TÀI LIỆU MỚI VỀ HỆ TẦNG SÔNG PHAN TUỔI JURA GIỮA

BÙI THẾ VINH, NGUYỄN ĐỨC THẮNG, PHAN VĂN THUẬN

Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam, 200 Lý Chính Thắng, TP Hồ Chí Minh

Tóm tắt: Hệ tầng Sông Phan đã được xác lập từ lâu [10], nhưng mặt cắt chuẩn của hệ tầng chưa được đo vẽ chi tiết và chưa được công bố, do đó hệ tầng chưa có một chỗ đứng vững chắc trong sơ đồ phân chia trầm tích Jura ở võng Đà Lạt. Trong khuôn khổ Đề án đo vẽ bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 nhóm tờ Tánh Linh của Đoàn Địa chất 2, Liên đoàn BĐĐC MN, một số mặt cắt của hệ tầng đã được đo vẽ chi tiết giúp khẳng định sự tồn tại của hệ tầng này, định tuổi hệ tầng là Bajoci muộn - Bathon, và đưa ra mặt cắt chuẩn cho hệ tầng.


 Ở miền Nam nước ta, trầm tích Jura được biết đến từ năm 1914 qua việc mô tả Cúc đá “Hildoceras” lantenoisi của Mansuy [3] thu thập ở bờ sông Đồng Nai, gần ghềnh Trị An. Sau đó, các nhà địa chất Pháp đã tiến hành nghiên cứu rộng rãi về địa chất khu vực miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ, và E. Saurin [5], H. Fontaine [1, 2] cùng với người đồng nghiệp Việt Nam - Tạ Trần Tấn [6], đã làm phong phú hơn các cơ sở định tuổi cho trầm tích, nhưng tất cả mới chỉ dừng ở mức Jura hạ, đồng thời, một hệ tầng liên kết các trầm tích Jura chưa hề được mô tả và quy mô của một bể trầm tích Jura chưa hề được vạch ra.

Chỉ đến khi các nhà địa chất Việt Nam đo vẽ địa chất miền Nam Việt Nam tỷ lệ 1:500.000, trầm tích Jura mới được thể hiện  hết quy mô của chúng cả về địa tầng và sự phân bố không gian. Chúng được mô tả trong một phân vị địa tầng là điệp Bản Đôn tuổi Jura sớm-giữa (đến mức Aalen) [4, 9]. Trong quá trình đo vẽ địa chất tỷ lệ 1:200.000 và sau đó là 1:50.000, điệp Bản Đôn lại được chia nhỏ thêm [7]. Đối với các trầm tích Jura trung, về cổ sinh đã phát hiện thêm được mức Cúc đá Bajoci, thoạt tiên ở vùng Nhân Cơ, Đắk Nông [8] và sau đó ở suối Bà Hào, vùng Mã Đà [10]; còn về địa tầng, thoạt tiên chúng được gộp trong hệ tầng La Ngà [7], sau đó được Vũ Khúc và Nguyễn Đức Thắng phân ra làm hai hệ tầng Mã Đà và Sông Phan [10]. Trong khuôn khổ của việc đo vẽ 1:50.000 nhóm tờ Vĩnh An do Nguyễn Đức Thắng làm chủ nhiệm, hệ tầng Mã Đà đã được mô tả chi tiết, nhưng hệ tầng Sông Phan vẫn chưa có mặt cắt chuẩn để có được một vị trí vững chắc trong sơ đồ phân chia địa tầng Jura võng Đà Lạt.

Trong khuôn khổ đo vẽ địa chất tỷ lệ 1:50.000 nhóm tờ Tánh Linh, chúng tôi đã có dịp nghiên cứu chi tiết các mặt cắt Jura trung ở vùng này và cố gắng thu thập tài liệu để giải quyết 2 vấn đề: liệu hệ tầng Sông Phan có thực sự tồn tại không?, và mặt cắt chuẩn của nó thế nào?

I. MÔ TẢ CÁC MẶT CẮT CHI TIẾT

Để giải đáp các vấn đề đó, chúng tôi đã cố chọn những mặt cắt tốt trong vùng để đo vẽ chi tiết. Sau thời gian khảo sát sơ bộ, chúng tôi đã chọn 3 mặt cắt để khảo sát chi tiết, đó là các mặt cắt dọc theo sông Phan, hồ Đu Đủ - núi Đắc và Ba Bàu. Sau khi đo vẽ chi tiết, chúng tôi thấy rằng trong 3 mặt cắt này có mặt cắt Sông Phan là lộ khá liên tục và các lớp nằm đơn nghiêng, đủ tiêu chuẩn làm mặt cắt chuẩn cho hệ tầng Sông Phan. Còn mặt cắt Ba Bàu lộ ra không được liên tục, nhưng chính ở đây, tháng 4/2004, chúng tôi cùng với Vũ Khúc đã tìm được điểm hóa thạch duy nhất cho đến nay trong hệ tầng. Sau đây là mô tả chi tiết từng mặt cắt.

1. Mặt cắt Sông Phan

Nằm dọc theo sông Phan, phía đông bắc ga đường sắt Sông Phan 7,5 km. Mặt cắt chia ra làm 2 phần, phân biệt với nhau bởi tỷ lệ trầm tích hạt thô và phân cách nhau bởi tập sét-bột giầu vật chất hữu cơ (sét than):

Phần dưới: Đặc trưng bởi sự xen kẽ giữa các tập hạt thô và hạt mịn với tỷ lệ trầm tích hạt mịn cao hơn, theo thứ tự từ dưới lên gồm 14 tập:

Tập 1: Cát kết xám, hạt vừa, phân lớp trung bình đến dày, xen bột kết, sét bột kết màu đen. Dày 220 m.

Tập 2: Lộ không liên tục cát kết xám, phân lớp dày. Dày 90 m.

Tập 3: Bột kết xen ít sét bột kết màu đen. Dày 50 m.

Tập 4: Cát kết xám, phân lớp dày xen bột kết, sét bột kết màu đen. Dày 113 m.

Tập 5: Sét kết, bột kết màu đen, phân dải thanh xen ít cát kết xám. Dày 43 m.

Tập 6: Lộ không liên tục, chủ yếu là cát kết xám sáng, hạt vừa xen ít lớp mỏng sét kết đen. Dày 138 m.

Tập 7: Sét kết, bột kết đen, phân dải thanh xen ít lớp cát kết mỏng. Dày 11 m.

Tập 8: Cát kết xám, phân lớp dày đến dạng khối xen bột kết, cát bột kết và ít lớp sét kết xám đen. Dày 44 m.

Tập 9: Bột kết phân dải thanh, sét kết, sét bột kết màu đen xen các lớp mỏng cát kết xám. Dày 20 m.

Tập 10: Cát kết xám, phân lớp dày, cát bột kết phân dải thanh xen bột kết xám đen. Dày 80 m.

Tập 11: Sét bột kết, bột kết màu đen, phân dải thanh xen lớp mỏng cát bột kết, cát kết. Dày 31 m.

Tập 12: Cát kết xám vàng lộ không liên tục. Dày 56 m.

Tập 13: Bột kết xám đen, ít lớp sét kết đen có dạng dải thanh xen cát kết xám, phân lớp trung bình đến dày. Dày 135 m.

Tập 14: Bột kết màu đen, sét kết, sét than (tầng đánh dấu) xen ít lớp mỏng cát kết xám. Dày 20 m.

Chiều dày của phần dưới theo mặt cắt này là 1051 m.

Phần trên: Đặc trưng bởi tỷ lệ trầm tích hạt thô cao, theo thứ tự từ dưới lên được chia thành 5 tập:

Tập 1: Cát kết phân lớp dày, dạng khối xen ít lớp bột kết màu đen, xám đen có dấu vết thực vật. Dày 90 m.

Tập 2: Chủ yếu là cát kết dạng khối đến phân lớp dày xen các lớp bột kết màu xám đen, ít lớp sét kết mỏng. Dày 170 m.

Tập 3: Bột kết, sét kết xám đen xen ít cát kết xám, phân lớp dày. Dày 50 m.

Tập 4: Chủ yếu là cát kết xám, dạng khối đến phân lớp dày và mỏng xen các lớp bột kết, ít sét kết màu xám đen. Dày 130 m.

Tập 5: Cát kết phân lớp mỏng đến dạng khối màu xám xen với bột kết, sét kết màu xám; bột kết hơi trội hơn so với tập 4. Dày 140 m.

Chiều dày của phần trên theo mặt cắt này là 580 m. Như vậy, bề dày chung của hệ tầng tại mặt cắt này là 1631 m.

2. Mặt cắt đập Đu Đủ - núi Đắc

Mặt cắt này nằm ở vùng suối Vận, phía đông ga đường sắt Suối Vận 3,5 km. Căn cứ vào sự so sánh tương đối giữa các trầm tích hạt thô và hạt mịn, mặt cắt này cũng được chia thành 2 phần:

 Phần dưới: Lộ hoàn toàn ở nhánh chính của suối Vận, từ dưới lên được chia thành 6 tập:

Tập 1: Cát kết màu xám xen bột kết, ít sét kết xám đen với tỷ lệ bột kết trội hơn. Dày 150-170 m.

Tập 2: Lộ lặp lại 3 lần ở nhân các nếp lồi, chủ yếu là cát kết xám, xám lục, phân lớp dày đến mỏng xen bột kết xám đen. Dày 20-100 m.

Tập 3: Lộ lặp lại 5 lần do mặt cắt bị uốn nếp, chủ yếu là bột kết xám sẫm xen cát kết xám, phân lớp dày, ít sét kết xám đen. Dày 25-90 m.

Tập 4: Lộ lặp lại 4 lần do mặt cắt bị uốn nếp, gồm chủ yếu bột kết, sét kết xám đen xen với cát kết xám, xám vàng, phân lớp dày đến mỏng. Dày 60-100 m.

Tập 5: Lặp đi lặp lại 3 lần, gồm cát kết màu xám lục từ phần lớp mỏng đến dạng khối xen với bột kết và sét kết xám sẫm với tỷ lệ cát kết có phần trội hơn. Dày 30-50 m.

Tập 6: Nằm ở phần nhân của nếp lõm, gồm cát kết xám, phân lớp dày đến mỏng xen với bột kết xám đen, ít sét kết đen, tỷ lệ hạt thô và hạt mịn gần tương đương nhau. Dày khoảng 25 m.

Bề dày phần dưới khoảng 310-550 m.

Phần trên: Lộ ra không liên tục ở mặt cắt theo mương đập Đu Đủ tới chân núi Đắc, gồm 2 tập:

Tập 1: Sét kết, bột  kết xám đen chứa di tích thực vật xen với cát kết xám, hạt vừa, phân lớp dày, tỷ lệ bột kết hơi trội hơn. Bề dày lộ ra đo được là 150-170 m.

Tập 2: Cát kết xen bột kết lặp đi lặp lại liên tục với tỷ lệ cát kết hơi trội hơn, trong cát kết có các lớp dạng khối dày tới 5-6 m, trong có xen các lớp sét rất mỏng. Bề dày 120-150 m.

Cũng được xếp vào phần này có mặt cắt lộ ra ở chân núi Đắc với đặc điểm chung là cát kết trội hơn bột kết và sét kết, tính chất xen kẽ nhịp nhàng giữa cát kết, bột kết và sét kết; có khá nhiều lớp bột kết; cát bột kết chứa mảnh vụn thực vật tương đối lớn và nhiều nơi chứa dày đặc các mảnh vỏ cây thân gỗ.

Bề dày phần trên khoảng 170-320 m. Như vậy, bề dày chung của hệ tầng tại mặt cắt này là 480-870 m.

Do chưa tìm thấy lớp đánh dấu giữa hai phần của hệ tầng nên việc đối sánh mặt cắt vùng này với mặt cắt sông Phan và chia hệ tầng làm hai chỉ là tương đối.

3. Mặt cắt Ba Bàu

Ở vùng Ba Bàu, phía đông nam ga đường sắt Suối Vận 9 km, mặt cắt lộ ra không liên tục. Trên đoạn mương mới đào lộ ra các lớp cát kết phân lớp 8-80 cm xen sét kết, bột kết sọc dải màu đen và xám sẫm, phong hoá màu xám trắng đục, phân lớp mỏng 3-20 cm, mà ta có thể đối sánh với tập 2 thuộc phần trên của hệ tầng ở vùng đập Đu Đủ, đã thu thập được hoá thạch động vật do Vũ Khúc xác định là: Posidonia bronni Volz; Bositra opalina Quenstedt (TB.9549). Đây là loại Thân mềm rất phổ biến trong trầm tích Jura trung của toàn bộ trũng Đà Lạt, và cũng đã gặp ở phần cao của hệ tầng Mã Đà, song kích thước của hóa thạch ở vùng sông Phan rất nhỏ, chỉ bằng khoảng một nửa đến một phần ba kích thước của Bositra tìm thấy ở vùng Mã Đà, nên có thể xem đây là thời kỳ suy thoái của giống này. Dựa vào hóa thạch và vị trí địa tầng, hệ tầng Sông Phan được xếp vào Jura trung, khoảng Bajoci muộn - Bathon. 

II. PHÂN TÍCH TÀI LIỆU

Trên cơ sở xem xét các mặt cắt trầm tích Jura trung trên diện tích nhóm tờ Tánh Linh và đối sánh các mặt cắt vùng Mã Đà thuộc nhóm tờ Vĩnh An mà Nguyễn Đức Thắng đã đo vẽ năm 1998, ta có thể có một vài nhận xét.

1) Các mặt cắt đo vẽ chi tiết ở vùng sông Phan khác hẳn các mặt cắt Jura trung ở vùng Mã Đà ở những điểm sau:

1.1. Về thạch học: - Các trầm tích nhìn chung có độ hạt thô hơn và càng lên trên, tỷ lệ các lớp hạt thô càng tăng, trong đó cát kết giữ vai trò ưu thế trong mặt cắt. Các lớp cát kết dạng khối dày tới 3-5 m, trong khi cát kết của hệ tầng Mã Đà chỉ đạt 1-2 m.

- Sự xen kẽ dạng nhịp khá đều đặn giữa trầm tích hạt thô và hạt mịn thể hiện khá rõ suốt mặt cắt. Ở hệ tầng Mã Đà không thấy rõ tính phân nhịp này của trầm tích.

- Các trầm tích hạt mịn của mặt cắt chủ yếu là bột kết màu đen, sét kết ít hơn tạo thành các lớp mỏng ở phần dưới (tập 1) của mặt cắt. Trong khi đó, ở hệ tầng Mã Đà đá phiến sét chiếm ưu thế và có dạng dải xen kẽ giữa các dải mỏng sẫm màu (do chứa nhiều mùn thực vật) và các dải sáng màu (ít hoặc không có mùn thực vật).

- Khác với vùng Mã Đà, các lớp bột kết trong các mặt cắt ở vùng Sông Phan thường chứa vụn thực vật, gồm các vụn lá cây hay cành nhỏ cỡ que tăm, có chỗ lại là vỏ cây thân gỗ, chứng tỏ môi trường nước nông, chịu ảnh hưởng của sóng vỗ.

- Ở các mặt cắt vùng Sông Phan ít các lớp chứa pyrit tinh thể thể hiện môi trường khử của tướng vũng-vịnh, phổ biến trong hệ tầng Mã Đà.

1.2. Về cổ sinh: Các mặt cắt vùng Sông Phan, rất hiếm hóa thạch, ngay cả những dạng bơi lội, dễ phổ biến trong một mức địa tầng như Cúc đá cũng không thấy. Dù đã khảo sát chi tiết, không hề tìm được các di tích Cúc đá điển hình cho bậc Aalen, như Planammatoceras, Tmetoceras mà ta đã thấy phong phú ở các vùng Mã Đà, La Ngà, Tà Lài, hoặc điển bình cho phân bậc Bajoci dưới, như Dorsetensia, Fontannesia, Euhoploceras mà ta đã thấy phong phú ở các vùng Mã Đà và Đắk Nông.

2) Từ những khác biệt cơ bản trên, các tác giả cho rằng về mặt thạch học, mặt cắt Jura trung vùng Sông Phan rất khác biệt với mặt cắt ở vùng Mã Đà, mà ta có thể phân biệt ngay tại thực địa. Do đó, việc phân chia hệ tầng Sông Phan là có thể chấp nhận được. Mặt cắt chuẩn của hệ tầng là mặt cắt Sông Phan mô tả trong bài báo này. Dựa theo hóa thạch thu thập được, tuổi của hệ tầng là Bajoci muộn - Bathon.

VĂN LIỆU

1. Fontaine H., 1966. Nouveau gisement d’ammonites sinémuriennes au Darlac. VN Địa chất khảo lục, 8 : 5-7. Sài Gòn.

2. Fontaine H., 1969. Découverte de gisements fossilifères dans la région de Biên Hòa (Việt Nam). CR somm. Soc. Géol. France, 3 : 68-69. Paris.

3. Mansuy H., 1914. Gisement liasiaque des schistes de Trian. Mém. SGI, III/2. Hanoi.

4. Nguyễn Xuân Bao, Tạ Hoàng Tinh, 1979. Trầm tích ở Nam Việt Nam. Bản đồ địa chất, 42 : 81-90. Hà Nội.

5. Saurin E., 1941. Lamellibranches du Trias supérieur de HoaHuynh. Bull. SGI, XXVI/3. Hanoi.

6. Tạ Trần Tấn, 1968. Ammonites sinémuriennes à Châu Thoi. VN Địa chất khảo lục, 11 : 103-112. Sài Gòn.

7. Vũ Khúc, Abramov N.B., Vũ Châu, Bùi Phú Mỹ, Nguyễn Đức Thắng, 1983. Về sự phân chia chi tiết trầm tích Jura biển ở phía nam khối Kon Tum. Bản đồ địa chất, 56 : 59-66. Liên đoàn BĐĐC, Hà Nội.

8. Vũ Khúc, Mai Kim Bảng, 1989. Phức hệ Thân mềm mới phát hiện ở Nam Việt Nam. ĐC nguyên liệu khoáng. 1/1989 : 9-11. TP Hồ Chí Minh.

9. Vũ Khúc, Bùi Phú Mỹ (Đồng chủ biên), 1989. Địa chất Việt Nam. Tập I. Địa tầng. Tổng cục MĐC, Hà Nội, 378 tr.

10. Vũ Khúc, Nguyễn Đức Thắng, 1996. Cúc đá Bajoci (Jura giữa) mới phát hiện ở Nam Việt Nam. TC Các khoa học về TĐ, 18/4 : 375-378. Nội.