BỘ MÔN NGUYÊN LIỆU KHOÁNG -
 5 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

PGS.TS ĐỖ CẢNH DƯƠNG

Vụ trưởng Văn phòng Chính phủ,

Chủ nhiệm Bộ môn Nguyên liệu khoáng, Đại học Mỏ - Địa chất, Hà Nội.

 

Việt Nam là đất nước giàu tài nguyên khoáng sản. Trong những năm qua, công tác điều tra cơ bản về tài nguyên khoáng sản đã thu được những kết quả đáng khích lệ, đã giúp phát hiện nhiều loại khoáng sản có quy mô lớn, tầm cỡ thế giới như titan, bauxit, than, sắt, đất hiếm, … Tuy nhiên, còn trên 40% diện tích của đất liền chưa được điều tra, đánh giá khoáng sản ở tỷ lệ 1/50.000, các khoáng sản biển, khoáng sản dưới sâu chưa có điều kiện nghiên cứu, điều tra. Ngành Công nghiệp khai khoáng đã có bước phát triển khá, đóng góp ngày càng tăng vào tỷ trọng GDP và ngân sách Nhà nước, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước. Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản trong 5 năm trở lại đây đã gia tăng đáng kể, với gần hai ngàn doanh nghiệp tham gia khai thác, chế biến khoáng sản, trong đó có nhiều doanh nghiệp Nhà nước, Công ty cổ phần  tiến hành khai thác, chế biến nhiều mỏ có trữ lượng lớn, áp dụng các công nghệ khai khoáng tiên tiến. Những năm sắp đến, ngành Công nghiệp khai khoáng sẽ đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Nhận thức tầm quan trọng của tài nguyên khoáng sản, Đảng, Nhà nước chủ trương xây dựng Chiến lược phát triển tài nguyên khoáng sản và công nghiệp khai khoáng cho 10 năm sắp đến, tầm nhìn đến 20 năm tiếp theo, với mục tiêu đưa tài nguyên khoáng sản và ngành Công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản trở thành nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế. Thực tiễn sôi động, tương lai phát triển ngành Công nghiệp khai khoáng của nước ta đòi hỏi số lượng lớn các kỹ sư thuộc các lĩnh vực địa chất, mỏ, dầu khí, trắc địa và kinh tế mỏ… của Trường Đại học Mỏ Địa chất, trong đó, có các kỹ sư tốt nghiệp Bộ môn Nguyên liệu khoáng của chúng ta.

Bộ môn Nguyên liệu khoáng, Khoa Địa chất, Đại học Mỏ - Địa chất được thành lập cách đây 5 năm, ngày 26/6/2005 theo Quyết định số 402/QĐ-MĐC-TCCB của Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất. Sự ra đời của Bộ môn Nguyên liệu khoáng là quyết tâm và dự kiến về sự cần thiết phải đào tạo các kỹ sư có kiến thức cả về địa chất và công nghệ chế biến khoáng sản, đáp ứng nhu cầu nhân lực phát triển ngành Công nghiệp khai khoáng cho đất nước, là quyết định quan trọng của Hội đồng Khoa học Khoa Địa chất và lãnh đạo Trường Đại học Mỏ - Địa chất về chủ trương đa dạng hóa các ngành đào tạo trong Nhà trường. Bộ môn Nguyên liệu khoáng được thành lập với sự giúp đỡ và ủng hộ trực tiếp của PGS.TS Phạm Văn Trường (nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Khoáng sản), PGS.TS Đỗ Đình Toát (nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Khoáng-thạch), PGS.TS Đỗ Minh Toàn (nguyên Chủ nhiệm Khoa Địa chất), GS.TSKH Bùi Học (nguyên Hiệu trưởng Đại học M-ĐC), TS Tạ Ngọc Dũng (Chủ nhiệm Bộ môn Silicat, Đại học Bách khoa Hà Nội) và nhiều nhà khoa học khác.

Cũng như các bộ môn khác của Trường Đại học Mỏ Địa chất, để có đội ngũ cán bộ giảng dạy như hiện nay, Bộ môn phải có quá trình xây dựng và đào tạo. Khi bắt đầu thành lập, năm 2005, Bộ môn chỉ có 4 cán bộ giảng dạy được điều chuyển từ Bộ môn Khoáng sản; sau 3 năm tăng cường thêm PGS.TS Nguyễn Văn Lâm từ Bộ môn Tìm kiếm - thăm dò. Hiện nay, Bộ môn Nguyên liệu khoáng có 8 cán bộ giảng dạy, trong đó có 2 PGS.TS, 2 ThS và 4 kỹ sư tốt nghiệp loại giỏi của Trường Đại học Mỏ - Địa chất và Đại học Bách khoa. Trong kế hoạch 5 năm sắp tới, Bộ môn sẽ đề nghị Nhà trường bổ sung thêm 7 cán bộ giảng dạy, có kế hoạch gửi đào tạo trong nước, nước ngoài 2 tiến sỹ, 2 thạc sỹ; một số cán bộ trẻ đang làm việc ở Bộ môn sẽ học thêm bằng thứ 2 tại Trường Đại học Bách khoa và một số khóa học về phương pháp phân tích để có thể sử dụng hiệu quả các thiết bị thí nghiệm.

Những năm đầu, được sự quan tâm của Nhà trường, khoa Địa chất và quyết tâm của lãnh đạo Bộ môn: PGS.TS Đỗ Cảnh Dương, ThS Nguyễn Văn Cần,                   Bộ môn Nguyên liệu khoáng đã có bước đi quan trọng và cơ bản, đã xây dựng hoàn chỉnh chương trình đào tạo cho sinh viên ngành Nguyên liệu khoáng. Kết cấu của chương trình đào tạo ngành Nguyên liệu khoáng tuân thủ chương trình khung kỹ thuật địa chất, bao gồm đầy đủ các giáo trình thuộc kiến thức đại cương và chuyên ngành địa chất, được liên kết hệ thống với các môn học về nguyên liệu và công nghệ sản xuất: xi măng, gốm-sứ, thủy tinh, gạch chịu lửa, vật liệu vô cơ, … (số lượng học trình các môn về công nghệ sản xuất tương đương với số lượng học trình đào tạo các kỹ sư silicat của Trường Đại học Bách khoa), có bổ sung các giáo trình về tuyển khoáng kim loại, không kim loại, công nghệ chế biến khoáng sản kim loại (luyện kim) và vật liệu vô cơ (sơn, nguyên liệu mỹ phẩm, vật liệu xây dựng mới, ...), phân bón, chế tác đá quý; các giáo trình về kinh tế mỏ, phân tích, lập các dự án khai thác, chế biến khoáng sản. Hiện nay, Bộ môn đang đào tạo 5 khóa sinh viên, mỗi khóa có khoảng 25-30 sinh viên, đã có 1 khóa sinh viên tốt nghiệp, được thị trường nhân lực và xã hội đón nhận. Những năm qua, tham gia giảng dạy các giáo trình chuyên ngành cho sinh viên, Bộ môn đã nhận được sự giúp đỡ chí tình của các thầy, cô giáo thuộc các bộ môn của Khoa Địa chất, Khoa Kinh tế, Khoa Mỏ, đặc biệt là các thầy, cô ở Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Địa chất, Viện khoa học Vật liệu thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Những năm qua, các thầy cô giáo của Bộ môn Nguyên liệu khoáng, trước đây ở Bộ môn Khoáng sản, đã lăn lộn với thực tiễn sản xuất, đã chủ trì gần 50 đề tài nghiên cứu khoa học và phục vụ sản xuất, trong đó có 2 đề tài cấp Nhà nước, nhiều đề tài cấp Bộ. Các đề tài chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: quy hoạch khoáng sản của các khu vực và một số tỉnh, thành phố; tìm kiếm, đánh giá, thăm dò các loại khoáng sản, trong đó đã tìm kiếm 3 mỏ mới thuộc các mỏ không kim loại, và trong quá trình điều tra, đánh giá chất lượng khoáng sản, đã đề nghị bổ sung một số tiêu chuẩn quốc gia liên quan đến công nghiệp gốm-sứ; các đề tài phối hợp liên ngành, giữa các viện nghiên cứu của các Bộ liên quan đến quy hoạch đất và đánh giá đất đai, quản lý tài nguyên, môi trường lãnh thổ, khu vực, ... Như vậy, trong nghiên cứu khoa học, cán bộ của Bộ môn đã trưởng thành nhiều về chuyên môn, có điều kiện để giúp sinh viên thực tập làm đồ án tốt nghiệp.

Phòng Thí nghiệm của Bộ môn Nguyên liệu khoáng được Bộ Giáo dục và Đào tạo đầu tư thuộc Dự án "Tăng cường năng lực cho Phòng thí nghiệm nghiên cứu chế biến khoáng sản" với 3 modul chính: nghiên cứu thành phần vật chất quặng, chế tác và thẩm định đá quý, và nghiên cứu đặc tính cơ lý và kỹ thuật của nguyên liệu khoáng. Phòng Thí nghiệm của Bộ môn sẽ phục vụ tốt cho công tác đào tạo chuyên ngành và nghiên cứu khoa học.

Trong thời gian tới, Bộ môn Nguyên liệu khoáng có một số định hướng, đề nghị sau:

1. Công tác soạn giáo trình phải được quan tâm hàng đầu, phấn đấu trong 5 năm tới 70% các giáo trình giảng dạy có sự cộng tác của các chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học được biên soạn và in tại nhà xuất bản.

2. Quy hoạch ổn định đội ngũ cán bộ của Bộ môn, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, thu hút các cán bộ có trình độ và kinh nghiệm, được đào tạo từ các nguồn khác nhau về làm việc tại Bộ môn.

3. Đề nghị Nhà trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép mở mã ngành cao học Nguyên liệu khoáng khi Bộ môn chuẩn bị đầy đủ các điều kiện theo quy định.

4. Đề nghị Nhà trường bố trí diện tích đặt các thiết bị phân tích thành phần vật chất, với môi trường làm việc có nhiệt độ, độ ẩm ổn định, không đặt chung với các lò nung tỏa nhiệt cao.

Sau 5 năm xây dựng, Bộ môn Nguyên liệu khoáng đã có một đường ray để phát triển, có mục tiêu để xây dựng và phát triển ngành Công nghiệp khai khoáng của nước ta trong những năm tới. Đó là những điều kiện thuận lợi để thu hút nguồn nhân lực, mặt khác thực tiễn sản xuất cũng đòi hỏi chất lượng đào tạo của chuyên ngành Nguyên liệu khoáng phải được nâng cao. Vì vậy, Bộ môn Nguyên liệu khoáng phải có những cố gắng toàn diện để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, đáp ứng nhân lực cho nhu cầu phát triển của nền công nghiệp nước ta.