PHÂN CHIA NHÓM MỎ THĂM DÒ VÀ LOẠI HÌNH
CÁC CÔNG TRÌNH THĂM DÒ CÁC MỎ ĐÁ ỐP LÁT

 

NGUYỄN VĂN LÂM1, ĐỒNG VĂN NHÌ1,
LÊ ĐỖ BÌNH2, DOÃN HUY CẨM3

1Đại học Mỏ - Địa chất, Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội
2Tổng hội Địa chất VN, 6 Phạm Ngũ Lão, Hà Nội
3Văn  phòng Hội đồng ĐGTLKS, Trần Hưng Đạo, Hà Nội

 

Tóm tắt: Đá ốp lát là một trong những loại khoáng sản ngày càng được khai thác với khối lượng lớn. Hiện nay, Việt Nam chưa có kinh nghiệm thăm dò các mỏ đá ốp lát. Trên cơ sở tổng hợp, phân tích các tài liệu địa chất, thực tiễn thăm dò và khai thác các mỏ đá ốp lát trong hàng chục năm qua, tập thể tác giả đưa ra đề xuất về phân chia nhóm mỏ thăm dò, loại hình công trình và mạng lưới thăm dò với hy vọng góp phần nâng cao chất lượng công tác thăm dò các mỏ đá ốp lát.

           


I. KHÁI NIỆM VỀ ĐÁ ỐP LÁT

Trong thiên nhiên có nhiều loại đá có màu sắc, vân hoa đẹp, độ bền cơ học tốt được con người khai thác, gia công tạo hình (thành các khối và các tấm có kích thước khác nhau), đánh bóng, mài trơn, mài thô hoặc thổi cát, phun lửa tạo mặt ráp, v.v…để ốp hay lát vào các vị trí thích hợp bên trong và bên ngoài hoặc xây các bức tường, các cột trụ, cầu thang, lối đi, v.v… của các công trình kiến trúc.

Trong thương mại và công nghiệp, đá ốp lát thường được phân thành các nhóm có liên quan với nguồn gốc thành tạo, đó là:

- Nhóm “granit”, gồm các đá nhóm alumosilicat nguồn gốc magma, biến chất có thành phần axit, trung tính, kiềm, bazơ đến siêu bazơ.

- Nhóm “đá hoa” là đá trầm tích carbonat như đá vôi, dolomit, travertin và đá carbonat biến chất như đá hoa.

- Nhóm đá phiến, bao gồm các đá trầm tích bột kết, sét kết, cát bột kết biến chất thấp đến đá phiến, đá phiến lục dạng lớp mỏng 5 – 30 mm.

- Nhóm cát kết.

Nhóm đá granit và đá hoa là thông dụng nhất và được thị trường tiêu thụ với khối lượng ngang nhau. Các nhóm đá còn lại được sử dụng rất hạn chế.

 II. PHÂN CHIA NHÓM MỎ ĐÁ ỐP LÁT CHO THĂM DÒ

Việc phân chia nhóm mỏ đá ốp lát phục vụ cho công tác thăm dò là việc làm cần thiết để làm cơ sở cho việc xác định mức độ nghiên cứu, mức đầu tư hợp lý cho công tác thăm dò mỏ. Bởi lẽ, mức độ nghiên cứu và mức đầu tư cho công tác thăm dò có mối quan hệ chặt chẽ với độ phức tạp về cấu trúc địa chất mỏ, hình thái thân đá ốp lát, sự biến đổi chất lượng, chiều dày và hàng loạt các nhân tố khác. Xuất phát từ nhận thức nêu trên các mỏ đá ốp lát hoặc các khoảnh mỏ lớn có khả năng khai thác độc lập được phân chia thành các nhóm mỏ trên cơ sở độ phức tạp về cấu trúc địa chất hình thái, sự ổn định về chất lượng, chiều dày, kích thước của thân khoáng để làm căn cứ lựa chọn hệ thống thăm dò, mật độ công trình thăm dò.

Thực tiễn điều tra địa chất các mỏ đá ốp lát trong những năm qua cho thấy các mỏ đá ốp lát ở Việt Nam có 2 dạng: đá ốp lát gốc và đá ốp lát tảng lăn. Phần lớn các mỏ đá gốc đều bị phong hóa ở phần trên với chiều dày phong hóa rất khác nhau (từ mỏng đến dày), màu sắc đá thường không đồng nhất, khe nứt phát triển với các mức độ khác nhau và thường là khá phức tạp, quy mô các mỏ biến đổi trong phạm vi rộng và thường là quy mô trung bình, nhỏ, rất nhỏ, hình thái thân khoáng cũng rất khác nhau, v.v... Những đặc điểm trên có ảnh hưởng rất lớn đến công tác thăm dò.

Những kết quả nghiên cứu lý thuyết của các nhà địa chất Liên Xô trước đây và thực tiễn thăm dò, khai thác các mỏ đá ốp lát ở Việt Nam và các nước đã chỉ ra rằng những yếu tố như kiểu nguồn gốc công nghiệp, kiểu hình thái, mức độ phức tạp về cấu trúc địa chất, bao gồm cả mức độ lộ đá gốc tươi trên bề mặt, điều kiện thế nằm, sự biến đổi chiều dày, chất lượng (màu sắc, thành phần thạch học, khe nứt, độ bóng, v.v...), kích thước, v.v... của thân đá ốp lát là những nguyên nhân chính gây khó, dễ cho công tác thăm dò. Chính những yếu tố này là những tiêu chuẩn chính làm cơ sở cho việc phân chia nhóm mỏ thăm dò.

1. Kiểu nguồn gốc công nghiệp

Các mỏ đá ốp lát Việt Nam được cấu thành từ nhiều chủng loại đá khác nhau, song tựu chung chỉ có 3 kiểu nguồn gốc thành tạo chính, đó là: magma, trầm tích và biến chất, trong đó kiểu nguồn gốc magma có thể chia thành magma xâm nhập và magma phun trào.

Thực tế hiện nay ở nước ta các mỏ đá ốp lát đã thăm dò và đang khai thác chủ yếu là các mỏ granit, gabro, diorit, monzonit nguồn gốc magma xâm nhập; spilit nguồn gốc magma phun trào; đá vôi, đá vôi dolomit nguồn gốc trầm tích; đá hoa nguồn gốc biến chất và một lượng không đáng kể đá phiến nguồn gốc biến chất. Trong tương lai chắc chắn cũng chỉ thăm dò và khai thác các loại đá này. Như vậy, có thể xem cả 3 kiểu nguồn gốc (magma, trầm tích và biến chất) nêu trên là các kiểu nguồn gốc công nghiệp của đá ốp lát.

2. Kiểu hình thái

Hình thái mỏ khoáng được hiểu là những nét chủ yếu về hình dạng các thân khoáng tạo nên mỏ. Để luận giải về phương pháp thăm dò, lựa chọn hệ thống thăm dò, các nhà địa chất thường phân hình thái các mỏ khoáng thành các kiểu: vỉa, dạng vỉa, lớp, khối, mạch, mạng mạch, thấu kính, ổ, bướu, v.v... xem các kiểu hình thái như là nhân tố có ý nghĩa quyết định đến việc lựa chọn phương pháp và kỹ thuật thăm dò.

Các mỏ đá ốp lát ở Việt Nam có hình thái đặc trưng là các khối đặc xít (mỏ granit Đa Hàm, Núi Kiến, Đồi Mai, Núi Le; đá vôi Núi Bền, La Hiên; đá hoa Yên Bái, Quỳ Hợp, v.v...); thấu kính (mỏ granit đỏ An Trường, gabro Sông Côn, diorit Kim Sơn II, spilit Ngọc Lạc, v.v...); dạng vỉa (đá vôi Núi Nhồi, Đông Nam, v.v...); bãi tảng lăn (Tân Dân, Hòa Tâm, Núi Dung, Kim Sơn I, Núi Chà, v.v...). Ngoài ra, còn có dạng thể tường và một vài dạng khác.

Thông thường khi xem xét hình thái các thân đá ốp lát gốc, có thể dựa vào 2 chỉ số chính có thể định lượng được đó là hệ số biến đổi chiều dày và độ phức tạp về ngoại hình (hình dạng) của thân đá ốp lát.

+ Về hệ số biến đổi chiều dày

Theo V.I. Smirnov (1962) và thực tế áp dụng nhiều năm ở Việt Nam, hệ số biến đổi chiều dày (Vm) được tính theo công thức:

;    

trong đó :

s : Bình quân phương sai (%)

mi :    Chiều dày tại các điểm công trình thăm dò (m)

:    Chiều dày trung bình (m)

n : Số lượng điểm tham gia tính toán

Hệ số biến thiên chiều dày thân khoáng là yếu tố quyết định mức độ phức tạp về hình thái thân khoáng và quyết định mật độ mạng lưới thăm dò. Do vậy, trong những năm từ 1950 - 1985 có rất nhiều nhà nghiên cứu đã quan tâm đến việc xác định hệ số này. Những năm sau 1975 nhiều nhà nghiên cứu cho rằng hệ số biến đổi chiều dày Vm chỉ nên tính toán bên trong chu vi thăm dò. Hệ số biến đổi chiều dày đối với các mỏ đá ốp lát công nghiệp phần lớn có Vm < 100%. Như vậy có thể phân định Vm theo các mức:


Mức độ ổn định

Vm %

Ổn định

< 40

Không ổn định

40 - 60

Rất không ổn định

60 - 100

+ Độ phức tạp ngoại hình

Độ phức tạp về ngoại hình của thân đá ốp lát được đánh giá theo L.I.Tretoverikov và V.P.Oksenenko (1962) bởi giá trị của modul đường viền (m):

 

trong đó:

Ltt : Chu vi ranh giới thăm dò.

btt : Chiều dài ranh giới thăm dò.

Stt : Diện tích thực tế thăm dò.

Mức độ phức tạp về ngoại hình theo giá trị  m được sử dụng để phân chia nhóm mỏ đá ốp lát như sau:

Mức độ phức tạp

mm %

Đơn giản

1,0 - 1,4

Tương đối phức tạp

1,4 - 1,6

Phức tạp

1,6 - 1,8

Rất phức tạp

> 1,8

Tương tự hệ số biến đổi về chiều dày (Vm) sự phức tạp ngoại hình thân khoáng có ảnh hưởng quyết định mức độ phức tạp về hình thái thân khoáng và cách thức lựa chọn hệ thống thăm dò hợp lý. Do đó, rất nhiều nhà nghiên cứu đã chú ý nghiên cứu vấn đề này.

Các mỏ đá ốp lát có hệ số biến đổi chiều dày trên 100% và modul đường viền m > 1,8 hầu như không có giá trị công nghiệp.

3. Mức độ phức tạp về cấu tạo địa chất

Mức độ phức tạp về cấu tạo địa chất mỏ khoáng được hiểu là mỏ được cấu thành từ một hay nhiều thân đá ốp lát, sự phân nhánh của các thân đá ốp lát, các thân đá ốp lát thuộc một hay nhiều phân vị địa tầng, mức độ đồng nhất tương đối về thành phần thạch học, hóa học, sự xen kẹp của các loại đá phi nguyên liệu; địa hình, địa mạo ảnh hưởng đến cấu tạo thân khoáng như thế nào, đứt gãy làm phức tạp hoá thân khoáng ra sao, ranh giới phong hoá phức tạp đến mức độ nào, v.v...

Việc xem xét và tổng hợp phân tích các tài liệu địa chất của các mỏ đá ốp lát đã tìm kiếm, thăm dò cho thấy các mỏ đá ốp lát chủ yếu được cấu thành từ một thân khoáng, chỉ đôi khi mỏ cấu thành từ 2 đến 3 thân khoáng (theo diện); các mỏ có đặc điểm lộ trên mặt hoặc bị phủ bởi đất đá phong hoá từ mỏng đến dày; các yếu tố kiến tạo như đứt gãy, khe nứt có ảnh hưởng đến cấu tạo địa chất mỏ và độ nguyên khối, tỉ lệ thu hồi đá ốp lát; thành phần thạch học và màu sắc của đá trong mỏ không đồng nhất, nhiều mỏ có sự xen kẹp và xuyên cắt của đá mạch ảnh hưởng đến chất lượng đá ốp lát; ranh giới phong hoá không đồng nhất, mỏ thì khá đơn giản, mỏ lại khá phức tạp.

Nói chung, có rất nhiều yếu tố là tác nhân gây nên sự phức tạp về cấu tạo địa chất. Tuy nhiên, trong một chừng mực nào đó chỉ có thể xem xét và đánh giá theo giá trị định lượng các yếu tố "mức độ lộ đá gốc tươi" và "độ phức tạp về nứt nẻ". Còn các yếu tố khác chỉ có thể đánh giá định tính.

+ Về mức độ lộ đá gốc tươi

Như đã biết mức độ lộ đá gốc tươi có ý nghĩa rất quan trọng trong việc lựa chọn loại công trình thăm dò (hào, đo khe nứt trên mặt, khoan, giếng, v.v...) và có ảnh hưởng lớn đến độ tin cậy của công tác thăm dò (đối với mỏ bị phủ chỉ thăm dò bằng khoan và khi đó chủ yếu chỉ bắt gặp được các hệ thống khe nứt nằm ngang và dốc thoải, đồng thời thường tạo nên các vết nứt nhân tạo, do đó độ tin cậy về nghiên cứu khe nứt bao giờ cũng thấp hơn so với mỏ lộ được thăm dò bằng các công trình đo khe nứt trên mặt kết hợp với khoan). Có thể chia một cách tương đối mức độ lộ đá gốc tươi thành 3 mức, đó là:

     Đơn giản:         lộ tốt.

    Trung bình:       lộ yếu.

     Phức tạp:         phủ kín.

+ Về độ phức tạp về nứt nẻ

Độ nứt nẻ hay nói cách khác là mức độ phát triển các khe nứt có ảnh hưởng quyết định đến độ nguyên khối, cũng như độ thu hồi đá khối của mỏ đá ốp lát. Độ nguyên khối càng lớn, độ thu hồi đá khối càng cao thì giá trị mỏ càng cao và ngược lại, độ nguyên khối càng nhỏ, độ thu hồi đá khối càng thấp thì giá trị mỏ càng thấp. Độ nguyên khối và độ thu hồi đá khối có mối quan hệ chặt chẽ với số lượng và sự phân bố của các hệ thống khe nứt và khoảng cách giữa các khe nứt song song trong từng hệ thống. Độ phức tạp về khe nứt của đá có thể quy một cách tương đối thành 3 mức như sau:

Đơn giản: 2 - 3 hệ thống khe nứt chính.

Trung bình: 3 hệ thống khe nứt chính và các khe nứt cát tuyến, trong đó khoảng      cách giữa các khe nứt song song đáp ứng L £ 2 m.

 Phức tạp: 3 hệ thống khe nứt chính và các hệ thống khe nứt cát tuyến, trong đó khoảng cách giữa các khe nứt song song đáp ứng L £  1,5 m.

Đối với mỏ đá ốp lát thuộc nhóm “đá hoa”, ngoài các yếu tố trên, khi xem xét về cấu tạo địa chất còn phải xét thêm về mức độ phát triển karst:


Mức độ phát triển karst

Hệ số karst

Ít phát triển

£ 10%

Phát triển

10 - 20%

Rất phát triển

> 20%

4. Điều kiện thế nằm của thân đá ốp lát

Thế nằm và sự biến đổi thế nằm của thân đá ốp lát có ảnh hưởng lớn đến mức độ khó, dễ của công tác thăm dò và có ý nghĩa rất quan trọng trong việc lựa chọn hệ thống thăm dò hợp lý. Những thân khoáng có đường phương kéo dài và ít thay đổi thì khi thăm dò thường bố trí các tuyến thăm dò song song với nhau và cắt vuông góc với đường phương thân khoáng. Đối với các thân khoáng kiểu này khi thế nằm cắm dốc, công trình thăm dò trên tuyến thường dày hơn khoảng cách tuyến. Ngược lại, khi đường phương thân khoáng uốn lượn, thì thường bố trí các tuyến thăm dò không song song hoặc dạng tỏa tia. Những thân khoáng dạng vỉa, dạng khối nằm ngang hoặc dốc thoải thường được thăm dò theo ô mạng hình vuông, hình chữ nhật.

Có thể phân chia góc dốc của các thân đá ốp lát thành các mức: thoải (< 30o), dốc (30 - 45o), rất dốc (45 - 80o) và dốc đứng (80 - 90o). Các thân đá ốp lát dạng khối thường là thoải, nằm ngang; các thân dạng thấu kính thường là dốc, các thân dạng thể tường thường là rất dốc đến dốc đứng, các thân dạng vỉa thay đổi từ thoải đến rất dốc.

5. Sự biến đổi chất lượng

Đá ốp lát là một loại vật liệu xây dựng có tính trang trí, do đó chất lượng đá ốp lát chủ yếu được đánh giá trên cơ sở các chỉ tiêu sức tô điểm của đá (màu sắc, độ bóng, vân hoa), độ bền cơ học (dung trọng, tỉ trọng, độ bền nén, độ hút nước, hệ số hóa mềm, độ mài mòn, độ chịu băng giá, v.v...), hàm lượng các khoáng vật có hại (các khoáng vật sulfur trong điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm dễ bị oxy hóa làm cho đá bị hoen ố), độ nguyên khối và tỉ lệ thu hồi đá khối.

Với đặc thù trong thăm dò đá ốp lát, chỉ tiêu sức tô điểm (màu sắc, vân hoa) được đánh giá qua phân tích mẫu kỹ thuật (có kích thước 20x20 cm hay 30x30 cm), quan sát mắt thường, còn độ bóng của đá được đánh giá qua việc gia công mài bóng một số lượng mẫu rất có giới hạn lấy đặc trưng cho từng loại đá trong mỏ nên rất khó đánh giá mức độ biến đổi của các chỉ tiêu này theo giá trị định lượng.

Đối với các thành phần có hại, cũng tương tự như vậy. Chỉ tiêu này được đánh giá thông qua một số lượng hạn chế mẫu phân tích khoáng tướng, mẫu phân tích hóa silicat (quy hàm lượng các khoáng vật sulfur về hàm lượng SO3). Như vậy, để đánh giá sự biến đổi chất lượng của đá ốp lát theo giá trị định lượng chỉ có thể tiến hành xác định hệ số biến đổi của một số thông số như dung trọng, độ bền nén, độ hút nước, tỉ lệ thu hồi đá khối theo công thức:

;      

trong đó:

s : Bình quân phương sai, %.

Ci : Hàm lượng tại các mẫu, hoặc công trình (tỉ lệ thu hồi đá khối), %    

 : Hàm lượng trung bình, %.

n : Số lượng mẫu hoặc công trình tham gia tính toán.

Giá trị về mức độ biến đổi cũng tương tự hệ số biến đổi chiều dày và cụ thể được phân thành 3 mức như sau:

    Mức độ ổn định

Vc, %

Ổn định

£ 40

Không ổn định

40 - 60

Rất không ổn định

60 -100

Các mỏ đá ốp lát có hệ số biến đổi chất lượng Vc > 100% trong thực tế sẽ không có giá trị công nghiệp.

6. Kích thước (quy mô) mỏ đá ốp lát

Quy mô các mỏ đá ốp lát có ảnh hưởng nhất định đến việc bố trí các công trình thăm dò. Về nguyên tắc, để thăm dò cùng một cấp trữ lượng, công trình thăm dò ở các mỏ quy mô nhỏ sẽ dày hơn là ở các mỏ quy mô lớn.

Theo phân loại quy mô mỏ khoáng ở Việt Nam, các mỏ đá ốp lát được phân thành: lớn (trên 7,5 triệu m3), trung bình (1,5 - 7,5 triệu m3) và nhỏ (dưới 1,5 triệu m3). Theo chúng tôi, thực tế các mỏ đá ốp lát đã thăm dò ở Việt Nam thường có quy mô rất nhỏ, nên hợp lý nhất là phân thêm các mỏ nhỏ thành các mỏ nhỏ (1,5 - 0,5 triệu m3) và rất nhỏ (dưới 0,5 triệu m3).

Từ cơ sở các số liệu đã trình bày và thực tiễn thăm dò khai thác các mỏ đá ốp lát Việt Nam có thể phân chia nhóm mỏ như sau:

- Đối với các mỏ đá lăn không cần thiết phải phân chia nhóm mỏ thăm dò.

- Đối với các mỏ đá ốp lát gốc:

Nhóm I: Là những mỏ (khoảnh mỏ) gồm các thân dạng khối hoặc vỉa kích thước lớn, trung bình, nằm ngang hoặc dốc thoải, có cấu trúc địa chất (lộ tốt, có mặt 2 - 3 hệ thống khe nứt chính, v.v...) và ngoại hình (m < 1,4) đơn giản ; chiều dày và chất lượng ổn định (Vm và Vc < 40%) trong toàn thân đá ốp lát.

Hiện nay, qua thực tế thăm dò và khai thác chưa phát hiện mỏ đá ốp lát thuộc nhóm mỏ này.

Nhóm II: Là những mỏ (khoảnh mỏ) gồm các thân dạng khối, dạng vỉa, thấu kính, thể tường kích thước trung bình, nhỏ (đôi khi là rất nhỏ) nằm ngang đến dốc đứng, có cấu trúc địa chất (lộ yếu đến lộ tốt, có mặt 3 hệ thống khe nứt chính và các khe nứt cát tuyến với khoảng cách giữa các khe nứt song song thỏa mãn l £ 2 m) và ngoại hình (m < 1,4 - 1,6) tương đối phức tạp, chiều dày và chất lượng không ổn định (Vm và Vc : 40 - 60%) trong toàn thân đá ốp lát.

Thuộc nhóm mỏ này có thể là các mỏ đá ốp lát nhóm “granit” nguồn gốc magma xâm nhập, magma phun trào, nhóm “đá hoa” nguồn gốc trầm tích và biến chất như các mỏ An Trường, Núi Le, Đăm Ri, Đồi Mai, Kim Sơn, Núi Kiến - Đa Hàm, Sông Côn, núi Gập Ghềnh, Đông Nam Núi Cấm, đá vôi Vĩnh Thịnh, đá hoa Quỳ Hợp, Lục Yên, v.v...

Nhóm III: Là những mỏ (khoảnh mỏ) gồm các thân dạng khối, dạng vỉa, thấu kính, thể tường kích thước nhỏ và rất nhỏ nằm ngang đến dốc đứng, có cấu trúc địa chất (bị phủ kín, có mặt 3 hệ thống khe nứt chính và cát tuyến, khoảng cách giữa các khe nứt chỉ thỏa mãn l £ 1,5m) và ngoại hình (m < 1,6 - 1,8) phức tạp, chiều dày và chất lượng rất không ổn định (Vm và Vc : 60 - 100%) trong toàn thân đá ốp lát.

Thuộc nhóm mỏ này có thể là mỏ granit Núi 282 Canh Vinh, Bình Định, mỏ đá phiến Nậm Ban, Lai Châu.

III. LOẠI HÌNH CÔNG TRÌNH VÀ MẠNG LƯỚI THĂM DÒ ĐỊNH HƯỚNG ĐỐI VỚI TỪNG CẤP TRỮ LƯỢNG VÀ TỪNG NHÓM MỎ ĐÁ ỐP LÁT

1. Loại hình công trình thăm dò

Các thân đá ốp lát được đặc trưng bởi dạng khối, dạng vỉa, thấu kính, thể tường lộ trên mặt hoặc bị phủ từ mỏng đến dày. Với các đặc điểm trên, trong thăm dò có thể sử dụng các loại công trình:

a. Các “ô chuẩn” đo đếm đá lăn

Loại hình công trình này chỉ áp dụng cho các mỏ đá ốp lát tảng lăn. Mục đích của các trạm đo đếm đá lăn là thống kê số lượng, kích thước các tảng đá lăn chung và đá lăn đạt yêu cầu gia công đá ốp lát. Diện tích các trạm đo đếm này tuỳ thuộc vào đặc điểm từng mỏ đá lăn song càng rộng càng mang tính đại diện và thường không dưới 100 m2.

b. Các công trình khai đào

Trong thăm dò các mỏ đá ốp lát để thu nhận được thông tin đầy đủ và có chất lượng thường sử dụng các công trình dọn sạch vết lộ, hào, giếng, moong khai thác thử. Riêng công trình lò, trong điều kiện Việt Nam, các mỏ đều khai thác lộ thiên nên không sử dụng loại công trình này. Việc lựa chọn công trình khai đào được quyết định bởi cấu tạo địa chất của mỏ, mức độ lộ đá gốc tươi, chiều dày lớp phủ, địa hình và độ bền vững của đất đá. Các công trình khai đào gồm:

+ Hào: Được thi công khi nghiên cứu các thân đá ốp lát cắm dốc, lộ trực tiếp trên bề mặt hoặc bị phủ bởi lớp phủ mỏng. Ngoài các thông tin bình thường như màu sắc đá, thành phần thạch học của đá, v.v… hào còn cho thông tin về khe nứt, độ nguyên khối. Đặc biệt, công trình hào cho phép theo dõi được các đới khe nứt gần nhau, đới vỡ vụn và các khe nứt lớn. Tài liệu hào phải mang tính chuyên dụng bằng cách đưa lên bản vẽ tất cả các khe nứt, toàn bộ các số đo về khe nứt và khoảng cách giữa các khe nứt song song kề nhau.

+ Giếng: Được thi công nhằm xác định chiều dày lớp đất phủ hoặc mở tầng trên cùng của tầng có ích để có thể quan sát trực tiếp đá ở các thành và đáy công trình, lấy mẫu nguyên khối cho thí nghiệm cơ lý. Công trình giếng có thể cho phép hiểu biết một phần nào về định hướng của khe nứt, nhưng không thể sử dụng để đánh giá định lượng khe nứt, vì tiết diện giếng quá nhỏ.

+ Công trình dọn sạch: Được sử dụng đối với mỏ lộ tốt hoặc bị phủ rất mỏng. Công trình dọn sạch có kích thước 10x10 m và lớn hơn. Đây là loại công trình cho thông tin về định hướng (yếu tố thế nằm) và cường độ (khoảng cách giữa các khe nứt song song và mối tương hỗ giữa các hệ thống khe nứt) khe nứt tốt nhất.

+ Moong khai thác thử: Đây là loại công trình bắt buộc trong thăm dò các mỏ đá ốp lát. Moong khai thác thử cho biết các thông tin về chiều dày đới phong hoá, yếu tố thế nằm của các hệ thống khe nứt, độ nguyên khối, độ thu hồi đá khối thuộc các cấp khối khác nhau, lấy mẫu công nghệ nghiên cứu tính chất trang trí, công nghệ gia công đá ốp lát và tỷ lệ thu hồi sản phẩm cuối cùng.

Tài liệu của các công trình khai đào cần phù hợp với mục tiêu và mức độ chi tiết của công tác thăm dò. Trước hết tài liệu phải thể hiện được đặc điểm, hướng và cường độ xuất hiện khe nứt, màu sắc, thành phần thạch học của đá và là cơ sở để lấy các loại mẫu nghiên cứu.


Bảng 1. Bảng định hướng mật độ công trình thăm dò đối với các mỏ đá ốp lát gốc

Nhóm mỏ

Các kiểu mỏ

Loại công trình thăm dò cần áp dụng

   Khoảng cách giữa các công trình thăm dò

Cấp chắc chắn tiền khả thi

Cấp tin cậy

 

 

I

Các thân dạng khối, dạng vỉa, kích thước lớn, trung bình, nằm ngang hoặc dốc thoải có cấu tạo địa chất và ngoại hình đơn giản; chiều dày và chất lượng ổn định trong toàn thân đá ốp lát.

Khoan

 

Khai đào (chủ yếu là dọn sạch, đo khe nứt)

200

 

25

300 - 400

 

50

 

 

 

 

 

II

  

 

 

Các thân dạng khối, dạng vỉa thấu kính, thể tường, kích thước trung bình, nhỏ, đôi khi là rất nhỏ, nằm ngang đến dốc đứng, có cấu tạo địa chất và ngoại hình trương đối phức tạp, chiều dày và chất lượng không ổn định trong toàn thân đá ốp lát.

 Nằm ngang, dốc thoải:

 

 

Khoan

50

100

Khai đào (chủ yếu là hào và dọn sạch)

50 - 100

100 - 200

Dốc:

Theo đường phương

 

50

100

Khoan

Theo hướng dốc

 

25

50

Khai đào

Theo đường phương

(hào và giếng)

50 - 100

100 - 200

 

Theo hướng dốc

 

50

100

 

 

 

III

Các thân dạng khối, dạng vỉa, thấu kính, thể tường, kích thước nhỏ và rất nhỏ, nằm ngang đến dốc đứng, có cấu toạ địa chất và ngoại hình phức tạp, chiều dày và chất lượng rất không ổn định trong toàn thân đá ốp lát.

Nằm ngang, dốc thoải:

Khoan

 

 

50

Dốc:

Theo đường phương

 

 

50

Khoan

Theo hướng cắm

 

 

25


c. Công trình khoan

Khoan là công trình thăm dò quan trọng, nhất là đối với các mỏ đá ốp lát lộ yếu và bị phủ kín. Khoan cho biết các thông tin về chiều dày lớp phủ, chiều dày phong hoá, lấy các loại mẫu nghiên cứu đá ốp lát theo chiều sâu, các thông tin về các hệ thống khe nứt thoải, nằm ngang. Nhược điểm của công trình khoan là không cho phép thu thập các tài liệu về định hướng tương hỗ và khoảng cách giữa các mặt phẳng kề nhau của các hệ thống khe nứt thẳng đứng. Do đó, đối với công trình khoan thường áp dụng hệ số hiệu chỉnh (K) để đánh giá khoảng cách giữa các khe nứt song song thuộc các hệ thống khe nứt thẳng đứng. Hệ số K có thể lấy theo kinh nghiệm đã được thực tế kiểm nghiệm ở nhiều nơi là K = 2 ¸ 3 hoặc hệ số K được lựa chọn trên cơ sở xem xét mối tương hỗ giữa các hệ thống khe nứt thoải và thẳng đứng tại các vị trí đo khe nứt trên mặt. Như vậy, Ltđ = Ln x K.

2. Mạng lưới các công trình thăm dò

Cho đến nay, các mỏ đá ốp lát Việt Nam được thăm dò chủ yếu bằng các công trình trên mặt (hào, đo khe nứt ở các công trình dọn sạch), chỉ có vài mỏ là có công trình khoan trong điều kiện mỏ bị phong hoá là chưa phù hợp. Một số mỏ có moong khai thác thử nghiệm, nhưng các moong này chưa mang tính đại diện. Vì vậy, mặc dù mạng lưới thăm dò có mỏ đạt đến 50 x 50 m nhưng độ tin cậy vẫn rất thấp. Thí dụ, đối với mỏ An Trường, Bình Định: tại phần phía bắc, Công ty Halim International Việt Nam LDT (100% vốn của Australia) được Nhà nước cho phép đầu tư một dây chuyền gia công đá ốp lát trị giá 1,9 triệu USD. Song, do mức độ đầu tư thăm dò chưa đầy đủ, dẫn đến hậu quả là không thu hồi được đá sản phẩm và Công ty bị phá sản vào năm 1998. Phần đông mỏ có 3 công ty được Bộ Công nghiệp cấp phép khai thác là: Công ty MIDECO - Bộ Công nghiệp; Công ty Đá Bình Định (BISTOSO) nay là Công ty Đá ốp lát và xây dựng và Công ty BAGEXCO là Công ty liên doanh. Công ty MIDECO đã xin tạm ngừng khai thác từ năm 1998 vì đá nứt nẻ nhiều không đạt yêu cầu sử dụng. Công ty BAGEXCO đã giải thể và bán toàn bộ cơ sở khai thác, gia công đá ốp lát cho Công ty TNHH Hoàn Cầu - Granite. Hiện tại Công ty TNHH Hoàn Cầu - Granite đã lập đề án và đang tiến hành thăm dò lại mỏ. Còn Công ty BAGEXCO thì khai thác đá lăn với sản lượng cầm chừng.

Đối với một số mỏ đá gốc khác như mỏ Sông Côn, Núi 282 Canh Vinh, Giác Đào, Đông Nam Núi Cấm, v.v… cũng tương tự. Phần lớn đá ốp lát được khai thác và gia công thành đá khối, đá tấm xuất khẩu và tiêu thụ trong nước hiện nay là khai thác từ đá tảng lăn.

 Trên cơ sở xem xét, tổng hợp các tài liệu thăm dò, thực tiễn khai thác, các tác giả đưa ra “Bảng định hướng mật độ công trình thăm dò đối với các mỏ đá ốp lát gốc” (bảng 1).

Riêng đối với các mỏ đá ốp lát tảng lăn chỉ thăm dò đến trữ lượng cấp tin cậy với khoảng cách giữa các công trình “ô chuẩn” thay đổi trong phạm vi 100 - 150m.

Khoảng cách giữa các công trình nêu trong bảng 1 chỉ là định hướng, không phải là bắt buộc cho mọi trường hợp. Trên cơ sở phân tích cặn kẽ các tài liệu sẵn có về đối tượng thăm dò, so sánh với những mỏ có đặc điểm địa chất, chất lượng tương tự đã thăm dò và khai thác, đặc biệt là sự thu thập, tổng hợp kịp thời các số liệu thăm dò sẽ giúp cho nhà địa chất thăm dò chọn được mạng lưới thăm dò hợp lý nhất cho mỏ.

Những vấn đề đã trình bày là những đề xuất bước đầu trên con đường hoàn thiện phương pháp thăm dò và đánh giá trữ lượng các mỏ đá ốp lát ở Việt Nam. Hy vọng rằng, các tác giả sẽ nhận được những ý kiến đóng góp quý báu của các đồng nghiệp, nhằm tiến tới mục tiêu nâng cao được hiệu quả và chất lượng của công tác thăm dò các mỏ đá ốp lát, phục vụ cho sự nghiệp phát triển vững chắc ngành khai khoáng Việt Nam.

VĂN LIỆU

1. Uỷ ban Trữ lượng khoáng sản Nhà nước Liên Xô, 1982. Quy phạm sử dụng phân cấp trữ lượng các mỏ đá xây dựng và ốp lát.

2. Văn phòng Hội đồng ĐGTLKS, 1985. Phương pháp nghiên cứu khe nứt và xác định độ nguyên khối của đá ở các mỏ đá ốp lát và xây tường. (Tài liệu dịch).