ĐẶC ĐIỂM CORINDON VÙNG QUỲ CHÂU VÀ MỐI LIÊN QUAN VỚI NGUỒN GỐC THÀNH TẠO

PHẠM VĂN LONG1, HOÀNG QUANG VINH2,
G. GIULIANI3, BÙI
ĐỨC TOÀN1

1. Tổng công ty Đá quý và Vàng Việt Nam,91 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội
2. Viện Địa chất, Trung tâm KHTN và CN QG, Hoàng Quốc Việt, Hà Nội
3IRD et CRPG/CNRS, BP20, 54501 Vandoeuvre, Pháp

Tóm tắt: Bài báo trình bày những kết quả nghiên cứu một số đặc điểm tinh thể khoáng vật học của corindon vùng mỏ Quỳ Châu. Các kết quả nghiên cứu cho thấy corindon trong vùng thường đặc trưng bởi sự chiếm ưu thế của Cr2O3 so với Fe2O3 và TiO2 và mối tương quan về hàm lượng giữa chúng là tương quan nghịch. Hình thái tinh thể corindon Quỳ Châu thường là hình ghép của các mặt song diện, mặt thoi và lăng trụ tạo nên các tinh thể có tính cân đối cao. Bằng phương pháp phổ Raman đã phát thiện được các bao thể gồm anatas, apatit, boemit, brookit, calcit, corindon, diaspor, dolomit, graphit, monazit, muscovit, phlogopit, pyrit, rutil, zircon, zoisit. Khi nghiên cứu thành phần các bao thể đa pha ta thấy các bao thể hai pha có hợp phần khí thường là CO2, H2S và bao thể lỏng đa pha chứa tổ hợp CO2-H2S-COS-S8-AlO(OH). Các kết quả trên cho phép luận giải về nguồn gốc biến chất và biến chất tiếp xúc trao đổi của corindon trong vùng.

MỞ ĐẦU

Nghiên cứu đặc điểm tinh thể khoáng vật có một ý nghĩa quan trọng trong việc luận giải điều kiện thành tạo và nguồn gốc mỏ. Các đặc điểm tinh thể khoáng vật học bao gồm đặc điểm hình thái các đơn tinh thể hoặc tập hợp các đơn tinh thể, cũng như các tính chất vật lý, hóa học, màu sắc, sự phân đới màu, các biến đổi về thành phần nguyên tố hoá học liên quan đến các tính chất vật lý, điều kiện môi trường thành tạo,... Kết quả nghiên cứu đặc điểm tinh thể khoáng vật sẽ góp phần cho việc khôi phục lại điều kiện môi trường thành tạo tinh thể cũng như tổ hợp khoáng vật đi kèm, định hướng cho công tác thăm dò và khai thác khoáng sản.

CÁC ĐẶC ĐIỂM CỦA CORINDON QUỲ CHÂU

1. Đặc điểm thành phần hoá học

Kết quả phân tích cho thấy các tạp chất chính trong corindon Quỳ Châu là các nguyên tố Cr, Fe, Ti và đó cũng là các nguyên tố tạo màu của corindon. Trong corindon Quỳ Châu, Cr là nguyên tố tạo màu chính (gặp trong hầu hết các mẫu nghiên cứu), với hàm lượng dao động từ 0,05-0,28%. Màu đỏ của corindon (rubi) được tạo nên do sự thay thế đồng hình của Cr3+ cho Al3+ trong cấu trúc tinh thể hoặc khi Cr đi cùng với một số nguyên tố khác, nhưng hàm lượng Cr trội hơn. Sau Cr, Fe và Ti cũng là 2 nguyên tố thường gặp, với hàm lượng dao động từ 0,05-0,23% đối với Ti (TiO2) và 0,06-1,07% đối với Fe (Fe2O3). Sự kết hợp của Cr, Fe, Ti trong cùng một mẫu tạo cho corindon có màu hồng hoặc hồng phớt tím tuỳ thuộc vào hàm lượng của chúng.

Khi xem xét mối tương quan của Cr2O3 với Fe2O3 và TiO2, ta thấy hàm lượng Cr2O3 thường trội hơn so với Fe2O3 và TiO2 và mối tương quan giữa chúng là tương quan nghịch, theo đó những mẫu có hàm lượng Cr2O3 cao thì tương ứng với các hàm lượng Fe2O3, TiO2 thấp (Hình 1). Bên cạnh đó, từ các tương quan trên ta cũng nhận thấy là TiO2 thường đi cùng với Cr2O3 hơn so với Fe2O3. Điều này đã giải thích sự chiếm ưu thế của rubi so với saphir lam và saphir các màu khác trong khu vực nghiên cứu. Hơn nữa sự có mặt đồng thời của Cr2O3 và TiO2 cũng giải thích sự chiếm ưu thế của tông màu đỏ phớt tím của rubi Quỳ Châu rất được ưa chuộng trên thương trường.

 

 Hình 1. Tương quan giữa Cr2O3 với Fe2O3 (trái) và TiO2 (phải)

2. Đặc điểm hình thái tinh thể

Trên cơ sở quan sát trực tiếp với các tinh thể có kích thước lớn và quan sát dưới kính hai mắt với các tinh thể có kích thước nhỏ đã xác định được dạng quen của corindon vùng nghiên cứu (Hình 2). Các tinh thể phổ biến thường là hình ghép của các hình đơn lăng trụ sáu phương với hình mặt thoi và hình đôi mặt (các tinh thể dạng A, B, C, D). Bên cạnh dạng phổ biến trên, đôi khi ta cũng gặp các tinh thể là dạng ghép của hình mặt thoi và hình đôi mặt (tinh thể dạng E), khi đó thoạt nhìn tinh thể rubi rất giống với tinh thể dạng bát diện của spinel.

Khi xem xét các dạng quen của tinh thể ở các điểm mỏ khác nhau trong vùng nghiên cứu, ta thấy ở các vị trí khác nhau thì các tinh thể có dạng thường gặp khác nhau. Nếu như ở khu đồi Tỉ ta thường gặp tinh thể ở tất cả các dạng A, B, C, D, E thì ở các khu khác như bãi Triệu, bản Gié ta chỉ gặp tinh thể ở các dạng B,C,D; tinh thể dạng A ít phổ biến hơn, còn tinh thể dạng E thì hầu như không gặp.

ở các tinh thể có mặt thoi phát triển (dạng B) và mặt song diện phát triển (dạng C), ta thường quan sát thấy các vết khía ngang trên mặt lăng trụ hoặc các dấu vết sinh trưởng còn sót lại trên hình đôi mặt. Hoặc khi mặt lăng trụ kém phát triển, tinh thể trở nên bẹt dạng tấm, ta sẽ quan sát được dấu hiệu sinh trưởng cả trên mặt lăng trụ là hình đôi mặt (dạng B). Khi đó, trên mặt lăng trụ cấu trúc sinh trưởng sẽ có hình lục giác, còn trên mặt song diện cấu trúc sinh trưởng sẽ có hình tam giác.

3. Các đặc điểm ngọc học

Màu sắc

Một đặc điểm dễ nhận thấy của corindon vùng Quỳ Châu là có phổ màu tương đối hẹp với màu chủ đạo là màu đỏ (rubi), một số màu khác hay gặp là saphir hồng, saphir hồng tím.

Đặc điểm phân đới màu của corindon Quỳ Châu thường không rõ ràng, mà nhiều khi chúng chỉ là các đốm, vết màu có hình dạng khác nhau. Đối với rubi hoặc saphir có tông màu hồng hoặc hồng phớt tím, thường xuất hiện các đới màu lam với tông màu tối tới trung bình. Các đới màu này thường có kích thước không đều nhau từ rộng đến hẹp với ranh giới giữa các đới màu rõ nét; chúng thường phân bố theo các mặt sinh trưởng.

Đặc điểm bên trong

Các dấu hiệu sinh trưởng. Các dấu hiệu sinh trưởng trong corindon Quỳ Châu chủ yếu là các đường sinh trưởng thẳng, dạng góc hoặc dạng sinh trưởng xoắn (ảnh 4). Chính các cấu trúc sinh trưởng bên trong viên đá cung cấp thông tin cho việc khôi phục lại dạng thường gặp của tinh thể vùng nghiên cứu. Nhìn chung, các dấu hiệu sinh trưởng trong corindon vùng nghiên cứu thường phát triển song song với các mặt song diện và các mặt thoi.

Đặc điểm song tinh trong corindon Quỳ Châu không đặc trưng, nếu có thì thường phát triển các song tinh sinh trưởng. Phân bố trùng với các mặt phẳng song tinh này thường là các bao thể boemit màu trắng dạng kim, que thô. So với corindon Lục Yên và một số vùng khác trên thế giới thì kim, que boemit trong corindon Quỳ Châu thường ngắn và thô hơn.

 Đặc điểm bao thể. Kết quả nghiên cứu đã xác lập được tổ hợp bao thể trong corindon Quỳ Châu gồm:

- Các bao thể tiền sinh và đồng sinh có: anatas, apatit, brookit, calcit, corindon, diaspor, dolomit, graphit, monazit, muscovit, phlogopit, pyrit, rutil, zircon, zoisit, bao thể lỏng. Một số các nghiên cứu khác còn phát hiện được nephelin, sphen [1].

- Các bao thể hậu sinh có: kim que boemit, tinh thể âm, sợi rutil, bao thể dạng vân tay, các khe nứt bị lấp đầy...

Calcit: Là một trong những bao thể phổ biến nhất và phát hiện được ở hầu như trong tất cả các mẫu nghiên cứu. Các bao thể calcit thường ở nhiều dạng tinh thể khác nhau, có thể là các tinh thể tương đối hoàn chỉnh với các hệ thống cát khai đặc trưng, hoặc ở dạng tinh thể không hoàn chỉnh do bị gặm mòn. Bằng phương pháp phổ Raman phát hiện trong corindon Quỳ Châu các bao thể calcit thường phân bố cùng với các bao thể anatas, apatit, rutil, zircon, corindon.

Rutil: Trong corindon Quỳ Châu rutil tồn tại ở nhiều dạng khác nhau, bao gồm: dạng tinh thể hoàn chỉnh, dạng kim, que hoặc dạng sợi, do kết quả của sự phá huỷ dung dịch cứng. Khi ở dạng tinh thể hoàn chỉnh, các bao thể rutil thường có màu nâu đỏ đặc trưng, ánh kim loại đến bán kim mạnh và ở nhiều bao thể còn quan sát được hiện tượng song tinh dạng gối. Các bao thể rutil này có thể là những tinh thể tròn cạnh hoặc góc cạnh, điều đó chứng tỏ chúng có thể được thành tạo ở các giai đoạn khác nhau so với tinh thể corindon. Trong corindon Quỳ Châu rutil thường đi cùng với zircon, calcit, corindon.

Loại bao thể rutil thứ hai là các bao thể dạng kim, que hoặc dạng sợi. Các bao thể này hình thành do quá trình phá huỷ dung dịch cứng ở các giai đoạn nguội lạnh về sau. Sự xuất hiện và tập trung của các bao thể này tạo nên các hiện tượng màng mây, màng cháo... khá phổ biến ở corindon Quỳ Châu.

Apatit: Trong corindon Quỳ Châu các bao thể apatit có thể vừa là các bao thể tiền sinh vừa là các bao thể đồng sinh. ở các bao thể tiền sinh, chúng thường bị gặm mòn và không còn hình dạng hoàn chỉnh; trong khi đó đối với những bao thể đồng sinh chúng vẫn còn giữ được dạng tinh thể lăng trụ sáu phương hoàn chỉnh ban đầu. Các bao thể apatit thường có màu vàng rất nhạt đến không màu, trong suốt và có độ nổi thấp. Về đặc điểm phân bố, ở Quỳ Châu các bao thể apatit thường đi cùng với các bao thể calcit, rutil và zircon, trong đó tổ hợp phổ biến nhất là apatit + calcit.

Zircon: Phần lớn các bao thể zircon là những bao thể tiền sinh và chúng thường bị gặm mòn không còn dạng tinh thể hoàn chỉnh. Các bao thể zircon thường không màu, trong suốt, độ nổi cao và ánh kim cương mạnh. Bên cạnh đó một dấu hiệu đặc trưng của các bao thể zircon là hiện tượng xuất hiện các riềm phóng xạ dạng quầng bao quanh hạt bao thể. Các vành này xuất hiện do hiện tượng phân rã các nguyên tố phóng xạ trong thành phần của chính bao thể, khi đó các ứng suất tạo ra đã làm tăng thể tích của các bao thể và làm xuất hiện các phá huỷ xung quanh chúng. Tại Quỳ Châu bao thể zircon thường phân bố cùng với các bao thể rutil và calcit.

Bên cạnh các bao thê chính kể trên, trong quá trình nghiên cứu bằng phương pháp Raman còn gặp các bao thể anatas, brookit, corindon, diaspor, dolomit, graphit, phlogopit, pyrit, zoisit,...Hầu hết các bao thể này lần đầu tiên được chúng tôi phát hiện và mô tả. Các bao thể pyrit thường có dạng tinh thể lập phương không hoàn chỉnh do các cạnh, đỉnh đã bị ăn mòn ít nhiều. Các bao thể graphit thường tập trung thành từng đám, với tinh thể dạng vảy mỏng xếp chồng lên nhau (ảnh 2). Các bao thể dolomit cũng thường có dạng lập phương bị gặm mòn và phát triển trùng với các đới sinh trưởng trong tinh thể chủ (ảnh 3).

Bao thể khí-lỏng: Các bao thể khí-lỏng trong corindon Quỳ Châu tồn tại ở hai dạng là bao thể nguyên sinh và bao thể thứ sinh. Các bao thể khí-lỏng nguyên sinh hình thành đồng thời với quá trình trưởng thành của tinh thể corindon và được tinh thể chủ bao lại. Các bao thể dạng này thường là bao thể một pha hoặc hai pha, đôi khi đa pha với hình dạng đặc trưng là hình cầu hoặc dạng dẹt hoặc nhiều khi là ở dạng tinh thể âm. Các bao thể khí-lỏng thứ sinh là những bao thể xuất hiện sau khi tinh thể corindon đã hoàn toàn trưởng thành. Sự xuất hiện của chúng liên quan tới các khe nứt bị lấp đầy bởi các chất lỏng và sau đó bị hàn gắn lại. Các bao thể này thường ở dạng các bao thể vân tay, lông chim...

Thành phần của các bao thể khí-lỏng với pha khí được xác định thường là CO2, H2S.CO2 được ghi nhận bởi đỉnh đường cong Raman tại 3580-3700 cm-1, còn H2S được xác định bởi đỉnh Raman tại 2603 cm-1. Lần đầu tiên phát hiện được bao thể đa pha chứa tổ hợp CO2-H2S-COS-S8-AlO(OH) trong corindon ở cả Quỳ Châu và Lục Yên, chúng vừa là các bao thể nguyên sinh vừa là thứ sinh. Là bao thể nguyên sinh, chúng thường phát triển cùng với các cấu trúc sinh trưởng của corindon.

Một dạng bao thể khác cũng hay gặp trong corindon Quỳ Châu là các bao thể có cấu tạo dạng sao 6 cánh phát triển từ trung tâm của tinh thể. Các cánh sắp xếp định hướng này được tạo nên từ tập hợp các bao thể dạng ống nhỏ li ti chứa CO2, H2O và các bao thể carbonat như calcit, dolomit, silicat (K-Al-Fe), siderit...

BÀN LUẬN

Trong corindon Quỳ Châu, các nguyên tố tạo màu chính là Cr, Fe và Ti. Một số các nguyên tố khác cũng thường gặp, nhưng ở mức hàm lượng thấp hơn. Xét về hàm lượng thì chúng tuân thủ theo dãy Cr ® Fe ® Ti, còn độ phổ biến lại tuân thủ theo dãy ® Cr ® Ti ® Fe, theo đó Cr có mặt phổ biến nhất, tiếp theo đến Ti rồi đến Fe. Khi xét mối tương quan về hàm lượng giữa Cr so với Fe và Ti thì ta thấy chúng có mối tương quan nghịch, nghĩa là ở những mẫu có hàm lượng Cr cao thì lại có hàm lượng Fe, Ti thấp và ngược lại. Trong các mối tương quan đó, mối tương quan giữa Cr với Fe được thể hiện rõ ràng hơn mối tương quan giữa Cr với Ti.

 

So với corindon ở một số mỏ khác nhau trên thế giới [2, 4] thì corindon Quỳ Châu có hàm lượng Cr2O3 vào loại cao. Hàm lượng này thấp hơn so với corindon mỏ Mogok (Myanmar) và Mangari (Kenya) và tương đương với corindon mỏ Mysore (ấn Độ) [4]. Bên cạnh đó Ti trong corindon Quỳ Châu lại hay gặp hơn và có hàm lượng cao hơn hẳn. Điều này dẫn đến kết quả là màu đỏ của rubi Quỳ Châu thường không đậm bằng rubi Myanmar và Kenya, nhưng ngược lại ở rubi Quỳ Châu thường xuất hiện ánh phớt tím và chính sắc màu này lại hấp dẫn hơn và được ưa chuộng hơn trên thương trường. So sánh thành phần các nguyên tố của corindon Quỳ Châu và Lục Yên [Phạm Văn Long 2001, Lưu trữ Bộ Công nghiệp] ta cũng nhận thấy sự khác nhau rõ rệt. Hàm lượng Cr trong corindon Lục Yên dao động trong một khoảng rộng hơn, và bên cạnh đó Fe và Ti cũng thường đi cùng với Cr hơn (trong hầu hết các mẫu nghiên cứu đều có mặt cả ba nguyên tố). Điều này lý giải một thực tế là phổ màu của corindon Lục Yên rộng hơn. Tại Lục Yên ta dễ dạng gặp rubi và saphir (kể cả saphir các màu khác nhau) trong khi đó ở Quỳ Châu chỉ gặp rubi là chủ yếu, nếu có saphir thì chỉ có các tông màu hồng, hồng phớt tím; saphir lam gặp hạn chế hơn.

2. Dạng tinh thể phổ biến của corindon Quỳ Châu là các tinh thể kiểu Burma. Đặc trưng của các tinh thể kiểu này là tính cân đối cao của chúng với các mặt phát triển là mặt thoi, song diện và mặt lăng trụ. Một số tinh thể có mặt thoi và mặt lăng trụ rất phát triển tạo nên các tinh thể có dạng bát diện giống tinh thể spinel. Các tinh thể này thường phổ biến trong các đá hoa gần đới tiếp xúc với các thành tạo pegmatit. Các tinh thể corindon Quỳ Châu thường bị nứt vỡ mạnh, ở những tinh thể phần nào còn giữ được hình dạng ban đầu thì cũng có độ rạn nứt cao. Các mảnh vỡ của corindon trong sa khoáng thường sắc cạnh và ít bị mài tròn. Điều này chứng tỏ sau khi hình thành corindon trong khu vực đã trải qua các tác động mạnh mẽ của các hoạt động kiến tạo làm giập vỡ các tinh thể corindon trước đó và cung cấp cho sa khoáng. Các sa khoáng này phân bố không xa các thành tạo gốc (do hầu như chúng không bị mài tròn).

So với mỏ Lục Yên thì các tinh thể corindon Lục Yên thường có xu hướng phát triển theo chiều dài hơn [Phạm Văn Long, 2001] (phát triển theo trục c) với các mặt lưỡng tháp rất phát triển và do vậy tạo nên các tinh thể có kích thước lớn hơn so với corindon ở Quỳ Châu. Khi so sánh với dạng tinh thể của corindon một số mỏ khác nhau trên thế giới [2] ta nhận thấy các tinh thể corindon Quỳ Châu có dạng gần tương tự với corindon mỏ Mogok và Mong Hsu (Myanmar) cũng với các tinh thể kiểu Burma và có tính cân đối cao.

3. Các bao thể đã phát hiện được trong corindon Quỳ Châu rất phong phú và đa dạng, với hai tổ hợp bao thể đặc trưng cho hai kiểu nguồn gốc là biến chất và biến chất tiếp xúc trao đổi. Tổ hợp bao thể kiểu nguồn gốc biến chất gồm anatas + calcit + corindon + diaspor + rutil và các bao thể lỏng chứa tổ hợp CO2-H2S-COS-S8-AlO(OH) cũng như các bao thể dạng sao 6 cánh. Sự tồn tại của bao thể lỏng chứa tổ hợp CO2-H2S-COS-S8-AlO(OH) cho thấy corindon ở đây hình thành trong một hệ khép kín trong điều kiện môi trường nghèo H2O và Al, di chuyển trong dung dịch CO2 ở nhiệt độ cao để thành tạo corindon. Các bao thể dạng sao 6 cánh với cấu trúc và thành phần như mô tả ở trên chứng tỏ chúng hình thành trong môi trường biến chất ở độ sâu tương đối lớn với sự tác động của các áp suất định hướng trong quá trình tinh thể corindon trưởng thành [9]. Tổ hợp bao thể thứ hai đặc trưng cho kiểu nguồn gốc biến chất tiếp xúc trao đổi gồm calcit + apatit + phlogopit + pyrit [10]. Khoáng vật phlogopit phát triển phổ biến cùng với corindon tạo thành các cấu trúc dạng dải, mạch nhỏ định hướng trong đá gốc tại các đới tiếp xúc. Hơn nữa, sự có mặt của bao thể pyrit là một bằng chứng chứng tỏ việc thành tạo corindon ở Quỳ Châu liên quan đến quá trình biến chất tiếp xúc trao đổi, bởi lẽ pyrit là khoáng vật phụ rất phổ biến trong các đới skarn. Dấu hiệu này cho thấy corindon ở đây được thành tạo trong môi trường khô do quá trình khuếch tán nguyên tố giữa hai môi trường chênh lệch nhau về mặt hoá học. Sự có mặt của các bao thể lỏng ở hai dạng nguyên sinh và thứ sinh và hơn nữa là sự phổ biến của các bao thể corindon đã chứng tỏ tính đa kỳ và đa nguồn trong quá trình hình thành corindon ở đây.

Khi so sánh đặc điểm bao thể trong corindon mỏ Quỳ Châu với corindon mỏ Lục Yên và với một số mỏ khác nhau trên thế giới như Mogok (Myanmar), Kenya, Nepal [2], ta dễ nhận thấy sự giống nhau giữa chúng. Sự giống nhau ở đây được thể hiện trên hai mặt là tổ hợp cộng sinh các bao thể và đặc điểm của từng bao thể riêng biệt, trong đó các bao thể rutil cũng thường gặp ở nhiều dạng khác nhau: dạng tinh thể và dạng kim, que hoặc dạng sợi tạo các hiệu ứng màng cháo, màng sữa. Các bao thể apatit cũng thường ở dạng tinh thể lăng trụ sáu phương hoàn chỉnh hoặc đã bị mài tròn ít nhiều, không màu hoặc màu vàng sáng. Các bao thể calcit cũng thường không màu, dấu hiệu cát khai nhiều khi còn quan sát rõ. Các bao thể zircon cũng thường phổ biến và đặc trưng bởi các riềm phóng xạ bao quanh hạt bao thể. Bên cạnh sự giống nhau như trên, corindon Quỳ Châu thường chứa bao thể zoisit mà người ta chưa phát hiện được trong corindon ở các mỏ nêu trên. Do vậy, có thể coi zoisit là bao thể đặc trưng cho corindon Quỳ Châu.

4. Từ sự xem xét các đặc điểm tinh thể khoáng vật của corindon Quỳ Châu và so sánh với corindon Lục Yên và một số mỏ khác nhau trên thế giới nêu trên, ta thấy chúng có những nét tương đồng. Điều này có thể đi đến một kết luận corindon Quỳ Châu hình thành có liên quan tới ít nhất hai kiểu nguồn gốc là biến chất và biến chất tiếp xúc trao đổi. Theo đó, quá trình biến chất khu vực diễn ra sớm hơn đã dẫn đến sự chôn vùi và biến đổi các tầng đá trầm tích giàu thành phần carbonat thành đá phiến kết tinh chứa thấu kính đá hoa (hệ tầng Bù Khạng). Để thành tạo corindon, hàm lượng Al2O3 trước đó đã được tăng lên đáng kể do quá trình phong hoá trong môi trường karst hình thành các tổ hợp khoáng vật boemit, diaspor, gibsit. Trong quá trình biến chất thì đá carbonat sẽ biến thành đá hoa, các đá trầm tích khác sẽ biến thành đá phiến hoặc gnei và các khoáng vật nhôm ngậm nước sẽ chuyển thành corindon theo sơ đồ:

2AlO(OH) ® Al2O3 + H2O

(boemit, diaspor) corindon

Quá trình biến chất cũng đồng thời là tiền đề cho sự thành tạo các xâm nhập granit cao nhôm trong khu vực. Chúng có thể là các sản phẩm nóng chảy sâu từ các thành phần ban đầu là các đá gneis và các đá phiến kết tinh cao nhôm. Chính các dung dịch hậu magma liên quan tới các hoạt động xâm nhập này với thành phần giàu chất bốc và có hoạt tính cao xuyên vào các đá vây quanh với thành phần carbonat (đá hoa), các đá vây quanh này sẽ bị tác động bởi các dung dịch nhiệt dịch dẫn đến sự biến đổi thành phần hoặc tái kết tinh. Kiểu và mức độ của sự biến đổi phụ thuộc vào nhiệt độ và thành phần của dung dịch nhiệt dịch cũng như thành phần của đá vây quanh. Môi trường carbonat là môi trường thuận lợi cho sự biến đổi. Nếu các đá carbonat giàu hợp phần magnesi (đá hoa dolomit) sẽ dẫn đến sự hình thành các khoáng vật chứa magnesi như spinel, forsterit,... Trong quá trình này, dung thể hậu magma sẽ là nguồn cung cấp các hợp phần tạo các khoáng vật silicat cũng như cung cấp hợp phần nhôm để hình thành corindon.

VĂN LIỆU

1. Dao N. Q., Delaigue L.; 2001. Etudes des inclusions dans les rubis Vietnamiens par spectrometries optiques. Inter.Workshop on Mat. Char. by Solid state Spectr.: Gem and Mineral of Vietnam. Hanoi.

2. Hughes R. W., 1997. Ruby and Sapphire. White Lotus, Bangkok.

3. Kane R. E. et al., 1991. Ruby and fancy sapphire from Vietnam. Gems & Gemology, 27/3:136-155.

4. Muhlmeister Sam et al., 1998. Separating natural and synthetic ruby on the basis of trace-elements chemistry. Gems & Gemmology, 34/2 : 80-101.

5. Nguyễn Ngọc Trường, Nguyễn Thị Minh Thuyết, Phạm Văn Long; 1998. Đặc điểm tiêu hình tinh thể corindon khu vực Yên Bái. TC Địa chất, A/245 : 42-48. Hà Nội.

6. Phạm Văn Long, 1996. Kết quả nghiên cứu bước đầu về điều kiện thành tạo và nguồn gốc corindon Lục Yên. TC Địa chất, A/237 : 71-74. Hà Nội.

7. Phạm Văn Long, 1997. Đặc điểm bao thể của rubi, saphir Lục Yên và Quỳ Châu. Báo cáo Hội thảo "Những thành tựu mới nhất trong nghiên cứu địa chất đá quý ở Việt Nam", Hội chợ Đá quý và HTS Việt Nam lần I, Tổng công ty Đá quý và Vàng Việt Nam. Hà Nội.

8. Phạm Văn Long, 1999. Đặc điểm bao thể rubi, saphir Lục Yên. TC Địa chất, A/252 : 21-28, Hà Nội.

9. Phạm Văn Long, 2000. Điều kiện thành tạo và nguồn gốc của saphir trong bazan miền Nam Việt Nam. TC Địa chất, A/258 : 5-6. Hà Nội.

10. Phạm Văn Long, 2002. Nghiên cứu đặc điểm bao thể của rubi, saphir Việt Nam bằng phương pháp phổ Raman. Báo cáo HN quang học và quang phổ toàn quốc lần thứ III, Nha Trang.