TRÙNG LỖ KAINOZOI MUỘN MỚI PHÁT HIỆN TRONG CÁC TRẦM TÍCH BIỂN NÔNG Ở VIỆT NAM VÀ Ý NGHĨA ĐỊA CHẤT CỦA CHÚNG

MAI VĂN LẠC

Đại học Mỏ - Địa chất, Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội

Tóm tắt: Trong số hơn 500 dạng Trùng lỗ Kainozoi phát hiện ở các vùng thềm lục địađồng bằng ven biển nước ta nhiều dạng còn để bỏ ngỏ. Trong công trình này tác giả tiến hành mô tả chẩn định loài Alveolinella quoyi lần đầu tiên phát hiện được ở Việt Nam và hai loài mới: Sorites nayensis và Amphisorus canaensis, đồng thời bước đầu đánh giá ý nghĩa của chúng trong khảo sát địa chất khu vực.

Hóa thạch Trùng lỗ (Trùng lỗ) trong trầm tích biển Kainozoi muộn ở vùng đồng bằng ven biển và thềm lục địa nước ta rất phong phú và đa dạng về thành phần giống loài cũng như hình thái tiến hóa.

Trong hàng chục năm qua hầu hết các công trình nghiên cứu hóa thạch Trùng lỗ nhằm mục đích phục vụ khảo sát đo vẽ bản đồ địa chất, chủ yếu phân tích điều kiện môi trường trầm tích, tướng đá cổ địa lý và xác định tuổi để phân chia, đối sánh địa tầng. Còn số lượng các công trình theo hướng nghiên cứu giải phẫu hình thái cấu trúc và tiến hóa bên trong các vỏ Trùng lỗ thì còn quá ít. Nguồn tài liệu thực địa thu thập được trong quá trình hợp tác nghiên cứu phục vụ đo vẽ địa chất các vùng ven biển và vùng thềm lục địa Việt Nam trong nhiều năm qua đã cho thấy không ít các Trùng lỗ thuộc cấp loài và giống còn để bỏ ngỏ, nhiều dạng chưa được mô tả và xác định chính xác. Dưới đây là mô tả chẩn định một loài Trùng lỗ mới tìm được và hai loài phát hiện lần đầu tiên ở Việt Nam. Vị trí trong hệ thống phân loại của chúng được xác lập trên cơ sở sự liên quan của quá trình phát triển cá thể và phát triển lịch sử và với sự kết hợp hệ thống phân loại của các nhà nghiên cứu Mỹ Loeblich và Tappan với hệ thống phân loại của các nhà nghiên cứu Nga.

Ngành Protozoa

Lớp SARCODINA

Phân lớp TRÙNG LỖ EICHWALD, 1830

Bộ MILIOLIDA LANKESTER, 1885

/Tên bộ được Calkins sửa lại [1] (dựa theo bộ Miliolidea Lankester, 1885, p.846 [7]) = Miliolida Fursenko A.V., 1958, p. 23 [4]/

Thượng họ ALVEOLINACEA EHRENBERG, 1839.

- Alveolinidea: Voloshinova, 1970, p. 244 [12].

Họ ALVEOLINIDAE EHRENBERG, 1839

- Alveolinidae: Loeblich A.R. Jr et H. Tappan, 1988, p. 360 [9].

Giống Alveolinella H. Douvillé, 1907

- Alveolina (Alveolinella): A. Silvestri, 1928, p. 35 [11].

- Alveolinella: H. Douvillé, 1907, p. 585 [2]; Loeblich et Tappan, 1964, p. C506 [8]; 1988, p.361-362 [9].

Alveolinella quoyi (d' Orbigny)

Bản ảnh 1, hình 1, 2, 3

- Alveolinella quoyi: Loeblich et Tappan, 1964, p.C506, fig. 395-1 [8]; 1988, pp. 361-361, pl. 373, figs 1-2 [9].

Mô tả. Vỏ hình thoi dài, ở giai đoạn phát triển sớm cuộn vòng không đều, sau đó cuộn xoắn thẳng, các vách ngăn thứ cấp thẳng đứng phân chia mỗi phòng thành nhiều phòng thứ cấp và xếp thẳng hàng trong các phòng liên tiếp. Ở thời kỳ trưởng thành các phòng lại còn được phân chia thêm bởi các tấm vách ngăn thứ cấp ngang thành hai hoặc nhiều tầng các phòng thứ cấp chính và một tầng các phòng thứ cấp nữa ở trên cùng hay còn gọi là tầng các phòng xép. Trên bề mặt vỏ thấy rõ các đường khâu vách ngăn uốn lượn hình sóng và đối xứng hai bên qua mặt xích đạo. Ở mỗi khoảng giữa các đường khâu thấy rõ các đường khâu vách ngăn thứ cấp là các khía vuông góc với chúng. Trong quá trình tăng trưởng vỏ dài ra và hơi nở rộng ở hai đầu do ở đó số tầng các phòng thứ cấp tăng thêm. Miệng phức tạp gồm số dẫy lỗ chạy dọc theo diện miệng đúng với số tầng các phòng thứ cấp. Các lỗ miệng của các phòng xép nhỏ hơn.

Kích thước (mm):

Chiều dài L: 1,3 - 6

Chiều rộng R : 0,4 - 1,5

Tỷ số L : R = 4 - 4,2

Xen kẽ thế hệ: Vỏ của các cá thể thuộc thế hệ đại cầu thường có tỷ số giữa chiều dài và chiều rộng nhỏ hơn (» 4) và thường bé hơn, có dạng hình thoi kéo dài ít hơn. Còn vỏ của các cá thể thuộc thế hệ vi cầu thường có dạng hình thoi dài hơn và thường lớn hơn (L : R » 4,2).

Phân bố: Holocen, đảo Tinatka, quần đảo Sulu, Philippin, độ sâu 22m, Pleistocen thượng - Đệ tứ, vùng biển Nam Trung Bộ, biển Cà Ná, độ sâu 10-35m. Cùng gặp với loài mô tả còn có các Trùng lỗ khá lớn: Calcarina spengleri, Schlumbergerella floresiana, Amphistegina lessoni, A. madagascariensis, Amphistegina sp. (?), Operculina spp., Cellanthus aff. craticulatus, Peneroplis planatus, Triloculina sp., Quinqueloculina sp., Q. crenata và một số loài khác.

Tài liệu: 29 vỏ bảo tồn đầy đủ, lưu trữ tại Bảo tàng Địa chất, trường Đại học Mỏ - Địa chất, Từ Liêm, Hà Nội.

Thượng họ Soritacea Ehrenberg, 1839

- Soritacea: Haynes, 1981, p. 168 [6]; Loeblich et Tappan, 1988, pp. 365-366 [9].

Họ SORITIDAE EHRENBERG, 1839

- Soritidae: Galloway, 1933, P. 132 [5]; Loeblich et Tappan, 1988, p. 375 [9].

Phân họ SORITINAE EHRENBERG, 1893

- Soritinae: Wiesner, 1931, pp. 60-74; Loeblich et Tappan, 1988, p. 380 [9].

Giống: Sorites EHRENBERG, 1839

- Sorites: Ehrenberg, 1839 pp. 120, 134 [3]; Loeblich et Tappan, 1988, pp. 382-383 [9].

Sorites nayensis sp. nov.

Bản ảnh 1, hình 4, 5

Tên của loài xuất phát từ địa danh mũi Nạy (gần Phú Yên) là nơi tìm được hoá thạch.

Mẫu chuẩn (Holotyp): Được lưu trữ ở Bảo tàng Địa chất trường Đại học Mỏ - Địa chất, Từ Liêm, Hà Nội mang số hiệu Q-01-465aVCS; từ trầm tích biển ven bờ mũi Nạy, độ sâu 2-35m.

Mô tả: Vỏ hình đĩa, hơi dày. Các cá thể vi cầu gồm phòng đầu, ống miệng kéo dài gần hết một vòng cuộn và một phòng không phân chia, tiếp theo là các phòng hình cung có dạng peneroplit, sau đó gồm các phòng bao quanh giai đoạn peneroplit có dạng hình quả thận, sau cùng rất nhiều phòng hình vành tròn, làm cho vỏ có hình đĩa tròn. Vỏ của các cá thể đại cầu có giai đoạn peneroplit chỉ gồm 4-5 phòng và tiếp theo có hình thận sau đó hình đĩa. Ở cả hai thế hệ từ giai đoạn peneroplit các phòng đều phân chia thành các phòng thứ cấp. Vách vỏ nhẵn, dạng sứ, trên bề mặt phía bên thấy rõ các vách ngăn phụ đan xen nhau ở các phòng kế tiếp. Miệng gồm dẫy các lỗ dọc theo rìa ngoài.

BẢN ẢNH I

1-3 - Alveolinella quoyi (d’Orbigny): 1,3) Các cá thể vi cầu, phía miệng và phía sau miệng X 5; 2) Cá thể đại cầu X 15.

4, 5 - Sorites nayensis sp. nov.: 4) Cá thể vi cầu X 10, 5) Cá thể đại cầu X 10.

6-8- Amphisorus canaensis sp. nov.: 6, 7) Các cá thể vi cầu X 15; 8) Cá thể đại cầu, phía bên bị mài mòn X 15; 9) Cá thể đại cầu, phía bên, nguyên dạng X 15.

Kích thước (mm):

Holotyp Các cá thể khác

Đường kính: 1,3 0,6-1,6

Bề dầy: 0,12 0,1-0,3

So sánh: Loài mới Sorites nayensis khác với loài chuẩn của giống S. dominicensis Ehrenberg và loài S. marginalis (Lamarck) thường có kích thước nhỏ hơn và dẫy lỗ miệng nhỏ hơn trên rìa ngoài.

Phân bố: Pleistocen muộn - Holocen, vùng biển nông Nam Trung Bộ, Việt Nam, thường cùng gặp với các loài Dendritina sp., Calcarina spengleri, Schlumbergerella floresiana, Operculina spp.

Tài liệu: 12 vỏ từ trầm tích đáy biển nông ven bờ 0m-35m, Nam Trung Bộ.

Giống Amphisorus Ehrenberg, 1839

- Amphisorus: Ehrenberg, 1839, p.120 [3]; Loeblich et Tappan, 1964, pp.C496-C498 [8], 1988, pp. 380-381 [9].

Amphisorus canaensia sp. nov.

Bản ảnh 1, hình 6, 7, 8,9

Tên của loài xuất phát từ địa danh vùng biển Cà Ná, Nam Trung Bộ là nơi tìm được hoá thạch.

Mẫu chuẩn (Holotyp): được lưu trữ ở Bảo tàng Địa chất, trường Đại học Mỏ - Địa chất, Từ Liêm, Hà Nội, mang số hiệu C105VCS.

Mô tả: Vỏ khá lớn, hình đĩa hơi lõm hai mặt. Ở cá thể thuộc thế hệ đại cầu phòng đầu có dạng hình cầu đường kính 0,1mm và ống miệng dài hơn nửa vòng cuộn. Tiếp theo là phòng thứ hai có miệng gồm nhiều lỗ nhỏ. Sau đó là các loạt phòng hình vành tròn bị các vách ngăn thứ cấp phân chia thành các phòng thứ cấp. Vỏ của cá thể vi cầu sau giai đoạn đầu nối tiếp các giai đoạn vỏ có hình peneroplit, dạng thận và cuối cùng là các phòng dạng vành tròn. Các vách ngăn phụ có vị trí đan xen trong các phòng nối tiếp, tạo nên các phòng thứ cấp ở mỗi phòng và để lại đường dẫn vòng trên mặt phẳng xích đạo. Vách vỏ bằng chất vôi, không thủng lỗ, dạng sứ. Miệng là dẫy lỗ trên rìa ngoài có bờ rìa nhô cao. ở các cá thể trưởng thành ở phòng ngoài cùng có hai dãy lỗ miệng đan xen nhau.

Kích thước (mm):

Holotyp Các cá thể khác

Đường kính: 1,9 0,5 - 2,1

Bề dầy: 0,13 0,04-0,16

So sánh: Loài mô tả rất giống với loài Amphisorus hemprichi và chỉ khác biệt ở chỗ hai dãy lỗ miệng đan xen trên rìa ngoài chỉ thấy ở các vỏ phát triển đạt tới giai đoạn già nua có kích thước lớn, còn ở các giai đoạn trẻ thường một dẫy. Số lượng phòng sau giai đoạn peneroplit nhiều hơn và mảnh hơn.

Phân bố: Holocen, vùng biển Cà Nà, Nam Trung Bộ, thường gặp cùng với các loài Trùng lỗ có kích thước khá lớn: Operculina spp., Calcarina spengleri, Schlumbergerella floresiana, Dendritina sp., Peneroplis planatus.

Tài liệu: 35 vỏ từ nhiều trạm trong phạm vi vùng biển nông ven bờ (0 - 50m) Nam Trung Bộ.

SƠ LƯỢC VỀ Ý NGHĨA CỦA HOÁ THẠCH TRONG KHẢO SÁT ĐỊA CHẤT KHU VỰC

Các Trùng lỗ mô tả trên đây đều là những sinh vật sống ở đáy biển thuộc những vùng có những đặc điểm môi trường sống rất đặc trưng. Alveolina quoyi có vỏ bằng chất vôi tự tiết dạng hình thoi dài tới 6 mm, có hệ thống vách ngăn bên trong phát triển vững chắc đảm bảo thích ứng được với môi trường biển nông sóng động đáy nước sâu ~10-15 m. Hiện nay loài này mới phát hiện ở vùng biển nhiệt đới: đảo Tinatka thuộc quần đảo Sulu, Philippin, trong trầm tích đáy biển hiện đại độ sâu 22m [9]. Ở Việt Nam Alveolinella quoyi được phát hiện ở vùng biển Nam Trung Bộ từ ven bờ đến độ sâu đáy nước ~35m trong trầm tích gồm bột cát màu vàng, nâu nhạt. Cùng với Q. quoyiđây còn gặp các Trùng lỗ khá lớn khác như đã nêu trong phần mô tả trên. Trầm tích chứa các hóa thạch này thường có màu nâu vàng được xếp vào Pleistocen muộn và có màu xám, xám đen được xếp vào Holocen.

Các loài mới Sorites nayensisAmphisorus canaensis cũng gặp ở một số vùng biển ven bờ Nam Trung Bộ ở các độ sâu không quá 50 m, thường trong các trầm tích sét, bột màu đen xám, xám đen phớt nâu vàng hay phớt lục còn chứa các hóa thạch khác như Thân mềm, Da gai, Rêu động vật, Giáp xác thể hiện môi trường là các vũng vịnh, các eo quanh các đảo hay các ám tiêu san hô gần bờ mà đáy trầm tích tương đối ổn định. Trong điều kiện môi trường yên tĩnh đó các dạng Trùng lỗ này có bộ vỏ hình đĩa mảnh mai đã phát triển khá phong phú. Các hóa thạch hai loài này hiện nay còn tìm thấy ở vị trí sát bờ và ở độ sâu 1-2 m thuộc đới duyên hải. Có thể là do sự nâng lên của đáy trầm tích trước kia, mà ở đó đã tồn tại những điều kiện thích hợp cho các sinh vật này.

Khi có các tư liệu đầy đủ, những phân tích về sự phân bố về đặc điểm môi trường của các Trùng lỗ nói chung và các loài mô tả trên đây nói riêng sẽ là vấn đề hấp dẫn góp phần giải thích được các điều kiện thành tạo và tuổi của trầm tích cũng như quá trình biến động của môi trường trầm tích.

Công trình này được hoàn thành với sự hỗ trợ của Hội đồng Khoa học tự nhiên. Tác giả đã được các nhà địa chất trong các Chương trình nhà nước điều tra về địa chất và khoáng sản biển tạo điều kiện giúp đỡ việc khảo sát ở thực địa và thu thập các tài liệu thực tế, các mẫu vật trầm tích và cổ sinh. Tác giả xin chân thành cảm ơn.

VĂN LIỆU

1. Calkins G. N., 1909. Protozoology. New York and Philadelphia, Lee and Flebiger. 349 p.

2. Douvillé H., 1907. Les calcaires à fusulines de l' Indochine. Bulletin de la Soc. Geol. France, 46 : 576-587. Paris.

3. Ehrenberg C. G., 1839. Uber die Bildung der Kreidefelsen und des Kreidemergels durch unsichtbare Organismen. Phys. Abh. der Kửm. Acad. der wiss. zu Berlin, 1838 [1840: separate 1839] : 59-147. Berlin.

4. Fursenko A. V., 1958. Các giai đoạn phát triển cơ bản của Foraminifera trong quá khứ địa chất. Công trình của viện Khoa học Địa chất, Viện HLKH nước CH XHCN Bạch Nga. 1 : 10-29. Minsk (tiếng Nga).

5. Galloway J. I., 1933. A manual of Foraminifera. Bloomington, Principia Press.

6. Hayenes J. R., 1981. Foraminifera. John Wiley and sons, New York.

7. Lankester E. R., 1885. Protozoa. In the Encyclopedia Britannica, 19 : 830-866. London.

8. Loeblich A.R. Jr., H. Tappan, 1964. Sarcodina chiefly "Thecamoebians" and Foraminiferida. In R. C. Moore, ed., Treatise on invertebrate Paleontology, Part C. Lawrence, Geol. Soc. of America and Univ. of Kansas Press.

9. Loeblich A. R. Jr., H. Tappan, 1988. Foraminiferal genera and their classification. Dep. of Earth and space sci. and Center for the study of evolution and the origin of life. Univ. of California, Los Angeles.

10. Nguyễn Ngọc, 1995. Một số dẫn liệu về Trùng lỗ trong trầm tích đáy thềm lục địa Việt Nam. Các công trình nhà nước Địa chất và Địa vật lý biển. Nxb Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.

11. Silvestri A. 1928. Intorno all' Alveolina melo d' Orbigny (1846). Rev. Italiana di Paleont. e Strat. 34: 17-44. Milano.

12. Voloshinova N. A., V. N. Kuznetsova, A. S. Leonenko, 1970. Trùng lỗ trong trầm tích Neogen vùng Sakhalin. VNIGRI, 284: 1-304 (tiếng Nga).