NGHIÊN CỨU LUẬN GIẢI ĐẶC TRƯNG TRƯỜNG PHỔ GAMMA PHỤC VỤ DỰ BÁO TRIỂN VỌNG SA KHOÁNG ĐỚI BIỂN VEN BỜ VIỆT NAM

LÊ KHÁNH PHỒN1, NGUYỄN VĂN DŨNG1, NGÔ THANH THUỶ2,
 VŨ BÁ DŨNG2, NGUYỄN VĂN NAM3, VŨ VĂN BÍCH3  

1Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội.
2Liên đoàn Địa chất Biển, 125, Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.
3Liên đoàn Địa chất Xạ-Hiếm, Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội.

Tóm tắt: Các kết quả nghiên cứu về tác động của phong hóa bóc mòn và các yếu tố khác đối với thành phần vật chất và quy luật phân bố hàm lượng các nguyên tố phóng xạ trong trầm tích tầng mặt đã làm sáng tỏ các đặc trưng trường phổ gamma đới biển ven bờ Việt Nam. Nước biển chứa ion chất đồng vị phóng xạ 40K gây ra hiệu ứng làm tăng giá trị hàm lượng kali trong phép đo phổ gamma ngoài trời từ 10 đến 30% so với phân tích mẫu trong phòng. Khoáng vật titan được làm giàu tích tụ đồng hành cùng với các khoáng vật chứa chất phóng xạ như monazit, zircon, xenotim, hàm lượng TiO2 trong quặng tỷ lệ nghịch với K2O minh giải cho đặc trưng dị thường phổ gamma có bản chất hỗn hợp Th-U không chứa kali trên các mỏ hoặc đới sa khoáng biển titan.

Áp dụng kết quả nghiên cứu tại vùng X đã xác định được dải dị thường phổ gamma trước cửa sông có bản chất hỗn hợp Th-U với xu thế tăng mạnh hàm lượng Th và không chứa kali, có triển vọng đối với sự tích tụ sa khoáng biển titan.


I. MỞ ĐẦU

Công tác khảo sát phổ gamma đáy biển trong các năm từ 1991 đến 2000 đã phục vụ hiệu quả đề án “Điều tra địa chất và tìm kiếm khoáng sản rắn biển nông ven bờ Việt Nam tỷ lệ 1:500.000” do TSKH. Nguyễn Biểu chủ trì. Tập thể các nhà khoa học của Liên đoàn Địa chất Biển, Liên đoàn Vật lý Địa chất, Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, Liên đoàn Địa chất Xạ-Hiếm đã xác định được các dị thường phổ gamma, quy luật phân bố hàm lượng các nguyên tố U, Th, K trong các trầm tích tầng mặt đới biển ven bờ.

Trong bài báo này, chúng tôi đưa ra kết quả nghiên cứu, luận giải đặc trưng trường phổ gamma phục vụ dự báo triển vọng sa khoáng đới biển ven bờ nước ta.

II. BẢN CHẤT VÀ ĐẶC TRƯNG TRƯỜNG PHỔ GAMMA

Phương pháp phổ gamma là phương pháp đo bức xạ gamma tự nhiên theo các mức năng lượng khác nhau để xác định hàm lượng U, Th, K có trong đất, đá và trong các thân khoáng.

Năng lượng bức xạ gamma của các nguyên tố phóng xạ có giá trị xác định, đặc trưng cho chúng. Cho nên nếu đo cường độ bức xạ gamma tại các “cửa sổ năng lượng” tương ứng với năng lượng đặc trưng của các nguyên tố phóng xạ cần xác định, người ta có thể xác định hàm lượng của chúng tại vị trí khảo sát hoặc của mẫu vật cần nghiên cứu.

1

Do bức xạ gamma có khả năng đâm xuyên không lớn nên độ sâu nghiên cứu của các phương pháp gamma nói chung và của phương pháp phổ gamma nói riêng không quá 1m, tương đương với độ sâu nghiên cứu của phương pháp địa hoá.

Từ đó suy ra bản chất trường phổ bức xạ gamma đo được phản ánh sự phân bố hàm lượng của các nguyên tố phóng xạ U, Th, K của lớp đất đá sát bề mặt tại điểm quan sát. Đối với phương pháp phổ gamma đáy biển thì trường phổ bức xạ gamma đo được phản ánh quy luật phân bố hàm lượng U, Th, K của các thành tạo trầm tích tầng mặt vùng nghiên cứu.

Các trầm tích tầng mặt đáy biển ven bờ được thành tạo từ nguồn vật liệu do sông ven biển cung cấp và chịu các yếu tố tác động phong hoá bóc mòn các vùng châu thổ, môi trường địa hoá, dòng chảy, …

Bởi vậy muốn làm sáng tỏ và luận giải đặc trưng trường phổ bức xạ gamma, trước hết cần nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng sự phân bố thành phần trầm tích tầng mặt và xác định mối liên quan của chúng.

III. CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ PHÂN BỐ THÀNH PHẦN TRẦM TÍCH TẦNG MẶT

1. Ảnh hưởng của tác động phong hoá bóc mòn

Để làm sáng tỏ các yếu tố ảnh hưởng đến sự phân bố thành phần trầm tích tầng mặt đới biển ven bờ, chúng tôi đã nghiên cứu các yếu tố tác động đến nguồn cung cấp vật liệu và môi trường tích tụ lắng đọng.

Do đó, đề tài đã tiến hành nghiên cứu tác dụng phong hoá bóc mòn châu thổ, thành phần các nguyên tố chủ yếu và vi lượng trong vật liệu mà các sông cung cấp ra biển.

Trong các năm 2005-2006, nhóm tác giả phối hợp với các nhà khoa học Trung Quốc tiến hành khảo sát thu thập hàng trăm mẫu bùn cát trầm tích tầng mặt các sông ven biển và biển ven bờ từ sông Hồng đến sông Mêkông. Thành phần các nguyên tố chủ yếu (SiO2, TiO2, Al2O3, Fe2O3, MnO, MgO, CaO, Na2O, K2O, P2O5) trong mẫu được xác định bằng phương pháp phổ huỳnh quang tia X trên thiết bị ARL9800XP của Trường Đại học Nam Kinh, còn thành phần các nguyên tố vi lượng (Ba, Rb, Sr, Zr, Zn, Pb) được xác định bằng phương pháp khối phổ trên thiết bị hiện đại ICP-MS của Trường Đại học Đồng Tế Thượng Hải, Trung Quốc.

Tính chất hoạt động của nguyên tố trong quá trình phong hoá được thể hiện trong thành phần hoá học của các sản phẩm phong hoá của châu thổ các con sông. Vì Al được lưu lại trong vật chất tàn dư của phong hoá, là nguyên tố hoạt động yếu nhất trong các nguyên tố chủ yếu, nên người ta dùng “tỷ số nguyên tố” so với Al để biểu thị tính hoạt động của nguyên tố cần nghiên cứu. Công thức “tỷ số nguyên tố” của nguyên tố X nào đó trong trầm tích của sông được được viết như sau:

Tỷ số nguyên tố X = [X/Al2O3 (sông)] / [X/Al2O3 (UCC)]                                       (1)

trong đó: UCC là thành phần hàm lượng nguyên tố bình quân của vỏ Trái đất.

Tỷ số này phản ánh mức độ làm giàu trong quá trình phong hoá của nguyên tố X: nếu tỷ số lớn hơn 1 thì nó được làm giàu lên trong quá trình phong hoá, nếu nhỏ hơn 1 thì nó bị làm nghèo đi, còn nếu bằng 1 chứng tỏ nó không bị biến đổi.

Hình 1 biểu diễn “tỷ số nguyên tố” trầm tích tầng mặt các sông Hồng, Mêkông (Việt Nam) và Châu Giang (Trung Quốc). Nó cho ta thấy hàm lượng SiO2 trầm tích tầng mặt sông Mêkông hầu như không bị biến đổi so với hàm lượng trung bình của nó trong vỏ Trái đất. Trong khi đó hàm lượng SiO2 của trầm tích sông Hồng và Châu Giang bị làm nghèo chút ít. Hàm lượng Al2O3 của trầm tích cả 3 con sông đều không bị biến đổi. Điều đó chứng tỏ thành phần vật liệu cung cấp ra biển của sông Hồng và Châu Giang có tỷ lệ phù sa bùn sét so với cát cao hơn chút ít so với Mêkông. Hàm lượng TiO2, Fe2O3 trong tất cả các sông đều được làm giàu lên. Đó là vì TiO2 có tính hoạt động kém trong quá trình phong hoá, dễ được làm giàu trong vật liệu trầm tích. Sự làm giàu Fe2O3 có hai nguyên nhân: nguyên nhân thứ nhất do nó ít linh hoạt trong quá trình phong hoá; nguyên nhân thứ hai do có khả năng trong lưu vực sông có tồn tại khoáng vật nặng (ví dụ như mỏ sắt-titan). Điều vừa mô tả bên trên chứng tỏ các con sông ven biển chính là nguồn cung cấp vật liệu tạo thành các mỏ sa khoáng titan của đới biển ven bờ. Cần lưu ý Ti và Fe đều được làm giàu lên trong quá trình phong hoá. Hàm lượng của chúng có tỷ lệ thuận với nhau trong vật liệu trầm tích.

Đối với Na2O và K2O tình hình khác hẳn. Hàm lượng của chúng trong vật liệu bồi tích của các dòng sông đều bị làm nghèo đi. Độ linh động của Na2O mạnh hơn so với K2O. Do bị phong hoá rửa trôi từ các thành tạo lục địa, các ion Na+ và K+ tồn tại trong nước sông, nước biển, còn trong thành tạo trầm tích tầng mặt của sông và biển ven bờ hàm lượng Na, K nhỏ hơn so với hàm lượng trung bình của chúng trong vỏ Trái đất.


Hình 1. “Tỷ số nguyên tố” thành phần  trầm tích tầng mặt của một số sông tiêu biểu
ở Việt Nam và Trung Quốc [theo 5, 6]


Chúng ta biết trong kali tự nhiên có đồng vị phóng xạ là 40K chiếm tỷ lệ 0,0119%. Đồng vị phóng xạ 40K phân rã theo hai con đường là phân rã b- (chiếm tỷ lệ 89%) và bắt điện tử (chiếm tỷ lệ 11%) kèm theo phát xạ bức xạ gamma năng lượng Eg = 1,46 MeV. Chính vì vậy sự giảm thiểu hàm lượng K trong trầm tích tầng mặt đáy biển và sự có mặt các ion K+ trong nước biển sẽ tạo ra bức tranh trường phổ gamma đáy biển có đặc trưng khác với trong đất liền.

2. Ảnh hưởng của môi trường địa hoá

Kết quả phân tích thành phần trầm tích tầng mặt các sông và ven biển còn được dùng để xây dựng các đồ thị tương quan hàm lượng giữa SiO2, Al2O3, TiO2 với các thành phần khác (xem Hình 2). 

Hình 2 cho thấy trong trầm tích tầng mặt của cả 3 con sông, hàm lượng SiO2 tỷ lệ nghịch với hàm lượng của Al2O3, Fe2O3 và cả với K2O. Trong khi đó hàm lượng Al2O3 tỷ lệ thuận với Fe2O3 và K2O. Từ đây có thể suy ra trong các thành phần trầm tích cát là chủ yếu (tại các nơi có hàm lượng SiO2 cao), hàm lượng chất phóng xạ 40K (trong kali tự nhiên) sẽ nhỏ. Hơn nữa trong cát, thành phần trầm tích hạt mịn là bùn sét (chứa Al2O3) và oxyt sắt chiếm tỷ lệ nhỏ. Bùn sét và oxyt sắt là các chất có khả năng hấp thụ urani từ nước biển. Bởi vậy các lớp cát sạch sẽ có hoạt độ phóng xạ thấp. Ngược lại, các lớp bùn sét hàm lượng Al2O3 càng cao càng chứa nhiều Fe2O3, dẫn đến khả năng hấp thụ urani của chúng trong nước biển tăng lên, làm cho trầm tích bùn sét tầng mặt ven biển có hoạt độ phóng xạ cao, có thể gây ra dị thường phổ gamma bản chất urani.


Hình 2. Đồ thị tương quan hàm lượng các nguyên tố chính trong trầm tích tầng mặt
các sông Hồng, Mêkông và Châu Giang [theo 6]


TiO2 là thành phần được làm giàu lên trong quá trình phong hoá. Khi được các dòng sông đưa ra biển và tích tụ với hàm lượng đủ lớn có thể tạo thành mỏ sa khoáng titan. Chúng ta đã biết bản thân oxyt titan không chứa các chất phóng xạ. Nhưng vì khoáng vật ilmenit của titan bền vững trong quá trình phong hoá, được các dòng sông vận chuyển và trầm đọng tại đới ven biển dưới dạng trầm tích mảnh vụn cùng với các khoáng vật giàu thori là monazit, zircon, xenotim, … Cho nên tại các đới sa khoáng biển, ilmenit bao giờ cũng có dị thường phóng xạ.

Để lý giải bản chất dị thường phóng xạ trên các đới sa khoáng biển, chúng ta đi sâu nghiên cứu các đồ thị tương quan hàm lượng tại Hình 2. Các đồ thị chỉ rõ hàm lượng TiO2 trong trầm tích tầng mặt bồi lắng của cả 3 con sông Hồng, Châu Giang và Mêkông đều tỷ lệ nghịch với hàm lượng Al2O3, K2O và tỷ lệ thuận với Fe2O3. Như vậy, các đới quặng sa khoáng ilmenit được tích tụ dưới dạng trầm tích mảnh vụn đồng hành cùng với các vật liệu mảnh vụn khác như cát, monazit, zircon, xenotim, …; hàm lượng sét trong sa khoáng sẽ thấp. Quặng sa khoáng có hàm lượng TiO2 càng cao thì hàm lượng K2O càng thấp làm cho thành phần phổ gamma bản chất kali (từ đồng vị phóng xạ 40K) sẽ nhỏ hơn so với các đối tượng xung quanh. Từ đó suy ra tại các đới quặng sa khoáng titan ven biển, dị thường phóng xạ sẽ có bản chất hỗn hợp thori, urani với thành phần phổ thori trội hơn. Tại các đới sa khoáng biển không tồn tại dị thường phổ gamma bản chất kali.

IV. LUẬN GIẢI ĐẶC TRƯNG TRƯỜNG PHỔ GAMMA PHỤC VỤ DỰ BÁO SA KHOÁNG ĐỚI BIỂN VEN BỜ NƯỚC TA

1. Sự sai lệch giá trị hàm lượng các nguyên tố phóng xạ theo đo phổ gamma và phân tích mẫu

Xử lý tổng hợp tài liệu khảo sát phóng xạ đới biển ven bờ nước ta tỷ lệ 1:500.000 gồm số liệu hàng nghìn trạm đo phổ gamma, phân tích hàm lượng chất phóng xạ của hàng nghìn mẫu, các tác giả Lê Văn Vượng, Võ Thanh Quỳnh [3] đã đưa ra một số đặc trưng trường phổ gamma như sau (Bảng 1).

Bảng 1 cho thấy rõ trên đới biển ven bờ Việt Nam trường phổ gamma có đặc trưng: hàm lượng trung bình của kali theo đo phổ gamma đáy biển cao hơn ~10-30% so với kết quả xác định theo phân tích mẫu. Ngược lại hàm lượng trung bình của thori và urani theo đo phổ gamma đều thấp hơn theo phân tích mẫu từ 40-50% đến 5-7%.

Sự sai khác có tính hệ thống kể trên có thể giải thích dựa vào đặc điểm phong hóa bóc mòn châu thổ và môi trường địa hoá và thuỷ địa hoá vùng ven biển của nước ta.


Bảng 1. Đặc trưng trường phổ gamma trầm tích tầng mặt biển ven bờ Việt Nam [3]

TT

Vùng

Hàm lượng TB của thori (ppm)

Hàm lượng TB của urani (ppm)

Hàm lượng TB của kali (%)

Theo phổ gamma

Theo phân tích mẫu

Tỷ số

/

Theo phổ gamma

Theo phân tích mẫu

Tỷ số

/

Theo phổ gamma

Theo phân tích mẫu

Tỷ số

/

 

1

Biển ven bờ Bắc Bộ

5,13

6,56

0,78

3,59

4,33

0,83

0,95

0,78

1,22

 

2

Biển ven bờ Bắc Trung Bộ

4,68

6,41

0,73

2,81

5,17

0,54

1,20

1,10

1,09

 

3

Biển ven bờ Nam Trung Bộ

6,53

6,7

0,97

2,97

3,51

0,85

1,28

1,19

1,08

 

4

Biển ven bờ  Nam Bộ

3,76

6,85

0,55

2,55

3,57

0,71

1,60

1,23

1,30

 

 


Do kali linh động, nó bị rửa trôi trong quá trình phong hoá và được đưa ra biển dưới dạng các ion K+ trong nước biển gây ra hiệu ứng gia tăng cường độ bức xạ gamma tại “cửa sổ năng lượng” kali đối với phép đo phổ gamma đáy biển. Điều đó làm cho hàm lượng kali theo đo phổ gamma có giá trị cao hơn phân tích mẫu.

Sự giảm hàm lượng thori, urani theo đo phổ gamma so với phân tích mẫu có thể giải thích như sau: phép đo phổ gamma được tiến hành tại đáy biển, nước biển làm cho các trầm tích tầng mặt có độ ẩm rất cao; trầm tích cát có độ ẩm (v) đạt tới 0,35 còn bùn sét tới 0,7. Trong khi đó, phép đo phổ gamma khi phân tích mẫu được tiến hành với các mẫu đã được sấy khô.

qam = qkh(1-v)     (2)     [theo 4]                  trong đó: qam, qkh là hàm lượng của nguyên tố phóng xạ tương ứng đối với mẫu ẩm và mẫu khô.

Theo công thức (2), hàm lượng các nguyên tố phóng xạ theo đo phổ gamma đáy biển (qam) sẽ chỉ có giá trị bằng khoảng (0,3-0,65)qkh theo phân tích mẫu. Chính vì vậy, trong khuôn khổ của Đề tài Nghiên cứu cơ bản Nhà nước và sự hợp tác với các nhà khoa học Liên đoàn Địa chất Biển, chúng tôi đã nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng và hiệu chỉnh đối với phép đo phổ gamma đáy biển [1, 2].

2. Dự báo triển vọng sa khoáng biển vùng X theo đặc trưng dị thường phổ gamma

Tại đới biển ven bờ vùng X, người ta đã tiến hành đo phổ gamma tỷ lệ 1:500.000 trên diện tích ~10000 km2 với khối lượng hơn 700 trạm đo phổ gamma và phân tích hàm lượng các nguyên tố phóng xạ của tất cả các mẫu trầm tích tầng mặt được lấy tại các trạm khảo sát.

Sau khi xử lý tài liệu đo phổ gamma và tiến hành các hiệu chỉnh cần thiết với phép đo gamma dưới nước, đã thành lập được các sơ đồ dị thường và trend bậc 3 hàm lượng Th, U, K vùng X (xem các Hình 3, 4, 5).

Từ các Hình 3, 4, 5 thấy rõ các dị thường phổ gamma có các đặc trưng sau:

- Về hình dạng và quy luật phân bố: các dị thường phổ gamma đều có kích thước nhỏ, dạng kéo dài phân bố thành hai dải. Dải dị thường thứ nhất có phương theo hướng dòng chảy của sông đổ ra biển là TB-ĐN vuông góc với bờ biển; còn dải dị thường thứ hai nằm sát đới ven bờ có phương ĐB-TN song song với bờ biển.

- Về bản chất: dải dị thường thứ nhất trước cửa sông vuông góc bờ biển có bản chất hỗn hợp Th-U với xu thế tăng hàm lượng thori vượt trội. Dải dị thường thứ hai nằm ôm sát song song bờ biển TN của vùng có bản chất hỗn hợp U-K.

- Các sơ đồ trend bậc 3 chỉ rõ dải dị thường trước cửa sông có sự tăng mạnh hàm lượng Th, còn dải dị thường nằm sát và song song bờ biển có sự tăng hàm lượng của cả U và K với xu thế tăng hàm lượng của chúng từ ngoài biển vào bờ.

Từ sự phân tích đặc trưng các dị thường phổ gamma kể trên có thể suy ra:

- Dải dị thường trước cửa sông có sự trùng khớp các dị thường Th và U, không có dị thường K và có xu hướng tăng mạnh hàm lượng Th từ hai bên vào trung tâm dòng chảy từ sông ra biển. Điều đó chứng tỏ trong phạm vi của dải này tích tụ trầm tích có hàm lượng Th cao, hàm lượng U tương đối cao còn hàm lượng kali không đáng kể, đặc trưng cho sự tích tụ sa khoáng biển titan.

- Dải dị thường nằm sát song song bờ biển với sự trùng khớp của các dị thường U, K và sự tăng giá trị hàm lượng của chúng từ ngoài biển vào bờ đặc trưng cho dạng dị thường phổ gamma trên trầm tích tầng mặt thành phần bùn sét ven biển.

V. KẾT LUẬN

1. Quá trình phong hoá bóc mòn đã làm giàu TiO2, Fe2O3, làm nghèo Na2O, K2O trong trầm tích tầng mặt sông Hồng, sông Mêkông và trầm tích tầng mặt ven biển nước ta.

- Nước biển chứa chất phóng xạ 40K gây ra hiệu ứng làm tăng giá trị hàm lượng kali trong phép đo phổ gamma ngoài trời tại các trạm khảo sát, làm cho giá trị hàm lượng kali theo kết quả đo phổ gamma lớn hơn từ 10 đến 30% so với kết quả phân tích mẫu.

- Khoáng vật titan bền vững và được làm giàu trong quá trình phong hoá, khi được lắng đọng với số lượng đủ lớn đồng hành cùng với các khoáng vật chứa phóng xạ (chủ yếu thori) như monazit, zircon, xenotim, có thể tạo thành các mỏ hoặc đới khoáng hoá titan, trong đó giá trị hàm lượng TiO2 của quặng có mối quan hệ tỷ lệ nghịch với K2O. Các mối tương quan kể trên của khoáng vật titan với thành phần vật chất khác là cơ sở để luận giải về đặc trương dị thường phổ gamma bản chất hỗn hợp Th-U không đi kèm với dị thường kali trên các mỏ hoặc đới sa khoáng titan.

- Trong các trầm tích tầng mặt, hàm lượng Al2O3 (liên quan với thành phần trầm tích bùn sét) có mối tương quan tỷ lệ thuận với Fe2O3 và K2O. Bởi vậy trên các trường trầm tích bùn sét dị thường phổ gamma có bản chất hỗn hợp urani-kali.

2. Áp dụng kết quả nghiên cứu tại vùng X đã xác định được dải dị thường phổ gamma trước cửa sông vuông góc với bờ biển có bản chất hỗn hợp Th-U với xu thế tăng mạnh hàm lượng của Th và không chứa K có triển vọng đối với sự tích sa khoáng biển titan.

Bài báo được hoàn thành dựa trên kết quả nghiên cứu và hỗ trợ kinh phí của đề tài NCCB Nhà nước mã số 7.155.06. Nguồn tài liệu là kết quả nghiên cứu của đề tài và thu thập từ Lưu trữ Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.

VĂN LIỆU

1. Lê Khánh Phồn, Đào Triệu Túc, 2006. Nghiên cứu ảnh hưởng hấp thụ của nước đối với phép đo phổ gamma đáy biển. Tạp chí KHKT Mỏ - Địa chất, Chuyên đề Địa vật lý, 14 : 42-46. Hà Nội.

2. Lê Khánh Phồn, Nguyễn Văn Dũng, Vũ Bá Dũng, 2007. Nghiên cứu quy trình đo phổ gamma đáy biển phục vụ điều tra tài nguyên và môi trường vùng biển ven bờ Việt Nam. Tạp chí KHKT Mỏ - Địa chất, 20 : 64-70. Hà Nội.

3. Lê Văn Vượng, Võ Thanh Quỳnh, 2001. Báo cáo “Lập bản đồ dị thường phổ gamma biển nông ven bờ (0-30 m nước) Việt Nam tỷ lệ 1:500.000”. Lưu trữ Địa chất, Hà Nội.

4. Novikov G.F., 1989. Thăm dò phóng xạ. Nxb Nauka, Leningrad.

5. Tong Shengqi, Liu Zhifei, Khanh Phon Le, Huang Wei, 2006. Chemical weathering in the Red River Basin: Record of major and trace elemental geochemistry. Bull. of Miner., Petr. and Geoch., 25/3 : 218-225.

6. Zhifei Liu, Christophe Colin, Wei Huang, Khanh Phon Le, Shengqi Tong, Zhong Chen, Alain Trentesaux, 2007. Climatic and tectonic controls on weathering in South China and Indochina Peninsula: Clay mineralogical and geochemical investigations from the Pearl, Red, Mekong and Pearl drainage basins. G3 (Geochemistry, Geophysics, Geosystem - www.agu.org), Published by AGU and Geoch. Soc., 8/5 (Q05005, doi: 10.1029/2006 GC001490-ISSN 1525-2027).