TIN ĐỊA CHẤT

LỄ K NIM 65 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG
N
GÀNH ĐA CHT VIT NAM                                 


Trong không khí vui mừng cùng nhân dân cả nước hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 2/10/2010, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã long trọng tổ chức lễ Kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành Địa chất Việt Nam (2/10/1945 - 2/10/2010) và đón nhận các phần thưởng cao quý do Đảng và Nhà nước trao tặng cho ngành Địa chất Việt Nam về những thành tích đặc biệt xuất sắc đã đạt được trên chặng đường 65 năm xây dựng và phát triển. Đến dự buổi lễ Kỷ niệm long trọng này có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ tịch Nước Trần Đức Lương, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên, nhiều vị lãnh đạo và nguyên là lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành Trung ương, các vị đại diện cho Lãnh đạo UBND, Sở TN&MT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các trường Đại học, các Viện nghiên cứu, các Tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty, các Liên đoàn Địa chất, các vị đại diện cho các cơ quan, đoàn thể của Trung ương và địa phương, các đoàn khách quốc tế, đại diện báo chí, phát thanh, truyền hình và nhiều cán bộ, công nhân viên của ngành Địa chất đã nghỉ hưu.

Ảnh 1 . Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao Huân chương Sao vàng cho Ngành Địa chất Việt Nam
nhân dịp Kỷ niệm 65 năm Ngày Truyền thống Ngành Địa chất Việt Nam (2/10/1945-2/10/2010)

Ảnh 2. Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên  trao tặng Bức Chướng cho  Ngành Địa chất Việt Nam nhân dịp
Kỷ niệm 65 năm Ngày Truyền thống của Ngành (2/10/1945-2/10/2010)

Ảnh 3. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên  trao huân chương Độc lập hạng nhất
cho Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam nhân dịp Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống của Ngành (2/10/1945-2/10/2010)

Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã đánh giá cao những đóng góp đặc biệt xuất sắc của ngành Địa chất Việt Nam trong 65 năm qua, góp phần quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Thay mặt Đảng và Nhà nước, Phó Thủ tướng đã trao Huân chương Sao vàng cho ngành Địa chất Việt Nam và Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.

Thay mặt cho Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, TS. Nguyễn Văn Thuấn, Cục trưởng, đã trình bày báo cáo tổng quan về 65 năm xây dựng và phát triển của ngành Địa chất Việt Nam.

I. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA NGÀNH ĐỊA CHẤT VIỆT NAM

Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, nhận rõ vai trò quan trọng của ngành Địa chất, ngày 2/10/1945, Chính phủ đã thành lập Nha Kỹ nghệ trong cơ cấu của Bộ Quốc dân Kinh tế, sau này là Nha Khoáng chất - Kinh tế thuộc Bộ Kinh tế và Bộ Công thương, đánh dấu sự ra đời của ngành Địa chất Việt Nam. Trong bước đầu hình thành, tuy đội ngũ cán bộ còn nhỏ bé, nhưng được Đảng và Nhà nước quan tâm, ngành Địa chất đã luôn vượt mọi khó khăn, triển khai công tác điều tra cơ bản về địa chất, phục hồi hoạt động khai thác khoáng sản ở các mỏ, góp phần to lớn vào công cuộc kháng chiến và xây dựng đất nước. Từ đó, trải qua nhiều giai đoạn cách mạng của nước ta, ngành Địa chất Việt Nam đã liên tục phát triển một cách vững chắc, với nhiều dấu mốc lịch sử quan trọng trong từng thời kỳ.

Sau ngày hòa bình lập lại, để phù hợp với tình hình mới, ngày 28/3/1956, Sở Địa chất thuộc Bộ Công nghiệp đã được thành lập, sau đổi tên thành Cục Địa chất, nhằm thực hiện các nhiệm vụ chuyên sâu về lĩnh vực địa chất. Trước yêu cầu to lớn và nặng nề, đòi hỏi công tác điều tra, tìm kiếm, thăm dò mỏ phải được tiến hành cấp bách, ngày 26/7/1960, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký Sắc lệnh số 18/TCT về việc thành lập Tổng cục Địa chất trực thuộc Hội đồng Chính phủ. Sự ra đời của Tổng cục Địa chất đã tạo ra một bước đột phá mới, nhiều công trình nghiên cứu có giá trị khoa học đã hoàn thành, các mỏ cũ đã được điều tra, thăm dò mở rộng, nhiều mỏ mới đã được phát hiện, tạo cơ sở cho ngành khai khoáng hình thành và phát triển. Tiền thân của ngành Dầu khí cũng được bắt đầu từ đây. Năm 1995, trước nhu cầu phát triển mới của nền kinh tế quốc dân, Liên đoàn Địa chất 36 đã được tách ra để thành lập Tổng cục Dầu khí trực thuộc Chính phủ, nay là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Ngay sau ngày miền Nam nước ta được hoàn toàn giải phóng (30/4/1975), Đàng và Nhà nước ta đã ưu tiên đầu tư cho công tác điều tra cơ bản về địa chất và tìm kiếm thăm dò khoáng sản ở miền Nam. Để tiếp tục đẩy mạnh các công tác này trên phạm vị cả nước, ngày 1/8/1987, Hội đồng Bộ trưởng đã có Quyết định số 166/HĐBT thành lập Tổng cục Mỏ và Địa chất. Theo Quyết định nêu trên, ngoài các nhiệm vụ chuyên ngành về địa chất, Tổng cục còn có nhiệm vụ quản lý nhà nước về ngành Mỏ và địa chất; theo đó, công tác quản lý về khai thác, sử dụng khoáng sản đã được chú trọng. Có thể nói đây là giai đoạn đỉnh cao trong quá trình hình thành và phát triển của ngành Địa chất Việt Nam. Nhiều công trình địa chất có tầm cỡ quốc tế đã ra đời, một số mỏ lớn cũng đã bước đầu đưa vào khai thác, góp phần tăng trưởng cho đất nước.

Thực hiện đường lối Đổi mới, sắp xếp lại bộ máy các Bộ, trên cơ sở Tổng cục Mỏ và Địa chất, năm 1990 đã thành lập Cục Địa chất Việt Nam và Cục Quản lý Tài nguyên Khoáng sản Nhà nước trực thuộc Bộ Công nghiệp nặng, sau này là Bộ Công nghiệp. Một số đơn vị địa chất cũng đã được tách ra để hình thành các doanh nghiệp Nhà nước, như Công ty Địa chất, Tổng công ty Vàng và Đá quý Việt Nam và Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam.

Trong quá trình cải cách hành chính, nhằm thống nhất và tập trung đầu mối quản lý, ngày 4/12 /1996, Chính phủ đã ra Nghị định số 79/CP về việc thành lập Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam trên cơ sở hợp nhất Cục Địa chất Việt Nam và Cục Quản lý Tài nguyên Khoáng sản Nhà nước thuộc Bộ Công nghiệp và đến tháng 11/2002, chuyển sang thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đến năm 2008, một số đơn vị thuộc Cục được tổ chức lại, như Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản Biển được chuyển sang trực thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; các đơn vị địa chất thủy văn và địa chất công trình đã được chuyển sang Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Liên đoàn Trắc địa được chuyển sang Tổng công ty Tài nguyên và Môi trường Việt Nam.

Trong quá trình phát triển, tuy trải qua nhiều lần tách, nhập, nhưng ngành Địa chất Việt Nam vẫn luôn phát huy được truyền thống và tiếp tục đạt được nhiều thành tựu mới. Công tác điều tra cơ bản về địa chất và khoáng sản cũng như đánh giá, thăm dò khoáng sản ngày càng được đẩy mạnh. Công tác quản lý nhà nước về khoáng sản đã từng bước được củng cố, tạo hành lang pháp lý nhằm thúc đẩy hoạt động khoáng sản theo hướng hiệu quả, bền vững, lâu dài, đảm bảo an toàn môi trường và an ninh, quốc phòng. Trải qua 65 năm, ngành Địa chất đã liên tục trưởng thành, lớn mạnh về tổ chức, năng lực chuyên môn và công nghệ, thiết bị ngày càng được nâng cao. Các đơn vị địa chất đã hoạt động có hiệu quả trên phạm vi cả nước, các viện, các trường đại học, cao đẳng có liên quan đã đào tạo ra nhiều cán bộ cho ngành. Các Tập đoàn Dầu khí Quốc gia, Than - Khoáng sản Việt Nam đã góp phần to lớn vào công cuộc phát triển kinh tế đất nước. Các nhà địa chất Việt Nam đã tạo được hình ảnh đẹp đẽ về tính tích cực và trung thực trong khoa học, đoàn kết, phối hợp với nhau chặt chẽ, tạo nên mái nhà chung của nhiều thế hệ cán bộ công nhân viên địa chất trên toàn quốc.

Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản và đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 89/2010/NĐ-CP ngày 16/8/2010, trong đó đã quyết định thành lập Tổng cục Địa chất và Khoáng sản trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trong 65 năm xây dựng và phát triển, ngành Địa chất đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ, giúp đỡ có hiệu quả của Chính phủ và các nhà địa chất Liên Xô, Lào, Tiệp Khắc, Trung Quốc, Ba Lan, Bulgari, Hungari, Rumani, ... và các nước Đông Nam Á. Đồng thời, trong mọi hoàn cảnh gian khổ, khó khăn, cán bộ công nhân viên ngành Địa chất đã nhận được sự đùm bọc thương yêu của chính quyền, đồng bào khắp mọi miền đất nước. Đó là những điều kiện và cũng là sự động viên vô giá của chính quyền và đồng bào trên mọi miền của đất nước, cùng các bạn bè quốc tế để ngành Địa chất Việt Nam phát triển và đạt được nhiều thành tựu xuất sắc như ngày hôm nay.

II. NHỮNG THÀNH TỰU NỔI BẬT CỦA NGÀNH  ĐỊA CHẤT VIỆT NAM

65 năm qua, ngành Địa chất Việt Nam không ngừng trưởng thành về mọi mặt và đã đạt được nhiều thành tựu xuất sắc, khám phá được nhiều tài nguyên từ lòng đất, tạo cơ sở cho việc hoạch định chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế ngắn hạn và dài hạn, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đã xây dựng được cơ chế chính sách và quản lý hoạt động khoáng sản ngày càng chặt chẽ đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, mạnh và bền vững của nền kinh tế quốc dân trong các giai đoạn cách mạng, cụ thể như sau.

A. CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU, ĐIỀU TRA CƠ BẢN VỀ ĐỊA CHẤT VÀ TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN

1. Kết quả nghiên cứu và điều tra cơ bản địa chất

Đến nay, các đơn vị nghiên cứu và điều tra cơ bản về địa chất đã thành lập được hệ thống bản đồ địa chất và khoáng sản tỷ lệ 1:1.000.000, 1:500.000 và 1:200.000 trên toàn lãnh thổ. Loạt bản đồ các lĩnh vực chuyên sâu cùng tỷ lệ cũng đã được thành lập, bao gồm: địa chất thủy văn, địa chất công trình, địa mạo, vỏ phong hóa, Đệ tứ, kiến tạo, sinh khoáng, các trường địa vật lý, trọng sa, địa hóa. Cụm công trình bản đồ địa chất và khoáng sản Việt Nam tỷ lệ 1/500.000 đã được Nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ năm 2005. Các bản đồ địa chất, khoáng sản, địa mạo, vỏ phong hoá tham gia vào bộ Atlas Quốc gia Việt Nam cũng đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ năm 2005.

Bản đồ địa chất và khoáng sản tỷ lệ 1:200.000 đã được thành lập trên toàn lãnh thổ và đã được xuất bản kèm theo thuyết minh để sử dụng rộng rãi. Một phần lãnh hải đã và đang được điều tra để thành lập hệ thống bản đồ địa chất các tỷ lệ. Bằng tổ hợp phương pháp điều tra hiện đại, như địa vật lý, địa hoá, viễn thám, đến nay 56,8% diện tích phần đất liền đã được điều tra địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000. Đây là loại bản đồ địa chất cơ bản, làm cơ sở cho quy hoạch các ngành kinh tế - xã hội khác. Hầu hết các cấu trúc địa chất đã được nghiên cứu, làm rõ dần lịch sử hình thành, phát triển các quá trình địa chất và đặc điểm khoáng sản trên lãnh thổ nước ta. Công tác nghiên cứu nguồn gốc và quy luật phân bố khoáng sản đã đạt được nhiều thành quả quan trọng. Kết quả nghiên cứu, điều tra cơ bản này đã đưa Việt Nam trở thành nước có mức độ điều tra cơ bản về địa chất, khoáng sản đạt mức cao trong khu vực Đông Nam Á. Qua công việc này, đã hình thành đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật đủ sức giải quyết được những vấn đề khoa học, thực tiễn; nhiều phát hiện mới về khoáng sản đã làm thay đổi căn bản nhận thức về tiềm năng khoáng sản Việt Nam.

Tại vùng biển, đã hoàn thành điều tra địa chất khoáng sản ven bờ (0-30 m nước) ở các tỷ lệ 1:500.000 và 1:100.000 - 1:50.000 tại một số vùng trọng điểm. Hiện nay đang tiếp tục điều tra vùng biển đến 100 m nước. Kết quả là đã lập nên hệ thống bản đồ có nội dung đồng bộ, phong phú và tin cậy về cấu trúc địa chất, trầm tích Đệ tứ, triển vọng sa khoáng, môi trường đới biển ven bờ Việt Nam. Đã khoanh định các diện tích có triển vọng phát hiện khoáng sản và cấu trúc có khả năng tích tụ sa khoáng. Hiện trạng môi trường địa chất biển nông ven bờ, các yếu tố địa chất ảnh hưởng đến độ bền vững của bờ biển, quá trình phát sinh, hình thành và phát triển đường bờ biển đã được điều tra và nghiên cứu.

Những công trình nghiên cứu của ngành Địa chất Việt Nam nói trên đã cho chúng ta nguồn tài liệu phong phú, tin cậy để xác định toàn cảnh thành phần vật chất lòng đất và cấu trúc địa chất của lãnh thổ Việt Nam. Đây là nguồn tài liệu địa chất có giá trị cao góp phần vào kho tàng khoa học địa chất thế giới.

2. Công tác điều tra đánh giá tài nguyên khoáng sản và  phát triển công nghiệp khai khoáng

Đến nay đã ghi nhận được hơn 40 loại khoáng sản với hơn 5000 tụ khoáng, điểm biểu hiện khoáng sản; chúng đã được điều tra, đánh giá và thăm dò ở các mức độ khác nhau.

2.1. Nhóm khoáng sản dầu khí và năng lượng: Thành tựu xuất sắc của ngành Địa chất Việt Nam là đã phát hiện và đưa vào thăm dò dầu khí ở đồng bằng Bắc Bộ, vịnh Bắc Bộ, dự báo tiềm năng dầu khí các bể trầm tích quan trọng của đất nước như: Sông Hồng, Phú Khánh, Cửu Long, Nam Côn Sơn, Mã Lai - Thổ Chu, Tư Chính - Vũng Mây, Hoàng Sa và Trường Sa. Kết quả này đã tạo cơ sở để xây dựng ngành Dầu khí Việt Nam, một trong các ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước và đưa nước ta vào danh sách các nước sản xuất dầu khí trên thế giới, đứng thứ 3 ở Đông Nam Á về sản lượng khai thác dầu thô. Sau năm 1955, ngành Địa chất đã tập trung vào việc điều tra, thăm dò mở rộng bể than Quảng Ninh và tất cả các cấu trúc chứa than trên toàn quốc. Kết quả đã dự báo trữ lượng và tài nguyên than đá của Việt Nam khoảng 10 tỷ tấn. Kết quả này tạo tiền đề cho việc hình thành và phát triển Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam hùng mạnh. Hơn thế nữa, với kết quả điều tra sơ bộ, ngành Địa chất dự báo có thể có đến 200 tỷ tấn than nằm ở đồng bằng Bắc bộ. Trong nhiều năm qua, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã điều tra, đánh giá tiềm năng tài nguyên urani và hiện nay đang thăm dò, đánh giá trữ lượng quặng urani ở vùng Quảng Nam, để chuẩn bị nguyên liệu phục vụ nhà máy điện hạt nhân. Các kết quả điều tra, đánh giá đã mở ra triển vọng mới về nguồn dự trữ nguyên liệu năng lượng rất lớn cho đất nước.

2.2. Nhóm khoáng sản kim loại: được điều tra, đánh giá trữ lượng, tạo tiền đề cho ngành công nghiệp gang thép và luyện kim, từ đó hình thành các tập đoàn công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản ở các vùng mỏ: quặng sắt ở Thái Nguyên, Lào Cai; chì-kẽm Chợ Đồn và Chợ Điền; chromit Cổ Định, Thanh Hoá; đồng Lào Cai; mangan ở Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang và Hà Tĩnh; các vùng quặng sắt Cao Bằng, Hà Giang, Yên Bái, Hà Tĩnh; quặng sắt laterit Tây Nguyên; các vùng quặng thiếc Quỳ Hợp, Tam Đảo và Tĩnh Túc. Nhóm khoáng sản kim loại có quy mô lớn, có thể tạo điều kiện hình thành các ngành kinh tế mũi nhọn gồm có: bauxit ở Đăk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Gia Lai; titan-zircon ở Ninh Thuận, Bình Thuận; sắt laterit ở Gia Lai, Đăk Lăk, Kon Tum; đất hiếm ở Lai Châu, Lào Cai.

2.3. Nhóm khoáng sản phi kim loại và khoáng chất công nghiệp: gồm có các vùng mỏ kaolin-pyrophyllit Tấn Mài; đá quý, đá hoa trắng, đá ốp lát, đá xây dựng ở Yên Bái, Nghệ An, Khánh Hòa và Quảng Ngãi; felspat, kaolin ở Lào Cai, Phú Thọ, Quảng Nam; nhiều mỏ kaolin ở Quảng Bình và Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh;

Các khoáng sản phi kim loại có quy mô lớn có thể tạo điều kiện hình thành các ngành kinh tế mũi nhọn bao gồm: apatit ở Lào Cai, đá hoa trắng ở Nghệ An, Yên Bái, đá vôi và đá sét làm xi măng ở Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hòa Bình, Hải Dương, Quảng Ninh, Lào Cai, Lai Châu …; cát trắng ở Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận; và magnesit ở Gia Lai.

2.4. Nhóm nước khoáng, nước ngầm: Công tác lập bản đồ ĐCTV-ĐCCT đã hoàn thành hơn 56.000 km2 ở tỷ lệ 1:200.000 và 42.500 km2 ở tỷ lệ 1:50.000, điều tra địa chất công trình tỷ lệ 1:50.000 với diện tích 36.340 km2. Các công tác này tập trung vào một số vùng quy hoạch phát triển kinh tế của Nhà nước như Tây Nguyên, đồng bằng Nam Bộ, đồng bằng Bắc Bộ, các vùng đồng bằng ven biển. Kết quả là đã phát hiện và xác định trữ lượng nguồn tài nguyên nước dưới đất quy mô lớn, đáp ứng các nhu cầu cấp thiết cho nhu cầu dân sinh, công nghiệp và làm cơ sở để quy hoạch, điều tra, thăm dò khai thác nước dưới đất.

Ngành Địa chất đã hoàn thành xuất sắc các chương trình điều tra nước miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, vùng sâu Nam Bộ và các đảo. Các chương trình này đã góp phần quan trọng vào việc giải quyết khó khăn về nước sinh hoạt cho nhân dân tại những vùng đặc biệt khó khăn, nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Các nguồn nước nóng, nước khoáng đã được tổng hợp, cập nhật và nghiên cứu. Nhiều nguồn đã và đang được khai thác sử dụng có hiệu quả, phục vụ nhiều mục đích khác nhau.

Kết quả điều tra thăm dò tài nguyên khoáng sản trên đất liền và vùng lãnh hải cho thấy, Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản không những phong phú, mà còn có nhiều chủng loại như: khí đốt, than nâu, bauxit, đất hiếm, titan-zircon, đá hoa trắng, đá ốp lát, nguyên liệu làm xi măng có tài nguyên lớn, đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu trong nhiều thập kỷ tới. Điều quan trọng hơn là chúng chứng tỏ rằng trong lòng đất Việt Nam còn tiềm ẩn nhiều tài nguyên, cần được các nhà địa chất điều tra, phát hiện, đánh giá để phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững nền kinh tế - xã hội nước nhà.

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam, Tổng công ty Thép Việt Nam và nhiều doanh nghiệp nhà nước đã tiếp nhận nguồn tài liệu về tài nguyên khoáng sản do ngành Địa chất Việt Nam cung cấp để hình thành, phát triển và trưởng thành như ngày hôm nay. Sắp tới đây sẽ tiếp tục hình thành nhiều tập đoàn khai khoáng hùng mạnh về các lĩnh vực như: titan-zircon, bauxit-alumin-nhôm, đất hiếm, ….

3. Công tác điều tra địa chất đô thị, địa chất môi trường, tai biến địa chất và di sản địa chất

Ngành Địa chất đã phối hợp với Bộ Xây dựng triển khai Chương trình điều tra địa chất đô thị và đã hoàn thành bộ tài liệu đồng bộ về địa chất, khoáng sản, ĐCTV, ĐCCT, địa chất môi trường để có thể quy hoạch sử dụng đất theo điều kiện địa chất cho 58 đô thị loại I, loại II và loại III, các khu vực phát triển kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh - Biên Hoà - Vũng Tàu, Đà Nẵng - Dung Quất với diện tích 12.730 km2. Các tài liệu đã và đang được khai thác, sử dụng cho việc quy hoạch và quản lý đô thị, được các địa phương và Bộ Xây dựng đánh giá cao.

Đã tiến hành điều tra môi trường phóng xạ ở Quảng Nam, Lai Châu, Cao Bằng và Phú Thọ; điều tra tai biến địa chất ở các vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Bắc Bộ, ven biển Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ và một số tỉnh miền núi phía Bắc. Các kết quả điều tra môi trường, tai biến địa chất đã được chuyển giao cho Bộ Xây dựng và UBND các tỉnh để sử dụng trong quy hoạch phát triển bền vững các đô thị và phát triển kinh tế vùng.

Trong nhiều năm qua, đã thực hiện nhiều công trình nghiên cứu về các giá trị địa chất - địa mạo, góp phần quan trọng vào việc xem xét, công nhận các Di sản Thiên nhiên thế giới đối với vịnh Hạ Long, vùng hang động Phong Nha - Kẻ Bàng, và gần đây là Công viên Địa chất Đồng Văn - Mèo Vạc.

4. Công tác điều tra địa vật lý

Đã hoàn thành đo vẽ và thành lập các bản đồ: từ hàng không, trọng lực, trường phóng xạ tự nhiên, phân vùng điện trở suất đất,… Kết quả đo vẽ đã vạch ra các cấu trục địa chất, đặc biệt là các cấu trúc sâu, các trường địa vật lý khu vực. Nhiều dị thường đã được xác định là cơ sở để tìm ra các mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh), sắt Nà Rụa (Cao Bằng) và các vùng sa khoáng titan ven biển Móng Cái, Hà Tĩnh, Quảng Bình, ..., vùng quặng urani Nông Sơn, các đới biến đổi nhiệt dịch chứa quặng vàng, thiếc, quặng sắt, magnesit ở Tây Nguyên và Trung Bộ.

5. Công tác lưu trữ, xuất bản, thông tin và Bảo tàng Địa chất

Lưu trữ Địa chất đang lưu giữ khối lượng tài liệu địa chất lớn vào loại bậc nhất ở khu vực, với hơn 3.500 báo cáo địa chất và đang được khai thác phục vụ các ngành kinh tế khác nhau. Một phần trong số đó đã được tin học hoá để lưu giữ và phục vụ tra cứu thuận lợi bằng công nghệ tin học. Bảo tàng Địa chất tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã được Bộ Văn hóa công nhận là Bảo tàng loại I cấp Quốc gia. Các sưu tập mẫu vật địa chất - khoáng sản đã được bổ sung, chỉnh lý, sắp xếp khoa học, phục vụ tích cực cho tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho hàng vạn lượt người là các nhà nghiên cứu khoa học, sinh viên, học sinh, các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước đến tham quan học tập và nghiên cứu.

Tạp chí Địa chất được thành lập từ năm 1961, và từ năm 1993 đến nay đã xuất bản bằng 2 thứ tiếng (Việt, Anh), là một tạp chí chuyên ngành về địa chất và khoáng sản, có nội dung khoa học phong phú, giới thiệu các kết quả nghiên cứu, điều tra, thăm dò khoáng sản, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật - công nghệ rất hữu ích trong thực tiễn cũng như trong nghiên cứu khoa học, là một trong những công cụ tuyên truyền, đào tạo và là mối liên hệ giữa hoạt động của ngành Địa chất Việt Nam với hoạt động địa chất quốc tế.

6. Hợp tác và thực hiện nghĩa vụ quốc tế

Công tác hợp tác quốc tế trước đây và hiện nay luôn được coi trọng và đa dạng hoá, đa phương hóa với nhiều tổ chức khoa học, chính phủ, các công ty trên thế giới như: Pháp, Bỉ, Nhật Bản, Đức, Đan Mạch, Hà Lan, Australia, Mỹ, Hàn Quốc, Canada, Cộng hoà Séc, các nước trong ASEAN, Trung Quốc,... Đặc biệt là sự hợp tác với các tổ chức quốc tế như: Chương trình phát triển của Liên hợp quốc UNDP, ESCAP về dự thảo Luật Khoáng sản, nghiên cứu nước ngầm châu thổ Sông Hồng và Mê Kông; Chương trình Khoa học Địa chất vùng Đông và Đông Nam Á (CCOP); Hội đồng Vành đai Thái Bình Dương về năng lượng và tài nguyên khoáng sản (CPCEMR); Chương trình Khoa học Địa chất Quốc tế (IGCP), Uỷ ban Bản đồ Địa chất thế giới (CGMW), Tổ chức Kinh tế, Xã hội và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO)... Những kết quả đạt được thông qua hợp tác quốc tế đã nâng cao vị thế ngành Địa chất Việt Nam trên trường quốc tế và đào tạo, nâng cao tay nghề cho nhiều chuyên gia trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản, tăng cường năng lực công nghệ và thiết bị.

Trong hợp tác quốc tế, điều chúng ta luôn luôn ghi nhớ và biết ơn là sự giúp đỡ vô tư, to lớn của các nhà địa chất và chính phủ các nước anh em trong những ngày đầu chập chững của ngành địa chất Việt Nam, đó là: Liên xô (trước đây), Trung Quốc, Tiệp Khắc, Ba Lan, Hungari, Rumani, …, nhiều nhà lãnh đạo, học giả, nhà khoa học trong ngành Địa chất được đào tạo và trưởng thành với sự giúp đỡ quý báu này.

Thực hiện chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước đối với các nước láng giềng anh em, các đơn vị địa chất đã thành lập bản đồ địa chất Việt Nam-Lào-Campuchia tỷ lệ 1:1.000.000, lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:200.000 trên 70% lãnh thổ Lào. Kết quả điều tra đã giúp phát hiện nhiều vùng quặng có quy mô lớn, như muối mỏ ở các bồn trũng Viên Chăn và Savannakhet, thạch cao ở Trung Lào, bauxit ở Nam Lào, sắt ở Xiêng Khoảng, than nâu và đồng ở Bắc Lào. Kết quả đó đã được Chính phủ Lào đánh giá cao, góp phần phát triển kinh tế xã hội của nước bạn Lào, góp phần thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa hai Nhà nước, hai dân tộc.

B. CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KHOÁNG SẢN

Công tác quản lý nhà nước về khoáng sản được Nhà nước coi trọng và được phát triển theo hướng nhà nước pháp quyền.

1. Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và trình Quốc hội ban hành: Pháp lệnh về Quản lý tài nguyên khoáng sản (1989), Luật Khoáng sản (1996); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản (2005); các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản. Công tác xây dựng các luật kể trên đã thể chế hoá được các chính sách của Đảng và Nhà nước, nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản và tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản hiện nay.

Hiện nay, Luật Khoáng sản (sửa đổi - 2010) đang được Quốc hội xem xét và sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối năm nay.

2. Tuyên truyền và phổ biến pháp luật về khoáng sản, thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản

Thực hiện đa dạng hoá công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật về khoáng sản thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, Cục ĐC&KS Việt Nam đã phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhiều chuyên đề về công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản. Cục cũng đã tham gia giao lưu trực tuyến để giải đáp pháp luật về Tài nguyên và Môi trường với các Sở Tài nguyên và Môi trường, các doanh nghiệp và người dân từ năm 2006 đến nay.

Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản được quan tâm và thực hiện thường xuyên. Thông qua kiểm tra, thanh tra, nhiều vi phạm của các tổ chức và cá nhân trong hoạt động khoáng sản đã bị phát hiện và xử lý, nhiều sai sót đã và đang được khắc phục; tình trạng khai thác khoáng sản trái phép đã giảm, ý thức tuân thủ pháp luật về khoáng sản của các tổ chức cũng như của người dân và các cơ quan quản lý đã được nâng lên một bước. Nhiều bất cập trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản được phát hiện và kịp thời sửa đổi, bổ sung.

C. NHỮNG TỒN TẠI CẦN KHẮC PHỤC

Tuy trong 65 năm qua ngành Địa chất Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, song cũng còn những tồn tại chính cần khắc phục:

1/ Mức độ điều tra địa chất, tài nguyên khoáng sản, địa chất môi trường, nước dưới đất vẫn chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác quy hoạch phát triển kinh tế vùng, nhất là các vùng ven biến, Tây Nguyên và Nam Bộ. Điều tra và thăm dò khoáng sản tại hầu hết các vùng mỏ chủ yếu mới đạt độ sâu khoảng 100 m, một số ít mỏ đạt đến độ sâu 300 m (trừ dầu khí). Nhiều loại khoáng sản có tiền đề và dấu hiệu tốt chưa được đầu tư điều tra và đánh giá đúng mức. Tài liệu địa chất là các thông tin quý giá nhưng được tổng hợp chậm và ít được công bố kịp thời để sử dụng rộng rãi và đáp ứng các nhu cầu đa dạng của các ngành kinh tế khác nhau.

2/ Việc quản lý, bảo vệ, sử dụng tài nguyên khoáng sản, việc thực hiện các quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản, việc chấp hành các quy định của Luật khoáng sản tại một số vùng mỏ còn nhiều bất cập, gây thất thoát tài nguyên. Công tác kiểm tra, thanh tra phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản chưa được quan tâm đúng mức, có lúc, có nơi gây tác động xấu đến an sinh xã hội và hủy hoại môi trường.

3/ Việc làm và thu nhập của cán bộ địa chất còn thấp, chưa ổn định. Điều kiện làm việc tại thực địa chưa được cải thiện, nên khó thu hút các cán bộ trẻ có năng lực gắn bó lâu dài với Ngành. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ có chuyên môn giỏi ngày càng giảm do tuổi cao, đến thời điểm nghỉ hưu.

III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NGÀNH ĐỊA CHẤT VIỆT NAM

Nhằm góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, để tài nguyên địa chất và khoáng sản trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững, sớm đưa nước ta trở thành quốc gia giàu mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh như mục tiêu của Đảng và Nhà nước đã đặt ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chỉ đạo các đơn vị địa chất thực hiện các nhiệm vụ lớn sau đây:

1/ Sau khi Luật Khoáng sản (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, tập trung xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật thi hành Luật để nhanh chóng đưa Luật Khoáng sản vào cuộc sống. Trong 5 năm tới đây, phải đổi mới căn bản công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản, để tài nguyên khoáng sản thực sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội, phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường và bảo vệ quyền lợi của nhân dân địa phương nơi có mỏ.

2/ Xây dựng để trình ban hành Chiến lược tài nguyên khoáng sản là cơ sở cho việc hoàn thiện các Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất và khoáng sản, thăm dò, khai thác khoáng sản nhằm bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản cho trước mắt và lâu dài. Quản lý và tổ chức thực hiện Chiến lược, Quy hoạch một cách nghiêm túc. Thành lập hệ thống tài liệu tin cậy và đồng bộ về các tài nguyên khoáng sản, cấu trúc địa chất, môi trường địa chất, tai biến địa chất; làm cơ sở để quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, các vùng, các đô thị, các cụm dân cư, các công trình xây dựng lớn một cách bền vững hiệu quả.

3/ Tiếp tục xây dựng, đổi mới ngành Địa chất để có năng lực chuyên môn và công nghệ hiện đại, nhằm điều tra, đánh giá, thăm dò các loại tài nguyên trong lòng đất, lòng biển đạt hiệu quả, chất lượng cao; từng bước điều tra sâu trong lòng đất đến 500-2000 m. Trước mắt, trong Kế hoạch 5 năm 2011-2015 hoàn thành có hiệu quả và chất lượng các dự án lớn: urani, bauxit, sắt laterit, than đồng bằng sông Hồng.

4/ Công tác đào tạo cán bộ và hợp tác quốc tế: Công tác đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên môn kỹ thuật có trình độ cao cần được đẩy mạnh bằng hình thức đào tạo và đào tạo lại, hợp tác đào tạo với nước ngoài trên cơ sở đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật hiện có. Xây dựng chính sách hợp lý nhằm thu hút lực lượng lao động trẻ, bồi dưỡng tạo một đội ngũ cán bộ kế cận có năng lực có trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học,... đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành kinh tế mũi nhọn. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ các tiến bộ khoa học - kỹ thuật tiên tiến, áp dụng linh hoạt và sáng tạo vào lĩnh vực điều tra, đánh giá, thăm dò và chế biến khoáng sản cũng như công tác quản lý hoạt động khoáng sản. Từng bước tăng cường công tác điều tra cơ bản cùng các nước bạn Lào và Campuchia. Chú trọng phát triển công tác điều tra cơ bản địa chất, đánh giá thăm dò khoáng sản với các nước khác.

Với bề dày truyền thống đoàn kết và vượt khó khăn, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, ngành Địa chất Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ về năng lực và chất lượng, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, phát huy tốt các thành tựu đã đạt được, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước.


PV.