2. Nguyên
tố vết
Nguyên tố vết là nguyên tố có trong đá với hàm lượng
nhỏ hơn 0,1% trọng lượng, có nghĩa là nhỏ hơn 1.000 phần triệu (ppm) đơn vị
trọng lượng.
Một số nguyên tố có thể xem như nguyên tố chính đối
với một số kiểu đá và là nguyên tố vết đối với đá khác. Ví dụ kali là nguyên tố
chính trong ryolit (hàm lượng đạt hơn 4%) và tạo nên các khoáng vật tạo đá như
orthoclas, biotit, muscovit; nhưng trong bazan, hàm lượng kali lại rất thấp,
không có khoáng vật chứa kali và là nguyên tố vết.
Số lượng nguyên tố vết khá nhiều, nhưng trong
nghiên cứu thạch luận thường quan tâm đến các nguyên tố vết sau: Rb, Ba, Sr,
Zr, Y, Nb, Th, đất hiếm (từ La đến Lu), Ni, V và Cr. Người ta chia các nguyên
tố vết ra các nhóm bao gồm các nguyên tố có tính chất hoặc hành vi giống nhau
trong quá trình địa chất. Các nguyên tố có bán kính ion và điện tích xấp xỉ
nhau thường thấy hành vi giống nhau. Trên cơ sở đó phân biệt các nguyên tố
vết thành 3 nhóm chính: nguyên tố lithophil ion lớn (LIL), nguyên tố trường
lực mạnh (HFS) và nguyên tố chuyển tiếp.