QUY CHẾ

ĐÓNG CỬA MỎ CÁC KHOÁNG SẢN RẮN

(Ban hành kèm theo Quyết định số 1456/QĐ-ĐCKS

ngày 04 tháng 9 năm 1997 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1 : Quy chế này quy định những việc phải thực hiện khi đóng cửa mỏ các khoáng sản rắn nhằm :

     1. Thanh lý mỏ sau khi đã khai thác hết trữ lượng khoáng sản ở khu vực khai thác được đóng cửa mỏ;

     2. Bảo vệ trữ lượng khoáng sản chưa khai thác hoặc chưa khai thác hết ở khu vực khai thác được đóng cửa mỏ;

     3. Bảo quản công trình, thiết bị, tài sản cố định, tài liệu địa chất và khai thác khoáng sản của khu vực được đóng cửa mỏ;

     4. Bảo đảm an toàn, phục hồi môi trường, môi sinh và đất đai ở khu vực khai thác khoáng sản sau khi đóng cửa mỏ theo quy định của pháp luật.

Điều 2 :Các trường hợp đóng cửa mỏ phải thực hiện theo Quy chế này gồm:

     1. Đóng cửa mỏ để thanh lý một phần hay toàn bộ diện tích khu vực khai thác mỏ do đã khai thác hết trữ lượng khoáng sản;

     2. Đóng cửa phần diện tích khu vực khai thác được trả lại để bảo vệ do trữ lượng khoáng sản tại phần diện tích đó chưa được khai thác hết;

     3. Đóng cửa mỏ để bảo vệ do giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật Khoáng sản nhưng trữ lượng khoáng sản của khu vực khai thác mỏ chưa được khai thác hết.

Điều 3: Quy chế này không áp dụng đối với tất cả các trường hợp tạm ngừng khai thác khi giấy phép khai thác khoáng sản đang có hiệu lực.

Điều 4 : Cơ quan có thẩm quyền cấp loại giấy phép khai thác khoáng sản nào thì có thẩm quyền phê duyệt đề án đóng cửa mỏ loại khoáng sản đó.

Điều 5 : Cơ quan tiếp nhận đề án đóng cửa mỏ của Bộ Công nghiệp là Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.

     Cơ quan tiếp nhận đề án đóng cửa mỏ của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là Sở Công nghiệp.

Điều 6 : Tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản phải chịu mọi chi phí để thực hiện việc đóng cửa mỏ theo đề án đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản phê duyệt.

Điều 7 : Sau khi đề án đóng cửa mỏ đã được thực hiện và nghiệm thu theo Quy chế này và hợp đồng thuê đất đã được thanh lý thì khoáng sản còn lại ở khu vực đã đóng cửa mỏ phải được bảo vệ theo quy định của pháp luật đối với tài nguyên khoáng sản chưa khai thác.

Chương II

NGUYÊN TẮC VÀ THỦ TỤC

Điều 8 : Mọi trường hợp giấy phép khai thác khoáng sản bị chấm dứt hiệu lực theo quy định tại Điều 40 của Luật Khoáng sản đều phải thực hiện việc đóng cửa mỏ để bảo vệ hoặc để thanh lý và phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ liền quan theo quy định tại các điểm b, c và d khoản 2, Điều 40 của Luật Khoáng sản.

Điều 9 : Trong thời hạn không quá 45 ngày kể từ ngày giấy phép chấm dứt hiệu lực, tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản phải nộp đề án đóng cửa mỏ, toàn bộ tài liệu địa chất, khai thác, chế biến khoáng sản, các văn bản pháp lý về quyền khai thác và các quyền khác có liên quan cho cơ quan tiếp nhận quy định tại Điều 5 của Quy chế này.

Điều 10 : Để được đóng cửa mỏ, tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản phải gửi đến cơ quan tiếp nhận các hồ sơ :

     a. Tờ trình xin đóng cửa mỏ;

     b. Đề án đóng cửa mỏ;

     c. Bản đồ hiện trạng khu vực đóng cửa mỏ;

Điều 11 : Nội dung của đề án đóng cửa mỏ phải làm rõ những vấn đề sau đây :

     - Tóm tắt lịch sử khai thác mỏ;

     - Trữ lượng khoáng sản theo báo cáo được đánh giá, xét duyệt; trữ lượng khai thác theo thiết kế, trữ lượng thực tế đã khai thác, tỷ lệ tổn thất ;

     - Giải trình về lý do đóng cửa mỏ;

     - Hiện trạng, số lượng, khối lượng và mức độ an toàn các công trình mỏ (kể cả các bãi thải);

     - Khối lượng công việc và biện pháp đóng cửa mỏ, trong đó làm rõ các biện pháp bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác, những công việc phải làm để đảm bảo an toàn sau khi đóng cửa mỏ, kể cả các bãi thải của mỏ và biện pháp phục hồi đất đai và môi trường liên quan;

     - Kiến nghị về việc bảo vệ hoặc sử dụng hợp lý các công trình mỏ và khu vực khai thác mỏ sau khi hoàn thành công việc đóng cửa mỏ;

- Khối lượng, tiến độ thực hiện các công việc của đề án và thời gian hoàn thành;

     - Chi phí đóng cửa mỏ và cơ sở đảm bảo cho nguồn chi phí đó, kể cả những khoản bồi thường thiệt hại do việc đóng cửa mỏ gây ra.

Điều 12 : Trong thời hạn không quá 20 ngày kể từ ngày nhận được đề án đóng cửa mỏ của tổ chức, cá nhân trong nước và không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được đề án đóng cửa mỏ của tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc tổ chức liên doanh có bên nước ngoài, cơ quan tiếp nhận đề án phải hoàn thành việc tổ chức thẩm định, kiểm tra thực địa, thu thập ý kiến của các cơ quan có liên quan, trình cấp có thẩm quyền để phê duyệt hoặc có văn bản yêu cầu bổ sung, sửa chữa đề án.

Điều 13 : Trong thời hạn không quá 15 ngày kể từ khi nhận được báo cáo về việc đã hoàn thành đề án đóng cửa mỏ Cơ quan tiếp nhận đề án có trách nhiệm chủ trì tổ chức nghiệm thu kết quả thực hiện đề án đóng cửa mỏ và thông báo kết quả nghiệm thu bằng văn bản đến các cơ quan hữu quan ở Trung ương và địa phương.

Điều 14 : Sau khi việc đóng cửa mỏ đã được nghiệm thu, tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản phải hoàn tất việc thanh lý hợp đồng thuê đất và các hợp đồng khác liên quan tới việc thực hiện giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật.

Điều 15 : Việc khôi phục lại hoạt động khai thác khoáng sản ở khu vực đã đóng cửa mỏ phải được thực hiện như việc mở mỏ mới và phải tuân theo Quy định thủ tục hành chính về giấy phép hoạt động khoáng sản ban hành kèm theo Quyết định số 325/QĐ-ĐCKS ngày 26 tháng 02 năm 1997 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16 : Quy chế này có hiệu lực thi hành sau ba mươi (30) ngày kể từ ngày ban hành và thay thế Quy chế đóng cửa mỏ các khoáng sản rắn ban hành kèm theo Quyết định số 828 CNNg/QLTN ngày 16/12/1992 của Bộ Công nghiệp nặng. Những quy định trước đây trài với Quy chế này đều bãi bỏ.

Điều 17 : Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Sở Công nghiệp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy chế này.

 

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP

 

 

 

ĐẶNG VŨ CHƯ