6.1.7. Cỏ, cây bụi, cây gỗ
rải rác trên đất đá vôi
Loại này chiếm một diện tích không lớn lắm (1.925 ha), chiếm 1,3% diện tích tự nhiên VQG. Phân bố rải rác phía đông đường 20, đường 15, đường 12 và nằm kề bên điểm quần cư của các xã Tân Trạch, Xuân Trạch, Sơn Trạch, Dân Hoá. Cũng có thể phân bố ở các đỉnh núi, hoặc các sườn dựng đứng trong tình trạng nguyên sinh. Điều kiện lập địa thường là chân dông, dốc thoải hoặc các gò đống có đỉnh tròn bằng nằm bên khe suối, hay các đỉnh núi đá có điều kiện lập địa khô ít đất phong hoá rải rác trong khu vực.
Phần lớn diện tích của trạng thái này là dấu tích để lại của các hoạt động sử dụng rừng và đất rừng. Lớp cây gỗ lớn chỉ có ít cây rải rác, cự li cách nhau hàng chục mét. Chúng phần lớn là những cây gỗ tạp như đa, trâm, sảng, mắn đỉa, gáo... có phẩm chất kém (thân hình ít thẳng, u bướu, mục gốc, mục thân...). Tầng tán chính của kiểu thảm này được cấu tạo bởi các cây bụi thân gỗ như sòi tía, cò ke, hu, mần tang, thầu tấu, đom đóm, hoa dẻ, thao kén, cỏ trấu, cỏ tranh, cỏ Lào hoặc lau lách.... Mặt đất nhiều chỗ lộ trơn, chặt cứng và có hiện tượng kết vón. Tái sinh tự nhiên rất kém, khả năng phục hồi rừng tự nhiên ở những lập địa này là rất khó khăn và lâu dài về thời gian. Và đây là một bằng chứng về hệ sinh thái mỏng manh của núi đá vôi, sau khi bị chặt phá, muốn phục hồi rừng cần đến hàng thế kỷ.
Các đỉnh núi có điều kiện lập địa xấu đối với thực vật, nhiều chỗ trơ đá vôi không có cây che phủ. Thực vật chủ yếu là các cây bụi thấp hoặc rải rác cây gỗ có đường kính nhỏ, chiều cao thấp, rễ bám vào các kẽ đá, thân ngoằn ngoèo, tuổi thọ lâu năm. Thành phần loài cây chủ yếu là đa si (Ficus spp.), mạy tèo (Dimerocarpus brenierii), ô rô (Streblus ilicifolius), các loài cây trong chi thị (Diospyros), sòi núi (Sapium discolor), lá han (Debregearia squamata)... Đây là một trạng thái cây bụi cây gỗ rải rác nguyên thuỷ, hình thành từ lâu đời, gồm những loài cây ít bị thay thế. Nếu những loài cây này mất đi thì ít còn khả năng hồi nguyên.