TIN ĐỊA CHẤT

HOẠT ĐỘNG IGCP Ở VIỆT NAM NĂM 2004


Trong năm 2004, hoạt động IGCP ở Việt Nam được các nhà địa chất Việt Nam và bạn bè quốc tế biết đến qua 2 hội thảo tổ chức rất thành công. Đó là Hội nghị liên ngành quốc tế “Bảo tồn và phát triển các vùng karst” (TRANSKARST-2004) từ 13 đến 18 tháng 9/2004 tại Hà Nội, và Hội thảo quốc tế “Địa chất và tài nguyên Creta vùng Đông Nam Á và phụ cận” từ 2 đến 9 tháng 12/2004 tại Hà Nội.

Hội nghị TRANSKARST-2004 do Viện nghiên cứu Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức với sự tài trợ và phối hợp của một số tổ chức quốc tế và trong nước, như UNESCO, Hiệp hội Hang động quốc tế UIS, Cộng đồng Các trường đại học Flamen Vương quốc Bỉ, Sở Địa chất Bỉ, Hiệp hội quốc tế Bảo tồn thiên nhiên IUCN, Hiệp hội Thủy văn thế giới, Hiệp hội quốc tế Bảo vệ động vật và thực vật FFI, Ủy ban quốc gia IGCP Việt Nam. Gần 250 đại biểu đã tham dự Hội nghị, trong đó có hơn 100 nhà khoa học, quản lý và đầu tư quốc tế đến từ 42 nước trên thế giới. Mười báo cáo chính tại hội trường chung, 50 báo cáo tại các tiểu ban và 40 báo cáo dán tường đã được trình bày, xoay quanh 4 chủ đề chính là: 1) Chính sách và việc quản lý tài nguyên đất và nước ở các vùng karst; 2) Phát triển cơ sở hạ tầng và đánh giá tai biến và rủi ro môi trường karst; 3) Bảo tồn hệ sinh thái karst; và 4) Kết hợp các phương thức tiếp cận tự nhiên và xã hội. Nhóm công tác của đề án IGCP 448 (Đối sánh toàn cầu về các hệ sinh thái karst) cũng có báo cáo tham gia hội nghị. Các báo cáo kể trên đã được tập hợp và in trong Tuyển tập báo cáo do Viện nghiên cứu Địa chất và Khoáng sản tổ chức in ấn và phát hành ngay trong hội nghị.

Sau hai ngày đầu hội nghị, 81 đại biểu quốc tế đã tham quan thực địa khảo sát một số vùng karst tiêu biểu ở nước ta, như Hạ Long, Cát Bà, Hoa Lư và Cúc Phương từ ngày 15 đến 18 tháng 9/2004.

Một trong những kết luận chính của Hội nghị là cần có cách tiếp cận tổng thể, liên ngành trong việc đảm bảo phát triển bền vững và bảo tồn các vùng karst. Hội nghị cũng nhiệt liệt hoan nghênh sáng kiến mới của Chương trình Đối sánh địa chất quốc tế IGCP về hợp tác quốc tế trong quản lý và sử dụng các nguồn nước karst. Đại biểu các nước ASEAN tham dự Hội nghị đã thảo luận việc hình thành mạng lưới hợp tác trong lĩnh vực điều tra, nghiên cứu, quản lý việc phát triển và bảo tồn các vùng karst trong khu vực Đông Nam Á.

Hội thảo quốc tế “Địa chất và tài nguyên Creta vùng Đông Nam Á và phụ cận” là Hội thảo khoa học lần thứ VI của đề án IGCP 434 (Mối tương tác lục địa - đại dương trong Creta ở châu Á) do Viện Địa chất (Viện Khoa học và Công nghệ VN) tổ chức với sự phối hợp của Ủy ban quốc gia IGCP Việt Nam và Viện nghiên cứu Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường). Tham gia chương trình khoa học của Hội thảo có 46 báo cáo của các nhà khoa học đến từ 11 nước và nước chủ nhà, trong đó 4 báo cáo được trình bày tại hội trường chung và 28 báo cáo trình bày tại 3 tiểu ban, là: 1) Thay đổi đa dạng sinh học và chu kỳ Carbon; 2) Địa tầng và trầm tích luận; và 3) Tiến hóa kiến tạo và địa động lực. Các báo cáo còn lại được trình bày dưới dạng báo cáo dán tường. Chủ nhiệm đề án IGCP 434, GS Hirano H. (Nhật Bản) đã có báo cáo tổng kết đề án sau 6 năm thực hiện. Các báo cáo kể trên đã được Viện Địa chất tổ chức in ấn trong Tuyển tập báo cáo và tóm tắt báo cáo được phát hành ngay tại Hội thảo.

Sau 2 ngày hội thảo, các đại biểu quốc tế đã đi tham quan khảo sát vùng Mộc Châu - Yên Châu, nơi có những mặt cắt Creta thượng rất đẹp ở nước ta mà gần đây các nhà địa chất đo vẽ bản đồ của Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã lần đầu tiên thu thập được hóa thạch động vật và thực vật. Sau đó là tham quan vịnh Hạ Long.

Những vấn đề địa chất hệ Creta vùng Đông Nam Á, đặc biệt là vấn đề đối sánh địa tầng các trầm tích lục địa, hoạt động kiến tạo và magma trong kỷ Creta đã được đề cập đến trong nhiều báo cáo. Những kết quả đạt được đánh dấu một bước tiến lớn trong nhận thức về hoàn cảnh địa chất - kiến tạo và tiến hóa môi trường xuyên suốt kỷ Creta ở Đông Nam Á.

Sự tổ chức thành công các hội thảo quốc tế đã góp phần nâng cao vị thế các nhà địa chất Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.

Sau đây là các đề án IGCP hiện hành trong năm 2005 và các năm sau:

463. Trầm tích màu đỏ đại dương Creta thượng (Upper Cretaceous oceanic red beds). Chủ nhiệm (CN): C. Wang (China), M. Sarti (Italia), và nnk.. 2002-2006.

467. Kỷ Trias và đối sánh Xuyên Panthalassa (Triassic time and Trans-Panthalassan correlation). CN: M. Orchard (Canada), J. Tong (China), và nnk. 2002-2006.

469. Vùng sinh vật lục địa Varisci và cổ môi trường (Variscan terrestrial biotas and paleoenvironments). CN: C. Cleal (UK), S. Olustil (Czech), và nnk.. 2003-2007.

471. Sự tiến hóa của Tây Gondwana trong Paleozoi muộn (Evolution of Western Gondwana during the Late Paleozoic). CN: C. Limarino (Argentina). 2002-2006.

473. Sinh khoáng GIS miền Trung Á (GIS metallogeny of Central Asia). CN: R. Seltmann (UK), M. Kim (Uzbekistan), I.G. Gurieva (Russia), và nnk.. 2002-2006.

474. Hình ảnh chiều sâu của vỏ Trái đất (Depth images of the Earth’s crust). CN: B. Drummond (Australia), L. Brown (USA), F. Cook (Canada), và nnk.. 2003-2007.

475. Châu thổ khu vực gió mùa châu Á - Thái Bình Dương (Deltas in the monsoon Asia-Pacific region). CN: S. Goodbred (USA), Y. Saito (Japan). 2003-2007.

476. Sự tiến hóa của gió mùa và mối liên kết khí hậu - kiến tạo ở châu Á (Monsoon evolution and tectonic-climate linkage in Asia). CN: R. Tada (Japan). 2003-2007.

478. Các sự kiện Neoproterozoi - Paleozoi sớm ở Tây Nam Gondwana (Neoproterozoic - Early Paleozoic events in Southwest Gondwana). CN: C. Gaucher (Uruguay), D. Poiré (Argentina), P. Boggiani (Brasil), và nnk.. 2003-2007.

479. Cách sử dụng lâu bền các nguyên tố nhóm platin (Sustainable use of platinum group elements). CN: J. Mungall (Canada), M. Iljina (Finland) và nnk.. 2003-2007.

480. Kiến tạo miền Trung Á (Tectonics of Central Asia). CN: B. Natalin (Turkey). 2004-2008.

481. Định tuổi các biến đổi mực nước biển ở Caspi (Dating Caspian sea level change). CN: S. Kroonenberg (Netherlands), S. Leroy (UK). 2003-2007.

482/489. Địa động lực hệ rift Đông Phi /Đặc điểm địa vật lý và sự tiến hóa của nhánh tây nam hệ rift Đông Phi (Geodynamics of the East African rift system / Geophysical characteristics and evolution of the SW branch of the East African rift system). CN: G. Muguleta (Sweden) / A. Atekwana (USA) và nnk.. 2003-2007.

485. Ranh giới craton Tây Phi (The boundaries of the West African craton). CN: N. Ennih (Morocco), J. Liégeois (Belgium). 2003-2007.

486. Các tụ khoáng telur-selenur Au-Ag (Au-Ag telluride-selenide deposits). CN: N. Cook (Norway), K. Kojonen (Finland). 2003-2007.

487. Vi phân đới địa chấn các thành phố Mỹ Latinh (Seismic microzoning of Latin American cities). CN: J. A. Gomez (Cuba), A. Giesecke (Peru). 2004-2008.

490. Tai biến môi trường (Environmental catastrophes). CN: S. Leroy (UK), I. Stewart (UK). 2003-2007.

491. Sinh địa lý, cổ địa lý và khí hậu động vật Có xương sống Paleozoi giữa (Middle Paleozoic vertebrate biogeography, paleogeography and climate). CN: M. Zhu (Taiwan), G. Young (Australia). 2003-2007.

493. Sự phát triển và suy giảm của khu sinh vật Venđ (The rise and fall of the Vendian biota). CN: M. Fedonkin (Russia), P. V.-Rich (Australia) và nnk.. 2003-2007.

494. Sự biến đổi kém oxy sang oxy trong quá trình trầm tích đại dương Creta trung: Nghiên cứu ở vùng Tethys (Dysoxide to oxide change in ocean sedimentation during the Middle Cretaceous: A study of the Tethyan realm). CN: X. Hu (China) và nnk.. 2003-2005.

495. Mối tương tác lục địa - đại dương trong Đệ tứ (Quaternary land-ocean interactions). CN: A. Long (UK), S. Islam (Bangladesh). 2004-2008.

497. Đại dương lưu biến (The rheic ocean). CN: U. Linneman (Germany), R. Nance (USA), M. de Wit (Nam Phi) và nnk.. 2004-2008.

499. Tiến hóa của các hệ sinh thái và khí hậu trong Đevon (Evolution of ecosystems and climate in the Devonian). CN: P. Koenigshof (Germany), J. Lazauskiene (Lithuania) và nnk.. 2004-2008.

500. Biến đổi của vùng đất khô: Quá khứ, hiện tại, tương lai (Dryland change: Past, present, future). CN: D. Thomas (UK). 2004-2008.

501. Cải tạo đất bằng sản phẩm phong hóa và các phế liệu khác (Soil regeneration with erosion products and other wastes). CN: F. Barriga (Portugal) và nnk.. 2004-2008.

502. So sánh toàn cầu các vùng sulfur lớn nằm trong đá núi lửa (Global comparison of volcanic-hosted massive sulphide districts). CN: R. Allen (Sweden), F. Tornos (Espana) và nnk.. 2004-2008.

503. Cổ địa lý và cổ khí hậu Orđovic (Ordovician paleogeography and paleoclimate). CN: T. Servais (France), D. Harper (Denmark) và nnk.. 2004-2008.

UBQG IGCP Việt Nam kêu gọi các nhà địa chất Việt Nam tham gia vào các hoạt động khoa học của các đề án nêu trên.

Các nhà địa chất muốn tham gia vào đề án nào xin liên hệ với Ủy ban quốc gia IGCP Việt Nam theo địa chỉ: Nguyễn Thị Dung, Tổng thư ký Ủy ban quốc gia IGCP, 6 Phạm Ngũ Lão, Hà Nội.


                                                                                                            Ban Thư ký UBQG IGCP,
Lê Thị Nghinh, Ngô Linh Ngọc