LỜI NÓI ĐẦU

 

Trư­ớc đây, nghiên cứu thạch luận ở nước ta chủ yếu là mô tả đặc điểm thạch địa hoá các nguyên tố tạo đá chính và đặc điểm các nguyên tố phụ, đư­ợc phân tích bằng phư­ơng pháp quang phổ định lượng gần đúng.

Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học - công nghệ, hàng loạt các phương tiện tiên tiến về phân tích thành phần vật chất của thạch quyển ra đời, đã khiến việc nghiên cứu thạch luận phải đụng chạm gần như­ đầy đủ các nguyên tố của Bảng tuần hoàn Mendeleev. Nhiều kiến thức, khái niệm mới và hiện đại về địa hoá (trong đó có địa hoá đồng vị) ngày càng được bổ sung, hoàn thiện.

Mặt khác, ngày nay các tài liệu địa hoá của các thành tạo địa chất luôn luôn được luận giải, gắn kết với luận thuyết kiến tạo mảng toàn cầu, với các cấu trúc sâu của Trái đất…. Những kiến thức đó gần như còn mới mẻ, nếu không muốn nói là xa lạ, đối với nhiều người chúng ta. Trong nghiên cứu thạch luận các đá magma, trầm tích và biến chất, việc sử dụng các tài liệu địa hoá để đánh giá, thể hiện và luận giải có tầm quan trọng đặc biệt.

 Như­ng rất tiếc, việc cập nhật những hiểu biết này cho các nhà địa chất tham gia trực tiếp nghiên cứu và điều tra địa chất - khoáng sản cho đến nay còn bị hạn chế; nếu có tiếp cận với các khái niệm mới lại thiếu hệ thống, thiếu chuẩn xác.

Vì thế, tài liệu này được biên soạn với hi vọng mang lại cho các nhà địa chất những hiểu biết tối thiểu, cần thiết khi sử dụng các tài liệu địa hoá.

Khi biên soạn tài liệu, chúng tôi đã sử dụng một số văn liệu đã xuất bản và đang được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực này, trong đó đáng chú ý nhất là các cuốn sách “Using geochemical data: evaluation, presentation, interpretation” của Rollinson H. R. (1994), “The Interpretation of igneous rocks” của Cox K. G, Bell J. D., Pankhurst R. J. (1979), “Luận giải các tài liệu địa hoá” (Interpretasiya geokhimitrexkikh dannưkh) của Skliarov E. V. và nnk (2001, tiếng Nga), "Radiogenic Isotope Geology" của Alan P. Dickin (1995), Principles of Isotope Geology của Faure G. (1986), “Các phương pháp thạch hoá nghiên cứu các đá” (Petrokhimitrexkiye metođư ixleđovaniya gornưkh porođ) của Efremova C. V., Xtafeev (1985) …

Tài liệu gồm 6 chương: Ch­ương I nêu một số khái niệm cơ bản trong địa hoá; các Chư­ơng II, III và IV hướng dẫn sử dụng tài liệu địa hoá trong nghiên c­ứu các đá magma, trầm tích và biến chất; Ch­ương V trình bày sâu hơn một số vấn đề địa chất đồng vị phóng xạ và cuối cùng là Chương VI- Sử dụng đồng vị bền. Trong sách, chúng tôi cố gắng giới thiệu nhiều dạng biểu đồ, hiện đang được sử dụng trên văn đàn địa chất thế giới.

Trong quá trình biên soạn, chúng tôi nhận được sự động viên, khuyến khích của lãnh đạo Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam và các đồng nghiệp gần xa. Xin bày tỏ lòng biết ơn tới tất cả họ. Do trình độ có hạn, chắc chắn tài liệu này còn có thiếu sót, rất mong các bạn đồng nghiệp góp ý để tài liệu được hoàn chỉnh sau này.

 

 Ngư­ời biên soạn