LIÊN ĐOÀN ĐỊA CHẤT BẮC
TRUNG BỘ
35 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
LÊ XUÂN LỢI
Bí thư Đảng ủy - Liên đoàn
trưởng LĐĐC Bắc Trung Bộ, TP. Vinh, Nghệ An
Ngày 22/11/1967 Chính phủ ra Quyết định số 207/CP thành lập Liên
đoàn Địa chất IV bao gồm các đơn vị
địa chất đang hoạt động ở Khu IV (cũ), song do điều kiện giặc Mỹ leo thang đánh
phá miền Bắc rất ác liệt, nên chưa thể tổ chức hoạt động. Sau ngày miền
Các đơn vị trực thuộc của Liên đoàn gồm có Đoàn 401: Tìm kiếm -
thăm dò Chromit (tên cũ Đoàn 32), Đoàn 402: Tìm kiếm - thăm dò Sắt (Đoàn 8),
Đoàn 403: Tìm kiếm - thăm dò Thiếc (Đoàn 40), Đoàn 404: Tìm kiếm - thăm dò
Antimon (Đoàn 46), Đoàn 405: Tìm kiếm - thăm dò Vật liệu xây dựng (Đoàn 51),
Đoàn 406: Tìm kiếm - thăm dò Không kim loại (Đoàn 60), Đoàn 407: Tìm kiếm, lập
bản đồ địa chất tỷ lệ 1/50.0000 (Đoàn 20Đ), Đoàn 408: Tìm kiếm - thăm dò địa
chất tỷ lệ 1/50.000 (Đoàn 501), Đoàn 409: Tìm kiếm - thăm dò khoáng sản, Đoàn
410: Địa vật lý, sau này thành lập thêm Xí nghiệp 412 và Đoàn 414.
Năm 1981, do yêu cầu của nhiệm vụ phát triển khoáng sản thiếc vùng
Tây Nghệ An, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 22/HĐBT (08/8/1981) thành lập
Liên đoàn Địa chất Thiếc, tách từ Liên đoàn Địa chất IV.
Năm 1989, nhiệm vụ của Liên đoàn Địa chất Thiếc hoàn thành, Chính
phủ ra Quyết định số 39/CP (25/02/1989) sáp nhập vào Liên đoàn Địa chất IV.
Năm 1997, Bộ Công nghiệp có Quyết định số 885/TCCB (20/6/1997) đổi
tên Liên đoàn Địa chất IV thành Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ (LĐ ĐCBTB) và
Liên đoàn mang tên đó cho tới ngày nay.
Năm 2003, theo cơ cấu chung của Cục Địa chất và Khoáng sản Việt
Theo Quyết định số 498 QĐ/ĐCKS - TCCB ngày 06/8/2008 của Cục
trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (ĐC&KS VN), Liên đoàn được quy
định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Liên đoàn hiện nay như sau:
1. Vị
trí và chức năng: LĐ ĐCBTB là đơn vị sự
nghiệp công lập, trực thuộc Cục ĐC&KS VN, thực hiện nhiệm vụ điều tra cơ
bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản, phát hiện mỏ
và thăm dò khoáng sản trên địa bàn các tỉnh, thành phố thuộc Bắc Trung Bộ; thực
hiện các hoạt động sản xuất dịch vụ, tư vấn về lĩnh vực địa chất khoáng sản,
địa chất tai biến, địa chất môi trường và các dịch vụ khác theo quy định của
pháp luật.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn: Trình Cục ĐC&KS VN phê duyệt quy
hoạch, kế hoạch 5 năm, hàng năm, các chương trình nghiên cứu, dự án điều tra
địa chất, thăm dò khoáng sản, địa chất môi trường, địa chất tai biến, các dự án
dịch vụ; tổ chức thực hiện các dự án theo quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt;
thu thập, tổng hợp kết quả điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản và
hoạt động khoáng sản trên địa bàn; thực hiện hoạt động dịch vụ, tư vấn về lĩnh
vực địa chất khoáng sản, chuyển giao công nghệ.
3. Các
lĩnh vực hoạt động chủ yếu:
a. Nghiên cứu, tổng hợp,
điều tra và đánh giá tiềm năng khoáng sản của các trường quặng, đới quặng, đới
cấu trúc để có cơ sở chuyển giao các vùng quặng, điểm khoáng sản có thể phát
triển thành mỏ để thăm dò, khai thác; nghiên cứu các chuyên đề về địa chất
khoáng sản. Thu thập, tổng hợp kết quả điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên
khoáng sản và hoạt động khoáng sản trên địa bàn để đề xuất kịp thời các biện
pháp quản lý nhà nước của Cục về địa chất và tài nguyên khoáng sản.
b. Lập dự án, tổ chức thi
công và lập báo cáo tổng kết các dự án theo kế hoạch Nhà nước giao và theo nhu
cầu thị trường về khảo sát, điều tra, đánh giá, thăm dò các loại khoáng sản rắn
như: kim loại đen, kim loại màu, kim loại quý-hiếm, đá quý và bán quý, khoáng
chất công nghiệp, nguyên liệu xi măng và phụ gia, nguyên liệu gốm sứ, nguyên
liệu phân bón, hoá chất và trợ dung, vật liệu xây dựng cao cấp và thông thường;
điều tra, đánh giá thăm dò nước dưới đất (kể cả nước khoáng và nước nóng);
nghiên cứu, điều tra địa chất môi trường, địa chất tai biến.
c. Tổ chức thực hiện các hoạt
động sản xuất dịch vụ, tư vấn về lĩnh vực địa chất, khoáng sản: Lập quy hoạch
khảo sát, đánh giá, thăm dò, khai thác khoáng sản, quy hoạch vùng cấm, tạm cấm;
khoan khảo sát địa chất công trình - địa chất thuỷ văn, đo trắc địa, hoạt động
đo đạc và bản đồ; đo địa vật lý xạ, từ, điện, phân tích thí nghiệm mẫu và sản
xuất dịch vụ khác theo quy định của pháp luật.
d. Hợp tác nghiên cứu, chuyển
giao công nghệ trong lĩnh vực điều tra địa chất khoáng sản, địa chất môi
trường, địa chất tai biến; thực hiện chương trình hợp tác quốc tế về lĩnh vực
địa chất khoáng sản.
Liên đoàn hiện có 252 cán bộ
công nhân viên (thời điểm 30/6/2010), trong đó hơn 120 người có trình độ đại
học, cao đẳng và trên đại học, còn lại là công nhân kỹ thuật lành nghề; có
trang thiết bị thi công với công nghệ kỹ thuật tiên tiến, đáp ứng yêu cầu của
khách hàng, đảm bảo chất lượng và uy tín, với bề dày kinh nghiệm 35 năm.
4. Cơ cấu
tổ chức: Liên đoàn có 6 phòng chuyên môn nghiệp vụ, gồm: Văn phòng, các
phòng Tổ chức - Lao động, Kỹ thuật, Kế hoạch, Kế toán - Thống kê, Phân tích -
Thí nghiệm. Các đơn vị trực thuộc gồm: Đoàn Địa chất 401 (trụ sở tại TP Thanh Hóa), Đoàn Địa chất số 6 (trụ
sở tại TP Vinh), Đoàn Địa chất 406 (trụ
sở tại TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình). Ngoài ra, còn có Trung tâm Sản xuất kỹ
thuật Địa chất Khoáng sản Bắc Trung Bộ; các đội đề án, tổ sản xuất trực thuộc. Liên
đoàn hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tổ chức bộ
máy, biên chế và tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
NHỮNG
THÀNH QUẢ CHỦ YẾU TRONG 35 NĂM QUA
Tính đến nay, Liên đoàn đã thực
hiện tổng cộng 240 nhiệm vụ Nhà nước giao, đã giao nộp 238 báo cáo địa chất
đúng tiến độ, đạt chất lượng tốt. Các công việc đã thực hiện có nội dung như
sau:
- Tiến hành đo vẽ lập bản đồ
địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 hơn 34.000 km2, kịp
thời cung cấp tài liệu và các căn cứ khoa học phục vụ cho các ngành kinh tế và quốc
phòng.
- Khảo sát điều tra, đánh
giá và thăm dò khoáng sản; đã tìm kiếm phát hiện hơn 1000 điểm khoáng sản các
loại, trong đó có khoảng trên 435 tụ khoáng và điểm mỏ được đánh giá và thăm dò
ở mức độ khác nhau. Trữ lượng và tài nguyên dự báo một số loại khoáng sản như
sau: Than - 16 triệu tấn, sắt - 670 triệu tấn, mangan và sắt-mangan - hơn 2,85
triệu tấn, chromit - 23 triệu tấn, ilmenit-zircon - 25,2 triệu tấn, vàng - trên
17 tấn, thiếc - 200 ngàn tấn, chì-kẽm - hơn 0,5 triệu tấn, sắt và phụ gia xi măng
- 4,31 triệu tấn, phosphorit - 470.000 tấn, than bùn - 5,2 triệu tấn, pegmatit
- 2,57 triệu tấn, sericit - 1,57 triệu tấn, cát thuỷ tinh - 55 triệu tấn, đá
vôi xi măng - 1,2 tỷ tấn, đá vôi trắng - trên 800 triệu tấn, sét gạch ngói - 36
triệu m3, đá ốp lát - trên 30 triệu m3, quarzit - 4,2
triệu tấn, dolomit - 14,2 triệu tấn, kaolin - 37 triệu tấn, cát cuội sỏi có
tiềm năng rất lớn, v.v…. Các mỏ titan-zircon ven biển Bắc Trung Bộ, quặng chromit
Cổ Định, thiếc-wolfram Thường Xuân (Thanh Hoá), thiếc Quỳ Hợp (Nghệ An), Sơn
Kim (Hà Tĩnh); quặng vàng Hoành Sơn (Hà Tĩnh), Vít Thu Lu (Quảng Bình), ĐakRông
(Quảng Trị), Nhâm - A Lưới (Thừa Thiên Huế), kaolin Bốt Đỏ - Hồng Vân (Thừa
Thiên Huế), Đồng Hới (Quảng Bình), các mỏ khoáng chất công nghiệp Hà Tĩnh, nguyên
liệu phụ gia xi măng Phủ Quỳ (Nghệ An), nguyên liệu xi măng Nam Thanh - Bắc
Nghệ, các mỏ ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế; các vùng nguyên liệu hoá
chất, phân bón, vật liệu xây dựng; nhiều mỏ nước khoáng, nước nóng có giá trị
cũng được đánh giá, v.v.. Đó là cơ sở của việc hình thành các khu nguyên liệu
quan trọng để phát triển công nghiệp khai khoáng.
- Bên cạnh các thành tựu
trên, Liên đoàn còn tiến hành tìm kiếm việc làm dịch vụ địa chất (trên 200 đơn
đặt hàng), tổng giá trị dịch vụ các loại đạt hơn 230 tỷ đồng (chủ yếu thực hiện
trong giai đoạn gần đây); đó là kết quả bước đầu hội nhập với cơ chế thị
trường, tạo việc làm cho số lao động dôi dư từ 140 đến 170 người mỗi năm. Hoạt
động sản xuất dịch vụ như lập quy hoạch thăm dò khai thác khoáng sản, quy hoạch
vùng cấm hoạt động khoáng sản,… góp phần tham mưu cho các tỉnh trong lĩnh vực
xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện các dịch vụ tư vấn, thăm
dò các mỏ khoáng sản cho các tổ chức, doanh nghiệp để phát triển sản xuất; thăm
dò khai thác nước dưới đất phục vụ công nghiệp và dân sinh, v.v.. Các sản phẩm
dịch vụ do Liên đoàn thực hiện đều đạt chất lượng cao, tin cậy, được khách hàng
và các đối tác cũng như cấp trên đánh giá cao, nên hoạt động của Liên đoàn ngày
càng có uy tín.
- Để thu được kết quả như
trên, trước hết Liên đoàn phải đổi mới, sắp xếp lại tổ chức, tập trung đầu mối để
nâng cao hiệu quả quản lý. Năm 1989, từ chỗ 16 đơn vị trực thuộc, đến nay còn 3
đơn vị, lực lượng lao động từ gần 1900 người năm 1989, đến nay còn 252 người.
Trong quá trình đó, Liên đoàn luôn coi trọng việc giải quyết chế độ cho người
về nghỉ, trợ cấp thêm ngoài chế độ của nhà nước với tổng số tiền khoảng 5 tỷ
đồng. Để tăng hiệu quả, Liên đoàn điều hành trực tiếp tất cả các nhiệm vụ địa
chất; soạn thảo và ban hành hệ thống văn bản quản lý nội bộ trên tất cả các
lĩnh vực, nhằm đưa công tác quản lý sản xuất vào nề nếp và đảm bảo tính thống
nhất trong toàn Liên đoàn; quan tâm ứng dụng tiến bộ khoa học, không ngừng đổi
mới trang thiết bị, cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đồng thời, Liên
đoàn cũng quan tâm đẩy mạnh phong trào thi đua và các hoạt động xã hội, như:
ủng hộ Quỹ xoá đói giảm nghèo, Quỹ đền ơn đáp nghĩa, nuôi dưỡng các bà mẹ Việt
Nam anh hùng, giúp đỡ đồng bào bị thiên tai, đóng góp vào Quỹ giúp đỡ trẻ em
tàn tật, bị chất độc da cam,… với tổng số tiền khoảng 3,5 tỷ đồng.
Nghĩa vụ Ngân sách Nhà nước,
đơn vị luôn hoàn thành tốt, kịp thời.
Có thể nói những kết quả đạt
được trong chặng đường 35 năm qua của Liên đoàn là rất đáng kể, khẳng định Liên
đoàn đã có bước phát triển toàn diện, thu nhập người lao động không ngừng được
cải thiện, bình quân đầu người năm 2002 là 1,2 triệu đồng/tháng, năm 2006 - 2,4
triệu đồng, năm 2010 khoảng 6,5 triệu đồng.
Phấn đấu để hoàn thành xuất
sắc nhiệm vụ, các cán bộ địa chất của Liên đoàn đã vượt qua muôn vàn khó khăn
gian khổ, đi bộ hàng chục vạn km lộ trình, lội suối, trèo đèo, vượt thác cao,
vực sâu; đã đào hàng chục vạn mét khối hào-giếng, hàng ngàn mét hầm lò, khoan
sâu vào lòng đất hàng chục vạn mét, mang vác hàng chục vạn tấn mẫu các loại,
hàng chục ngàn tấn thiết bị. Dấu chân những người địa chất của Liên đoàn đã in
khắp mọi nẻo đường miền Bắc Trung Bộ, nhất là các vùng núi cao, vùng sâu, vùng
xa, nơi cuộc sống còn nhiều khó khăn thiếu thốn; đã có nhiều đồng đội hy sinh
vì bom đạn chiến tranh, vì tai biến thiên nhiên và bệnh nghề nghiệp, hàng chục
người chịu cảnh thương tật; hàng trăm người đã cống hiến cả sức lực, trí tuệ và
cả tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp tìm mỏ. Tất cả vì một mục tiêu cao cả
của mọi người địa chất là: “Tìm ra nhiều
tài nguyên làm giàu cho Tổ quốc”.
Ghi nhận các thành tích
trong thời gian qua, Liên đoàn đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao
động hạng Nhất (01), hạng Nhì (01), hạng Ba (02), Huân chương Độc lập hạng Ba
(01); Cờ thi đua của Chính phủ, của Bộ TN&MT, Bộ Công thương; 1 tập thể
(Đ.406 - 2 lần) và 5 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng Ba; Chính phủ
tặng Bằng khen 8 người, Chiến sỹ Thi đua toàn quốc 1 người, Chiến sỹ Thi đua cấp
Bộ 6 người và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Có được những thành quả trên
đây, bên cạnh sự cố gắng nổ lực của mình, còn nhờ có sự quan tâm rất lớn của
Đảng và Nhà nước, sự lãnh đạo và chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ TN&MT, Bộ
Công thương, Cục ĐC&KS VN, sự giúp đỡ tạo mọi điều kiện của Lãnh đạo các
tỉnh Bắc Trung Bộ và các tỉnh khác, các cơ quan hữu quan, các đoàn thể, các đơn
vị bạn; sự cưu mang đùm bọc của nhân dân nói chung và đặc biệt là đồng bào các
dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa nơi đơn vị công tác. Nhân dịp này, chúng
tôi xin bày tỏ lời cảm ơn chân thành và kính mong tiếp tục nhận được sự quan
tâm giúp đỡ nhiều hơn nữa trong thời gian tới.
Nhiệm vụ trong chặng đường
tiếp theo rất nặng nề và còn nhiều khó khăn, thử thách, song với truyền thống
đã đạt được, LĐ ĐCBTB sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, phấn đấu nhiều hơn
nữa để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ Nhà nước giao, trước mắt là thực hiện có
hiệu quả Kế hoạch 5 năm 2011-2015, tiếp tục đẩy mạnh công tác điều tra địa
chất, đánh giá tài nguyên khoáng sản ở miền Bắc Trung Bộ, đẩy mạnh hơn nữa các hoạt
động dịch vụ địa chất, cung cấp nhiều sản phẩm có chất lượng cao cho xã hội,
góp phần xây dựng miền Bắc Trung Bộ, phục vụ sự nghiệp Công nghiệp hóa, Hiện
đại hóa Đất nước.