TIẾN TRÌNH QUẶNG HOÁ ĐỒNG KHU VỰC
BẮC BỘ VIỆT NAM VÀ ĐIỀU KIỆN ĐỊA ĐỘNG LỰC

NGUYỄN VĂN BÌNH

Viện Khoa học vật liệu, Viện KH & CN VN,
 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội

Tóm tắt: Bài báo đề cập đến các kiểu quặng hoá đồng ở khu vực Bắc Bộ: sulfur Cu-Ni (các kiểu Tạ Khoa, Cao Bằng, Núi Chúa), sulfur-đồng, đồng tự sinh trong đá phun trào, sulfur -  đồng - đa kim, sulfur - đồng - sắt, cát kết chứa đồng và mạch thạch anh - Cu - Mo. Các quặng hoá đồng này chủ yếu hình thành trong giai đoạn hoạt hoá magma - kiến tạo liên quan với sự hình thành các cấu trúc Mesozoi - các trũng kiểu sinh rift không đầy đủ (trũng kiểu hoạt hoá), dạng tuyến và phân nhánh phức tạp (giai đoạn hoạt hóa Mesozoi - Kainozoi).  


I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Khu vực Bắc Bộ Việt Nam (gọi tắt là khu vực Bắc Bộ) trong bài này là phần lãnh thổ Việt Nam nằm về phía đông đứt gãy sâu Điện Biên - Lai Châu và phía đông bắc đứt gãy sâu Sông Mã. Quặng hoá đồng trong nhiều năm qua đã được đề cập đến trong nhiều công trình [1, 2, 4, 5, 7, 8, 10, 11, 15, 17, 19, 23, 24]; trong công trình này chúng tôi tập trung phân tích điều kiện địa động lực của tiến trình thành tạo quặng hoá đồng ở khu vực này.

II. BỐI CẢNH ĐỊA ĐỘNG LỰC KHU VỰC BẮC BỘ TRONG PALEOZOI MUỘN - KAINOZOI

Khu vực nghiên cứu thuộc miền cố kết Paleozoiđ Việt-Trung (Caleđoniđ Cathaysia). Trên bình đồ địa động lực khu vực, giai đoạn Mesozoi định vị một bình đồ kiến tạo mới vừa kế thừa, vừa có nhiều nét mới khác biệt hẳn các giai đoạn trước nó. Giai đoạn Mesozoi trên khu vực Bắc Bộ là giai đoạn có các hoạt động rầm rộ của quá trình hoạt hoá magma - kiến tạo theo nhiều nhà địa chất: Gatinsky Iu.G. (1972, 1973), Nguyễn Xuân Tùng (1972), Staritsky Iu.G. (1973), Trần Văn Trị (1975, 1977), Nguyễn Đình Cát (1977, 1980), Phạm Văn Quang (1979, 1980), Lê Thạc Xinh (1978, 1981, 1982, 1987), Văn Đức Chương (1982), Maimin Iu.S. (1982), Trần Đức Lương, Nguyễn Xuân Bao (1985, 1986), Tạ Trọng Thắng (1986), Nguyễn Nghiêm Minh (1986), G.V. Poliakov (1996, 1998)... Hoạt hoá magma - kiến tạo chính là sự thể hiện tính động của một khu vực. Các quá trình hoạt hoá magma - kiến tạo khu vực Bắc Bộ diễn ra chủ yếu trên nền của các cấu trúc Paleozoiđ [Hình 1]. Bình đồ cấu trúc Paleozoiđ khu vực Bắc Bộ được hình thành trong suốt thời gian dài từ Tiền Cambri đến Permi sớm và bao gồm các đơn vị sau [16]:

1. Các cấu trúc Tiền Cambri: nhân vòm lục địa cổ Sông Chảy, đới khâu cổ Sông Hồng, đới cấu trúc Baicaliđ Phan Si Pan và các mảnh sót Tiền Cambri: Nậm Cô, Nậm Sư Lư, Hoằng Trường.

2. Các cấu trúc Paleozoiđ: Caleđoniđ Sông Mã, nhóm các cấu trúc Caleđoniđ Cathaysia: Lô-Gâm, Phú Ngữ, Chang Pung, Cốc Xô, Bắc Sơn, Quảng Ninh - Duyên Hải.

Các cấu trúc này cố kết vào Paleozoi sớm-giữa và tạo nên bộ khung cấu trúc cơ bản của khu vực Bắc Bộ. Vào cuối đại Paleozoi, miền này chủ yếu thuộc chế độ kiến tạo kiểu nền - san bằng kiến tạo, tạo nên lớp phủ kiểu nền với phức hệ vật chất - kiến trúc nội mảng kiểu bồn trên lục địa. Sau thời kỳ này toàn bộ khu vực Bắc Bộ bước vào giai đoạn hoạt hoá magma - kiến tạo, bắt đầu từ Permi muộn (đôi nơi có thể sớm hơn - Carbon muộn - Permi sớm - đới cấu trúc Sông Đà) và làm nảy sinh các cấu trúc Mesozoi đặc biệt: các trũng nguồn rift nội lục (các trũng chồng gối kiểu hoạt hoá magma - kiến tạo). Bối cảnh địa động lực chủ đạo vào thời kỳ này là sinh rift nội lục. Các đặc trưng cơ bản của hoạt động hoạt hóa magma - kiến tạo khu vực Bắc Bộ đã được trình bày trong nhiều văn liệu [3, 5, 6, 8, 9, 14, 16, 20, 21, 22, 25, 26, 27] và có thể được tóm tắt như sau:

- Các hoạt động hoạt hóa magma - kiến tạo phát triển trên móng vỏ lục địa không đồng nhất (móng đa kỳ, đa nguồn gốc). Bình đồ móng vỏ lục địa Paleozoiđ và các cấu trúc hoạt hóa magma - kiến tạo không trùng nhau. Đây chính là dấu hiệu mà dựa vào nó nhiều nhà nghiên cứu xem các cấu trúc hoạt hóa magma - kiến tạo khu vực này mang tính chồng gối điển hình.

- Hình thành các hệ thống phá hủy - đứt gãy, các đới tách giãn dạng cánh gà, các cấu tạo vảy và phủ chờm, mật độ tập trung tăng cao của đứt gãy và lineamen, các đứt gãy chờm nghịch và các biến dạng nội mảng khác.

- Phổ biến các uốn nếp ngắn, cụt, dạng yên ngựa, kiểu đơn nghiêng, kiểu chậu, nghiêng đôi khi dốc đứng, võng nghịch đảo. Đa số chúng có dạng tuyến và nhiều khi thường đứt đoạn, Đặc biệt, có thể thấy rõ sự luân phiên xen kẽ nhau của các nếp lồi và nếp lõm cũng như của các cánh cung dạng cánh gà xen kẽ với các trũng giữa núi.

- Hình thành khá phổ biến dãy magma tương phản, các thành tạo magma cao kiềm, kiềm - kali, cao magnesi - kiềm, các thành tạo magma kiểu tạo núi, các biểu hiện magma đa kỳ, đa nguồn gốc phức tạp, các tổ hợp magma phun trào - xâm nhập thành phần phức tạp, các tổ hợp siêu mafic - mafic, các xâm nhập á núi lửa.

- Phát triển các trầm tích dạng molas màu đỏ, các thành tạo lục địa chứa than (trong các hệ tầng Văn Lãng, Hòn Gai, Suối Bàng) và các trầm tích vụn thô lục địa.

Kết quả của hoạt động hoạt hóa magma - kiến tạo đã hình thành các cấu trúc âm đặc trưng: Sông Đà, Sông Hiến và An Châu. Đây chính là các cấu trúc Mesozoi - các trũng kiểu sinh rift không đầy đủ (trũng kiểu hoạt hoá), dạng tuyến và phân nhánh phức tạp. Bối cảnh kiến sinh rift khắc hoạ giai đoạn phân kỳ của các khối vỏ. Quặng hoá đồng được hình thành chủ yếu chính trong bối cảnh kiến tạo này.

III. CÁC KIỂU QUẶNG HOÁ ĐỒNG Ở KHU VỰC BẮC BỘ

Trên khu vực nghiên cứu có các kiểu quặng hoá đồng chính sau:

1. Sulfur Cu-Ni (pyrotin - pentlanđit - chalcopyrit)

Ở khu vực Bắc Bộ quặng hoá đồng sulfur Cu-Ni gặp ở Tạ Khoa, Cao Bằng và Núi Chúa và bao gồm các kiểu sau:

 Sulfur Cu-Ni kiểu Tạ Khoa

Quặng hoá đồng phân bố bên trong các khối xâm nhập siêu mafic phức hệ Bản Xang (cumulate, thường bị serpentinit hoá, PZ3). Quặng ở dạng treo ở gần đáy, bám đáy và xâm tán và bên ngoài khối (Bản Phúc: mạch đặc sít và xâm tán). Các mỏ và điểm quặng chính: Bản Phúc, Bản Khoa, Bản Mông, Bản Chạng, Suối Đán, Bản Bờ, Bản Nguồn, Bản Cải, Đèo Chẹn, Bản Lài, Hồng Ngài, Bản Tăng ... Chúng đều thuộc nếp lồi Tạ Khoa. Ở nếp lồi Tạ Khoa, ngoài quặng hoá sulfur Cu-Ni điển hình còn gặp các loại hình quặng hoá đồng khác. Tập hợp các đá siêu mafic, siêu mafic - mafic vùng này và các trầm tích núi lửa các hệ tầng Cẩm Thuỷ, Viên Nam có thể xem là tổ hợp núi lửa - pluton siêu mafic - mafic và có thể đối sánh với thành hệ trap của Sibiri (Norilsk, Talnakh...) và Emeishan (Trung Quốc). Quặng sulfur Cu-Ni kiểu Tạ Khoa phân bố chủ yếu ở phần trung tâm của đới cấu trúc Sông Đà. Trong quặng sulfur Cu-Ni Tạ Khoa còn có các nguyên tố nhóm platin, Co (nhiều nơi có mật độ tập trung khá cao).

Sulfur Cu-Ni kiểu Cao Bằng

Quặng hoá sulfur Cu-Ni liên quan với phức hệ Cao Bằng: lerzolit - gabronorit - điabas (xâm nhập nhỏ: werlit, plagiowerlit, lerzolit, plagiolerzolit, picrit, gabro, điabas, gabronorit, congađiabas, leucođiabas, granophyr ...). Các điểm quặng chính: Suối Củn, Bó Nỉnh, Khắc Thiệu, Khau Mia, Đồng Xằng ... Chúng chủ yếu phân bố ở ven rìa đới cấu trúc Sông Hiến (liên quan chặt chẽ với các đới đứt gãy, phá huỷ). Các khoáng vật sulfur chính: chalcopyrit, pentlanđit, pyrotin, troilit, magnetit, ilmenit, cubanit. Phức hệ Cao Bằng có mối liên quan nhất định với các phun trào bazan, bazan - anđesit, ryolit trong cùng đới cấu trúc. Liên quan với phức hệ Cao Bằng, ngoài quặng hoá sulfur Cu-Ni, còn có khoáng hoá sắt skarn, Au. Đi kèm với sulfur Cu-Ni có các nguyên tố nhóm platin, Co và bạc.

Sulfur Cu-Ni kiểu Núi Chúa (nghèo sulfur)

Quặng hoá sulfur Cu-Ni liên quan đến phức hệ phân dị, phân lớp Núi Chúa: verlit - roctolit - gabro (olivinit, lerzolit, gabronorit, werlit, pyroxenit, troctolit, gabro...). Các điểm quặng chính: Làng Cọ, Làng Hin, Núi Mun, Làng Bầu.... Quặng có dạng xâm tán đều, ổ, vết, mạch nhỏ... Đi kèm với sulfur Cu-Ni có các nguyên tố nhóm platin và bạc. Các khoáng vật chủ đạo: pyrotin, chalcopyrit, pentlanđit, magnetit, graphit, ilmenit, polyđimit, antimonit, spharelit, galenit, breithauptit, sperilit, maimecherit, paolovit, sobolevskit … Liên quan với phức hệ Núi Chúa, ngoài quặng hoá sulfur Cu-Ni, còn có quặng hoá titan (ilmenit, Ti-magnetit) (Cây Châm...). Các đá phức hệ Núi Chúa và các điểm quặng hoá sulfur Cu-Ni đi kèm nằm ở đầu mút đới cấu trúc Phú Ngữ (rìa lục địa tích cực kiểu cung đảo) liền kề với các đới cấu trúc An Châu và Sông Hiến (nơi giao nhau của các hệ đứt gãy có phương khác nhau). Khác với các đá chứa hai kiểu khoáng hoá trên (kiểu Tạ Khoa, Cao Bằng), có mối liên quan nhất định với các đá phun trào đi kèm, đá chứa quặng hoá sulfur Cu-Ni kiểu Núi Chúa không có đá phun trào đi kèm. Kiểu quặng hoá khác đi kèm với quặng hoá sulfur Cu-Ni các kiểu Tạ Khoa, Cao Bằng, Núi Chúa cũng có phần khác nhau. Điều đó có lẽ liên quan đến nguồn gốc các đá sinh và chứa chúng khác nhau và các bối cảnh cấu trúc địa chất (đặc điểm thành phần, chế độ địa động lực …) cũng khác nhau.

2. Trong các thành tạo trầm tích - phun trào của các hệ tầng Cẩm Thuỷ và Viên Nam (bazan, bazan porphyrit, bazan trachyt, picrobazan, bazan anđesit, spilit, albitophyr, trachyanđesit, trachyđacit, ryolit, đá lục ...) (đới cấu trúc Sông Đà) có các kiểu quặng hoá đồng sau:

Sulfur - đồng (pyrit- chalcopyrit - bornit)

Các điểm quặng chính: Vạn Sài, Quy Hướng, Lương Sơn, Nậm Tía, Nậm Phửng, Cầu Suối Sập, Yên Cư, Lũng Cua, Đá Đỏ, Nà Lạy, Suối On ... Quặng có dạng mạch, ổ, xâm tán, mạch lấp đầy khe nứt, mạch theo thớ lớp, đới mạch. Quặng hóa phân bố trong các đá spilit, đá biến đổi… Các đứt gãy phương TB-ĐN được xem là đứt gãy khống chế quặng hoá. Đi kèm với chúng có argilit hoá, lục hoá, propylit hoá, thạch anh hoá, carbonat hoá...

Đồng tự sinh trong phun trào mafic (P2-T1)

Các điểm quặng chính: Bản Giàng (Xuân Giang), Bản Mùa, Nà Dòn, Chiềng Đông ... Quặng hoá có dạng xâm tán, mạch, dạng lớp chỉnh hợp với đá vây quanh (bazan bị lục hoá).

Sulfur-đồng - đa kim (pyrit-spharelit-galenit-chalcopyrit) phân bố trong các đá phun trào mafic và trầm tích carbonat - lục nguyên.

Các điểm quặng chính: Tam Đường, Làng Củ, Huổi Sấy, Hồng Thu, Nậm Giôn - Quang Tân Trai, Nậm Nguyên Trai, Si Phay, Tả Phình ...  Các thân quặng có dạng mạch, lớp, xâm tán, ổ, mạng mạch. Các khoáng vật chính: pyrit, galenit, spharelit, chalcopyrit, quặng đồng xám, arsenopyrit, magnetit, pyrotin, chalcosin, covelin, cuprit. Phổ biến các quá trình sericit hoá, propylit hoá, berezit hoá (nhiều điểm quặng có chứa vàng).

3. Sulfur-đồng-sắt (chalcopyrit-magnetit-orthit-pyrotin) kiểu Sin Quyền. Các mỏ và điểm quặng chính: Sin Quyền, Cốc Mỳ, Vi Kẽm, Ý Tý, Vi Cáp, Suối Thầu, Chạc Giang, Lũng Pô, Làng Nhón, Cốc Lái, Ngòi Nhược, Nậm Chạc, Nậm Ngần, Trịnh Tường, Thùng Sáng... Chúng phân bố trong hệ tầng Sin Quyền (PR1-2), trong các đá biến chất trao đổi sẫm màu, gneis migmatit, điorit porphyr, monzođiorit porphyr, albitophyr, aplit kiềm, amphibolit, các đá phun trào (bazan, đacit ..) (P2–T1?). Các thân quặng có dạng ổ đặc sít, mạch nhỏ, xâm tán, mạch xâu chuỗi... Phổ biến các quá trình skarn hoá, propylit hoá, chlorit hoá, carbonat hoá, sericit hoá.... Các khoáng vật chính: pyrotin, chalcopyrit, magnetit, pyrit, menikovit, orthit, sphalerit, quặng đồng xám, cubanit, arsenopyrit, cobaltin, uraninit, milerit, calaverit, covelin, chalcosin, rutil, ilmenit… Cu: 0,01 - 11,58%; TR2O3: 0,03 - 9,71%; Au: 0,46 - 0,55g/t; Co: 0,039 - 0,065g/t. Các thân quặng liên quan chặt chẽ với các đới phá huỷ, đứt gãy phương tây bắc - đông nam, trong các nếp lõm địa phương. Các mỏ và điểm quặng này thuộc rìa bắc của đới cấu trúc Baikaliđ Phan Si Pan.

4. Cát kết chứa đồng (chalcosin-bornit) 

Các điểm quặng chính: Biển Động (Cẩm Đàn), Đèo Chũ, Giao Liêm, Phú Nhuận, Làng Chả, Khuôn Mười, Hồng Sơn, Câu Nhạc... Chúng phân bố trong cát kết, đá phiến sét, bột kết, cuội kết phân nhịp màu đỏ... của hệ tầng Mẫu Sơn (T3). Các thân quặng có dạng thấu kính dẹt, lớp, mạch không đều, không liên tục nằm giữa mặt phân lớp và chỉnh hợp với đá vây quanh. Các khoáng vật chính: chalcopyrit, chalcosin, bornit, quặng đồng xám, pyrit, galenit, spharelit, burnonit, covelin, cuprit, thạch anh, baryt, carbonat… Cu: 1,28 - 5,9%; Fe: 2,46 - 10,7%; Au: 0,28 - 0,35g/t. Các điểm quặng này nằm trong các nếp lồi địa phương, các khe nứt, đứt gãy phương  TN - ĐB ... (Biển Động...) và chủ yếu thuộc phần trung tâm của đới cấu trúc An Châu.    

5. Các mạch thạch anh Cu-Mo

Các điểm quặng chính: Bản Khoang, Ô Quy Hồ, Nậm Cúm, Tung Qua Lìn, Sin Chảy, Lao Chảy, Lao Lý Chảy, San Sa Hồ... Các khoáng vật chính: pyrit, chalcopyrit, molybđenit, magnetit, pyrotin, bornit … Chúng liên quan chủ yếu với các đá granit của phức hệ Yê Yên Sun (đới tiếp xúc, vòm khối xâm nhập hoặc rìa khối xâm nhập) dưới dạng các mạch nhỏ.

IV. TIẾN TRÌNH THÀNH TẠO VÀ ĐIỀU KIỆN ĐỊA ĐỘNG LỰC QUẶNG HOÁ ĐỒNG KHU VỰC BẮC BỘ

Tiến trình thành tạo và điều kiện địa động lực quặng hoá đồng khu vực Bắc Bộ được thể hiện trong bảng 1.


Bảng 1. Tiến trình thành tạo và điều kiện địa động lực quặng hoá đồng khu vực Bắc Bộ

Quặng hoá

Thành tạo địa chất
liên quan

Điều kiện địa động lực

1. Sulfur Cu-Ni kiểu Tạ Khoa

2. Sulfur Cu-Ni kiểu Cao Bằng

Phức hệ Bản Xang (cumulate) (PZ3)

Phức hệ Cao Bằng

Giai đoạn sớm của tiến trình thành tạo trũng chồng gối nguồn rift nội lục, trung tâm đới cấu trúc.

Giai đoạn sớm của tiến trình thành tạo trũng chồng gối nguồn rift nội lục, ven rìa đới cấu trúc.

3. Sulfur đồng

4. Đồng tự sinh

5. Sulfur-đồng - đa kim

Trầm tích - phun trào các hệ tầng: Cẩm Thuỷ, Viên Nam

Giai đoạn chính của tiến trình thành tạo trũng chồng gối nguồn rift nội lục. Trên nhiều diện tích khác nhau của đới cấu trúc Sông Đà.

 

6. Sulfur-đồng - sắt

Hệ tầng Sin Quyền, trầm tích phun trào (P2-T1?) và đá biến chất trao đổi

Rìa đông bắc đới cấu trúc Baikaliđ Phan Si Pan. Liên quan đồng sinh với tiến trình thành tạo rift trên khu vực kế cận.

7. Sulfur Cu-Ni kiểu Núi Chúa

Phức hệ phân dị, phân lớp Núi Chúa

Đầu mút đới cấu trúc Phú Ngữ (rìa lục địa tích cực kiểu cung đảo). Liên quan đồng sinh với tiến trình thành tạo rift trên khu vực kế cận.

8. Cát kết chứa đồng

Hệ tầng Mẫu Sơn

Giai đoạn sau tiến trình thành tạo trũng chồng gối nguồn rift nội lục địa. Trung tâm đới cấu trúc An Châu.

9. Thạch anh - Cu -Mo

Phức hệ Sun

Giai đoạn hoạt hoá magma - kiến tạo muộn MZ3-KZ (hậu va chạm nội lục).


Thực tế tài liệu hiện nay cho thấy quặng hoá đồng khu vực Bắc Bộ chủ yếu thuộc giai đoạn hoạt hoá magma - kiến tạo trong các đới cấu trúc nảy sinh vào giai đoạn này (quặng hoá đồng có giá trị chủ yếu được định vị trong đới cấu trúc Sông Đà, một phần ở Sông Hiến và An Châu). Tại đới cấu trúc Sông Đà: sulfur Cu-Ni (có triển vọng về kim loại nhóm platin) liên quan với các khối siêu mafic kiểu Tạ Khoa, sulfur - đồng, sulfur-đồng - đa kim liên quan với các thành tạo phun trào Permi - Trias; chúng được thành tạo trong giai đoạn sớm của tiến trình thành tạo trũng chồng gối nguồn rift nội lục (ở trung tâm và nhiều diện tích khác nhau của đới cấu trúc). Tại đới cấu trúc Sông Hiến: sulfur Cu-Ni liên quan với phức hệ Cao Bằng; chúng được thành tạo vào giai đoạn sớm của tiến trình thành tạo trũng chồng gối nguồn rift nội lục, chủ yếu ven rìa đới cấu trúc. Tại đới cấu trúc An Châu có đồng trong cát kết (các thân quặng tập trung trong các đới vò nhàu, vỡ vụn); chúng được thành tạo trong giai đoạn sau tiến trình thành tạo trũng chồng gối nguồn rift nội lục, và phân bố ở trung tâm đới cấu trúc. Nếu các tài liệu sau này khẳng định sự thành tạo của quặng đồng Sin Quyền vào chính Permi muộn - Trias sớm (liên quan với phun trào mafic - axit, monzođiorit…) thì rõ ràng quặng hoá đồng thuộc giai đoạn Permi-Trias thực sự có một vị trí đặc biệt so với các thời kỳ khác của lịch sử phát triển địa chất khu vực Bắc Bộ.

V. KẾT LUẬN

Quặng hoá đồng khu vực Bắc Bộ khá phong phú và chủ yếu hình thành vào giai đoạn hoạt hoá magma - kiến tạo Mesozoi - Kainozoi trong bối cảnh địa động lực sinh rift thành tạo đồng thời với tiến trình thành tạo các trũng nguồn rift nội lục (các trũng chồng gối kiểu hoạt hoá magma - kiến tạo).

Công trình được hoàn thành với sự hỗ trợ của Chương trình nghiên cứu cơ bản cấp Nhà nước. Tác giả chân thành cảm ơn sự góp ý quý giá của PGS. TSKH Dương Đức Kiêm.

VĂN LIỆU

1. Đinh Hữu Minh, 2003. Cấu trúc địa chất và đặc điểm quặng hoá sulfur nickel - đồng mỏ Bản Phúc, Sơn La. Luận án TS Địa chất. Thư viện Quốc gia. Nội.

2. Đinh Văn Diễn, Trương Văn Hồng, Nguyễn Ngọc Liên, 1996. Đặc điểm cấu trúc địa chất quặng hoá đồng, đồng-vàng vùng Ngòi Hút - An Lương, Yên Bái. TC Địa chất, A/ 233 :  17-21. Nội.

3. Đỗ Đình Toát, 1987. Thạch luận các đá phun trào Permi muộn - Trias sớm vùng Cẩm Thủy - Ba Vì. Luận án PTS.,Thư viện Quốc gia. Nội.

4. Hồ Văn Bình, 1995. Đặc điểm quặng hoá và triển vọng Cu-Mo vùng Sa Pa - Ô Quy Hồ - Lao Chảy. TC Địa chất, A/ 226 :  32- 35. Nội.

5. Hồ Văn Bình, 1997. Đặc điểm quặng hóa đồng, đồng - niken đới Sông Đà. Luận án PTS., Thư viện Quốc gia. Nội, 1997.

6. Lê Thạc Xinh, 1987. Quặng hóa liên quan với hoạt động rift ở Bắc Việt Nam vào Paleozoi muộn-Mesozoi sớm. Luận án PTS, Thư viện Quốc gia, Hà Nội.

 7. Ngô Thị Phượng, Trần Trọng Hoà, Hoàng Hữu Thành, Trần Quốc Hùng, Bùi ấn Niên, Vũ Văn Vấn, Hoàng Việt Hằng, G.V. Poliakov, P.A. Balưkin, A.E. Izokh, V.A. Akimsev, Trần Tuấn Anh, 2000. Các khoáng vật nhóm platin (Pt, Pd) trong các thành tạo mafic - siêu mafic đới Sông Đà. TC Địa chất, A/260 : 10-19. Nội.

8. Nguyễn Nghiêm Minh, Tạ Trọng Thắng, Nguyễn Thị Diên, Tôn Thiện Việt, Nguyễn Đức Quang, 1986. Về mối liên quan trong quá trình hình thành võng chồng nguồn rift Sông Hiến với võng chồng An Châu và đặc điểm khoáng hoá liên quan ở Đông Bắc Bắc Bộ. TC Các Khoa học về Trái đất, 8 /1 : 7-12. Nội.

9. Nguyễn Nghiêm Minh, 1997. Một số nét về tiềm năng khoáng sản ở Tây Bắc Việt Nam. TC Địa chất,  A/Phụ trương :  4-9. Nội.

10. Nguyễn Kim Long, Nguyễn Phương, Nguyễn Văn Lâm, Trần Thanh Miện, Trương Văn Xuân, 1998. Đặc diểm thạch học, cấu trúc và mối liên quan với quặng hoá đồng khu Lũng Pô. Báo cáo HNKH Đại học MĐC lần 13,  tr. 122-128. Nội.

11. Nguyễn Phương, Nguyễn Văn Lâm, Lương Quang Khang, Trần Cao , 2000. Đặc điểm quặng hoá và triển vọng quặng đồng khu Lũng Pô - Bát Xát – Lào Cai. Báo cáo HNKH Đại học MĐC lần 14, tr. 329-333. Nội.

12. Nguyễn Quang Nương, Dương Đức Kiêm, Thái Quý Lâm, 2002. Những thành hệ quặng nội sinh trong rift Sông Đà. Báo cáo HNKH Đại học MĐC lần 15, tr.180-192. Nội.

13. Nguyễn Văn Bình, 2001. Tiến trình quặng hoá nội sinh đới cấu trúc An Châu. TC Các Khoa học về Trái đất, 23/3 : 254-260. Nội.

14. Nguyễn Văn Bình, Minh Quân, Phạm Văn Trường, 2000. Mối liên quan của quặng hoá nội sinh Đông Bắc Việt Nam với chế độ hoạt hoá magma - kiến tạo. Báo cáo HNKH Đại học MĐC lần 14, tr. 242 - 247. Nội.

 15. Nguyễn Văn Bình, 2000. Tiến trình quặng hoá nội sinh đới cấu trúc Sông Hiến trong mối liên quan với bối cảnh địa động lực. Báo cáo HNKH Đại học MĐC lần 14, tr. 283-290.   Nội.

16. Nguyễn Văn Bình, 2003. Đặc điểm quặng hoá nội sinh Mesozoi ở khu vực Bắc Bộ Việt Nam. Tạp chí KHKT Mỏ-Địa chất , 3 : 16-21. Nội.

17. Nguyễn Văn Hưởng, 1997. Vài nét về đặc điểm và triển vọng quặng đồng, niken, vàng  đới quặng Tạ Khoa - Vạn Yên, Sơn La. TC Địa chất, A/ Phụ trương : 20-22. Nội.

18. Nguyễn Văn Nhân, 1996. Các thành hệ quặng nội sinh ở Việt Nam. TC Địa chất, A/234 : 7- 18. Nội.

19. Nguyễn Tấn Trung, Trịnh Lệ Thư, Nguyễn Văn Tranh, Bùi Thu Thuỷ, Nguyễn Cường Tuyến, 1995.  Về dạng tồn tại của các nguyên tố nhóm platin trong mỏ đồng - niken Tạ Khoa. Báo cáo HNKH Địa chất VN lần thứ III : 409 - 412. Nội.

20. Nguyễn Xuân Tùng, 1978. Về sự hồi sinh macma - kiến tạo của các cấu trúc Paleozoit Miền Bắc Việt Nam. TC Địa chất, 104 : 1-20. Nội.

21. Nguyễn Xuân Tùng, Trần Văn Trị (Đồng chủ biên), 1992. Thành hệ địa chất và địa động lực Việt Nam. Nxb Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.

22. Poliakov G.V., Trần Trọng Hoà, Hoàng Hữu Thành, Ngô Thị Phượng, Trần Quốc Hùng, Bùi Ấn Niên, Vũ Văn Vấn, Hoàng Việt Hằng, Trần Tuấn Anh, 1996. Điều kiện địa động lực, đặc điểm phát sinh và thành tạo các tổ hợp mafic siêu mafic Permi - Trias miền Bắc Việt Nam. TC Các Khoa học về Trái đất. 18/2 : 99-107. Nội.

23. Tạ Việt Dũng, Đỗ Hải Dũng, Trần Tất Thắng, 1995. Tài nguyên khoáng sản kim loại cơ bản Cu - Pb Zn ở Việt Nam. Báo cáo HNKH Địa chất VN  lần thứ III : 31-44. Nội.

24. Thái Quý Lâm, Đỗ Hải Dũng, Dương Đức Kiêm, Phạm Vũ Luyến, Trần Thiện Vũ, Cao Văn Dư, 1982. Đặc điểm sinh khoáng nội sinh của các kiểu hoạt động Điva ở miền Việt Bắc và Đông Bắc Việt Nam. TC Địa chất, 151: 13-18. Nội.

25. Trần Văn Trị (Chủ biên), 2000. Tài nguyên khoáng sản Việt Nam. Bộ Công nghiệp, Hà Nội, 214 tr.

26. Văn Đức Chương, 1982. Vài nét về lịch sử hình thành và phân loại các cấu trúc Mesozoi của lãnh thổ CHXHCN Việt Nam. Thông báo khoa học Việt Nam, 2 : 8-13. Nội.

 27. Vũ Xuân Độ, 1992. Về cơ chế hình thành các trũng Mesozoi sớm trong kiến trúc vòm nâng Bắc Bộ. TC Các Khoa học về Trái đất, 14/2 : 52-56. Nội.