

BÙI THỊ THU, ĐỖ THỊ VIỆT HƯƠNG

Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế

Tóm tắt: Vùng đất huyện Phú Lộc có sự đa dạng về địa hình núi, đồi, đồng bằng và đầm phá ven biển. Với hệ thống phân loại cảnh quan được lựa chọn bao gồm các cấp: hệ cảnh quan ® phụ hệ cảnh quan ® lớp cảnh quan ® phụ lớp cảnh quan ® kiểu cảnh quan ® phụ kiểu cảnh quan ® loại cảnh quan và trên cơ sở nghiên cứu cho thấy huyện Phú Lộc đã có sự phân hóa vùng đất thuộc địa phận huyện thành 133 loại cảnh quan thuộc 7 tiểu vùng. Đây là cơ sở để có những nghiên cứu tiếp theo nhằm mục đích sử dụng hợp lý đất đai của huyện.


I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Huyện Phú Lộc nằm về phía đông nam tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ở đây có tài nguyên thiên nhiên phong phú và điều kiện tự nhiên thích hợp cho phát triển một nền kinh tế - xã hội đa ngành. Tuy nhiên, do việc khai thác và sử dụng tài nguyên ở đây còn mang tính tự phát và thiếu cơ sở khoa học, nên đời sống nhân dân không ổn định, kinh tế khó khăn, cũng như đã làm cho tài nguyên ngày càng cạn kiệt. Vì vậy, việc nghiên cứu sự phân hóa vùng đất huyện Phú Lộc là một việc làm cần thiết nhằm tạo cơ sở cho việc đề xuất sử dụng vùng đất được hợp lý hơn.

II. CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ PHÂN HÓA VÙNG ĐẤT HUYỆN PHÚ LỘC

1. Các yếu tố tự nhiên

a. Địa hình: Địa hình huyện Phú Lộc rất đa dạng chạy theo hướng ĐB-TN. Căn cứ vào độ cao tuyệt đối và tương đối của địa hình, có thể chia vùng nghiên cứu thành các bậc địa hình như sau:

- Núi trung bình: gồm dãy Bạch Mã - Hải Vân với độ cao tuyệt đối trên 750 m và độ cao tương đối trên 100 m, diện tích 45,1 km2, chiếm 6,2% diện tích huyện.

- Núi thấp: có độ cao tuyệt đối 250-750 m, độ cao tương đối trên 100 m, có diện tích 128,1 km2, chiếm 17,6% diện tích huyện.

- Đồi: có độ cao 10-250m với diện tích 170,5 km2, chiếm 23,4% diện tích huyện.

- Đồng bằng: có độ cao địa hình từ 10m trở xuống với diện tích 269,2 km2, chiếm 37% diện tích huyện. Ngoài ra, còn có diện tích mặt nước (sông, hồ và đầm phá): 115,2 km2, chiếm 15,8% diện tích huyện.

b. Khí hậu: khí hậu Phú Lộc thuộc kiểu nhiệt đới ẩm có gió mùa, mùa đông không lạnh, mang tính chất chuyển tiếp giữa hai miền khí hậu Nam - Bắc.

Nhiệt độ trung bình năm ở miền núi là 20oC và ở đồng bằng là 25oC, lượng mưa trung bình năm đo được tại Lộc Trì là 3.436 mm. Một năm được chia thành hai mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng IX đến tháng XII và mùa ít mưa từ tháng I đến tháng VIII.

Ngoài ra, đây là vùng khí hậu có sự giao tranh giữa các khối khí, nên hàng năm thường xảy ra các loại thiên tai như bão, lụt và hạn hán…

c. Thủy văn: Hệ thống sông ngòi Phú Lộc phân bố tương đối đều trên cả huyện. Đại bộ phận sông suối đều bắt nguồn từ vùng núi thuộc sườn phía bắc và phía đông của dãy Bạch Mã và chảy từ tây sang đông qua phần lớn diện tích là đồi núi xuống đồng bằng nhỏ hẹp bị các cồn cát chắn ngang trước khi đổ ra biển.

 Huyện Phú Lộc có các con sông chính là sông Nông, sông Truồi, sông Bù Lu và sông Cầu Hai, cùng với nhiều khe suối nhỏ nên lượng nước khá phong phú. Tuy nhiên, do địa hình thượng nguồn quá dốc thường xảy ra xói lở bờ sông, vùng hạ lưu thấp trũng nên nước mặn theo các cửa sông xâm nhập sâu vào đất liền, gây ra mặn tràn và mặn ngấm. Riêng vùng ven biển vào mùa khô thường bị thiếu nước. Ngoài ra, ở Phú Lộc còn có các đầm phá lớn như đầm Cầu Hai, đầm Lăng Cô... với nhiều nguồn lợi thủy sản.

Nguồn nước dưới đất của huyện tương đối dồi dào và có chất lượng tốt, có thể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, riêng vùng các xã ven đầm Cầu Hai, Lăng Cô thì nguồn nước dưới đất có chất lượng kém hơn, vì thường bị nhiễm mặn.

d. Thổ nhưỡng: Đất đai huyện Phú Lộc phát triển trên một địa hình phức tạp, bao gồm các loại đất chủ yếu: đất cát ven biển (C), đất mặn (M), đất phèn mặn (SM), đất phù sa ngòi suối (Py), đất phù sa được bồi hàng năm (Pb), đất đỏ vàng trên đá phiến sét (Fs), đất nâu vàng trên phù sa cổ (Fp), đất vàng nhạt trên đá cát (Fq), đất vàng đỏ trên đá granit (Fa), đất đỏ vàng biến đổi do trồng lúa (Fl), đất dốc tụ (D), đất mùn vàng đỏ trên đá magma axit (Ha) và đất xói mòn trơ sỏi đá (E).

e. Thảm thực vật: Với đặc điểm khí hậu mang tính chất chuyển tiếp giữa hai miền Nam - Bắc nên tổ hợp thực vật ở đây rất phong phú. Vùng này là nơi giao lưu giữa hai luồng thực vật từ phía bắc xuống và từ phía nam lên. Các điều tra nghiên cứu cho thấy ở Phú Lộc có các kiểu thảm thực vật tự nhiên nhiệt đới và á nhiệt đới. Ngoài ra, còn có thảm thực vật nhân tạo như rừng trồng, cây ăn quả, cây công nghiệp và cây lương thực…

2. Các yếu tố nhân sinh

a. Dân cư - lao động: Năm 2005, dân số trung bình của huyện là 153.124 người với 28.560 hộ gia đình. Mật độ dân số trung bình là 200 người/km2. Toàn huyện có 71.662 lao động (chiếm 46,8% dân số), trong đó số lao động của ngành nông - lâm - ngư nghiệp chiếm tới 70%. Tỷ lệ lao động thất nghiệp vẫn còn cao (khoảng 6%). Tuy nhiên, do trình độ dân trí của người dân chưa cao, trình độ tay nghề, chuyên môn còn hạn chế, chưa qua đào tạo và sự phân bố dân cư không đồng đều giữa các vùng đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.

b. Khái quát tình hình phát triển kinh tế - xã hội: Nền kinh tế Phú Lộc tiếp tục tăng trưởng và cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng đi vào khai thác các lợi thế so sánh của huyện. Tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng tăng từ 18,74% năm 1995 lên 28,7% vào năm 2003; ngành du lịch - dịch vụ tăng tương ứng từ 26,95% lên 37,23%; ngành nông - lâm - ngư nghiệp có xu hướng giảm tỷ trọng từ 51,34% năm 1995 xuống còn 34,5% vào năm 2003.

Kết cấu hạ tầng đã có bước cải thiện đáng kể, thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư xã hội, nhiều chương trình, dự án đã được thực hiện. Hệ thống giao thông, mạng lưới điện trên địa bàn huyện được mở rộng; một số công trình thủy lợi được xây dựng mới và tu sửa lại khắc phục hậu quả lũ lụt; mạng lưới bưu chính, thông tin liên lạc được mở rộng và hiện đại hóa đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và ổn định đời sống nhân dân.

Các yếu tố nhân sinh nói trên đã ảnh hưởng đến sự phân hoá địa phận huyện Phú Lộc thông qua việc làm biến đổi các loại hình sử dụng đất, trong đó thảm thực vật nhân tạo có xu hướng tăng lên, còn thảm thực vật tự nhiên thì bị thu hẹp.

III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU SỰ PHÂN HÓA VÙNG ĐẤT HUYỆN PHÚ LỘC

1. Hệ thống phân loại cảnh quan huyện Phú Lộc

Trên cơ sở phân tích đặc điểm tự nhiên của huyện, tùy thuộc vào tỷ lệ bản đồ và mục đích nghiên cứu, đồng thời qua tham khảo hệ thống phân loại của các tác giả khác, hệ thống phân loại cảnh quan vùng đất huyện Phú Lộc đã được lựa chọn bao gồm các cấp: hệ cảnh quan ® phụ hệ cảnh quan ® lớp cảnh quan ® phụ lớp cảnh quan ® kiểu cảnh quan ® phụ kiểu cảnh quan ® loại cảnh quan.

- Hệ cảnh quan: dựa vào dấu hiệu đặc trưng để phân loại là nền bức xạ, có tính chi phối mạnh mẽ đến cảnh quan, là sự đồng nhất về nền tảng nhiệt ẩm.

- Phụ hệ cảnh quan: chế độ hoàn lưu gió mùa có tác động quyết định phân bố lại nhiệt ẩm của đất đai, kéo theo ảnh hưởng lớn tới chu trình vật chất

- Lớp cảnh quan: là sự đồng nhất về nền tảng nhiệt ẩm và nhóm kiểu địa hình, có ảnh hưởng đến tính đồng nhất của hai quá trình lớn trong chu trình vật chất bóc mòn và tích tụ.

- Phụ lớp cảnh quan: thể hiện sự đồng nhất về nền tảng nhiệt - ẩm, nhóm kiểu địa hình, kiểu địa hình.

- Kiểu cảnh quan: là sự đồng nhất về nền tảng nhiệt - ẩm, nhóm kiểu địa hình, kiểu địa hình, nhóm kiểu khí hậu và đại tổ hợp đất.

- Phụ kiểu cảnh quan: dựa trên các đặc trưng cực đoan của khí hậu ảnh hưởng lớn tới các điều kiện sinh thái.

- Loại cảnh quan: dựa vào dấu hiệu đặc trưng là sự giống nhau tương đối của các dạng địa lý của thể cấu thành cảnh quan.

2. Kết quả nghiên cứu       

- Xây dựng bản đồ cảnh quan huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế tỷ lệ 1/50.000.

Trong bảng chú giải ma trận của bản đồ, các cấp của hệ thống phân loại cảnh quan được xếp vào 2 nhóm là: nền tảng nhiệt - ẩm và nền tảng vật chất rắn:

+ Nền tảng nhiệt - ẩm: gồm phụ hệ cảnh quan, kiểu cảnh quan và phụ kiểu cảnh quan được sắp xếp theo hàng ngang thể hiện chế độ hoàn lưu gió mùa, đặc điểm sinh - khí hậu và các đặc trưng cực đoan của vùng nghiên cứu. Trong nhóm này, từ chỉ có 1 phụ hệ cảnh quan, 2 kiểu cảnh quan và 3 phụ kiểu cảnh quan.

+ Nền tảng vật chất rắn: gồm lớp cảnh quan và phụ lớp cảnh quan được xếp theo cột dọc thể hiện đặc điểm cấu trúc hình thái địa hình cũng như tính phân tầng của các điều kiện và quá trình tự nhiên. Từ lớp cảnh quan núi, đồi và đồng bằng, vùng nghiên cứu đã có sự phân hoá thành 4 phụ lớp cảnh quan. Loại cảnh quan là kết quả giao thoa giữa hàng và cột trong bảng chú giải dạng ma trận.

Trên cơ sở chồng ghép các loại bản đồ đơn tính là: bản đồ địa hình, bản đồ đất, bản đồ khí hậu, bản đồ thảm thực vật kết hợp với bản chú giải ma trận, ở huyện Phú Lộc có sự phân hoá địa phận dẫn đến hình thành 133 loại cảnh quan được đánh theo chữ số từ 1 đến 133 (với 382 đơn vị) thuộc hệ cảnh quan nhiệt đới gió mùa Đông Nam Á; phụ hệ cảnh quan nhiệt đới gió mùa có mùa đông không lạnh; 3 lớp cảnh quan: núi, đồi và đồng bằng; có 4 phụ lớp cảnh quan: núi trung bình, núi thấp, đồi và đồng bằng.; 2 kiểu cảnh quan: rừng kín thường xanh mưa mùa á nhiệt đới, rừng kín thường xanh mưa mùa nhiệt đới ẩm; 4 phụ kiểu cảnh quan: mùa hè mát- rất ẩm và mùa đông rét - rất ẩm, mùa hè hơi nóng - ẩm và mùa đông lạnh - rất ẩm, mùa hè nóng - hơi ẩm và mùa đông ấm-ẩm.

- Phân vùng cảnh quan ở vùng nghiên cứu

Khi phân vùng cảnh quan, các nguyên tắc chính được sử dụng là: nguyên tắc phát sinh, nguyên tắc đồng nhất tương đối, nguyên tắc cùng chung vùng đất, nguyên tắc ưu tiên xét trước các quy luật phân hoá chủ yếu và nguyên tắc tổng hợp. Việc phân vùng cảnh quan ở đây được tiến hành theo phương pháp liên kết các loại cảnh quan theo vùng. Từ 382 đơn vị cá thể được nhóm gộp thành 7 tiểu vùng như sau:


Hình 1. Sơ đồ các tiểu vùng cảnh quan huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế


+ Tiểu vùng sinh thái cảnh quan đồi phía tây (I): nằm về phía tây của huyện với diện tích 7.593,10 ha chiếm 12,39% tổng diện tích.

+ Tiểu vùng sinh thái cảnh quan đồng bằng phía Bắc (II): với diện tích 10.440 ha, chiếm 17,04% tổng diện tích.

+ Tiểu vùng sinh thái cảnh quan đồi núi Bạch Mã (III): có diện tích 7.978,5 ha, chiếm 13,02% tổng diện tích.

+ Tiểu vùng sinh thái cảnh quan đồng bằng trung tâm (IV): là tiểu vùng có diện tích nhỏ nhất trong các tiểu vùng (1.708,25 ha), chiếm 2,97% tổng diện tích.

+ Tiểu vùng sinh thái cảnh quan đồi núi Hải Vân (V): kéo dài từ khu vực giáp Bạch Mã đến đảo Sơn Trà với diện tích 17.150,1 ha, chiếm 27,98% tổng diện tích.

+ Tiểu vùng sinh thái cảnh quan đồng bằng xen đồi Cảnh Dương - Lăng Cô (VI): với diện tích 12.373,43 ha, chiếm 20,18% tổng diện tích.

+ Tiểu vùng đồng bằng ven biển (VII): Với diện tích là 4.046,74 ha, chiếm 6,60% tổng diện tích.

IV. KẾT LUẬN

Qua nghiên cứu sự phân hóa đất đai huyện Phú Lộc, có thể đưa ra một số kết luận sau:

- Đất đai huyện Phú lộc có sự phân hóa đa dạng và phức tạp, bao gồm cả địa hình núi, đồi, đồng bằng và đầm phá ven biển với các tiềm năng tự nhiên và quỹ sinh thái phong phú.

- Huyện Phú Lộc nằm trong hệ cảnh quan chung của Việt Nam là hệ nhiệt đới ẩm gió mùa Đông Nam Á, phụ hệ cảnh quan nhiệt đới gió mùa không có mùa đông lạnh và khô với 2 kiểu rừng kín thường xanh mưa mùa nhiệt đới phân bố ở độ cao dưới 750 m và rừng kín thường xanh mưa mùa á nhiệt đới ở độ cao trên 750 m. Sự kết hợp của nền tảng vật chất rắn với nền tảng nhiệt ẩm đã hình thành nên 133 loại cảnh quan thuộc về 7 tiểu vùng cảnh quan khác nhau. Đây là cơ sở để có những nghiên cứu tiếp theo nhằm mục đích sử dụng hợp lý vùng đất của huyện.

VĂN LIỆU

1. Bùi Thị Thu, Đỗ Thị Việt Hương và nnk, 2005. Đánh giá tổng hợp các điều kiện tự nhiên phục vụ cho phát triển nông - lâm nghiệp bền vững ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đề tài cấp Bộ, mã số 2003 - 07 - 07. Lưu trữ Sở KHCN, Thừa Thiên - Huế.

2. Phòng Thống kê huyện Phú Lộc, 2006. Niên giám thống kê huyện Phú Lộc năm 2005. Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế.

3. UBND huyện Phú Lộc, 2003. Dự thảo báo cáo Tổng hợp quy hoạch sử dụng đất huyện Phú Lộc thời kỳ 2003 - 2010. Lưu trữ UBND huyện Phú Lộc.

4. UBND huyện Phú Lộc, 2002. Báo cáo tổng hợp Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2001 - 2010. Lưu trữ UBND huyện Phú Lộc.