ĐẶC ĐIỂM CÁC ĐỨT GÃY CHÍNH
TRONG VÙNG QUỲNH NHAI - THAN UYÊN, TÂY BẮC BỘ

VŨ VĂN CHINH1, NGUYỄN NGỌC THỦY2, BÙI CÔNG HÓA3

1Viện Địa chất, Viện KH & CN V N
2Viện Vật lý địa cầu, Viện KH & CN VN
3Đoàn Địa chất 203, Liên đoàn BĐĐC miền Bắc

Tóm tắt: Vùng Quỳnh Nhai - Than Uyên thuộc miền kiến tạo Tây Bắc Bộ, có phương cấu trúc chung là TB-ĐN. Việc sử dụng tổ hợp các phương pháp cấu trúc - kiến tạo xác định ở vùng này có hai đứt gãy chính: đứt gãy Sông Đà phương TB-ĐN và đứt gãy Than Uyên phương á kinh tuyến. Đó là các đứt gãy lớn, có vai trò là ranh giới của các đới cấu trúc. Hoạt động của đứt gãy Sông Đà bắt đầu từ Paleozoi muộn và của đứt gãy Than Uyên từ Jura muộn, chúng tiếp tục cho đến ngày nay. Đứt gãy Sông Đà có mặt trượt cắm về ĐB (70 – 80o), trong khi đứt gãy Than Uyên có mặt trượt thẳng đứng hoặc cắm về đông. Hoạt động tân kiến tạo của hai đứt gãy này gồm hai pha trong các trường ứng suất trượt bằng. Hoạt động hiện đại của đứt gãy Sông Đà dẫn tới sự xuất lộ nước khoáng, nước nóng và động đất yếu ở một số nơi. Còn đứt gãy Than Uyên thì gây ra tai biến trượt lở đất, nhất là ở vùng He Luang - Than Uyên.


MỞ ĐẦU

Vùng Quỳnh Nhai - Than Uyên có diện tích 1957 km2, nằm trong miền kiến tạo Tây Bắc Bộ, phía bắc thị xã Sơn La, chủ yếu thuộc địa phận huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu, trong khung tọa độ từ 21o40 đến 22o B và từ 103o30 đến 104o Đ.

Các đứt gãy ở vùng này đã được nghiên cứu trên cơ sở áp dựng tổng hợp các phương pháp cấu trúc kiến tạo và phân tích ảnh viễn thám. Khảo sát các lộ trình địa chất, sử dụng các phương pháp nghiên cứu cấu trúc kiến tạo truyền thống và phân tích ảnh viễn thám,  đã cho phép xác định trong vùng Quỳnh Nhai - Than Uyên có hai đứt gãy chính. Đó là đứt gãy Sông Đà có phương tây bắc - đông nam và đứt gãy Than Uyên có phương á kinh tuyến. Đây là những đứt gãy lớn đóng vai trò phân chia các đới cấu trúc, trong đó đứt gãy Sông Đà là ranh giới giữa đới Sơn La với đới Sông Đà; đứt gãy Than Uyên là ranh giới giữa đới Sông Đà với đới Tú Lệ, theo cách phân chia của A. E. Đovjikov [2]. Hoạt động lâu dài của hai đứt gãy này có ảnh hưởng chặt chẽ với các thành tạo địa chất tuổi khác nhau phân bố dọc theo chúng. Trong giai đoạn tân kiến tạo, các đứt gãy này có những biểu hiện khác nhau. Áp dụng các phương pháp hình hài kiến trúc và kiến tạo vật lý [5] trong việc phân tích những tổ hợp cấu trúc và biến dạng kiến tạo đã được tạo nên do hoạt động của hai đứt gãy này trong giai đoạn tân kiến tạo ở vùng Quỳnh Nhai - Than Uyên cho phép tái lập hai pha kiến tạo và cơ chế hoạt động khác nhau của chúng trong các trường ứng suất trượt bằng.

Kết quả nghiên cứu các đứt gãy Sông Đà và Than Uyên trong vùng Quỳnh Nhai - Than Uyên góp phần làm sáng tỏ về lịch sử, cơ chế hoạt động trong tân kiến tạo của chúng trong miền kiến tạo Tây Bắc Bộ, cung cấp thêm những cơ sở khoa học cho việc dự báo khả năng phát sinh động đất cũng như các tai biến địa chất khác liên quan đến hoạt động của chúng trong thời đoạn hiện đại. Đặc điểm của hai đứt gãy này sẽ được trình bày dưới đây.

 

I. ĐỨT GÃY SÔNG ĐÀ

Đứt gãy Sông Đà có phương tây bắc - đông nam bắt đầu từ vùng Ba Nậm Cúm, đi qua Quỳnh Nhai và ra biển Đông ở vùng cửa Lạch Giang, chiều dài 450 km. Đây là  đứt gãy cấp 2 với vai trò là ranh giới giữa hai đới Sơn La và Sông Đà, theo cách phân chia của A. E. Đovjikov [2]. Đoạn đứt gãy Sông Đà trong phạm vi vùng Quỳnh Nhai - Than Uyên có chiều dài 37,5 km, chạy trùng với thung lũng sông Đà từ Ba Pho Ngoài qua thị trấn Quỳnh Nhai tới Pác Uân. Về chi tiết, đứt gãy này gồm ba đoạn phương khác nhau: hai đầu là các đoạn phương tây bắc - đông nam và ở giữa là đoạn phương á kinh tuyến, kéo dài khoảng 11,5 km từ thị trấn Quỳnh Nhai xuống tới Pác Ma (Hình 1).

Đứt gãy Sông Đà thể hiện rất rõ trên địa hình và trên ảnh vệ tinh với tính bất đối xứng theo mặt cắt ngang đặc trưng bởi cánh tây nam là các dải đá vôi kéo dài theo phương tây bắc - đông nam với vách dốc đứng, còn phía cánh đông bắc là các dải địa hình xâm thực bóc mòn có độ dốc thoải.

Đứt gãy Sông Đà xuất hiện ít nhất cũng từ Paleozoi muộn và có tính chất thuận - tách trong quá trình phát sinh của rift Sông Đà [3]. Ở vùng Quỳnh Nhai - Than Uyên, đứt gãy là đường dẫn các dung nham phun trào bazan hệ tầng Viên Nam (P3-T1 vn), cũng như các dung thể tạo các khối xâm nhập á núi lửa thành phần bazơ (picrit, werlit, điabas) thuộc phức hệ Ba Vì (Pi,mGb/P3-T1 bv) [theo Bùi Công Hóa, chưa công bố]. Đứt gãy này còn tiếp tục hoạt động trong giai đoạn tạo núi cuối Mesozoi sớm (Trias muộn, kỳ Nori và kỳ Ret), tạo núi Creta muộn và tân kiến tạo. Hoạt động của đứt gãy trong Nori - Ret và Creta muộn gắn chặt với sự phát sinh, phát triển các trũng lắng đọng các trầm tích molas chứa than, các vỉa than và molas mầu đỏ phân bố dọc đứt gãy, phía cánh đông bắc.

Đới dập vỡ do hoạt động của đứt gãy Sông Đà gây ra thể hiện qua các biến dạng đứt gãy và khe nứt rất phát triển trong nhiều thành tạo địa chất khác nhau dọc thung lũng sông Đà. Ở phía đông thị trấn Quỳnh Nhai khoảng 1 km, trong các thành tạo cát kết mầu xám sáng, xám nâu thuộc hệ tầng Suối Bàng (T3n-r sb), ngoài các khe nứt còn gặp rất nhiều mặt trượt láng bóng và nhiều mặt trượt có vết xước với các kiểu dịch chuyển khác nhau. Ở vùng Pác Ma, phía bờ trái sông Đà, đã quan sát được đới phá hủy rộng tới 300 m (các vết lộ 15a, 15b, 15c, 21 trên hình 1). Đới dập vỡ này thể hiện bằng mạng mạch calcit phát triển chằng chịt (vết lộ 15a) trong các thành tạo đá vôi ám tiêu màu xám, nâu đỏ loang lổ tuổi Carni, hệ tầng Pác Ma (T3c pm); các hệ thống khe nứt, mặt trượt có vết xước dịch chuyển nghịch (vết lộ 21), các đứt gãy có biên độ chuyển dịch tới hàng mét (vết lộ 21), các biến vị thế nằm có chỗ dốc đứng (270/80 ở vết lộ 15c) trong các thành tạo cuội kết đa khoáng, cát kết, bột kết mầu đỏ nâu, tuổi Creta muộn, hệ tầng Yên Châu (K2 yc) và các đai mạch điabas. Ở bờ trái sông Đà, phía thượng lưu bến phà Pác Uân khoảng 300 m, trong cuội kết đa khoáng, cát kết mầu đỏ nâu, hệ tầng Yên Châu, phát triển nhiều hệ thống khe nứt, mặt trượt có thế nằm dốc đứng với các vết xước gần nằm ngang thể hiện các chuyển dịch trượt bằng và vết xước thẳng đứng thể hiện kiểu dịch chuyển thuận (vết lộ 27). Ở phía đông bến phà Pác Uân khoảng 500 m, trong cát kết mầu xám sáng, nâu đỏ thuộc hệ tầng Yên Châu, lộ ở cù lao giữa sông, còn gặp chằng chịt các mặt trượt láng bóng, uốn cong (vết lộ 28), thể hiện môi trường giòn dẻo của quá trình biến dạng.

Kết quả khảo sát thực tế và phân tích kiến tạo vật lý các biến dạng trên của Vũ Văn Chinh cho thấy đứt gãy Sông Đà ở đây có mặt trượt cắm dốc 70 - 800 nghiêng về phía đông bắc (Hình 1). Trong quá trình phát triển đứt gãy Sông Đà luôn có thành phần thuận với tổng biên độ thẳng đứng tới hàng nghìn mét. Nghiên cứu khe nứt liên quan với hoạt động của đứt gãy bằng các phương pháp hệ khe nứt cộng ứng, kiến tạo động lực, mặt trượt - vết xước đã cho thấy dịch chuyển của chúng ở một số giai đoạn còn có cả thành phần trượt bằng, rõ nhất là những dịch chuyển trượt bằng trái diễn ra trong pha đầu của giai đoạn tân kiến tạo dưới tác dụng của trường lực trượt bằng phương nén á vĩ tuyến (Bảng 1).


 

Bảng 1. Pha biến dạng Eocen - Miocen của đới đứt gãy Sông Đà
thể hiện trên các mặt trượt có vết xuớc

Số hiệu
vết lộ

Mặt trượt

Vết xước

Ứng suất

Ghi chú

 

s1

s2

s3

25

32 81

120 15

75 04

332 73

166 17

Pha Eocen - Miocen

27

54 74

335 33

280 36

123 52

18 11


Dịch chuyển trượt bằng trái của đứt gãy Sông Đà trong trường ứng suất trượt bằng phương nén á vĩ tuyến, thuộc pha sớm (Eocen - Miocen) của giai đoạn tân kiến tạo, không chỉ đã làm biến dạng mạnh mẽ các thành tạo địa chất có trước đặc biệt là các thành tạo molas mầu đỏ tuổi Creta, hệ tầng Yên Châu, mà còn tạo nên tổ hợp cấu trúc dạng đuôi ngựa, bao gồm các đứt gãy nghịch dạng cánh gà phương á kinh tuyến phân bố ở cánh đông bắc, có đầu mút phía nam bị uốn cong lồi về tây nam và một vòm nâng, đường kính trên 10 km, đi kèm hoạt động xâm nhập kiềm: monzođiorit, monzonit augit-biotit và syenit tuổi Paleogen (40 - 56 triệu năm), thuộc phức hệ Pu Sam Cáp (M-Sy/E pc) (Hình 2), xuất hiện ở đỉnh vòm, tạo nên khối Khau Pum. Khối này có thế nằm thoải về phía tây, xuyên cắt và gây sừng hóa các đá hệ tầng Mường Trai (T2l mt), Nậm Mu (T3c nm) và Yên Châu (K2 yc), tạo nên ở sườn phía tây khối một đới biến đổi hỗn nhiễm, rộng từ 300 đến 900 m, có liên quan chặt chẽ với khoáng hóa vàng. Hiện nay trung tâm diện lộ vòm này là đỉnh núi Khau Pum cao 1824,5 m. Đây là đỉnh núi cao nhất trên bình diện địa hình núi có độ cao trung bình khoảng 900 - 1000 m. Cũng cần nói thêm rằng, sự xuất hiện của vòm nâng này không loại trừ còn có vai trò của các chuyển động xoay phải diễn ra trong khoảng giữa hai đứt gãy Sông Đà và Than Uyên.

Chuyển dịch của đứt gãy Sông Đà trong pha muộn (Pliocen - Đệ tứ) của giai đoạn tân kiến tạo đã tạo nên tổ hợp cấu trúc trượt bằng phải đặc trưng như các trũng tách giãn Đệ tứ, phương á kinh tuyến, phát triển từ vùng thị trấn Quỳnh Nhai tới Pác Ma (Hình 3). Biên độ dịch trượt bằng phải của đứt gãy Sông Đà trong Đệ tứ là khoảng 1 - 1,5 km và tốc độ dao động trong khoảng từ 0,625 đến » 1 mm/năm. Biên độ dịch chuyển thẳng đứng của đứt gãy này trong tân kiến tạo là khoảng 500 m với cánh đông bắc hạ tương đối.

Cho đến nay đứt gãy Sông Đà vẫn đang tiếp tục hoạt động. Sự xuất lộ nước khoáng nóng ở Ba Pho Ngoài và ở vùng thị trấn Quỳnh Nhai [8], cũng như  sự tập trung các chấn tâm động đất với cường độ yếu [6] ở vùng thị trấn Quỳnh Nhai và Pác Uân (Hình 3) là những minh chứng cho điều đó. Dịch chuyển bằng phải trong thời đoạn hiện đại của đứt gãy Sông Đà ở vùng Quỳnh Nhai - Than Uyên có khả năng gây tập trung ứng suất và động đất ở thị trấn Quỳnh Nhai và Pác Ma - Pác Uân.

II. ĐỨT GÃY THAN UYÊN

Đứt gãy Than Uyên trong phạm vi vùng Quỳnh Nhai - Than Uyên đóng vai trò phân chia đới cấu trúc Sông Đà ở phía tây với đới Tú Lệ ở phía đông. Đứt gãy chạy từ vùng bản He Luông, qua thị trấn Than Uyên, bản Nà Cang, Mường Kim, Tà Gia, bản Mó rồi ra khỏi biên vùng nghiên cứu. Đứt gãy có dạng uốn lượn tạo bởi các đoạn đứt gãy phương khác nhau: hai đoạn He Luông - Nà Cang và Mường Kim - Tà Gia có phương đông bắc - tây nam, đoạn Nà Cang - Mường Kim phương á kinh tuyến và đoạn Tà Gia - Bản Mó phương tây bắc - đông nam.

Đứt gãy thể hiện rất rõ, rất ấn tượng trên ảnh vệ tinh, trên bản đồ địa hình bởi sự khác biệt về tông ảnh và độ chênh cao địa hình giữa hai cánh đứt gãy (Hình 2). Ngoài mối quan hệ chặt chẽ với các trũng Đệ tứ Mường Than, Than Uyên, Mường Kim, đứt gãy Than Uyên còn là ranh giới giữa khối núi nâng mạnh Tú Lệ, có độ cao trung bình trên 2000 m phân bố ở phía đông với vùng núi nâng trung bình - yếu Sông Đà, có độ cao trung bình dưới 1000 m ở phía tây.

Các biến dạng có quan hệ chặt chẽ với hoạt động của đứt  gãy Than Uyên rất phong phú và đa dạng. Trước hết là những biểu hiện vò nhàu trong các đá trầm tích lục nguyên hệ tầng Mường Trai (T2l mt), phân bố ở rìa tây đứt gãy (vết lộ 03, 05), tạo nên các nếp uốn đảo dạng chữ Z, mặt trục nghiêng về đông bắc và các đứt gãy nghịch bậc cao đi kèm. Tiếp đến là đới dăm kết, đolomit hoá trong đá vôi hệ tầng Mường Trai, kéo dài trên dưới một kilomet theo phương á kinh tuyến ở vùng Nà Cang (vết lộ 06) và theo phương tây bắc - đông nam ở vùng bản Mó (vết lộ 6551). Rồi đến đới dập vỡ cắt trượt dạng phiến hóa phương tây bắc - đông nam có chứa nhiều mạch, ổ thạch anh dạng mắt mang quặng vàng (vết lộ 01) và các khe nứt tách trẻ hơn, phương á kinh tuyến lấp đầy thạch anh, phát triển trong các đá ryolit porphyr thuộc phức hệ núi lửa Ngòi Thia (R/K2 nt) ở vùng Nậm Than (vết lộ 02); đới mạng mạch thạch anh chằng chịt rộng hàng chục mét ở vùng Nậm Bốn, cách thị trấn Than Uyên khoảng 2 km về phía đông (vết lộ 10c). Ngoài ra còn phải kể đến những dịch trượt theo mặt lớp phương á kinh tuyến, cắm dốc đứng về phía tây của tập đá vôi phân lớp, thuộc hệ tầng Mường Trai và ba hệ thống khe nứt có thế nằm gần vuông góc với nhau thể hiện tính chất nghịch của hệ thống đứt gãy phương á kinh tuyến ở vết lộ số 09, phía nam thị trấn Than Uyên khoảng 3 km. Tiếp đến là đới dập vỡ với mật độ cao các khe nứt phương á kinh tuyến cắm về phía đông kèm theo nhiều mạch thạch anh ở khu vực cầu Mường Kim trong các đá núi lửa trachyanđesit, trachyryolit porphyr, ryolit porphyr thuộc phức hệ núi lửa Nậm Kim (tR/K1? nk) (vết lộ 07) và cuối cùng là đới mạng mạch calcit và thạch anh chằng chịt trong đá vôi hệ tầng Mường Trai (T2l mt) ở phía nam cầu Mường Kim 4 km.

Theo chúng tôi, đứt gãy Than Uyên là một đứt gãy thuận xuất hiện trong thời gian phát sinh rift nội lục Tú Lệ. Rift nội lục Tú Lệ có lẽ hình thành theo cơ chế kéo tách (pull-apart) do dịch chuyển trượt bằng phải của hai đứt gãy phương tây bắc - đông nam so le nhau: Phong Thổ - Nghĩa Lộ ở phía bắc và Mường La - Bắc Yên ở phía nam, trong trường ứng suất trượt bằng phương nén á kinh tuyến. Độ sâu phát sinh của đứt gãy có lẽ đạt tới vỏ bazan, khoảng 25 - 30 km [8], là đường dẫn magma của các phun trào bazan, bazan aphyr, plagiobazan, bazan porphyrit thuộc hệ tầng Suối Bé (J3-K1 sb); trachyanđesit, trachyryolit porphyr, ryolit porphyr thuộc phức hệ núi lửa Nậm Kim (tR/K1? nk) và ryolit porphyr thuộc phức hệ núi lửa Ngòi Thia (R/K2 nt).

Nghiên cứu khe nứt trong các thành tạo địa chất ở sát đứt gãy cho thấy đứt gãy có mặt trượt cắm về phía đông nam ở các đoạn phương đông bắc - tây nam, với góc nghiêng khoảng 70 – 80o ở đoạn He Luang - Nà Cang  (vết lộ số 11) và khoảng 60 – 70o ở đoạn Mường Kim - Tà Gia; cắm về phía đông ở đoạn phương á kinh tuyến Nà Cang - Mường Kim với góc nghiêng khoảng 60 – 70o (vết lộ số 03, 07); cắm thẳng đứng ở đoạn đứt gãy phương tây bắc - đông nam (Hình 1). Ở đoạn phương á kinh tuyến kéo từ thị trấn Than Uyên xuống đến cầu Mường Kim ở cánh phía đông đứt gãy Than Uyên còn có các đứt gãy cùng phương, nhưng mặt trượt cắm về phía tây với góc dốc 50 – 60o (vết lộ 09).



Biến dạng khe nứt trong các thành tạo địa chất dọc đứt gãy còn cho thấy dịch chuyển của đứt gãy Than Uyên đã trải qua nhiều pha. Ngoài pha dịch chuyển thuận còn thấy có các pha trượt bằng (các vết lộ 11, 03, 09, 07) và nghịch (các vết lộ 07, 09).

Những biến dạng do hoạt động của đứt gãy này gây ra trong tân kiến tạo thể hiện rõ hai pha. Trong pha Eocen - Miocen, hoạt động mang tính xiết ép của đứt gãy đã tạo nên đới khe nứt cắt ở dọc Nậm Than, trong các đá ryolit porphyr tuổi Creta muộn, phức hệ Ngòi Thia (R/K2 nt). Cũng trong pha này, đứt gãy Than Uyên còn là một đứt gãy nghịch, đóng vai trò là ranh giới phía tây của khối nâng Tú Lệ, tao nên sự chênh cao địa hình rất ấn tượng giữa cánh đông nâng và cánh tây hạ tương đối, biên độ tới 1000 m (Hình 2). Trong pha Pliocen - Đệ tứ, nhìn chung đứt gãy Than Uyên là một đới tách, đặc biệt rõ trong đoạn He Luang - Mườmg Kim. Hoạt động tách giãn còn phát triển ở phía cánh tây của đứt gãy, tạo nên một dải địa hình núi thấp hơn, rộng trên dưới 10 km, phương kinh tuyến, nằm giữa khối Tú Lệ và khối Khau Pùm. Những dịch chuyển trượt bằng trái của đứt gãy Than Uyên, đoạn phương đông bắc - tây nam He Luang - Nà Cang, đã tạo nên cánh đồng Mường Than, cánh đồng Than Uyên có diện tích khá rộng trong phạm vi miền Tây Bắc Bộ (Hình 3) và các khe nứt tách rộng gần 1 m, phương á kinh tuyến trong các đá ryolit porphyr thuộc phức hệ núi lửa Ngòi Thia ở vùng He Luang (vết lộ 02). Biên độ trượt bằng trái trong Pliocen - Đệ tứ của đứt gãy ở đoạn này là khoảng 2 km và tốc độ khoảng 0,5 mm/năm.

Nghiên cứu mặt cắt địa chất lộ ở thị trấn Quỳnh Nhai và các mực địa hình trong bồn trũng Than Uyên [xem Vũ Văn Chinh 2003, Lưu trữ Viện Vật lý địa cầu] cho thấy những chuyển động nâng mang tính ngắt quãng trong Pliocen - Đệ tứ đã làm biến vị đơn nghiêng các trầm tích tuổi giả định Pliocen - Đệ tứ từ đông sang tây với góc dốc 10 - 150, đồng thời tạo nên hệ thống thềm sông, gồm ba bậc thềm, phát triển dần từ phía đông sang phía tây, trong đó độ cao tương đối của thềm bậc I là 5 - 7 m, bậc II từ 10 đến 12 m, còn bậc III khoảng 15 - 17 m.

Trượt đất ở nhiều điểm trong dải He Luang - Than Uyên (hình 3) rất có thể có cả tác nhân hoạt động hiện đại của đứt gãy Than Uyên theo cơ chế tách giãn, nhưng khả năng tập trung ứng suất gây ra động đất của đứt gãy lại yếu.

III. KẾT LUẬN

1. Trong vùng Quỳnh Nhai - Than Uyên, các đứt gãy Sông Đà, phương tây bắc - đông nam và Than Uyên, phương chủ đạo á kinh tuyến là những đứt gãy lớn có vai trò phân chia các đới cấu trúc. Lịch sử của đứt gãy Sông Đà bắt đầu ít nhất từ Paleozoi muộn; của đứt gãy Than Uyên ít nhất từ Jura muộn và chúng đều hoạt động qua nhiều pha cho đến ngày nay. Đứt gãy Sông Đà có mặt trượt nghiêng dốc 70 - 800 về đông bắc, còn của đứt gãy Than Uyên nhìn chung có mặt trượt nghiêng dốc 60-800 về phía đông.

2. Hoạt động trong giai đoạn tân kiến tạo của cả hai đứt gãy diễn ra trong hai pha và trong các trường ứng suất trượt bằng. Trong pha Eocen – Miocen, dịch chuyển của đứt gãy Sông Đà thể hiện rất rõ kiểu trượt bằng trái, còn đứt gãy Than Uyên là một đới nghịch và là ranh giới phía tây của khối nâng Tú Lệ. Trong pha Pliocen - Đệ tứ, đứt gãy Sông Đà có kiểu hình động học trượt bằng phải, còn đứt gãy Than Uyên là một đới tách.

3. Hoạt động hiện đại của đứt gãy Sông Đà đã gây xuất lộ nước nóng, nước khoáng và động đất với cường độ yếu ở một số nơi. Vùng thị trấn Quỳnh Nhai và Pác Ma - Pác Uân là những nơi có khả năng xảy ra động đất hơn cả. Trượt đất ở dải He Luang - Than Uyên rất có thể có vai trò hoạt động hiện đại của đứt gãy Than Uyên, nhưng khả năng tập trung ứng suất gây ra động đất của nó lại yếu.

Công trình nghiên cứu này đã nhận được sự hỗ trợ của đề tài "Phân vùng dự báo chi tiết động đất vùng Tây Bắc", mã số KC.08.10, thuộc Chương trình "Bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai"; các đề tài nghiên cứu cơ bản mã số 71 29 04, 733004 và sự cộng tác của các đồng nghiệp ở Đoàn địa chất 203 thuộc Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Bắc. Các tác giả xin chân thành cảm ơn.

VĂN LIỆU

1. Cao Đình Triều, 1997. Đặc trưng cấu trúc và trường ứng suất vỏ Trái đất lãnh thổ Việt Nam. Thành tựu nghiên cứu Vật lý địa cầu 1987 - 1997, tr. 353 - 354, Nxb KH & KT. Hà Nội.

2. Đovjikov A.E. (Chủ biên), 1965. Địa chất miền Bắc Việt Nam. Tổng cục Địa chất, Hà Nội (bản tiếng Nga).

3. Lê Như Lai, 1998. Địa kiến tạo và sinh khoáng. Nxb Giao thông Vận tải, Hà Nội.

4. Nguyễn Trọng Yêm, 1991. Đặc điểm chủ yếu của địa động lực hiện đại lãnh thổ miền Bắc Việt Nam. Địa chất Tài nguyên, tr. 7 - 10. Nxb KH & KT. Hà Nội.

5. Sherman S.M., Dneprovskii Yu.I., 1989. Polja naprjazhenii zemnoi kory i geologo-strukturnye metody ikh izutchenija. Nauka, Novosibirsk, 155 str.

6. Trần Trọng Huệ, 2002. Những kết quả nghiên cứu bước đầu về một số dạng tai biến địa chất nguy hiểm điển hình vùng Tây Bắc Việt Nam. Hội thảo khoa học Động đất và một số dạng tai biến thiên nhiên khác vùng Tây Bắc Việt Nam, tr. 3 - 18, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

7. Trần Văn Trị (Chủ biên), 1977. Địa chất Việt Nam - phần miền Bắc. Nxb KH & KT, Hà Nội.

8. Võ Công Nghiệp (Chủ biên), 1998. Danh bạ các nguồn nước khoáng và nước nóng Việt Nam. Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Hà Nội.