SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP ĐỊA VẬT LÝ ĐIỆN
TRONG ĐỊA CHẤT THỦY VĂN ĐỂ XÁC ĐỊNH RANH GIỚI MẶN/NHẠT TẦNG CHỨA NƯỚC PLEISTOCEN VÙNG PHỐ NỐI, HƯNG
YÊN
HOÀNG VĂN HOAN, PHẠM QUÝ NHÂN
Trường
Đại học Mỏ - Địa chất, Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội
Tóm tắt: Việc ứng dụng các phương pháp địa
vật lý để giải quyết các vấn đề địa chất, địa chất thuỷ văn đã
được các nhà khoa học sử dụng từ lâu. Tuy nhiên, việc sử dụng các
phần mềm trên máy tính để tính toán định lượng các thông số địa
chất thuỷ văn thông qua các số liệu địa vật lý thì mới được áp
dụng ở nước ta trong những năm gần đây. Dựa vào kết quả xử lý số
liệu đo sâu điện, đo bằng hệ cực Schlumberger kết hợp với lấy mẫu
nước phân tích tổng hàm lượng chất rắn hoà tan, ta có thể xác định
tương quan giữa giá trị điện trở suất của tầng chứa nước với tổng
hàm lượng chất rắn hoà tan, trên cơ sở đó xác định ranh giới
mặn/nhạt của tầng chứa nước vùng nghiên cứu.
Trong những năm gần
đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế quốc dân, việc
nghiên cứu địa chất đòi hỏi độ chính xác cao và thời gian thi công
ngắn. Để giải quyết tốt các nhiệm vụ đặt ra, cần phối hợp có hiệu
quả nhiều phương pháp nghiên cứu, áp dụng tốt các thành tựu mới của
khoa học công nghệ, trong đó có phương pháp địa vật lý. Trong địa
chất thuỷ văn, phương pháp địa vật lý đóng vai trò quan trọng trong
tìm kiếm, thăm dò và khai thác nước dưới đất [4].
Đối tượng nghiên cứu
chính của địa chất thuỷ văn là các tầng chứa nước, trong đó các
tầng chứa nước lỗ hổng ở các vùng đồng bằng ven biển là đối tượng
nghiên cứu quan trọng, vì đây là nguồn cung cấp nước chính cho các
thành phố, khu công nghiệp, khu dân cư…. Một trong những vấn đề đang
được các nhà quản lý nói chung và các nhà địa chất thuỷ văn nói
riêng quan tâm là chất lượng nước dưới đất, mà cụ thể là tổng hàm
lượng chất rắn hoà tan (TDS) hay độ tổng khoáng hoá; sự biến thiên của
TDS theo diện, cũng như theo chiều thẳng đứng đang là vấn đề cấp bách cần được
quan tâm đầu tư đúng mức.
Việc xác định ranh
giới mặn/nhạt các tầng chứa nước giúp chúng ta tính toán được lưu
lượng khai thác cho từng vùng cụ thể. Để giải quyết được vấn đề
này, hiện nay có hai phương pháp, đó là: 1) điều tra khảo sát kết
hợp khoan lấy mẫu nước dưới đất phân tích tổng hàm lượng chất rắn
hoà tan, số lượng lỗ khoan khảo sát quyết định mức độ chính xác
của ranh giới; phương pháp này đòi hỏi nhiều thời gian và chi phí
rất cao; 2) điều tra, khoan khảo sát và phân tích thành phần hoá học
của nước kết hợp phương pháp địa vật lý, đo điện trở suất tầng
chứa để xác định ranh giới mặn/nhạt; phương pháp này cho kết quả
nhanh chóng, chi phí thấp và có độ tin cậy cao.
II. ĐIỆN TRỞ SUẤT CỦA TẦNG CHỨA NƯỚC
Đất đá có thể xem như một tập hợp gồm ba
pha: pha cứng (đất đá hay khoáng vật); pha lỏng (nước trong tầng chứa)
và pha khí (khí trong các lỗ hổng). Điện trở suất của pha lỏng
thường có giá trị nhỏ nhất. Vì vậy, điện trở suất của đất đá
chứa nước chủ yếu do điện trở suất của nước quyết định (trừ trường
hợp tầng chứa nước có xen các lớp sét).
Nước tự nhiên là các chất điện phân chứa
các loại ion khác nhau. Khi ta tạo ra điện trường thì các ion đó sẽ
chuyển dịch và xuất hiện dòng điện. Mật độ dòng điện phụ thuộc
vào mật độ, loại ion và tốc độ di chuyển của chúng [4].
Điện trở suất của chất điện phân (nước) ρw
được xác định theo công thức sau:
, (1)
nếu
ca = cc = C
thì ,
với , (*)
trong
đó: ca và cc
- mật độ của anion và cation và hàm lượng anion và cation thông thường ca = cc = C;
va và vc - tốc độ di chuyển của anion và cation;
fa và fc
- độ linh động của anion và cation, phụ thuộc vào hàm lượng muối hoà
tan và thành phần hóa học của chúng.
Về
bản chất dẫn điện của đất đá có thể chia ra hai loại dẫn điện -
điện tử và ion [7].
Loại
dẫn điện điện tử xảy ra ở phần khung của khoáng vật tạo đá, hay
nói cách khác phần tử tải điện là các electron. Loại dẫn điện này
chỉ phổ biến trong các thân quặng sulfur, đa kim, graphit, kim loại ...
Loại
dẫn điện ion xảy ra trong đất, đá lỗ hổng, khe nứt lấp đầy dung
dịch. Phần tử tải điện là các ion. Khi có tác động của trường điện
bên ngoài, các ion dịch chuyển định hướng tạo nên dòng điện. Loại
dẫn điện ion thường gặp trong đất đá trầm tích.
Archie
(1942) khi nghiên cứu độ dẫn điện của các tầng chứa nước, đã chỉ ra
rằng điện trở suất của một tầng chứa tỷ lệ thuận với điện trở
suất của nước lấp đầy trong các lỗ hổng và tỷ lệ nghịch với độ
lỗ hổng của tầng chứa nước. Mối quan hệ này được biểu diễn dưới
dạng định luật Archie như sau:
(2)
với:
và từ (*):, a » 1 ,
trong
đó: ρbuk - điện trở suất của tầng chứa nước, F
- hệ số cấu thành tầng chứa nước; ρw
- điện trở suất của nước lấp đầy các lỗ hổng của tầng chứa nước; a
- hệ số, phụ thuộc vào đất (a = 0,4; 1,4); k - độ lỗ hổng
của đất đá; n - hệ số cấu
trúc (n = 1,3; 2,2).
Đối với tầng chứa nước xác định thì hệ
số cấu thành tầng chứa nước (F) không thay đổi. Như vậy, điện
trở suất của các tầng chứa nước chỉ biến đổi do tính chất của
nước trong tầng chứa nước thay đổi (do nhiễm mặn, nhiễm bẩn, ...).
III. XÁC ĐỊNH RANH GIỚI MẶN/NHẠT TẦNG CHỨA NƯỚC PLEISTOCEN VÙNG PHỐ NỐI, HƯNG YÊN
1. Đặc điểm địa chất thuỷ văn vùng nghiên cứu và cơ sở xác định tuyến đo
Tầng chứa nước Pleistocen
(qp) vùng nghiên cứu (huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) có tiềm năng trữ lượng
lớn. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra ở đây là phía đông nam vùng này tồn
tại một ranh giới mặn/nhạt, mà ở đó độ tổng khoáng hoá trong tầng
chứa nước bắt đầu vượt qua giới hạn cho phép (TDS > 1 g/l) [9].
Chính vì vậy, việc xác định sự có mặt của ranh giới này là vấn đề
cấp thiết phục vụ cho quy hoạch và khai thác nước dưới đất.
Theo các kết quả điều tra
địa chất thuỷ văn, ở đây có 3 tầng chứa nước. Tầng chứa nước thứ
nhất là tầng Holocen (qh) với chiều dày khoảng 7,7 m, thành phần
thạch học là cát hạt vừa đến hạt mịn. Tầng thứ hai là tầng
Pleistocen thượng có chiều dày khoảng 18 m, thành phần thạch học là
các hạt vừa đến hạt thô. Tầng thứ ba là tầng Pleistocen hạ có chiều
dày khoảng 40 m, thành phần thạch học là cát, cuội, sỏi. Đây là
tầng chứa nước chính (đối tượng nghiên cứu), có trữ lượng lớn trong
vùng nghiên cứu. Nước của tầng này phân bố ở độ sâu từ 44 đến 46 m.
Để xác định ranh giới
mặn/nhạt tầng chứa nước tại vùng Phố Nối, Hưng Yên, chúng tôi đã
tiến hành các công việc theo trình tự như sau:
- Thu thập tài liệu liên
quan đến việc xác định ranh giới mặn/nhạt vùng nghiên cứu như hiện
trạng khai thác, sử dụng nước và các tài liệu quan trắc nước dưới
đất, các lỗ khoan tìm kiếm thăm dò trong khu vực để sơ bộ khoanh vùng
khu vực tồn tại ranh giới mặn/nhạt;
- Điều tra, khảo sát
thực địa theo tuyến. Các tuyến khảo sát được xác định dựa trên kết
quả tài liệu thu thập và kết quả phân tích đánh giá chất lượng
nước bằng các thiết bị thí nghiệm hiện trường;
- Xác định các tuyến đo
sâu điện, các tuyến này có hướng vuông góc với ranh giới mặn/nhạt
giả định, đã được vạch sơ bộ qua các kết quả thu thập tài liệu
cũng như khảo sát và thí nghiệm thực địa, chiều dài và số điểm trên
tuyến phụ thuộc vào kết quả điều tra khảo sát thực địa;
Hình 2. Ranh giới mặn/nhạt ở độ sâu 52-57 m,
tầng chứa nước Pleistocen vùng Phố Nối, Hưng Yên
- Tiến hành khoan một số
lỗ khoan tại vị trí một số điểm đo sâu điện và đặt ống lọc trong
tầng chứa nước Pleistocen, tiến hành lấy mẫu phân tích thành phần
hoá học (chủ yếu là chỉ tiêu Cl- và TDS);
- Xử lý số liệu đo điện
trở suất ngoài thực địa, lập các mặt cắt địa điện, xác lập phương
trình hồi quy biểu diễn mối tương quan giữa giá trị điện trở suất
và hàm lượng TDS của nước trong tầng chứa nước (tại cùng một độ
sâu). Từ phương trình hồi quy đó, lấy giá trị TDS = 1000 mg/l (giới
hạn mặn/nhạt của nước dưới đất trong ăn uống sinh hoạt), từ đó tìm ra
giá trị điện trở suất tương ứng. Giá trị điện trở suất tương ứng
với hàm lượng TDS < 1000 mg/l là vùng nước nhạt và giá trị điện
trở suất tương ứng với hàm lượng TDS ³ 1000 mg/l là vùng nước mặn.
2. Ranh giới mặn/nhạt ở độ sâu
từ 52 đến 57 m tầng chứa nước Pleistocen hạ vùng Phố Nối, Hưng Yên
Độ dẫn điện của đất đá bở rời bão hoà
nước có mối tương quan chặt chẽ với độ dẫn điện của nước trong tầng
chứa nước. Công thức (1) thể hiện mối tương quan của độ dẫn điện với
tính chất của chất điện phân (nước trong tầng chứa nước) trong đó độ
linh động của anion (fa) và cation (fc)
phụ thuộc vào hàm lượng muối hoà tan và thành phần hóa học của
chúng. Do đó, tổng hàm lượng chất rắn hoà tan được lựa chọn là
thông số đặc trưng cho độ dẫn điện của nước ρw trong
tầng chứa nước.
Mặt khác, thông số này còn là chỉ tiêu
đánh giá, phân loại chất lượng nước ngầm trong ăn uống và sinh hoạt.
Trong phạm vi của bài báo này, ranh giới mặn nhạt được hiểu là ranh
giới của tầng chứa nước ở độ sâu từ 52 đến 57 m có tổng hàm lượng
chất rắn hoà tan lớn hơn hoặc bằng 1000 mg/l (là mặn) và nhỏ hơn 1000
mg/l (là nhạt).
Để thiết lập phương trình tương quan chúng
tôi sử dụng cặp số liệu: giá trị TDS của tầng chứa nước qp và giá
trị điện trở suất đo được bằng phương pháp đo sâu điện tại lỗ khoan
lấy mẫu nước phân tích TDS tại cùng độ sâu thuộc tầng chứa nước qp.
Từ các cặp giá trị này, chúng tôi thiết lập đồ thị quan hệ qua phần
mềm Microsoft EXCEL. Từ đó tìm ra phương trình tương quan giữa ρw
và TDS.
Các
phương trình (1) và (2) cho thấy phương trình tương quan có dạng: y = ax-a với a » 1. Hình 1 là đồ
thị tương quan giữa điện trở suất và tổng hàm lượng chất rắn hoà
tan, phương trình quan hệ như sau:
y =
4914,3x -0,7224 (3)
trong
đó: y - điện trở suất của tầng chứa
nước (ohm.m), x - tổng hàm lượng chất
rắn hòa tan (mg/l).
Hệ
số tương quan R2 = 0,93
Từ
phương trình quan hệ (3) chúng tôi xác định được ranh giới mặn/nhạt qua các giá
trị điện trở suất đo được trên các tuyến đo tại khu vực nghiên cứu. Tương ứng
giá trị TDS = 1000 mg/l, giá trị điện trở suất tương ứng là 33,4 ohm.m.
Đặc
điểm ranh giới mặn/nhạt tầng chứa nước trên quan điểm địa chất thủy
văn vùng nghiên cứu là một đới (theo diện) và có chiều sâu bề mặt
tiếp xúc thay đổi từ nông đến sâu về hướng vùng chứa nước nhạt (theo
chiều thẳng đứng). Trên mặt cắt, ranh giới này có dạng hình nêm.
Tuy nhiên, ở những khoảng độ sâu nhất định, ranh
giới mặn/nhạt có thể coi là dạng tuyến. Từ các kết quả khoan, lấy
mẫu phân tích tổng hàm lượng chất rắn hòa tan và kết quả đo sâu
điện chúng tôi xác định được ranh giới mặn/nhạt của tầng chứa nước
Pleistocen ở độ sâu từ 52 đến 57 m.
III. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
Kết luận. Qua kết quả đo
đạc ngoài thực địa và xử lý số liệu trong phòng kết hợp với việc
phân tích mẫu nước dưới đất ở vùng Phố Nối, Hưng Yên, chúng tôi đi đến
kết luận như sau: Cơ sở khoa học áp dụng để xác định ranh giới
mặn/nhạt của nước dưới đất ở vùng Phố Nối, Hưng Yên là hoàn toàn đúng
đắn và có hiệu quả qua việc xác định tương quan giữa điện trở suất
của tầng chứa nước và TDS của nước. Từ đó có thể sử dụng hợp lý
phương pháp đo sâu điện VES thay thế việc khoan thăm dò để xác định
ranh giới mặn/nhạt. Điều này mang lại hiệu quả cao, giúp tiết kiệm
thời gian và chi phí.
Kiến
nghị. Để xác định được ranh giới mặn/nhạt tại vùng
nghiên cứu một cách chi tiết hơn, cụ thể là xác định lưỡi mặn, cần bố trí các
chùm lỗ khoan thăm dò theo tuyến vuông góc với ranh giới mặn/nhạt đã được vạch
ra trong nghiên cứu này. Tại mỗi chùm lỗ khoan có các lỗ ở độ sâu (chiều sâu
đặt ống lọc) khác nhau. Từ đó có thể xác định được tương quan giữa điện trở
suất và tổng hàm lượng chất rắn hoà tan ở các độ sâu khác nhau, qua đó
xác định được ranh giới mặn/nhạt ở các độ sâu khác nhau và xác định chi tiết
hơn hình dạng của ranh giới mặn/nhạt vùng nghiên cứu giúp cho việc tính toán,
đánh giá khả năng khai thác hiệu quả và an toàn của tầng chứa nước khu vực
nghiên cứu.
VĂN LIỆU
1. ABEM
2. Loke M.H., 2000. Electrical Imaging 2D and 3D, User’s man for
Res2Dinv.
3. Mai Thanh Tân, 1992. Bài giảng phương pháp địa vật lý trong điều
tra địa chất. Đại học Mỏ - Địa
chất, Hà Nội.
4. Ngô Văn Bưu, 1996. Địa vật lý trong địa chất thuỷ văn và môi
trường. Đại học Mỏ - Địa chất, Hà
Nội.
5. Nguyễn Như Trung, Nguyễn Trọng
Nga, 2002. Phương pháp thăm dò
điện dòng một chiều trong môi trường bất đồng nhất ngang. Bài
giảng dành cho nghiên cứu sinh và cao học. Đại học Mỏ - Địa chất, Hà Nội.
6. Nguyễn Trọng Nga, 2004. Giáo trình thăm dò điện. Đại học Mỏ - Địa chất, Hà Nội.
7. Phạm Hồng Hải, 2005. Ứng dụng phương
pháp thăm dò điện trở nghiên cứu ranh giới nhiễm mặn nước ngầm vùng
Hải Phòng. Luận văn thạc sĩ khoa học. Đại học Mỏ - Địa chất, Hà Nội.
8. Pham Quy Nhan et al, 2006. Hydrogeological investigation of saline groundwater
boundary at proposal Thanglong Industrial Zone project site.
9. Reynolds J.M., 2002. An introduction to applied and environmental
geophysics. Published by John Wiley,