TIỀM NĂNG DI SẢN ĐỊA CHẤT VÀ CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT ĐỚI VEN BIỂN VÀ HẢI ĐẢO VIỆT NAM
QUA THÍ DỤ TỈNH QUẢNG NINH VÀ TP HẢI PHÒNG

TRẦN TÂN VĂN1, PHẠM KHẢ TÙY2, ĐÀM NGỌC2, LƯƠNG THỊ TUẤT1,
NGUYỄN ĐẠI TRUNG1, HỒ TIẾN CHUNG2, ĐOÀN THẾ ANH2

1Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Km 9, Thanh Xuân, Hà Nội;
2Tổng hội Địa chất Việt Nam, 6 Phạm Ngũ Lão, Hà Nội.

Tóm tắt: Bờ biển Việt Nam dài hơn 3200 km với hàng trăm vũng vịnh, cửa sông, hàng ngàn đảo lớn nhỏ, trông ra một vùng biển và thềm lục địa có chủ quyền và quyền tài phán rộng hơn 1,2 triệu km2, hứa hẹn một tiềm năng vô cùng to lớn về nhiều dạng tài nguyên như sinh vật biển, tài nguyên địa chất (nước biển, đất ngập nước, dầu khí, nước dưới đất, các loại khoáng sản rắn, v.v.). Nhiều dạng tài nguyên đã và đang được khai thác, sử dụng, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi cả nước đang nỗ lực thực hiện “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” của Đảng và Nhà nước, phấn đấu đến năm 2020 kinh tế biển đóng góp ~53-55% GDP, 55-60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, đới ven biển và hải đảo Việt Nam cũng còn có một số dạng tài nguyên địa chất khác, mặc dù đã và đang được khai thác, sử dụng ở một mức độ nào đó, nhưng nhìn chung, chưa được nhận thức, điều tra, đánh giá một cách đầy đủ để từ đó có được một định hướng khai thác, sử dụng hợp lý, bền vững. Có thể lấy vịnh Hạ Long làm một thí dụ điển hình, mặc dù đã hai lần được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới theo các tiêu chí cảnh quan và địa chất - địa mạo, song có lẽ cũng chỉ có một số các nhà khoa học địa chất là có thể biết rõ các giá trị cảnh quan và địa chất - địa mạo của vịnh Hạ Long là như thế nào, được thể hiện cụ thể ở đâu, v.v.. Điều này có lẽ cũng không đáng ngạc nhiên lắm, khi mà trên thế giới xu thế bảo tồn và khai thác, sử dụng hợp lý các di sản địa chất (DSĐC) như một dạng tài nguyên địa chất quý hiếm, không tái tạo được, dưới hình thức thành lập các công viên địa chất (CVĐC) và khuyến khích phát triển du lịch địa chất, v.v., cũng chỉ mới trở nên sôi động trong khoảng hơn chục năm trở lại đây. Các nhà khoa học địa chất Việt Nam cũng nhận thức được vấn đề DSĐC và CVĐC từ khá sớm và, mặc dù chưa thành hệ thống, công tác điều tra, đánh giá tiềm năng nguồn tài nguyên địa chất này cũng đã đạt được một số kết quả bước đầu. Tổng hợp lại một số hiểu biết hiện có, bài viết dưới đây giới thiệu rất sơ lược một số khái niệm và hoạt động liên quan đến DSĐC và CVĐC trên thế giới và ở Việt Nam, cũng như tiềm năng DSĐC và CVĐC đới ven biển và hải đảo Việt Nam.


                         

                          (Xem toàn văn: Liên hệ với Tạp chí Địa chất - Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam)