TIN ĐỊA
CHẤT
KẾT QUẢ ĐÁNH GIÁ NGUỒN NƯỚC DƯỚI ĐẤT VÀ ĐIỀU TRA ĐỊA CHẤT CÔNG TRÌNH VÙNG
CHÂN MÂY - PHÚ LỘC, TỈNH THỪA THIÊN - HUẾ
Vùng Chân Mây - Phú Lộc được quy
hoạch phát triển cảng biển, khu dịch vụ - du lịch và công nghiệp, là một trong
số các khu vực quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Tháng 9/2004 Liên đoàn Địa chất thủy văn - Địa chất công trình miền Bắc đã
hoàn thành báo cáo "Đánh giá nguồn nước dưới đất và điều tra địa chất công trình
vùng Chân Mây - Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế" trên diện tích 400 km2,
thuộc diện tích hai huyện Phú Lộc và Phú Vang, do KS Nguyễn Trường
Đỉu làm chủ nhiệm đề án. Kết quả điều tra đã phân chia và khoanh định diện phân
bố của ba tầng chứa nước lỗ hổng, hai tầng chứa nước khe nứt và các thành tạo
nghèo nước hoặc không chứa nước, trong đó:
+ Tầng chứa nước lỗ hổng Neogen (n) phân bố ở vùng đầm Cầu Hai và bắc vùng
Cầu Hai thuộc phần nam huyện Phú Vang, bắc huyện Phú Lộc, phân bố ở độ sâu dưới
142 m, có bề dày đến 47 m, mực nước tĩnh 5,07 m, thuộc loại giàu nước; hiện đã
có hai lỗ khoan gặp tầng chứa nước, lưu lượng trung bình 22 l/s, có thể thăm dò khai thác quy mô lớn.
+ Tầng chứa nước lỗ hổng Pleistocen (qp) phân bố dưới trầm tích Holocen, có
bề dày thay đổi trong khoảng rộng từ 10 đến 80 m, có lưu lượng khác nhau ở các
khu vực khác nhau, có mực nước tĩnh áp lực từ + 0,5 đến -4,5 m so với bề mặt địa
hình hiện đại. Tại bắc đầm Cầu Hai, trên diện tích hơn 100 km2, lưu
lượng nước đạt 15-28,5 l/s, có thể khai thác khoảng 80.000 m3/ngày.
Tại vùng Cầu Hai và ga Truồi, tầng chứa nước có bề dày 14-18 m, có thể khai thác
nước dưới đất với công suất 1000 m3/ngày. Trong khi đó, tại cảng Chân
Mây, tầng chứa nước bị nhiễm mặn.
+ Tầng chứa nước Holocen phân bố trong năm khu vực rời rạc, trên tổng diện
tích 210-220 km2, có bề dày đến 20-30 m. Tại bắc đầm Cầu Hai có thể
khai thác với công suất 3000 m3/ngày, còn ở khu vực cảng Chân Mây -
2000 m3/ngày (đến độ sâu 30 m).
+ Các tầng chứa nước khe nứt Đevon và
Orđovic - Silur phân bố trong diện hẹp dọc các đới đứt gãy có bề dày đới phong
hóa lớn, có khả năng chứa nước hạn chế, chỉ có thể cung cấp nước ở quy mô nhỏ.
Trên diện tích 400 km2 đã lập bản đồ địa chất công trình tỉ lệ
1:50.000, cung cấp các thông tin khái quát về diện phân bố các phức hệ đất đá có
tính chất cơ lý khác nhau và phân vùng địa chất công trình.
Các kết quả điều tra của đề án đã tạo được hệ thống
thông tin về tài nguyên nước dưới đất và đặc điểm địa chất công trình, góp phần
quy hoạch hợp lý phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng các công trình lớn trong
vùng và quản lý đô thị sau này.