ĐẶC ĐIỂM THẠCH HỌC, THẠCH ĐỊA HÓA CÁC ĐÁ SIÊU MAFIC VÙNG TÂN LẬP, HUYỆN KON RẪY, TỈNH KON TUM

Phạm Trung Hiếu1, Trần Duân2, Trần Xuân Hòa1,2, Phạm Minh1,
Bùi Kim Ngọc1

1: Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Tp. HCM.

2: Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam, số 200 Lý Chính Thắng, quận 3, TP. Hồ Chí Minh.

Tác giả liên hệ: tranduandc3@gmail.com

Tóm tắt: Các đá siêu mafic vùng Tân Lập có thành phần gồm peridotit, serpentinit-apodunit, pyroxenit, hornblendit, cùng các loại đá biến đổi nguồn gốc siêu mafic như anthophylit và chrysotil. Chúng là các thể nhỏ dạng thấu kính nằm chỉnh hợp với các tổ hợp đá biến chất tướng amphibolit thuộc phức hệ Khâm Đức (NP-Ɛkđ). Các thể rộng từ vài mét đến hàng chục mét, kéo dài vài chục đến vài trăm mét theo phương Đông Bắc-Tây Nam.

Đặc điểm thạch hóa của đá siêu mafic vùng Tân Lập có đặc điểm tương đồng với các thành tạo manti trên và thành hệ hyperbasic kiểu alpi với đặc trưng cơ bản là giàu MgO, thấp SiO2, nghèo kiềm và rất thấp TiO2. Hành vi các nguyên tố hiếm-vết trong đá siêu mafic vùng Tân Lập có biểu hiện giống với đới hút chìm (SSZ) hơn là dãy núi giữa đại dương (MOR). Các kết quả phân tích trên đơn khoáng cromspinel cho thấy chúng có nguồn gốc từ manti trên của thạch quyển đại dương, đã trải qua quá trình nóng chảy từng phần với mức độ nóng chảy khá cao khoảng 30-35%. Các đá siêu mafic này được hình thành trong bối cảnh kiến tạo trước cung của đới hút chìm.

Từ khoá: Siêu mafic, Tân Lập, manti trên, đới hút chìm, cromspinel.

(Xem toàn văn: Liên hệ với Tạp chí Địa Chất – Trung tâm Thông tin, Lưu trữ và Tạp chí địa chất)