PHÂN LOẠI GRANITOIĐ MIỀN BẮC VIỆT NAM
THEO CHẾ ĐỘ KIẾN TẠO

HOÀNG SAO, DƯƠNG ĐỨC KIÊM

Viện nghiên cứu Địa chất và Khoáng sản, Thanh Xuân, Hà Nội

Tóm tắt: Các phức hệ granitoiđ liên quan mật thiết với môi trường kiến tạo, nên có thể sử dụng thành phần khoáng vật, hóa học của granitoiđ để xác lập chế độ kiến tạo cho các khu vực của vỏ Trái đất.

Trong bài báo này, chúng tôi sử dụng số liệu thành phần khoáng vật và hoá học của các phức hệ granitoiđ của Izokh [2] và của Lacroix [3], biểu diễn trên các biểu đồ môi trường kiến tạo khác nhau do Papu D.Maniar, Philip M.Piccoli [5] đề xuất. Kết quả cuối cùng là:

Granitoiđ các phức hệ Sông Chảy, Điện Biên, Phia Bioc, Pia Oăc, Đèo Mây, Yê Yên Sun, Mường Hum và Bản Chiềng là granitoiđ tạo núi, trong đó granitoiđ phức hệ Điện Biên và Đèo Mây là granitoiđ cung lục địa (CAG), granitoiđ phức hệ Sông Chảy, Phia Bioc, Pia Oăc, Yê Yên Sun là granitoiđ va chạm lục địa (CCG), còn granitoiđ phức hệ Mường Hum và Bản Chiềng là granitoiđ sau tạo núi (POG).

Granitoiđ của các phức hệ Ca Vịnh, Phu Sa Phìn, Nậm Xe - Tam Đường là granitoiđ không liên quan với chế độ tạo núi, trong đó granitoiđ phức hệ Ca Vịnh là plagiogranit đại dương (OP), còn granitoiđ phức hệ Phu Sa Phìn và Nậm Xe - Tam Đường là granitoiđ rift lục địa (RRG).


MỞ ĐẦU

Sự thành tạo granitoiđ liên quan mật thiết với môi trường kiến tạo, nên có thể sử dụng thành phần khoáng vật, hoá học của granitoiđ để xác lập chế độ kiến tạo cho từng khu vực địa chất. Thuật ngữ granitoiđ sử dụng ở đây bao gồm các loại đá: granit, granit kiềm, granođiorit, tonalit, tronđjemit, điorit thạch anh, syenit thạch anh, monzonit thạch anh, syenit thạch anh kiềm; chúng đều có SiO2 > 60%.

Theo môi trường kiến tạo, granitoiđ được phân thành hai nhóm chính: granitoiđ tạo núi và granitoiđ không liên quan với chế độ tạo núi [5].

Chế độ tạo núi được đặc trưng bởi các quá trình biến dạng, biến chất và xâm nhập, kết thúc khi có va chạm giữa một cung đảo với một khối lục địa hoặc khi chuyển động mảng thay đổi. Granitoiđ tạo núi chia nhỏ thành bốn loại: granitoiđ cung đảo, granitoiđ cung lục địa, granitoiđ va chạm lục địa và granitoiđ sau tạo núi.

Granitoiđ cung đảo (island arc granitoids - IAG) là sản phẩm của cung magma hình thành do một mảng đại dương bị hút chìm bên dưới mảng đại dương khác.

Granitoiđ cung lục địa (continental arc granitoids - CAG) là sản phẩm của cung magma hình thành trong lục địa do một mảng đại đương bị hút chìm bên dưới mảng lục địa.

Granitoiđ va chạm lục địa (continental collision granitoids - CCG) là các đá xâm nhập hình thành trong giai đoạn va chạm giữa lục địa với lục địa ở thời kỳ tạo núi.

Granitoiđ sau tạo núi (post orogenic granitoids - POG) là các đá xâm nhập thành tạo trong giai đoạn cuối cùng của thời kỳ tạo núi, chúng được thành tạo sau khi các biến dạng của vùng đã chấm dứt. Các loại granitoiđ này liên quan với giai đoạn tạo núi cả về thời gian và không gian, được Rogers và Greenberg (1981) đề nghị là đại diện cho giai đoạn chuyển tiếp của vỏ lục địa từ tạo núi sang bình ổn.

Thuật ngữ không tạo núi (anorogenic) được hiểu là không liên quan với chế độ tạo núi, không có bằng chứng nào về biến dạng hoặc biến chất của chế độ tạo núi. Granitoiđ không tạo núi chia nhỏ thành ba loại: granitoiđ liên quan với rift, granitoiđ các khối nâng lục địa và plagiogranit đại dương.

Granitoid liên quan với rift (rift related granitoids - RRG) là các loại đá xâm nhập thành tạo liên quan với chế độ rift của vỏ lục địa, liên quan với hình thành địa hào.

Granitoiđ các khối nâng lục địa (continental epeirogenic uplift granitoids - CEUG) là các đá xâm nhập thành tạo liên quan với vỏ lục địa bị nâng sau tạo núi, không phát triển thành rift.

Plagiogranit đại dương (oceanic plagiogranites - OP) là một ít plagiogranit sinh thành cùng với đa số các đá bazơ. Plagiogranit đại dương thường có ở các đảo và dãy núi giữa đại dương.

Phân loại granitoiđ theo môi trường kiến tạo dựa theo thành phần khoáng vật, hoá học của granitoiđ như trình bày trên, được thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Phân biệt giữa plagiogranit đại dương (OP) và các loại granitoiđ còn lại bằng biểu đồ tương quan giữa K2O và SiO2. Trên biểu đồ này thể hiện rất rõ là plagiogranit đại dương  chứa K2O rất thấp (K2O <1).

Bước 2: Phân biệt giữa các loại granitoiđ IAG, CAG, CCG, và RRG, CEUG bằng các biểu đồ tam giác QAP, biểu đồ các oxyt và biểu đồ chỉ số Shand, chia làm hai bước nhỏ:

- Bước 3A: Phân biệt các granitoiđ của IAG, CCG và CAG bằng biểu đồ chỉ số Shand bằng tỷ số Al2O3/CaO + K2O + Na2O, trong đó, granitoiđ CCG có tỷ số này lớn hơn 1,05, còn IAG và CAG nhỏ hơn 1,15. Nếu tỷ số này nằm giữa 1,05 - 1,15 thì không thể phân biệt được.

Bước 3B: Phân biệt granitoiđ RRG và CEUG bằng biểu đồ thể hiện mối tương quan giữa TiO2 và SiO2, trong đó granitoiđ RRG có giá trị TiO2 cao hơn so với granitoiđ CEUG. Tuy nhiên giữa hai trường này cũng có sự chồng chéo nào đó.

I. PHÂN LOẠI GRANITOIĐ CỦA CÁC PHỨC HỆ MAGMA MIỀN BẮC VIỆT NAM THEO CHẾ ĐỘ KIẾN TẠO

Chúng tôi sử dụng thành phần khoáng vật, hoá học các đá granitoiđ các phức hệ magma theo Izokh [2] gồm các thành tạo granitoiđ có trong 11 phức hệ xâm nhập là: Sông Chảy, Ca Vịnh, Điện Biên, Phia Bioc, Pia Oăc, Phu Sa Phìn, Đèo Mây, Mường Hum, Nậm Xe - Tam Đường, Yê Yên Sun, Bản Chiềng.

Thành phần khoáng vật và hoá học granitoiđ của các phức hệ trên được thể hiện trên biểu đồ phân loại kiến tạo.

1. Granitoiđ phức hệ Sông Chảy

Khối Sông Chảy nằm về phía tây, tây nam thị xã Hà Giang, lộ ra trên 2500 km2, có dạng vòm lớn, khá tròn trịa, hơi kéo dài theo hướng đông bắc - tây nam, gồm granit hai mica dạng porphyr, granit sáng màu, granit bị biến đổi mạnh.

Thành phần khoáng vật của granit khối Sông Chảy xem bảng 1, trang 304 trong [2].

Thành phần hoá học của granit khối Sông Chảy xem bảng 2, trang 306 trong [2].

Phức hệ Sông Chảy được thành tạo trước Paleozoi [2]. Theo Trần Văn Trị [6] phức hệ Sông Chảy được xếp vào Paleozoi, vì gây biến chất trầm tích hệ tầng Hà Giang tuổi Cambri giữa và trầm tích Paleozoi bao quanh khối Sông Chảy phát triển chỉnh hợp và đồng dạng với kiến trúc nội bộ của khối Sông Chảy.

Thành phần khoáng vật, hoá học của granit khối Sông Chảy được thể hiện trên các biểu đồ phân loại kiến tạo. Trên biểu đồ tam giác QAP (Hình 1) và biểu đồ tương quan giữa SiO2 và Al2O3 (Hình 2) chúng đều nằm vào trường CCG. Vì vậy, granitoiđ phức hệ Sông Chảy thuộc nhóm granitoiđ tạo núi, loại granitoiđ va chạm lục địa (CCG).

2. Granitoiđ loạt Điện Biên

Loạt Điện Biên gồm các khối xâm nhập Nậm Rốm, Nậm Meng, Po Sen... phân bố ở Tây Bắc Bộ. Phức hệ Điện Biên đại diện cho một kiểu thành hệ phân dị chuyển tiếp từ mafic đến axit: gabrođiorit-điorit, granođiorit -plagiogranit-granit alaskit, trong đó chúng tôi chỉ sử dụng các đá granođiorit, plagiogranit, granit của phức hệ này để xem xét liên quan với môi trường kiến tạo.

Thành phần khoáng vật của granitoiđ loạt Điện Biên xem bảng 4, trang 330-331 trong [2].

Thành phần hoá học của granitoiđ loạt Điện Biên trích từ bảng 6, trang 339-343 trong [2].

Thời gian thành tạo các đá của loạt Điện Biên trùng với chuyển động kiến tạo vào giới hạn giữa Trias sớm và Trias giữa [2] và theo Trần Văn Trị và nnk [6] thì tuổi nhóm Điện Biên - Ngân Sơn còn là vấn đề chưa thật rõ ràng. Nó có thể xuất hiện trong giai đoạn Permi muộn - Carni.

Thành phần khoáng vật, hoá học của granitoiđ loạt Điện Biên được thể hiện trên các biểu đồ phân loại kiến tạo. Trên biểu đồ tương quan giữa SiO2  và Al2O3 (Hình 3) và trên biểu đồ chỉ số Shand (Hình 4), chúng đều rơi vào trường CAG, nên có thể xếp granitoiđ loạt Điện Biên vào nhóm granitoiđ tạo núi, thuộc loại granitoiđ cung lục địa (CAG).

3. Granitoiđ phức hệ Phia Bioc

Phức hệ Phia Bioc phân bố rộng rãi trong các đới cấu trúc khác nhau ở miền Bắc Việt Nam bao gồm các khối: Phia Bioc, Linh Đàm, Chợ Chu, Núi Là, Pu Si Lung, Bản Bồng Tôm, Tạ Khoa, Kim Bôi, Mường Lát, Làng Bông, Sầm Sơn, Núi Ông, Mường Xén, Trường Sơn, Tuấn Trường, Đồng Hới…[2].



Phức hệ Phia Bioc gồm các loại đá chủ yếu là granit biotit và granit hai mica.

Thành phần khoáng vật của granit phức hệ Phia Bioc xem bảng 14, trang 384-387 trong [2].

Thành phần hoá học của granit phức hệ Phia Bioc xem bảng 16, trang 388, 389 trong [2].

Tuổi xâm nhập phức hệ Phia Bioc ở khoảng giữa Carni và Nori [2] hoặc vào Trias muộn (sát trước Nori) [6].

Thành phần khoáng vật, hoá học của granit phức hệ Phia Bioc được thể hiện trên các biểu đồ phân loại kiến tạo. Trên biểu đồ tương quan giữa SiO2 và Al2O3 (Hình 5) và trên biểu đồ chỉ số Shand (Hình 6) chúng đều rơi vào trường CCG, nên có thể xếp granit phức hệ Phia Bioc vào nhóm granitoiđ tạo núi, thuộc loại granitoiđ va chạm lục địa (CCG).

 4. Granitoiđ phức hệ Pia Oăc

Phức hệ Pia Oăc gồm những khối nhỏ granit chứa thiếc, phân bố ở vùng Đông Bắc Bộ. Đó là các khối: Pia Oăc, Sơn Dương, Đá Liền, Ngân Sơn, có diện lộ nhỏ. Dựa vào đặc điểm tiếp xúc của khối Pia Oăc, những dấu hiệu biến chất tiếp xúc, giàu khoáng hoá, có thể dự đoán dưới sâu có những khối granit rất lớn trong các vùng này.

Về đặc điểm thạch học, granit phức hệ Pia Oăc giống với granit phức hệ Phia Bioc, có thể xếp chung vào một phức hệ, nhưng so với granit phức hệ Phia Bioc thì granit phức hệ Pia Oăc sáng màu hơn, plagioclas axit hơn, không có khoáng vật phụ corđierit, anđalusit và các khoáng vật cao nhôm khác, muscovit vượt trội hơn biotit, plagioclas thường cao hơn felspat kali. Granit phức hệ Pia Oăc rất giàu các nguyên tố: F, B, Sn, W, as, Be, Nb, v.v. Liên quan nguồn gốc với granit phức hệ Pia Oăc có khoáng sản thiếc, wolfram.

Thành phần khoáng vật của granit phức hệ Pia Oăc xem bảng 24, trang 444 trong [2].

Thành phần hoá học của granit phức hệ Pia Oăc xem bảng 25, trang 447, 448 trong [2].

Phức hệ Pia Oăc được xếp vào tuổi Creta muộn dựa vào giá trị tuổi tuyệt đối (85 - 95 triệu năm) [2].

Thành phần khoáng vật và hoá học của granit  phức hệ Pia Oăc được thể hiện trên các biểu đồ phân loại kiến tạo. Trên biểu đồ tương quan giữa SiO2 và Al2O3 (Hình 7) và trên biểu đồ chỉ số Shand (Hình 8), chúng đều rơi vào trường CCG, nên có thể xếp granit phức hệ Pia Oăc vào nhóm granitoiđ tạo núi, thuộc loại granitoiđ va chạm lục địa (CCG).

5. Granitoiđ phức hệ Đèo Mây

Khối granitoiđ Đèo Mây có diện tích lớn 1.500 km2, là một trong những khối xâm nhập lớn ở miền Bắc Việt Nam, cấu thành phần lớn dãy núi Phan Si Pan. Các đá của phức hệ Đèo Mây là syenit-điorit, điorit- syenit thạch anh, granosyenit, granit, thường có cấu tạo gneis. Trong các đá đó kali vượt trội hơn natri, giàu nguyên tố hiếm Nb, Zr, Sr.

Thành phần khoáng vật của granitoiđ Đèo Mây xem bảng 31, trang 462-463 trong [2].

Thành phần hoá học của granit phức hệ Đèo Mây xem bảng 32, trang 462-463 trong [2].

Granitoiđ dạng gneis phức hệ Đèo Mây được xếp vào thành phần “Orthogneis Phan Si Pan” thuộc thành tạo Archei, bị biến chất vào thời kỳ Huron (Proterozoi) [3]. Theo Izokh [2], granitoiđ phức hệ Đèo Mây thuộc loạt Phan Si Pan có tuổi Paleogen. Khi lập bản đồ địa chất tỷ lệ 1: 200.000 tờ Lào Cai - Kim Bình, Phan Viết Kỷ [trong 1] đã gộp chung các khối Đèo Mây, Mường Hum thành một phức hệ tuổi Proterozoi muộn giả định.

Thành phần khoáng vật và hoá học của granitoiđ phức hệ Đèo Mây được thể hiện trên các biểu đồ phân loại kiến tạo. Trên biểu đồ tương quan giữa SiO2và Al2O3 và biểu đồ chỉ số Shand (Hình 10), chúng phân bố rất phân tán, nhưng đa số rơi vào trường CAG. Vì vậy, granitoiđ phức hệ Đèo Mây được xếp vào granitoiđ tạo núi, thuộc loại granitoiđ cung lục địa (CAG).

6. Granitoiđ phức hệ Mường Hum

Khối Mường Hum nằm cạnh thị trấn Mường Hum thuộc tỉnh Lào Cai. Thành phần chủ yếu là granit kiềm dạng gneis có felspat kali trội hơn so với plagioclas, khoáng vật màu là amphibol. Đường phương sọc gneis của granitoiđ trùng với đá biến chất Tiền Cambri hệ tầng Sin Quyền.

Thành phần khoáng vật của granitoiđ phức hệ Mường Hum xem bảng 34, trang 468-469 trong [2].

Thành phần hoá học của granit phức hệ Mường Hum xem bảng 35, trang 468-469 trong [2].

Cũng như granitoiđ phức hệ Đèo Mây, granitoiđ phức hệ Mường Hum được coi là thành phần “Orthogneis Phan Si Pan” thuộc thành tạo Archei, bị biến chất vào thời kỳ Huron (Proterozoi) [3], hoặc vào thời kỳ Proterozoi muộn giả định [1].

Thành phần khoáng vật và hoá học của granitoiđ phức hệ Mường Hum được thể hiện trên các biểu đồ phân loại kiến tạo. Chúng được xếp vào nhóm POG (Hình 11, 12) - granitoiđ sau tạo núi.

7. Granitoiđ phức hệ Yê Yên Sun

Thành tạo tiêu biểu nhất của phức hệ là khối Yê Yên Sun tạo nên phần xương sống của dãy núi Phan Si Pan. Khối phát triển theo hướng tây bắc - đông nam, dài 140 km (từ biên giới Việt-Trung đến vùng thượng nguồn suối Nậm Qua, tây nam Văn Bàn). Khối Yê Yên Sun chủ yếu gồm granosyenit biotit-amphibol, granit biotit-amphibol, granit biotit và granit sáng màu.

Thành phần khoáng vật của granitoiđ phức hệ Yê Yên Sun xem bảng 40, trang 484-485 trong [2].

Thành phần hoá học của granitoiđ phức hệ Yê Yên Sun xem bảng 42, trang 484-485 trong [2].

Thành phần khoáng vật và hoá học của granitoiđ phức hệ Yê Yên Sun được thể hiện trên các biểu đồ phân loại kiến tạo. Trên biểu đồ tương quan giữa SiO2 và Al2O3 (Hình 13) và biểu đồ chỉ số Shand (Hình 14), chúng đều rơi vào trường CCG (Hình 22, 23). Vì vậy, granitoiđ phức hệ Yê Yên Sun được xếp vào granitoiđ tạo núi, thuộc loại granitoiđ va chạm lục địa (CCG).

8. Granitoiđ phức hệ Bản Chiềng

Các thành tạo của phức hệ Bản Chiềng phân bố ở miền tây Thanh Hoá, gồm các khối: Bản Chiềng, Sông Chu, Phu Loi, Phu Om, Hồng Lĩnh. Chúng chứa những loại đá sau: syenit thạch anh, granosyenit, granit alaskit.

Thành phần khoáng vật của granitoiđ phức hệ Bản Chiềng xem bảng 44, trang 492-493 trong [2].

Thành phần hoá học của granitoiđ phức hệ Bản Chiềng xem bảng 45, trang 496-497 trong [2].

Phức hệ Bản Chiềng được xếp vào tuổi Paleogen dựa vào các số liệu tuổi tuyệt đối với các giá trị thay đổi từ 29 đến 41 triệu năm [2].

Thành phần khoáng vật và hoá học của granitoiđ phức hệ Bản Chiềng được thể hiện trên các biểu đồ phân loại kiến tạo. Trên biểu đồ tam giác QAP (Hình 15) và trên biểu đồ tương quan giữa SiO2 và FeO(T) / FeO(T) + MgO (Hình 16) chúng đều nằm trong trường POG. Vì vậy, granitoiđ phức hệ Bản Chiềng được xếp vào granitoiđ sau tạo núi (POG).

9. Granitoiđ phức hệ Ca Vịnh

Khối Ca Vịnh tiêu biểu cho phức hệ này, nằm về phía đông nam thị xã Yên Bái, có dạng kéo dài theo hướng tây bắc trùng với phương của đới Phan Si Pan, dài 60 km, rộng từ 5 đến 15 km. Diện lộ chung của khối 400 km2. Cấu thành khối Ca Vịnh có plagiogranit là loại đá phổ biến nhất của phức hệ. Ngoài ra trong phức hệ còn có tronđjemit, tonalit và granođiorit, có hàm lượng natri trội hơn kali. Granit thường có kiến trúc porphyr hoặc ban biến tinh, cấu tạo dải. Đặc điểm thạch học của phức hệ này rất giống các đá của phức hệ Sông Chảy.

Thành phần hoá học của granitoiđ phức hệ Ca Vịnh xem bảng 3, trang 314 trong [2].

Tuổi hình thành phức hệ Ca Vịnh còn nhiều vấn đề chưa sáng tỏ. Theo Izokh (trong [2]) phức hệ này có tuổi Proterozoi dựa theo thực thể đá ban đầu.

Hai kết quả phân tích hoá học của granitoiđ Ca Vịnh được thể hiện trên các biểu đồ phân loại kiến tạo, trong đó có 1 điểm rơi vào trường OP (Hình 17), nhưng trên biểu đồ chỉ số Shand (Hình 18), chúng đều nằm trong trường OP. Vì vậy, granitoiđ phức hệ Ca Vịnh được xếp vào granitoiđ không liên quan với chế độ tạo núi, thuộc loại plagiogranit đại dương (OP).

10. Granitoiđ phức hệ Phu Sa Phìn

Phức hệ này gồm các thể xâm nhập nông và á núi lửa, có quan hệ chặt chẽ trong không gian và thời gian và mang tính đồng magma với các thành tạo liparit-comenđit-orthophyr Tú Lệ.

Phức hệ Phu Sa Phìn được đặc trưng bởi dãy phân dị: syenit thạch anh - granosyenit-granit, trong đó granosyenit chiếm ưu thế, thứ yếu là granit.

Thành phần khoáng vật của granitoiđ phức hệ Phu Sa Phìn xem bảng 28, trang 455 trong [2].

Thành phần hoá học của granitoiđ phức hệ Phu Sa Phìn xem bảng 29, trang 456-457 trong [2].

Các số liệu địa chất, thạch học, thạch hoá và địa hoá chứng minh tính đồng magma giữa phức hệ Phu Sa Phìn và các thành tạo phun trào axit, trung tính, á kiềm tuổi Jura-Creta của máng chồng Tú Lệ. Phức hệ Phu Sa Phìn xuất hiện chủ yếu vào cuối chu kỳ hoạt động núi lửa. Các giá trị tuổi tuyệt đối của biotit trong các loại đá của phức hệ phần lớn ứng với tuổi Creta sớm (81, 90 và 101 triệu năm).

Thành phần khoáng vật và hoá học của granitoiđ phức hệ Phu Sa Phìn được thể hiện trên các biểu đồ phân loại kiến tạo. Trên biểu đồ tam giác QAP (Hình 19) biểu đồ tương quan giữa SiO2 và TiO2 (Hình 20), chúng đều nằm trong trường RRG.

Vì vậy granitoiđ phức hệ Phu Sa Phìn được xếp vào granitoiđ không liên quan với chế độ tạo núi, thuộc loại granitoiđ liên quan với thành tạo rift (RRG).

11. Granitoiđ phức hệ Nậm Xe - Tam Đường

Phức hệ này gồm các khối nhỏ, phân bố chủ yếu dọc sườn tây dãy núi Phan Si Pan và lẻ tẻ ở vùng Pa Tần, bắc Lai Châu. Thành phần thạch học của phức hệ gồm syenit, syenit thạch anh và granosyenit, tất cả đều mang tính kiềm. Ngoài ra, còn gặp rải rác loại granit kiềm. Nhìn chung, phức hệ có các đặc điểm chính là:

- Các đá phân dị từ syenit qua granosyenit kiềm đến granit kiềm, phát triển ở trường xâm nhập nông, á núi lửa.

- Các khối tiêu biểu phân bố thành dải rải rác, dọc theo đứt gãy hướng tây bắc - đông nam.

- Đặc trưng bởi sự tăng cao hàm lượng của các nguyên tố quan trọng như Th, Pb, Nb, Be, Mo.

Thành phần khoáng vật của granitoiđ phức hệ Nậm Xe - Tam Đường xem bảng 37, trang 476 trong [2].

Thành phần hoá học của granitoiđ phức hệ Nậm Xe - Tam Đường xem bảng 38, trang 478 - 479 trong [2].

Theo số liệu tuổi tuyệt đối (56 triệu năm), phức hệ Nậm Xe - Tam Đường thành tạo vào Paleogen [2].

Thành phần khoáng vật và hoá học của granitoiđ phức hệ Nậm Xe - Tam Đường được thể hiện trên các biểu đồ phân loại kiến tạo. Trên biểu đồ tam giác QAP (Hình 21) và biểu đồ tương quan giữa SiO2 và TiO2 (Hình 22), chúng đều nằm trong trường CEUG và một phần nằm vào trường RRG. Vì vậy, granitoiđ phức hệ Nậm Xe - Tam Đường được xếp vào loại granitoiđ không liên quan với chế độ tạo núi, thuộc loại granitoiđ các khối nâng lục địa hoặc granitoiđ liên quan với thành tạo rift vỏ lục địa. Trên các biểu đồ không phân biệt được rõ ràng hai loại môi trường này.

II. KẾT LUẬN

Thành phần khoáng vật và hoá học [theo tài liệu của 2 và 3] granitoiđ của 11 phức hệ magma ở miền Bắc Việt Nam, được thể hiện trên các biểu đồ phân loại kiến tạo [5], có thể chia thành 2 nhóm chính:

- Granitoiđ  tạo núi gồm granitoiđ của các phức hệ Sông Chảy, Điện Biên, Phia Bioc, Pia Oăc, Đèo Mây, Yê Yên Sun, Mường Hum, Bản Chiềng, trong đó granitoiđ phức hệ Điện Biên và Đèo Mây là granitoiđ cung lục địa (CAG), granitoiđ phức hệ Sông Chảy, Phia Bioc, Pia Oăc, Yê Yên Sun là granitoiđ va chạm lục địa (CCG), còn granitoiđ phức hệ Mường Hum, Bản Chiềng là granitoiđ sau tạo núi (POG).

- Granitoiđ không liên quan với chế độ tạo núi gồm granitoiđ của các phức hệ Ca Vịnh, Phu Sa Phìn, Nậm Xe - Tam Đường, trong đó granitoiđ phức hệ Ca Vịnh là plagiogranit đại dương (OP), còn granitoiđ Phu Sa Phìn và Nậm Xe - Tam Đường là granitoiđ liên quan thành tạo rift vỏ lục địa (RRG).

VĂN LIỆU

1. Bùi Phú Mỹ (Chủ biên), 1978. Địa chất tờ Lào Cai - Kim Bình. Tổng cục Địa chất, Hà Nội. 

2. Đovjikov A.E (Chủ biên), 1965.  Geologija Severnogo Vietnama. Objasnitelnaja zapiska k geologitcheskoi karte Severnogo Vietnama. GGU, Hà Nội.

3. Lacroix A., 1993. Contribution à la connaissance de la composition chimique et minéralogique des roches éruptive de l'Indochine. Bull. SGI, XX/3, Hà Nội.

4. Nguyễn Xuân Tùng, Trần Văn Trị (Đồng chủ biên), 1992. Thành hệ địa chất và địa động lực Việt Nam. Nxb Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.

5. Papu D. Maniar, Philip M.Piccoli, 1989. Tectonic discrimination of granitoids. Dept. of Geol. and Plan. Sci. Univ. of Pittsburgh, Pittsburgh, Pennsylvania.

6. Trần Văn Trị (Chủ biên), 1977. Địa chất Việt Nam. Phần miền Bắc. Nxb Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.