PHÁT HIỆN MỚI QUẶNG SẮT
LATERIT Ở TÂY NGUYÊN
Cuối năm 2009 và đầu năm 2010, Liên đoàn Địa chất Trung Trung Bộ đã phối hợp với Phòng Địa chất (Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) khảo sát thực địa tại 662 vị trí thuộc các tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng, lấy 192 mẫu laterit, trong số đó đã tiến hành phân tích 90 mẫu. Kết quả điều tra đã phát hiện quặng sắt laterit có tài nguyên lớn ở Tây Nguyên.
Tại tỉnh Gia Lai đã ghi nhận được nhiều diện tích lớn phân bố quặng sắt ở phần tây huyện Ia Grai, trên phần lớn diện tích các huyện Đức Cơ, Chư Sê, phần bắc huyện Chư Prông, một phần diện tích các huyện Mang Yang và Kon Chro.
Tại tỉnh Đăk Lăk đã phát hiện được nhiều diện tích lớn phân bố quặng sắt laterit ở huyện Ea Hleo, Cư Mgar, Krông Buk, Krông Hnăng.
Tại tỉnh Đăk Nông đã gặp một số diện phân bố quặng sắt laterit ở huyện Đăk Mil.
Từ đó, ta có thể thấy quặng sắt hình thành trong đới laterit của vỏ phong hoá bazan phân bố rộng rãi ở các tỉnh Tây Nguyên.
Các thân quặng sắt có dạng lớp phủ trên mặt địa hình, phân bố ngay trên bề mặt (xã Ia Krai, huyện Ia Grai, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ, xã Nhơn Hoà huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) hoặc bị phủ bởi lớp đất đỏ có bề dày đến 4 m, hoặc thay đổi từ 2 đến hơn 4 m. Ở hầu hết các vết lộ tự nhiên và nhân tạo đã khảo sát, chưa quan sát được phần đáy của thân quặng.
Quặng sắt laterit gồm các tảng và các mảnh vụn kiểu kết vón dạng xỉ, một số nơi là đới kết tảng cứng chắc. Tỷ lệ thu hồi mảnh vụn laterit, chủ yếu lớn hơn 40%, trong đó đa phần lớn hơn 50% và cá biệt đến 74%.
Theo các kết quả điều tra sơ bộ, diện tích có khả năng sinh quặng sắt laterit ở Tây Nguyên khoảng 2000 km2. Như vậy, có thể dự báo tài nguyên quặng sắt là rất lớn.
Thành phần khoáng vật của quặng gồm các khoáng vật nhóm limonit, nhóm sét-gibsit. Kết quả phân tích hoá thành phần laterit cho thấy hàm lượng (%) Fe thường đạt 30-40, Al2O3 thay đổi đến 20; SiO2 đến 10; lượng mất khi nung (MKN) đến 20. Trong khi đó, hàm lượng các nguyên tố Mn, P, S, Pb, Zn đều rất thấp, và đó là yếu tố thuận lợi cho luyện kim.
Hàm lượng sắt trong quặng này thấp hơn một chút so với quặng sắt limonit đang được khai thác ở các mỏ Quý Xa và Tiến Bộ. Thành phần khoáng vật của laterit là limonit, gần tương tự quặng của các mỏ Quý Xa và Tiến Bộ, chứa các chất có hại ít hơn, nhưng có hàm lượng Al2O3, SiO2 cao hơn.
Bảng 1. Chỉ
tiêu tính trữ lượng mỏ sắt Quý Xa
Thành phần |
Quặng sắt laterit Tây Nguyên |
Quặng sắt mỏ Tiến Bộ |
Quặng loại 2
mỏ Quý Xa |
Quặng loại 3 mỏ Quý Xa |
Hàm
lượng sắt (%) |
30-40 |
33,44-40,41 |
42 |
30 |
Hàm
lượng trung bình P, Pb, Zn, As, S, Cu |
<0,10 |
|
<0,25 |
<0,1 |
Hàm
lượng Mn |
< 1% |
3,33-5,49 |
|
|
Theo phân loại của các nhà luyện kim đen, quặng laterit của vùng Gia Lai thuộc loại quặng sắt nghèo có hàm lượng sắt 20-40%.
Các mỏ quặng sắt loại limonit của Nga đều lấy chỉ tiêu hàm lượng sắt trung bình cho các mỏ là 30%, không chỉ định giới hạn hàm lượng Al2O3 và SiO2.
Trên cơ sở các kết quả phân tích mẫu ban đầu có thể nhận định:
1. Có khả năng nâng cao chất lượng quặng sắt
laterit bằng cách nghiền và rửa sạch quặng để giảm đáng kể hàm lượng Al2O3
và SiO2 hiện đang có trong sét và kaolin và tăng hàm lượng sắt.
2. Có thể nung để làm mất lượng nước trong
quặng và tăng hàm lượng sắt sau nung.
3. Quặng sắt có thành phần limonit thường có
các đặc tính thuận lợi để chế biến quặng sắt hoàn nguyên.
4. Phần Al2O3 và SiO2
còn lại trong quặng khi đưa vào lò cao sẽ được khử bởi các chất trợ dung.
Như vậy, theo nhận định
ban đầu là quặng có thể chế biến được để sản xuất gang.
Trên cơ sở các kết quả
điều tra ban đầu và các nhận định sơ bộ, Phòng Địa chất thuộc Cục Địa chất và
Khoáng sản Việt Nam nhận thấy laterit sắt vùng Tây Nguyên là đối tượng khoáng
sản có tài nguyên lớn và có khả năng chế biến thành quặng sắt cho mục đích
luyện kim đen. Chúng sẽ góp phần quan trọng vào việc đảm bảo nguồn nguyên liệu
khoáng để phát triển ngành luyện kim đen quy mô lớn và bền vững, đáp ứng đủ nhu
cầu trong nước đối với các sản phẩm thép. Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam
đang khẩn trương hoàn thành đề án Điều tra đánh giá tổng thể tiềm năng quặng
bauxit, laterit Nam Việt Nam nhằm đánh giá đầy đủ tài nguyên bauxit và sắt
laterit nêu trên.
PHÒNG ĐỊA CHẤT,
CỤC ĐỊA CHẤT VÀ KHOÁNG SẢN VN