Chương 4
TÍNH ĐA DẠNG ĐỊA MẠO
Khối núi đá vôi nằm ở trung tâm vùng Phong Nha - Kẻ Bàng có dạng tương đối đẳng thước với chiều rộng khoảng 30 km và kéo dài trên 60 km theo hướng tây bắc - đông nam. Với mục tiêu nghiên cứu karst và hang động phục vụ cho việc bảo vệ di sản thiên nhiên, chúng tôi thấy rằng cần giới hạn vùng bởi các đường chia nước cho các sông suối chảy vào khối núi đá vôi hoặc phần thoát nước của vùng này. Với nhận thức như vậy, vùng Kẻ Bàng - Phong Nha được giới hạn phía bắc bởi dải đồi núi thấp phương vĩ tuyến từ núi Bo - núi To đến đông núi U Bò (bắc sông Troóc). Về phía đông, giới hạn của vùng là khối núi dạng vòm tây Đồng Hới cấu tạo bởi các đá xâm nhập và dải đồi và đồng bằng ven biển. Dải núi trung bình Co Ta Run - núi Co Choc ngăn cách khối núi này với khối đá vôi Khe Ngang ở phía nam. Về phía tây, khối đá vôi Kẻ Bàng được kéo vượt qua biên giới, nối liền với khối Mahaxay của Lào.
Mặc dù ở phần trung tâm, khối đá vôi có dạng đẳng thước và ít phân dị, song nhìn tổng thể, địa hình vùng Phong Nha - Kẻ Bàng có sự phân dị theo hướng thấp dần từ nam đến bắc và từ tây sang đông. Phần cực nam của vùng là dải núi trung bình với độ cao 1000-1200 m với đỉnh lượn sóng thoải kéo dài phương á vĩ tuyến ở tây đến đông bắc - tây nam ở đông. Đây chính là bồn thu nước cho khối núi đá vôi ở phía bắc. Từ nam đến bắc, khối núi đá vôi có độ cao tương đối đồng nhất, khoảng 700-900 m. Ở phần rìa bắc, các dãy núi thấp có độ cao giảm dần từ 400-600 m đến 200-300 m về phía thung lũng Rào Nậy. Từ tây sang đông, khối đá vôi Kẻ Bàng chính là khu vực phân thuỷ giữa đông và tây Trường Sơn. Khu vực biên giới Việt-Lào gồm các đỉnh đá vôi sàn sàn nhau với độ cao 800-1000 m. Tại khu vực đèo Mụ Giạ còn tồn tại một số đỉnh núi cao 1200-1600 m, cấu tạo bởi các đá cát kết màu đỏ của hệ tầng Mụ Giạ. Từ tây sang đông, địa hình đá vôi thấp dần đến 600-700 m và ở phần rìa đông thì chuyển xuống các bậc 400-500 m và 200-300 m. Các bậc địa hình dưới 100 m cấu tạo bởi các đá phi karst phổ biến ở phần phía đông của vùng.
Cấu tạo nên vùng Phong Nha - Kẻ Bàng chủ yếu là các đá carbonat có tuổi từ Devon thợng đến Permi, gồm các hệ tầng Phong Nha (D3-C1 pn), La Khê (C1 lk), Bắc Sơn (C-P bs) và hệ tầng Khe Giữa (P2 kg), trong đó hệ tầng Bắc Sơn có diện phân bố rộng nhất, chiếm diện tích chủ yếu của khối núi đá vôi. Tham gia cấu tạo nên các vùng cung cấp nước cho khối đá vôi còn có các đá cát kết, bột kết, đá phiến sericit của các hệ tầng Long Đại (O3-S lđ), Rào Chan (D1 rc), Bản Giàng (D1-2 bg) và các trầm tích màu đỏ của hệ tầng Mụ Giạ (K mg) v.v..
Các đá trước Kainozoi trong vùng bị dập vỡ mạnh bởi các phá huỷ đứt gãy với các phương chính là đông bắc - tây nam, tây bắc - đông nam, á kinh tuyến và kém phổ biến hơn là á vĩ tuyến. Các hệ thống đứt gãy này đóng vai trò quan trọng trong quá trình karst hoá để tạo các dạng karst trên mặt và karst ngầm. Ngoài các thung lũng được định hướng khá rõ theo đứt gãy, các dạng địa hình âm khép kín trong khối đá vôi cũng được tập trung kéo dài theo các đới dập vỡ. Các chuyển động tân kiến tạo với xu hướng chung là nâng lên xen các thời kỳ ổn định đã thúc đẩy quá trình karst và các quá trình tạo địa hình khác.
Tham gia vào việc thúc đẩy quá trình karst còn phải kể tới nhân tố khí hậu. Phong Nha - Kẻ Bàng nằm trong khu vực nhiệt đới ẩm với lượng mưa trung bình năm đạt 1800-2200 mm và nhiệt độ trung bình năm đạt 23-240C. Hơn nữa, mùa mưa ở đây lại tập trung từ tháng 8 đến tháng 1, tức là vào mùa mát và lạnh nên khả năng hoà tan của nước được tăng cường.
Với những điều kiện thuận lợi về thạch học, cấu trúc, kiến tạo, khí hậu và những nhân tố khác, quá trình karst hoá ở khối đá vôi Kẻ Bàng phát triển khá mạnh, tạo nên sự đa dạng của địa hình cũng như các cảnh quan thiên nhiên khác.