ĐẶC ĐIỂM BIẾN DẠNG KIẾN TẠO VÙNG TẠ KHOA, HUYỆN BẮC YÊN, TỈNH SƠN LA

VŨ XUÂN LỰC1, TRẦN THANH HẢI2, ĐINH HỮU MINH3, TRẦN QUANG PHƯƠNG1

1Liên đoàn Bản đồ Địa chất Miền Bắc, Long Biên, Hà Nội;
 2Đại học Mỏ- Địa chất, Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội;
3Công ty TNHH mỏ Nickel Bản Phúc

Tóm tắt: Vùng Tạ Khoa nằm ở huyện Bắc Yên, Sơn La, thuộc miền cấu trúc Tây Bắc Bộ. Đây là nơi có cấu trúc địa chất hết sức phức tạp, bao gồm nhiều thành tạo địa chất có thành phần, tuổi, nguồn gốc và đặc điểm biến dạng, biến chất khác nhau, nhưng có nhiều biểu hiện khoáng sản phong phú, trong đó có tụ khoáng đồng-nickel Bản Phúc có ý nghĩa kinh tế. Kết quả phân tích đặc điểm biến dạng kiến tạo trên cơ sở xác định bản chất các loại cấu tạo, phân lập các thế hệ cấu tạo cũng như mối quan hệ chồng lấn giữa chúng cho thấy vùng nghiên cứu có lịch sử biến dạng rất phức tạp và mang tính đa kỳ. Các tổ hợp đá trong vùng nghiên cứu chịu những tác động biến dạng khác nhau trong đó các đá cổ nhất chịu tác động của ít nhất 5 pha biến dạng kiến tạo. Mỗi pha biến dạng được đặc trưng bởi một loại hoặc một tổ hợp các cấu tạo có cùng nguồn gốc, hình thành trong cùng một thời gian, cùng chế độ biến dạng và đại diện cho một giai đoạn phát triển địa chất mang tính khu vực. Các pha sớm (pha 1 và 2) diễn ra trong môi trường dẻo hoàn toàn, các pha tiếp theo (pha 3 và 4) diễn ra trong môi trường dẻo tới giòn-dẻo, các pha muộn nhất diễn ra trong chế độ giòn. Một số loại cấu tạo có mối liên quan chặt chẽ và có ý nghĩa khống chế với các thành tạo quặng hoá đồng-nickel trong khu vực, trong đó pha biến dạng 1 khống chế sự thành tạo các tích tụ Cu-Ni trong các đới cắt trượt vây quanh khối siêu mafic Bản Phúc. Pha biến dạng 3 dẫn tới sự tái tập trung quặng hóa trong một số đới cắt trượt giòn-dẻo phương TB-ĐN ở ĐN vùng. Việc luận giải cấu trúc chi tiết và có hệ thống không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong luận giải lịch sử địa chất khu vực và còn có vai trò quan trọng trong dự đoán tiềm năng sinh khoáng và định hướng tìm kiếm khoáng sản đồng-nickel ở Tạ Khoa và các vùng lân cận.


 

(Xem toàn văn: Liên hệ với Tạp chí Địa chất - Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam)