KHẢ NĂNG ÁP DỤNG PHƯƠNG PHÁP ĐỊA CHẤN NÔNG PHÂN GIẢI CAO ĐỂ NGHIÊN CỨU CHI
TIẾT MẶT CẮT ĐỊA CHẤT ĐỆ TỨ KHU VỰC BIỂN VÀ ĐỒNG BẰNG
PHẠM NĂNG VŨ1, NGUYỄN TRẦN TÂN2
1Đại học Mỏ - Địa
chất, Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội
2Liên đoàn Vật lý địa chất, Thanh Xuân, Hà Nội
Tóm tắt: Dựa trên các nghiên cứu về lý thuyết cũng
như các tài liệu địa chấn thu thập được từ việc áp dụng phương pháp địa chấn
nông phân giải cao để nghiên cứu chi tiết mặt cắt trầm tích Đệ tứ khu vực biển
và đồng bằng Nam Bộ, các tác giả đã chỉ ra tính hiệu quả cao của phương pháp này
trong nghiên cứu các trầm tích Đệ tứ.
Để nghiên cứu lớp phủ Đệ tứ, bên cạnh các phương pháp khảo sát địa chất
truyền thống, trong thời gian gần đây nhiều nước tiên tiến trên thế giới như Mỹ,
Anh, Nga và các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippin,
Indonesia [1, 3] đã áp dụng rất hiệu quả phương pháp lát cắt địa chấn nông phân
giải cao (ĐCNPGC- Shallow high-resolution seismic profiling). Trong những năm
qua, các tác giả của công trình này đã chủ trì và tham gia chỉ đạo nhiều đề án
áp dụng ĐCNPGC để nghiên cứu cấu trúc địa chất lớp phủ Đệ tứ ở nhiều khu vực ven
biển và và hải đảo nước ta, đặc biệt khu vực biển và đồng bằng Nam Bộ.
Trong công trình này và các công trình tiếp theo chúng tôi sẽ lần lượt giới
thiệu các kết quả nghiên cứu áp dụng ĐCNPGC để khảo sát cấu trúc địa chất lớp
phủ Đệ tứ, phục vụ giải quyết nhiều nhiệm vụ khác nhau. Trước hết, trong công
trình này chúng tôi xin giới thiệu các kết quả nghiên cứu nhằm xác định khả năng
áp dụng ĐCNPGC để nghiên cứu chi tiết lát cắt địa chất Đệ tứ ở khu vực biển và
đồng bằng Nam Bộ.
I. CHIỀU SÂU KHẢO SÁT VÀ ĐỘ PHÂN GIẢI
CỦA ĐCNPGC
Phương pháp ĐCNPGC, giống như phương pháp địa chấn dầu khí, tiến hành quan
sát mặt cắt địa chất dựa vào quan sát các sóng phản xạ từ các bề mặt phân lớp
khác nhau của mặt cắt. Tuy nhiên, khác với phương pháp địa chấn dầu khí, để
nghiên cứu chi tiết lát cắt địa chất nằm sát mặt đất trong phương pháp ĐCNPGC,
người ta quan sát các sóng địa chấn phản xạ tần số cao từ 500-600 đến 5-6 kHz,
phản xạ từ các ranh giới địa chất nằm sát mặt đất đến độ sâu một vài trăm mét.
Trong ĐCNPGC, để phát sóng, người ta sử dụng hai loại nguồn phát: nguồn
phóng tia lửa điện - Spacker Ray và nguồn rung - Boomer.
Nguồn Spacker Ray tạo ra các xung áp suất nhờ phóng dòng điện mạnh trực
tiếp vào nước mặn, còn nguồn Boomer thì tạo ra các dao động nhờ sự rung động của
các màng kim loại dưới tác dụng của lực điện từ.
Loại nguồn thứ nhất có công suất
lớn, đạt tới hàng chục kJ, song các dao động do nguồn này phát ra nằm ở dải tần
thấp từ 500-600 đến khoảng 1000 Hz.
Loại nguồn thứ hai, ngược lại, có công suất phát nhỏ, không vượt quá 1 kJ, song
các dao động do nó phát ra có tần số cao hơn so với nguồn Spacker Ray và nằm
trong dải tần từ một vài đến 5-6 kHz.
Công suất và dải tần số của các
nguồn phát sóng ảnh hưởng quyết định đến độ sâu nghiên cứu và độ phân giải của
các khảo sát địa chấn. Các nguồn phát có công suất lớn và tần số thấp có độ sâu
khảo sát lớn. Ngược lại, các nguồn phát có các xung sóng tần số cao có khả năng
nghiên cứu chi tiết lát cắt địa chất do có độ phân giải cao.
Độ sâu nghiên cứu của thăm dò
địa chấn nói chung và ĐCNPGC nói riêng là độ sâu tối đa mà phương pháp có thể
khảo sát được. Với công suất và dải tần đang được sử dụng thì nguồn Sparker Ray
thường có khả năng xuyên qua được lớp phủ Đệ tứ dày 200-300 m. Trong khi đó,
nguồn Boomer chỉ có khả năng nghiên cứu được mặt cắt địa chất Đệ tứ có chiều dày
không vượt quá 30-50 m. Như vậy, nếu sử dụng nguồn Sparker Ray chúng ta có thể
khảo sát được hầu như toàn bộ lớp phủ Đệ tứ ở vùng biển và châu thổ Nam Bộ, nơi
chiều dày của lớp phủ này chủ yếu nằm trong giới hạn từ vài chục đến 200-300 m.
Trong khi đó nếu sử dụng nguồn Boomer thì chỉ có thể khảo sát được các thành tạo
Holocen và Pleistocen muộn với chiều dày 30-50 m nằm sát mặt đất ở vùng đồng
bằng và ven biển Nam Bộ.
Trong các phương pháp địa chấn,
khi chiều sâu nghiên cứu của phương pháp càng lớn thì độ phân giải quyết định
đến khả năng nghiên cứu mặt cắt địa chất của phương pháp càng kém. Điều này liên
quan đến tần số của các dao động sóng do nguồn phát ra. Các dao động tần số
thấp, do trong quá trình lan truyền ít bị hấp thụ nên có khả năng xuyên sâu tốt.
Ngược lại, các dao động có tần số cao bị hấp thụ mạnh nên khả năng xuyên sâu
kém. Trong khi đó độ phân giải thì ngược lại, sóng có tần số càng cao độ phân
giải càng lớn; nghĩa là có khả năng nghiên cứu chi tiết mặt cắt địa chất càng
cao. Trong thăm dò địa chấn, người ta phân biệt độ phân giải đứng và độ phân
giải ngang.
Độ phân giải đứng xác định khả năng mà
phương pháp có thể quan sát chi tiết mặt cắt địa chất theo phương thẳng đứng. Độ
phân giải đứng (z) phụ thuộc vào chiều dài bước sóng l và được xác định bằng công thức:
trong đó: v - tốc độ truyền sóng
trong đất đá; T - chu kỳ; f - tần số của các dao động sóng.
Để phát hiện rõ một lớp có chiều dày h và tốc độ truyền sóng bằng v trên các mặt cắt địa chấn đòi
hỏi:
hay:
Điều này chỉ ra rằng, để phát hiện rõ trên các lát cắt địa chấn lớp đất đá
có chiều dày và vận tốc truyền sóng bằng v cần quan sát các dao động địa
chấn có tần số:
Công thức trên chỉ ra rằng, để quan sát rõ các lớp càng mỏng, cần phải sử
dụng các dao động tần số càng cao.
Nếu lưu ý rằng, tốc độ truyền sóng trong các thành tạo Đệ tứ ở vùng biển và
đồng bằng Nam Bộ nằm trong giới hạn từ 1500 đến 2000 m/s, thì khi sử dụng nguồn
phát Sparker Ray, độ phân giải thẳng đứng sẽ thay đổi từ 0,7 đến 2 m, còn đối
với nguồn Boomer thì độ phân giải đứng có thể đạt tới 0,1- 0,5 m.
Độ phân giải ngang là khả năng mà phương pháp có thể quan sát tách biệt
được đối tượng địa chất có kích thước ngangnhất định ra khỏi các đối tượng địa chất nằm cạnh nó. Độ phân
giải ngang không chỉ phụ thuộc vào bước sóng
mà còn phụ thuộc vào độ
sâu h từ tuyến quan sát đến đối tượng khảo sát và được tính bằng bán kính R của
đới Fresnel trong cùng [2, 4]:
Nếu h = 30 m, v = 1800 m/s và f = 5000 Hz thì độ phân giải ngang còn nếu h =
300 m, v = 2000 m/s và f = 1000 Hz thì
m.
Như vậy, nếu sử dụng nguồn Boomer, độ phân giải ngang có thể đạt được tối
đa tới 3 m, còn đối với nguồn Sparker Ray thì độ phân giải ngang sẽ nằm trong
giới hạn 15-30 m.
II. ẢNH HƯỞNG CỦA ĐỘ SÂU ĐẶT
NGUỒN PHÁT VÀ MÁY THU ĐẾN ĐỘ SÂU KHẢO SÁT VÀ ĐỘ PHÂN GIẢI CỦA ĐCNPGC
Phần trước đã chứng minh ảnh hưởng của tần số dao động lên độ sâu nghiên
cứu và độ phân giải của ĐCNPGC. Ngoài tần số dao động, độ sâu nghiên cứu và độ
phân giải của ĐCNPGC còn phụ thuộc vào độ sâu đặt nguồn phát và máy thu để quan
sát sóng. Trong phương pháp ĐCNPGC, người ta phải đặt nguồn phát và máy thu
trong lớp nước để quan sát sự thay đổi áp suất âm của lớp nước, khi trong đó tồn
tại các dao động sóng địa chấn. Đặc điểm quan sát sóng như vậy sẽ dẫn đến hiện
tượng là ngoài sóng phản xạ đi từ dưới lên, máy thu còn nhận cả các dao động
phản xạ từ mặt nước đập xuống. Hiện tượng giao thoa của hai loại sóng trên sẽ
ảnh hưởng đến độ sâu nghiên cứu và độ phân giải của phương pháp.
Để nghiên cứu ảnh hưởng trên, trên cơ sở giải phương trình sóng, chúng tôi
đã tiến hành khảo sát đặc điểm phân bố áp suất âm trong lớp nước khi trong đó
tồn tại sóng địa chấn.
Nếu gốc toạ độ đặt trên mặt nước và trục x hướng xuống dưới thì phương
trình dao động của sóng phẳng phát triển trong lớp nước có dạng:
trong đó: (x, t) - thế tốc độ dịch
chuyển của các dao động sóng trong lớp nước; Co - tốc độ truyền sóng
trong lớp nước.
Giải phương trình trên với điều kiện ban đầu cho rằng trong lớp nước tồn
tại các dao động sóng hình sin điều hoà, ta sẽ nhận được nghiệm sau:
Nếu lưu ý tới mối quan hệ giữa áp suất âm P xuất hiện trong lớp nước và thế
tốc độ dịch chuyển thì áp suất âm P tác
động lên máy thu áp điện đặt trong lớp nước sẽ bằng:
trong đó: A = - biên độ của áp suất âm; r0 - mật độ của lớp nước
Công thức trên chỉ ra rằng, biên
độ của áp suất âm mà các máy thu áp điện (hydrophone) nhận được phụ thuộc vào
khoảng cách x từ mặt nước đến vị trí đặt máy thu.
Chắc rằng, khi:
với n = 0, 1, 2…
thì A = 0.
Còn khi:
với n = 1, 3, 5…
thì A đạt cực đại
Như vậy, nếu đặt máy thu trên
mặt nước và ở các độ sâu bằng bội của nửa bước sóng l, áp suất âm sẽ bằng
không; máy thu sẽ không thu được các dao động sóng. Để ghi các dao động sóng với
biên độ lớn nhất, cần đặt máy thu xuống các độ sâu bằng bội lẻ lần của 1/4 bước
sóng l.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng trong
thực tế các xung sóng do nguồn Spacker Ray và Boomer phát ra là các xung ngắn
gồm từ 1 đến 2 chu kỳ dao động. So với các dao động điều hoà kéo dài xét ở bài
toán trên thì khi phát các xung sóng ngắn như trong thực tế, các sóng phản xạ đi
từ dưới lên và các sóng phản xạ phản xạ từ mặt nước quay xuống dưới không giao
thoa với nhau trong toàn bộ lớp nước. Hiện tượng giao thoa chỉ tồn tại ở lớp
nước có chiều dày bằng một bước sóng nằm sát mặt nước. Trong lớp nước này sẽ
xuất hiện áp suất âm bằng tổng áp suất âm đi từ dưới lên và áp suất âm phản xạ
từ mặt nước xuống phía dưới. Phía dưới lớp nước trên không xảy ra hiện tượng
giao thoa của hai loại sóng trên; ở phần này các sóng trên tồn tại một cách độc
lập (trong không gian).
Để làm rõ đặc điểm phân bố của
trường sóng khi trong lớp nước tồn tại các xung dao động ngắn như trong thực tế,
chúng tôi đã tiến hành tính toán các đặc điểm phân bố áp suất âm trong lớp nước,
khi các xung sóng là các hình sin có chiều dài bằng một chu kỳ rưỡi (hai cực đại
và một cực tiểu); kết quả tính được biểu diễn trên Hình 1. Phân tích các kết quả
tính trường sóng nhận được, có thể đưa ra các kết luận có ý nghĩa thực tế quan
trọng sau:
Để đạt được chiều sâu nghiên cứu
lớn nhất, việc phát và thu sóng phải tiến hành ở độ sâu bằng 1/4 bước sóng. Ở độ
sâu này, do sóng đi từ dưới lên và phản xạ từ lớp nước xuống, xuất hiện gần như
đồng pha nên biên độ sóng lớn gấp 2 lần ở các độ sâu khác. Ở các độ sâu nhỏ hơn
độ sâu trên, biên độ sóng giảm nhanh và sẽ bằng 0 khi máy thu và nguồn phát đặt
trên mặt nước. Khi máy thu và nguồn phát đặt chìm sâu hơn 1/2l thì biên độ sóng áp
suất bị giảm đi 2 lần so với độ sâu bằng 1/4l.
Không chỉ biên độ sóng, độ phân
giải của mặt cắt địa chấn cũng phụ thuộc đáng kể vào độ sâu đặt nguồn phát và
máy thu. Từ kết quả tính xung sóng trên Hình 1 có thể thấy rằng, độ phân giải
càng cao khi máy thu và nguồn phát đặt càng nông. Để đạt được độ phân giải tối
ưu, độ sâu đặt nguồn phát và máy thu phải nhỏ hơn 1/4l. Ở các độ sâu lớn hơn
và bằng 1/2l, các mặt cắt ĐCNPGC
không những không đạt yêu cầu về độ phân giải mà còn làm xuất hiện các sóng vệ
tinh, tạo ra sóng giả trên mặt cắt ĐCNPGC. Chính vì vậy, việc hạ thấp độ sâu đặt
máy thu và nguồn phát xuống chiều sâu lớn hơn 1/2 bước sóng là điều không được
phép.
III. KHẢ NĂNG ÁP
DỤNG ĐCNPGC ĐỂ KHẢO SÁT CHI TIẾT MẶT CẮT ĐỆ TỨ KHU VỰC BIỂN VÀ ĐỒNG BẰNG NAM BỘ
Để có thể đánh giá được khả năng
áp dụng ĐCNPGC ở vùng biển và đồng bằng Nam Bộ, trong khuôn khổ bài báo này
chúng tôi xin đưa ra một số kết quả khảo sát thực tế. Hy vọng rằng, cùng với các
nghiên cứu lý thuyết, các khảo sát thực tế sẽ làm rõ hơn khả năng áp đụng ĐCNPGC
phục vụ công tác nghiên cứu chi tiết mặt cắt Đệ tứ .
Trên hình 2 là đoạn mặt cắt
ĐCNPGC khảo sát được ở khu vực ngoài khơi Côn Đảo. Trên mặt cắt này, có thể thấy
rằng phần mặt cắt Đệ tứ quan sát được chủ yếu gồm các tập trầm tích biển (sét,
bột), đặc trưng bởi trường sóng đồng nhất, phản xạ yếu hoặc phân lớp mỏng nằm
ngang, nằm xen kẽ với các tập trầm tích sông hồ (cát, sét) đặc trưng bởi trường
sóng uốn lượn, xiên chéo, đào khoét. Chiều dày của mỗi tập trầm tích trên dao
động trong giới hạn từ 15 đến 20 m. Ở phần trên của mặt cắt, vùng nằm sát đáy
hiện tại có thể quan sát thấy các thung lũng xâm thực phát triển gần như trên
toàn bộ chiều dài đoạn tuyến. Ở vùng nằm bên phải của đới đứt gãy, đè trên bề
mặt xâm thực là các ranh giới phản xạ ngắn xiên chéo tạo thành các nêm lấn. Các
nêm lấn này phát triển dần về phía trung tâm của đới xâm thực, nằm ở vùng đầu
tuyến. Dạng nêm lấn của trường sóng chỉ ra rằng, đáy của đới đào khoét xâm thực
được các trầm tích vụn thô cát, sạn lấp đầy, hình thành trong môi trường năng
lượng cao. Chiều dày của các thành tạo này có thể đạt trên 20 m ở chỗ đào khoét
sâu của thung lũng và bị vát mỏng đáng kể đến chiều dày 1-2 m ở cuối tuyến.
Nếu quan sát kỹ trường sóng dạng
nêm lấn ở cuối tuyến, chúng ta có thể phát hiện được các hố đào khoét địa phương
rất nhỏ, với kích thước ngang không vượt quá 20-30 m. Ngoài ra, ở phần sát đáy
biển hiện tại, khoảng cuối tuyến, có thể quan sát thấy các ranh giới nghiêng bị
bề mặt bào mòn, cắt cụt. Nằm trên bề mặt bào mòn là lớp bùn sét hiện đại rất
mỏng với chiều dày không vượt quá 1-2 m. Ngoài ra, trên mặt cắt còn quan sát
thấy sự có mặt các đứt gẫy kiến tạo rất trẻ. Hoạt động của chúng đã tạo ra một
địa hào hẹp và làm sụt bậc các lớp trầm tích bên trong địa hào so với hai cánh.
Biên độ sụt lún ở phần trên của địa hào khoảng 1-2 m, còn ở phần dưới của địa
hào đạt tới 4-5 m. Mặt cắt địa chấn phức tạp hơn có thể quan sát thấy trên đoạn
mặt cắt ĐCNPGC đo được ở vùng đông nam đới nâng Côn Sơn (H.3). Trên mặt cắt này
có thể quan sát thấy quá trình đào khoét tái diễn nhiều lần. Quan sát chi tiết
mặt cắt từ trên xuống dưới, chúng ta có thể nhận xét như sau về mặt cắt địa chất
Đệ tứ:
Trên cùng là lớp bùn sét hiện
đại. Lớp này phủ trên đới đào khoét trẻ nằm sát đáy biển. Chiều dày của lớp thay
đổi từ một vài mét ở phần lớn diện tích và tăng đến 10, thậm chí 20 m ở chỗ các
đào khoét xâm thực sâu.
Phía dưới lớp bùn sét hiện đại
là tập địa chấn nằm bên trên các lớp đào khoét cổ có kích thước lớn thuộc phần
dưới mặt cắt. Đây là tập xen kẽ sét, cát biển ven bờ, đặc trưng bởi trường sóng
phân lớp nằm ngang và nêm lấn.
Bên dưới lớp sét, cát biển nông
là tập trầm tích sông-hồ dày 40-50 m và nằm ở khoảng độ sâu từ 30-40 m đến 90 m
dưới đáy biển hiện tại. Tập trầm tích này đặc trưng bởi trường sóng uốn cong,
xiên chéo, kém liên tục và có các biểu hiện đào khoét phức tạp.
Phía dưới tập trầm tích sông-hồ
là thành tạo sét biển đặc trưng bởi trường sóng trắng khá đồng nhất.
Như vậy, các mặt cắt ĐCNPGC
trình bày ở trên cho phép nhận dạng một cách trực quan và khá chi tiết mặt cắt
địa chất Đệ tứ vùng biển Nam Bộ. Trên các mặt cắt này, ngoài việc phát hiện các
tập trầm tích dày (trên 10 m), chúng ta có thể quan sát được các lớp trầm tích
mỏng một vài mét. Tương tự, chúng ta có thể theo dõi được sự thay đổi của mặt
cắt địa chất theo phương nằm ngang như các đới đào khoét, các địa hào hẹp, đặc
biệt các đứt gãy phá huỷ. Ngoài các bất đồng nhất ngang như các đới đào khoét,
các địa hào có kích thước hàng trăm mét, trên các mặt cắt ĐCNPGC hoàn toàn có
thể phát hiện được các hố đào khoét nhỏ với chiều ngang không quá 20-30 m.
Từ các nhận xét và phân tích
trên, một mặt ta có thể xác nhận khả năng khảo sát khá chi tiết mặt cắt địa chất
Đệ tứ của phương pháp ĐCNPGC, mặt khác chỉ ra sự phù hợp giữa các số liệu khảo
sát thực tế với các tính toán lý thuyết.
Để có thể đánh giá được hiệu quả
áp dụng ĐCNPGC trong nghiên cứu lớp phủ Đệ tứ ở vùng đồng bằng Nam Bộ, dưới đây
chúng tôi xin đưa ra kết quả khảo sát ĐCNPGC dọc sông Tiền, trên đoạn tuyến chạy
qua vùng Vĩnh Long (H.4). Trên đoạn mặt cắt ĐCNPGC được giới thiệu ở Hình 4, lớp
phủ Đệ tứ có cấu trúc khá phân dị và gồm 2 phần. Phần trên của mặt cắt được đặc
trưng bởi trường sóng phân lớp nằm ngang, phản ánh các thành tạo Holocen, chủ
yếu gồm bùn, sét hiện đại. Phần dưới của mặt cắt được giới hạn ở nóc bởi bề mặt
lồi lõm phản xạ mạnh nằm ở độ sâu từ 20 đến 30 m. Phía dưới bề mặt phản xạ mạnh
là trường sóng uốn cong, xiên chéo phức tạp. Đặc điểm phản xạ sóng mạnh và phân
tán của trường sóng, một mặt chỉ ra sự khác biệt đáng kể về trở sóng giữa hai
phần của mặt cắt địa chất mặt khác chỉ ra rằng ranh giới địa chất giữa phần trên
và phần dưới của mặtt cắt là bề mặt bị đào khoét và xâm thực phức tạp. Các đặc
điểm trên của trường sóng cho phép khẳng định rằng, giống như nhiều khu vực khác
của đồng bằng Nam Bộ, phần dưới của mặt cắt ĐCNPGC đo được ở vùng Vĩnh Long là
các thành tạo Pleistocen thượng. Đây là lớp sét cứng, rắn chắc. Lớp sét này do
bị lộ trên lục địa một thời gian dài nên bị xâm thực và phong hoá mạnh. Quá
trình xâm thực và phong hoá, một mặt đã tạo ra bề mặt địa hình cổ lồi lõm rất
phức tạp, mặt khác làm sét bị cứng hóa và phong hoá loang lổ.
Ngoài các đặc điểm của mặt cắt
địa chất nêu trên, trên mặt cắt ĐCNPGC đo dọc sông Tiền còn quan sát thấy các
hoạt động kiến tạo rất trẻ. Các hoạt động này làm các thành tạo Holocen dịch
chuyển từ một đến vài mét. Ở phần dưới mặt cắt, nên nóc Pleistocen thượng, biên
độ dịch chuyển của các lớp trầm tích có thể đạt tới 4-5 m.
Như vậy, giống như các khảo sát
trên biển, các khảo sát ĐCNPGC ở đồng bằng Nam Bộ cũng cho chúng ta những hình
ảnh khá chi tiết về cấu trúc địa chất của lớp phủ Đệ tứ.
IV. KẾT LUẬN
Các kết quả tính toán lý thuyết
cũng như các tài liệu khảo sát thực tế giới thiệu trong bài báo cho phép đưa ra
các kết luận sau:
Phương pháp ĐCNPGC là
phương pháp quan sát nhanh, trực quan, liên tục và khá chi tiết mặt cắt địa chất
Đệ tứ dọc tuyến khảo sát. Phương pháp này không những cho phép phân chia mặt cắt
địa chất thành các tập trầm tích có chiều dày một vài chục mét, hình thành trong
những môi trường trầm tích khác nhau, mà còn có khả năng phát hiện được các lớp
mỏng có chiều dày 1-2 m. Ngoài ra, nó còn có thể xác định khá tin cậy các ranh
giới địa tầng, các hoạt động đào khoét, xâm thực cổ, cũng như các hoạt động kiến
tạo trẻ có biên độ dịch chuyển không đáng kể (từ 1-2 đến 4-5 m). Với các ưu điểm
trên, phương pháp ĐCNPGC không chỉ có thể sử dụng có hiệu quả trong các nghiên
cứu cấu trúc địa chất đại thể của lớp phủ Đệ tứ, mà còn có khả năng phục vụ đắc
lực cho công tác khảo sát địa chất công trình, địa chất thuỷ văn và các khảo sát
địa chất môi trường, tìm kiếm sa khoáng vv…
Độ phân giải của phương
pháp ĐCNPGC không chỉ phụ thuộc vào tần số thu phát các dao động địa chấn mà còn
phụ thuộc vào độ sâu đặt các thiết bị thu phát. Để nghiên cứu chi tiết mặt cắt
địa chất cần quan sát dao động tần số cao và đặt các thiết bị thu phát sóng ở
các độ sâu nhỏ hơn 1/4 bước sóng. Ngược lại, khi cần tăng độ sâu khảo sát cần
phát và thu dao động ở dải tần số thấp và đặt máy thu và nguồn phát xuống độ sâu
bằng 1/4 bước sóng.
Công trình được hoàn
thành với sự hỗ trợ kinh phí của Chương trình Nghiên cứu cơ bản giai đoạn 2004 -
2005.
VĂN LIỆU
1.
Berryhill, Henry L. Jr., 1987. Late
Quaternary facies and structure of
2. Phạm
Năng Vũ (Chủ biên), 1973. Địa vật lý thăm dò. Tập Thăm dò địa chấn.
Nxb Đại học và THCN. Hà Nội.
3. Ringis
J., 1990. Shallow-water
high-resolution marine technique. Lecture
and practice course. CCOP Geoscience report.
4. Sheriff
Robert E. and Geldart Leoyd P., 1996. Exploration seismology.