VỀ TAI
BIẾN SẠT LỞ BỜ SÔNG Ở VÙNG TÂN ĐỨC, BA VÌ, HÀ TÂY
NGÔ
QUANG TOÀN1, ĐẶNG HUY RẰM2
1Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, 6
Phạm Ngũ Lão, Hà Nội
2Vụ HTQT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, 83 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội
Tóm tắt: Trong bài báo này, các tác giả trình bày kết quả
điều tra khảo sát sơ bộ về tai biến sạt lở bờ sông ở xã Tân Đức, huyện Ba Vì,
tỉnh Hà Tây, qua việc tìm hiểu lịch sử đắp đê sông Hồng, các lần vỡ đê vào mùa
lũ, nghiên cứu hiện trạng sạt lở mạnh bờ sông Hồng ở đoạn Tân Đức - Minh Nông
thuộc bờ lõm (phía trái) sông Hồng và xác định nguyên nhân chủ yếu gây ra hiện
tượng này. Đó là quá trình tạo khúc uốn của sông, sự gia tăng đột ngột vận tốc
dòng chảy do sự cộng hưởng của nước lớn vào mùa lũ và việc mở cửa xả lũ ở nhà
máy thuỷ điện Hoà Bình trên sông Đà. Từ đó các tác giả đưa ra các giải pháp và
kiến nghị để xử lý hiện tượng sạt lở này.
MỞ
ĐẦU
Xã Tân Đức thuộc huyện Ba Vì,
tỉnh Hà Tây, nhưng nằm sát thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Theo năm tháng, do
quá trình bồi lở của sông Hồng, con người và đất đai ở Tân Đức đã tách dần ra
khỏi bờ phải, dạt sang bờ trái để gánh chịu thân phận cảnh làng trôi.
Hiện tượng sạt lở đất bờ sông
ở vùng Tân Đức đã có từ lâu, nhưng tai biến này trở nên nghiêm trọng từ năm 2001
đến nay và thành “điểm nóng” về tai biến địa chất ở vùng ngã ba sông.
Kết quả khảo sát của các tác
giả từ năm 2001 đến nay cho thấy hiện tượng sạt lở đất bờ sông ở Tân Đức diễn
biến rất phức tạp, cực kỳ nguy hiểm, khó tránh khỏi. Hiện tượng này vẫn còn tiếp
diễn một cách mạnh mẽ, ngày càng xói sâu vào phần diện tích đất ít ỏi còn lại
của xã Tân Đức và tiềm ẩn nhiều hiểm họa khôn lường.
I.
LỊCH SỬ QUÁ TRÌNH SẠT LỞ ĐẤT BỜ SÔNG Ở VÙNG TÂN ĐỨC VÀ LÂN CẬN
Nhìn trên bản đồ, xã Tân Đức
nằm ở phần bờ lõm của khúc uốn Việt Trì, nơi gặp gỡ của
sông Đà, sông Hồng và sông Lô, là một vùng xung yếu dễ bị tổn thương về tai biến
liên quan đến địa mạo và động lực dòng chảy.
Tìm hiểu lịch sử cho thấy, đê
sông Hồng ở đoạn Tân Đức có từ thời nhà Lý. Trong quá trình chống chọi với thiên
nhiên để duy trì cuộc sống và sản xuất, ông cha ta đã đắp đê chống lũ lụt. Trải
qua năm tháng, hệ thống đê dọc theo sông Hồng càng ngày càng trở nên kiên cố
thêm. Tuy nhiên, trong một số năm, nước lũ của sông dâng cao đã làm vỡ đê. Đặc
biệt đoạn đê Tân Đức - Minh Nông đã bị vỡ nhiều lần, và lần gần đây nhất là vào
năm 1971. Vì vậy, để tránh vỡ đê, từ thời nhà Nguyễn, năm 1835, ngân khố của
triều đình và địa phương đã phải chi tiền để xây kè cao 5 m, dài 200 m ở Minh
Nông với vật liệu chủ yếu là đá hộc, đá ong. Vết tích kè này hiện nay vẫn còn và
chỉ cách kè mới xây lại năm 2000 khoảng 10 m.
Có thể thấy, khúc uốn của sông
Hồng ở đây được mở rộng nhất, đạt 4 km và phần bờ lõm đã áp sát vào gần chân đê
đoạn Minh Nông - Hồng Hải - Tân Đức - Thuỵ Vân - Trịnh Xá (Hình 1). Quá trình
hoạt động của dòng chảy sông Hồng tạo khúc uốn ở đây dẫn đến hiện tượng bên lở
bên bồi với đặc trưng có đảo nổi giữa sông. Năm 1971, lũ lớn làm vỡ đê sông
Đuống ở Thượng Cát thì đoạn đê sông Hồng ở Trịnh Xá cũng bị vỡ 2 đoạn, mỗi đoạn
đê vỡ dài 50-60 m đã gây nhiều thiệt hại về người và của. Ngay sau lũ, Nhà nước
đã phải bỏ tiền ra để hàn gắn, củng cố lại đê.
Đồng thời với hiện tượng xói
mòn gây sạt lở bờ sông là hiện tượng thay đổi dòng chảy với xu hướng dịch chuyển
dần về phía bắc. Trước năm 1980, diện tích đất của xã Tân Đức (ngoài đê sông
Hồng) nằm sát với đất của xã Cố Đô, Trung Hà, Ba Vì, tỉnh Hà Tây (trong đê sông
Hồng). Theo thời gian, đất của xã Tân Đức bị thay đổi dần do biến động của lòng
sông Hồng, đã biến xã Tân Đức thành bãi giữa, rồi bãi giữa được mở rộng và dịch
dần về phía bờ lõm. Năm 1984, UBND xã xây trụ sở Uỷ ban và cho dân xây nhà mái
bằng ở bãi giữa liền với diện tích trồng hoa màu và dùng thuyền chở rau màu về
Ba Vì cung cấp cho Hà Tây và thành phố Hà Nội. Nhìn chung, đất bãi giữa và bãi
ngoài đê ở cả hai bên sông ở đây thường bị ngập và sạt lở vào mùa lũ.
Năm 1987, khi nhà máy thuỷ
điện Hoà Bình trên sông Đà phát điện và hàng năm khi nước ở hồ chứa Hòa Bình
vượt ngưỡng cho phép thì nhà máy cho xả lũ, lúc 1-2 cửa, lúc 5-6 cửa thì bắt đầu
gia tăng sạt lở đất bờ sông Hồng ở đoạn bờ lõm ngay phía dưới đập, mà điển hình
là ở vùng Tân Đức. Hiện tượng này xảy ra ngày càng mạnh và phức tạp, đặc biệt là
vào thời điểm vừa có lũ cao, vừa mở cửa xả thì sạt lở bờ sông xảy ra mạnh nhất.
Nhiều khi, tuy không có lũ (tháng 10, 11), nhưng thuỷ điện Hoà Bình mở cửa xả
nước thì bờ sông Hồng phần bờ lõm vẫn gánh chịu hiện tượng sạt lở, thậm chí qua
một đêm, dòng xoáy ngầm đã khoét sâu vào đất bãi ngoài đê (do khô ải gặp nước)
tới 5-10 m.
Đến năm 1998, hiện tượng sạt
lở đất bờ sông Hồng đã làm mất gần hết diện tích đất bãi giữa. Năm 1998-1999,
Nhà nước cho xây kè ở vị trí 57 (ô toạ độ trên bản đồ địa hình 1:50.000) với một
đoạn dài 1.000 m, cao 5 m, tốn hết 1,5 tỷ đồng để chống sạt lở bờ sông. Nhưng
đến năm 2000, đoạn kè này đã bị lũ cuốn trôi hoàn toàn, không để lại dấu vết.
Diện tích đất còn lại của xã Tân Đức rất ít, nằm ở ngoài đê sông Hồng, sát với
đất của xã Thụy Vân, thành phố Việt Trì và lúc này Tân Đức thuộc huyện Ba Vì, Hà
Tây đành chấp nhận thân phận cảnh “con rơi”.
II.
HIỆN TRẠNG
Khảo sát dọc bờ lõm sông Hồng,
đoạn Tân Đức, trên chiều dài 1.000 m, ta thấy bờ sông đang bị sạt lở mạnh (Ảnh
1, 2). Theo thống kê của UBND xã Tân Đức, từ năm 1987 đến nay, khi nhà máy thuỷ
điện Hoà Bình xả lũ, đã làm cho lưu lượng dòng chảy tăng và biến động đột ngột,
làm đất bờ sông sạt lở rất nhanh. Trong hai năm 2001-2002, tại vùng Tân Đức,
dòng chảy mạnh đã khoét sâu và gây sạt lở vào phía ngoài chân đê từ 100 đến 150
m, có ngày lở sâu vào 15 m, làm mất rất nhiều đất hoa màu, đất thổ cư. Qua kiểm
kê năm 1993, đất của xã có 452 ha, nhưng
từ 1994 đến nay, sông Hồng đã cuốn trôi hơn 400 ha, hiện tại xã chỉ còn lại diện
tích khoảng 50 ha.
Đặc biệt, ngày 29 và
30/6/2001, tại Tân Đức đã xảy ra 4 lần sạt lở đất, mỗi lần lấn sâu vào 4-5 m.
Sạt lở đất bờ sông Hồng ở Tân Đức - Thụy Vân tháng 7/2001 xảy ra cách trụ sở
UBND xã 300 m, cách đê sông Hồng ở Thụy Vân khoảng 500 m. Sạt lở đất không chỉ
xảy ra ở Tân Đức mà còn ở Trịnh Xá; trên một đoạn dài 500 m phía ngoài đê đã
được làm kè bê tông đá hộc tại nơi đã bị sạt lở, nhưng đoạn bờ sông không kè đá
thì đang bị sạt lở. Đoạn bờ sông ở Minh Nông, hiện nay chỗ bị sạt lở là phần
phía tây của khúc đê uốn gập, gần ngã ba Gia Vượng (Ảnh 3- 4). Tại đây dòng chảy
sông Hồng đã lấn sâu gần sát chân đê, chỉ cách khoảng 45 m, sạt lở xảy ra trên
chiều dài gần 1 km. Để đề phòng vỡ đê, thành phố Việt Trì đã dự trữ sẵn hàng
trăm mét khối đất, đá để xử lý khi có lũ.
|
|
Ảnh 1 và 2. Sạt lở mạnh bờ sông Hồng, tại vùng Tân Đức,
Ba Vì, Hà Tây.
Ảnh: Ngô Quang Toàn
|
|
Ảnh 3. Bờ sông Hồng
bị sạt lở mạnh |
Ảnh 4.
Sạt lở bờ sông Hồng ở Minh Nông, phía tây đoạn đê uốn gập, gần ngã ba Gia
Vượng Ảnh: Ngô
Quang Toàn |
Vào tháng 9/2002, lũ từ thượng
nguồn sông Đà, sông Hồng đổ dồn về, kết hợp với lúc nhà máy thuỷ điện Hoà Bình
xả lũ ở 6 cửa đã làm địa hình ven sông ở vùng Tân Đức bị biến dạng. Lũ lớn dâng
cao tạo các dòng xoáy ngầm làm cho các khối đất cao 10 m, dài 30-50 m bị nước
đánh rỗng chân và đổ sụp. Chỉ trong một đêm, lũ đã đánh sập hai khúc của kè
ngoài đê với tổng chiều dài hơn 30 m và cuốn trôi mấy nghìn mét khối đá ở kè Tân
Đức - Minh Nông (mới hoàn thành giai đoạn I năm 2002 dài 827 m, tốn 12 tỷ đồng).
Quan sát từ xa, ở chéo xuôi bên kia sông, địa phận xã Phú Cường, huyện Ba Vì,
tỉnh Hà Tây, do dòng chảy sông Hồng thay đổi và bờ ở đó đón nhận sự xâm nhập của
dòng nước phản xạ ở bên này sông (vùng Tân Đức) nên đất ngoài đê cũng đang bị
sạt lở một đoạn dài và xu hướng sạt lở ở đó sẽ còn tiếp tục (Hình 1).
Trong các năm 2003 và 2004,
sạt lở bờ sông ở vùng Tân Đức tiếp tục xảy ra, kéo dài một đoạn hàng trăm mét,
đã lấn sâu vào gần chân đê, bờ sông hiện tại chỉ còn cách trụ sở UBND xã Tân Đức
40 m.
III.
NGUYÊN NHÂN
Sự hình thành khúc uốn ở vùng
Tân Đức và phụ cận chính là do hoạt động dòng chảy của sông Đà và sông Hồng, có
lẽ chịu sự khống chế của các đứt gãy trẻ phương á kinh tuyến và á vĩ tuyến (theo
tài liệu viễn thám), hoạt động trong giai đoạn Đệ tứ.
Hoạt động của dòng chảy trong
bối cảnh trắc diện ngang của lòng sông Hồng không cân xứng, ở đoạn Tân Đức - Cố
Đô lòng sông lệch về phía Tân Đức (bờ lõm), đoạn phía dưới thuộc Phú Cường -
Việt Trì, lòng sông lệch về Phú Cường (Hình 1, 2). Hiện tượng sạt, xói lở thường
xảy ra ở phía lòng sông sâu và ngược lại, hiện tượng bồi tụ diễn ra ở phía lòng
sông cạn và thoải. Dòng chảy ở đoạn khúc uốn này vừa mang tính chất của dòng
chảy xuôi về hạ lưu, vừa là dòng chảy xoắn theo tiết diện ngang của sông [1]. Do
vậy, có thể thấy rằng, khi đoạn bờ sông vùng Tân Đức bị sạt lở thì ở vùng Cố Đô
(bên kia sông) lại được bồi lắng vật liệu làm dòng chảy tạo khúc uốn dịch chuyển
dần về phía bắc. Quá trình này cứ tiếp tục diễn ra thì phía Tân Đức sẽ tiếp tục
bị sạt lở, còn vùng Cố Đô tiếp tục được bồi lắng. Việc xả lũ của Nhà máy thuỷ
điện Hoà Bình khi mực nước hồ chứa dâng cao vào thời điểm lũ trên sông
đã làm mực nước sông dâng cao, chảy xiết ở phía hạ lưu (từ đập Hoà Bình
về Việt Trì dài 60 km) càng làm dòng chảy biến động mạnh và gia tăng sạt lở ở
đoạn bờ lõm và bồi tụ ở bờ lồi của sông Hồng. Quá trình này không gì ngăn cản
được cho đến khi khúc uốn đạt đến độ trưởng thành, có thể đến vị trí chân đê
sông Hồng hiện tại, trùng với vị trí giao nhau của hai đứt gãy (Hình 1).
Hình 1. Sơ đồ
hiện trạng tai biến sạt lở bờ sông Hồng
tại vùng Tân Đức, Ba Vì, Hà Tây và lân
cận
Thông thường, về mùa lũ, nước
sông lên cao là xảy ra hiện tượng sạt lở bờ sông, nhưng hiện tượng này xảy ra
mạnh mẽ nhất như trên đã nói lại rơi vào thời điểm có sự cộng hưởng của nước lũ
dâng kết hợp với xả lũ ở hồ chứa. Từ năm 1987 đến nay, theo thống kê của xã Tân
Đức, có năm vào tháng 11 và 12, không phải mùa lũ, khi mà sông cạn dần, nhưng
nếu thuỷ điện Hoà Bình mở cửa xả nước thì mực nước sông Hồng tại Tân Đức vẫn
dâng lên nhanh chóng, chỉ sau vài giờ đồng hồ, nước sông đã dâng lên 50 cm, gây
sạt lở bờ sông. Như vậy, có thể thấy thời điểm nguy hiểm nhất là lúc nước lũ lên
cao cộng với nước xả lũ làm sạt lở bờ sông với tốc độ nhanh, đe doạ tính mạng
người dân sống ngoài bãi và làm vỡ kè, gây áp lực cho toàn tuyến đê ở Tân Đức và
lân cận.
Hình 2. Tiết
diện ngang và dòng chảy xoắn của sông Hồng tại Tân Đức (a) và Phú Cường (b)
Dự báo, với quá trình sạt lở
này, có lẽ chỉ trong vòng vài năm tới, toàn bộ diện tích của xã Tân Đức (ở ngoài
đê sông Hồng) sẽ bị xoá sổ trên bản đồ hành chính tỉnh Hà Tây.
Hiện tượng sạt lở đất bờ sông
Hồng, theo các tác giả thì không chỉ xảy ra ở vùng Tân Đức mà còn ở Phú Cường,
các đoạn có bờ lõm thuộc sông Hồng từ Việt Trì về phía hạ lưu cũng bị ảnh hưởng
của hiện tượng này.
IV.
GIẢI PHÁP - KIẾN NGHỊ
1.
Giải pháp
a. Với xu thế hình thành khúc
uốn ở vùng Tân Đức, lòng sông Hồng sẽ dịch dần về phía bắc cho đến khi đạt độ
trưởng thành, lúc khúc uốn của sông gặp vật cản là đá gốc loại đá biến chất
thuộc loạt Sông Hồng (hiện tại gặp lộ ngay sát bờ đê ở Minh Nông), thì tình
trạng sạt lở bờ sông đoạn Tân Đức - Minh Nông là điều không tránh khỏi; dù cho
có làm kè chống sạt lở ở các đoạn bờ sông ngoài đê. Cần tính đến khả năng đoạn
bờ lõm dịch dần đến chân đê đoạn Tân Đức - Minh Nông, vì vậy cần gia cố thân đê
cho vững để tránh vỡ đê khi lũ lên cao.
b. Cần có kế hoạch di dời toàn
bộ số dân còn lại của xã Tân Đức và một số dân đang sống cạnh xã Tân Đức (thuộc
đất ngoài bãi của xã Thuỵ Vân, thành phố Việt Trì) đi nơi khác, để tránh tình
trạng đất không giữ được mà tính mạng của người dân bị đe doạ.
c. Tuyên truyền cho người dân
biết về hiện tượng sạt lở đất bờ sông và xu thế tiến triển của chúng để người
dân đỡ hoang mang và chủ động phòng tránh cũng như yên tâm di dời đi nơi khác
lập nghiệp theo chủ trương và kế hoạch của chính quyền địa phương.
2.
Kiến nghị
Nhà nước cần có kế hoạch và tổ
chức nghiên cứu hiện trạng và diễn biến của hiện tượng sạt lở bờ sông Hồng không
những ở Tân Đức - Phú Cường mà còn các đoạn bờ sông khác (các đoạn bờ lõm) ở
phía hạ lưu Việt Trì đã bị sạt lở và tiềm ẩn nguy cơ bị sạt lở để có biện pháp
xử lý thích hợp. Không nên xây kè chống sạt lở ở nơi khúc uốn đang phát triển để
rồi công trình lại bị phá huỷ trước sự công phá dữ dội của dòng lũ.
VĂN LIỆU
1. Đào Đình Bắc, 2000. Địa mạo đại cương. Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.