ĐÁNH GIÁ TRIỂN VỌNG KHOÁNG SẢN VÙNG TUY HOÀ
THEO TÀI LIỆU ĐỊA VẬT LÝ MÁY BAY TRÊN CƠ SỞ ÁP DỤNG HỆ PHƯƠNG PHÁP PHÂN TÍCH MỚI                

VÕ THANH QUỲNH

Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, 334 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội

Tóm tắt: Các phương pháp địa vật lý máy bay có vai trò và hiệu quả to lớn trong việc giải quyết nhiều nhiệm vụ địa chất quan trọng, đặc biệt là trong việc tìm kiếm và dự báo triển vọng khoáng sản. Tuy nhiên, trong công tác xử lý và phân tích tài liệu vẫn còn một số hạn chế cần được nghiên cứu khắc phục. Theo hướng này trong những năm gần đây đã có một số công trình  nghiên cứu thu được kết quả tốt. Để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả của các phương pháp địa vật lý máy bay trong tim kiếm và dự báo triển vọng khoáng sản, tác giả đã nghiên cứu, xây dựng và đưa vào áp dụng một hệ phương pháp phân tích mới, bao gồm một số phương pháp hiện có và 3 phương pháp mới: Phương pháp đánh giá và phân loại cụm dị thường phổ gamma; Phương pháp tần suất - nhận dạng; Phương pháp khoảng cách - tần suất - nhận dạng.

     Bằng việc áp dụng hệ phương pháp mới vào xử lý phân tích tài liệu địa vật lý máy bay tác giả đã xây dựng được một Sơ đồ dự báo triển vọng khoáng sản trên toàn diện tích bay đo vùng Tuy Hoà. Đây là những kết quả mới, khách quan, góp phần làm sáng tỏ thêm đặc điểm và triển vọng khoáng sản của vùng.


I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Công tác địa vật lý máy bay tỷ lệ lớn gồm từ-phổ gamma hàng không ở nước ta được tiến hành trong khoảng 25 năm trở lại đây. Những kết quả đạt được trong thời gian qua đã khẳng định vai trò và hiệu quả to lớn của công tác địa vật lý máy bay trong việc giải quyết nhiều nhiệm vụ địa chất quan trọng, đặc biệt là trong việc tìm kiếm và dự báo các khoáng sản có ích. Tuy nhiên do tính khẩn trương về mặt thời gian đối với các đề án bay đo, chưa có điều kiện đầu tư thích đáng cho công tác xử lý phân tích tài liệu làm hạn chế phần nào hiệu quả của phương pháp. Việc áp dụng các hệ thống xử lý phân tích hiện đại để khai thác triệt để hơn các thông tin địa chất từ các số liệu địa vật lý máy bay phục vụ công tác điều tra địa chất và tìm kiếm khoáng sản là yêu cầu hết sức cần thiết.

Ở nước ta hiện nay, trong những năm gần đây công tác xử lý và phân tích tài liệu địa vật lý máy bay ở nước ta cũng đã có những bước tiến đáng kể. Thông qua các đề tài nghiên cứu, một số tác giả đã tiến hành những nghiên cứu, phân tích thử nghiệm trên các tài liệu thực tế bằng nhiều phương pháp khác nhau, trong đó đáng chú ý là nhóm các phương pháp thống kê - nhận dạng. Tuy nhiên, những nghiên cứu theo hướng nói trên thường thu được kết quả tốt với mục đích nghiên cứu cấu trúc, phục vụ công tác lập bản đồ; còn với mục đích tìm kiếm và dự báo triển vọng khoáng sản thì các kết quả thu được còn  hạn chế. Hầu hết các phương pháp phân tích tài liệu phổ gamma hàng không hiện có (đặc biệt là các phương pháp nhận dạng) đều phân tích trên các số liệu trường liên tục theo diện, nghĩa là chỉ tập trung đối với các bản đồ trường. Còn trên các điểm dị thường đơn được thể hiện trên bản đồ phân bố dị thường phổ gamma hàng không, một tài liệu đặc biệt quan trọng trong tìm kiếm và dự báo triển vọng khoáng sản, thì thường mới chỉ được xử lý bằng số các phương pháp thống kê đơn giản. Ngoài ra, khi tiến hành các phương pháp phân tích nhận dạng đối với tài liệu phổ gamma hàng không thường gặp một số khó khăn. Đó là: khối lượng tài liệu cũng như số lượng các chủng loại thông tin là rất lớn,trong khi số lượng các tham số đầu vào của các chương trình phân tích nhận dạng hiện có thường bị giới hạn. Việc sử dụng các tổ hợp chủng loại thông tin khác nhau để tiến hành phân tích nhận dạng nhiều khi cho những kết quả rất khác nhau. Trong khi đó, việc đánh giá, lựa chọn tổ hợp thông tin trước khi tiến hành phân tích nhận dạng thường dựa nhiều vào kinh nghiệm mang tính chủ quan, chưa được tính toán chặt chẽ. Đây cũng chính là một trong những hạn chế khi tiến hành các phương pháp phân tích nhận dạng đối với tài liệu địa vật lý máy bay ở nước ta hiện nay.  

Để góp phần từng bước giải quyết các hạn chế nói trên chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu lựa chọn và đưa vào áp dụng một hệ phương pháp phân tích tổ hợp tài liệu địa vật lý máy bay trong tìm kiếm và dự báo triển vọng khoáng sản, trên cơ sở sử dụng một số phương pháp phân tích truyền thống hiện có, đồng thời bổ sung các phương pháp phân tích mới.

II. XÂY DỰNG HỆ PHƯƠNG PHÁP

Hệ phương pháp được xây dựng bao gồm:

1) Sử dụng một số phương pháp truyền thống hiện có trong Bộ Chương trình COSCAD.

2) Áp dụng bổ sung 3 phương pháp phân tích mới:

a- Phương pháp đánh giá và phân loại cụm dị thường.

b- Phương pháp tần suất - nhận dạng.

c- Phương pháp khoảng cách - tần suất - nhận dạng.

Đây là 3 phương pháp phân tích tài liệu mới riêng biệt, do nhóm nghiên cứu chúng tôi đề xuất xây dựng và đưa vào áp dụng thử nghiệm trên các tài liệu thực tế cho kết quả tốt. Sau đây sẽ trình bày tóm tắt nội dung của các phương pháp đó.

1. Phương pháp đánh giá và phân loại cụm dị thường

Nội dung của phương pháp này là đưa ra một cách đánh giá và phân loại cụm dị thường phổ gamma hàng không trên cơ sở tập hợp số liệu các dị thường đơn của cụm, cụ thể như sau:

a- Cụm dị thường được đánh giá và phân loại bản chất phóng xạ qua 8 tham số chỉ tiêu: ΔJ, T(1/2), ΔU/ΔK, ΔTh/ΔU,  JU, JTh, JK, F tương tự đối với các dị thường đơn, đồng thời bổ sung ba tham số mới là hệ số tương quan hàm lượng các nguyên tố RU-Th, RU-K, RK-Th.

Các tham số phóng xạ đặc trưng của cụm được xác định thông qua đường cong biến phân (đường cong mật độ phân bố) từ tập hợp số liệu của các dị thường đơn. Trên đường cong biến phân giá trị có tần suất lớn nhất được chọn  làm giá trị đặc trưng chung của cụm.

Các tham số hệ số tương quan được tính theo công thức:

Phương pháp phân tích này được thực hiện trên trên máy tính thông qua chương trình Q20. Từ kết quả phân tích của chương trình sẽ  thành lập “Sơ đồ phân bố cụm dị thường”. Sơ đồ này phản ảnh một cách khái quát, toàn diện hơn về đặc điểm cũng như bản chất phóng xạ chung của toàn cụm, là những căn cứ quan trọng khi xem xét đánh giá triển vọng của các diện tích liên quan tới các cụm dị thường.

2. Phương pháp tần suất - nhận dạng

Đây là một phương pháp nhận dạng mới, được xây dựng trên cơ sở vận dụng phương pháp phân tích tần suất trong phân tích đối sánh, xác định các đối tượng đồng dạng, cũng như trong đánh giá lựa chọn thông tin.

a. Đối với đối tượng mẫu có ma trận thông tin dạng:

         (2.1)

Theo Griffiths-Vinin, tỷ trọng thông tin tương đối của tính chất thứ “i” được xác định theo công thức:

   (2.2)

Sắp xếp các tính chất của đối tượng theo thứ tự giảm dần của tỷ trọng thông tin tương đối và gọi tập mới sắp xếp theo luật đó là [Ii*].

Khi đó tỷ trọng thông tin của tổng m tính chất đầu theo tỉ lệ % được tính:

           (2.3)

Pm  là cơ sở để lựa chọn tập hợp các tính chất đủ chứa tải những thông tin cần thiết theo yêu cầu nghiên cứu.

b. Đối với các đối tượng đối sánh:

Tính tỷ trọng thông tin của tổ hợp thông tin đã được lựa chọn của đối tượng mẫu cho đối tượng đối sánh, giá trị này tương tự như hệ số đồng dạng và được gọi nó là chỉ số đồng dạng, ký hiệu P*m.

Đối tượng đối sánh được xem là đồng dạng với đối tượng mẫu hay không thông qua chỉ số đồng dạng  P*m. Phương pháp phân tích này được thực hiện trên máy tính thông qua chương trình QTS.

Đây là một phương pháp phân tích tổ hợp, cho phép xử lí đối với mọi dạng số liệu địa chất, địa vật lý bất kỳ với số lượng tham số đầu vào tuỳ ý và đã tiến hành phân tích thử nghiệm trên tài liệu thực tế cho kết quả tốt.

3. Phương pháp khoảng cách - tần suất - nhận dạng

Đây cũng là một phương pháp nhận dạng mới nhưng khác với phương pháp tần suất - nhận dạng ở chỗ: phương pháp tần suất - nhận dạng chỉ dựa trên một loại đối tượng mẫu, đó là các đối tượng cần tìm (ví dụ đối tượng quặng). Trong khi đó  phương pháp khoảng cách - tần suất - nhận dạng  xử lý đồng thời trên 2 loại đối tượng mẫu đối nghịch nhau (ví dụ quặng và không quặng), trên cơ sở vận dụng kết hợp thuật toán khoảng cách khái quát của Paguônôv và thuật toán phân tích tần suất của Griffiths-Vinni.

a. Từ các ma trận thông tin của đối tượng mẫu: 

- Đối tượng quặng.

      (2.1)

- Đối tượng không quặng:

       (2.2)

Theo Paguônôv, lượng thông tin của tính chất thứ “i” được đánh giá theo bình phương khoảng cách khái quát giữa trọng tâm các đám mây trong không gian dấu hiệu:

                   (2.3)

trong đó:

                     (2.4)

Sắp xếp {} theo thứ tự giảm dần và gọi nó là {}. Khi đó thông tin tổng của j tính chất đầu trong toàn bộ k tính chất được tính theo công thức:

                        (2.5)

Trị số  có quan hệ với sai số nhận biết, phân biệt đối tượng  như sau:

         (2.6)

Tiến hành phân tích bằng cả 2 thuật toán (Paguônôv và Griffiths-Vinni)

Sắp xếp tập {} theo thứ tự của tập   {} và gọi tập mới này là {Ji}.

Tỷ trọng thông tin tương đối của h tính chất đầu theo tập {Ji} được tính bằng:

                (3.1)

 Qh là cơ sở để lựa chọn tập hợp các tính chất có độ tin cậy cao theo yêu cầu nghiên cứu.

b. Đối với các đối tượng đối sánh:

Phân tích theo thuật toán Griffiths-Vinni đối với ma trận thông tin của đối tượng đối sánh, từ đó xác định tỷ trọng thông tin tương đối của h tính chất đầu theo tập {Ji} và gọi nó là Q*h.

Đối tượng đối sánh được xem là đồng dạng với đối tượng mẫu khi Q*h  ≥ Qh.

Tương tự phương pháp tần suất - nhận dạng, đây cũng là một phương pháp phân tích nhận dạng mới được xây dựng trên cơ sở vận dụng kết hợp phương pháp phân tích khoảng cách khái quát theo thuật toán Paguônôv và phương pháp phân tích tần suất theo thuật toán Griffiths-Vinni. Phương pháp này cũng đã được phân tích tự động theo chương trình QKC.

III.  DỰ BÁO TRIỂN VỌNG KHOÁNG SẢN VÙNG TUY HOÀ

Tìm kiếm và dự báo triển vọng khoáng sản là mục tiêu chính của công tác địa vật lý máy bay tỷ lệ lớn, trong đó phương pháp phổ gamma hàng không đóng vai trò chủ đạo. Chúng ta biết rằng nhiều quá trình tạo quặng thường gắn liền với quá trình phân bố lại các nguyên tố phóng xạ. Do vậy, tìm kiếm và dự báo các diện tích có triển vọng khoáng sản theo tài liệu địa vật lý máy bay,đặc biệt là tài liệu phổ gamma hàng không trước hết là khoanh định các trường xạ - địa hoá cục bộ, liên quan với các đới biến đổi, trên đó xảy ra sự phân bố lại các nguyên tố phóng xạ, có tiềm năng triển vọng khoáng hoá quặng. Tiếp đến là tiến hành các bước đánh giá, phân loại mức độ triển vọng của các diện tích đã được khoanh định.

Để khoanh định các trường xạ - địa hoá cục bộ có tiềm năng triển vọng khoáng hoá quặng; đánh giá, phân loại mức độ triển vọng của các diện tích; từ đó xây dựng “Sơ đồ dự báo triển vọng khoáng sản”, chúng tôi đã tiến hành các bước như sau:

Bước 1. Khoanh định các trường xạ địa hóa cục bộ, liên quan với các đới biến đổi triển vọng khoáng hóa quặng.

* Áp dụng một số chương trình của “Khối xử lý thống kê”, “Khối phát hiện và phân chia dị thường” và “Khối xử lý tổ hợp” trong Bộ COSCAD để xác định các đặc trưng thống kê của các trường địa vật lý, phân chia các miền trường theo các tổ hợp dấu hiệu đặc trưng, khoanh định các trường xạ cục bộ như cách làm thông thường hiện nay dựa theo các dấu hiệu sau:

- Các cụm dị thường địa vật lý.

- Đới dị thường tỉ số F.

- Đới dị thường hệ số tương quan.

- Đặc điểm phân bố không gian của các dị thường địa phương.

* Áp dụng bổ sung “Phương pháp đánh giá và phân loại cụm dị thường”  vào phân tích tài liệu dị thường của phương pháp phổ gamma hàng không.

Trên vùng bay Tuy Hòa với tổng diện tích khoảng 7600 km2 đã phát hiện được gần 2000 dị thường và được khoanh định thành 120 cụm. Các dị thường đơn được thể hiện trên 15 mảnh bản đồ tỷ lệ 1:50.000. Bản vẽ số 1 là một phần diện tích nhỏ phía ĐN của vùng bay có khoảng 150 dị thường. Bằng phương pháp đánh giá và phân loại cụm dị thường theo chương trình Q.20 toàn bộ 120 cụm dị thường được mã hóa và xác định bản chất phóng xạ. Từ đó thành lập “Sơ đồ phân bố cụm dị thường phổ gamma hàng không”. Sơ đồ này cùng với các số liệu tham số phóng xạ đặc trưng của cụm là những tài liệu rất có ý nghĩa giúp người phân tích có thêm những hiểu biết đầy đủ, toàn diện hơn về đặc điểm trường phóng xạ của từng cụm cũng như của toàn vùng bay. Những tài liệu này không chỉ góp phần trong việc khonh định các đới biến đổi có triển vọng khoáng hoá quặng mà còn có thể tham gia vào việc phân loại  mức độ triển vọng của các đới liên quan với các cụm dị thường ở bước tiếp theo.

Bước 2. Khoanh định các đới có triển vọng, phân loại chúng trên cơ sở đối sánh các tiêu chuẩn địa vật lý với các tiền đề địa chất.

Các tiêu chuẩn địa vật lý được đem đối sánh với các tiền đề địa chất, đặc biệt là các kết quả của công tác kiểm tra đánh giá mặt đất thuộc đề án bay đo và của công tác tìm kiếm đánh giá trong đo vẽ địa chất.

Để đánh giá và phân loại mức độ triển vọng khoáng sản của các đới theo tiêu chuẩn địa vật lý đã sử dụng hai phương pháp nhận dạng mới là phương pháp tần suất - nhận dạng và phương pháp khoảng cách - tần suất - nhận dạng. Toàn bộ số liệu địa vật lý máy bay (từ và phổ gamma hàng không) trên diện tích 7600 km2 bao gồm 678.500 điểm đo, mổi điểm đo gồm 5 số liệu đã được xử lý phân tích tổ hợp theo 2 phương pháp nhận dạng nói trên. Kết quả như sau:

a. Phương pháp tần suất - nhận dạng: Kết quả của công tác kiểm tra mặt đất có dị thường địa vật lý hàng không và công tác tìm kiếm trong đo vẽ địa chất cho thấy, khoáng sản trên vùng biểu hiện khá phong phú, đáng chú ý: vàng, thiếc, wolfram, đất hiếm.., trong đó nổi bật nhất là vàng; chúng được phản ánh bằng các dị thường phổ gamma mang bản chất phóng xạ khác nhau, điển hình là các dị thường bản chất kali và thori-kali. Để áp dụng được phương pháp tần suất - nhận dạng, ở đây các đối  tượng mẫu được chọn là các cụm triển vọng (loại 1 và loại 2) đại diện cho các nhóm bản chất phóng xạ khác nhau.

- Nhóm bản chất kali: là nhóm phổ biến nhất, phân bố chủ yếu ở phần phía bắc diện tích vùng bay. Tiến hành phân tích với cụm 68 (triển vọng vàng)  làm đối tượng mẫu (Bảng 1).

- Nhóm bản chất thori-kali: là nhóm phổ biến thứ 2 phân bố tập trung ở phần tây nam của vùng nghiên cứu. Tiến hành phân tích với cụm 38 (triển vọng Au, Sn, W) làm đối tượng mẫu ( Bảng 2).

Từ kết quả phân tích đối với 2 nhóm bản chất phóng xạ phổ biến nhất trên vùng (K và Th-K) với 2 cụm đối tượng mẫu điển hình là 68 và 38 đã kiểm tra được thực tế. Cụm 68 là cụm có bản chất kali (Xuân Sơn - Suối Cái) được đánh giá tài nguyên dự báo cấp P ước lượng khoảng 5.000 kg vàng. Cụm 38 là bản chất thori-kali (Eatlư) được đánh giá triển vọng thiếc cho ta thấy rằng: trong 9 cụm được kiểm tra thì 8 cụm được đánh giá là có triển vọng. Các kết quả kiểm chứng trên những cụm đã được kiểm tra mặt đất cho phép dự đoán về triển vọng của các cụm đồng dạng khác chưa được kiểm tra một cách có cơ sở.

Các nhóm còn lại cũng được tiến hành kiểm tra trên các cụm đại diện nhưng mức độ triển vọng khoáng sản được đánh giá là không lớn.

b. Phương pháp khoảng cách - tần suất - nhận dạng: Áp dụng phương pháp này đòi hỏi phải có 2 loại đối tượng mẫu đối ngược nhau (quặng và không quặng). Trong thực tế việc phân tích lựa chọn các đối tượng mẫu không quặng gặp nhiều khó khăn, ở các cụm đã kiểm tra mặt đất và xếp vào loại ít có triển vọng, thường chỉ đánh giá là chưa thấy các biểu hiện quặng, rất ít cụm khẳng định là không có triển vọng quặng. Trên vùng chỉ có nhóm bản chất thori và thori-kali là có được các cặp đối tượng mẫu tin cậy.

Kết quả phân tích bằng phương pháp này cho kết quả tương đối trùng với kết quả phân tích bằng phương pháp tần suất  - nhận dạng và phù hợp với tài liệu thực tế trên những vùng đã được kiểm chứng.

- Nhóm bản chất kali: Ở nhóm này có các cụm 51, 88, 92 được xếp là loại ít có triển vọng, trong đó cụm 88 đã được kiểm tra mặt đất, không có biểu hiện quặng và các dấu hiệu để khoanh định các đới biến đổi dự đoán. Chọn cụm 88 là đối tượng mẫu không quặng và cụm 68 là đối tượng quặng. Kết quả trong 13 cụm được xác lập là đồng dạng với cụm 68 có 8 cụm được kiểm tra mặt đất và 5 cụm chưa được kiểm tra. Tất cả 8 cụm được kiểm tra đều được đánh giá là có triển vọng, trong đó 3 cụm (87, 89, 94) được xếp là triển vọng loại 1 và 5 cụm (10, 60, 95, 101) là triển vọng loại 2.

- Nhóm bản chất thori-kali: Cặp mẫu điển hình cho nhóm này được chọn là cụm 38 đối tượng mẫu quặng và cụm 55 đối tượng mẫu không quặng. Kết quả phân tích tương đối khả quan là trong 8 cụm được xác định là đồng dạng với đối tượng quặng, có 5 cụm được kiểm tra mặt đất, thì 4 cụm (28, 41, 52, 95) được xác định là có triển vọng và 1 cụm (56) được đánh giá là ít có triển vọng.

Các nhóm bản chất còn lại phân tích cho kết quả tham khảo không thật đảm bảo độ  tin cậy.

So sánh kết quả phân tích của 2 phương pháp trên với 2 nhóm bản chất phóng xạ điển hình (K và Th-K) cho thấy kết quả phân tích bằng 2 phương pháp là tương đối trùng nhau và phù hợp với tài liệu thực tế trên những diện tích đã được kiểm tra.

Điều này cho thấy các phương pháp xử lý được áp dụng đã cho phép dự báo triển vọng khoáng sản trên những cụm đồng dạng chưa được kiểm tra mặt đất là hoàn toàn có cơ sở.

Từ các kết quả xử lý đã xây dựng “Sơ đồ dự báo triển vọng khoáng sản” theo tài liệu địa vật lý máy bay trên toàn diện tích vùng Tuy Hoà (Hình 1). Trên Sơ đồ này các đới triển vọng được khoanh định và xếp loại về mức độ triển vọng theo cách như sau:

1. Triển vọng loại A1 là các đới đã được kiểm tra đánh giá mặt đất và được xác nhận là rất triển vọng.

2. Triển vọng loại A là các đới chưa được tiến hành kiểm tra đánh giá mặt đất, nhưng đạt các tiêu chuẩn địa vật lý từ các kết quả phân tích nhận dạng.

3. Triển vọng loại B là các đới chưa được tiến hành kiểm tra mặt đất và các kết quả phân tích nhận dạng theo các phương pháp đã tiến hành không hoàn toàn trùng nhau.

Kết quả là đã khoanh định được 14 đới triển vọng loại A1, 13 đới triển vọng loại A và 15 đới triển vọng loại B.

Từ “Sơ đồ dự báo triển vọng khoáng sản” có thể thấy khoáng sản trong vùng biểu hiện khá phong phú, đa dạng, đáng chú ý là vàng, thiếc, wolfram, molybđen, đất hiếm, trong đó nổi bật nhất là vàng. Vàng được phát hiện nhiều nơi trên nhiều đối tượng địa chất khác nhau, được biểu hiện chủ yếu bằng các đới dị thường mang bản chất kali. Khoáng sản đáng chú ý thứ 2 là wolfram trong các đới biến đổi như greisen hóa, các mạch pegmatit được biểu hiện bằng các đới dị thường bản chất thori và hỗn hợp.

Khoáng sản trong vùng có nguồn gốc nhiệt dịch nhiệt độ thấp đến trung bình và thường liên quan với các đá biến đối trong vùng phân bố là phức hệ Bến Giằng và hệ tầng phun trào Mang Yang. Về trường địa vật lý, chúng thường biểu hiện bằng các đới dị thường phổ gamma mang bản chất kali và thori-kali.


Bảng 1. Kết quả phân tích theo phương pháp tần suất - nhận dạng
Đối tượng mẫu: Cụm 68 (K)

STT

Các cụm đồng dạng

Chỉ số đồng dạng

Đã kiểm tra mặt đất

Kết quả đánh giá

1

10

81,58 %

*

T.V. loại 1

2

19

79,84 %

 

 

3

20

81,79 %

 

 

4

24

80,94 %

 

 

5

39

84,24 %

 

 

6

60

79,28 %

*

T.V loại 2

7

66

85,51 %

 

 

8

79

79,90 %

 

 

9

82

78,24 %

 

 

 

Bảng 2. Kết quả phân tích theo phương pháp tần suất - nhận dạng
 Đối tượng mẫu:
 cụm 38 (Th-K) 

STT

Các cụm đồng dạng

Chỉ số đồng dạng

Đã kiểm tra mặt đất

Kết quả đánh giá

1

21

83,47 %

 

 

2

41

83,02 %

*

T.V loại 1

3

52

81,50 %

*

T.V loại 1

4

61

84,80 %

 

 

5

63

84,47 %

 

 

 


Các khoáng sản thiếc, wolfram, molybđen chưa gặp quặng gốc mà mới chỉ gặp ở dạng vành phân tán trọng sa. Chúng thường biểu hiện bằng các đới dị thường phổ gamma mang bản chất thori hoặc thori-urani, liên quan với các đá biến đổi ở nhiệt độ cao và nằm trong đá granit phức hệ Đèo Cả, cũng như trong các đá biến chất hệ tầng Đăk Mi. Nhìn chung, khoáng sản này có triển vọng không lớn.

Đất hiếm và kim loại phóng xạ cũng gặp ở dạng vành phân tán trọng sa zircon và monazit. Chúng biểu hiện là các đới dị thường phổ gamma có  bản chất thori-urani và thori-kali. Có lẽ chúng liên quan với các đá biến đổi nhiệt dịch nhiệt độ trung bình và thường nằm trong các đá của phức hệ Vân Canh.


Hình 1. Sơ đồ dự báo triển vọng khoáng sản vùng Tuy Hòa
(theo tài liệu địa vật lý hàng không), thu nhỏ từ tỷ lệ 1:200.000.


IV. KẾT LUẬN

Hệ phương pháp phân tích tài liệu địa vật lý máy bay trong tìm kiếm và dự báo triển vọng khoáng sản được xây dựng trên cơ sở một số phương pháp hiện có, đồng thời đưa vào các phương pháp phân tích mới, đã thực sự góp phần khắc phục những hạn chế của các phương pháp phân tích tài liệu địa vật lý máy bay ở nước ta hiện nay.

Ba phương pháp phân tích mới đã bổ sung và làm phong phú hệ các phương pháp phân tích tài liệu địa vật lý máy bay hiện có, trong đó “Phương pháp đánh giá và phân loại cụm dị thường” mang tính chuyên dụng, chỉ phân tích đối với tài liệu phổ gamma hàng không. Hai phương pháp còn lại là những phương pháp phân tích nhận dạng, về nguyên tắc có thể áp dụng cho các dạng số liệu địa chất - địa vật lý bất kỳ, vối số lượng các tham số đầu vào được mở rộng.

Các kết quả áp dụng thực tế đối với tài liệu địa vật lý máy bay vùng Tuy Hoà đã góp phần nói lên tính đúng đắn, độ tin cậy của các phương pháp phân tích mới, đồng thời làm rõ ý nghĩa thực tiễn và phạm vi áp dụng của chúng. “Sơ đồ dự báo triển vọng khoáng sản” được thành lập là những kết quả mới, khách quan góp phần làm sáng tỏ đặc điểm và triển vọng khoáng sản của vùng.

Hệ phương pháp phân tích mới, cũng như từng phương pháp riêng lẻ trong đó, hoàn toàn có thể đưa vào áp dụng trong công tác xử lý phân tích tài liệu địa vật lý máy bay, một nguồn tài liệu đồ sộ và hết sức phong phú, nhưng chưa được khai thác triệt để, phục vụ công tác tìm kiếm và dự báo triển vọng khoáng sản trên những phần lãnh thổ đã được tiến hành công tác bay đo địa vật lý.

Bài báo này được hoàn thành với sự hỗ trợ kinh phí từ Đề tài Nghiên cứu Cơ bản 7.037.06 và Đề tài ĐHQG. QG.06.16

VĂN  LIỆU

1. Davis J.C., 1995. Statistíc and data analysis in geology. New York.

2. Green A.A., 1987. Levelling airborne gamma-radiation data using between-channel correlation information, Geophysics, 52/11.

3. Paratov G.C., 1987. Các phương pháp toán trong tìm kiếm thăm dò khoáng sản. Nxb Nedra, Moskva (tiếng Nga).

4. Võ Thanh Quỳnh (Chủ biên), 1996. Báo cáo Kết quả bay đo từ phổ gamma tỷ lệ 1/25.000 vùng Tuy Hoà. Lưu trữ Địa chất, Hà Nôi.

5. Vo Thanh Quynh, 1996. Enhancement of effectiveness of extracting and using the information in analyzing and processing the airborne gamma-spectrometric data by using new methods. Intern. Worksh. & Exh. on Geophysics, Hà Nội.

6. Võ Thanh Quỳnh, 2007. Một cách tiếp cận mới giải quyết bài toán nhận dạng trong xử lý, phân tích tài liệu địa vật lý. TC Địa chất, A/302 : 76-80. Hà Nội.

7. Võ Thanh Quỳnh, 2008. Phương pháp đánh và phân loại cụm dị thường trong xử lý-phân tích tài liệu phổ gamma hàng không. TC Địa chất, A/304: 70-75. Hà Nội.

8. Võ Thanh Quỳnh, 2008.  Xây dựng một phương pháp nhận dạng mới trong xử lý tài liệu địa vật lý trên cơ sở vận dụng kết hợp các phương pháp phân tích khoảng cách khái quát và phân tích tần suất. TC Địa chất, A/305 : 61-66. Hà Nội.