MỘT SỐ KIỂU CẤU TRÚC CHỨA QUẶNG THIẾC

VÀ WOLFRAM VÙNG ĐẠI TỪ - TAM ĐẢO

VŨ XUÂN ĐỘ

Trường Đại học Khoa  học  tự  nhiên, ĐHQGHN, Nguyễn Trãi, Hà Nội

Tóm tắt: Hầu hết các thân quặng thiếc và wolfram trong các trường quặng ở vùng Đại Từ - Tam Đảo đều là những mạch và thấu kính có hình dạng và kích thước khác nhau. Chúng là những thành tạo nhiệt dịch lấp đầy các khe nứt tách có nguồn gốc kiến tạo và magma. Trong nhóm thứ nhất có hệ thống các khe nứt kiểu lông chim đi kèm những đứt gẫy chính của các trường quặng Núi Pháo, Khuôn Phầy - Ngòi Lẹm, La Bằng và những khe nứt bậc thang trong đới siết ép của khối kiến tạo hình nêm Sơn Dương. Trong nhóm thứ hai có các mạch quặng trong đới nội tiếp xúc bị greisen hóa của khối granit hai mica Thiện Kế. Những cấu trúc chứa quặng nói trên chắc chắn hình thành muộn hơn các phức hệ đá magma phun trào cũng như xâm nhập và trầm tích bao quanh  chúng.


Khoáng hóa thiếc và wolfram ở vùng Đại Từ - Tam Đảo đã được biết đến từ những năm 60 của thế kỷ 20 và sau đó đã được các đoàn địa chất điều tra, tìm kiếm, thăm dò trên một số mỏ, điểm quặng. Tuy nhiên, phần lớn các công trình nghiên cứu mới tập trung vào thành phần vật chất và quan hệ giữa quặng hóa với hoạt động magma. Tới nay, gần như tất cả các sa khoáng trong vùng đã được khai thác hết, song triển vọng của các mỏ quặng gốc vẫn là vấn đề bỏ ngỏ, mặc dù công tác thăm dò đã được tiến hành ở một số vùng như Núi Pháo, Khuôn Phầy, Thiện Kế v.v. Một trong những nguyên nhân của vấn đề này là việc nghiên cứu cấu trúc các trường quặng lâu nay chưa được quan tâm đúng mức, chỉ mới ở những nét khái lược, tản mạn trong một vài công bố [16, 17], chưa đủ làm cơ sở cho việc đánh giá đầy đủ tiềm năng khoáng hóa của vùng, nhất là ở dưới sâu.

Cấu trúc trường quặng là một tổ hợp tự nhiên các yếu tố cấu trúc địa chất có vai trò quyết định điều kiện hình thành và quy mô phát triển của trường quặng (cấu trúc khống chế quặng), cũng như hình dạng, kích thước và vị trí các thân quặng trong phạm vi trường quặng (cấu trúc chứa quặng). Các yếu tố cấu trúc trong một trường quặng có thể hình thành trước, đồng thời hoặc sau các quá trình tạo quặng, là kết quả cuối cùng của tất cả những quá trình địa chất đã diễn ra trong vùng có quặng. Để có thể làm rõ được cấu trúc của một trường quặng, việc nghiên cứu phải được tiến hành thường xuyên, liên tục từ khi mới phát hiện ra mỏ và kết thúc khi khai thác hết quặng. Khi đó, chúng ta có thể xây dựng được một mô hình cấu trúc hoàn chỉnh, làm cơ sở cho việc đối sánh tương đồng khi tìm kiếm và nghiên cứu những đối tượng mới.

Theo kết quả điều tra địa chất, khoáng sản quặng thiếc và wolfram phát triển khá rộng rãi trong vùng Đại Từ - Tam Đảo và chịu sự khống chế của những đứt gẫy lớn như: đường 13A, Sông Đáy, Sông Công, Quán Chu - Văn Lãng v.v. [6, 8]. Các đứt gẫy này phân chia các khối cấu trúc (hay các phức hệ thạch cấu tạo) có tuổi khác nhau, tạo thành một nút quặng trong vùng [2, 8]. Trong các trường quặng chủ yếu như Núi Pháo, Khuôn Phầy - Ngòi Lẹm, La Bằng, Sơn Dương và Thiện Kế các thân quặng đều nằm trong những khe nứt tách với những đặc điểm chung là: bề dầy các thân quặng luôn biến đổi; các thân mạch kéo dài nhưng không liên tục; hình thái các mạch quặng khá phức tạp, thường phân nhánh v.v. Trên cơ sở tổng hợp tài liệu của các đồng nghiệp và những nghiên cứu của mình trong nhiều năm qua, trong các trường quặng nói trên chúng tôi có thể phân biệt theo nguyên tắc nguồn gốc - hình thái [8, 15, 17] các kiểu cấu trúc chứa quặng sau: 1) trong hệ thống các khe nứt kiểu lông chim; 2) trong các khe nứt ở đới siết ép của khối kiến tạo hình nêm; 3) trong những khe nứt ở phần rìa khối xâm nhập sinh quặng.

I. MẠCH QUẶNG TRONG HỆ THỐNG CÁC KHE NỨT KIỂU LÔNG CHIM

Các khe nứt kiểu lông chim thường phát triển ở hai bên cánh của đứt gẫy lớn, nằm xiên và tạo với đường đứt gẫy một góc nhọn. Chúng hình thành do các trường ứng suất cục bộ xuất hiện khi hai cánh bị chuyển dịch theo mặt trượt của đứt gẫy. Bởi vậy giữa thế nằm của các khe nứt này với phương chuyển dịch của đứt gẫy chính luôn có những mối liên quan nhất định [8, 15, 17]. Thuộc kiểu cấu trúc này có những thân mạch trong các trường quặng Núi Pháo, Khuôn Phầy - Ngòi Lẹm và La Bằng.

Trường quặng Núi Pháo trải dài theo phương vĩ tuyến trên cánh phía nam của đứt gẫy lớn QL.13A, phân chia khối phức nếp lồi Phú Ngữ ở phía bắc và trũng An Châu ở phía nam. Toàn bộ diện tích trường quặng là các đá granit biotit hạt vừa và nhỏ, granit granophyr biotit và microgranit thuộc phức hệ Núi Điệng có tuổi Trias muộn [6, 10]. Ở phía tây, đá xâm nhập tiếp giáp với các thành tạo lục nguyên của loạt Sông Cầu (D1 sc) thông qua đứt gẫy Sông Công có phương TB-ĐN. Tiếp xúc với đá granit ở phía đông và phía nam là các thành tạo lục nguyên tuổi Trias giữa thuộc hệ tầng Nà Khuất (T2 nk) và các trầm tích chứa than của hệ tầng Văn Lãng (T3n-r vl).

Theo tài liệu của Đoàn Địa chất 110 thì ở phía tây núi Pháo đã phát hiện hàng loạt các mạch thạch anh - sulfur chứa cassiterit (Hình 1a) được khống chế bằng hệ thống những công trình thăm dò trên mặt (hào, giếng và một số lỗ khoan nông). Chúng phát triển song song nhau theo phương ĐB-TN trong khối xâm nhập granit, tập trung thành những đới mạch kéo dài 500-600 m, rộng hàng trăm mét và cách nhau 100-300 m. Hầu hết các mạch quặng đều nghiêng về phía ĐN với góc dốc trung bình là 60-65o. Đường phương của chúng tạo với đứt gẫy QL.13A một góc 60-70o.

Hình dạng, kích thước và cấu tạo bên trong các thân quặng biến đổi khá phức tạp. Chiều dài theo đường phương của các mạch thay đổi trong khoảng 60-70 m đến 400-500 m, trong khi đó bề dầy cũng biến đổi từ 5-20 cm đến 1,5 m, cá biệt có khi tới 5,7-6 m [theo Đoàn Quang Trung và nnk, 1985, Lưu trữ ĐC]. Nhìn chung, các thân mạch kéo dài không liên tục theo đường phương (và có thể cả theo hướng cắm), thường phình ra, tóp lại, có khi gần như biến mất rồi lại xuất hiện, tạo thành chuỗi các thân dạng thấu kính nối đuôi nhau. Mặt khác, mặt tiếp xúc của các thân quặng với đá granit vây quanh thường gồ ghề, lởm chởm, những biến đổi nhiệt dịch của đá gần quặng hầu như không rõ ràng. Không hiếm khi gặp những mạch phân nhánh, bao gồm những mạch nhỏ tách ra từ một mạch lớn, rồi hợp lại tạo thành một mạch khác ở bên cạnh. Đáng lưu ý là các mạch quặng nói trên chỉ phát triển tập trung trong phạm vi khối xâm nhập Núi Pháo, mà hầu như không gặp trong các tầng trầm tích bao quanh (Hình 1a).

Trường quặng Khuôn Phầy - Ngòi Lẹm nằm dọc theo cánh phía nam của đứt gẫy lớn cùng tên, phân chia khối kiến tạo hình nêm Sơn Dương ở phía bắc và các thành tạo phun trào Tam Đảo ở phía nam. Ranh giới phía đông và phía tây tương ứng với hai đứt gẫy lớn Quán Chu - Văn Lãng và Sông Đáy đều có phương TB-ĐN. Về phía nam có thể giới hạn bằng đứt gẫy bậc hai Ngòi Chỏ có phương ĐB-TN. Trên toàn bộ diện tích của trường quặng lộ ra các thành tạo ryolit porphyr thuộc hệ tầng Tam Đảo (T2 ) bị granit của phức hệ Núi Điệng xuyên qua ở phần đông và đông bắc (Hình 1b). Kết quả nghiên cứu trong những năm qua của Đoàn Địa chất 109 và của các nhà địa chất của Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho thấy các mạch thạch anh - tourmalin - sulfur - cassiterit ở đây phát triển khá tập trung trong các vùng đông, trung tâm, tây Khuôn Phầy và Ngòi Lẹm.

Trong các khu đông và trung tâm Khuôn Phầy có hàng loạt các mạch quặng kích thước khác nhau chạy song song theo phương ĐB-TN và phát triển chủ yếu trong đá granit biotit. Các mạch lớn với bề dầy thay đổi từ 0,1-0,2 m đến 1,5-2 m, kéo dài không liên tục tới 300-400 m và cách nhau 20-100 m. Nằm giữa chúng thường có những mạch nhỏ cùng phương, cách nhau trung bình 5-7 m và nhiều khi nối đuôi nhau thành chuỗi kéo dài theo đường phương. Hầu hết các mạch đều dốc về phía ĐN với góc nghiêng trung bình là 65-70o.

  khu tây Khuôn Phầy có 5 thân mạch phân bố song song theo phương ĐB-TN, kéo dài 120-400 m, nằm cả trong đá xâm nhập granit và đá phun trào ryolit. Bề dầy các mạch thay đổi 0,05-1,2 m. Khoảng cách giữa chúng là 20-70 m. Hướng nghiêng chung là ĐN với góc dốc trung bình 65-75o. Phần lớn các mạch không liên tục, hợp thành bởi chuỗi những thân hình thấu kính dầy mỏng khác nhau nối đuôi nhau theo đường phương, nhiều khi phân nhánh khá phức tạp.

Tại khu Ngòi Lẹm phát hiện được hai thân quặng kéo dài theo phương ĐB-TN tới 450-1200 m  nằm trong đá phun trào ryolit [Đoàn Quang Trung và nnk, đã dẫn]. Các mạch thường không liên tục, phình ra, tóp lại hoặc vát nhọn nhanh theo đường phương (và có lẽ cả theo hướng cắm) và nối đuôi nhau thành chuỗi. Ngoài hai mạch lớn ra, ở đây còn gặp một số các mạch nhỏ hơn chạy song song với chúng, có bề dầy không vượt quá 0,4-0,6 m và dài khoảng vài chục mét. Tất cả các mạch đều dốc nghiêng 60-75o về phía ĐN (Hình 1b).

Nhìn chung các thân mạch trong trường quặng Khuôn Phầy - Ngòi Lẹm, dù lớn hay nhỏ, đều có cấu tạo phức tạp, có bề dầy luôn biến đổi, có mặt tiếp xúc với đá vây quanh lồi lõm và thường hay phân nhánh. Tuy nhiên, thế nằm của các mạch khá ổn định và đường phương của chúng tạo với đứt gẫy Khuôn Phầy - Ngòi Lẹm một góc thay đổi 20-50o. Với những đặc điểm chủ yếu mô tả ở trên có thể nhận thấy các mạch quặng đã lấp đầy hệ thống những khe nứt xuất hiện do vận động dịch chuyển theo đứt gẫy gây ra. Chúng là những khe nứt kiểu lông chim đi kèm theo đứt gẫy chính [8, 15, 17].

Trường quặng La Bằng nằm cách Khuôn Phầy khoảng 13 km về phía ĐN, ở cánh phía tây của đứt gẫy Quán Chu - Văn Lãng, ngăn cách phức hệ núi lửa Tam Đảo với hệ tầng lục nguyên Sông Cầu ở phía đông. Tại đây ryolit bị granit của phức hệ Núi Điệng xuyên qua và tất cả chúng lại bị chia cắt bởi loạt các đứt gẫy cấp II có phương ĐB-TN và TB-ĐN đan chéo nhau. Bản thân trường quặng đang xét được giới hạn bởi những đứt gẫy như vậy.

Theo tài liệu của Đoàn Địa chất 109 và Báo cáo lập Bản đồ địa chất - khoáng sản nhóm tờ Thiện Kế - Đại Từ thì ở đây có 5 thân mạch thạch anh - tourmalin - sulfur - cassiterit dầy 0,2-1,5 m, kéo dài theo phương ĐB-TN tới 250-1000 m, nằm trong đá granit Núi Điệng (Hình 1c). Bên cạnh các mạch lớn còn có hàng loạt những mạch nhỏ nằm song song và nối đuôi nhau. Cũng giống như trong các trường quặng nói trên, ở đây các thân quặng đều có cấu tạo phức tạp, thường xuyên thay đổi bề dầy và kéo dài không liên tục theo đường phương. Hầu hết chúng đều nghiêng về phía TB với góc dốc 60-80o, thỉnh thoảng gặp một vài mạch nhỏ có hướng cắm ngược lại.

II. MẠCH QUẶNG TRONG ĐỚI SIẾT ÉP CỦA KHỐI KIẾN TẠO HÌNH NÊM

Hai đứt gẫy QL.3A (phương á vĩ tuyến) và Sông Đáy (phương TB-ĐN) có xu hướng chụm lại với nhau, tạo ra một khối kiến tạo hẹp và vát nhọn về phía TB. Đó là một khối kiến tạo hình nêm khá điển hình và có nhiều tiềm năng tạo quặng nội sinh [1, 8].

Trường quặng Sơn Dương nằm kẹp giữa hai đứt gẫy nói trên và bao gồm hàng loạt các điểm quặng đã được phát hiện từ Bắc Lũng, Kỳ Lâm đến Ngọn Đồng, Suối Gọn v.v., trong các tập đá phiến sét, đá phiến sét-thạch anh-sericit và cát kết xen kẽ nhau thuộc hệ tầng Đạo Viện có tuổi S-D (theo các báo cáo điều tra địa chất). Nhìn chung, các lớp đều dốc về phía B-ĐB, tạo thành một cấu trúc đơn nghiêng 30-45o bị chia cắt bởi một loạt các đứt gẫy bậc hai. Vận động dịch chuyển theo các đứt gẫy đã tạo ra những đới xiết ép, trong đó đáng chú ý nhất là đới chứa quặng có phương á vĩ tuyến nằm ở phần trung tâm trường quặng (Hình 1d). Đới này được giới hạn bằng hai đứt gẫy chạy gần như song song nhau, ở phía bắc là đứt gẫy chạy qua Kỳ Lâm, Ngọn Đồng đến Cầu Trầm, còn ở phía nam là đứt gẫy chạy qua đỉnh núi Sồi. Trên nền chung của cấu trúc đơn nghiêng, trong đới này các lớp đá bị dồn ép thành một cặp nếp lồi và lõm cấp hai có trục kéo dài theo phương TB-ĐN, có các cánh khá dốc (50-75o) và có biên độ ngang 600-800 m. Không những thế, chúng còn bị chia cắt bởi nhiều đứt gẫy chạy gần như song song với đường trục của chúng.

Công tác tìm kiếm chi tiết do Đoàn Địa chất 109 tiến hành trong nhiều năm qua đã phát hiện hàng loạt các thân quặng thạch anh - sulfur - cassiterit được khống chế bằng hệ thống các công trình thăm dò trên mặt. Tại mỗi điểm quặng nói trên, các thân quặng dạng mạch nằm kế tiếp nối đuôi hoặc so le nhau, tạo thành những đới dài có khi tới 1500 m và rộng 300-500 m. Mỗi mạch có bề dầy thay đổi từ 0,1-0,2 m đến 1,5 m, có dạng thấu kính dài từ vài chục đến 150-200 m. Hầu hết chúng đều rất dốc (70-80o), nghiêng về phía ĐB, xuyên cắt các tầng đá vây quanh cả theo đường phương và hướng cắm. Đặc điểm hình thái và sự sắp xếp so le theo kiểu bậc thang của các thân mạch trong trường quặng đang xét là rất đặc trưng cho hệ thống các khe nứt tách xuất hiện trong những đới xiết ép [1, 2, 12, 13, 14].

III. MẠCH QUẶNG TRONG PHẦN RÌA KHỐI XÂM NHẬP

Cũng giống như những kiểu cấu trúc nói trên, các mạch quặng trong trường hợp này đều có dạng thấu kính và nằm trong những khe nứt. Tuy nhiên, nếu các khe nứt kiểu lông chim và các đới xiết ép xuất hiện do kết quả vận động dịch trượt theo các đứt gẫy, thì ở đây vai trò kiến tạo lại khá lu mờ, nhường chỗ cho các yếu tố magma. Những thân mạch kiểu này thường gặp trong các trường quặng có liên quan nguồn gốc trực tiếp với các khối xâm nhập granit [1, 8, 15], chẳng hạn như trường quặng Pia Oắc mà chúng tôi đã có dịp giới thiệu [16]. Với mức độ tài liệu nghiên cứu hiện nay, có thể xem những mạch quặng W-Sn trong khu Thiện Kế thuộc về kiểu cấu trúc đang xét.

Trường quặng Thiện Kế nằm ở rìa phía tây phức hệ cấu trúc núi lửa Tam Đảo, nơi có khối xâm nhập granit hai mica xuyên lên theo đứt gẫy Sông Đáy. Trên bề mặt, đá granit lộ ra dưới dạng một hình ovan rộng 1,5-2 km và kéo dài gần 10 km theo phương TB-ĐN. Vây quanh chúng là các đá phun trào ryolit của hệ tầng Tam Đảo. Theo các báo cáo điều tra địa chất thì granit muscovit và granit hai mica ở đây thuộc phức hệ granit Pia Oắc chứa Sn và W có tuổi Creta muộn. Phần rìa của khối xâm nhập bị greisen rất mạnh làm cho ranh giới giữa nó với đá vây quanh không rõ ràng. Đới greisen quan sát trên bề mặt có chỗ rộng tới 100-200 m, phát triển chủ yếu trong đá granit và một phần trong đá phun trào. Quá trình phát triển greisen hóa mạnh mẽ đã làm cho bề mặt tiếp xúc của khối xâm nhập trở nên lồi lõm. Có lẽ ở dưới sâu mặt mái của khối còn mở rộng hơn nhiều với không ít những vòm nhô và hố lõm.

Hệ thống các công trình tìm kiếm chi tiết và thăm dò trên mặt của Đoàn 109 đã phát hiện ra hàng loạt các mạch thạch anh chứa wolframit và cassiterit ở phần phía bắc khối xâm nhập (Hình 1e). Chúng phát triển tập trung trong đới greisen ở phần rìa ngoài của khối xâm nhập sinh quặng, mà hầu như không gặp trong các đá ryolit vây quanh hoặc đá granit chưa bị biến đổi. Các thân mạch thường không lớn, dầy từ 0,05-0,15 đến 1,2 m và dài hiếm khi vượt quá 100 m. Hầu hết chúng có dạng thấu kính cấu tạo khá phức tạp, có khi phân nhánh, dốc về trung tâm khối đá mẹ hoặc ngược lại với góc 40-50o. Trong đới greisen chứa quặng, các mạch khi thì nằm song song nhau, khi thì so le chéo cánh gà hoặc nối đuôi nhau, song nhìn chung đều uốn lượn phù hợp với ranh giới của khối xâm nhập.

Với mức độ nghiên cứu như hiện nay, chưa thể có những ý kiến khẳng định về nguồn gốc của những khe nứt chứa quăng W-Sn quanh khối granit Thiện Kế. Tuy nhiên, cấu trúc hình thái cũng như vị trí sắp xếp trong không gian của chúng khác hẳn so với các kiểu cấu trúc giới thiệu trong những phần trên. Có lẽ đây là những khe nứt xuất hiện trong phần vỏ cứng của khối xâm nhập trong khi phần nhân của nó vẫn còn đang trong trạng thái nóng chảy. Quá trình kết rắn kèm theo co rút thể tích của khối nhân bên trong đã làm cho phần vỏ cứng bên ngoài bị tách vỡ, tạo ra những khe nứt nói trên. Có thể xem chúng là những khe nứt co rút thường gặp trong các khối magma xâm nhập granitoiđ chứa quặng [1, 8, 15].

Trên đây chúng tôi đã sơ bộ trình bày một số kiểu cấu trúc chứa quặng thiếc và wolfram gặp trong các trường quặng của vùng Đại Từ - Tam Đảo. Tuy rằng về mặt hình thái chúng đều giống nhau, vì cùng là những thân mạch lấp đầy các khe nứt, song về mặt nguồn gốc chúng cần được xếp vào những nhóm cấu trúc khác nhau. Hai kiểu đầu thuộc về nhóm các cấu trúc nguồn kiến tạo (tectogenic), còn kiểu cuối cùng là thuộc nhóm cấu trúc nguồn magma (magmatogenic) [15, 17]. Việc phân chia như vậy có thể còn nhiều khiếm khuyết do những hạn chế về mức độ tài liệu nghiên cứu, song có thể xem như định hướng ban đầu cho việc nghiên cứu cấu trúc các trường quặng trong vùng. Mặt khác, thông qua việc xem xét các cấu trúc chứa quặng có thể thấy rằng khoáng hóa Sn-W trong các trường quặng ở đây không thể có trước những thành tạo địa chất bao quanh chúng, đó là các phức hệ phun trào Tam Đảo, granit Núi Điệng và granit Pia Oắc.

VĂN LIỆU

1. Aristov V.V., Rokov A.V., 1996. Localnye prognozy i metodika poiskov mestorozhdenii tverdykh poleznykh iskopaemykh. MGU, Moskva.

2. Aydin A., Nur A., 1982. Evolution of pull-apart basins and their scale independence. Tectonics, 1.

3. Dương Đức Kiêm, 1970. Hoạt động kiến tạo khe nứt vùng Tam Đảo và vai trò tạo khoáng của chúng. Địa chất, 93-94 : 8-16. Nội.

4. Dương Đức Kiêm, 1973. Về tính chia đới khoáng hóa vùng Tam Đảo. TC Địa chất, 107 : 1-6. Nội.

5. Dương Đức Kiêm, Shachnovsky M.L., Lê Văn Thân, Nguyễn Thị Kim Hoàn, 1983. Sinh khoáng thiếc Việt Nam. TC Địa chất, 162 : 12-16. Nội.

6. Dương Đức Kiêm, Phạm Luyến, 1991. Geology of tin deposits in Việt Nam. Thông tin KHKTĐC, Viện TTTL ĐC,117 tr.

7.  Lê Văn Thân, 1982. Những thành hệ quặng thiếc ở Việt Nam. ĐC và KS, 1 : 117-131. Viện ĐC và KS, Hà Nội.

8. Metody izutcheniya geologitcheskikh strukturnoi rudnykh raionov, polei i mestorozhdenii, 1984. Nauka, Moskva.

9. Otcheterenkov I.A., Trochenko V.V., 1978. Stereografitcheskie proektsii v strukturnoi geologii. Nedra. Leningrad.

10. Phạm Đình Long (Chủ biên), 2001. Địa chất và khoáng tờ Tuyên Quang. Cục ĐCKS VN, Hà Nội, 91 tr.

11. Phạm Văn Mẫn, 1979. Các thành hệ quặng thiếc miền Bắc Việt Nam. ĐC và KS VN, 1 : 249-254, Liên đoàn BĐĐC, Hà Nội.

12. Sharp R.V., 1982. En echelon fault patterns of the San Jacinto Fault Zone. Geol. Soc. America Bull., 93. New York.

13. Tchalenko J.S., 1970. Similarities between shear zones of different magnitudes. Geol. Soc. America Bull., 82. New York.

14. Utkin V.A., 1996. Echelonoobraznye treshiny v rudnykh raionakh Primorya. Geotektonika, 5. Moskva.

15. Volfson F.I., Yakovlev P.D., 1984. Struktury rudnykh polei i mestorozhdenii. Nedra, Moskva.

16. Vũ Xuân Độ, 1994. Một số kiểu cấu trúc trường quặng ở Bắc Bộ. TC Các KH về TĐ, 16/1 : 152-156. Nội.

17. Vũ Xuân Độ, 2002. Kiến trúc trường quặng. Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG HN.