ĐẶC ĐIỂM HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ĐỨT GÃY Ở KHU VỰC RÌA TÂY ĐỊA KHỐI KON TUM TRONG ĐỆ TỨ - HIỆN ĐẠI

PHẠM VĂN HÙNG

Viện Địa chất, Viện KH&CN VN, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội

Tóm tắt: Các đứt gãy ở khu vực rìa tây địa khối Kon Tum hoạt động mạnh mẽ trong giai đoạn tân kiến tạo, đặc biệt là trong thời kỳ Đệ tứ - Hiện đại. Việc tổng hợp các kết quả nghiên cứu mới nhất đã cho phép làm sáng tỏ tính chất và cơ chế hoạt động cuả các phá huỷ đứt gãy ở khu vực này.

- Ở rìa tây địa khối Kon Tum chủ yếu phân bố các đứt gãy phương á kinh tuyến, tạo nên chùm đứt gãy dạng "đuôi ngựa". Càng về phía nam, các đứt gãy phân thành nhiều nhánh. Vùng ảnh hưởng động lực của đới đứt gãy Sông Pô Cô đạt từ  5 - 8 đến 10 km, các đới đứt gãy khác đạt  3 - 5 km.

- Mặt trượt chính của các đứt gãy phương á kinh tuyến có phương vị 250-290oÐ60-80o. Các đứt gãy hoạt động thuận, trượt bằng phải - thuận trong Đệ tứ -Hiện đại.

- Hiện nay các đứt gãy vẫn đang hoạt động, biểu hiện là những dị thường địa nhiệt, địa hoá khí đất, xuất lộ nước nóng, nguồn địa nhiệt, nứt, trượt lở đất và động đất.


MỞ ĐẦU

Khu vực rìa tây địa khối Kon Tum bao gồm địa phận phía tây của các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum và Gia Lai, có tiềm năng to lớn về tài nguyên khoáng sản, có vị trí quan trọng trong sự phát triển kinh tế của dải đất miền Trung và Tây Nguyên. Khu vực này nằm ở rìa phía đông khối Khorat, và là nơi diễn ra hoạt động kiến tạo mạnh mẽ trong giai đoạn tân kiến tạo nói chung và đặc biệt tích cực trong Đệ tứ - Hiện đại. Sự tích cực này đã được đề cập trong nhiều công trình khoa học những năm gần đây [2, 7, 8]. Hơn thế nữa, khu vực này đang đứng trước nguy cơ các tai biến địa chất môi trường đã và đang diễn ra, gây hậu quả nghiêm trọng đến đời sống của cư dân địa phương, như phá huỷ đường dây tải điện 500 KV, 200 KV, đường Hồ Chí Minh, công trình thuỷ điện cũng như các công trình công cộng khác. Mặt khác, trong những năm gần đây, việc nghiên cứu hoạt động của các đứt gãy kiến tạo Đệ tứ - Hiện đại còn ở mức độ nhất định. Cho đến nay, cơ chế, tính chất, vùng ảnh hưởng động lực đứt gãy còn chưa được làm sáng tỏ. Do vậy, việc nghiên cứu đánh giá nguyên nhân, dự báo các tai biến địa chất xảy ra cũng như thăm dò tìm kiếm một số mỏ khoáng sản ở khu vực này còn nhiều hạn chế. Xuất phát từ nhu cầu bức bách của thực tiễn đặt ra, lại được sự hỗ trợ tích cực của Chương trình Nghiên cứu cơ bản, trong công trình này tác giả đã sử dụng tổng hợp các phương pháp, phân tích và tổng hợp các kết quả nghiên cứu mới nhất nhằm mục đích làm sáng tỏ tính chất, cơ chế, vùng ảnh hưởng động lực của các đới đứt gãy khu vực rìa tây địa khối Kon Tum, góp phần quan trọng cho việc nghiên cứu đánh giá nguyên nhân, khoanh vùng dự báo các tai biến địa chất môi trường đã và đang xảy ra ở đây cũng như định hướng cho tìm kiếm một số mỏ khoáng sản phục vụ các chính sách đầu tư phát triển kinh tế xã hội khu vực này trong tương lai.

I. ĐẶC ĐIỂM HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ĐỚI ĐỨT GÃY TRONG ĐỆ TỨ - HIỆN ĐẠI

1. Đặc điểm phân bố của các đới đứt gãy

Tại khu vực rìa tây địa khối Kon Tum hình thành một dải phá huỷ kiến tạo mạnh mẽ kéo dài theo phương á kinh tuyến rộng khoảng 30-40 km, phân cách khối Kon Tum (trên lãnh thổ Việt Nam) với khối Khorat (trên lãnh thổ Lào và Thái Lan). Dải phá huỷ này bao gồm chủ yếu các đới đứt gãy có phương á kinh tuyến và các đới đứt gãy phương TB-ĐN (Hình 1). Trong đó nổi lên là các đới đứt gãy Ngọc Linh - Đắk Tô, Sông Pô Cô, Xê Ca Man, Đắk Sa, Sa Thầy, v.v. Do tài liệu còn hạn chế, các đới đứt gãy Ngọc Linh - Kon Tum, Xê Ca Man, Sa Thầy và Đắk Sa còn chưa được nghiên cứu chi tiết và đầy đủ như đới đứt gãy Sông Pô Cô.

Các đới đứt gãy Ngọc Linh - Đắk Tô, Sông Pô Cô đều bắt đầu từ đới đứt gãy Sông Bung - Trà Bồng có phương tây bắc - đông nam (TB-ĐN) phân bố ở phía bắc của khu vực, rồi toả về phía nam theo phương á kinh tuyến. Đới đứt gãy Xê Ca Man có dạng vòng cung á kinh tuyến lồi về phía đông, đoạn đầu phía bắc chạy song song với đới đứt gãy Sông Bung - Trà Bồng và đoạn đầu phía nam chạy song song với đới đứt gãy Sông Pô Cô. Các đới đứt gãy chạy dọc theo sườn phía tây dải núi Trường Sơn, cắt qua địa phận các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum và Gia Lai. Đới đứt gãy Sông Pô Cô kéo dài theo phương á kinh tuyến, bắt đầu từ thị trấn huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) chạy dọc theo thung lũng sông Pô Cô, qua thị trấn huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum), Đức Cơ (tỉnh Gia Lai), dài trên 200 km. Đới đứt gãy Ngọc Linh - Đắk Tô có phương á kinh tuyến chạy dọc theo sườn phía tây núi Ngọc Linh bắt đầu từ phía đông nam huyện Phước Sơn đến huyện Đắk Tô, dài khoảng 100 km. Đới đứt gãy Xê Ca Man phương á kinh tuyến, chạy dọc biên giới Việt - Lào từ phía tây huyện Phước Sơn đến Tat Xeng (Lào) thuộc ngã ba biên giới (Việt - Lào - Campuchia), dài khoảng 200 km. Các đới đứt gãy đều thể hiện rất rõ trên địa hình bề mặt Trái đất, dễ dàng xác định được trên ảnh vệ tinh Landsat TM và trên sơ đồ mật độ lineamen [7].

Đới đứt gãy Sông Pô Cô gồm 2 đoạn khác nhau về các đặc trưng địa mạo. Đoạn Phước Sơn - Ngọc Hồi là một dải trũng thấp rộng khoảng 5 - 7 km, dài khoảng 100 km, trùng với thung lũng sông Pô Cô và nằm giữa một bên là vùng núi cao hiểm trở ở phía đông và một bên là vùng núi thấp hơn nhiều ở phía tây của đới đứt gãy. Sườn núi phía đông rất dốc và thẳng, có nhiều mặt kiến tạo nghiêng về phía tây. Bên trong đới đứt gãy phân bố chủ yếu các dạng địa hình tích tụ, gồm bãi bồi, thềm và nón phóng vật. Chiều dầy trầm tích khoảng 7 - 10 m, có nơi 10 - 20 m như ở Đắk Sút, Đắk Pếch, phía bắc Ngọc Hồi. Ngoài ra, trong đới đứt gãy còn rải rác các núi sót cấu tạo từ các đá cổ. Phía đông của đới đứt gãy là những dẫy núi phương á kinh tuyến cao khoảng 2100 - 2600 m (núi Ngọc Linh 2598 m, Lum Heo 2045 m, Ni Ay 2259 m). Phía tây vẫn chủ yếu là các dẫy núi phương á kinh tuyến, nhưng chỉ cao khoảng 1500 - 2000 m (núi Ngọc Bin San 1939 m, Ngọc Peng Tốc 1599 m).  Như vậy, sự chênh cao địa hình giữa 2 cánh của đới đứt gãy đạt tới 1000 - 1200 m. Đoạn Ngọc Hồi - Đức Cơ tách thành 2 nhánh: nhánh tây và nhánh đông. Mỗi nhánh nằm trong một dải trũng rộng khoảng 3 - 5 km trùng với các thung lũng sông, suối hẹp và thẳng. Phân cách giữa 2 dải trũng là các dẫy núi phương á kinh tuyến cao khoảng 700 m. Địa hình trong đới chủ yếu là các trũng tích tụ giữa núi với chiều dầy mỏng, gồm hỗn hợp aluvi, proluvi và đeluvi. Dọc sườn núi ở 2 bên rìa phát triển các quá trình trượt lở, sụt nhào và các mặt kiến tạo. Phía đông của đới đứt gãy phân bố các dẫy núi phương á kinh tuyến cao khoảng 1500 - 1700 m. Phía tây cũng vẫn là các dẫy núi phương á kinh tuyến nhưng thấp hơn nhiều, với độ cao khoảng 700 - 1000 m (núi Ngọc Lang Gơ Rang: 912 m, Chư Mơ Rinh: 1075 m). Sự chênh cao địa hình giữa 2 cánh của đới đứt gãy ở đoạn này cũng đạt khoảng 1000 m.

Hai đoạn của đới đứt gãy Sông Pô Cô khác nhau cả về các đặc trưng địa chất. Đoạn bắc, đới đứt gãy chủ yếu cắt qua các thành tạo Proterozoi, Paleozoi. Bên trong đới đứt gãy phân bố rộng rãi các trầm tích Đệ tứ. Phần đầu mút phía bắc thuộc thị trấn huyện Phước Sơn, trong đới phân bố rải rác các đá bazan Pliocen - Đệ tứ. Đoạn này cắt các thành tạo biến chất Proterozoi sớm và đá xâm nhập axit Paleozoi muộn - Mesozoi sớm, Mesozoi muộn - Kainozoi sớm. Các đá Paleozoi, Mesozoi còn lộ rải rác trong đới tạo thành các khối sót. Đoạn nam chủ yếu cắt xẻ và phá huỷ các đá xâm nhập axit Paleozoi, Mesozoi. Phần đầu mút phía nam đới đứt gãy cắt qua các thành tạo xâm nhập bazơ tuổi Đệ tứ thuộc phức hệ Phước Thiện (nQ pt). Các đá phun trào bazan Pliocen - Đệ tứ phân bố rộng rãi cả ở bên trong lẫn ngoài đới. Trong đới đứt gãy, các trầm tích Đệ tứ phân bố rất hạn chế.

Hai đoạn của đới đứt gãy Sông Pô Cô cũng có kiến trúc khác nhau. Đoạn bắc, đứt gãy chính phương á kinh tuyến chạy dài liên tục. Các đứt gãy phụ phân bố tập trung ở cánh phía tây. Chúng tạo với đứt gãy chính kiểu cấu trúc "hạnh nhân". Đoạn nam đới đứt gãy phân nhánh, gồm một đứt gãy chính và các đứt gãy phụ phương á kinh tuyến tập trung ở phía tây tạo nên kiểu kiến trúc dạng "đuôi ngựa".

Các dải dị thường mật độ lineamen đều phản ánh rất rõ sự phân bố cũng như phạm vi ảnh hưởng của đới đứt gãy Sông Pô Cô. Trên sơ đồ mật độ lineamen đới đứt gãy là dải dị thường 0,7 - 0,9 km/km2 với građien biến đổi 0,14 - 0,18. Chiều rộng của các dải dị thường ở đoạn Phước Sơn - Ngọc Hồi khoảng 10 km và đoạn Ngọc Hồi - Đức Cơ đạt trên 12 km [7].

Các đới đứt gãy Ngọc Linh - Đắk Tô, Xê Ca Man, Sa Thầy và Đắk Sa đều thể hiện rất rõ trên địa hình bề mặt Trái đất. Đới đứt gãy Ngọc Linh - Đắk Tô cắt xẻ địa hình, hình thành dải trũng thung lũng hẹp với chiều rộng khoảng 3 - 5 km, hai bên là các dải núi cao: Lum Heo cao 2045 m, Ni Ay 2259 m ở phía tây và Ngọc Linh 2598 m ở phía đông. Dọc hai bên sườn thung lũng là tập hợp các vách dốc kiến tạo. Đới đứt gãy này cũng thể hiện rất rõ trên ảnh vệ tinh Landsat TM. Đới đứt gãy thể hiện là dải dị thường mật độ lineamen (0,7 - 0,8 km/ km2). Đới đứt gãy Xê Ca Man thể hiện là một dải rộng khoảng 10 - 15 km gồm tập hợp các trũng hẹp, các vách dốc, thung lũng sông, suối thẳng. Địa hình dọc đới đứt gãy bị cắt xẻ theo dạng tuyến. Phía đông là các dãy núi có phương á kinh tuyến cao khoảng 1700 - 2000 m và phía tây là các dải đồi, núi thấp cao khoảng 700 - 1000 m. Độ chênh cao địa hình giữa 2 cánh của đới đứt gãy khoảng 1000 m.

Đới đứt gãy cắt xẻ các thành tạo Paleozoi, Mesozoi. Dọc theo đới đứt gãy rải rác phân bố các đá phun trào bazan Pliocen - Đệ tứ. Bên trong đới đứt gãy rải rác phân bố các trầm tích Đệ tứ hỗn hợp aluvi, proluvi.

2. Đặc điểm chuyển động của các đới đứt gãy

Dải phá huỷ kiến tạo rìa tây địa khối Kon Tum hoạt động mạnh mẽ trong thời kỳ Đệ tứ - Hiện đại. Các kết quả phân tích dải khe nứt tại các điểm khảo sát dọc đới đứt gãy Sông Pô Cô (Bảng 1) đều xác định được mặt trượt đứt gãy có phương vị 260-295oÐ60o. Phân tích 3 hệ khe nứt cộng ứng (Bảng 2) đều xác định được các hệ khe nứt chính có phương vị 260-270oÐ60-80o. Hệ khe nứt chính xác định được trong 3 hệ khe nứt cộng ứng phản ánh mặt trượt chính của đứt gãy. Như vậy, trên cơ sở phân tích khe nứt kiến tạo bằng phương pháp dải khe nứt và 3 hệ khe nứt cộng ứng đều cho phép xác định được thế nằm của đứt gãy chính ở tuyệt đại đa số các điểm khảo sát chúng đều đổ về phía tây với góc cắm khoảng 60-80o. Dọc theo các đới đứt gãy, các trũng Đệ tứ phân bố chủ yếu ở cánh phía tây của đứt gãy chính. Điều đó cho thấy cánh phía tây của đứt gãy chính là cánh hạ, cánh phía đông là cánh nâng. Dọc theo sườn núi thuộc cánh phía đông của các đới đứt gãy có nhiều mặt kiến tạo nghiêng về tây. Theo Cao Đình Triều, Phạm Huy Long (2002), đới đứt gãy Sông Pô Cô sâu tới 30 km [2]. Các đới đứt gãy khác có độ sâu xuyên cắt nhỏ hơn, chỉ khoảng 10 - 15 km. Phân tích các đặc điểm địa mạo, các quá trình tân kiến tạo xảy ra dọc theo các đới đứt gãy, đặc biệt là tổng hợp các kết quả phân tích mật độ lineamen, chiều dầy lớp ngoại sinh tích cực và phân tích 3 hệ khe nứt cộng ứng đã xác định được chiều rộng đới ảnh hưởng động lực của các đứt gãy. Đới đứt gãy Sông Pô Cô có chiều rộng đới ảnh hưởng động lực đứt gãy khoảng 5 - 8 km đoạn Phước Sơn - Ngọc Hồi, 10 km ở đoạn Ngọc Hồi - Đức Cơ. Các đới đứt gãy khác có chiều rộng khoảng 3 - 5 km [7].

Bảng 1. Kết quả phân tích khe nứt bằng phương pháp dải khe nứt đới đứt gãy Sông
Pô Cô,  đoạn Phước Sơn - Ngọc Hồi, pha muộn

Điểm khảo sát

Mặt trượt đứt gãy

10

270o Ð 60o

11

270o Ð 60o

13

280o Ð 60o

15

260o Ð 60o

18

295o Ð 30o

32

290o Ð 60o

Theo các dấu hiệu địa chất, các đới đứt gãy đều cắt xẻ và phá huỷ các đá Mesozoi muộn - Kainozoi sớm và thậm chí chúng cắt cả các thành tạo phun trào Pliocen - Đệ tứ, các đai mạch tuổi Đệ tứ ở vùng Đức Cơ và Phước Sơn. Dọc theo các đới đứt gãy trên đều rải rác phân bố các trũng trầm tích Đệ tứ gồm chủ yếu là aluvi, proluvi. Trong các trũng này là các thành tạo Pliocen dầy khoảng 300 m. Mặt khác, trong các thành tạo Pliocen lại phát triển rất mạnh mẽ hệ thống các khe nứt tách phương á kinh tuyến, khe nứt cắt phương TB-ĐN và ĐB-TN. Do vậy, chắc chắn các đới đứt gãy hoạt động trong Mesozoi và tái hoạt động trong thời gian sau Kainozoi sớm và kéo dài đến sau Đệ tứ. Kết quả phân tích khe nứt bằng phương pháp kiến tạo động lực ở nhiều vị trí dọc đới đứt gãy đã khôi phục được 2 trường ứng suất tồn tại trong các đá Mesozoi muộn - Kainozoi sớm và cổ hơn. Trường ứng suất thứ nhất có trục ứng suất nén ép ngang  cực đại phương á vĩ tuyến, trục ứng suất tách giãn cực đại phương á kinh tuyến và trục ứng suất trung gian gần thẳng đứng. Trường ứng suất thứ hai có trục ứng suất nén ép ngang cực đại phương á kinh tuyến, trục ứng suất tách giãn cực đại phương á vĩ tuyến và trục ứng suất trung gian gần thẳng đứng (Hình 1). Hai trường ứng suất này lại chồng chập lên nhau ở hầu hết các điểm khảo sát. Trong khi đó, trong các đá bazan Pliocen - Đệ tứ, đá trầm tích Pliocen (N2 ct) và đá xâm nhập dạng đai mạch tuổi Đệ tứ (phức hệ Phước Thiện) chỉ thu được một trường ứng suất thứ hai. Trong công trình này, tác giả trình bày kết quả xác định trường ứng suất thứ 2 thuộc pha kiến tạo muộn. Như vậy, 2 trường ứng suất tương ứng với 2 pha kiến tạo. Pha kiến tạo sớm ứng với trường ứng suất thứ nhất, kết thúc vào trước Pliocen và pha kiến tạo muộn ứng với trường ứng suất thứ hai, diễn ra trong Pliocen - Đệ tứ. Trường ứng suất thứ hai lại tương đồng với trường ứng suất xác lập được trên cơ sở  phân tích cơ cấu chấn tiêu động đất xảy ra trong những năm gần đây ở khu vực Đông Nam Á [5]. Do đó có thể khẳng định pha kiến tạo muộn ứng với trường ứng suất thứ hai, diễn ra trong Pliocen - Đệ tứ - Hiện đại.


Bảng 2. Kết quả phân tích khe nứt bằng phương pháp 3 hệ khe nứt cộng ứng, pha muộn

   Điểm khảo sát

Hệ khe nứt chính

Hệ khe nứt phụ

Hệ khe nứt bổ sung

Tính chất
đứt gãy*

10

270o Ð 60o

180o Ð 60o

45o Ð 40o

Bp-T

11

270o Ð 60o

30o Ð 60o

140o Ð 80o

T

12

270o Ð 60o

25o Ð 60o

140o Ð 80o

T

15

260o Ð 60o

10o Ð 70o

120o Ð 70o

T

16

260o Ð 60o

10oÐ 60o

130o Ð 80o

T

17

270o Ð 60o

150o Ð 60o

20oÐ 70o

T

18

270o Ð 70o

155o Ð 70o

20oÐ 65o

T

21

270o Ð 60o

170oÐ 60o

40o Ð 70o

T

22

260oÐ 60o

150o Ð 60o

10o Ð 70o

T

26

270o Ð 80o

150oÐ 80o

40o Ð 70o

Bp-T

31

260oÐ 70o

150o Ð 70o

30o Ð 80o

T

33

270o Ð 60o

170oÐ 80o

20o Ð 80o

T

34

260o Ð 70o

140oÐ 80o

30o Ð 70o

T

25

260o Ð 80o

150oÐ 70o

25o Ð 60o

Bp-T

36

260o Ð 75o

160o Ð 75o

25o Ð 60o

Bp-T

37

90o Ð 80o

340o Ð 70o

215o Ð 65o

T

38

260o Ð 60o

       160o Ð 60o

50o Ð 70o

T

*T- thuận, Bp-T- trượt bằng phải-thuận.


Phân tích các cấu trúc kiến tạo trẻ phát triển dọc theo các đới đứt gãy cho thấy các cấu trúc tách giãn Đệ tứ - Hiện đại đều phát triển theo phương á kinh tuyến phù hợp với bối cảnh địa động lực của pha kiến tạo muộn.

Tổng hợp các kết quả phân tích một khối lượng lớn các khe nứt kiến tạo thu được bằng các phương pháp kiến tạo vật lý khác nhau như: dải khe nứt, hệ 3 khe nứt cộng ứng và kiến tạo động lực theo biểu đồ cột (Hình 2) đều cho thấy đặc điểm hoạt động của các đới đứt gãy ở khu vực này thống nhất trong một bối cảnh địa động lực. Các đới đứt gãy phương á kinh tuyến hoạt động thuận là chủ yếu (khoảng trên 75% số liệu được phân tích), các đới đứt gãy phương TB-ĐN hoạt động trượt bằng phải - thuận là chủ đạo (khoảng trên 70% số liệu được phân tích). Như vậy, khu vực rìa tây địa khối Kon Tum trong thời gian Đệ tứ - Hiện đại tồn tại trong bối cảnh địa động lực tách giãn là chủ yếu.

Theo các kết quả nghiên cứu các biến dạng địa mạo, địa chất dọc các đới đứt gãy Sông Pô Cô, Ngọc Linh - Đắk Tô, v.v thì biên độ dịch chuyển thẳng đứng của đới đứt gãy này khoảng 20 - 30 m với tốc độ chừng 0,2 - 0,3 mm/năm trong Đệ tứ muộn - Hiện đại.

Những biểu hiện hoạt động hiện đại của các đới đứt gãy, thể hiện rất rõ trong các dị thường nồng độ khí đất, địa nhiệt, xuất lộ nguồn nước nóng, nứt đất, trượt lở đất, tiềm năng sinh chấn và động đất. Dọc các đới đứt gãy hàm lượng Rn trong khí đất có dị thường khá cao, vượt trội hơn hẳn so với giá trị trung bình của khu vực từ 200-900 xung/phút (thị trấn huyện Đắk Glây đạt cực đại 900 xung/phút, thị trấn huyện Ngọc Hồi đạt cực đại 800 xung/phút). Dị thường địa nhiệt cũng thể hiện rất rõ, nhiệt độ tăng cao hơn so với xung quanh 2-3oC ở những nơi có đứt gãy cắt qua. Ngoài ra, dọc đới đứt gãy còn xuất lộ nhiều điểm nước nóng như ở Đắk Sa, Đắk Sút, Đắk Pếch (Hình 1). Hoạt động nứt đất, trượt lở đất diễn ra phổ biến dọc đới đứt gãy. Chúng phá huỷ khoảng 5 km đường QL14 ở huyện Đắk Glây, làm trượt và đổ cột điện 500 KV chạy qua huyện Đắk Glây, cột điện 200 KV ở Ia Bang (huyện Chư Prông) (Hình 1). Theo Nguyễn Đình Xuyên (1997), đới đứt gãy Sông Pô Cô có tiềm năng sinh động đất đến Msmax = 5,1-5,5, Iomax = 7 ở độ sâu h = 15-20 km.

II. KẾT LUẬN

Trên khu vực rìa tây địa khối Kon Tum phân bố chủ yếu các đới đứt gãy phương á kinh tuyến Sông Pô Cô, Ngọc Linh - Đắk Tô, Xê Ca Man. Sự phân bố của các đới đứt gãy đã tạo nên một dải phá huỷ rìa phía tây địa khối Kon Tum rộng khoảng 30-40 km.

Các đới đứt gãy thể hiện rất rõ trên địa hình bề mặt Trái đất và trên ảnh vệ tinh. Đới đứt gãy thường là các dải dị thường mật độ lineamen (0,7-0,9 km/km2), dị thường chiều dầy lớp ngoại sinh (800-1200 m). Đới đứt gãy là thung lũng thẳng, kéo dài phát triển chủ yếu địa hình tích tụ hỗn hợp aluvi, proluvi và rải rác các đồi sót xâm thực, hai bên sườn thung lũng dầy sít các vách dốc, pha sét kiến tạo khác biệt hẳn với địa hình núi cao bóc mòn - xâm thực ở 2 bên rìa. Các đứt gãy chính và phụ tạo thành đới đứt gãy. Chúng kết hợp với nhau tạo nên cấu trúc kiểu "đuôi ngựa". Chiều rộng đới ảnh hưởng động lực của chúng khoảng 3-5 km, cá biệt có đới đứt gãy Sông Pô Cô rộng đến 10 km.

Đứt gãy chính chủ yếu đổ về hướng tây với góc cắm khoảng 60-80o. Chiều sâu của đới đứt gãy khoảng 10-20 km, riêng đới đứt gãy Sông Pô Cô sâu tới 30 km. Trong Đệ tứ - Hiện đại, các đới đứt gãy phương á kinh tuyến hoạt động trượt thuận và thuận phải là chủ đạo. Biên độ chuyển dịch thẳng đứng đạt khoảng 20-30 m với tốc độ chừng 0,2-0,3 mm/năm trong Đệ tứ muộn. Hiện nay, các đới đứt gãy đang hoạt động tích cực thể hiện trong các dị thường nồng độ khí đất, địa nhiệt, xuất lộ nguồn nước khoáng, nước nóng cho khai thác công nghiệp, diễn ra phổ biến các quá trình nứt đất, trượt lở đất và có khả năng sinh động đất Msmax = 5,1 - 5,5, Iomax = 7, h = 25 - 30 km.

Như vậy trên khu vực rìa tây địa khối Kon Tum, các tai biến địa chất đã và đang xảy ra mạnh mẽ ở nhiều nơi, đặc biệt là dọc theo các đới đứt gãy, gây hậu quả nghiêm trọng cho đời sống của cư dân địa phương. Đồng thời là nơi xuất lộ nguồn nhiệt, nước khoáng, nước nóng và một số mỏ khoáng sản khác có tiềm năng khai thác phục vụ cho phát triển kinh tế khu vực. Do vậy, nơi đây cần phải có những đầu tư nghiên cứu chi tiết hơn nữa các quá trình địa chất hiện đại trong đó có sự hoạt động mạnh mẽ của các đứt gãy tích cực. Có như vậy mới có thể dự báo các tai biến địa chất môi trường, góp phần giảm nhẹ thiên tai và khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên lãnh thổ.

VĂN LIỆU

1. Burman V.S., Zukjanov A.V., Peive A.V., Ruzhentsev S.V., 1963. Gorizontalnye peremeshenie po razlomam i nekotorye metody ikh izytchenija. V Razlomy i gorizontalnye dvizhenija zemnoi kory. Trydy GIN, 80. Nauka, Moskva.

2. Cao Đình Triều, Phạm Huy Long 2002. Kiến tạo đứt gãy lãnh thổ Việt Nam. Nxb Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.

3. Danilovich V.N., 1961. Metod poljasov v issledovanii treshinovatosti svjazannoi s razryv smeshenijami. Met. rukovodstvo. Irkutsk.   

4. Nguyễn Đình Xuyên, 1992. Seismicity, seismotectonics and seismic zoning of the territory of Viet Nam, Proc. Intern. workshop on Seismotectonics and seismic hazard in Southeast Asia, pp. 138-142, Ha Noi.

5. Nguyễn Trọng Yêm, Gusenko O.I, Lê Minh Quốc, Mostrikov A., 1996. Trường ứng suất hiện đại và cơ thức biến dạng vỏ Trái đất Đông Nam Á, Địa chất - Tài nguyên, 2 : 8-13, Nxb Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.

6. Nikolaev P.N., 1992. Metodika tektonodinamitcheskogo analiza. Nedra, Moskva.

7. Phạm Văn Hùng, Nguyễn Trọng Yêm, 1998. Xác định vùng ảnh hưởng động lực của đứt gãy tân kiến tạo Nam Trung Bộ. TC Các Khoa học về Trái đất, 2 : 140-144. Hà Nội.

8. Phạm Văn Hùng, 2000. Xác định tính chất động học của đứt gãy bằng phân tích khe nứt kiến tạo ở khu vực Nam Trung Bộ, TC Các Khoa học về Trái đất, 2 : 113-119, Hà Nội.

9. Sherman S.I., Dneprovskii Yu.I., 1989. Polja naprjazhenii zemnoi kory i geologo-strukturnye metody ikh izutchenija. Nauka, Novosibirsk.