TRAO ĐỔI Ý KIẾN

VỀ QUYỂN GIÁO TRÌNH “ĐỊA CHẤT KIẾN TRÚC, ĐO VẼ BẢN ĐỒ ĐỊA CHẤT VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN CỦA ĐỊA KIẾN TẠO”

 

NGUYỄN XUÂN BAO

Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam, 200, Lý Chính Thắng, TP Hồ Chí Minh


 

Năm 2003 Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã cho in và phát hành quyển sách có tựa đề trên do PGS. TS. La Thị Chích và TS. Phạm Huy Long của Trường Đại học Bách khoa thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh biên soạn. Quyển sách đó đã được nhiều độc giả khen ngợi nhất là phần viết về địa kiến tạo, tuy nhiên sau khi xem tôi thấy có những vấn đề bất cập và nổi cộm như sau:

1- Là một quyển sách giáo khoa lẽ ra phải cung cấp những nội dung kiến thức hiện đại, những khái niệm và thuật ngữ chuẩn xác, nhưng trong quyển sách này bộc lộ nhiều điều sai lạc, nhầm lẫn và lỗi thời.

- Ngay tựa đề cuốn sách đáng lẽ là “địa chất cấu tạo” thì viết là “địa chất kiến trúc”. Một cách chính thức và cố ý tác giả đã mô tả “kiến trúc đường”, “kiến trúc mặt”, “kiến trúc khối”, “các kiến trúc lớp, nếp uốn, khe nứt, đứt gãy”, “các kiến trúc đai động, nền”, v.v… Nói là cố ý vì tác giả đã tham khảo sử dụng rộng rãi “Giáo trình địa chất cấu tạo” của Lê Như Lai (Nhà xuất bản Xây dựng, 1991). Có lẽ vốn là nhà thạch học, tác giả quen dùng thuật ngữ “kiến trúc” trong thạch học hiển vi mà người Nga gọi là “struktura”, trong khi người Anh và phần lớn thế giới còn lại gọi đó là “texture”, từ đó chuyển thuật ngữ này sang lĩnh vực địa chất cấu tạo, ở đó cả Đông lẫn Tây đều chỉ dùng từ “structure - strucktura”. Mặc dù vậy, các tác giả vẫn không nhất quán dùng từ “kiến trúc” khi viết “cấu tạo tuyến tính và dạng mặt” (trang 215), “cấu tạo không chỉnh hợp địa tầng” (trang 67), “các cấu tạo bọt, xỉ, dòng chảy của đá phun trào” (trang 202), “cấu tạo bên trong của khối xâm nhập”,“cấu tạo định hướng” (trang 216), “cấu tạo phân phiến, cấu tạo dạng dải, cấu tạo gơnai” (trang 229), “cấu tạo dải, cấu tạo đường’’ (trang 230), “cấu tạo khúc dồi” (trang 231), “cấu tạo đặc trưng của đá biến chất” (trang 238). Ở các phần ba và bốn thuật ngữ “cấu tạo” với nghĩa tương tự cũng xuất hiện không ít (các trang 423, 424, 425, 446, 447, 448, 466, 467, 468,…). Nhìn chung, việc dùng thuật ngữ trong quyển sách là tùy tiện, thiếu cân nhắc và không nhất quán.

- Thuật ngữ lineament được hiểu phổ biến là đường nét địa hình dạng tuyến kéo dài với quy mô khu vực và không nhất thiết có bản chất kiến tạo, nhưng tác giả quả đã rất bạo gan khi khẳng định: “Trong cuốn sách này chúng tôi đồng nhất khái niệm đứt gãy sâu với lineament và gọi chung là đứt gãy sâu” (trang 377). Tiếp đó là một câu mơ hồ: “Tuy nhiên khi chưa xác định được tính chất hành tinh của đứt gãy sâu thì có thể dùng thuật ngữ lineament để miêu tả chúng”. Khái niệm “dựa vào độ sâu người ta chia đứt gãy sâu ra các đứt gãy sâu nội thạch quyển (cấp 2,3), đứt gãy sâu xuyên thạch quyển (cấp 1), khi người ta thấy dọc theo đứt gãy  có nhiều biểu hiện hoạt động của magma granit hoặc magma bazan,v.v..” (trang 377) là rất lỗi thời và sai lầm khi xét từ quan điểm của kiến tạo mảng và địa chất cấu tạo hiện đại.

- Đeo bám vào nhận thức đã từng thống trị ở Liên Xô vào giữa thế kỷ trước, các tác giả cho rằng: “giả thuyết lớp phủ chưa đứng vững được do còn nhiều quan điểm phải tranh cãi. Chắc chắn là có lớp phủ, nhưng chúng không đóng vai trò chính trong kiến trúc các miền nếp uốn” (trang 184). Nhận định này hoàn toàn xa lạ với hiểu biết hiện nay, theo đó các lớp phủ không phải là giả thuyết mà là thực tế hiển nhiên và phổ biến, được mô tả và thừa nhận ở hầu hết các đai tạo núi, chứ không chỉ riêng có ở Alpes và Karpates.

- Trong quyển sách trình bày dàn đều, tyhậm chí thiên lệch về các cấu tạo nguyên sinh của các thành tạo trầm tích, magma và biến chất, nhưng các cấu tạo thứ sinh do biến dạng chỉ được trình bày lướt qua. Ở đây thiếu nhiều kiến thức hiện đại về các đới cắt (shear zone) và đứt gãy trượt bằng (strike-slip faults), các đứt gãy cung thoải (listric fault), đứt gãy nghịch hướng (antithetic faults) và đứt gãy đế (sole faults) rất phổ biến trong các đứt gãy thuận: các cấu tạo miền bồn và dãy núi (the basin and range province) và phức hệ nhân biến chất (metamorphic  core complexes) thường phát triển ở các miền căng giãn vỏ lục địa; các cấu tạo cùng hướng (synthetic), đai vảy chờm (fold and thrust belts), lợp ngói (imbrication), chồng đôi (duplex), mặt bong tách (detachement horizon hay decollement plane), đứt gãy chờm đế (sole thrust), các nếp vồng giả (antiform), nếp máng giả (synform), … thường gặp trong các đai tạo núi siết ép, v.v… Trong các giáo trình địa chất cấu tạo ở các nước tiên tiến hiện nay người ta tránh lặp lại việc trình bày các cấu tạo nguyên sinh mà quyển sách này gọi là “dạng nằm của các đá”, vì chúng ta đã được đề cập chi tiết một cách nhất thiét ở tất cả các giáo trình thạch học và thạch luận đá trầm tích, magma và biến chất hoặc địa chất đại cương, để tập trung đề cập cặn kẽ không những các cấu tạo biến dạng mà cả các điều kiện và bối cảnh hình thành ra chúng, các hệ quả tạo bồn và tạo núi, các mối liên hệ nhân quả và sự kết hợp lẫn nhau giữa chúng.

- Các kiến thức về đo vẽ địa chất được thiết kế trình bày ở cả phần bốn của quyển sách, nhưng không ít nội dung lặp lại những điều đã được nói tới rải rác ở các phần một và hai. Rõ ràng hai tác giả đã thiếu sự phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc soạn thảo nên đã tạo ra sự trùng lặp này. Điều đáng nói là trong quyển sách không trình bày rõ ràng và rành mạch các yêu cầu phân chia và khái niệm các đơn vị đo vẽ địa chất trong điều tra các thành tạo phân tầng và không phân tầng, thiếu sự nhấn mạnh cần thiết phải sử dụng phép phân loại thạch địa tầng. Sự phân chia các đơn vị thời địa tầng trên bản đồ, cột địa tầng và mặt cắt như ở hình vẽ minh họa 5.1 (trang 75), được sao chép từ giáo trình cũ kỹ nào đó, là không phù hợp với quy chế đo vẽ hiện hành ở nước ta.    

- Bảng thời địa tầng quốc tế (phụ lục 1, các trang 473-475) có những chi tiết không đúng và lỗi thời, như chia đệ tứ ra làm 4 với các ký hiệu QI, QII, QIII, QIV thay vì ra làm 2 với các ký hiệu Q1, Q2; ký hiệu của Paleogen là P thay vì E; tương tự chia và đánh ký hiệu sai cho Permi, Carbon, Silur và Cambri.

- Trong cuốn sách rất hiếm trình bày các thí dụ minh họa, mà nếu có thì toàn là các thí dụ ở Liên Xô cũ (các trang 200, 212, 219, 223…), trong lúc không thiếu thí dụ sinh động đã biết qua thực tiễn lâu dài điều tra địa chất Việt Nam. Ngay hình vẽ ở bìa sách cũng phải lấy một hình nếp uốn từ Tây Nam nước Anh.

2- Điều đặc biệt đáng phàn nàn là ở phần ba (Một số vấn đề cơ bản của địa kiến tạo) và phần bốn (Tổ chức công tác đo vẽ bản đồ địa chất) người biên soạn đã bê vào quyển sách của mình gần như nguyên văn nhiều chương mục, hình vẽ trích từ quyển “Địa kiến tạo và sinh khoáng” của Lê Như Lai (1998), Nhà xuất bản Giao thông vận tải) và quyển “Kiến tạo mảng và bản đồ kiến tạo” của Nguyễn Xuân Bao (2002, Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam lưu hành nội bộ) mà không hề ghi một lời tham khảo sử dụng như thế nào hai quyển sách này. Tác giả quyển sách đã chép lại hết chục trang này đến chục trang khác, khi thì để nguyên từng dấu chấm, dấu phẩy, khi thì tùy tiện sửa đổi thêm, bớt vài từ, khi thì cố ý lập lờ sắp xếp đoạn trước ra đoạn sau, gây ra các bất hợp lý hoặc trùng lặp, thiếu mạch lạc trong bố cục.

Để cho ra đời một cuốn giáo trình với những bất cập về nội dung và nổi cộm về cách làm như trên, rõ ràng việc tổ chức thẩm định và biên tập xuất bản quyển sách đã làm chưa tốt. Mong rằng trên thị trường và các kệ sách giáo khoa sẽ không có thêm các quyển sách nào như thế.


 

Ngày nhận bài: 12-1-2004

Người biên tập: Nguyễn Thành Vạn