5.2. Những nguyên nhân không chuẩn xác của các tài liệu địa hoá

Kết quả phân tích không chuẩn xác có thể nảy sinh do nhiều nguyên nhân:

a) Lấy mẫu không đại diện, không tư­ơi, không đồng nhất do lẫn sản phẩm phong hóa, lẫn các đá mạch, chứa các bao thể lạ, đá tù, đới đá bị biến chất chồng,... khiến cho tài liệu địa hoá không còn đảm bảo đại diện cho đối t­ượng định nghiên cứu. Nguyên nhân này thuộc trách nhiệm của các nhà địa chất, cần phải đặc biệt chú ý, nếu không mọi công sức, tiền của bỏ ra chỉ thu được những tài liệu không có giá trị.

b) Nhiễm bẩn mẫu khi gia công là nguyên nhân không kém phần quan trọng, khiến cho tài liệu địa hoá không chuẩn xác. Nhiễm bẩn chủ yếu xảy ra khi phá mẫu, nghiền mẫu và có thể là do lẫn vật liệu mẫu gia công trư­ớc đó hoặc những mảnh vụn, bụi của bản thân máy phá mẫu. Sự nhiễm bẩn này có thể khắc phục bằng cách làm vệ sinh cẩn thận máy móc, loại bỏ những sản phẩm sót lại của mẫu gia công trư­ớc. Khi nghiền cần chú ý vật liệu chế tạo ống cối nghiền. Phần lớn xảy ra nhiễm bẩn do wolfram, coban, tantal và scandi, ít hơn– do niobi. Bởi vì vạch quang phổ của wolfram bao trùm các vạch của các nguyên tố khác, nên sẽ cho hàm lượng không chắc chắn. Nếu các ống cối được sản xuất bằng thép crom thì sẽ dẫn đến mẫu khá giàu sắt, crom, lượng vừa phải mangan và vết của Dy; còn nếu sản xuất bằng thép cao carbon thì mẫu giàu sắt, crom, mangan, kẽm và vết Ni.

Các nguồn nhiễm bẩn khác trong tự nhiên có thể là vỏ bẩn trên mẫu. Để tránh sự nhiễm bẩn này, nên xử lí các vỏ bọc này bằng axit 1M HCl trong một vài phút trước khi phá mẫu.

c) Hiệu chuẩn. Trong nhiều phương pháp phân tích hiện đại, hàm lượng được so sánh với chuẩn thành phần đã biết. Khi đó phải xây dựng cái gọi là đ­ường cong hiệu chuẩn của các mẫu chuẩn. Các chuẩn được sử dụng hoặc là các hoá chất siêu sạch, hoặc là các mẫu đã được phê chuẩn. Trong cả hai tr­ường hợp, khi đo chuẩn, ng­ười ta dùng phương pháp chính xác nhất. Rõ ràng độ chính xác phân tích mẫu phụ thuộc vào độ chính xác xác định chuẩn, vì thế ở đây có khả năng mắc sai số hệ thống.

d) Sự chồng lấn các vạch phổ. Phần lớn các phương pháp phân tích địa hoá xác định đồng thời hàm lượng hàng loạt các nguyên tố. Khi đó không ít tr­ường hợp xảy ra sự chồng lấn các vạch phổ hoặc pik, vì thế trị số đo được của một nguyên tố nào đó có thể bị nâng cao đáng kể do có mặt các nguyên tố khác. Ở phần lớn phương pháp, hiệu ứng chồng có thể được tính toán thống kê trong kết quả cuối cùng.