4.2.1. Di tích của quá trình
tiến hoá địa hình
Như đã được đề cập tới ở các phần trên, địa hình vùng nghiên cứu có tính phân bậc rõ ràng. Đã xác định được 5 bề mặt san bằng trong phạm vi vùng núi. Bậc địa hình 1400-1600 m là di tích của bề mặt san bằng cao nhất và cổ nhất trong vùng, chỉ phát triển trên các trầm tích lục địa màu đỏ của hệ tầng Mụ Giạ (K mg). Đây là bề mặt san bằng Đông Dương tuổi Paleogen đã được ghi nhận trong nhiều văn liệu. Mặc dù không còn bảo tồn được các mảnh sót nào rộng lớn, song các đỉnh sàn sàn nhau với độ cao 800-1000 m ở phía tây đến 600-700 m ở phía đông chính là di tích của một quá trình san bằng mạnh mẽ làm lộ trên mặt khối đá vôi Kẻ Bàng. Tuổi của bề mặt này được xác định vào Miocen. Các bề mặt san bằng 400-600 m, 200-300 m có tuổi Pliocen phân bố ở phần rìa khối karst và bề mặt đồng bằng trước núi cao 80-100 m tuổi Pleistocen sớm nằm ở phần chuyển tiếp giữa vùng núi và dải đồng bằng ven biển. Các bề mặt san bằng trên vùng núi Tây Quảng Bình được liên hệ với các trầm tích có tính phân nhịp chứa di tích bào tử phấn hoa tuổi Mio-Pliocen của hệ tầng Đồng Hới.
Trên dải đồng bằng ven biển đã xác định được các bậc thềm sông, biển với số lượng và độ cao được liên hệ với các bậc hang động đã được nhắc tới ở trên. Bậc hang thứ nhất gắn liền với gốc xâm thực hiện đại. Bậc 4-6 m được liên hệ với bãi bồi cao các sông suối. Bậc 10-15 m tương ứng các thềm bậc I tuổi cuối Pleistocen muộn, bậc 20-40 m tương ứng với thềm bậc II tuổi đầu Pleistocen muộn và bậc 40-60 m tương ứng với thềm bậc III tuổi Pleistocen giữa.