BÀN VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN TÂN KIẾN TẠO VÀ ĐỊA ĐỘNG LỰC LÃNH THỔ VIỆT NAM

LÊ TRIỀU VIỆT

Viện Địa chất, Viện KH & CN VN, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội

Tóm tắt: Bài viết đề cập đến một số vấn đề của địa động lực và tân kiến tạo mà kết quả nghiên cứu của các chuyên ngành không thống nhất với nhau như:

- Vấn đề nâng lên (hình thành) của dãy Hoàng Liên Sơn và khối Phan Si Pan;

- Tuổi hình thành của các trũng Đệ tam dọc đới đứt gãy Sông Hồng trong mối quan hệ với sự trồi lộ của dãy núi Con Voi;

- Phun trào bazan Kainozoi muộn ở Nam Trung Bộ trong mối quan hệ với thời điểm đổi chiều chuyển dịch từ trượt bằng trái sang trượt bằng phải của hệ thống đứt gãy phương TB-ĐN và thời điểm hình thành bề mặt san bằng ở khu vực này;

- Mô hình (dự kiến) về sự phát triển tân kiến tạo và địa động lực miền Bắc Việt Nam và các vùng lân cận.


MỞ ĐẦU

Cho đến gần đây, hầu như các hướng nghiên cứu về tân kiến tạo và địa động lực đã đi đến nhận định thống nhất rằng: chế độ địa động lực thời kỳ Kainozoi lãnh thổ Việt Nam và lân cận phát triển theo mô hình biến dạng hai pha do ảnh hưởng của sự va chạm giữa lục địa Ấn Độ và Âu - Á xảy ra vào thời kỳ Paleogen. Trong pha đầu (Eocen-Miocen), chế độ địa động lực khu vực đặc trưng bởi trường ứng suất kiến tạo có lực nén ép theo phương á vĩ tuyến, tách giãn theo phương á kinh tuyến; trong pha sau (Pliocen - Đệ tứ), trường ứng suất lại có chế độ nén ép theo phương á kinh tuyến và tách giãn theo phương á vĩ tuyến. Với chế độ trường ứng suất như vậy, các đứt gãy phương TB-ĐN chuyển dịch trái, các đứt gãy ĐB-TN chuyển dịch phải trong pha đầu và các đứt gãy phương TB-ĐN chuyển dịch phải, các đứt gãy ĐB-TN dịch chuyển trái trong pha sau. Vì vậy sự hình thành, phát triển và biến dạng kiến trúc Kainozoi ở Việt Nam cũng như khu vực lân cận gắn liền với hoạt động trượt bằng của các đới đứt gãy, nhưng chủ yếu là gắn liền với đới đứt gãy Sông Hồng dài gần ngàn km cắt qua  miền Bắc Việt Nam. Tuy nhiên sử dụng mô hình va chạm trên cũng như hệ quả gây ra từ nó để luận giải một số vấn đề về tân kiến tạo - địa động lực, về sự phát triển kiến trúc thì chưa có ý kiến thống nhất.

Sau đây, chúng tôi góp phần luận bàn về một số khía cạnh như:

- Địa hình của Phan Si Pan và dãy Hoàng Liên Sơn có phải mới được tạo ra do sự nâng mạnh trong giai đoạn Pliocen - Đệ tứ hay không?.

- Các trũng Đệ tam dọc đới đứt gãy Sông Hồng hình thành vào thời điểm nào trong mối quan hệ với sự nâng trồi lộ của dãy Núi Con Voi (DNCV).

- Mối quan hệ giữa phun trào bazan, bề mặt san bằng ở Nam Trung Bộ và thời điểm đổi chiều dịch chuyển từ trái sang phải của các đứt gãy TB-ĐN.

I. VẤN ĐỀ NÂNG LÊN CỦA KHỐI PHAN SI PAN VÀ DÃY HOÀNG LIÊN SƠN

Sự hình thành địa hình dãy Hoàng Liên Sơn và khối Phan Si Pan nói riêng, cũng như Tây Bắc Bộ nói chung, trước đây được hiểu là hậu quả của một quá trình nâng hạ phức tạp phát triển tiếp theo sau pha bình ổn kiến tạo tạo bề mặt san bằng mang tính khu vực (bề mặt san bằng Đông Dương) từ cuối Paleogen. Và ngày nay phần sót của bề mặt san bằng hình thành vào thời kỳ nửa cuối Paleogen còn tồn tại ở độ cao hơn 2600 m trên dãy Hoàng Liên Sơn [1,12].

Gần đây, theo tính toán của các công trình [16, 17] thì sự nâng lên của Phan Si Pan mới xảy ra trong thời kỳ Pliocen - Đệ tứ. Logic dẫn đến kết luận này theo công trình [16] là “dưới tác động của trường ứng suất hiện đại, đới đứt gãy Sông Hồng, Sông Chảy dịch trượt bằng phải làm cánh tây nam chuyển về phía tây bắc. Trong khi đó đứt gãy Điện Biên trượt bằng trái. Kết quả là phần kẹp giữa hai đới đứt gãy bị dồn nén…, dãy Hoàng Liên Sơn bị nâng lên là kết quả của dồn nén này” và sự “nâng mạnh nhất của vùng núi Phan Si Pan với tốc độ trung bình từ Pliocen tới nay cỡ 0,8-1,4 mm/ năm (biên độ nâng 4-7 km trong vòng 5 triệu năm)’’ [17].

Chúng ta hãy xem xét vị trí động lực của các kiến trúc liên quan ở đới kiến trúc Phan Si Pan.

Theo như công trình [11] thì trong giai đoạn Pliocen - Đệ tứ, đới đứt gãy Điện Biên - Lai Châu có hướng đổ về TN và hoạt động với cơ chế trượt bằng - thuận trái. Nhận định này cũng phù hợp với kết quả nghiên cứu của các công trình [26, 27]. Đề cập đến đứt gãy Sông Hồng, công trình [5] kết luận là đứt gãy này hoạt động với cơ chế trượt bằng phải trong giai đoạn Pliocen - Đệ tứ và công trình [18] cho là đứt gãy trượt bằng thuận hay “chuyển dịch trượt bằng phải - tách giãn” khi đề cập đến cả đới.

Nghiên cứu các kiến trúc đứt gãy nằm kẹp giữa hai đới đứt gãy lớn vừa nêu, công trình [26] kết luận “đới đứt gãy Thuận Châu - Sơn La và hàng loạt đứt gãy cùng phương bậc cao trên đới Sông Đà được xác định là trượt bằng thuận. Hợp phần thuận được xác định khá chắc chắn cho nhiều đứt gãy trong đới. Các kiểu trường ứng suất kiến tạo (TƯSKT) xác định tại nhiều khu vực trên đới đều thuộc kiểu trượt bằng hoặc trượt bằng tách mở”.

Một số đứt gãy có liên quan trực tiếp với khối nâng Phan Si Pan như đứt gãy Phong Thổ - Nậm Pìa, đứt gãy Sa Pa - Văn Bàn và đứt gãy Nghĩa Lộ - Ninh Bình được nhận định tóm tắt như sau:

Tác giả công trình [17] cho đứt gãy Phong Thổ - Nậm Pìa - đứt gãy phân đới giữa trũng núi lửa Tú Lệ và rift Sông Đà là “hệ thống đứt gãy thuận, hoạt động tách giãn - trượt bằng phải kéo dài từ Phong Thổ theo hướng tây tây bắc - nam đông nam tới Phù Yên”. Còn “đứt gãy Sa Pa - Văn Bàn… thể hiện rõ tính chất trượt bằng phải với hợp phần thuận đáng kể. Đứt gãy Nghĩa Lộ - Ninh Bình có tính chất trượt bằng phải chiếm vai trò chủ đạo”[11].

Như vậy, dãy Hoàng Liên Sơn nằm trong trạng thái địa động lực mà cả khu vực chủ yếu là trượt bằng, trượt bằng phải thuận trong thời kỳ Pliocen - Đệ tứ  như nêu trên thì liệu kiến trúc này có thể nâng lên mạnh đến 4-7 km để tạo ra địa hình hiện nay như các công trình [17,19] phân tích được không. Nếu cứ cho là dãy Hoàng Liên Sơn và khối Sa Pa vì là nằm kẹp giữa đứt gãy Điện Biên - Lai Châu và đứt gãy Sông Hồng nên bị nén ép mà nâng lên mạnh như đã đề cập, thì dãy Pu Si Lung cao 3076 m (thấp hơn đỉnh Sa Pa chỉ hơn 60 m) nằm ngoài vùng ảnh hưởng của nén ép trên thì nâng lên vì nguyên nhân nào? Cho rằng Sa Pa và Pu Si Lung vào thời điểm sát trước Pliocen có độ cao như nhau “nếu chú ý tới giai đoạn ngừng nghỉ kiến tạo từ 15- 5 triệu năm, thời gian này đủ để thành tạo một bề mặt tương đối bằng phẳng” [17] ở Tây Bắc Bộ.

II. VỀ THỜI GIAN HÌNH THÀNH CÁC TRŨNG ĐỆ TAM DỌC ĐỚI ĐỨT GÃY SÔNG HỒNG VÀ SỰ TRỒI LỘ CỦA DÃY NÚI CON VOI (DNCV)

Một vấn đề khác cũng liên quan đến tân kiến tạo là quá trình nâng trồi lộ của Dải Con Voi và thời điểm hình thành các trũng Đệ tam dọc đới đứt gãy Sông Hồng.

Theo Trần Ngọc Nam [23] quá trình trồi lộ của DNCV đã trải qua 23 km trồi lộ hậu biến chất. Quá trình trồi lộ có tốc độ phi tuyến, giảm dần từ 10 mm/năm trong giữa khoảng 31-30 tr.n., 3 mm/năm trong khoảng thời gian 30-28 tr.n., 1 mm/năm trong giữa khoảng 28-24 tr.n. và trung bình 0,15 mm/năm cho thời gian còn lại. Như vậy, vào thời điểm 24 tr.n. trước đây DNCV còn nằm dưới độ sâu gần 3 km. Nếu tính trong thời gian tiếp theo (sau 24 tr.n.) DNCV nâng với tốc độ trung bình 0,15 mm/năm thì cách đây 3 tr.n. (tức đầu Pliocen muộn) mới lên đến mực thuỷ chuẩn 0, còn nâng với tốc độ 1 mm/năm thì vào thời điểm 21 triệu năm trước đây đã đạt đến mực thủy chuẩn 0.

Nghiên cứu trầm tích Kainozoi có tuổi sớm nhất - lót đáy các trũng Kainozoi, các công trình [9] và [3] đã đi đến kết luận “dăm tảng kết thường có kích thước 35-40 cm, góc cạnh hoặc mài tròn kém có thành phần (phổ biến) đồng nhất, đặc trưng là các đá biến chất cổ của phức hệ Sông Hồng tuổi Proterozoi với đá gneis và đá phiến kết tinh chiếm tới 80-90%”. Điều này cũng được khẳng định bởi công trình [2] “trong tảng cuội kết Neogen có rất nhiều tảng, cuội là gneis, đá phiến mica của phức hệ Sông Hồng” và “quan hệ bất chỉnh hợp của trầm tích Neogen lên các đá biến chất DNCV chỉ là bằng chứng khẳng định tuổi biến chất cổ hơn tuổi tầng trầm tích Neogen” [24]. Từ đây dễ nhận thấy các trũng Kainozoi được hình thành sau hoặc vào thời điểm kết thúc giai đoạn trồi lộ của DNCV. Vì chưa xác định tuổi tuyệt đối cho trầm tích này nên  công trình [19] đặt nghi vấn về tuổi của trầm tích này là 20 tr.n., 10 tr.n. hay muộn hơn nữa. Tác giả công trình [24] nhận xét các thành tạo Neogen “có lẽ thành tạo vào cuối Neogen liên quan với việc thành tạo các “các địa hào” do quá trình đổi hướng dịch bằng trái sang chuyển dịch bằng phải của đới đứt gãy Sông Hồng vào khoảng 5-6 tr.n. trước.

Nghiên cứu trầm tích Kainozoi dọc đứt gãy Sông Hồng, các nhà trầm tích cho rằng chúng  hình thành vào Eocen-Oligocen [3, 9, 13] hay muộn hơn là Miocen sớm [6] và muộn nhất là Miocen giữa. Như vậy là trầm tích trên có tuổi muộn nhất cũng cỡ 16-11 tr.n.

Nếu chấp thuận nhận định của công trình [16, 24] là các trũng Kainozoi hình thành từ sau 21 tr.n. hay vào ranh giới chuyển đổi hướng trượt bằng dọc đới đứt gãy Sông Hồng thì sẽ khó giải thích một số điểm sau:

- Nếu các trũng hình thành vào thời điểm 20-21 tr.n. trước tức là lúc hoạt động của đứt gãy Sông Hồng đang yếu dần và sắp bước vào giai đoạn ngừng nghỉ thì với cơ chế nào để tạo ra tầng dăm tảng kết kiểu “tướng sụp nhào” (olistostrom) dày tới 50-250 m [3, 9]. Thông thường tướng trầm tích này chỉ có thể  hình thành trong điều kiện hoạt động kịch phát của đứt gãy với thế năng địa hình rất lớn.

- Nếu các trũng hình thành vào thời điểm 5-6 tr.n. trước tức là lúc hoạt động trượt bằng dọc đứt gãy Sông Hồng thay đổi chiều từ trái sang phải thì chúng không thể được tạo ra theo cơ chế kéo tách như công trình [4, 5] đã chứng minh.

- Vào thời kỳ Pliocen nơi sụt lún mạnh nhất trên lục địa là trũng Hà Nội cũng chỉ có độ dày khoảng 400 m [22] thì dọc đứt gãy Sông Hồng, nơi được coi là sụt lún yếu hơn, tại sao lại có thể tạo thành tầng trầm tích Kainozoi dày tới 400-1400 m như công trình [9] đã đề cập. Thông thường các trầm tích Pliocen gắn kết yếu [22], còn dăm tảng kết “Neogen” dọc sông Hồng không thể cho là gắn kết yếu (phải là quá rắn chắc).

- Hơn nữa, nếu trầm tích thành tạo trong thời kỳ Pliocen thì giải thích thế nào về sự tồn tại  phấn hoa đặc trưng cho tuổi Oligocen như: Cicatricosisporites dorogensis, Verrutricolporites, Pachydermus, Pinuspollenites sp., Pediastrum trong trầm tích “Neogen” ở Cổ Phúc (tây bắc Yên Bái) như công trình [13] đã nêu.

III. VỀ VẤN ĐỀ PHUN TRÀO BAZAN VÀ BỀ MẶT SAN BẰNG Ở NAM TRUNG BỘ

Thời gian gần đây, hoạt động tân kiến tạo Nam Trung Bộ (NTB) được hiểu là xảy ra muộn hơn so với miền Bắc phù hợp với tính lan truyền sự ảnh hưởng do va chạm Ấn Độ và Âu - Á theo hướng từ tây bắc về đông nam để “khẳng định cơ chế chuyển dịch mang tính lan truyền của lục địa Đông Dương trong quá trình đụng độ” [21]. Sự muộn hơn của hoạt động tân kiến tạo đó được chứng minh bằng tuổi hình thành muộn hơn của các trũng Kainozoi như các trũng Sông Ba, Kon Tum, Bảo Lộc - Di Linh… so với các trũng Kainozoi ở miền Bắc và hoạt động phun trào bazan rầm rộ trong thời kỳ Pliocen - Đệ tứ.

Hoạt động tân kiến tạo của miền Nam nói chung và NTB nói riêng được cho là muộn hơn miền Bắc thì dễ nhận thấy, song nhận định thời điểm phun trào bazan mạnh ở NTB ứng với thời điểm đổi chiều chuyển dịch dọc các đứt gãy phương TB-ĐN từ trái sang phải (vào khoảng 5-5,5 tr.n. trước) và trùng khớp với thời điểm tạo ra bề mặt san bằng phổ biến ở NTB để phân giai đoạn hoạt động tân kiến tạo như công trình [21] đề cập có lẽ cần được phân tích cụ thể hơn. Thực ra quá trình phun trào bazan Kainozoi muộn ở Nam Trung Bộ xảy ra mạnh và sớm hơn nhiều so với mốc thời gian trên. Theo nghiên cứu của công trình [10] có thể nhận thấy ít nhất là 3 thời kỳ phun trào bazan: cuối Miocen (N13), Pliocen - đầu Pleistocen sớm (N2-QI1) và cuối Pleistocen sớm đến Pleistocen trung (Q11b‑Q12a). Thời kỳ đầu (cuối Miocen) “hoạt động phun trào là mạnh nhất với khối phun trào lớn nhất, trong điều kiện tách giãn mạnh” [10] và mức độ cũng như không gian xảy ra có thể không kém phần rầm rộ như pha sau (pha Pliocen - Đệ tứ) nếu không cho là hơn. Chứng cứ có thể dẫn ra là ở cao nguyên Phước Long với diện tích “lớp phủ bazan đạt đến 6.000 km2” [14] (rộng lớn nhất trong các khu vực có bazan) với tuổi của bazan chủ yếu là Miocen muộn (9,1-4,6 tr.n.). Ở nhiều nơi như khu vực Đà Lạt - Di Linh, Quảng Ngãi tìm thấy bazan còn có tuổi sớm hơn (16,8-17,6 tr.n.) [H.1]. Ngoài ra, sự phun trào bazan trong thời kỳ này cũng được ghi nhận ở nhiều nơi ngoài biển khơi (bể Cửu Long, bể Tư Chính hay ở trục giãn đáy Trung tâm Biển Đông với tuổi Miocen muộn (11- 6 tr.n.) [7, 20]. Như vậy, phun trào bazan Miocen muộn ở miền Nam xảy ra mạnh và sớm hơn nhiều so với thời điểm chuyển đổi cơ bản chế độ của trường ứng suất kiến tạo. Sự phun trào bazan trong giai đoạn sau (từ Pliocen và muộn hơn) có thể xảy ra theo các đứt gãy, các đới tách giãn phương á kinh tuyến, nhưng có lẽ không phải là các đứt gãy vừa mới sinh ra khi chế độ trường ứng suất thay đổi vào đầu Pliocen (5-5,5 tr.n.) mà phải là các đới đứt gãy hình thành sớm hơn như nhận định của công trình [15].

Việc đối sánh thời điểm “chuyển giao quyền lực” giữa hai pha kiến tạo (pha Eocen-Miocen và Pliocen - Đệ tứ) tương ứng với thời kỳ thành tạo các bề mặt san bằng phổ biến ở NTB như ở An Khê, Kon Tum, Di Linh - Đức Trọng, Pleiku, Vân Hòa cũng cần được nghiên cứu thêm, bởi vì công trình [8] đã chứng minh các bề mặt san bằng trên có tuổi Pliocen muộn tức là muộn hơn nhiều so với thời điểm chuyển đổi pha kiến tạo.

Từ những chứng cứ trên ta thấy 3 sự kiện: phun trào bazan mạnh, chuyển đổi pha kiến tạo và hình thành bề mặt san bằng phổ biến đã xảy ra không cùng một thời điểm. Có ý kiến cho rằng cả 3 sự kiện trên có thể xảy ra đồng thời. Vâng có thể chứ, nhưng ở mức độ nào, và thời điểm nào là cực thịnh. Còn trong xu thế tách giãn mạnh và phun trào bazan “rầm rộ” mà lại tạo ra bề mặt san bằng phổ biến (chứ không phải cục bộ) thì khó giải thích về mặt động lực.

IV. MÔ HÌNH ĐỂ LỰA CHỌN

Những dẫn chứng và nhận định trên cho thấy việc phân tích, giải thích sự phát triển tân kiến tạo và địa động lực của Việt Nam theo tài liệu nghiên cứu của từng chuyên ngành rất khác nhau. Đây là một vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu.

Với những tài liệu nghiên cứu về kiến trúc, lịch sử phát triển, cơ chế hình thành và biến dạng các trũng Kainozoi cùng với tài liệu tham khảo, chúng tôi gợi ý một mô hình phát triển địa động lực Kainozoi miền Bắc Việt Nam và lân cận với những nét cơ bản như sau.

Vào giai đoạn Eocen muộn - Oligocen, sự va chạm giữa Ấn Độ và Âu - Á đã vào thời kỳ đỉnh điểm, khối Mường Tè tiếp tục dịch chuyển phải về hướng ĐB dọc theo đới đứt gãy Điện Biên - Lai Châu, hoạt động trượt bằng trái dọc đới đứt gãy Sông Hồng bắt đầu tăng trưởng. Hoạt động này đã gây tách giãn dọc đới đứt gãy này đồng thời lôi cuốn khối biến chất (DNCV) từ độ sâu xấp xỉ hai chục km, vừa trượt về ĐN vừa nâng dần lên bề mặt [23]. Sự trượt trái kèm theo tách giãn dọc đứt gãy Sông Hồng đã làm tăng cơ hội để nhánh tây bắc của một cấu trúc ba chạc [2] Nam Hải Nam phát triển về phía tây bắc tạo điều kiện hình thành trũng nội lục Hà Nội rộng lớn sau này. Vào cuối thời kỳ này địa hình Tây Bắc Việt Nam mà chủ yếu là dãy Hoàng Liên Sơn còn là một miền núi thấp [1], ở phía ĐB đứt gãy Sông Hồng địa hình  DNCV do mới trồi lộ ra trên bề mặt nên có độ cao thấp hơn.

Vào giai đoạn Oligocen muộn - Miocen sớm, hoạt động trượt bằng trái dọc đới đứt gãy Sông Hồng trở nên mạnh mẽ theo cả chiều ngang lẫn chiều đứng [4], quá trình phá huỷ và bóc mòn địa hình dọc đứt gãy cũng mãnh liệt. Vật liệu phá huỷ và tàn tích [9] ở những nơi nhô cao của DNCV được vận chuyển xuống thung lũng sông Hồng kề cận - vùng đang tách giãn mạnh, tạo nên dải trũng hẹp dọc đứt gãy này.

Tương tự như vậy ở một số nơi dọc các đứt gãy phương TB-ĐN, á vĩ tuyến hoạt động tách giãn do trượt bằng cũng gia tăng. Hệ quả là xuất hiện nhiều trũng Kainozoi dọc các đứt gãy này (trũng Cao Bằng, trũng Nà Dương, trũng Bảo Yên, Hoành Bồ…). Ở vùng thềm lục địa cửa sông Hồng, quá trình tách giãn mạnh kèm theo sự quay phải của khối Đông Dương làm cho trũng Hà Nội cũng như trũng Vịnh Bắc Bộ ngày một mở rộng. Trong lúc này ở Tây Bắc Bộ địa hình nâng yếu, điều hoà; vài nơi trũng thấp hình thành các trũng nhỏ (Hang Mon, Đồng Giao, Nậm Bay) [4]. Quá trình nâng, hạ này tiếp diễn cho đến cuối Miocen sớm và khi hoạt động trượt bằng trái dọc đứt gãy Sông Hồng ngưng nghỉ thì cũng yếu hẳn [16, 17], nhiều nơi ở Tây Bắc Bộ, địa hình rơi vào trạng thái bóc mòn yếu tạo các bề mặt san bằng. Vào giữa Miocen muộn, một biến cố [20] gây nén ép ngang theo phương ĐB-TN hơi ngả về kinh tuyến đã xảy ra. Hệ quả của nó đã làm cho địa hình ở khắp nơi nâng lên yếu; trầm tích trong các trũng Kainozoi bị nâng lên, uốn nếp và bóc mòn mạnh, tạo bề mặt bất chỉnh hợp với quá trình trầm tích của giai đoạn sau [4].

Với ảnh hưởng của lực nén ép này các hệ thống đứt gãy phương ĐB-TN ở Nam Trung Bộ tái hoạt động kèm theo phun trào bazan mạnh mẽ. Quá trình nén ép này xảy ra ngắn ngủi và suy yếu hẳn vào cuối Miocen. Sang đầu Pliocen, chế độ địa động lực khu vực lại chuyển sang một trạng thái mới dưới tác động của trường ứng suất kiến tạo có phương nén ép á kinh tuyến làm thay đổi cơ bản chiều chuyển dịch trượt bằng dọc các hệ thống đứt gãy: từ trái sang phải ở dọc các đứt gãy phương TB-ĐN và từ phải sang trái dọc các đứt gãy phương ĐB-TN [10, 21] (ở miền Bắc rõ nét hơn). Hệ quả của sự trượt bằng phải mạnh đã gây tách giãn ở một số nơi, phát sinh các đứt gãy á kinh tuyến trong thời kỳ đầu và chuyển dần sang nén ép ở thời kỳ tiếp theo làm cho địa hình ở miền Bắc nâng lên với tốc độ và biên độ lớn, nhất là vào cuối Pliocen - đầu Đệ tứ [1]. Trong khi đó ở miền Nam, trường lực nén ép này gây nên tách giãn Đ-T mạnh, xuất hiện hàng loạt tách giãn phương á kinh tuyến [21] và làm gia tăng hoạt động phun trào bazan theo diện với nguồn gốc ngày càng sâu hơn. Khối lượng phun trào ngày một lớn và bao trùm nhiều vùng lãnh thổ. Cùng với quá trình trầm tích, bào mòn tiếp theo, địa hình NTB dần dần bằng phẳng và vào nửa cuối Pliocen [8] đã tạo nên các bề mặt san bằng rộng lớn, phát triển cho đến ngày nay.

Trên đây là những nét chính về mô hình địa động lực mà chúng tôi nhận thấy qua các tài liệu nghiên cứu và tổng hợp. Chắc hẳn, để xây dựng được mô hình này còn rất nhiều điều cần được nghiên cứu sâu sắc hơn.


 


Lời cảm ơn: Công trình được hoàn thành với sự tài trợ của Chương trình nghiên cứu cơ bản giai đoạn 2004-2005 cho Đề tài 71. 33. 04. Tác giả xin cảm ơn Ban chủ nhiệm chương trình.

VĂN LIỆU

1. Lê Đức An và nnk, 2004. Địa mạo đới đứt gãy Sông Hồng và tai biến thiên nhiên. Trong ‘‘Đới đứt gãy Sông Hồng, đặc điểm địa động lực, sinh khoáng và tai biến thiên nhiên. Kết quả nghiên cứu cơ bản 2001- 2003’’, tr.5 - 74. Nxb KHKT, Nội.

2. Như Lai, 2000. Về địa động Kainozoi Đông Nam Á. BC Hội nghị KH Đại học MĐC lần 14, tr. 37- 40. Nội.

3. Lê Thị Nghinh, Nguyễn Xuân Huyên, Nguyễn Trọng Yêm, Trần Thị Sáu, Đào Thị Miên, 1991. Trầm tích Kainozoi đới Sông Hồng, Địa chất - Tài nguyên, Nxb. KHKT, tr. 105- 115, Hà Nội.

4. Triều Việt, 2003. Đặc điểm kiến trúc và địa động lực các trũng Kainozoi miền Bắc Việt Nam. Luận án TS. Thư viện Quốc gia, Hà Nội.

5. Nguyễn Đăng Túc, 2002. Một số đặc điểm tân kiến tạo hệ đứt gãy Sông Hồng - Sông Chảy. Luận án TS. Thư viện Quốc gia, Hà Nội.

6. Nguyễn Địch Dỹ, 1987. Địa tầng và cổ địa lý Kainozoi Việt Nam. Luận án TS. Thư viện Quốc gia, Nội (tiếng Nga).

7. Nguyễn Như Trung, Nguyễn Thị Thu Hương, 2003. Cấu trúc vỏ Trái đất khu vực biển Đông theo số liệu dị thường trọng lực vệ tinh và địa chấn sâu. Tuyển tập BC hội nghị KHCN “Viện Dầu khí: 25 năm xây dựng và trưởng thành”, tr. 336- 356. Nội.

8. Nguyễn Xuân Đạo, Nguyễn Trọng Yêm, Nguyễn Địch Dỹ, Trần Văn Diễn, Phạm Văn Cự, Nguyễn Công Tuyết, 1985. Mặt san bằng Pliocen muộn ở miền Nam Việt Nam. Tuyển tập BC HN KHKT Địa chất Việt Nam lần 2, 2 : 241-248. Nội.

9. Nguyễn Xuân Huyên, Phan Đông Pha, Nguyễn Quang Hưng, 2004. Lịch sử phát triển các thành tạo trầm tích Paleogen-Neogen trong mối quan hệ với đới đứt gãy Sông Hồng. Trong “Đới đứt gãy Sông Hồng, đặc điểm địa động lực, sinh khoáng và tai biến thiên nhiên. Kết quả nghiên cứu cơ bản 2001- 2003”. Nxb KHKT, Nội.

10. Nguyễn Trọng Yêm, 1991. Về hoàn cảnh địa động lực tân kiến tạo miền Nam Trung Bộ, TC Địa chất, A/ 202-203 : 28- 32. Nội.

11. Nguyễn Văn Hùng, 2002. Một số đặc điểm cơ bản đứt gãy tân kiến tạo khu vực Tây Bắc. Luận án TS. Thư viện Quốc gia, Hà Nội.

12. Nguyễn Vĩnh (chủ biên), 1978. Địa chất tờ Yên Bái, tỷ lệ 1: 200.000. Tổng cục Địa chất, Hà Nội.

13. Phạm Quang Trung, Đỗ Bạt, Nguyễn Địch Dỹ, 1999. New palynologic discoveries in Tertiary sediments in Northern  Song Hong Basin and adjacent areas. Geol. and Petrol. in Viet Nam, p. 68-81. Nội.

14. Phạm Tích Xuân, Nguyễn Trọng Yêm, 1999. Đặc điểm hoạt động núi lửa Kainozoi muộn ở Việt Nam. TC Các Khoa học về Trái đất, 21/2 : 128- 135. Nội.

15. Phạm Tích Xuân, Nguyễn Hoàng, Lee Hyun Koo, 2003. Đặc điểm thành phần nguyên tố vết và đồng vị trong bazan Kainozoi muộn tại Việt Nam và ý nghĩa kiến tạo của chúng. TC Các Khoa học về Trái đất, 25/4/PC : 499- 510. Nội.

16. Phan Trọng Trịnh, Nguyễn Trọng Yêm, Lacassin R., Leloup P.H., Tapponnier P., Phùng Văn Phách, Nguyễn Hùng, Nguyễn Đăng Túc, 1995. Kiến tạo Kainozoi vùng Tây Bắc Việt Nam. BC Hội nghị KH Địa chất Việt Nam lần thứ III, tr. 137- 147. Nội.

17. Phan Trọng Trịnh và nnk, 1998. Tân kiến tạo, địa động lực và địa chấn kiến tạo vùng trung lưu Sông Đà. Hội thảo KH “ Tân kiến tạo, địa động lực và tai biến thiên nhiên, tr. 28- 38. Nội.

18. Phan Trọng Trịnh và nnk, 2000. Hoạt động kiến tạo trẻ của đới đứt gãy Sông Hồng và lân cận. TC Các Khoa học về Trái đất, 22/4 : 325- 336. Nội.

19. Phan Trọng Trịnh và nnk, 2004. Biến dạng, tiến hoá nhiệt động, cơ chế dịch trượt của đới đứt gãy Sông Hồng và thành tạo rubi trong Kainozoi. Trong “Đới đứt gãy Sông Hồng, đặc điểm địa động lực, sinh khoáng và tai biến thiên nhiên. Kết quả nghiên cứu cơ bản 2001- 2003”. Nxb KHKT, tr. 5- 74. Nội.

20. Phan Trung Điền, Phạm Văn Tiềm, Ngô Thường San, 2000. Một số biến cố địa chất Mezozoi muộn - Kainozoi và hệ thống dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam. Hội nghị KHCN “Ngành Dầu khí Việt Nam trước thềm thế kỷ 21”, tr. 131- 150. Nội.

21. Phùng Văn Phách, Nguyễn Trọng Yêm, Văn Chinh, 1996. Về hoàn cảnh địa động lực tân kiến tạo - hiện đại lãnh thổ Việt Nam. Trong Địa chất - Tài nguyên”, 1: 101- 111. Nxb KHKT, Nội.

22. Trần Nghi và nnk, 2000. Tiến hóa trầm tích Kainozoi bồn trũng Sông Hồng trong mối quan hệ với hoạt động kiến tạo. TC Các Khoa học về Trái đất, 22/4 : 290- 305. Nội.

23. Trần Ngọc Nam, 1999. Đới đứt gãy Sông Hồng - Điểm nóng của những tranh luận khoa học. Phần II: Các đường cong áp suất - nhiệt độ - thời gian và quá trình trồi lộ hậu biến chất. TC Các Khoa học về Trái đất, 21/3 : 161- 167. Nội.

24. Trần Ngọc Nam, 2002. Cơ chế trồi lộ của Dãy Núi Con Voi. TC Các Khoa học về Trái đất, 24/3 : 286- 288. Nội.

25. Trần Văn Thắng, Văn Đức Chương, 1996. Về hoàn cảnh địa động lực hiện đại đới Sông Đà và kế cận. TC Các Khoa học về Trái đất, 18/3/CĐ : 253-264. Nội.

26. Trần Văn Thắng và nnk, 2003. Những đặc điểm cơ bản của đới đứt gãy hoạt động Lai Châu - Điện Biên và điều kiện phát sinh động đất của đới. Hội thảo KH “Động đất và một số dạng tai biến tự nhiên khác vùng Tây Bắc Việt Nam”, tr. 202- 214. Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.

27. Văn Chinh, 2003. Đới đứt gãy Điện Biên - Lai Châu và tính địa chấn của chúng. Hội thảo KH “Động đất và một số dạng tai biến tự nhiên khác vùng Tây Bắc Việt Nam”, tr. 146- 154. Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội