BIẾN CHẤT NHIỆT ĐỘ SIÊU CAO PERMI-TRIAS:
VA CHẠM LỤC ĐỊA Ở ĐỊA KHỐI KON TUM ?

TRẦN NGỌC NAM1, Y. OSANAI2, N. NAKANO2, HOÀNG HOA THÁM1

1Đại học Khoa học Huế, 77 Nguyễn Huệ, Huế.
2Kyushu University, Fukuoka 810-8560, Japan

Tóm tắt: Các đá biến chất nhiệt độ siêu cao ở địa khối Kon Tum bao gồm các đá gneis granat-orthopyroxen-silimanit- thạch anh (granulit pelit) và gneis granat-clinopyroxen -orthopyroxen- thạch anh (granulit mafic) gặp trong loạt Kan Nack (vùng Kan Nack) và các thấu kính trong loạt Ngọc Linh ở vùng Đak To Kan, trong một đới chạy theo phương TB-ĐN. Các granulit này là kết quả của quá trình biến chất có đỉnh biến chất đạt nhiệt độ T = 1050ºC tại áp suất P = 12 kbar, được đặc trưng bằng một quá trình giảm áp gần như đẳng nhiệt (từ 18 kbar xuống 10 kbar) và theo sau nó là quá trình giảm nhiệt gần như đẳng áp. Tài liệu tuổi đồng vị phóng xạ bằng nhiều phương pháp đã xác định hoạt động biến chất siêu cao ở địa khối Kon Tum xảy ra trong thời gian Permi-Trias, nằm trong khoảng 260-245 tr.n., cho thấy các thành tạo biến chất nhiệt độ siêu cao ở địa khối Kon Tum có đặc điểm tương đồng cả về đặc điểm và thời gian biến chất với các thành tạo biến chất ở ranh giới va chạm lục địa giữa hai lục địa Bắc và Nam Trung Hoa. Kết quả này cho phép giả định về khả năng địa khối Kon Tum chính là ranh giới va chạm lục địa giữa địa khu Đông Dương với lục địa Nam Trung Hoa, mở ra một hướng mới trong việc xem xét tiến hoá kiến tạo của khu vực.


MỞ ĐẦU

Địa khối Kon Tum là nơi xuất lộ móng kết tinh lớn nhất của địa khu Đông Dương. Địa khu này được nhiều nhà địa chất coi là hợp phần của lục địa Gondwana, mặc dù ranh giới giữa nó với lục địa Nam Trung Hoa vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau như đới đứt gẫy Sông Hồng, đới khâu Sông Mã, hay xa hơn về phía nam là đới khâu Tam Kỳ - Phước Sơn. Các phức hệ móng kết tinh lộ ra ở địa khối Kon Tum là những đá biến chất cao đang được xếp vào các thành tạo Tiền Cambri, bao gồm các granulit loạt Kan Nack, các đá biến chất tướng amphibolit loạt Ngọc Linh và hệ tầng Khâm Đức [14]. Các đá của loạt Kan Nack tạo nên phần trung tâm của địa khối Kon Tum bao gồm chủ yếu granulit mafic hai-pyroxen, các đá gneis granat- corđierit-hypersthen (granulit pelit), calciphyr. Các đá magma đi kèm loạt Kan Nack là những thành tạo xâm nhập thuộc nhóm charnockit-enđerbit, vì vậy loạt Kan Nack trước đây được xếp vào tuổi Archei trên cơ sở đối sánh với các thành tạo granulit Archei “kinh điển” của thế giới [14]. Mặt khác, các quan điểm truyền thống mô tả địa khối Kon Tum như một cấu trúc dạng vòm do sự lớn dần của lục địa Tiền Cambri, biểu hiện qua sự giảm dần mức độ biến chất từ tướng granulit ở trung tâm (loạt Kan Nack), qua tướng amphibolit (loạt Ngọc Linh) và giảm xuống mức độ biến chất thấp hơn ở ven rìa (hệ tầng Khâm Đức). Tuy nhiên, những nghiên cứu chuyên đề gần đây đã cung cấp những tài liệu địa niên biểu phóng xạ có độ tin cậy cao cho thấy biến chất tướng granulit của loạt Kan Nack đã xảy ra trong thời gian Inđosini, trẻ hơn nhiều so với tuổi Archei trước đây, nằm trong khoảng 260-245 triệu năm (tr.n), ghi nhận từ tuổi U-Pb zircon trong các mẫu đá gneis granulit và các mẫu xâm nhập charnockit-enđerbit đi kèm [1, 4, 11]. Hơn nữa, các nghiên cứu chuyên đề về thạch luận, biến chất địa khối Kon Tum mới đây đã phát hiện thấy các đá biến chất nhiệt độ siêu cao (900-1050ºC) không những phổ biến trong diện lộ của loạt Kan Nack [8, 12] mà còn gặp cả trong thành phần của loạt Ngọc Linh dưới dạng những thấu kính, những khối nằm kẹp giữa các đá gneis có cấu tạo mylonit [5, 6]. Thực tế này đòi hỏi phải có những nghiên cứu sâu hơn nhằm xem xét lại địa chất của địa khối Kon Tum nói chung, và đặc biệt, cần xem xét lại lịch sử biến chất và tiến hoá kiến tạo của các phức hệ móng kết tinh ở địa khối Kon Tum nói riêng.

Bài báo này giới thiệu những kết quả mới nhất về nghiên cứu thạch luận các đá biến chất nhiệt độ siêu cao ở địa khối Kon Tum, kết quả nghiên cứu xác định tuổi đồng vị cho các thành tạo thuộc móng kết tinh ở địa khối này. Các kết quả thu được cho thấy địa khối Kon Tum có thể là nơi va chạm giữa địa khu Đông Dương với lục địa Nam Trung Hoa xảy ra trong thời gian Permi-Trias (260-245 tr.n), mở ra một hướng luận giải mới về tiến hoá kiến tạo cho khu vực nghiên cứu*.

I. ĐIỀU KIỆN BIẾN CHẤT NHIỆT ĐỘ SIÊU CAO Ở ĐỊA KHỐI KON TUM  

Các đá biến chất nhiệt độ siêu cao là các đá đã trải qua quá trình biến chất ở các điều kiện nhiệt độ cao hơn 850ºC. Những nghiên cứu chuyên đề mới đây cho thấy các đá biến chất nhiệt độ siêu cao (850-1050ºC) có mặt trong thành phần của loạt Kan Nack [8, 9, 12], và có mặt cả trong thành phần của loạt Ngọc Linh [5, 6]. Trong loạt Kan Nack, các granulit nhiệt độ siêu cao bao gồm các gneis granat-orthopyroxen-silimanit- thạch anh (granulit pelit) và gneis granat- clinopyroxen -orthopyroxen- thạch anh (granulit mafic) gặp ở Kan Nack cùng với các tổ hợp granulit bình thường khác như gneis granat-corđierit- silimanit-biotit, calciphyr. Các nghiên cứu thạch luận biến chất cho thấy các tổ hợp khoáng vật cộng sinh trong các gneis granat-orthopyroxen -silimanit- thạch anh (granulit pelit nhiệt độ siêu cao) và gneis granat-clinopyroxen- orthopyroxen- thạch anh (granulit mafic nhiệt độ siêu cao) này bền vững trong trường nhiệt độ có đỉnh biến chất đạt nhiệt độ T = 1000-1050ºC và áp suất P = 11-12 kbar, trong khi các granulit bình thường khác được thành tạo trong điều kiện T = 750-850ºC và P = 6,5-7 kbar [8, 12]. Trong loạt Ngọc Linh, các đá granulit granat-clinopyroxen- orthopyroxen (granulit mafic nhiệt độ siêu cao) gặp phổ biến dưới dạng các thấu kính hoặc các khối có kích thước khác nhau nằm kẹp giữa các lớp đá gneis có cấu tạo mylonit khác (Hình 1). Các tính toán áp suất - nhiệt độ cho thấy điều kiện biến chất của các granulit mafic này đạt đỉnh áp suất P = 16-18 kbar ở 950ºC, theo sau là đỉnh nhiệt độ T = 1050ºC tại áp suất 12 kbar [6]. Các đá gneis vây quanh có cấu tạo mylonit điển hình với các tổ hợp khoáng vật cộng sinh như granat-silimanit-biotit tiêu biểu cho tướng biến chất amphibolit có điều kiện áp suất - nhiệt độ thấp hơn.

 ¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯

* Việc phát hiện các đá biến chất nhiệt độ siêu cao ở địa khối Kon Tum là rất quan trọng và lý thú, tuy nhiên cần có những số liệu hoá học chính xác thêm đặc biệt là của hypersthen, granat cũng như cấu trúc và quan hệ địa chất của đới va chạm giữa các khối Đông Dương và Nam Trung Hoa (BBT).

 

Kết hợp các kết quả nghiên cứu thạch luận, thạch địa hoá, các kết quả tính toán điều kiện biến chất bằng các mô hình địa nhiệt - áp kế (geothermo-barometry), lịch sử biến chất của các đá granulit nhiệt độ siêu cao ở địa khối Kon Tum được minh hoạ trên giản đồ áp suất - nhiệt độ (P-T) ở Hình 2. Trên Hình 2, đường cong P-T cho các granulit pelit (loạt Kan Nack) được xác định bắt đầu từ khi điều kiện biến chất đạt đỉnh cực đại tại T = 1000-1050ºC và P = 11-12 kbar (giai đoạn M1 trên Hình 2). Tuy nhiên, granulit granat-clinopyroxen-orthopyroxen trong loạt Ngọc Linh cho thấy có sự thay đổi trong thành phần các tổ hợp khoáng vật cộng sinh như granat-clinopyroxen- thạch anh, clinopyroxen-orthopyroxen-(granat) và horblenđ - thạch anh. Sự thay đổi này là kết quả của quá trình biến chất đã tác dụng lên các mẫu đang xét. Tổ hợp granat-clinopyroxen- thạch anh bền vững trong điều kiện áp suất P = 16-18 kbar và nhiệt độ T = 900-1000ºC, xác định điều kiện biến chất cho giai đoạn đầu tiên (giai đoạn nguyên thuỷ M0 trên Hình 2). Tổ hợp clinopyroxen-orthopyroxen-(granat) bền vững trong điều kiện P = 12-13 kbar và T = 1000ºC (giai đoạn M1), và khi quá trình biến chất giảm xuống điều kiện khoảng P = 8-9 kbar và T = 850-900ºC sẽ thành tạo horblenđ, tạo nên tổ hợp khoáng vật thứ ba (giai đoạn M2). Nếu coi các đá biến chất siêu cao trong loạt Ngọc Linh và loạt Kan Nack có chung một bối cảnh nhiệt - kiến tạo thì lịch sử biến chất của các granulit nhiệt độ siêu cao ở địa khối Kon Tum có thể được tái tạo như trên Hình 2. Đường cong P-T trên Hình 2 là đường cong thuận chiều kim đồng hồ với điều kiện đỉnh biến chất đạt được tại P = 12 kbar và T = 1050ºC (M1). Giai đoạn biến chất áp suất cao M0 là phần biến chất tiến triển trước khi quá trình biến chất đạt đỉnh cực đại, và giai đoạn áp suất thấp M2 (nhưng nhiệt độ vẫn siêu cao) là phần biến chất lùi trong tiến trình biến chất siêu cao kể trên. Như vậy, có thể phân biệt được hai quá trình giảm áp gần như đẳng nhiệt (từ M0 đến sau M1) và giảm nhiệt gần như đẳng áp (từ sau M1 đến M2) trong lịch sử biến chất nhiệt độ siêu cao của các đá granulit nhiệt độ đang xét.

II. ĐỊA NIÊN BIỂU ĐỒNG VỊ PHÓNG XẠ CỦA CÁC PHỨC HỆ MÓNG KẾT TINH Ở ĐỊA KHỐI KON TUM

Theo truyền thống, các granulit và các phức hệ magma enđerbit-charnockit đi kèm loạt Kan Nack trước đây được xếp vào Archei, chủ yếu dựa vào mức độ biến chất, đặc điểm thạch học và liên hệ đối sánh với các loạt biến chất Archei phân bố ở Ấn Độ và các khiên Alđan, Okhot, Khankai (Liên bang Nga). Trong cố gắng tìm dẫn liệu tin cậy nhằm xác định tuổi cho các thành tạo biến chất cao thuộc móng kết tinh ở địa khối Kon Tum, nhiều tác giả đã áp dụng các phương pháp tuổi đồng vị phóng xạ khác nhau, tiến hành phân tích ở nhiều phòng thí nghiệm, trên nhiều loại đá và nhiều khoáng vật. Kết quả của các nghiên cứu này được liệt kê tóm tắt ở Bảng 1 (sơ đồ vị trí của các mẫu có thể tham khảo [13]).

Bảng 1 cho thấy các kết quả phân tích tuổi đồng vị phóng xạ các phức hệ móng kết tinh ở địa khối Kon Tum có 3 nhóm tuổi. Nhóm thứ nhất có tuổi Permi-Trias nằm trong khoảng 240-260 tr.n. Nhóm này bao gồm 05 mẫu granulit loạt Kan Nack, 03 mẫu charnockit phức hệ Sông Ba, 02 mẫu granulit nhiệt độ siêu cao loạt Ngọc Linh, và các mẫu khoáng vật muscovit trong pegmatit và biotit trong orthogneis phức hệ Đại Lộc. Nhóm thứ hai có tuổi 410-450 tr.n (Orđovic-Silur) thuộc các mẫu zircon phức hệ Đại Lộc (02 mẫu) và phức hệ Sông Re (04 mẫu). Nhóm thứ ba là các nhóm tuổi cổ hơn, bao gồm 480-500 tr.n của một số ít các tinh thể monazit trong mẫu 420T1A granulit loạt Kan Nack, 678 tr.n của amphibolit phức hệ Phù Mỹ, và các nhân zircon di sót kế thừa có tuổi 1400 tr.n trong mẫu KT13108 granulit loạt Kan Nack và tuổi 860 tr.n, 2540 tr.n trong mẫu KT318 phức hệ Sông Re. Ý nghĩa địa chất của các nhóm tuổi này sẽ được bàn đến ở mục sau và phần nào đã trình bày trong các nghiên cứu khác [13].


Bảng 1. Tóm tắt các kết quả nghiên cứu tuổi đồng vị phóng xạ ở địa khối Kon Tum

Số hiệu mẫu

Tên đá

Vị trí (phức hệ), toạ độ (vĩ B; kinh Đ)

Tuổi
(Tr.n)

Phương pháp xác định tuổi

Tác giả
(văn liệu)

Đới trượt Đak To Kan

KT13108

Gt-Sil-Bt gneis

Kan Nack

254±12

(1400)1

242±2

SHRIMP zircon

K-Ar biotit

Nam et al., 2001

Nam, 1998

VN105

Gneis

Kan Nack

248±6

SHRIMP zircon

Carter et al., 2001

VN107

Gneis

Kan Nack

243±5

SHRIMP zircon

Carter et al., 2001

VN108

Migmatit

Kan Nack

256±6

SHRIMP zircon

Carter et al., 2001

420T1A

Gt-Sil-Opx gneis

Kan Nack

248±2

(480-500)2

CHIME monazit

Osanai et al., 2001

 

VN357

 

Charnockit

Sông Ba

14º15’45”; 108º30’17”

258±6

249±2

243±4

SHRIMP zircon

U-Pb zircon

Ar-Ar biotit

Carter et al., 2001

Nagy et al., 2001

Nagy et al., 2001

VN343

Charnockit

12º46’47”; 108º40’50”

253±2

U-Pb zircon

Nagy et al., 2001

KT289

Charnockit

14º15’07”; 108º30’02”

260±16

SHRIMP zircon

Nghiên cứu này

GOCH

Eclogit

Ngọc Linh

240±2

Sm-Nd

Nakano et al., 2003

GOB

Gt-Opx-bt gneis

Ngọc Linh

247±1

Sm-Nd

Nakano et al., 2003

Đới trượt Đà Nẵng - Đại Lộc

VN610

Gneis

Đại Lộc

418±8

SHRIMP zircon

Carter et al., 2001

VN13

Gneis

Đại Lộc

407±11

SHRIMP zircon

Carter et al., 2001

 

Orthogneis

Đại Lộc

246±1

Ar-Ar biotit

Lepvrier et al., 1997

DL01

Orthogneis

Đại Lộc

245±5

K-Ar biotit

Nam, 1998

DL02

Pegmatit

Đại Lộc

258±5

K-Ar muscovit

Nam, 1998

Nằm ngoài đới Đak To Kan

VN385

Gneis

Tây Kon Tum

444±17

SHRIMP zircon

Carter et al., 2001

VN386

Granođiorit

14º36’49”; 107º51’31”

451±3

U-Pb zircon

Nagy et al., 2001

VN387

Hb-Bt gneis

 

380±6

Ar-Ar biotit

Nagy et al., 2001

VN388

Bt-amphibolit

14º39’06”; 107º47’20”

424±10

Ar-Ar biotit

Nagy et al., 2001

KT318

Hb-Bt gneis

14º46’05”; 108º31’07”

(Sông Re)

436±10

(860;2540)1

SHRIMP zircon

Nam, 2004

GAPM

Gt amphibolit

Phú Mỹ

678±23

Sm-Nd

Osanai et al., 2003

(  )1: Tuổi nhân di sót kế thừa của zircon. (  )2: Tuổi CHIME của một số ít monazit.

Sơ đồ vị trí mẫu xem [10]


III. NHẬN XÉT VÀ KẾT LUẬN

1. Các pha nhiệt kiến sinh ở địa khối Kon Tum

Từ Bảng 1 có thể thấy rằng, các mẫu granulit nhiệt độ siêu cao (thuộc loạt Kan Nack) và các mẫu charnockit đi kèm ở vùng Kan Nack có cùng tuổi với các mẫu granulit mafic nằm trong loạt Ngọc Linh ở vùng Đak To Kan (Đắc Tô), xác định tuổi cho pha biến chất nhiệt độ siêu cao xảy ra trong thời gian Permi-Trias, nằm trong khoảng 245-260 tr.n. Áp dụng các mô hình nhiệt độ đóng cho các hệ đồng vị U-Pb trong zircon tự nhiên Tđ = 900-1000ºC, U-Pb trong monazit Tđ = 700ºC, là các mô hình được đa số các nhà địa chất thừa nhận, có thể xây dựng được lịch sử biến chất - trồi lộ (đường cong áp suất - nhiệt độ - thời gian: P-T-t) cho các thành tạo granulit nhiệt độ siêu cao như trên Hình 2. Theo đường cong P-T-t trên Hình 2 thì các granulit nhiệt độ siêu cao ở địa khối Kon Tum có thể đạt đỉnh biến chất (T = 1000-1050ºC; M1) vào khoảng thời gian 260 tr.n trước (tuổi SHRIMP U-Pb của các mẫu charnockit đi kèm granulit Kan Nack), theo sau là quá trình biến chất lùi giảm áp gần như đẳng nhiệt trong khoảng từ 260 tr.n đến 250 tr.n (tuổi CHIME U-Pb monazit). Các thành tạo biến chất này sẽ giảm nhiệt đến nhiệt độ khoảng 350ºC ở thời gian 242-243 tr.n trước, được xác định bằng tuổi K-Ar và Ar-Ar của các khoáng vật biotit đi kèm. Như vậy có thể kết luận rằng quá trình biến chất nhiệt độ siêu cao ở địa khối Kon Tum và theo sau nó là quá trình biến chất lùi (ở tướng granulit bình thường và tướng amphibolit) đã xảy ra trong khoảng thời gian 245-260 tr.n trước.

Các zircon trong horblenđ-biotit gneis (orthogneis) của phức hệ Đại Lộc cho tuổi SHRIMP U-Pb trong khoảng 407-418 tr.n, trong khi muscovit và biotit của phức hệ cho tuổi K-Ar và Ar-Ar trẻ hơn, khoảng 245-258 tr.n. Tuổi SHRIMP U-Pb zircon này xác định tuổi kết tinh magma cho phức hệ là Silur, phù hợp với kết luận tuổi phức hệ “trước Đevon” của các quan niệm trước đây [2]. Các giá trị tuổi 245-258 tr.n của các khoáng vật muscovit và biotit định tuổi của pha biến chất - biến dạng liên quan với hoạt động trượt bằng của đới trượt Đà Nẵng - An Điềm trong thời gian “Inđosini”. Tương tự, các mẫu orthogneis phức hệ Sông Re có các tinh thể zircon có tuổi U-Pb là 436-451 tr.n, xác định tuổi kết tinh magma của phức hệ. Như vậy, các kết quả này xác nhận có mặt một pha magma - kiến tạo tích cực hoạt động ở địa khối Kon Tum trong thời gian Orđovic-Silur (410-450 tr.n) tương ứng với “chu kỳ Caleđoni”. Tuy nhiên hiện vẫn còn chưa rõ bản chất bối cảnh địa động lực của pha magma - kiến tạo này, bởi vì trên cơ sở nghiên cứu địa hoá đồng vị nguyên tố các phức hệ, Nagy et al (2001) [4] cho rằng các magma này gần gũi với magma cung núi lửa (bối cảnh địa động lực đới hút chìm), trong khi Lan et al (2003) [3] lại cho chúng liên quan với magma của đới tách giãn rift.

Các giá trị tuổi cổ hơn trong Bảng 1 bao gồm 480-500, 670, 860 và 1400 tr.n có thể là dấu vết của các pha nhiệt - kiến tạo “tiền Caleđoni”, cho thấy các phức hệ kết tinh ở địa khối Kon Tum đã trải qua quá trình biến chất đa pha phức tạp, tuy nhiên cần có nhiều nghiên cứu chuyên đề tiếp theo trước khi đi đến các kết luận tin cậy về đặc điểm của các pha nhiệt - kiến tạo này.

2. Ranh giới va chạm lục địa với biến chất siêu cao ở địa khối Kon Tum?

Các granulit nhiệt độ siêu cao loạt Kan Nack và các granulit mafic (eclogit) nhiệt độ siêu cao trong loạt Ngọc Linh lộ thành một đới có phương TB-ĐN ở vùng Đak To Kan. Các thành tạo này bị biến chất ở điều kiện nhiệt độ siêu cao đặc trưng bằng một quá trình giảm áp đẳng nhiệt, theo sau là quá trình giảm nhiệt gần như đẳng áp xảy ra trong thời gian Permi-Trias (Hình 2). Các mẫu orthogneis phía nam vùng Đak To Kan (tây thị xã Kon Tum) và xa về phía bắc (phức hệ Sông Re, tây Quảng Ngãi) đều có zircon định tuổi U-Pb đạt giá trị 436-451 tr.n và tuổi Ar-Ar biotit là 339-424 tr.n (Bảng 1). Do nhiệt độ đóng của hệ đồng vị K-Ar trong biotit chỉ nằm trong khoảng 325±25ºC nên các dẫn liệu trong Bảng 1 chứng tỏ các mẫu orthogneis đang xét không chịu ảnh hưởng của các hoạt động nhiệt - kiến sinh nhiệt độ cao trong khoảng 424-339 tr.n cuối cùng. Như vậy hoạt động biến chất siêu cao tuổi 245-260 tr.n (Permi-Trias) ở địa khối Kon Tum chỉ hạn chế trong một đới, chúng tôi tạm gọi là đới Đak To Kan, có phương chính gần TB-ĐN, xác định dựa trên cơ sở phương của các cấu tạo gneis-mylonit vùng Đak To Kan (Kon Đào - đèo Mang Rơi), cũng là phương nối giữa hai vùng xuất lộ các thành tạo biến chất siêu cao mô tả ở các phần trên. Các đặc điểm hình thái (chiều dài, chiều rộng), động học biến dạng của đới đang là những chủ đề mở, chờ đợi các nghiên cứu trong tương lai.

Các thành tạo biến chất nhiệt độ siêu cao và áp suất siêu cao đã được phát hiện và mô tả nhiều nơi ở châu Á, phân bố dọc theo ranh giới giữa hai khối lục địa Nam và Bắc Trung Hoa, bao gồm các đới Quinling - Dabie ở Trung Quốc, Gyeonggi ở bán đảo Triều Tiên, Higo ở Nhật Bản. Tuổi biến chất siêu cao của các địa khu vừa kể được xác định bằng nhiều phương pháp cho kết quả nằm trong khoảng 240-260 tr.n và chúng được coi là sản phẩm của quá trình va chạm lục địa trong thời gian Permi-Trias để thành tạo siêu lục địa Pangea. Đặc điểm biến chất kiểu va chạm lục địa ở các đới vừa nêu đều được đặc trưng bằng quá trình giảm áp đẳng nhiệt trên giản đồ P-T. Các đá biến chất nhiệt độ siêu cao ở địa khối Kon Tum có đặc điểm tương đồng với các thành tạo biến chất dọc ranh giới va chạm lục địa của lục địa Nam Trung Hoa kể trên, cả về tướng biến chất, đường cong P-T, và thời gian biến chất, cho thấy có một mối quan hệ gần gũi, liên quan giữa các địa khu biến chất siêu cao này.

Từ những nhận xét trên đây có thể giả định rằng địa khối Kon Tum là nơi có ranh giới va chạm lục địa xảy ra trong thời gian Permi-Trias giữa địa khu Đông Dương và lục địa Nam Trung Hoa. Tuy nhiên, nếu coi các thành tạo biến chất áp suất siêu cao - nhiệt độ siêu cao là dấu hiệu trực tiếp của ranh giới va chạm lục địa Nam Trung Hoa như ở đới Dabie (Trung Quốc) thì cần tìm kiếm yếu tố “áp suất siêu cao” cho các tổ hợp biến chất nhiệt độ siêu cao ở địa khối Kon Tum để giả định về ranh giới va chạm lục địa ở Kon Tum gần hơn với thực tế. Vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi có được một kết luận chắc chắn, nhưng giả định này mở ra một hướng mới trong việc xem xét lịch sử tiến hoá kiến tạo cho khu vực.

Công trình này được hoàn thành trong khuôn khổ của đề tài Khoa học NCCB mã số 710402 của Hội đồng Khoa học tự nhiên.

VĂN LIỆU

1. Carter, A., Roques, D., Bristow, C. and Kinny, P., 2001. Understanding Mesozoic accretion in Southeast Asia: significance of Triassic thermotectonism (Indosinian orogeny) in Vietnam. Geology, 29 : 211-214.

2. Đào Đình Thục, Huỳnh Trung (Chủ biên), 1995. Địa chất Việt Nam. Tập II. Các thành tạo magma. Cục Địa chất Việt Nam, Hà Nội.

3. Lan C-Y., Chung S-L., Long T.V., Lo C-H., Lee T-Y., Mertzman S.A. and Shen J., 2003. Geochemical and Sr-Nd isotopic constraints from the Kontum massif, Central Vietnam on the crustal evolution of the Indochina block. Precam. Res., 122 : 7-27.

4. Nagy E.A., Maluski H., Lepvrier C., Schärer U., Phan Trường Thị, Leloup A. and  Vũ Văn Tích, 2001. Geodynamic significance of the Kontum Massif in Central Vietnam: Composite 40Ar/39Ar and U-Pb ages from Paleozoic to Triassic. J. Geol., 109 : 755-770.

5. Nakano N., Osanai Y., Owada M., Tran Ngoc Nam, Suzuki S. and Kagami H., 2003. Metamorphic evolution of high-pressure and ultrahigh-temperature mafic granulite from the Kontum Massif, Central Vietnam. Earth Monthly, 25 : 236-243 (tiếng Nhật).

6. Nakano N., Osanai Y., Owada M., Tran Ngoc Nam, Tsunogae T., Toyoshima T. and Pham Binh, 2004. Decompression process of mafic granulite from eclogite to granulite facies under ultrahigh- temperature condition in the Kontum Massif, Central Vietnam. J. Mineral. Petrol. Sci., 99 (in press).

7. Osanai Y., Owada M., Tsunogae T., Toyoshima T., Hokada T., Trinh Van Long, Sajeev K. and Nakano N., 2001. Ultrahigh-temperature pelitic granulites from Kontum Massif, Central Vietnam: Evidence for East Asian juxtaposition at ca. 250 Ma. Gondwana Res., 4 : 720-723.

8. Osanai Y., Nakano N., Owada M., Tran Ngoc Nam, Toyoshima T., Tsunogae T. and Kagami H., 2003. Metamorphic and tectonic evolution of Kontum Massif, Vietnam. Earth monthly, 25 : 244-251 (tiếng Nhật).

9. Osanai Y., Nakano N., Owada M., Tran Ngoc Nam, Toyoshima T., Tsunogae T. and Pham Binh, 2004. Permo-Triassic ultrahigh-temperature metamorphism in the Kontum Massif, Central Vietnam. J. Mineral. Petrol. Sci., 99 (in press).

10. Tran Ngoc Nam, 1998. Thermotectonic events from early Proterozoic to Miocene in the Indochina craton: implication of K-Ar ages in Vietnam. J. Asian Earth Sci., 16 : 475-484.

11. Tran Ngoc Nam, Sano Y., Terada K., Toriumi M., Phan Van Quynh and Le Tien Dung, 2001. First SHRIMP U-Pb zircon dating of granulites from the Kontum Massif (Vietnam) and tectonothermal implications. J. Asian Earth Sci., 19 : 77-84.

12. Trần Ngọc Nam, Osanai Y., Owada M., Nakano N., Hoàng Hoa Thám, 2003. Một số đặc điểm thạch học và lịch sử biến chất của các granulit nhiệt độ siêu cao ở địa khối Kon Tum. TC Địa chất, A/279 : 1-7. Nội.

13. Trần Ngọc Nam, 2004. Tuổi đồng vị U-Pb của zircon 436 triệu năm trong phức hệ Sông Re ở địa khối Kon Tum và ý nghĩa của nó. TC Địa chất, A/ 281 : 18-23. Nội.

14. Khúc, Bùi Phú Mỹ (Chủ biên), 1989. Địa chất Việt Nam. Tập I. Địa tầng. Tổng cục Mỏ và Địa chất, Hà Nội.