KẾT QUẢ ĐÁNH GIÁ TIỀM NĂNG NƯỚC DƯỚI ĐẤT VÙNG THỊ XÃ CÀ MAU
Tháng 7/2004 Liên đoàn Địa chất thuỷ văn - Địa chất công trình Miền Nam đã
hoàn thành báo cáo kết quả thực hiện đề án điều tra địa chất “Đánh giá tiềm năng
nước dưới đất vùng thị xã Cà Mau” trên diện tích 578 km2 bao gồm thị
xã Cà Mau và các vùng lân cận do KS Tống Văn Liêm làm chủ nhiệm.
Kết quả đã phân chia được 4 tầng chứa nước lỗ hổng và các tầng cách nước
hoặc rất nghèo nước. Đối với các tầng chứa nước đã
xác định được diện phân bố trong không gian, thành phần thạch học, khả năng chứa
nước, tính phân đới thủy hoá, chất lượng nước và nguy cơ nhiễm bẩn.
Tầng chứa nước Pliocen thượng (n22) giàu nước nhất,
phân bố ở độ sâu từ 166 -217 m đến 237-255 m, có bề dày từ 35,5 đến 78,5 m. Ba
tầng chứa nước còn lại là qp2-3,
qp1 và n21 có diện phân bố rộng nhưng mức độ
chứa nước trung bình, có lưu lượng thay đổi trong khoảng rộng và có một số
khoảnh chứa nước lợ. Tầng qp2-3 có nước lợ ở khu vực phía bắc thị xã
với diện tích 118 km2, ở phía đông gồm xã Phong Thạnh Tây (huyện Giá
Rai, tỉnh Bạc Liêu) khoảng 3 km2, ở phía nam gồm xã Lương Thế Trân
khoảng 40 km2. Tầng n21
có nước lợ ở phía tây bắc và đông bắc thị xã.
Trên cơ sở 9 lỗ khoan do đề án thực hiện và các lỗ khoan đang khai thác tại
thị xã đã xác định được trữ lượng khai thác tiềm năng của vùng đạt 360.000 m3/ngày,
trong đó trữ lượng cấp A+B là 10200 m3/ngày, cấp C1 là 12000 m3/ngày
và cấp C2 là 108.800
m3/ngày. Như vậy 4 tầng chứa nước có chất lượng và trữ lượng đảm bảo
cho mục đích sinh hoạt và sản xuất ở thị xã Cà Mau và các vùng lân cận. Để tổ
chức khai thác ở khu vực phía bắc và nam thị xã nên thăm dò hai tầng n21 và n22,
còn ở khu vực phía đông nên đầu tư thăm dò 3 tầng qp1, n21 và n22.
Tại thị xã Cà Mau, để có công suất khai thác lớn và hạn chế sự hạ thấp mực nước,
nên khai thác trong nhiều tầng khác nhau.
Kết quả điều tra của đề án đã góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh
tế xã hội của thị xã Cà Mau và các vùng lân cận, đồng thời cho phép dự báo nguồn
nước nhạt ở các vùng khác của các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và Kiên Giang.
Phòng ĐỊa chẤt
Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam