LÚN CHÌM KIẾN TẠO TRONG GIAI ĐOẠN PLIOCEN-ĐỆ TỨ
KHU VỰC TÂY NAM TRŨNG SÂU BIỂN ĐÔNG

Phạm Nguyễn Hà Vũ, Lường Thị Thu Hoài, Nguyễn Văn Vượng,
Nguyễn Đình Nguyên, Phan Thanh Tùng, Nguyễn Thế Hùng

Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự Nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội

334, Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội

Tác giả liên hệ: havupn@gmail.com

Tóm tắt: Chuyển động kiến tạo Pliocen - Đệ Tứ ở khu vực Tây Nam trũng sâu Biển Đông chủ yếu liên quan đến chuyển động kiến tạo lún chìm thẳng đứng của địa hình đáy biển cuối Miocen đầu Pliocen sau khi quá trình tách dãn Biển Đông ngừng nghỉ. Bằng phương pháp backstripping 1D và sử dụng các kết quả phân tích thành phần trầm tích, bề dày, tuổi, độ lỗ rỗng của các lớp trầm tích trong cụm lỗ khoan 1143 site 184 của chương trình khoan Đại dương ODP, biên độ lún chìm địa hình đáy biển khu vực Tây Nam trũng sâu Biển Đông trong giai đoạn Pliocen - Đệ Tứ được xác định từ 150 đến 180m, trong đó lún chìm kiến tạo do quá trình kiến tạo dưới sâu trong móng sinh ra là 100 đến 120m cho khoảng thời gian 5 triệu năm trở lại đây. Tốc độ lún chìm do kiến tạo dao động trong khoảng từ 20 - 24 m/triệu năm hay 2 - 2,4 cm/1000 năm. Trong thời gian Pliocen - Đệ Tứ, tốc độ lún chìm kiến tạo ở khu vực nghiên cứu có ba lần thay đổi tốc độ. Lần thứ nhất xảy ra vào 4,5 và 4,4 triệu năm, tốc độ lún chìm giảm so với giai đoạn Miocen muộn trước đó. Thời điểm thứ hai xảy ra trong khoảng giữa 4,1 và 3,8 triệu năm, tốc độ lún chìm kiến tạo tăng nhanh hơn giai đoạn trước đó. Thời điểm thứ ba xảy ra trong khoảng giữa 2,6 và 2,5 triệu năm trước tức vào đầu Đệ Tứ, tốc độ lún chìm trong giai đoạn này lại tăng nhanh hơn giai đoạn trước đó.

Từ khóa: Lún chìm kiến tạo; phương pháp backstripping; Tây Nam trũng sâu Biển Đông; Kiến tạo Pliocen - Đệ tứ.

(Xem toàn văn: Liên hệ với Tạp chí Địa Chất – Trung tâm Thông tin, Lưu trữ và Tạp chí địa chất)