CÁC TAI BIẾN ĐỊA CHẤT Ở TÂY BẮC BỘ

ĐÀO VĂN THỊNH

Trung tâm Viễn thám Địa chất, Liên đoàn BĐĐCMB, Long Biên, Hà Nội

Tóm tắt: Các tác giả đã phân chia các tai biến địa chất (TBĐC) ở miền Tây Bắc Bộ thành 4 nhóm nguồn gốc: nội sinh, hỗn hợp, ngoại sinh và nhân sinh bao gồm 12 dạng TBĐC chủ yếu và nêu ra hiện trạng của chúng. Các tác giả cũng đề xuất một số biện pháp phòng tránh, giảm thiểu hậu quả do các TBĐC gây ra và một số kiến nghị về phương hướng nghiên cứu, điều tra TBĐC ở Tây Bắc Bộ.


MỞ  ĐẦU

Trong mấy năm gần đây, trên thế giới, ở lục địa châu Á và ở nước ta, tai biến địa chất (TBĐC) phát triển với chiều hướng gia tăng và gây nhiều thiệt hại không nhỏ về người và của cải vật chất. Ở nước ta, mức độ thiệt hại do TBĐC cũng ngày càng tăng. Chỉ tính riêng cho thập kỷ 90 (1990-2000), thiên tai ở Việt Nam đã làm thiệt hại  2 tỷ USD.

Có thể hiểu TBĐC như cách định nghĩa của các nhà nghiên cứu thuộc Sở Địa chất Mỹ (1987): "TBĐC là các điều kiện, hiện tượng địa chất hoặc có liên quan đến địa chất xuất hiện tự nhiên hoặc do con người gây ra, gây nguy hiểm hoặc có tiềm năng gây nguy hiểm cho tính mạng và tài sản của con người".

I. PHÂN CHIA CÁC TBĐC Ở MIỀN TÂY BẮC BỘ

Trên miền Tây Bắc Bộ các TBĐC có thể được phân chia tổng quát như sau:

Nhóm 1- Các TBĐC nguồn gốc nội sinh: 1. Động đất, 2. Đứt gãy hoạt động.

Nhóm 2- Các TBĐC nguồn gốc hỗn hợp: 1. Trượt đất, 2. Nứt đất, 3. Các TBĐC liên quan đến các trường địa vật lý, 4. Tai biến địa hoá sinh thái, 5. Sét đánh.

Nhóm 3- Các TBĐC nguồn gốc ngoại sinh: 1. Lũ quét, lũ ống, 2. Xói lở đường bờ sông, 3. Các TBĐC liên quan đến hiện tượng karst.

Nhóm 4- Các TBĐC nguồn gốc nhân sinh: 1. Tai biến do khai thác khoáng sản,  2. Động đất kích thích xung quanh các hồ chứa.

II. HIỆN TRẠNG VÀ NGUYÊN NHÂN MỘT SỐ  TBĐC CHỦ YẾU Ở MIỀN TÂY BẮC BỘ

1. Động đất

Theo các tài liệu đã công bố thì Tây Bắc Bộ là một miền có tiềm năng động đất với cường độ cao và nguy hiểm nhất ở lãnh thổ Việt Nam. Trong khoảng thời gian từ tháng 4 năm 1903 đến 31/7 năm 2003 ở miền Tây Bắc Bộ đã xảy ra tới 340 trận động đất thuộc các cấp lớn nhỏ khác nhau: động đất có chấn cấp Ms < 4 gồm 244 trận, chiếm 71,76%; động đất có chấn cấp 4 < Ms <4.5  gồm 43 trận, chiếm 12,64%; động đất có chấn cấp 4.5 < Ms < 5 gồm 43 trận, chiếm 12,64%; động đất có chấn cấp 5 <  Ms <5.5  gồm 8 trận, chiếm 2,35%; động đất có chấn cấp Ms > 6  gồm 2 trận (xảy ra vào năm 1935 với cường độ 6,75 và năm 1983 với cường độ 6,7), chiếm 0,58% (hai trận này mạnh nhất Việt Nam) [Nguyễn Đình Xuyên và nnk, 1996, Lưu trữ Viện Vật lý địa cầu].

Hầu hết các chấn tâm động đất thường tập trung dọc các đứt gãy có độ xuyên cắt sâu lớn như đứt gãy Điện Biên - Lai Châu, Tuần Giáo - Tủa Chùa (phương á kinh tuyến) và Sông Mã, Sơn La, Sông Đà, Phong Thổ, Mường Tè (phương TB-ĐN).... Đới Phong Thổ - Phu Sam Sao là đới có mật độ chấn tâm động đất cao nhất.

Tai biến động đất đã gây ra những thiệt hại không nhỏ về tài sản và tính mạng của nhân dân. Chỉ tính riêng trận động đất mới xảy ra gần đây vào hồi 22h52' ngày 19/2/2001 với chấn cấp đạt 5,3 độ Richter ở khu vực thị xã Điện Biên Phủ, tỉnh Lai Châu đã làm thiệt hại gần 200 tỷ đồng, nhiều người bị thương và đã gây ra sự hoang mang cao độ cho nhân dân.

Nguyên nhân gây ra hiện tượng động đất gồm: 1. Sự chuyển động tương đối theo chiều đứng và chiều ngang giữa các khối địa chất quy mô kích thước khác nhau, 2. Tính đang hoạt động của các đứt gãy kiến tạo…[Nguyễn Đình Xuyên, đã dẫn].

2. Đứt gãy hoạt động

Đứt gãy hoạt động (ĐGHĐ) là một dạng TBĐC rất nguy hiểm bởi tự thân nó đã là một dạng TBĐC, ngoài ra nó có thể gây ra các dạng TBĐC khác như: động đất, trượt đất, nứt đất ảnh hưởng tới tốc độ vững bền của các công trình xây dựng, phá huỷ hoặc làm hư hại các công trình hạ tầng cơ sở quan trọng. ĐGHĐ là các đứt gãy (ĐG) bắt đầu hoạt động từ 10.000 năm và cho đến ngày hôm nay vẫn hoạt động và chúng đều là các ĐG sinh chấn.

Qua tổng hợp các tài liệu thu thập và nghiên cứu điều tra bổ sung các tác giả ghi nhận trên vùng nghiên cứu có 14 đứt gãy (đới đứt gãy) đang hoạt động: Điện Biên - Lai Châu, Tuần Giáo -Tủa Chùa, Sông Hồng, Sông Mã, Sông Đà, Chợ Bờ, Phong Thổ - Than Uyên, Sa Pa - Văn Bàn, Nghĩa Lộ - Hoà Bình, Sơn La, Mường Tè, Sín Thầu - Mường Nhé, Sộp Cộp, trong  đó có 2 đứt gãy mới được nghiên cứu chi tiết là: Điện Biên - Lai Châu và Tuần Giáo - Tủa Chùa. Đứt gãy Điện Biên - Lai Châu: tốc độ chuyển động dịch ngang theo kết quả đo GPS chính xác là 7 mm/năm; tốc độ chuyển động thẳng dứng dao động từ -1,5 cm/năm đến +1,2 cm/năm; dị thường khí thuỷ ngân (Hg) cực đại dao động từ 452 đến 583 ngHg/m3 (giá trị phông trung bình dao động từ 50,4 đến 58,6 ngHg/m3); dị thường khí rađon (Rn) cực đại dao động từ 340,8 đến 818,6 pCi/l (giá trị phông trung bình dao động từ 29,8 đến 32,0 pCi/l). Đứt gãy Tuần Giáo - Tủa Chùa: là một đứt gãy đang hoạt động và là đứt gãy sinh chấn xếp vào cấp mạnh nhất miền Tây Bắc Bộ, chỉ sau ĐG Điện Biên - Lai Châu. Theo cơ chế động đứt gãy TG -TC  thuận -  trượt bằng phải, dị thường khí thuỷ ngân (Hg) cực đại dao động từ 261 đến 620 ngHg/m3 (giá trị phông trung bình dao động từ 31,7 đến 55,6 ngHg/m3); dị thường khí rađon (Rn) cực đại dao động từ 253 đến 1057 pCi/l (giá trị phông trung bình dao động từ 30,8 đến 41,3 pCi/l)…[Đào Văn Thịnh và nnk, 2004, Lưu trữ Địa chất].

Sự hoạt hoá của các chuyển động kiến tạo vào giai đoạn tân kiến tạo - hiện đại là nguyên nhân  chủ yếu gây ra các đứt gãy đang hoạt động…

3. Trượt đất

Các tác giả thống nhất sử dụng các định nghĩa về mặt thuật ngữ liên quan đến trượt đất như sau:

- Trượt đất là hiện tượng dịch chuyển đất đá trên  sườn địa hình từ cao xuống thấp theo một mặt trượt nhất định.

- Đá đổ là hiện tượng các khối đá gốc tách ra khỏi các vách dốc và đổ xuống tại chỗ trên bề mặt điạ hình.

- Đá rơi là hiện tượng các khối đá gốc tách ra khỏi vách dốc dựng đứng và rơi xuống bề mặt địa hình theo chiều thẳng đứng.

Trượt đất phát triển mạnh mẽ và rộng khắp miền Tây Bắc Bộ. Trượt đất xảy ra rất mạnh dọc các quốc lộ: 6, 4D, 32, 12, 279, 127... đặc biệt là dọc quốc lộ 6 (đoạn từ Tuần Giáo đi Lai Châu) và quốc lộ 12 (đoạn từ Điện Biên đi Lai Châu), quốc lộ 4D và quốc lộ 32. Ngoài ra còn rất nhiều điểm trượt đất ở xa các tuyến quốc lộ và ở các vùng khác. Mức độ ảnh hưởng của tai biến trượt đất rất lớn về vật chất, tính mạng cũng như tâm lý của các cộng đồng dân cư sinh sống trong vùng cũng như du khách. Điển hình là điểm trượt cầu Mống Sến xẩy ra nhiều năm và gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Ngày 30/6/2003 trượt đất - đá xảy ra tại bản Chu Va 12, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu làm chết một nam và làm bị thương nặng một nữ du khách người Mỹ. Mới đây một trận trượt đất kinh hoàng xẩy ra vào đêm 13/9/2004 tại xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai làm chết 23 người. Nhà nước đã chi gần 15 tỷ đồng để khắc phục sự cố này. Hiện trạng và dự báo trượt đất được trình bày trên Hình 1.



Các nguyên nhân gây ra trượt đất: Độ dốc sườn là nguyên nhân chính gây ra trượt đất. Trượt đất  thường xảy ra ở các khu vực địa hình có sườn dốc trên 250 (tập trung trong khoảng 300 đến 450). Ở các vùng địa hình có sườn dốc 16 - 250, trượt đất xảy ra ít hơn và có quy mô nhỏ hơn, ở các vùng địa hình có sườn dốc  nhỏ hơn 150, trượt đất xảy ra rất ít và có nơi hầu như không xảy ra. Quá trình phong hoá đá gốc là nguyên nhân quan trọng gây trượt đất. Chuyển động kiến tạo hiện đại biểu hiện dưới dạng động đất và các đứt gãy hoạt động cũng là một nguyên nhân. Rất nhiều điểm trượt đất liên quan đến các đứt gãy hoạt động như: Điện Biên - Lai Châu và Tuần Giáo - Tủa Chùa. Yếu tố thuỷ văn với hệ thống dòng chảy trên  mặt thường  gây ra hiện tượng trượt, sụt ven hồ (nhất là dọc sông Đà). Nước dưới đất cũng là yếu tố quan trọng. Các điểm trượt quy mô lớn đều có liên quan tới nước dưới đất. Chế độ mưa đóng vai trò rất quan trọng. Trượt đất thường xảy



ra trong phạm vi các khu vực có lượng mưa lớn và gia tăng vào mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm). Mật độ thảm thực vật có ảnh hưởng lớn đến hiện tượng trượt đất. Tại các khu vực có độ che phủ cao (>50%) hiện tượng trượt đất hầu như không xảy ra. Tại các khu vực có độ che phủ trung bình (30-50%) thường xảy ra trượt đất quy mô nhỏ và thưa. Tại các khu vực có độ che phủ thấp (<30%)  hiện tượng trượt đất xảy ra mạnh mẽ nhất. Yếu tố thế nằm đá gốc chi phối nhiều điểm trượt đất. Trượt đất dễ xảy ra ở các vùng hướng dốc địa hình trùng với hướng dốc của đá gốc  hoặc hướng dốc của mặt phân phiến. Đặc điểm cơ lý và cấu tạo đá gốc cũng có vai trò nhất định gây ra trượt đất. Tại những khu vực đá gốc gắn kết yếu, bị vỡ vụn, bở rời, hiện tượng trượt đất xảy ra mạnh hơn. Hoạt động nhân sinh gián tiếp hoặc trực tiếp cũng gây ra trượt đất như chặt phá rừng, canh tác nông nghiệp làm giảm độ che phủ rừng, xây dựng hồ chứa làm thay đổi mực nước dưới đất, xây dựng đường giao thông làm thay đổi thế cân bằng sườn, bắn mìn khai thác khoáng sản. Thí dụ, năm 1968 đã xẩy ra một khối trượt 300.000 m3 ở mỏ Cam Đường, Lào Cai. Tại một số điểm trượt đất có thể thấy tai biến xảy ra do tác động của một tổ hợp các nguyên nhân.

4. Đá đổ, đá rơi

Đây là một dạng tai biến địa chất thường xuyên xảy ra ở Tây Bắc Bộ. Vị trí các điểm đá đổ, đá rơi thường ở taluy đường ô tô, tại các vách dốc phát triển  trong các thành tạo đá vôi, granit và các đá phun trào. Tai biến này cũng rất nguy hiểm, gây chết người, thiệt hại, ách tắc giao thông. Ngày 22/12/1997, tại một vách núi  trên đường đi từ xã Thanh Kim đến bản Phúng thuộc huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, một tảng đá granit rơi từ độ cao 20 m xuống mặt đường liên huyện làm  chết 6 công nhân sửa đường đang ngồi nghỉ. Nguyên nhân: do đá gốc bị nứt nẻ, phân khối mạnh, trong đá gốc phát triển nhiều khe nứt do làm đường giao thông tạo vách dốc đứng. Dọc các vách kiến tạo cũng xảy ra đá đổ, đá rơi.

5. Tai biến do trường bức xạ phóng xạ tự nhiên

Các khu vực có cường độ chiếu xạ > 2 mSv/năm phân bố ở phía bắc tỉnh Lai Châu, đông bắc thị xã Điện Biên, phía nam thị xã Sơn La và  dải Mường Tè - Điện Biên. Chúng cũng thể hiện bằng một số điểm dị thường, một số mỏ chiếm diện tích không lớn, phân bố không liên tục trong một số vùng như Phong Thổ - Lao Cai - Than Uyên - Bảo Thắng - Mường La - Nghĩa Lộ - Bắc Yên; Ba Vì - Sơn Tây theo hướng TB - ĐN. Dị thường Phong Thổ có dạng dải gồm nhiều cụm dị thường rộng 5-15 km kéo dài từ biên giới Việt-Trung qua Nậm Xe - Tam Đường tới Đông Pao, trong đó có nhiều dị thường tốc độ chiếu xạ cao hơn 1000 mR/h-3000 mR/h. Những dị thường này có tổng liều chiếu xạ tự nhiên rất cao. Ở đây cũng phát triển các dải dị thường phóng xạ tự nhiên với liều chiếu xạ trung bình là 11,4-114 mSv/năm tương đương với cường độ 150-1700 mR/h (phông 0,7 mSv/năm). Các điểm có liều chiếu xạ cao > 5 mSv/năm chủ yếu tập trung ở các vùng Phong Thổ, Lào Cai - Than Uyên, Bảo Thắng - Mường La, Ba Vì, Phú Thọ liên quan đến các đá granit và trầm tích phun trào…

6. Tai biến do thiếu Iođ gây bệnh bướu cổ và đần độn

Trên địa bàn Tây Bắc Bộ có 4 vùng môi trường địa chất chính gây bệnh biếu cổ và đần độn do thiếu Iođ: vùng lớn nhất trùng với diện phân bố của đá vôi hệ tầng Đồng Giao, kéo dài từ nam Phong Thổ (Lai Châu) đến nam Yên Thuỷ (Hoà Bình). Vùng thứ hai nằm ở phía đông nam Phù Yên với sự phân bố khá rộng đá carbonat. Vùng thứ ba ở xung quanh Mù Cang Chải bao gồm các đá trầm tích và phun trào hỗn hợp. Cuối cùng là vùng Tam Đường - Than Uyên với sự phát triển các đá magma xâm nhập hỗn hợp. Ngoài ra còn có các diện tích hẹp ở bắc Mường Tè, tây Mường Tè và ĐN Sìn Hồ.

7. Lũ quét, lũ ống

Quan niệm lũ quét và lũ ống của  tác giả như sau: lũ quét là sự chảy dồn nước nhanh vào một vùng tương đối rộng (tới vài chục km2) thường quét theo các triền sông, suối  với cường độ mạnh xảy ra bất ngờ, duy trì trong một thời gian ngắn và có sức tàn phá rất mạnh, quét sạch hoặc phá huỷ hầu như mọi vật trên bề mặt mà dòng nước chảy qua. Lũ ống là sự chảy dồn nước bộc phát đột ngột từ cao xuống thấp với tốc độ rất cao vào một thung lũng suối nhỏ hoặc một khe hẻm có quy mô nhỏ hơn (từ vài trăm mét đến vài km) theo sườn rất dốc, tạo thành một khối nước hình ống, thời gian xẩy ra rất ngắn  và sức tàn phá cũng rất mạnh. Lũ quét và lũ ống cực kỳ nguy hiểm cho tính mạng của nhân dân, nhất là khi chúng xảy ra vào ban đêm.

Lũ quét là một dạng tai biến nguy hiểm xếp hàng thứ ba sau động đất, trượt đất. Lũ quét rất thường xuyên xẩy ra nhiều vị trí ở Tây Bắc Bộ, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Có nhiều vị trí lũ quét xẩy ra liên tiếp nhiều năm trên diện rộng.

Nguyên nhân gây ra lũ quét do mưa to nhiều ngày liên tiếp với cường độ mạnh, mưa nhiều ngày liên tục và kết thúc bằng một trận mưa cường độ cao ở những nơi có địa hình dốc, đặc biệt ở những nơi mà địa hình hai phía thung lũng đều dốc, ở những khu vực đồi núi trọc, thực vật ít thì sự tàn phá của lũ quét càng mạnh và tần suất càng cao. Khi lũ quét xẩy ra trong khu vực có các thành tạo bị vỡ vụn, bị phong hoá mạnh thì thường kèm theo dòng bùn đá rất nguy hiểm (điển hình là trận lũ quét kèm dòng bùn đá ở Nậm Coóng, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu).

Tây Bắc Bộ được đánh giá là một vùng có khả năng phát sinh lũ quét lớn nhất so với các khu vực khác thuộc lãnh thổ Việt Nam do các đặc điểm về địa hình, địa mạo, thổ nhưỡng, khí hậu cộng với các đặc điểm canh tác truyền thống phát rẫy làm nương ở các lưu vực sông, khai thác chặt phá rừng đầu nguồn.



Lũ ống xảy ra ít hơn lũ quét, quy mô ảnh hưởng hẹp, nhưng cũng là dạng TBĐC rất nguy hiểm. Về mặt quy mô lũ ống xẩy ra trên diện hẹp, về mặt thời gian nó xẩy ra tức thời do mưa to đột ngột ở thượng nguồn, nước dồn nhanh vào một thung lũng nhỏ; cũng có trường hợp lũ ống xẩy ra do vỡ đập tự nhiên ở thượng nguồn suối. Hiện trạng và dự báo lũ quét, lũ ống được trình bày trên Hình 2.

III. CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG TRÁNH, GIẢM THIỂU HẬU QUẢ DO TBĐC GÂY RA

1. Các biện pháp chung

Cần tiến hành một số chương trình quốc gia dài hạn về điều tra TBĐC từ mức tổng quan đến mức chi tiết, lập các bản đồ TBĐC từ tỉ lệ 1: 500.000 đến tỉ lệ 1:250.000 và tỉ lệ 1:50.000, trong đó cần chú ý đặc biệt đến công tác quan trắc và dự báo để việc phòng chống, giảm thiếu thiệt hại có hiệu quả cao nhất. Chương trình này không nên dừng ở mức cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả khi tai biến đã xẩy ra mà nên đi trước một bước về vấn đề phòng tránh thông qua các dự báo của các công trình điều tra TBĐC nói riêng và tai biên thiên nhiên nói chung. Cần có sự hợp tác nghiên cứu giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước về tất cả các dạng TBĐC. Cần tiến hành phổ cập kiến thức cơ bản, nâng cao nhận thức về TBĐC cho nhân dân vùng có tiềm năng xẩy ra các TBĐC để nhân dân tự mình chủ động có những biện pháp phòng chống TBĐC và xử lý trong tình huống khi TBĐC xẩy ra. Không nên có tư tưởng chỉ trông chờ vào chính quyền địa phương và Trung ương, tức là phải tiến tới xã hội hóa công tác phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do TBĐC gây ra. Đối với một số dạng TBĐC thì biện pháp phòng tránh tốt nhất là né tránh (không xây dựng các khu dân cư tập trung ở các vị trí thường xuyên xẩy ra trượt đất và lũ quét). Nhưng đối với đa số các TBĐC thì cần tuân theo phương châm “sống chung cùng tai biến địa chất”, nhưng phải có các biện pháp đề phòng cần thiết như xây nhà kiên cố có mức kháng chấn cần thiết...

2. Các biện pháp cụ thể

a. Đối với tai biến động đất: Cần có các bản đồ dự báo động đất chính xác để quy hoạch từng vùng lãnh thổ. Không thiết kế xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở quy mô to và không quy hoạch xây dựng khu dân cư tập trung dọc các đới dự báo có chấn áp cao. Các công trình xây dựng dân dụng, trụ sở các cơ quan nhà nước cần phải có các biện pháp kỹ thuật kháng chấn với cấp cao (7 độ Richter) phù hợp với mức độ dự báo cho các khu vực cụ thể, nhà dân không nên thiết kế nhiều tầng cao, hạn chế tối thiểu kết cấu bê tông cốt thép, nếu có kết cấu thì nhất thiết phải có kết cấu khung liên kết với nhau. Các đô thị Điện Biên Phủ, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hoà Bình có nguy cơ ảnh hưởng của động đất cao. Riêng đô thị Điện Biên Phủ có nguy cơ động đất cao nhất. Không nên tập trung xây dựng ở các vùng trùng với hình chiếu bề mặt đứt gãy Điện Biên - Lai Châu. Các công trình thuỷ điện đều cần có các biện pháp kỹ thuật kháng chấn đến Ms max = 8,0.

b. Đối với đứt gãy hoạt động: Cảnh báo với chính quyền địa phương về vị trí có đứt gãy hoạt đông để tăng cường đề phòng trượt đất, nứt đất ... có thể xẩy ra, không xây dựng (hoặc phải có biện pháp phòng chống) đối với các công trình xây dựng như nhà cửa, cầu, cống... dọc đới đứt gãy hoạt động.

c. Đối với tai biến trượt đất: Cảnh báo với chính quyền địa phương về vị trí xung yếu có khả năng xẩy ra trượt đất - nứt đất, khuyến cáo không định cư ở các sườn dốc, dọc các chân núi dốc, dọc các sườn núi mà đá gốc bị phong hóa mạnh, bị vò nhàu, cà nát, dập vỡ mạnh, trồng các loại cây phù hợp để tăng cường độ bền vững bề mặt nơi có khả năng xẩy ra trượt đất, xây các kè đá xi măng để chống trượt tại các vị trí xung yếu nhất... bằng các biện pháp tổng hợp. Đồng thời xem xét đến việc đẩy mạnh sản xuất các vật liệu địa kỹ thuật (các lưới thép địa kỹ thuật, các máng tổng hợp địa kỹ thuật, vải địa kỹ thuật) chế tạo từ hỗn hợp kim loại, vật liệu composit, các chất dẻo hoá học, trộn bột than xen trồng cỏ, cây để chống trượt đất và nứt đất. Ở các khối trượt do nguyên nhân nước mặt và nước ngầm cần có biện pháp thoát nước triệt để kết hợp dùng vật liệu địa kỹ thuật, việc xây tường, kè chắn bằng bê tông cốt thép, định vị các giỏ đá dọc cung trượt, khoan cọc nhồi, đóng cọc tre gỗ...  nên tiến hành ở mức tối thiểu vì các biện pháp này hiệu quả không cao nhưng rất tốn kém. Riêng tại điểm trượt đất cầu Mống Sến II thuộc huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai các tác giả đề xuất nên chuyển vị trí quốc lộ 4D sang vị trí khác (xem Hình 3) vì tại đó hầu như hàng năm đêù xẩy ra trượt đất mà các biện pháp chống trượt đã thi công đều tỏ ra không hiệu quả. Điểm trượt đất đồi Ông Tượng ở thị xã Hòa Bình và điểm trượt đất tại khu cơ quan UBND tỉnh Sơn La phải gia cố, tăng cường biện pháp chống trượt bổ sung vì nguy cơ xẩy ra trượt vẫn còn rất cao.

d. Đối với tai biến lũ quét: Các biện pháp phòng tránh là cảnh báo chính quyền địa phương về các vị trí xung yếu về mặt địa chất, nơi dễ xẩy ra lũ quét và nếu xẩy ra sẽ gây nhiều thiệt hại, không quy hoạch định cư tại các vị trí xung yếu đó, tăng cường biện pháp bảo vệ rừng đầu nguồn, trồng thêm cây cối để hạn chế lũ quét trở thành lũ bùn đá, dòng bùn, di dân ra khỏi những nơi thường xẩy ra lũ quét, có sự quan sát theo dõi thường xuyên vào mùa mưa... Dọc thung lũng Nậm Na nói riêng và dọc đứt gãy Điện Biên - Lai Châu nói chung khuyến cáo nhà dân nên xây dựng ở các vị trí cao hơn mức lũ quét hàng năm (nhất là đoạn từ Mường Lay đến thị xã Lai Châu).

e. Đối với tai biến bức xạ phóng xạ tự nhiên: Khuyến cáo nhân dân sống trong vùng biết những nơi nào không nên xây dựng nhà cửa ở đó, nơi nào không được khai thác đá, đất làm gạch xây nhà. Cần di dời dân sống trên khu vực có liều chiếu phóng xạ cao > 5mSv/năm ví dụ như tại các khu mỏ Nậm Xe, xung quanh bãi thải mỏ đồng Sinh Quyền, khu vực đất hiếm thị trấn Mường Hum... Tại những vùng mỏ, cần có biện pháp an toàn phóng xạ cho những người làm trực tiếp ở mỏ. Cần có biện pháp chống gây ô nhiễm sang vùng khác. Cần có những phương án phục hồi môi trường, cân bằng sinh thái, cụ thể phải quy hoạch bãi thải. Nghiêm cấm không để tình trạng khai thác thổ phỉ, khai thác bừa bãi tại những vùng mỏ có chứa phóng xạ - đất hiếm.

h. Đối với tai biến địa hóa sinh thái: Một số biện pháp sơ bộ gồm: không quy hoạch định cư ở những nơi có các dị thường các nguyên tố độc hại cho sức khoẻ con người (thủy ngân, arsen, chì-kẽm, phóng xạ,...), di dân khỏi những nơi nguy hiểm (nơi có hàm lượng arsen, thủy ngân cao,...), ở các vùng nguy cơ thiếu iođ cần vận động nhân dân gia tăng dùng muối iođ thường xuyên nhằm tránh bệnh bướu cổ và đần độn.

Tại vùng xã Hưng Thi, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình và một số xã lân cận (bao gồm cả các xã thuộc huyện Kim Bôi) cần tiếp tục nghiên cứu một số cách nghiêm túc nguyên nhân gây bệnh tê-say gây chết nhiều người trong các năm qua, đặc biệt cần quan tâm nghiên cứu môi trường địa hóa đất và nước. Tại vùng tây bắc đập thủy điện Hoà Bình cần nghiên cứu bổ sung hiện tượng cây cối chết do quá trình rửa lũa axit từ các đá phun trào mafic.

KẾT LUẬN

Miền Tây Bắc Bộ là vùng đất hùng vĩ có nhiều cảnh đẹp, có nhiều danh lam thắng cảnh - di tích lịch sử nổi tiếng, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Đó còn là vùng đất đầy tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội và chiếm vị trí rất quan trọng trong bình đồ quy hoạch phát triển của đất nước, là nơi cung cấp điện năng hầu như cho cả nước. Nhưng Tây Bắc Bộ còn là vùng có tiềm năng xảy ra TBĐC cao nhất Việt Nam với 12 dạng cơ bản như đã trình bày trong báo cáo. Do đó, việc điều tra nghiên cứu toàn diện về các đặc điểm tự nhiên - môi trường và TBĐC sẽ đóng vai trò quan trọng cho quy hoạch phát triển chung của miền Tây Bắc Bộ.

VĂN LIỆU

1. Cao Đăng Dư, Lê Bắc Huỳnh, 2000. Lũ quét, nguyên nhân và biện pháp phòng tránh. Nxb Nông nghiệp, Hà Nội.

2. Võ Công Nghiệp, Đỗ Văn Ái, Hồ Vương Bính, 1995. Về những tác nhân gây bệnh bướu cổ địa phương xét từ góc độ địa hoá sinh thái và các biện pháp chế ngự. Thông tin KHKT Địa chất, 9-11. Nội.